Lão Tử nói:
Khi được sinh ra, con người là sinh vật mềm yếu; khi chết, con người trở nên khô cứng. Khi vạn vật và cây cỏ còn sống, chúng mềm mại và dịu dàng; khi chết, chúng trở nên khô giòn, dễ vỡ. Do đó, sự khô cứng là bạn đồng hành của cái chết, còn sự mềm mại, dịu dàng là bạn đồng hành của cuộc sống.
Do đó, khi thiếu linh hoạt, quân đội sẽ thất bại. Khi cái cây rắn chắc, nó sẽ bị đốn. Sự to lớn và mạnh mẽ ở bên dưới; sự mềm mại, yếu đuối nằm ở phía trên.
Cuộc sống là một dòng sông, một dòng chảy, một chuỗi liên tục không có điểm bắt đầu và cũng không có điểm kết thúc. Nó sẽ không đi đến đâu, lúc nào nó cũng ở đây. Thời gian duy nhất dành cho cuộc sống là lúc này, và nơi duy nhất là tại đây. Không có đấu tranh, không có gì cần đạt đến. Không có cuộc chiến nào để chinh phục, không có gì để chiến thắng. Không nỗ lực bảo vệ bởi không có gì nguy hiểm để cần bảo vệ. Chỉ có cuộc sống tồn tại, một mình, hoàn toàn đơn độc, xinh đẹp và uy nghiêm trong trạng thái đơn độc đó.
Bạn có thể sống theo hai cách: Bạn có thể tuôn chảy cùng nó – khi đó, bạn cũng sẽ trở nên uy nghiêm, bạn cũng trở nên duyên dáng, không xung đột, không đấu tranh. Khi đó, bạn sẽ xinh đẹp, sẽ ngây thơ như một đứa trẻ, mềm mại như một bông hoa, tinh tế và không bị biến chất. Nếu tuôn chảy cùng cuộc sống, bạn trở thành người có đạo. Đó chính là ý nghĩa mà Lão Tử muốn nói, mà tôi muốn nói.
Tôn giáo thường có nghĩa là đấu tranh với cuộc sống, vì Thượng đế. Nó thường có nghĩa Thượng đế là mục tiêu, và cuộc sống cần phải bị chối bỏ và tranh đấu. Cần phải hy sinh cuộc sống và đạt đến Thượng đế. Loại tôn giáo này chỉ là một phần của lối suy nghĩ tầm thường, bạo lực và quá khích.
Không có Thượng đế bên ngoài sự sống; cuộc sống chính là Thượng đế. Nếu chối bỏ cuộc sống tức là bạn chối bỏ Thượng đế; nếu hy sinh cuộc sống, nghĩa là bạn hy sinh Thượng đế. Trong tất cả những sự hy sinh đó, chỉ có Thượng đế bị hy sinh. Nhà thần học gốc Hy Lạp George Gurdjieff đã từng nói - có vẻ nghịch lý nhưng hoàn toàn đúng khi cho rằng tất cả các tôn giáo đều chống lại Thượng đế. Nếu cuộc sống là Thượng đế, thì việc chối bỏ, không thừa nhận, hy sinh nó là hành động chống lại Thượng đế. Nhưng dường như Gurdjieff lại không biết nhiều về Lão Tử. Hay thậm chí nếu có biết về Lão Tử, hẳn ông cũng đã nói điều tương tự bởi vì Lão Tử không phải là người có đạo bình thường. Ông còn hơn cả nhà thơ, hơn cả nhạc sĩ, nghệ sĩ, và sáng tạo hơn cả nhà thần học, tu sĩ, nhà thuyết pháp, triết gia. Ông bình thường đến mức bạn không nghĩ rằng ông là người có đạo. Nhưng, quả thực, người có đạo có nghĩa là sống một cuộc sống bình thường theo cách phi thường đến mức một bộ phận không chống lại cái tổng thể, mà tuôn chảy theo cái tổng thể.
Có hai khả năng. Khả năng thứ nhất là bạn có thể đấu tranh với cuộc sống, bạn có thể đặt ra những mục tiêu riêng chống lại cuộc sống - và tất cả các mục tiêu đều riêng tư, đều mang tính cá nhân. Bạn đang tìm cách đặt ra một mô hình riêng của mình lên cuộc sống. Bạn đang tìm cách buộc cuộc sống phải đi theo bạn. Bạn chỉ là một phần nhỏ, rất nhỏ, và bạn đang tìm cách bắt cái lớn, cái tổng thể tuân theo bạn. Dĩ nhiên là bạn sẽ thất bại. Bạn chắc chắn sẽ mất đi sự duyên dáng, chắc chắn sẽ trở nên khô cứng. Đấu tranh sẽ tạo ra sự thô cứng. Chỉ cần nghĩ đến việc đấu tranh, sự khô cứng sẽ xuất hiện quanh bạn. Chỉ nghĩ đến việc phản kháng, lớp vỏ sừng sẽ hình thành. Chính ý nghĩ rằng bạn có một mục tiêu nhất định sẽ biến bạn thành ốc đảo; bạn không còn là một phần của cái tổng thể to lớn. Và khi bị tách rời khỏi cuộc sống, bạn sẽ giống như cái cây bị bật rễ khỏi mặt đất. Nó chỉ sống thêm một thời gian ngắn nhờ những dưỡng chất còn sót lại, nhưng nó sẽ chết dần. Cây cối cần rễ; cây cối cần sống trong đất, hòa quyện với đất và trở thành một phần của đất.
Bạn cần phải tham gia vào cuộc sống, trở thành một phần của cuộc sống và bám rễ vào nó. Khi đã bám rễ vào cuộc sống, bạn sẽ trở nên mềm mại bởi không còn lo sợ nữa.
Bạn cần phải tham gia vào cuộc sống, trở thành một phần của cuộc sống và bám rễ vào nó. Khi đã bám rễ vào cuộc sống, bạn sẽ trở nên mềm mại bởi không còn lo sợ nữa. Sợ hãi sẽ tạo ra sự khô cứng. Sợ hãi làm xuất hiện ý nghĩ về sự an toàn, ý nghĩ về việc bảo vệ chính mình. Và không gì có sức hủy diệt bằng nỗi sợ hãi, bởi trong chính ý nghĩ về sợ hãi, bạn sẽ bị tách rời khỏi mặt đất, bị bật rễ.
