Chân thật có nghĩa là đáng tin cậy - hãy sống đúng với bản chất của mình, đừng giả dối, đừng “đeo mặt nạ”. Dù khuôn mặt thật của bạn có ra sao, hãy thể hiện nó bằng mọi giá.
Hãy nhớ rằng điều đó không có nghĩa là bạn bắt người khác phải cởi bỏ “mặt nạ” của họ. Nếu họ cảm thấy hài lòng với những lời giả dối thì đó là quyết định của họ. Đừng tìm cách “vạch trần” bất kỳ ai bởi đây là cách suy nghĩ của mọi người - họ nói rằng họ phải chân thật, phải đáng tin cậy; họ muốn tìm cách khiến mọi người trở nên “trần trụi” bởi “Sao phải che giấu cơ thể? Bạn chẳng cần đến những bộ quần áo này”. Không, hãy nhớ rằng: chỉ cần chân thật với chính mình. Bạn không cần thay đổi bất kỳ ai trên thế gian này. Nếu bạn có thể phát triển bản thân thì như vậy đã là đủ rồi. Đừng tìm cách cải hoán hay dạy bảo người khác. Thông điệp ở đây là chỉ cần bạn thay đổi.
Đừng tìm cách cải hoán hay dạy bảo người khác. Thông điệp ở đây là chỉ cần bạn thay đổi.
Đáng tin cậy nghĩa là sống đúng, sống chân thật với chính mình. Nhưng làm cách nào để chân thật? Bạn cần ghi nhớ ba điều. Thứ nhất, đừng bao giờ nghe theo những điều người khác mong muốn ở bạn. Hãy luôn lắng nghe tiếng nói bên trong bạn để trở thành người mà bạn thật sự muốn trở thành; nếu không, bạn sẽ lãng phí cả cuộc đời mình. Mẹ muốn bạn trở thành kỹ sư, cha muốn bạn trở thành bác sĩ, còn bạn lại muốn trở thành nhà thơ. Phải làm sao đây? Dĩ nhiên là mẹ bạn nói đúng vì kỹ sư có thể đem lại nhiều lợi ích kinh tế hơn, sẽ có thu nhập tài chính dư dả hơn. Cha bạn cũng không sai, bác sĩ là một nghề rất “có giá” trên thị trường. Nhưng còn nhà thơ là cái thứ gì? Bạn bị điên à? Bạn mất trí rồi sao? Nhà thơ là những kẻ bị chê bai, khinh ghét. Chẳng ai thích nhà thơ cả. Thế giới này vẫn tồn tại mà không cần đến nhà thơ - không có thơ thì sẽ không có rắc rối. Nhưng thế giới không thể tồn tại nếu thiếu các kỹ sư, mọi người đều cần đến kỹ sư. Bạn chỉ có giá trị khi mọi người cần đến bạn. Nếu không, sự tồn tại của bạn sẽ chẳng có chút ý nghĩa nào.
Nhưng nếu bạn muốn trở thành nhà thơ thì hãy cứ là nhà thơ đi. Bạn có thể sẽ là một kẻ ăn mày - tốt thôi. Có thể khi là nhà thơ, bạn sẽ không giàu có, nhưng đừng bận tâm về điều đó, bởi nếu không, bạn có thể trở thành một kỹ sư giỏi, kiếm được nhiều tiền, nhưng bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng. Bạn sẽ không ngừng khao khát, lòng bạn sẽ luôn ước ao được trở thành một nhà thơ.
Tôi từng nghe câu chuyện về một nhà khoa học lớn từng đoạt giải Nobel Hòa bình. Khi được hỏi: “Ông có vẻ không vui khi nhận giải thưởng này. Điều gì đã xảy ra?”, ông đáp: “Tôi luôn ao ước trở thành một vũ công. Tôi chưa bao giờ muốn trở thành bác sĩ phẫu thuật cả. Giờ thì tôi đã là bác sĩ phẫu thuật, mà còn là bác sĩ phẫu thuật rất thành công nữa chứ, và điều đó trở thành gánh nặng đối với tôi. Tôi từng muốn trở thành vũ công, và giờ thì tôi chỉ có thể là một vũ công tồi - điều đó khiến tôi đau đớn, dằn vặt. Mỗi khi nhìn thấy ai đó khiêu vũ, tôi lại cảm thấy khổ sở, tựa như phải sống trong địa ngục. Tôi làm gì với giải Nobel này bây giờ? Nó không thể hóa thành một vũ điệu; nó không thể đem đến cho tôi vũ điệu nào cả”.
