Ngay khoảnh khắc chấp nhận chính mình, bạn sẽ trở nên cởi mở, trở nên dễ bị tổn thương, trở nên dễ dàng tiếp nhận. Ngay khoảnh khắc chấp nhận chính mình, bạn sẽ không còn nghĩ đến một tương lai nào khác bởi không cần phải hoàn thiện bất cứ điều gì. Khi đó, mọi thứ sẽ tốt đẹp, tốt đẹp như vốn có. Trong chính trải nghiệm đó, cuộc sống bắt đầu đón nhận một sắc thái mới, âm thanh mới bắt đầu trỗi dậy. Nếu bạn chấp nhận chính mình, đó là sự khởi đầu cho việc chấp nhận mọi thứ. Nếu chối bỏ chính mình, nghĩa là bạn chối bỏ cả vũ trụ này. Nếu chối bỏ chính mình, nghĩa là bạn đang chối bỏ sự sống, sự tồn tại. Nếu chấp nhận chính mình, bạn đã chấp nhận sự tồn tại; khi đó sẽ không còn gì ngoài niềm vui, niềm hân hoan. Không còn than phiền, không còn ác cảm, hận thù; bạn sẽ cảm thấy biết ơn. Khi đó, sự sống hay cái chết đều tốt, niềm vui hay nỗi buồn đều tốt, được gần gũi những người yêu thương hay cô đơn một mình cũng đều tốt. Khi đó, bất kể điều gì xảy ra cũng tốt bởi nó bắt nguồn từ cái tổng thể.
Lo lắng, khắc khoải là trạng thái căng thẳng giữa những gì bạn đang có và những gì bạn phải có.
Nhưng từ bao thế kỷ, con người đã được dạy là không chấp nhận chính mình. Tất cả các nền văn hóa trên thế giới đều đầu độc tâm trí con người bởi tất cả mọi người đều phụ thuộc vào một thứ: hoàn thiện chính mình. Chúng tạo ra sự lo lắng, khắc khoải bên trong bạn - khắc khoải là trạng thái căng thẳng giữa những gì bạn đang có và những gì bạn phải có. Mọi người nhất định phải ở trong tình trạng lo lắng nếu tồn tại một chữ “phải” trong đời. Nếu cần phải thực hiện một lý tưởng, làm sao bạn có thể thư thả được? Làm sao bạn có thể yên tâm ngồi nhà? Bạn không thể sống một cuộc sống trọn vẹn bởi tâm trí cứ khao khát về tương lai. Và tương lai đó sẽ không bao giờ đến - nó không thể xảy ra. Dựa trên chính bản chất khao khát của bạn, điều đó là không thể. Khi nó xảy ra, bạn sẽ bắt đầu tưởng tượng đến thứ khác, bạn sẽ bắt đầu mơ ước những điều khác. Bạn luôn có khả năng hình dung về một điều kiện tốt hơn. Và bạn luôn ở trong trạng thái lo lắng, khắc khoải và căng thẳng - đó chính là cách mà con người đã sống từ bao thế kỷ.
Rất hiếm khi, chỉ thi thoảng mới có người thoát khỏi được cái bẫy đó - Người đó được gọi là Phật, là Thượng đế. Người thức tỉnh là người đã thoát khỏi cạm bẫy của xã hội, người đã hiểu được rằng đây là điều ngớ ngẩn. Bạn không thể hoàn thiện chính mình. Tôi không nói rằng sự hoàn thiện sẽ không xảy ra, hãy nhớ điều đó, tôi nói là bạn không thể hoàn thiện chính mình. Khi bạn chấm dứt việc hoàn thiện chính mình, cuộc sống sẽ tự hoàn thiện. Trong trạng thái thư giãn đó, trong trạng thái chấp nhận đó, cuộc sống sẽ bắt đầu quan tâm đến bạn, cuộc sống sẽ bắt đầu tuôn trào trong bạn. Và khi bạn không còn mối ác cảm nào, không còn lời than phiền nào, bạn sẽ thăng hoa, sẽ tỏa sáng.