Khi đó, bạn sẽ sống dựa vào quá khứ - đó là lý do vì sao bạn nghĩ nhiều về quá khứ. Đó không phải là sự ngẫu nhiên. Tâm trí không thôi nghĩ về quá khứ hoặc tương lai. Vì sao lại nghĩ quá nhiều về quá khứ? Cái gì đã qua cứ để nó qua! Không gì có thể níu giữ được. Quá khứ đã chết! Vậy sao bạn cứ nghĩ về nó, nó không còn nữa và bạn cũng không thể làm được gì! Bạn không thể sống với nó, bạn không thể ở trong nó, nhưng nó có thể hủy hoại khoảnh khắc hiện tại của bạn. Nhưng phải có một nguyên nhân sâu xa nào đó. Nguyên nhân sâu xa kia chính là bạn đang đấu tranh với cái tổng thể. Đấu tranh với cái tổng thể, đấu tranh với dòng chảy, bạn sẽ bị bật rễ. Bạn trở thành một hiện tượng nhỏ bé, khép kín trong chính mình. Bạn đã trở thành một cá nhân, bạn không còn là một phần của vũ trụ rộng lớn. Đúng vậy, bạn không còn là một phần của nó. Bạn phải sống như một kẻ keo kiệt từ nguồn dưỡng chất còn sót lại; đó là lý do vì sao tâm trí bạn cứ luôn suy nghĩ về quá khứ.
Và bạn phải phần nào thủ thế để sẵn sàng đấu tranh; đó là lý do vì sao bạn cũng luôn nghĩ về tương lai. Tương lai giúp bạn hy vọng, quá khứ cho bạn dưỡng chất, còn giữa tương lai và quá khứ là sự vĩnh hằng, là chính cuộc sống mà bạn đang bỏ lỡ. Giữa quá khứ và tương lai, bạn đang chết dần thay vì đang sống.
Có một cách khác - thật ra là cách duy nhất, bởi đấu tranh không phải là cách. Đó là tuôn chảy theo dòng sông, tuôn chảy cùng với nó để bạn không cảm thấy rằng mình bị tách rời. Bạn trở thành một phần của nó – không chỉ một phần mà đã hòa quyện vào nó; bạn đã trở thành dòng sông, không tồn tại sự chia tách nào. Khi không đấu tranh, bạn sẽ trở thành cuộc sống. Khi không đấu tranh, bạn đã trở thành cái to lớn, cái vô tận.
Ở phương Đông, trạng thái đó được gọi là sự phó thác, lòng tin - thứ mà chúng ta gọi là shraddha, tin tưởng vào cuộc sống. Không tin tưởng vào suy nghĩ cá nhân mà tin tưởng vào cái tổng thể. Không tin tưởng vào một phần nhỏ mà tin tưởng vào cái lớn. Không tin tưởng vào tâm trí mà tin tưởng vào sự tồn tại. Phó thác, bỗng nhiên bạn trở nên mềm mại bởi không cần phải khô cứng. Bạn không đấu tranh, không có sự hận thù. Không cần phải bảo vệ, không có điều gì thôi thúc phải đạt đến trạng thái an toàn; bạn đã hòa quyện với cuộc sống.
Và cuộc sống là an toàn! Chỉ có cái tôi của chúng ta mới bất an; chúng cần bảo vệ, chúng cần sự an toàn, chúng cần lớp áo giáp bên ngoài. Chúng lo sợ, không ngừng run rẩy - vậy thì làm sao bạn có thể sống được? Bạn sống trong đau đớn và bất an. Bạn mất đi mọi niềm vui, một niềm vui đơn giản là được hiện hữu ở đây. Nó không có bất kỳ nguyên nhân nào; nó chỉ đơn giản xuất hiện bởi vì bạn hiện hữu. Nó chỉ đơn giản sôi sục bên trong bạn chỉ vì bạn hiện hữu. Một khi bạn cởi mở, tuôn chảy theo cuộc sống, niềm vui sẽ tràn ngập bất tận mà không vì bất cứ lý do nào! Chỉ đơn giản là bạn bắt đầu cảm nhận rằng hiện hữu là một niềm hạnh phúc.
Nếu bạn đau khổ, điều đó chứng tỏ rằng bạn đã mất liên lạc với hiện hữu. Đau khổ có nghĩa là trong chừng mực nào đó, bạn đã bị bật rễ ra khỏi mặt đất; bạn đã tách rời dòng sông, bạn đã trở thành một khối đông cứng, một tảng băng, trôi trên mặt nước thay vì xuôi chảy theo dòng. Đấu tranh là cách cái tôi luôn muốn đi ngược dòng, bởi có thử thách cái tôi mới cảm thấy hài lòng. Cái tôi luôn tìm kiếm sự đấu tranh. Nếu không thể tìm thấy ai để đấu tranh, bạn sẽ cảm thấy vô cùng đau khổ. Cần phải có ai đó để đấu tranh. Khi đấu tranh, bạn cảm thấy hài lòng, bạn hiện hữu. Nhưng đó là một kiểu bệnh lý, một biểu hiện của chứng rối loạn thần kinh chức năng. Chứng loạn thần kinh đó đang đấu tranh với dòng chảy. Nếu đấu tranh, bạn sẽ trở nên khô cứng. Nếu đấu tranh, bạn sẽ tự dựng một vách tường bao quanh chính mình. Dĩ nhiên, bạn không còn hiện hữu nữa. Bạn mất đi sự mềm mại, minh mẫn, sự duyên dáng, dịu dàng. Khi đó, bạn chỉ đang lê lết, không phải đang sống.
Lão Tử là người ủng hộ thái độ phó thác. Ông nói: “Hãy phó thác theo cuộc sống. Để cuộc sống dẫn dắt bạn, đừng tìm cách dẫn dắt cuộc sống. Đừng tìm cách thao túng và kiểm soát cuộc sống. Hãy để cuộc sống thao túng và kiểm soát bạn. Hãy để cuộc sống làm chủ bạn. Bạn chỉ cần phó thác, bạn chỉ cần nói, ‘tôi không có’. Bạn để cuộc sống toàn quyền quyết định và hiện hữu cùng nó”.
Điều này thật khó bởi cái tôi sẽ nói: “Vậy tôi là ai? Nếu buông xuôi, tôi sẽ không còn là chính mình”. Nhưng khi cái tôi không hiện hữu, lần đầu tiên bạn được là chính mình. Lần đầu tiên, bạn không phải là cái hữu hạn, bạn là cái vô hạn. Lần đầu tiên, bạn không còn là thân thể, là kẻ bị đầu thai, bạn là cái tổng thể, thứ không ngừng mở rộng - không có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc. Nhưng cái tôi không biết về điều đó. Cái tôi sợ hãi. Nó nói: “Bạn đang làm gì vậy, đánh mất chính mình ư? Bạn sẽ bị lạc lối, sẽ không là ai cả”. Nếu bạn lắng nghe cái tôi, cái tôi sẽ đặt bạn trở lại con đường rối loạn thần kinh, con đường để làm “một người khác”. Và bạn càng trở thành người khác thì cuộc sống sẽ càng rời bỏ bạn. Hãy nhìn vào những người thành đạt trên thế giới - những người đã trở thành người khác, những người mà tên tuổi được tìm thấy trong mục Ai là ai. Hãy nhìn vào họ, quan sát họ: Bạn sẽ nhận thấy rằng họ đang sống một cuộc sống giả tạo. Chúng chỉ là những chiếc mặt nạ, bên trong trống rỗng, những con người nông cạn - chỉ là thứ được nhồi nhét chứ không phải sống. Trống rỗng.
