“Nhất thế nham thạch xuất, hóa tác anh hùng chủng, tình ý vô khả thôi.
Nhị thế bàn thạch phá, bài độ nhân duyên kiều, uyên ương lưỡng song phi.
Tam thế ngọc thạch phần, thệ thủ kim ngọc minh, sinh tử vĩnh tương tùy.1”
--1 -- Tạm dịch: “Một kiếp đá nham sinh, hóa thành anh hùng mộ, tình ý chẳng chia phôi.
Hai kiếp xẻ đá tảng, bắc nhịp cầu duyên phận, uyên ương sải cánh cùng
Ba kiếp nung đá ngọc, thề giữ hẹn sắt son, sống chết không chia tách”..
H
oa bỉ ngạn nở suốt dọc đường, đỏ rực tựa màu máu. Dòng Vong Xuyên lặng lẽ buông mình, ba nghìn năm chảy về hướng đông, ba nghìn năm chảy về hướng tây. Những cô hồn tới rồi lại lui, họ đặt chân lên đường Hoàng Tuyền dài dằng dặc, bước qua Nại Hà, uống cạn một bát Hoàng Thang2, tất cả mọi chuyện trong kiếp trước sẽ theo đó mà tiêu biến. Bên đá Tam Sinh chúng sinh đến rồi đi, lại chẳng một ai đưa mắt nhìn nơi ấy một lần, đủ thấy luân hồi chẳng qua cũng chỉ là một bầy ngây ngô, vô tri vô giác.
2 Canh Mạnh Bà, khi uống vào sẽ quên mọi chuyện trong tiền kiếp.
Bên cạnh đá Tam Sinh, có một người đang ngồi.
Đó là một nam nhân, bước lại gần nhìn thì thấy y nhiều lắm cũng chỉ hai mươi, ba mươi tuổi, áo dài xanh, tay áo rộng, một cây sáo trúc đục đẽo thô kệch gài bên hông. Mái đầu y phủ đầy tóc trắng nhưng không buộc lại mà để xõa xuống. Nam nhân quay lưng với những linh hồn đang lảng vảng trên đường Hoàng Tuyền, mặt hướng về phiến đá Tam Sinh trơ trọi. Y chỉ lẳng lặng ngồi đó, hai mắt nhắm nghiền, không biết đã ngủ hay vẫn còn đang thức, dường như hoàn toàn không phát giác ra có người đã nhìn mình thật lâu.
Hồ Già là quỷ sai mới nhậm chức, lui tới chốn Hoàng Tuyền này mới chỉ hơn bốn mươi năm. Từ khi gã chú ý đến nam nhân tóc trắng này tới nay, vẫn thấy y ngồi đó mãi, không hề nhúc nhích. Hồ Già sau khi báo cáo nhiệm vụ chuyến công cán tại nhân gian xong đều muốn đứng đây, đăm đăm nhìn bóng lưng của nam nhân kia một chốc. Âm ty là thế giới của quỷ ma, thế nhưng ở chốn dương gian luôn ngập tràn ánh nắng, số lượng quỷ ma cũng chẳng hề kém cạnh, có những khi tâm trạng phiền muộn quá, Hồ Già sẽ chăm chú nhìn bóng lưng bất động như núi của nam nhân kia, chỉ thoáng lúc sau là bình tâm trở lại, kể cũng thật lạ kỳ!
Đột nhiên, một cánh tay trắng nhợt đặt lên vai Hồ Già. Mặc dù thân là quỷ sai nhưng gã vẫn thấy một luồng hơi lạnh lẽo men theo cánh tay kia ùa tới, khiến gã giật thót mình. Hồ Già quay đầu thì thấy gương mặt hệt phiến giấy hồ của Bạch Vô Thường lù lù trước mắt, gã vỗ ngực, quay người lại, vội vàng hành lễ: “Câu Hồn Sử1”.
