Cuộc sống là một quá trình tìm kiếm - tìm kiếm không ngừng, tìm kiếm trong tuyệt vọng, tìm kiếm thứ mà mình không biết. Tận sâu bên trong, con người luôn cảm thấy thôi thúc phải kiếm tìm, nhưng lại không biết mình đang tìm kiếm điều gì. Và luôn tồn tại một trạng thái tâm lý rằng dù sở hữu điều gì, bạn cũng sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng. Thất vọng dường như là một đặc tính cố hữu của con người, bởi bất cứ điều gì bạn đạt được đều nhanh chóng trở nên vô nghĩa ngay tại thời điểm sở hữu nó. Và bạn lại bắt đầu hành trình tìm kiếm mới.
Cuộc tìm kiếm đó sẽ tiếp tục dù bạn có tìm được hay không. Nó dường như chẳng liên quan đến việc bạn có thứ gì, không có thứ gì, mặc kệ, cuộc tìm kiếm vẫn cứ diễn ra. Người nghèo, người giàu, người đau ốm, người khỏe mạnh, người quyền lực, người thất thế, kẻ ngu xuẩn, người khôn ngoan - ai nấy đều mải miết kiếm tìm, và không ai biết chính xác mình làm việc đó vì lẽ gì. Chúng ta cần hiểu rõ bản chất của việc tìm kiếm này - nó là gì và vì sao nó lại tồn tại.
Dường như luôn có một khoảng trống trong tâm trí của mỗi người. Dường như có một cái lỗ sâu hun hút - một lỗ đen - trong chính cơ chế nhận thức của con người. Bạn không ngừng ném mọi thứ vào đó và chúng cứ liên tục biến mất. Không gì có thể lấp đầy khoảng trống đó. Nó giống như một thứ dịch bệnh. Bạn tìm kiếm trong thế giới này, bạn tìm kiếm trong thế giới khác. Đôi khi, bạn tìm kiếm ở tiền bạc, quyền lực, uy tín, và đôi khi ở Thượng đế, ở niềm hạnh phúc, tình yêu, thiền định, cầu nguyện - nhưng cuộc tìm kiếm vẫn không dừng lại. Con người dường như phát ốm vì tìm kiếm.
Cuộc tìm kiếm đó không cho phép bạn có mặt ngay trong cuộc sống hiện tại, bởi nó luôn đưa bạn đến một nơi nào khác. Cuộc tìm kiếm đó giống như một kế hoạch, một khát vọng, một ý tưởng cho rằng cái mà bạn cần hiện đang ở một nơi khác. Dĩ nhiên là nó tồn tại, nhưng không phải ở thời điểm này - không phải tại đây mà là ở một nơi khác. Nó cứ mãi dằn vặt, thôi thúc bạn, khiến bạn ngày càng trở nên kích động, liều lĩnh, và không bao giờ cảm thấy hài lòng.
Tôi từng nghe câu chuyện về một phụ nữ bí ẩn theo Sufi giáo(*) tên là Rabia al-Adawia:
(*) Sufi giáo hay đạo sufi là một giáo phái thần bí của đạo Hồi, xuất hiện gần như đồng thời với Hồi giáo, và phát triển trên cơ sở chủ nghĩa khổ hạnh.
Một ngày nọ, khi mặt trời dần khuất sau dãy núi, chỉ còn lại vài tia sáng le lói trên con đường nơi Rabia đang ngồi tìm kiếm vật gì đó. Bà đã lớn tuổi, mắt kém nên nhìn mọi thứ thật khó khăn. Do đó, những người hàng xóm đã đến giúp bà. Họ hỏi: “Bà đang tìm gì vậy?”. Rabia đáp: “Hỏi vớ vẩn. Tôi đang tìm. Nếu được thì các anh tìm giúp tôi đi”.
Mọi người cười: “Rabia, bà điên rồi sao? Bà nói câu hỏi đó vớ vẩn, nhưng làm sao chúng tôi có thể giúp nếu không biết bà đang tìm kiếm thứ gì?”.
Rabia đáp: “Được rồi, vậy thì nghe đây, tôi tìm cây kim tôi vừa làm mất”. Mọi người bắt đầu giúp bà tìm kiếm, nhưng chợt hiểu ra rằng con đường rất rộng lớn, còn cây kim thì quá nhỏ. Họ lại hỏi tiếp: “Bà đã làm mất nó ở đâu, hãy nói chính xác địa điểm, nếu không thì sẽ rất khó. Con đường này quá lớn, chúng ta không thể cứ tìm mãi được. Bà đã làm mất ở đâu?”.