Lão Tử nói, không là ai cả, và rồi bạn sẽ có một cuộc sống vô tận tuôn chảy bên trong chính mình. Đối với dòng chảy của cuộc sống, việc trở thành một người khác sẽ gây nên trạng thái tắc nghẽn. Không là ai cả, mọi thứ sẽ trở nên thông suốt. Các đám mây có thể trôi, các vì sao có thể di chuyển. Và không gì có thể gây xáo trộn. Và bạn không có gì để mất bởi tất cả những thứ có thể mất đã được buông bỏ.
Trong trạng thái hiện hữu đó, con người sẽ trẻ mãi. Dĩ nhiên, cơ thể sẽ trở nên già đi nhưng bản chất cốt lõi bên trong sẽ vẫn trẻ trung, tươi tắn. Nó không bao giờ già, không bao giờ chết. Và Lão Tử nói đây chính là cách để thật sự có đạo. Hãy trôi theo Đạo, di chuyển cùng Đạo, đừng tạo ra bất kỳ mục tiêu và mục đích riêng nào. Cái tổng thể biết rõ, bạn chỉ đơn thuần là một phần của nó. Cái tổng thể đã tạo ra bạn, cái tổng thể thở bên trong bạn, cái tổng thể sống trong bạn. Vậy sao còn bận tâm? Hãy để trách nhiệm đó cho cái tổng thể. Bạn chỉ đơn giản đi đến nơi nó dẫn dắt. Đừng tìm cách áp đặt và lên kế hoạch, và đừng đòi hỏi bất kỳ mục tiêu nào bởi khi đó sẽ có thất vọng, bạn sẽ trở nên khô cứng, và bỏ lỡ mất cơ hội được sống đúng nghĩa.
Và đây chính là vấn đề: nếu bạn xuôi theo cuộc sống, cuộc sống của bạn sẽ trở nên phong phú hơn. Và nếu bạn cho phép bản thân sống một cuộc sống đúng nghĩa, cuộc sống của bạn sẽ thậm chí càng phong phú hơn nữa. Jesus luôn nói: “Hãy đến với ta, và ta sẽ chỉ cho con cách sống một cuộc sống vô hạn, một cuộc sống tràn đầy. Dòng chảy tuôn trào”. Nhưng chúng ta sống như những kẻ ăn xin nghèo khó. Hẳn chúng ta đã có thể sống như các bậc đế vương, không ai khác chịu trách nhiệm về điều đó. Sự mong muốn được là chính mình, được sống theo cái tôi hay bản ngã của mình chính là nguyên nhân gây ra nỗi đau khổ của bạn.
Lão Tử nói:
Khi mới được sinh ra, con người là sinh vật mềm yếu…
Hãy quan sát một đứa bé sơ sinh. Nó mong manh, cởi mở và mềm mại - một cuộc sống thuần khiết. Điều đó sẽ không kéo dài được lâu, cá tính sẽ nhanh chóng phát triển quanh nó, nó sẽ bị xã hội, cha mẹ, trường học “giam giữ, cầm tù”; cuộc sống sẽ sớm trở thành một hiện tượng xa cách. Cuộc sống sẽ vẫn cứ gõ nhịp đâu đó từ sâu thẳm bên trong, nhưng ngay cả như thế thì nó cũng không thể nghe thấy được.
Nhưng khi một đứa trẻ chào đời, hãy quan sát nó. Điều kỳ diệu cứ liên tục xảy ra. Cuộc sống luôn chỉ cho bạn thấy cách thức hiện hữu, cuộc sống cứ mãi nói rằng nó được tái sinh mỗi ngày. Người già chết đi, trẻ con được sinh ra. Điều đó có ý nghĩa gì? Rõ ràng là cuộc sống không tin vào tuổi già. Nếu cuộc sống được vận hành bởi các nhà kinh tế, thì hẳn nó sẽ bị cho là một sự vận hành thiếu tính kinh tế và rất lãng phí. Một người lớn tuổi - được đào tạo, từng trải trong cuộc sống - khi người đó sẵn sàng, khi người đó nghĩ rằng mình đã khôn ngoan, cái chết xuất hiện và thay thế bằng một đứa bé không có kiến thức, không có trí khôn, hoàn toàn tươi mới, một tabula rasa; và mọi thứ phải được viết lại. Nếu được hỏi, những nhà kinh tế kia sẽ nói rằng đây là điều ngốc nghếch! Thượng đế phải tham khảo ý kiến các nhà kinh tế trước. Người đang làm gì vậy? Thật là một sự lãng phí, hoàn toàn lãng phí! Một người từng trải chết đi, và một đứa trẻ chưa biết gì sẽ thay thế - đây quả là một trạng thái hoàn toàn đối lập.
Nhưng cuộc sống không tin vào bộ môn kinh tế học. Và thật tốt là nó không tin vào bộ môn kinh tế học, nếu không thì cả thế giới hẳn đã trở thành một nghĩa trang vĩ đại. Nó liên tục thay thế người cũ bằng người mới, người già bằng người trẻ, người khô cứng bằng người mềm mại. Ý định đã rõ: cuộc sống yêu thích sự mềm mại bởi nhờ sự mềm mại, nó có thể tuôn chảy một cách dễ dàng.
Khi được sinh ra, con người là sinh vật mềm yếu.
Và Lão Tử cũng luôn nhấn mạnh đến điểm thứ hai: rằng cuộc sống không tin tưởng vào sức mạnh. Sự mềm yếu chứa đựng vẻ đẹp trong đó bởi nó mềm mại và dịu dàng. Khi cơn bão đến; những cây to và mạnh mẽ sẽ đổ gục. Những cây cối nhỏ chỉ cần rạp mình xuống, và khi cơn bão qua đi, chúng lại mỉm cười và nở hoa. Trên thực tế, cơn bão đã giúp cho chúng trở nên tươi tắn hơn nhờ làm sạch bụi bẩn. Chúng trở nên sống động hơn, tươi trẻ hơn, và cơn bão đã giúp chúng gột rửa chính mình. Còn những cây cối mạnh mẽ, lâu đời đều ngã gục bởi chúng phản kháng. Chúng không chịu uốn cong: chúng chứa đầy cái tôi kiêu hãnh.
Khi cơn bão đến; những cây to và mạnh mẽ sẽ đổ gục. Những cây cối nhỏ chỉ cần rạp mình xuống, và khi cơn bão qua đi, chúng lại mỉm cười và nở hoa.
