Không ai là không vị kỷ, trừ những kẻ đạo đức giả.
Từ vị kỷ đã bị các tôn giáo gán cho một ý nghĩa vô cùng tội lỗi. Họ muốn bạn không vị kỷ. Nhưng vì sao? Để giúp đỡ người khác… Tôi còn nhớ câu chuyện sau:
Người mẹ nói với con trai: “Hãy luôn giúp đỡ người khác”. Đứa trẻ hỏi lại: “Vậy còn người khác sẽ làm gì?”. Tất nhiên, người mẹ đáp: “Họ sẽ giúp đỡ người khác nữa”. Đứa trẻ nói: “Đây có vẻ như là một việc làm kỳ lạ. Tại sao ai nấy không tự giúp mình mà cứ chuyển đổi nó và làm cho mọi thứ trở nên phức tạp một cách không cần thiết?”.
Những người đau khổ đang giúp đỡ những người đau khổ khác, người mù đang dẫn đường cho người mù khác. Bạn có thể giúp gì? Đó là một ý nghĩ rất nguy hiểm.
Vị kỷ là một bản chất tự nhiên. Đúng vậy, sẽ đến một lúc nào đó vị kỷ cũng là một cách chia sẻ. Khi ở trong trạng thái tràn ngập niềm vui, bạn có thể chia sẻ. Giờ đây, những người đau khổ đang giúp đỡ những người đau khổ khác, người mù đang dẫn đường cho người mù khác. Bạn có thể giúp gì? Đó là một ý nghĩ rất nguy hiểm - thứ đã tồn tại hàng bao thế kỷ.
Tại một ngôi trường nhỏ, giáo viên dạy bảo học sinh: “Các em phải làm việc tốt ít nhất một lần trong tuần”. Một học sinh hỏi: “Xin hãy cho chúng em một vài ví dụ về việc tốt. Chúng em không biết thế nào là tốt”. Cô giáo đáp: “Ví dụ, em thấy một người mù muốn băng qua đường, hãy đưa bà ấy qua đường. Đấy là việc tốt, một việc có đạo đức”.
Tuần sau, giáo viên hỏi: “Các em có nhớ làm điều mà cô đã nói chưa?”. Ba học sinh giơ tay trả lời. Cô giáo nói: “Thế này là không được rồi - hầu hết các em đều không làm gì. Nhưng dù sao vẫn có ba bạn đã làm việc tốt”. Cô giáo hỏi học sinh thứ nhất: “Em đã làm gì?”. Cậu bé đáp: “Chính xác những gì cô đã nói: Em đã giúp một bà mù qua đường”. Cô giáo đáp: “Rất tốt. Chúa ban phước lành cho em”. Cô giáo hỏi học sinh thứ hai: “Còn em đã làm gì?”. Cậu học sinh đáp: “Tương tự ạ - em đã giúp một bà mù qua đường”. Lúc này, cô giáo hơi bối rối. Sao chúng lại tìm thấy toàn những bà mù thế này? Nhưng thành phố rộng lớn, có khả năng chúng đã gặp được hai bà mù. Cô hỏi học sinh còn lại, cậu bé đáp: “Em làm đúng như những gì hai bạn kia đã làm: giúp một bà mù qua đường”.
Giáo viên liền hỏi: “Nhưng các em tìm đâu ra những ba bà mù?”. Các học sinh đáp: “Cô không hiểu rồi - không có ba bà mù, chỉ một thôi. Rất khó để đưa bà ấy qua đường. Bà ấy đã đánh chúng em, la hét ầm ĩ vì không muốn qua đường. Nhưng chúng em nhất định phải làm điều gì đó thật tốt, thậm chí đám đông đã xúm lại mắng chúng em, nhưng chúng em đã nói: ‘Đừng lo. Tụi cháu sẽ đưa bà ấy qua bên kia đường’.