Rabia đáp: “Lại một câu hỏi vớ vẩn nữa. Điều đó thì có liên quan gì đến việc tìm kiếm của tôi?”. Mọi người dừng lại nói: “Hẳn là bà đã điên thật rồi!”.
Rabia đáp: “Được, vậy thì nghe đây, tôi làm mất nó trong nhà”.
Mọi người liền hỏi: “Vậy sao bà lại tìm ở đây?”.
Và Rabia đáp ngay: “Bởi ở đây có ánh sáng, còn trong nhà thì tối om”.
Câu chuyện ngụ ngôn trên hàm chứa nhiều ý nghĩa. Bạn đã bao giờ tự hỏi liệu mình đang tìm kiếm điều gì chưa? Bạn đã bao giờ thực sự nghiền ngẫm để hiểu được điều đó? Chưa bao giờ. Ngay cả trong những khoảnh khắc mơ hồ, những giây phút chìm trong ảo giác, bạn cũng không biết chắc điều mà mình đang tìm kiếm. Nó không bao giờ rõ ràng, không bao giờ chính xác. Bạn chưa từng định nghĩa về nó. Nếu tìm cách định nghĩa nó và khi nó đã trở nên cụ thể, bạn sẽ nhận thấy rằng mình chẳng cần tìm kiếm làm gì. Cuộc tìm kiếm chỉ tiếp diễn trong trạng thái mơ hồ, mộng tưởng. Khi mọi thứ không rõ ràng, bạn sẽ tiếp tục tìm kiếm bởi sự thôi thúc từ bên trong. Bạn chỉ biết chắc một điều: phải tìm kiếm. Đây là nhu cầu nội tại. Nhưng bạn lại không biết mình tìm kiếm điều gì. Làm sao bạn tìm thấy thứ mà mình không biết?
Nó rất mơ hồ, khó xác định. Bạn cho rằng điểm mấu chốt nằm ở tiền bạc, quyền lực, uy tín, sự kính trọng, nhưng rồi bạn thấy những người đáng kính, những người quyền lực cũng đang tìm kiếm. Rồi bạn lại thấy những người vô cùng giàu có cũng đang tìm kiếm. Vậy nên giàu có sẽ không giúp được gì, quyền lực cũng chẳng còn ý nghĩa. Cuộc tìm kiếm vẫn diễn ra, bất kể bạn đang sở hữu những gì.
Bạn đã bao giờ tự hỏi liệu mình đang tìm kiếm điều gì chưa? Bạn đã bao giờ thực sự nghiền ngẫm để hiểu được điều đó?
Mục tiêu tìm kiếm hẳn phải là thứ khác kia. Những khái niệm này, danh xưng này - tiền bạc, quyền lực, uy tín - chỉ để thỏa mãn tâm trí bạn. Chúng chỉ giúp bạn cảm thấy rằng mình đang tìm kiếm - tìm kiếm những thứ vẫn chưa được xác định, vẫn rất mơ hồ.
Điều đầu tiên đối với một người tìm kiếm thật sự - người đã có chút tỉnh táo, nhận thức - là phải “xác định được cuộc tìm kiếm đó, hình dung rõ ràng về nó, đưa nó ra khỏi vùng nhận thức mơ hồ, đặt nó vào trạng thái cảnh báo, tìm hiểu kỹ và đối mặt trực diện với nó”. Ngay lập tức, mọi thứ sẽ bắt đầu chuyển biến. Nếu bắt đầu xác định mục tiêu tìm kiếm của mình, bạn sẽ nhanh chóng mất đi sự quan tâm đối với chính quá trình tìm kiếm. Mục tiêu càng được xác định thì càng ít hiện hữu. Khi bạn đã trông thấy rõ ràng, nó sẽ vụt biến đi ngay. Nó chỉ tồn tại khi bạn không chú ý.
Xin nhắc lại: cuộc tìm kiếm chỉ tồn tại khi bạn đang “mơ ngủ”. Cuộc tìm kiếm chỉ tồn tại trong vô thức của bạn, khi bạn không nhận biết về nó. Chính trạng thái không nhận thức đó tạo ra cuộc tìm kiếm.