Lão Tử có nói: “Cuộc sống yêu thích cái yếu”. Và đó chính là ý nghĩa của lời Jesus: “Người được ban phước là người nhu mì bởi họ sẽ kế thừa cả thế gian này. Người được ban phước là người nghèo, người nghèo trong tâm linh. Người được ban phước là người biết khóc bởi họ sẽ được an ủi”. Những người Cơ Đốc giáo cứ bỏ lỡ ý nghĩa trong lời nói của Jesus bởi đây chính là lời dạy của Lão Tử. Nếu không liên quan đến Lão Tử, chúng sẽ không được hiểu đúng. Toàn bộ lời dạy của Jesus là “Hãy sống theo cách mềm yếu”. Đó là lý do vì sao Jesus nói nếu ai đó tát vào má của bạn, hãy chìa má kia ra. Nếu ai đó lấy mất áo khoác của bạn, hãy đưa luôn cho anh ta chiếc áo sơ-mi. Và nếu ai đó bắt bạn đi với họ một dặm, hãy đi hai dặm. Người nói: “Hãy mềm yếu. Người được ban phước là người nhu mì”.
Sự mềm yếu chứa đựng vẻ đẹp bên trong. Vẻ đẹp của sự duyên dáng. Vẻ đẹp của sự không bạo hành. Vẻ đẹp của tình yêu, òng khoan dung. Vẻ đẹp của trạng thái không xung đột.
Sự mềm yếu chứa đựng vẻ đẹp bên trong. Vẻ đẹp của sự duyên dáng. Vẻ đẹp của sự không bạo hành, ahimsa. Vẻ đẹp của tình yêu, lòng khoan dung. Vẻ đẹp của trạng thái không xung đột. Và chừng nào chưa hiểu rõ và bắt đầu cảm nhận được Lão Tử thì nhân loại chưa thể sống trong hòa bình. Nếu được dạy bảo phải mạnh mẽ, chắc chắn bạn phải đấu tranh, và chiến tranh sẽ tiếp diễn. Tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới luôn nói rằng họ yêu hòa bình - và tất cả đều chuẩn bị cho chiến tranh. Họ nói rằng họ ủng hộ hòa bình - nhưng rồi tất cả đều tích trữ vũ khí. Họ nói về hòa bình, và họ chuẩn bị cho chiến tranh, tất cả đều biện hộ rằng họ phải chuẩn bị cho chiến tranh vì sợ người khác. Còn người khác cũng nói điều tương tự!
Khi đánh giá cao kẻ mạnh, bạn nói: “Đúng, đây chính là hình mẫu lý tưởng của tôi; tôi cũng sẽ giống như anh ấy”. Nếu sức mạnh được khen ngợi, khi đó bạo lực sẽ được tán dương. Nếu sức mạnh được khen ngợi, cái chết cũng sẽ được khen ngợi bởi sức mạnh sẽ hủy diệt, hủy diệt người khác và hủy diệt chính bạn. Sức mạnh vừa là vũ khí sát thương vừa có tính tự hủy diệt.
Yếu thế - chính bản thân từ này dường như đã thể hiện sự lên án. Nhưng yếu thế là như thế nào? Bông hoa mềm yếu. Hòn đá cạnh bông hoa lại rất mạnh mẽ. Bạn muốn giống hòn đá hay bông hoa? Hãy nhớ là bông hoa mềm yếu, rất yếu - chỉ cần một làn gió nhẹ, bông hoa ấy sẽ rời bỏ sự sống. Những cánh hoa sẽ rơi xuống đất. Bông hoa là một phép mầu; phép mầu đó nằm ở cách thức tồn tại của bông hoa. Thật yếu đuối, thật mềm mại! Dường như điều này không thể xảy ra - làm sao nó có thể xảy ra được chứ? Đá dường như có thể; chúng tồn tại, chúng có quy tắc số học để tồn tại. Nhưng còn bông hoa? Nó dường như hoàn toàn không được ủng hộ - nhưng bông hoa vẫn tồn tại; đó chính là phép mầu.
Bạn có muốn giống như bông hoa? Nếu bạn đặt ra câu hỏi này, tận sâu bên trong cái tôi của bạn sẽ nói: “Hãy giống như hòn đá”. Và thậm chí nếu bạn phản kháng, bởi hòn đá trông xấu xí, cái tôi của bạn sẽ nói: “Nếu bạn muốn là bông hoa, ít ra hãy là hoa nhựa. Ít ra phải mạnh mẽ! Những cơn gió sẽ không làm phiền bạn, mưa sẽ không hủy diệt bạn, và bạn có thể tồn tại mãi mãi”. Bông hoa thật xuất hiện vào sớm mai, cười đùa trong chốc lát, lan tỏa hương thơm, sự khô cằn biến mất. Bông hoa giả, bông hoa nhựa sẽ tồn tại mãi mãi. Nhưng nó là đồ giả, và nó mạnh mẽ bởi nó không có thật. Thực tại là mềm yếu. Và càng ở mức cao, thực tại sẽ càng trở nên mềm yếu.
Bông hoa thật xuất hiện vào sớm mai, cười đùa trong chốc lát, lan tỏa hương thơm, sự khô cằn sẽ biến mất. Bông hoa không thật, bông hoa nhựa sẽ tồn tại mãi mãi.
Bạn không thể hiểu được Thượng đế bởi tâm trí bạn chỉ hiểu được logic của những hòn đá. Bạn không hiểu được logic của bông hoa. Tâm trí bạn có thể hiểu được toán học, nhưng bạn không có cảm nhận thẩm mỹ để hiểu được vẻ đẹp của bông hoa. Chỉ có tâm hồn thơ ca mới hiểu được khả năng của Thượng đế, bởi Thượng đế là người yếu đuối và mềm mại nhất. Đó là lý do vì sao bông hoa là trạng thái cao nhất, là tối thượng. Nó nở hoa, nhưng chỉ nở trong một phần giây. Một phần giây đó được gọi là “hiện tại”. Và trong khoảnh khắc nhỏ nhoi đó bạn cần phải hết sức chú ý. Chỉ khi đó bạn mới có thể nhìn thấy nó; nếu không, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội. Nó luôn nở hoa - mỗi khoảnh khắc nó đều nở hoa, nhưng bạn không nhìn thấy bởi tâm trí bạn bị nhiễu loạn bởi quá khứ và tương lai. Còn hiện tại chỉ là một hiện tượng hạn hẹp, chỉ một cái chớp mắt và nó sẽ tan biến. Trong khoảnh khắc nhỏ hẹp đó, Thượng đế sẽ nở hoa.