Đáng tin cậy nghĩa là sống thật với chính mình. Đó là một việc vô cùng nguy hiểm; hiếm ai có thể làm được, nhưng người làm được sẽ sở hữu nhiều thành tựu - đó chính là vẻ đẹp, sự duyên dáng, trạng thái hài lòng mà bạn không thể hình dung được.
Bạn phải chân thật với tiếng nói nội tại. Nó có thể đưa bạn đi từ khó khăn này đến hiểm nguy khác, nhưng bạn hãy luôn chân thật. Và có khả năng một ngày nào đó bạn sẽ đạt đến một trạng thái, nơi bạn có thể nhảy múa với cảm giác tròn đầy, toàn vẹn trong tâm hồn.
Vậy thì trước hết chính là bản thân bạn. Đừng để người khác thao túng và kiểm soát bạn - số đó rất đông; ai cũng luôn sẵn sàng kiểm soát bạn, luôn sẵn sàng thay đổi bạn, vẽ cho bạn con đường mà bạn không muốn đi. Ai cũng tìm cách định hướng cuộc sống của bạn. Nhưng định hướng đó tồn tại ngay bên trong bạn và bạn đã có sẵn bản kế hoạch để thực hiện nó rồi.
Đáng tin cậy có nghĩa là sống thật với chính mình. Đó là một việc vô cùng nguy hiểm; hiếm ai có thể làm được, nhưng người làm được sẽ sở hữu nhiều thành tựu - đó chính là vẻ đẹp, sự duyên dáng, trạng thái hài lòng mà bạn không thể hình dung được.
Nguyên nhân khiến mọi người thất vọng là vì không ai chịu lắng nghe tiếng nói của chính mình. Bạn muốn cưới một cô gái, nhưng người con gái đó là tín đồ Hồi giáo, còn bạn lại theo đạo Hindu, bố mẹ bạn sẽ không đời nào cho phép. Xã hội cũng sẽ không chấp nhận. Bạn giàu có, còn cô gái thì không. Thế là bạn kết hôn với một phụ nữ cùng tầng lớp và cùng theo đạo Hindu - đối tượng được mọi người chấp nhận, ngoại trừ trái tim bạn. Giờ thì cuộc sống của bạn không có lấy một ngày hạnh phúc. Bạn tìm đến những cô gái điếm để mua vui, nhưng họ cũng không thể giúp bạn vơi sầu. Bạn đã bán rẻ cuộc đời mình, lãng phí cả cuộc đời mình. Vậy nên hãy luôn lắng nghe tiếng nói bên trong, đừng nghe bất kỳ điều gì khác.
Có đến nghìn lẻ một thứ cám dỗ xung quanh bạn bởi mọi người đang rao bán rất nhiều thứ. Thế giới này như cái chợ vậy, và mọi người đều muốn chào mời bạn mua sản phẩm của họ. Ai cũng là người bán hàng cả. Nếu lắng nghe quá nhiều người bán hàng, bạn sẽ hóa điên. Do đó, bạn đừng lắng nghe bất kỳ ai, mà chỉ nhắm mắt và lắng nghe tiếng nói bên trong tâm hồn mình. Đó chính là trạng thái thiền định: lắng nghe tiếng nói bên trong. Đây là điều thứ nhất. Còn điều thứ hai là: đừng bao giờ “đeo mặt nạ” – nhưng bạn chỉ có thể làm được khi đã thực hiện xong điều thứ nhất. Nếu cảm thấy tức giận, hãy cứ tức giận. Đó là hành động rủi ro, nhưng đừng cố mỉm cười vì như thế tức là bạn không sống chân thật. Bạn đã được dạy rằng hãy mỉm cười khi tức giận, nhưng nếu thế, nụ cười của bạn sẽ méo mó - bởi nó chỉ đơn thuần là sự vận động của cơ mặt, không hơn không kém. Trái tim bạn chứa đầy giận dữ, độc dược, còn môi bạn lại mỉm cười, bạn sẽ trở thành một thứ hết sức giả tạo.