Rabia đã phản ánh đúng. Trong nhà tối om, không có ánh sáng, và bởi vì không có ánh sáng nên làm gì có nhận thức bên trong, vậy thì tất nhiên là bạn sẽ tìm kiếm bên ngoài bởi vì ở đó mọi vật dường như rõ ràng hơn, dễ nhìn thấy hơn.
Tất cả mọi giác quan của chúng ta đều hướng ra bên ngoài. Hai mắt mở ra, chân tay “mọc” hướng ra ngoài, tai đón nghe những âm thanh, tiếng ồn từ bên ngoài. Tất cả những gì hiện hữu với bạn đều mở ra với thế giới bên ngoài; cả năm giác quan đều hướng ra bên ngoài. Bạn bắt đầu tìm kiếm ở “bên ngoài” đó - nơi mà bạn có thể cảm nhận, sờ mó và nhìn thấy.
Ánh sáng của các giác quan nằm ở bên ngoài, còn người tìm kiếm thì ở bên trong. Chúng ta cần phải hiểu được tình thế lưỡng phân này, khi người tìm kiếm ở bên trong nhưng ánh sáng lại ở bên ngoài, và người tìm kiếm bắt đầu di chuyển một cách hú họa, gắng tìm ra thứ gì đó bên ngoài để được thỏa lòng. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra. Không thể nào. Những điều căn bản cần phải được xác định trước tiên.
Có hai điều quan trọng cần lưu ý. Thứ nhất, hãy làm rõ mục tiêu tìm kiếm. Đừng mãi mò mẫm trong bóng tối. Hướng sự tập trung vào mục tiêu đó: Thật ra bạn đang tìm kiếm điều gì? Bởi vì đôi khi bạn muốn thứ này nhưng lại mải miết kiếm tìm thứ khác, vì vậy, dù tìm thấy nó thì bạn vẫn không cảm thấy hài lòng. Bạn đã bao giờ thấy ai làm được điều đó chưa? Hay đâu đâu cũng chỉ gặp toàn những kẻ thất bại? Bạn từng nghe thấy câu nói “Không có gì thành công bằng thành công”. Đó là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Tôi khẳng định rằng không có gì thất bại bằng thành công. Câu nói trên kia hẳn là xuất phát từ những kẻ ngu ngốc. Tôi lặp lại: Không có gì thất bại bằng thành công.
Chuyện kể rằng vào ngày chinh phục được cả thế giới, Alexander Đại Đế đã đóng cửa phòng mình và bắt đầu khóc. Tôi không biết liệu điều đó có thật hay không, nhưng nếu ông ấy có trí tuệ thì hẳn nó đã xảy ra. Các tướng chỉ huy dưới quyền ông cảm thấy rất phiền lòng:
Có chuyện gì vậy? Họ chưa từng trông thấy Alexander khóc. Ông không phải loại người nhu nhược; ông là một chiến binh vĩ đại. Họ đã từng chứng kiến ông trong muôn vàn khốn khó, hiểm nguy, những tình huống mà cái chết luôn cận kề, nhưng chưa ai nhìn thấy ánh mắt ông lộ chút sợ hãi. Họ chưa bao giờ nhìn thấy ở ông một khoảnh khắc vô vọng nào. Điều gì đã xảy ra... khi mà ông đã thành công, đã trở thành người thống lĩnh thế giới?
Họ gõ cửa phòng ông và hỏi: “Điều gì đã xảy ra, thưa Đức Vua? Vì sao Ngài lại khóc như một đứa trẻ vậy?”.
Ông đáp: “Giờ khi đã thành công, ta mới biết đó là một thất bại. Giờ ta biết rằng ta đang đứng chính tại nơi mà ta đã từng đứng khi bắt đầu hành trình ngu ngốc chinh phục thế giới này. Và giờ ta hiểu rất rõ ràng rằng không còn thế giới nào khác để chinh phục; nếu có thì hẳn ta vẫn còn trong cuộc chinh phạt đó, hẳn ta đã bắt đầu chinh phục thế giới đó. Giờ chẳng còn thế giới nào để chinh phục, chẳng còn gì để làm - và bỗng nhiên, ta như bị ném trở lại với chính mình”.