Nó là trạng thái cao nhất, là tối thượng. Nhưng nó rất yếu đuối, rất mềm mại - nó phải như thế. Nó là điểm cao nhất, là đỉnh cuối cùng, nơi không có gì tồn tại. Bạn chỉ hiểu được Thượng đế khi nắm rõ được logic của sự mềm mại và yếu đuối. Nếu tìm cách mạnh mẽ - làm người chinh phục, làm chiến binh - bạn sẽ sống trong một thế giới chỉ toàn đá mà không có hoa, và Thượng đế sẽ là một hiện tượng rất xa vời. Bạn sẽ không thể nào tìm thấy được Thượng đế ở đâu trong cuộc sống.
Khi được sinh ra, con người là sinh vật mềm yếu; khi chết, con người trở nên khô cứng.
Do đó, cuộc sống của bạn phải như thế này: luôn mềm mại, dịu dàng và mềm yếu; đừng tìm cách trở nên khô cứng bởi điều đó sẽ đưa bạn ngày càng đến gần cái chết. Cái chết sẽ đến vào một ngày nào đó; điều đó không quan trọng. Cái chết không phải là nỗi sợ hãi, nó không phải là vấn đề. Nhưng nếu bạn sống một cuộc sống giống như đã chết, đó mới là vấn đề. Bản thân cái chết rất mềm mại, mềm hơn cuộc sống, rất dịu dàng. Bạn có thể nghe thấy âm thanh của cuộc sống, nhưng bạn không thể nghe thấy âm thanh của cái chết. Khi cái chết xuất hiện, nó mềm mại đến mức bạn thậm chí không thể nhận biết dù chỉ một giây trước khi nó đến. Và nó mềm yếu, dịu dàng đến mức cái chết không phải là vấn đề. Chính cái chết trong lúc bạn đang sống mới là vấn đề. Chết ngay cả trước khi thực sự chết; sống một cuộc sống như đã chết, đó mới là vấn đề. Khô cứng, khép kín. Leibniz(*) đã gọi nó là monad. Monad có nghĩa là bị giam giữ trong nhà tù, trong cái tổ kén không có cửa sổ để nhìn ra bên ngoài hay để bên ngoài nhìn vào. Monad là một cái xà lim hoàn toàn đóng kín, không có cửa sổ. Monad có cùng nguồn gốc với từ monopoly (độc chiếm), monastery (tu viện), monk (thầy tu), và monogamy (chế độ một vợ một chồng); nó có nghĩa là hoàn toàn đơn độc. Thầy tu là người sống một mình, tu viện là nơi con người sống cô độc. Khi hoàn toàn đóng kín trong một căn phòng chết, bạn đang ở trong tu viện. Bạn sống một mình trong hang, bạn không thể tiếp cận người khác và người khác cũng không thể tiếp cận bạn. Bạn hoàn toàn khép kín.
(*)Gottfried Wilhelm Leibniz (1646 – 1716) là triết gia, nhà toán học người Đức.
Cái chết sẽ đến vào một ngày nào đó; điều đó không quan trọng. Cái chết không phải là nỗi sợ hãi, nó không phải là vấn đề.
Chính cái chết này mới khô cứng. Và rồi bạn trở nên đau khổ, và rồi bạn tìm đủ mọi cách để thoát khỏi đau khổ. Bạn cứ mãi tạo ra khổ đau bằng cách trở nên cứng nhắc, và rồi bạn lại tìm cách để thoát khổ. Trên thực tế, nếu hiểu được hiện tượng khiến bạn trở nên đau khổ, bạn có thể vứt bỏ nó ngay lập tức bằng cách trở nên mềm mại, tuôn chảy.
Hãy giống như một đứa trẻ, và luôn giữ được sự thuần khiết, mềm mại của tuổi thơ. Hãy giữ liên lạc với nó, rồi một ngày nào đó, bạn sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng đứa trẻ ấy - đứa trẻ của 50 năm trước đó - vẫn sống động bên trong bạn. Nếu biết cách tiếp xúc với nó, bỗng nhiên, bạn sẽ lại là đứa trẻ.
Đứa trẻ ấy không bao giờ mất đi bởi đó chính là cuộc sống của bạn, nó vẫn tồn tại ở đó. Không phải là đứa trẻ chết đi và bạn trưởng thành, và rồi tuổi trẻ qua đi và bạn trở nên già nua. Không phải như thế. Các lớp cứ chồng lên nhau, nhưng phần cốt lõi nhất vẫn tồn tại - đứa trẻ mà bạn từng được sinh ra đó vẫn tồn tại bên trong bạn; nhiều tầng lớp đã tích lũy quanh nó, và nếu bạn thâm nhập vào các lớp này, bỗng nhiên đứa trẻ ấy sẽ bùng nổ bên trong bạn. Tôi gọi sự bùng nổ này là cực lạc.
Jesus nói: “Chừng nào không giống như đứa trẻ thì bạn sẽ không thể nào bước vào vương quốc của Thượng đế”. Đây là điều ông ấy muốn nói, và đây cũng là điều mà tôi đang nói tới. Nếu bạn thâm nhập vào lớp vỏ cứng của mình, vào các lớp tường bao quanh, bỗng nhiên đứa trẻ sẽ bùng nổ bên trong bạn. Một lần nữa, bạn sẽ nhìn thế giới bằng cặp mắt ngây thơ của một đứa trẻ. Khi đó sẽ có Thượng đế.
Thượng đế không phải là một khái niệm đầy tính triết lý mà chính là thế giới này được nhìn qua đôi mắt của đứa trẻ.
Thượng đế không phải là một khái niệm đầy tính triết lý mà chính là thế giới này được nhìn qua đôi mắt của đứa trẻ. Vẫn là thế giới ấy - thế giới của những bông hoa này, cây cối này, bầu trời này, và bạn - nhưng bỗng sở hữu một đặc tính mới đầy thiêng liêng khi bạn nhìn dưới lăng kính của một đứa trẻ. Chỉ cần có một trái tim trong sáng, mềm mại và dịu dàng. Thượng đế không bỏ lỡ, chỉ có bạn bỏ lỡ. Thượng đế không vắng mặt, chỉ có bạn vắng mặt.
Khi được sinh ra, con người là sinh vật mềm yếu; khi chết, con người trở nên khô cứng. Khi vạn vật và cây cỏ còn sống, chúng mềm mại và dịu dàng; khi chết, chúng trở nên khô giòn, dễ vỡ.
Hãy học hỏi. Cuộc sống đang dạy bạn bằng nhiều cách. Cuộc sống đang chỉ ra con đường mà bạn phải đi.
Do đó, sự khô cứng là bạn đồng hành của cái chết, còn sự mềm mại, dịu dàng là bạn đồng hành của cuộc sống.