1 Sứ giả câu hồn.
Bạch Vô Thường mơ hồ gật nhẹ, môi không động, song thanh âm lại nghe rất rõ ràng: “Ngươi tới gọi y một tiếng, nói rằng thời gian đã tới, mời y lên đường”.
“Tôi ư?”, Hồ Già giật nảy, gã nhìn về phía nam nhân ngồi yên như pho tượng, rồi lại đưa mắt trông Bạch Vô Thường, “Chuyện này... tiểu nhân...”.
“Ngươi cứ đi đi”, Bạch Vô Thường hờ hững nói, “Năm ấy ta câu nhầm hồn phách của một người, hại y lâm vào cảnh tử biệt sinh ly, suốt mấy kiếp tình si cầu mà không được, mấy trăm năm chẳng thể sống yên ổn, chắc rằng... y không muốn nói chuyện với ta đâu”.
“Dạ”, sứ giả câu hồn đã có lời, Hồ Già không dám cãi lại. Gã chần chừ trong chốc lát, lại hỏi rằng: “Nên... nên xưng hô với người đó thế nào?”.
Dường như Bạch Vô Thường đã ngẩn người, chốc lát sau mới thấp giọng trả lời: “Ngươi cứ gọi y một tiếng Thất gia đi, ai cũng gọi vậy cả, y sẽ đáp thôi”.
Hồ Già không tiện do dự nữa, liền bước về phía nam nhân nọ. Lúc gã vẫn còn là người ở thế gian, lúc nhỏ có nghe một vị tiên sinh ở trường tư thục kể rằng: Thời cổ có một người rất giỏi thuật đan thanh1, có một ngày tiện tay vẽ tháu một con rồng lên bức tường, hiềm nỗi lại không có mắt, người đi ngang qua thấy vậy, lấy làm khó hiểu mà hỏi ông ta, người đó liền trả lời, chỉ sợ vẽ mắt vào rồi, nó sẽ hóa thành rồng thật mà bay đi mất. Người ngoài nhất định không tin, họa sĩ chẳng có cách nào, chỉ đành điểm mắt lên cho, con rồng ấy quả nhiên sống dậy, ngân một tiếng trong trẻo, bay vút lên mây, chính là chuyện “vẽ rồng điểm mắt” mà người đời vẫn truyền tai.
1 Hội họa cổ đại Trung Quốc thường dùng hai màu đỏ thắm và xanh đen, thế nên người ta thường gọi tranh vẽ là “đan thanh”, từ ấy cũng dùng để phiếm chỉ hội họa, nghệ thuật. Màu này được chế từ chu sa và thanh hoạch (hiện nay giới nghệ thuật cho rằng đây chính là quặng Azurit).
Vào giây phút ấy, chẳng hiểu vì sao Hồ Già lại cảm thấy rằng, nam nhân tóc trắng ngồi yên đó giống như một con rồng thần chưa vẽ mắt, dường như chỉ cần gọi y thức tỉnh, thì mảnh đất nhỏ nhoi bên phiến đá Tam Sinh sẽ không còn níu được chân y nữa.
Gã bước lại gần, song nam nhân kia lại chẳng hề hay biết, y vẫn ngồi nghiêm, mặt hướng về phiến đá, hai mắt nhắm nghiền. Hồ Già liền hắng giọng, lấy hết dũng khí vươn tay vỗ nhẹ bờ vai nam nhân tóc trắng: “Thất gia, Câu Hồn Sử có lời nhờ tiểu nhân nhắn hộ, ngài ấy nói thời gian đã tới rồi, mời Thất gia lên đường!”.
Nam nhân không nhúc nhích, hệt như không nghe thấy. Hồ Già nuốt nước miếng, sau đó cao giọng hơn, tiến gần tới bên tai người kia: “Thất gia, Câu Hồn Sử...”.
“Nghe thấy rồi, ta có điếc đâu.”