Người thành công luôn trở về với chính mình vào phút cuối và rồi anh ta sẽ chịu đựng những đòn tra tấn đớn đau khủng khiếp bởi nhận ra mình đã lãng phí cả cuộc đời. Anh ta cứ mãi tìm kiếm, tìm cách “đặt cược” những gì mình có. Giờ đây khi đã thành công, anh ta thấy lòng mình trống rỗng, mọi thứ trong tâm hồn trở nên vô nghĩa, không còn những hương thơm, không còn chút phước lành.
Vì vậy, trước hết là phải biết chính xác bạn tìm kiếm điều gì. Bạn nhất định phải làm được điều này, bởi bạn càng chú ý vào mục tiêu tìm kiếm của mình thì mục tiêu đó càng nhanh chóng biến mất. Khi cả hai mắt bạn tập trung cả vào đấy và bỗng nhiên không còn gì để tìm kiếm nữa, ngay lập tức, mắt bạn sẽ bắt đầu hướng vào chính bạn. Khi không còn mục tiêu tìm kiếm, khi tất cả các mục tiêu đã biến mất, sẽ chỉ còn lại sự trống rỗng. Trong trạng thái trống rỗng đó là sự chuyển hướng. Bạn bỗng nhìn vào chính mình. Giờ thì chẳng còn gì để tìm kiếm, và sẽ nảy sinh một khao khát được biết về người tìm kiếm này.
Nếu còn điều gì đó để tìm kiếm, bạn là một người trần tục. Nếu không còn gì để tìm kiếm và câu hỏi “Người tìm kiếm này là ai?” trở nên quan trọng đối với bạn, bạn là kẻ tu hành. Đây là cách để tôi phân biệt giữa người trần tục và kẻ tu hành. Nếu vẫn còn tìm kiếm điều gì đó - dù trong một cuộc đời khác, trong một thế giới khác, ở thiên đàng hay địa ngục - bạn vẫn còn là người trần tục. Nếu tất cả những hành động tìm kiếm chấm dứt và bạn chợt ngộ ra rằng chỉ cần biết một điều duy nhất - Người tìm kiếm trong tôi là ai vậy? Nguồn năng lượng mà kẻ ấy khao khát tìm kiếm là gì? Tôi là ai? - thì sẽ có một sự biến chuyển. Tất cả các giá trị sẽ thay đổi ngay tức thì. Bạn bắt đầu hướng vào bên trong. Khi đó, Rabia sẽ không còn ngồi bên lề đường để tìm cây kim mà bà đã đánh mất đâu đó trong bóng tối của chính tâm hồn mình.
Nếu tất cả những hành động tìm kiếm chấm dứt và bạn chợt ngộ ra rằng chỉ cần biết một điều duy nhất – Người tìm kiếm trong tôi là ai vậy? Nguồn năng lượng mà kẻ ấy khao khát tìm kiếm là gì? Tôi là ai? – thì sẽ có một sự biến chuyển.
Giờ bạn bắt đầu hướng vào bên trong... Lúc đầu, nơi đó rất tối - Rabia nói đúng, rất tối. Ánh mắt bạn luôn hướng ra thế giới bên ngoài bởi bạn chưa bao giờ ở bên trong cả. Bạn nhìn thấy gì chưa? Quan sát được gì không? Đôi khi, từ bên ngoài, nơi mặt trời nóng bức và có nhiều ánh sáng, bạn bỗng bước vào một căn phòng hoặc một ngôi nhà, mọi thứ sẽ tối sầm - bởi mắt bạn tập trung quá nhiều vào ánh sáng bên ngoài. Khi tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng, đồng tử sẽ co lại. Trong bóng tối, đồng tử sẽ giãn ra giúp ta nhìn rõ hơn. Khi ở ngoài ánh sáng, mức độ giãn nở chỉ cần ở mức vừa đủ. Đó là cách hoạt động của máy chụp ảnh, cũng chính là cách hoạt động của mắt.
Vì vậy, khi bạn đột ngột từ ngoài bước vào, căn nhà có vẻ trông rất tối. Nhưng nếu bạn chịu ngồi lại một lúc, bóng tối sẽ dần tan đi, loãng ra. Ánh sáng sẽ xuất hiện và mắt của bạn bắt đầu phân biệt rõ các đồ vật xung quanh. Như những người đứng ở bên ngoài, bạn đã ở dưới ánh nắng mặt trời chói chang; khi bước vào bên trong, bạn hoàn toàn quên mất cách làm điều đó và quên mất cách điều chỉnh mắt mình. Việc thiền định sẽ điều chỉnh lại tầm nhìn của bạn, điều chỉnh lại khả năng nhìn thấy của mắt bạn.