Nếu bạn muốn sống một cuộc sống sinh động hơn, phong phú hơn, hãy tìm kiếm những người bạn đồng hành của cuộc sống: sự mềm mại, dịu dàng.
Tất cả những sự huyên náo, ồn ào đó khiến bạn trở nên cứng nhắc. Hãy sống theo cách mà mỗi khoảnh khắc bạn đều tự do và không bị ảnh hưởng bởi quá khứ. Tình huống của bạn hiện giờ phải như thế này: Bạn sở hữu một ngôi nhà lớn với nhiều phòng, và trong tất cả các phòng này có nhiều trò chơi xếp hình. Toàn bộ ngôi nhà chứa đầy trò chơi xếp hình - trên bàn, ghế, giường ngủ, trên sàn nhà, trần nhà - khắp nơi đều có trò chơi xếp hình, và bạn không có khả năng giải được bất cứ trò nào. Bạn tìm cách giải quyết từng trò một. Cảm thấy khó, bạn chuyển sang trò khác. Nhưng trò chơi đầu tiên vẫn lơ lửng trong đầu bạn. Không chỉ có thế, một vài phần của trò chơi đó sẽ theo bạn đến trò chơi tiếp theo. Rồi bạn cố giải đáp một trò chơi khác, nhưng không làm được bởi chính bạn cũng cảm thấy bối rối. Và rồi bạn chuyển sang phòng khác, theo cách này, bạn sẽ liên tục lặp lại trong cái vòng luẩn quẩn.
Tất cả những sự huyên náo, ồn ào đó khiến bạn trở nên cứng nhắc. Hãy sống theo cách mà mỗi khoảnh khắc bạn đều tự do và không bị ảnh hưởng bởi quá khứ.
Bạn trở nên mất bình tĩnh với những trò chơi không có lời giải, và cứ thế, thần kinh chức năng của bạn trở nên hoàn toàn rối loạn. Không một điểm nào được giải quyết, hàng ngàn bài toán đố treo lơ lửng trên đầu. Chúng nắm giữ phần lớn. Chúng tiêu diệt bạn.
Đừng bao giờ mang vác những thứ từ quá khứ - quá khứ đã qua đi. Hãy gạt bỏ mọi khoảnh khắc, dù được giải quyết hay chưa. Giờ chẳng thể làm gì được nữa. Hãy vứt bỏ và đừng mang vác bất cứ phần nào bởi những phần đó sẽ không giúp bạn giải quyết được những vấn đề mới đang tồn tại trong khoảnh khắc này. Hãy sống thật trọn vẹn với giây phút này, và bỗng nhiên bạn nhận ra rằng nếu bạn sống trọn vẹn, vấn đề sẽ được giải quyết. Bạn không cần phải giải quyết. Cuộc sống không phải là bài toán cần tìm ra lời giải đáp, nó là một bí ẩn để trải nghiệm. Nếu bạn sống trọn vẹn, vấn đề sẽ được giải quyết, và bạn sẽ bước ra khỏi cuộc sống một cách đẹp đẽ, giàu có với những kho báu mới được khám phá và không còn gì lơ lửng quanh bạn. Khi đó, bạn chuyển đến khoảnh khắc tiếp theo bằng sự tươi mới, trọn vẹn và tràn đầy cảm xúc để khoảnh khắc khác được sống và được giải quyết.
Hãy sống thật trọn vẹn với giây phút này, và bỗng nhiên bạn nhận ra rằng nếu bạn sống trọn vẹn, vấn đề sẽ được giải quyết. Bạn không cần phải giải quyết. Cuộc sống không phải là bài toán cần tìm ra lời giải đáp, nó là một bí ẩn để trải nghiệm.
Đừng bao giờ tích lũy quanh mình những khoảnh khắc mà bạn không thể thay đổi; nếu không, bạn sẽ trở nên cứng nhắc. Bạn chỉ có thể mềm yếu khi không mang vác gánh nặng của quá khứ. Vì sao trẻ em thật mềm mại? Bởi chúng không mang vác bất cứ điều gì. Cách sống của chúng là cách sống của nhà hiền triết. Nếu đứa trẻ tức giận, nó sẽ biểu hiện tức giận. Trong khoảnh khắc đó, nó không lo nghĩ đến những điều Phật đã dạy về sự giận dữ. Nó không bận tâm đến lời dạy của Mahavira: “Đừng giận dữ”. Nó tức giận thật sự! Nó giận đến mức cường độ cảm xúc mãnh liệt ấy trở nên xinh đẹp. Hãy nhìn đứa trẻ khi nó thật sự giận dữ, toàn thân nó - một thân thể nhỏ bé, mềm mại như thế - rung lên vì giận, mặt đỏ tía tai, nhảy nhót, la hét như thể nó sẽ hủy diệt cả thế giới này. Một sự bùng nổ năng lượng. Và khoảnh khắc tiếp theo, khi cơn giận qua đi, nó lại chơi đùa, và nhìn vào khuôn mặt ấy - bạn không thể tin rằng khuôn mặt đó vừa mới giận dữ ở khoảnh khắc trước. Khuôn mặt tràn đầy nụ cười! Thật xinh đẹp, thật hạnh phúc.
Đây chính là cách sống. Hãy sống trong khoảnh khắc này, nhưng phải sống trọn vẹn đến mức không còn lại gì cho khoảnh khắc tiếp theo. Đứa trẻ sống trọn khoảnh khắc giận dữ, và sau đó nó di chuyển đến khoảnh khắc khác. Khi nền giáo dục trở nên tốt hơn, chúng ta sẽ không còn dạy con cái mình không được giận dữ. Chúng ta sẽ dạy chúng phải giận dữ, giận dữ một cách trọn vẹn - và đừng mang vác cơn giận đó. Bản thân sự giận dữ không có gì xấu. Nếu bạn mang vác nó, tích lũy nó, nó sẽ trở nên nguy hiểm. Cơn giận dữ chứa đựng vẻ đẹp của nó - trên thực tế, chúng là điều cần thiết; chúng tạo nên sắc thái cho cuộc sống. Chúng khiến cuộc sống trở nên đậm đà hơn. Nếu không, bạn sẽ cảm thấy nhạt nhẽo, không có sắc điệu. Bản thân nó là một bài thực hành tốt, và nếu con người có thể sống trọn vẹn với nó và thoát khỏi nó một cách nguyên vẹn, sẽ không có gì sai cả.
Nếu không được phép giận dữ, bạn sẽ trở nên không trọn vẹn. Bạn chỉ sống một phần nào đó của khoảnh khắc này, còn những phần khác cứ lơ lửng trong đầu bạn. Và rồi bạn mỉm cười, nhưng nụ cười của bạn không thuần khiết; nó bị phá hỏng bởi cơn giận dữ vẫn còn lơ lửng trong đó.