Khi bạn chấm dứt việc hoàn thiện chính mình, cuộc sống sẽ tự hoàn thiện. Trong trạng thái thư giãn đó, trong trạng thái chấp nhận đó, cuộc sống sẽ bắt đầu quan tâm đến bạn, cuộc sống sẽ bắt đầu tuôn trào trong bạn.
Cho nên, tôi muốn nói với bạn rằng: Hãy chấp nhận chính mình như vốn có. Và đó là điều khó khăn nhất trên thế giới này bởi nó đi ngược lại hệ thống đào tạo, nền giáo dục, văn hóa của bạn. Ngay từ lúc chào đời, bạn đã được dạy bảo về cách thức mà bạn phải đạt được. Không ai nói với bạn rằng bạn vẫn tốt như vốn có; tất cả đều nhồi nhét các chương trình vào đầu bạn. Bạn đã được lập trình bởi chính bố mẹ, tu sĩ, chính khách, giáo viên của mình – bạn được lập trình chỉ vì một lý do: Không ngừng hoàn thiện bản thân. Dù bạn ở đâu, bạn cũng không ngừng tìm kiếm điều gì đó. Không bao giờ ngừng nghỉ. Làm việc cho đến chết.
Lời dạy của tôi rất đơn giản: Đừng trì hoãn cuộc sống. Đừng đợi đến ngày mai, nó sẽ không bao giờ xảy đến. Hãy sống cho ngày hôm nay! Jesus đã nói với các đệ tử: “Hãy nhìn những bông hoa loa kèn trên cánh đồng. Chúng không làm việc vất vả, chúng không len lỏi, không xoay tròn – ngay cả Solomon cũng không đẹp bằng những bông hoa nhỏ bé tội nghiệp này”. Đâu là vẻ đẹp của những bông hoa kia? Đó là sự chấp nhận tuyệt đối. Nó không có chương trình hoàn thiện nào. Nó ở đây lúc này, nhảy múa trong gió, trong ánh nắng mặt trời, trò chuyện với những đám mây, nghỉ ngơi trong nắng chiều ấm áp, đùa giỡn với những cánh bướm… tận hưởng, hiện hữu, yêu và được yêu.
Và toàn bộ sự hiện hữu sẽ bắt đầu truyền năng lượng vào cơ thể bạn khi bạn mở ra. Rồi cây cối sẽ trở nên xanh tươi hơn so với thời điểm bạn nhìn thấy lúc này, rồi mặt trời sẽ rực rỡ hơn so với thời điểm bạn nhìn thấy lúc này; rồi mọi thứ sẽ lâng lâng và tràn đầy màu sắc. Nếu không, tất cả sẽ trở nên buồn tẻ, xám xịt và ảm đạm.
Hãy chấp nhận chính mình - đó là lời cầu nguyện. Hãy chấp nhận chính mình - đó là lòng biết ơn. Hãy thư giãn trong cái hiện hữu của bạn - đây là cách mà Thượng đế mong muốn ở bạn. Người không mong muốn bạn đạt đến điều gì khác; nếu không, Người hẳn đã biến bạn thành kẻ khác. Người tạo ra bạn là chính bạn, không phải ai khác. Tìm cách hoàn thiện chính mình có nghĩa là tìm cách hoàn thiện Thượng đế - điều được xem là ngu ngốc, và bạn sẽ ngày một điên rồ hơn khi cố làm như thế. Bạn sẽ không đến được nơi đâu, bạn sẽ chỉ bỏ lỡ một cơ hội lớn.
Hãy xem đây là màu sắc của bạn: sự chấp nhận. Hãy xem đây là tính cách đặc trưng của bạn: sự chấp nhận, hoàn toàn chấp nhận. Và rồi bạn sẽ ngạc nhiên: Cuộc sống luôn sẵn sàng phủ những cơn mưa quà tặng lên bạn. Cuộc sống không phải là kẻ keo kiệt, sự tồn tại luôn thừa thãi – nhưng chúng ta không thể đón nhận nó vì chúng ta cảm thấy rằng mình không xứng đáng.