Tại Ấn Độ, đây được gọi là con mắt thứ ba. Nó không phải là con mắt theo nghĩa sinh học mà là quá trình tái điều chỉnh - tái điều chỉnh toàn bộ tầm nhìn của bạn. Bóng tối sẽ dần biến mất và ánh sáng bắt đầu hình thành. Và nếu chịu tiếp tục nhìn vào trong thật chậm, từng chút một - điều này đòi hỏi phải có thời gian - bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được thứ ánh sáng tuyệt diệu bên trong. Đó không phải là thứ ánh nắng chói chang như ánh mặt trời, mà gần giống như ánh trăng vậy. Nó không rực rỡ, chói lòa; nó dịu nhẹ, êm ái, an ủi, chứa đựng tình cảm yêu thương và sự trìu mến. Dần dần, khi đã điều chỉnh mắt mình theo ánh sáng bên trong, bạn sẽ nhận thấy chính mình. Người tìm kiếm chính là mục tiêu tìm kiếm. Khi đó, bạn sẽ hiểu rằng báu vật đang nằm bên trong bạn, và vấn đề ở chỗ là bạn lại tìm kiếm nó ở bên ngoài. Bạn tìm kiếm nó đâu đó bên ngoài, còn nó thì luôn ở đây - bên trong. Nó luôn hiện diện ở đây, còn bạn thì tìm kiếm ở chỗ khác. Tất cả chỉ có vậy.
Mọi thứ đều hiện hữu trước mắt bạn cũng như trước mắt người khác, cũng như trước mắt Đức Phật, Baal-Shem, Moses, hay Muhammad. Tất cả đều hiện hữu trước mắt bạn, chỉ có bạn là nhìn sai hướng thôi. Chừng nào còn liên quan đến báu vật đó thì bạn sẽ không thể nghèo túng hơn Đức Phật hay Muhammad - không thể nào, Thượng đế không bao giờ tạo ra kẻ nghèo khó. Điều này không bao giờ xảy ra - không thể xảy ra vì bạn được sinh ra từ sự giàu có của Người. Làm sao Người lại tạo ra kẻ nghèo khó được? Bạn chính là dòng chảy tuôn trào của Người; bạn là một phần của sự sống. Làm sao bạn có thể nghèo khó? Bạn luôn giàu có, giàu có vô biên - giàu có như chính tạo hóa vậy.
Nhưng bạn nhìn không đúng hướng. Đó là hướng sai lầm. Đó là lý do vì sao bạn cứ mãi bỏ lỡ mọi thứ. Nhưng như thế không có nghĩa là bạn không thể thành công trong đời. Bạn có thể chứ! Tuy nhiên, bạn sẽ luôn cảm thấy thất bại. Không gì có thể khiến bạn hài lòng bởi những thứ bạn đạt được ở thế giới bên ngoài không thể sánh với báu vật bên trong, với ánh sáng bên trong, với niềm hạnh phúc bên trong.
BẠN CHỈ TỰ BIẾT MÌNH KHI HOÀN TOÀN ĐƠN ĐỘC – Thông thường, những gì chúng ta biết về mình đều xuất phát từ ý kiến của người khác. Họ nói: “Bạn tốt bụng!”, bạn nghĩ rằng mình tốt bụng. Họ nói: “Bạn xinh đẹp!”, bạn sẽ nghĩ rằng mình xinh đẹp. Họ nói: “Mày thật tồi tệ!” hay “Mày thật xấu xa!”... Bạn “thu thập” bất cứ điều gì họ nói và chúng trở thành những đặc điểm để chúng ta tự nhận biết mình. Đó là suy nghĩ hết sức sai lầm bởi không ai có thể biết rõ về bạn - không ai khác, ngoài chính bạn. Họ chỉ biết được một số khía cạnh, mà những khía cạnh này chỉ mang tính bề mặt. Họ chỉ biết được những tâm trạng nhất thời chứ không thể thâm nhập vào bên trong. Ngay cả những người thân yêu của bạn cũng không thể thâm nhập vào thế giới bên trong của bạn. Bạn hoàn toàn đơn độc trong thế giới đó, và chỉ có ở đó bạn mới biết được mình là ai.