Và người có thể giận dữ trọn vẹn cũng có thể hạnh phúc trọn vẹn, có thể yêu thương trọn vẹn bởi vấn đề không phải là bạn giận dữ, hạnh phúc hay yêu thương. Điều duy nhất bạn học được từ tất cả các trải nghiệm là hãy sống trọn vẹn. Nếu không được phép giận dữ, bạn sẽ trở nên không trọn vẹn. Bạn chỉ sống một phần nào đó của khoảnh khắc này, còn những phần khác cứ lơ lửng trong đầu bạn. Và rồi bạn mỉm cười, nhưng nụ cười của bạn không thuần khiết; nó bị phá hỏng bởi cơn giận dữ vẫn còn lơ lửng trong đó. Đôi môi bạn mỉm cười nhưng chúng đã bị đầu độc; cơn giận dữ chưa dứt, quá khứ vẫn còn đó, bạn không thể hoàn toàn tự do để sống cho giây phút hiện tại. Quá khứ đã phủ bóng đen lên bạn. Và điều này cứ tiếp diễn. Bạn trở nên bối rối. Cả cuộc đời trở thành một dư vị khó chịu. Bạn không thể sống, không thể yêu, không thể cầu nguyện, không thể thiền.
Nhiều người đến gặp tôi và nói: “Khi chúng tôi thiền, bỗng nhiên hàng triệu ý nghĩ xuất hiện. Thường thì những ý nghĩ này không xuất hiện, nhưng khi thiền, chúng hiện lên”. Vì sao chúng lại xuất hiện? Những trải nghiệm không hoàn chỉnh - khi thiền, bạn sẽ ở trạng thái nhàn rỗi, và tất cả những suy nghĩ đó sẽ đột ngột xuất hiện: “Bạn đang rảnh rỗi, ít ra hãy giải quyết chúng tôi, hoàn thiện chúng tôi. Bạn không làm gì - thiền là không làm gì, chỉ ngồi đó. Hãy làm điều gì đó! Cơn giận này vẫn còn, hãy giải quyết nó. Tình yêu này vẫn còn, hãy hoàn thiện nó. Niềm khao khát này vẫn còn, hãy làm điều gì đó!”.
Khi bận rộn, bạn tập trung đến mức không chú ý đến tất cả những điều diễn ra quanh mình. Nhưng khi bạn thiền, chúng sẽ tìm cách thu hút sự chú ý của bạn - “Chúng tôi không hoàn thiện!”. Chúng là bóng ma của quá khứ.
Hãy sống trọn vẹn từng khoảnh khắc. Và sống bằng nhận thức để không phải mang vác quá khứ. Và điều này thật đơn giản, chỉ cần một chút nhận thức - không cần gì khác. Đừng sống trong giấc ngủ, giống như rô-bốt; hãy có ý thức hơn một chút, và bạn sẽ nhận thấy. Và rồi bạn sẽ trở nên mềm mại như đứa trẻ, dịu dàng như cây cỏ mới đâm chồi nẩy lộc. Và phẩm chất này sẽ được duy trì cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời; bạn vẫn luôn mềm mại. Nếu bạn vẫn luôn mềm mại, trẻ trung, tươi mới, cái chết sẽ xảy ra, nhưng nó không xảy ra với bạn. Bởi bạn mang cuộc sống bên mình, cái chết không thể xảy ra. Cái chết chỉ xảy đến với những người đã chết. Những người còn sống… họ nhìn cái chết xảy ra - cơ thể chết, tâm trí chết, nhưng họ không chết. Họ vẫn nằm ngoài cái chết, một trạng thái siêu việt.
Khi cái cây rắn chắc, nó sẽ bị đốn. Sự to lớn và mạnh mẽ ở bên dưới; sự mềm mại, yếu đuối nằm ở phía trên.
Phần rễ cứng nằm bên dưới. Bông hoa mềm mại ở phía trên. Và đây chính là cấu trúc của xã hội: nếu những người mạnh mẽ thuộc về phần gốc rễ, còn những người mềm mại thuộc về phần đỉnh, vậy các nhà thơ và họa sĩ phải nằm ở phần đỉnh. Các thánh nhân và nhà hiền triết phải nằm ở đỉnh cao nhất. Binh lính, chính trị gia, doanh nhân phải ở phần dưới, họ không được ở phần trên. Toàn xã hội này bị đảo lộn bởi những người cứng nhắc đang tìm cách leo lên đỉnh.
Cứ như thể phần gốc rễ đã trở thành các chính trị gia, họ đang tìm cách để leo lên ngọn cây, và họ đang buộc các bông hoa xuống dưới rễ, xuống dưới đất. Một khi thế giới này trở nên cân bằng hơn - ví dụ tại Ấn Độ, các Brahmin thuộc về phần đỉnh - chúng ta đã đặt họ lên đỉnh. Brahmin là những bậc hiền nhân, những người biết đến Brahma.
Nó không thuộc đẳng cấp xã hội, nó không liên quan gì đến hoàn cảnh ra đời mà nằm ở sự phục sinh từ bên trong. Những người biết đến điều tối thượng đều là Brahma. Họ thuộc về phần đỉnh, họ là bông hoa. Thậm chí vua chúa, những vị hoàng đế rất hùng mạnh, cũng phải đến quỳ dưới chân họ. Đó là điều đúng đắn - dù hùng mạnh và vĩ đại đến mức nào, vua vẫn là vua. Người đó vẫn mắc chứng rối loạn thần kinh chức năng, vẫn theo đuổi tham vọng, cái tôi, vẫn cúi lạy. Có một câu chuyện như sau:
Đức Phật sắp đến một thành phố. Vị vua ở đó hơi do dự không muốn đích thân đón tiếp. Tể tướng - một bậc trưởng lão thông thái - đã khuyên nhủ: “Bệ hạ phải đi”. Nhà vua đáp: “Điều này có vẻ như không cần thiết. Ông ta là kẻ ăn xin. Hãy để ông ta tự đến! Không lý gì ta lại phải đến biên giới vương quốc mình để nghênh đón ông ta? Ta là vua còn ông ta chỉ là kẻ ăn mày”.
Vị tể tướng già lập tức viết sớ từ quan. Ông nói: “Xin hãy nhận sớ từ quan của hạ thần bởi nếu bệ hạ đã như vậy thì thần không còn có thể ở lại được nữa. Bệ hạ phải nhớ rằng bệ hạ là vua của một nước, còn ông ấy đã từ bỏ mọi vương quốc. Ông ấy không có gì cả. Bệ hạ sở hữu một đế chế hùng mạnh còn ông ấy chẳng có gì. Ông ấy thuộc về đỉnh cao. Bệ hạ phải đến cúi lạy, nếu không xin hãy nhận sớ từ quan của thần. Thần không thể ở lại cung điện này với bệ hạ. Hạ thần không thể làm được điều đó”. Nhà vua buộc lòng phải đi.