Đó là lý do vì sao mọi người cứ bám lấy nỗi khổ - chúng phù hợp với lập trình của họ. Mọi người cứ mãi trừng phạt chính mình theo nghìn lẻ một cách khác nhau. Vì sao ư? Bởi điều đó thích hợp với chương trình đã định sẵn. Nếu không thể đạt đến trạng thái phải có, bạn sẽ trừng phạt chính mình, bạn phải tạo ra nỗi khổ cho chính mình. Đó là lý do vì sao mọi người cảm thấy tốt khi đau khổ.
Tôi xin nói điều này: Mọi người cảm thấy hài lòng khi họ đau khổ; họ trở nên rất, rất khó chịu khi hạnh phúc. Đây là điều tôi quan sát thấy ở hàng ngàn người: Khi họ đau khổ, mọi thứ sẽ đúng với bản chất của nó. Họ chấp nhận nó - nó vừa khít với lập trình của họ, với tâm trí họ. Họ biết rằng mình khủng khiếp đến mức nào, họ biết rằng mình là những kẻ tội lỗi.
Chưa bao giờ có tội lỗi nguyên thủy, chỉ có sự hồn nhiên nguyên thủy. Mỗi đứa trẻ được sinh ra trong sự hồn nhiên đó.
Bạn đã được dạy bảo rằng bạn được sinh ra trong tội lỗi. Thật ngu ngốc! Thật vô nghĩa! Con người không được sinh ra trong tội lỗi, con người được sinh ra trong sự hồn nhiên. Chưa bao giờ có tội lỗi nguyên thủy, chỉ có sự hồn nhiên nguyên thủy. Mỗi đứa trẻ được sinh ra trong sự hồn nhiên đó. Chúng ta khiến nó cảm thấy tội lỗi - chúng ta bắt đầu nói: “Không phải thế kia. Con phải như thế này”. Còn đứa trẻ thì tự nhiên và trong sáng. Chúng ta trừng phạt nó vì sự tự nhiên, trong sáng đó, và chúng ta khen thưởng nó vì sự giả tạo và ranh ma. Chúng ta khen thưởng nó vì nó biết giả vờ - tất cả những phần thưởng của chúng ta đều dành cho những con người giả dối. Nếu ai đó ngây thơ, trong sáng, chúng ta không trao bất kỳ phần thưởng nào; chúng ta không có phần thưởng nào, không có sự tôn trọng nào dành cho người đó. Người vô tội bị buộc tội, người vô tội được cho là gần giống với tội phạm. Người vô tội được xem là ngốc nghếch, còn kẻ ranh ma được cho là thông minh. Kẻ giả tạo được chấp nhận bởi nó phù hợp với xã hội giả dối.
Khi đó, cả cuộc đời bạn sẽ chẳng là gì ngoài nỗ lực tạo ra càng nhiều hình phạt cho chính mình. Và bất cứ thứ gì bạn làm đều sai lầm, vậy nên bạn phải trừng phạt chính mình về mọi niềm vui. Thậm chí khi niềm vui đến - khi Thượng đế tình cờ va vào bạn và bạn không thể né tránh được Người - ngay lập tức bạn bắt đầu trừng phạt chính mình. Có gì đó không đúng - sao điều này lại xảy đến với một người khủng khiếp như mình?
Thậm chí khi niềm vui đến, ngay lập tức bạn bắt đầu trừng phạt chính mình. Có gì đó không đúng – sao điều này lại xảy đến với một người khủng khiếp như mình?
Một đêm nọ, có người đến hỏi tôi: “Osho, thầy nói về tình yêu, về sự dâng hiến trong tình yêu. Nhưng con có gì để trao tặng cho ai? Con có gì để dâng hiến cho người mình yêu thương?”.