Mọi người được dạy bảo phải giúp đỡ người khác, còn bên trong họ lại trống rỗng. Họ được dạy bảo phải yêu thương người khác - yêu thương hàng xóm, yêu thương kẻ thù - nhưng họ không được dạy bảo hãy yêu thương chính mình. Tất cả các tôn giáo, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều bảo mọi người ghét chính mình. Người nào ghét chính mình sẽ không thể yêu thương bất kỳ ai khác; anh ta chỉ biết giả vờ.
Tôi không phản đối việc chia sẻ, nhưng tôi hoàn toàn chống lại chủ nghĩa vị tha. Tôi ủng hộ sự chia sẻ, nhưng trước hết bạn phải có gì để chia sẻ.
Điều cơ bản là hãy yêu thương chính mình một cách trọn vẹn, trọn vẹn đến mức tình yêu đó tràn ngập và lan tỏa đến người khác. Tôi không phản đối việc chia sẻ, nhưng tôi hoàn toàn chống lại chủ nghĩa vị tha. Tôi ủng hộ sự chia sẻ, nhưng trước hết bạn phải có gì để chia sẻ. Và khi đó, bạn sẽ không phải làm bất cứ điều gì như một nghĩa vụ đối với bất kỳ ai, ngược lại, người nhận được điều gì đó từ bạn sẽ là người ơn của bạn. Bạn phải biết ơn bởi người đó có thể đã từ chối sự giúp đỡ của bạn, người đó đã thật hào phóng.
Tất cả những gì tôi muốn nhấn mạnh là một cá nhân phải thật hạnh phúc, thật an lạc, thật tĩnh lặng, thật hài lòng đến mức từ trạng thái viên mãn đó, anh ta bắt đầu chia sẻ. Anh ta có quá nhiều, giống như một đám mây - anh ta cần phải trút nước. Nếu anh ta có thể thỏa được cơn khát của ai đó, thỏa được cơn khát của trái đất, đó là điều thứ yếu. Nếu mỗi cá nhân đều tràn ngập niềm vui, tràn ngập ánh sáng, tràn ngập sự tĩnh lặng, họ sẽ chia sẻ mà không cần ai phải thúc ép bởi sự chia sẻ đó chính là niềm vui. Việc cho đi sẽ vui hơn so với việc nhận về.
Nhưng toàn bộ cấu trúc này phải thay đổi. Con người không cần được dạy bảo để có lòng vị tha. Họ đau khổ - vậy họ có thể làm gì? Họ mù quáng - vậy họ có thể làm gì? Họ đã bỏ lỡ cuộc đời mình - họ có thể làm gì? Họ chỉ có thể cho đi những gì họ có. Vậy nên, con người đang chuyển sự đau khổ, chịu đựng, lo lắng đến cho những ai tiếp xúc với họ. Liệu đây có phải là chủ nghĩa vị tha? Không, tôi muốn mọi người hoàn toàn vị kỷ.
Cây cối đều vị kỷ: nó mang nước đến rễ, đến trái, đưa nước đến cành cây, đến lá, đến hoa, đến quả. Và khi nở hoa, nó tỏa hương thơm đến mọi người - người quen, người lạ, người biết, người không biết. Khi trĩu quả, cây chia sẻ, mang quả đến cho mọi người. Nhưng nếu được dạy bảo phải vị tha, tất cả những cái cây này sẽ chết, giống như cách cả nhân loại đều chết - như những hình hài di động. Và đang bước đến đâu? Đến nghĩa địa, đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Cuộc sống phải là một điệu nhảy. Và cuộc sống của mọi người có thể là một điệu nhảy. Nó phải là nhạc và rồi bạn có thể chia sẻ; bạn sẽ phải chia sẻ. Tôi không cần phải nói điều này bởi nó là một trong những quy luật hiện hữu cơ bản. Càng được chia sẻ, phúc lạc của bạn sẽ càng tăng. Nhưng tôi dạy bạn sự vị kỷ.