Ai cũng là người bán hàng cả. Nếu lắng nghe quá nhiều người bán hàng, bạn sẽ hóa điên. Do đó, bạn đừng lắng nghe bất kỳ ai, mà chỉ nhắm mắt và lắng nghe tiếng nói bên trong tâm hồn mình.
Rồi việc đó kéo theo một điều khác nữa cũng xảy ra: khi muốn mỉm cười, bạn lại không thể cười được. Toàn bộ cơ chế hoạt động của bạn bị đảo lộn vì bạn không thể nổi giận khi muốn nổi giận, và không thể thù ghét khi muốn thù ghét. Giờ là lúc bạn muốn yêu thương, nhưng bỗng nhận ra rằng chức năng đó cũng không còn nữa. Giờ là lúc bạn muốn mỉm cười nhưng lại phải cười một cách gượng gạo. Thật ra, trái tim bạn đầy ắp tiếng cười, bạn muốn cười thật to, nhưng không được. Có cái gì đó vướng trong cổ họng bạn, bóp nghẹt trái tim bạn. Nụ cười không thể xuất hiện, và ngay cả khi xuất hiện, đó cũng chỉ là nụ cười khô cứng, nhạt nhòa. Nụ cười đó không làm bạn vui, không mang đến cho bạn cảm giác bay bổng, thăng hoa. Ở bạn không toát ra thứ ánh sáng huy hoàng nào.
Toàn bộ cơ chế hoạt động của bạn bị đảo lộn vì bạn không thể nổi giận khi muốn nổi giận, và không thể thù ghét khi muốn thù ghét. Giờ là lúc bạn muốn yêu thương, nhưng bỗng nhận ra rằng chức năng đó cũng không còn nữa.
Khi muốn tức giận, hãy cứ tức giận; chẳng có gì sai khi tức giận. Nếu muốn cười, hãy cười thật to; chẳng có gì sai khi cười thành tiếng. Dần dần, bạn sẽ nhận thấy toàn bộ mọi chức năng trong cơ thể mình đều hoạt động. Khi đó, nó sẽ phát ra tiếng động khẽ - ro ro, ro ro. Giống như âm thanh của động cơ xe hơi khi các bộ phận hoạt động nhịp nhàng, và người lái biết rằng mọi thứ đều vận hành tốt. Đó là một thể thống nhất mang tính hữu cơ.
Bạn có thể nhận thấy điều đó - bất cứ khi nào cơ chế hoạt động của một người đang vận hành tốt, bạn có thể cảm nhận được tiếng ro ro ấy phát ra quanh anh ta. Anh ta bước đi, bước chân như đang nhảy múa. Anh ta nói năng, lời nói như chứa đựng những vần thơ. Anh ta nhìn bạn, cái nhìn thật sự, không phải cái nhìn lãnh đạm, thờ ơ mà vô cùng ấm áp. Khi chạm vào bạn, anh ta làm điều đó một cách chân thành; bạn có thể cảm nhận năng lượng của anh ta đang truyền vào cơ thể mình, một nguồn sống được chuyển giao…
Đừng đeo mặt nạ, nếu không, cơ chế hoạt động của bạn sẽ bị đình trệ, tắc nghẽn. Bên trong cơ thể bạn sẽ xuất hiện nhiều sự cản trở. Khi một người kìm nén cơn giận, quai hàm anh ta sẽ bị cứng lại. Toàn bộ cơn giận dồn đến quai hàm và tắc nghẽn tại đó. Hai tay anh ta trở nên xấu xí, không còn những cử động uyển chuyển của một vũ công bởi cơn giận đã di chuyển đến từng ngón tay và tụ lại ở đó. Hãy nhớ, cơn giận dữ thoát ra ngoài qua hai vị trí là răng và các ngón tay. Khi tức giận, tất cả các loài vật đều sẽ dùng răng để cắn xé hoặc dùng tay để cào cấu. Vì vậy, ngón tay và răng là hai nơi để “xả” giận.