Con người sống cả đời bằng niềm tin vào những điều người khác nói, phụ thuộc vào người khác. Đó là lý do vì sao mọi người rất e ngại ý kiến của người khác. Nếu mọi người cho rằng bạn xấu xa, nhất định bạn là kẻ xấu xa. Nếu họ buộc tội bạn, bạn bắt đầu buộc tội chính mình.
Con người sống cả đời bằng niềm tin vào những điều người khác nói, phụ thuộc vào người khác. Đó là lý do vì sao mọi người rất e ngại ý kiến của người khác. Nếu mọi người cho rằng bạn xấu xa, nhất định bạn là người xấu xa. Nếu họ buộc tội bạn, bạn bắt đầu buộc tội chính mình. Nếu họ nói bạn có tội, bạn bắt đầu cảm thấy mình là kẻ tội đồ. Vì phụ thuộc vào ý kiến của mọi người nên bạn không ngừng “ngả nghiêng” theo họ; nếu bạn không làm thế, họ sẽ thay đổi ý kiến đó. Đây là một kiểu nô lệ trá hình. Nếu muốn được mọi người xem là tốt bụng, xinh đẹp, thông minh, bạn phải luôn nhượng bộ, thỏa hiệp với những người mà bạn phụ thuộc.
Và rồi nảy sinh một vấn đề khác. Bởi vì có quá nhiều người nên bạn sẽ liên tục bị nhồi nhét vào đầu nhiều kiểu ý kiến khác nhau - cả những ý kiến trái ngược. Ý kiến này mâu thuẫn với ý kiến kia, từ đó bên trong bạn sẽ hình thành một trạng thái mơ hồ cùng cực. Người này nói bạn rất thông minh, còn người kia thì bảo bạn ngu ngốc. Nên tin ai bây giờ? Thế nên bạn bị chia tách. Bạn trở nên hoài nghi về chính mình, về bản chất con người mình... một kiểu dao động. Và tình trạng này càng trở nên phức tạp bởi có hàng ngàn người xung quanh bạn.
Bạn tiếp xúc với quá nhiều người và mọi người nhồi nhét vào đầu bạn ý kiến của họ. Không ai hiểu bạn – thậm chí bạn còn không biết chính mình - vì thế tất cả những ý kiến này sẽ bị đẩy vào bên trong. Đây là một tình huống điên đầu. Bạn có nhiều tiếng nói bên trong. Bất cứ khi nào bạn tự hỏi mình là ai thì nhiều câu trả lời sẽ xuất hiện cùng lúc. Một số là của mẹ bạn, số khác là của cha bạn, số nữa là của giáo viên, và cứ thế tiếp diễn. Và bạn không thể biết đâu là câu trả lời chính xác. Làm sao đây? Tiêu chí nào để xác định điều này? Đây chính là nơi con người bị mất phương hướng, nơi con người trở nên hoàn toàn mù tịt về chính mình.
Nhưng vì phụ thuộc vào người khác nên bạn e ngại đi vào trạng thái cô độc - bởi vì ngay khoảnh khắc đi vào trạng thái cô độc, bạn bắt đầu lo sợ đánh mất mình. Bạn không có cái tôi của mình, nhưng bất kỳ cái tôi nào được tạo ra từ quan điểm, ý kiến của người khác đều phải để lại sau lưng. Do đó, bạn cảm thấy vô cùng sợ hãi. Càng đi sâu vào bên trong, bạn càng ít nhận biết về mình. Trên thực tế, khi hướng đến quá trình tự nhận biết bản thân, trước khi đạt được điều đó, bạn sẽ phải từ bỏ hết mọi ý kiến về cái tôi cá nhân. Sẽ có một khoảng cách; sẽ có một trạng thái hư vô. Bạn sẽ trở thành con số không. Bạn sẽ hoàn toàn mất phương hướng bởi tất cả những gì bạn biết đều không còn liên quan nữa, và điều gì là có liên quan thì bạn vẫn chưa biết được.
Truyền thuyết Cơ đốc giáo gọi đây là “đêm tối của tâm hồn”. Bạn phải trải qua đêm tối đó, rồi bạn sẽ nhìn thấy ánh bình minh. Mặt trời mọc lên, và lần đầu tiên con người hiểu được chính mình. Ngay từ tia sáng đầu tiên, tất cả sẽ được hoàn thiện, lấp đầy. Ngay từ tiếng chim hót buổi ban mai, tất cả sẽ trở nên viên mãn.