Khi ông cúi lạy Phật, Phật đã nói: “Không cần đâu. Ta nghe nói rằng ông đã do dự không muốn đến. Không cần đâu bởi khi do dự, và thậm chí có đến, ngươi vẫn không đến thật sự. Sự kính trọng không thể gượng ép. Dù ông có hiểu hay không, cũng không cần đâu - đích thân ta sẽ đến gặp ông. Ta là kẻ ăn xin… còn ông là hoàng đế”.
Ngay lúc này, nhà vua bắt đầu khóc. Ông đã hiểu được ý nghĩa của nó.
Ở phương Đông, Brahman thuộc về đỉnh. Đó là cơ cấu xã hội đúng đắn. Giờ đây, trên khắp thế giới, các chính trị gia đã lên đến đỉnh. Do đó mới có đau khổ và hỗn loạn - nó phải diễn ra đúng như thế. Phần đỉnh đã trở nên quá nặng trĩu. Chỉ có bông hoa mới được ở đỉnh - các bậc hiền nhân, nhà thơ, nhà thần bí. Không phải các chính trị gia.
Sự to lớn và mạnh mẽ ở bên dưới; sự mềm mại, yếu đuối nằm ở phía trên.
Lão Tử nói rằng nếu bạn muốn thuộc về phần đỉnh, hãy nhẹ nhàng và mềm yếu. Thật mềm yếu và dịu dàng, mềm mại như cỏ, không như những cành cây to.
Lão Tử quan tâm sâu sắc đến tất cả những thứ vô dụng. Ông nói rằng việc trở nên vô dụng có nghĩa là được bảo vệ. Hữu dụng sẽ đáng sợ bởi nếu bạn hữu dụng, ai đó sẽ sử dụng bạn và bạn sẽ bị khai thác.
Khi cùng các đệ tử đi qua một ngôi làng, Lão Tử nhìn thấy một người đàn ông bị gù. Ông bảo các đồ đệ của mình: “Hãy đến hỏi người gù kia xem người đó cảm thấy thế nào bởi ta nghe nói thị trấn này đang có biến. Tất cả trai tráng khỏe mạnh trong làng đều phải ra chiến trường”.
Các đồ đệ của Lão Tử đến hỏi chuyện người gù. Ông ấy trả lời: “Tôi thật may mắn! Nhờ cái lưng gù của mình mà tôi không phải ra chiến trường. Tôi vô dụng. Vì thế tôi được cứu sống”. Khi nghe các đệ tử kể lại, Lão Tử nói: “Giờ thì hãy nhớ. Hãy trở nên vô dụng. Nếu không, các con sẽ chết khô trên chiến trường”.
Khi băng qua một khu rừng, họ đến ngồi dưới một tán cây to; tán cây có thể che cho cả ngàn chiếc xe bò. Cả khu rừng đang bị đốn chặt, hàng ngàn thợ mộc đang làm việc. Lão Tử nói: “Hãy tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra - vì sao họ không đốn cái cây to này?”.
Các học trò của Lão Tử đi hỏi và được biết: “Cái cây đó hoàn toàn vô dụng. Các nhánh cây không thẳng, chúng tôi không thể làm được đồ nội thất, còn khi đốt thì có quá nhiều khói đến mức không thể dùng nó làm củi. Lá của nó đắng đến mức ngay cả loài vật cũng không thể ăn. Vậy nên nó vô dụng. Đó là lý do vì sao chúng tôi không đốn nó”.
Lão Tử cười nói với các đồ đệ: “Hãy giống cái cây đó, trở nên vô dụng. Khi đó sẽ không bị ai đốn chặt. Và hãy nhìn cái cây này, nó đã trở nên to lớn đến nhường nào, chỉ nhờ nó vô dụng”.
Bạn có thể nhìn nhận cuộc sống theo hai cách. Bạn có thể nhìn theo hướng vị lợi: Thứ này phải được dùng cho thứ khác - khi đó, cuộc sống sẽ trở thành một phương tiện, và một điểm cuối nào đó phải được hoàn thiện. Hoặc bạn có thể nhìn theo kiểu thưởng thức, khi đó, khoảnh khắc hiện tại này là tất cả, không có mục tiêu, không có mục đích nào khác.
Tôi vừa đọc được một bài thơ có một câu hàm súc như sau: “A poem should not mean, but be” (Bài thơ không nên có nghĩa, mà chỉ hiện hữu). Tôi rất ấn tượng. Cuộc sống không nên có nghĩa, mà chỉ hiện hữu! Hiện hữu một cách không có mục đích, không hướng đến nơi nào khác… thưởng thức, ăn mừng khoảnh khắc hiện tại. Chỉ khi đó bạn mới có thể mềm mại. Nếu tìm cách trở nên hữu dụng, bạn sẽ cứng nhắc. Nếu tìm cách đạt được điều gì đó, bạn sẽ cứng nhắc. Nếu cố đấu tranh, bạn sẽ khô cứng. Hãy buông xuôi. Hãy mềm mại và dịu dàng. Hãy để dòng chảy của cuộc sống cuốn trôi bạn đến bất cứ nơi nào. Hãy để mục tiêu của cái tổng thể trở thành mục tiêu của bạn. Đừng tìm kiếm bất kỳ mục tiêu riêng lẻ nào. Chỉ là một phần của cái tổng thể, rồi vẻ đẹp và sự duyên dáng vô hạn sẽ xảy ra.
Hãy cảm nhận nó, điều mà tôi đang nói. Đây không phải vấn đề đọc hiểu, cũng không phải câu hỏi thử thách trí thông minh. Hãy cảm nhận nó, điều tôi đang nói. Hãy hấp thụ nó, điều mà tôi đang nói. Hãy để nó thấm sâu vào bạn: Cuộc sống không nên có nghĩa, mà chỉ hiện hữu. Và bỗng nhiên, bạn sẽ trở nên mềm mại. Mọi sự cứng nhắc đến rồi đi, rồi tan chảy. Đứa bé sẽ lại được tìm thấy; bạn sẽ lại là đứa trẻ với cặp mắt ngây thơ, trong sáng. Bạn có thể quan sát, và mọi thứ trở nên hoàn toàn khác biệt. Tiếng chim hót cũng hoàn toàn khác biệt. Và rồi cái tổng thể chứa đựng tầm quan trọng hoàn toàn khác biệt. Nó không có nghĩa, nó chứa đựng tầm quan trọng. Ý nghĩa có liên quan đến tính hữu dụng; còn tầm quan trọng liên quan đến niềm vui.
Hãy vui với niềm vui trong đó và bạn sẽ trở nên mềm mại. Hãy tuôn chảy theo dòng sông. Hãy trở thành dòng sông.