Đây là ý nghĩ bí mật của mọi người: “Tôi chẳng có gì”. Thế bạn không có gì? Không ai nói cho bạn biết rằng bạn sở hữu tất cả vẻ đẹp của những bông hoa - bởi con người là bông hoa vĩ đại nhất, là sinh vật tiến hóa nhất trên thế gian này. Không loài chim nào có thể cất tiếng ca như bạn - tiếng hót của loài chim chỉ là tiếng ồn ào, mặc dù vẫn tuyệt đẹp bởi chúng bắt nguồn từ sự hồn nhiên, trong sáng. Bạn có thể hát nhiều bài hát hay hơn nữa, chứa đựng ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn hơn nhiều. Nhưng bạn lại hỏi: “Tôi có gì?”. Cây cối xanh tươi, các vì sao tỏa sáng, còn dòng sông trong mát - nhưng bạn đã từng nhìn thấy điều gì xinh đẹp hơn khuôn mặt con người? Bạn có bao giờ tình cờ bắt gặp điều gì đẹp hơn đôi mắt của con người? Trên trái đất này, không có gì tinh tế như đôi mắt của con người - không một đóa hoa hồng, đóa hoa sen nào có thể sánh được. Nhưng bạn lại muốn biết: “Tôi có gì để dâng tặng trong tình yêu?”. Bạn hẳn đã sống một cuộc đời luôn tự lên án mình; bạn hẳn đã hạ bản thân mình xuống và mang vác gánh nặng tội lỗi.
Trên thực tế, khi ai đó yêu thương bạn, bạn sẽ hơi bất ngờ: “Cái gì? Tôi ư? Tôi cũng có người yêu sao?”. Ý nghĩ đó nảy ra trong đầu bạn: “Bởi vì người đó không biết về tôi. Nếu hiểu rõ về tôi, nhìn thấu tôi, anh ta sẽ không bao giờ yêu thương tôi”. Vì vậy, những người yêu nhau bắt đầu che giấu chính mình. Họ giữ bí mật nhiều thứ, họ không cởi mở bởi e ngại rằng khoảnh khắc họ mở lòng, tình yêu chắc chắn sẽ tan biến - bởi vì không thể yêu thương chính mình, làm sao họ có thể hiểu được có ai đó sẽ yêu thương họ?
Tình yêu bắt đầu bằng sự tự yêu mình. Đừng ích kỷ nhưng hãy vì bản thân mình - và chúng là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt. Đừng là một Narcissus(*), đừng trở nên ám ảnh với chính mình. Nhưng yêu thương bản thân theo cách tự nhiên vốn có là một điều không thể thiếu, là một hiện tượng cơ bản. Chỉ khi đó, bạn mới có thể yêu thương người khác.
(*) Truyền thuyết Hy Lạp kể rằng Narcissus là một chàng trai có diện mạo rất đẹp nhưng không biết yêu và cũng chưa từng yêu ai. Một ngày nọ, Narcissus đến bên một con suối. Khi nhìn thấy khuôn mặt mình phản chiếu dưới nước, Narcissus bỗng đem lòng yêu bản thân đến mức không chịu rời con suối cho đến khi gục chết vì đói khát.
Hãy chấp nhận chính mình, yêu thương chính mình, bạn là sản phẩm của tạo hóa. Tạo hóa đã in dấu lên bạn, và bạn là một cá thể đặc biệt, duy nhất. Không ai khác từng giống và sẽ giống như bạn - chỉ đơn giản bạn là độc nhất, không gì sánh được. Hãy chấp nhận điều này, yêu thương điều này, ăn mừng điều này - và khi làm điều đó, bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy được sự độc đáo, duy nhất của người khác, vẻ đẹp không gì sánh được của người khác. Tình yêu chỉ xảy ra khi bạn hoàn toàn chấp nhận chính mình, chấp nhận người khác, chấp nhận thế giới. Sự chấp nhận đó sẽ tạo môi trường cho tình yêu nảy nở, đơm hoa kết trái.
Đừng ích kỷ nhưng hãy vì bản thân mình – và chúng là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt. Đừng là một Narcissus, đừng trở nên ám ảnh với chính mình. Nhưng yêu thương bản thân theo cách tự nhiên vốn có là một điều không thể thiếu.