Hồ Già tức thì sững người ra đó, không ngờ nam nhân trơ ra như vật chết kia lại mở miệng nói chuyện, mà lại nói với gã nữa chứ! Thanh âm của vị Thất gia này rất trầm rất khẽ, nghe hao hao một cơn gió nhẹ thoảng, dìu dịu lướt qua đáy lòng. Tiếp đó, y cử động, thân thể dường như vì đã ngủ quá lâu mà rệu rã, nhúc nhích bả vai một lúc, rồi mở mắt ra thật chậm, liếc nhìn Hồ Già - đôi mắt ấy rất trong, rất sáng, khóe mắt rộng, viền mắt rõ ràng. Lông mày khẽ nhướn lên, dường như bên trong chất chứa ý cười bâng quơ, và ẩn hiện những tia sáng, thế nhưng chỉ trong chớp mắt, tất cả bỗng chốc biến mất.
Hồ Già ngẩn người, trong lòng thầm nhủ: Không ngờ vị Thất gia này lại có bộ dạng ưa nhìn đến vậy.
Nam tử tóc trắng thăm dò gã một lúc, mới thoáng chút đăm chiêu mà nói: “Hình như ta chưa gặp ngươi bao giờ thì phải...”.
“Tiểu nhân Hồ Già, là quỷ sai dưới địa phủ này, mới nhậm chức được bốn mươi năm.”
Nam tử giật mình, bấm ngón tay tính toán, sau đó lắc đầu cười rằng: “Ta vừa chợp mắt liền ngủ lâu đến thế ư?”.
Y thong thả vịn phiến đá Tam Sinh mà đứng dậy, phủi đi bụi đất vốn không hề tồn tại trên người, ống tay áo rộng thùng thình quét qua, hoa bỉ ngạn dường như cũng theo động tác của y mà khe khẽ cúi đầu. Quay người lại, thấy Bạch Vô Thường đứng cách đó không xa, y cũng không lấy làm sửng sốt, chỉ chỉnh lại ống tay áo, vái chào qua loa: “Câu Hồn Sử đại nhân, cũng phải hơn sáu mươi năm rồi ngài và ta chưa gặp mặt nhỉ?”.
Bạch Vô Thường sững sờ, tuy bộ dạng hắn vẫn khô khan cứng nhắc như cũ, song Hồ Già lại cảm thấy hình như hắn vừa thoáng ngẩn người. Bạch Vô Thường nói: “Tiểu nhân ngày ngày bước qua cầu Nại Hà, không ngày nào là không trông thấy Thất gia. Chỉ là suốt sáu mươi ba năm qua, Thất gia chưa một lần quay đầu liếc mắt nhìn tiểu nhân mà thôi”.
Nam tử chớp mắt, rồi đột nhiên cười rộ lên: “Sao trong câu nói của Câu Hồn Sử ta nghe có vị oán hờn thế nhỉ?”.
Bạch Vô Thường cúi thấp đầu, đáp: “Tiểu nhân không dám”.
Nam tử nghe mà ngẩn người: “Giọng điệu này của ngươi, như thể ta từng đắc tội gì ngươi ấy”.
“Tiểu nhân không dám”, Bạch Vô Thường vẫn giữ giọng điệu cứng nhắc còn hơn cỗ quan tài, nói: “Hôm nay thời gian đã tới, mời Thất gia cùng tiểu nhân đi lối này”.
“Hử, thời gian gì?”, nam tử chớp mắt, “Đi đâu?”. “Mời Thất gia cùng tiểu nhân tới luân hồi, nếu để lỡ thời giờ sẽ không hay, giờ đã là kiếp thứ bảy rồi.” Bạch Vô Thường dừng lại một chốc, “Chỉ cần vượt qua kiếp này, duyên phận giữa ngài và Hách Liên Dực sẽ hết, từ đó về sau cát bụi lại trở về cát bụi, không cần tiếp tục quấn quýt dây dưa nữa”.