Tôi cho rằng khi có quá nhiều cơn giận dữ bị dồn nén như thế, con người sẽ gặp phải vấn đề về răng. Răng của họ sẽ hư hỏng bởi có quá nhiều năng lượng tích lũy mà không được giải phóng. Và bất kỳ người nào càng kìm nén cơn giận sẽ càng ăn nhiều - những người giận dữ luôn ăn nhiều vì răng của họ cần được vận động. Những người giận dữ thường hút nhiều. Họ cũng sẽ nói nhiều hơn và có thể trở thành những người nói luôn miệng vì cơ hàm cần vận động để giải phóng năng lượng. Và đôi tay của những người giận dữ sẽ trở nên xấu xí. Nếu được giải phóng năng lượng, đôi tay của họ hẳn sẽ trở nên xinh đẹp hơn.
Nếu bạn đè nén bất cứ điều gì, sẽ có một phần tương ứng nào đó trong cơ thể được kết nối với trạng thái cảm xúc đó. Nếu bạn không khóc, ánh mắt bạn sẽ mất đi vẻ rạng rỡ vì thiếu nước mắt. Đó là một hiện tượng rất sinh động. Khi bạn khóc - khóc thật sự, và nước mắt bắt đầu chảy ra từ khóe mắt - mắt của bạn sẽ được làm sạch, sẽ lại tươi mới, trẻ trung như thuở ban đầu.
Đó là lý do vì sao phụ nữ có đôi mắt đẹp hơn nam giới, bởi vì họ khóc nhiều hơn. Đàn ông đã làm mất đi vẻ đẹp của đôi mắt bởi họ có một niềm tin sai lầm rằng đàn ông không nên khóc. Nếu một cậu bé đang khóc, ngay cả bố mẹ cậu sẽ nói: “Con đang làm gì vậy? Đừng có hành động như con gái”. Thật là vớ vẩn! Thượng đế đã ban tặng cho bạn - cả đàn ông lẫn đàn bà - những tuyến lệ giống nhau. Nếu đàn ông không được khóc, vậy hẳn những tuyến lệ đó đã không tồn tại. Hãy làm một phép tính đơn giản. Vì sao số tuyến lệ ở đàn ông lại bằng với số tuyến lệ ở phụ nữ? Đôi mắt cần được khóc và chúng sẽ thật sự trở nên xinh đẹp nếu bạn có thể khóc và khóc một cách tự nhiên.
Hãy nhớ, nếu không thể khóc và khóc tự nhiên, bạn cũng không thể cười bởi đó là hai cực đối lập của một thể cân bằng. Những người biết cười thì cũng biết khóc; những người không biết khóc thì sẽ không biết cười. Hẳn một lúc nào đó, khi quan sát trẻ em, bạn sẽ thấy: nếu cười nhiều và to, chúng sẽ bắt đầu khóc - bởi hai điều đó đã được gắn kết với nhau. Tôi từng nghe các bà mẹ nói với con cái họ: “Đừng cười quá nhiều, nếu không con sẽ khóc cho xem”. Đây là sự thật bởi cười và khóc không phải là hai hiện tượng khác nhau, mà là hai thái cực đến từ cùng một nguồn năng lượng. Vì vậy, thứ hai là đừng sử dụng mặt nạ - hãy sống thật với chính mình bằng bất cứ giá nào.
Và thứ ba là mức độ đáng tin cậy: luôn duy trì ở thực tại, bởi tất cả những ảo tưởng đều đến từ quá khứ hoặc tương lai. Những gì đã qua cứ để nó trôi qua. Đừng cảm thấy phiền lòng và cũng đừng mang vác như một gánh nặng, nếu không, bạn sẽ không thể nào sống đúng với hiện tại. Và những gì chưa đến thì cũng vẫn chưa xảy ra. Đừng bận tâm về tương lai, nếu không, nó sẽ can thiệp và phá hủy hiện tại. Hãy sống với hiện tại, và rồi bạn sẽ trở thành người đáng tin cậy. Đừng nghĩ đến quá khứ, đừng nghĩ đến tương lai, chỉ có giây phút này là mãi mãi.
Những gì đã qua cứ để nó trôi qua. Đừng cảm thấy phiền lòng và cũng đừng mang vác như một gánh nặng, nếu không, bạn sẽ không thể nào sống đúng với hiện tại.
Với ba điều trên, bạn sẽ đạt đến sự chân thành. Khi đó, những gì bạn nói sẽ trở nên chân thành. Có thể bạn đang nghĩ rằng mình phải thận trọng khi nói lên sự thật, đó không phải là điều tôi muốn nói. Ý tôi là hãy trở thành người đáng tin cậy, và rồi những điều bạn nói sẽ trở nên chân thành.
SỰ CHÂN THẬT KHÔNG MANG TÍNH LOGIC - Sự chân thật mà tôi muốn nói ở đây không có nghĩa là kết luận được rút ra từ những phương pháp logic, dựa trên lý trí. Chân thật là mức độ xác thực của bản chất vốn có, sống đúng với bản chất thật của mình bất kể mọi rủi ro, đừng phơi bày những gì bạn không có, đừng trở thành một kẻ đạo đức giả. Nếu buồn, hãy cứ thể hiện rằng mình buồn. Nó chính là sự thật trong khoảnh khắc đó, đừng cố che giấu. Đừng cố mỉm cười bởi nụ cười gượng gạo sẽ tạo ra hai trạng thái bên trong bạn. Bạn sẽ bị chia tách - một phần mỉm cười, và dĩ nhiên, đó chỉ là phần nhỏ, còn phần lớn hơn, quan trọng hơn vẫn là nỗi buồn. Và sự chia tách kia sẽ ngày càng mở rộng nếu bạn cứ tiếp tục lặp lại…
Khi giận dữ, bạn không thể hiện nó ra bên ngoài - bạn lo sợ rằng nó sẽ phá hủy hình ảnh của mình bởi mọi người đều nghĩ rằng bạn là người giàu lòng trắc ẩn, rằng bạn sẽ không bao giờ nổi giận. Mọi người đánh giá cao điều đó và bạn cảm thấy vô cùng hài lòng. Sự giận dữ sẽ hủy hoại hình ảnh đẹp đẽ kia, vì vậy, bạn kìm nén cơn giận trong lòng. Nó đang sôi sục bên trong, nhưng ngoài mặt, bạn vẫn ân cần, lịch sự và ngọt ngào. Giờ đây, sự chia tách đã được hình thành. Mọi người thực hành nó suốt đời; và sự chia tách đó đã bén rễ. Ngay cả khi ngồi một mình và không cần phải giả vờ, bạn vẫn tiếp tục kìm nén. Nó đã trở thành bản chất thứ hai. Con người không thành thật ngay cả khi ở trong nhà tắm, ngay cả khi hoàn toàn đơn độc. Giờ đây, vấn đề không phải là chân thật hay không mà nó đã trở thành thói quen. Bạn càng tập luyện thì khoảng cách giữa hai phần bị chia tách đó càng lớn.
Ngay cả khi ngồi một mình, không có ai bên cạnh và không cần phải giả vờ, bạn vẫn tiếp tục kìm nén. Nó đã trở thành bản chất thứ hai. Con người không thành thật ngay cả khi ở trong nhà tắm, ngay cả khi hoàn toàn đơn độc.
Khi khoảng cách đó lớn đến mức không thể hàn gắn được, chúng ta gọi nó là chứng tâm thần phân liệt. Khi không thể liên hệ với phần kia của mình, bạn gần như trở thành hai người thay vì một; khi đó, nó sẽ trở thành một chứng bệnh tâm thần nghiêm trọng. Nhưng mọi người đều mắc chứng tâm thần phân liệt, chỉ khác nhau ở mức độ nặng nhẹ. Nó không ở mức độ cơ bản, cũng không phải về chất mà là về lượng.
Chân thật ở đây có nghĩa là đừng giả vờ. Hãy sống đúng như những gì bạn cảm nhận - lúc này bạn cảm thấy buồn, vậy thì cứ buồn. Lúc khác, nếu thấy vui, không có lý do gì để bạn tiếp tục buồn rầu - nhưng bạn không thể làm được vì bạn đã được dạy bảo rằng hãy luôn kiên định. Bạn có thể quan sát khi điều đó xảy ra - bạn buồn, và rồi nỗi buồn đó qua đi, nhưng bạn không thể cười ngay được vì mọi người sẽ cho rằng bạn bị điên, vừa mới buồn đã lại cười nói ngay. Chỉ có người điên hoặc trẻ con mới làm điều đó, còn bạn thì không. Bạn sẽ phải đợi cho đến một thời điểm nhất định, khi mọi thứ từ từ lắng dịu để có thể thư giãn và bắt đầu mỉm cười trở lại.
Vì vậy, bạn không chỉ vờ mỉm cười khi buồn mà cả khi vui, bạn cũng cố tỏ vẻ buồn bởi ý nghĩ ngu ngốc về việc duy trì sự kiên định. Mỗi khoảnh khắc đều diễn ra theo cách riêng của nó, và không cần phải luôn đồng nhất với nhau. Giống như dòng sông, cuộc sống là một dòng chảy không ngừng thay đổi. Vì vậy, bạn không cần phải lo lắng về sự kiên định. Những ai lo lắng về sự kiên định đều không thành thật bởi chỉ có lời nói dối mới kiên định. Sự chân thành luôn thay đổi. Sự chân thành luôn chứa đựng những mâu thuẫn riêng - và đó chính là sự phong phú, đa dạng, rộng lớn và là vẻ đẹp của nó.
Vì vậy, nếu bạn cảm thấy buồn, hãy cứ thể hiện tâm trạng đó - không cần phải đánh giá xem nó tốt hay xấu. Vấn đề ở đây không phải tốt hay xấu, chỉ đơn giản đó là tâm trạng thật của bạn. Và khi tâm trạng đó không còn nữa, hãy cứ để nó trôi đi. Và bạn lại bắt đầu mỉm cười, đừng cảm thấy tội lỗi chỉ vì mới vừa buồn đây sao giờ lại có thể mỉm cười được? Chờ cho đến khi ai đó kể một câu chuyện vui, ai đó phá vỡ bầu không khí trước, rồi bạn mới mỉm cười. Chờ cho đến thời điểm thích hợp. Đó chính là thói đạo đức giả. Khi vui, hãy cứ vui, không cần phải cố tìm cách che giấu hay làm ra vẻ khác đi.
Và hãy nhớ: Mỗi khoảnh khắc đều chứa đựng một thực tại tương đối. Nó không kéo dài từ quá khứ và cũng không kết nối đến tương lai. Mỗi khoảnh khắc đều độc lập. Chúng không diễn ra theo trình tự, theo kiểu tuyến tính. Mỗi khoảnh khắc đều có cách thể hiện riêng, và bạn phải hành xử đúng như thế, trong đúng khoảnh khắc đó, không hơn không kém. Đó mới thực sự là chân thành.
Chân thành có nghĩa là đáng tin cậy, chân thành có nghĩa là thành thật. Sự chân thật không mang tính logic. Đó là một trạng thái tâm lý - không sống theo một lý tưởng nào, bởi nếu có lý tưởng, bạn sẽ không thể sống chân thật. Nếu cho rằng chân thật là phải giống như Đức Phật, bạn sẽ không bao giờ đạt được bởi bạn không phải là Đức Phật. Bạn có thể ngồi yên như tượng Phật, có thể tĩnh như một bức tượng đá, nhưng tận sâu bên trong, bạn vẫn không hề thay đổi. Đức Phật đó chỉ là một tư thế. Và nếu có lý tưởng, bạn không thể sống theo khoảnh khắc bởi lý tưởng kia luôn hiện hữu và sai khiến bạn.
Nếu có lý tưởng, bạn không thể sống theo khoảnh khắc bởi lý tưởng kia luôn hiện hữu và sai khiến bạn. Người chân thật không bao giờ có lý tưởng.
Người chân thật không bao giờ có lý tưởng. Người đó sống theo khoảnh khắc, sống như cách anh ta cảm nhận được trong giây phút hiện hữu. Người đó hoàn toàn tôn trọng cảm nhận, cảm xúc và tâm trạng của mình. Và đây chính là điều mà tôi muốn mọi người đạt được: đáng tin cậy, chân thành, tôn trọng cảm nhận của chính tâm hồn mình.