Hồ Già vừa nghe thấy Bạch Vô Thường thốt ra ba tiếng Hách Liên Dực liền sửng sốt vô cùng, cái tên này gã đã từng nghe. Khi Hồ Già vẫn còn là người, thuở nhỏ cũng từng học trường tư, lão tiên sinh khi giảng về lịch sử, từng đặc biệt nhắc tới vị hoàng đế Trung Hưng của tiền triều, hiếm khi thấy ông già bảo thủ ấy lộ ra vẻ tán thưởng không che giấu, chỉ nói người này sinh ra giữa thời đại loạn trong giặc ngoài, thánh minh nhân hậu, bằng sức của bản thân mình đã cứu vãn được cả một triều đại sắp ngả nghiêng, cúc cung tận tụy, là vị thánh minh quân chủ bậc nhất suốt ngàn đời. Gã liền ngoái đầu lại, trông vị Thất gia kia, chỉ thấy cặp mắt tuyệt đẹp của y đang đăm chiêu nhìn về hướng dòng Vong Xuyên, không nói năng gì. Hồ Già ở bên cạnh, thấy trong mắt y như đang ẩn chứa một tầng sương mờ, khiến người ta nhìn vào mà cảm thấy mơ hồ, rồi lại hiển lộ vài phần mông lung sầu thảm. Nhìn vào gương mặt bợt bạt của Bạch Vô Thường đứng một bên cũng không đoán được điều gì, song chẳng hiểu vì sao Hồ Già lại cảm nhận được rất rõ ràng, lúc này vị Câu Hồn Sử đại nhân kia đang ngập tràn những nỗi xót xa.
“Năm ấy ta câu nhầm hồn phách của một người, hại y lâm vào cảnh tử biệt sinh ly, suốt mấy kiếp tình si lại cầu mà không được, mấy trăm năm nay chẳng thể sống yên, có lẽ y không muốn nói chuyện với ta đâu.”
Bỗng nhiên, gã thấy nam tử tóc trắng kia như đã hoàn hồn lại, y chớp mắt, có phần hoang mang, quay đầu lại hỏi Bạch Vô Thường: “Hách Liên Dực là vị nào ấy nhỉ?”.
Bạch Vô Thường bị câu nói của y làm cho nghẹn họng. Nam tử tóc trắng tập trung tư tưởng nghĩ ngợi, hồi lâu mới nhẹ nhàng tự cốc mình một cái, bừng tỉnh mà đáp rằng: “À, ngươi nói hắn à... Ta nhớ lại một chút rồi, trời ạ, ký ức về hắn vẫn còn chưa dứt sao?”.
Khuôn mặt Hồ Già bỗng như xuất hiện mấy vết rạn - mấy kiếp tình si cầu mà không được? Tình si? Trí nhớ của cái vị tình si này hình như không được tốt lắm thì phải. Nam tử tóc trắng liếc nhìn Hồ Già, dường như hiểu rõ trong lòng gã đang nghĩ cái gì, y duỗi cái lưng ê ẩm của mình, thong thả nói: “Con người bước vào lục đạo luân hồi, tính ra cũng đã qua mấy trăm năm, chẳng biết hắn đã đầu thai được bao nhiêu kiếp rồi, nam nữ, trẻ già, tên tuổi, thân phận luôn luôn thay đổi, ai mà nhớ hết được? Huống chi ta đây đã mấy trăm năm chưa được làm người...”.
Mấy tiếng cuối cùng của y vang lên rất thấp, sau cùng hóa thành một ý cười bâng quơ treo trên khóe môi mỏng, y khép ống tay áo dài lại, nhìn Bạch Vô Thường: “Không nhắc thì ta cũng quên khuấy mất, năm đó vốn dĩ ta đã tính hết mọi đường, ai ngờ ngươi lại câu nhầm hồn phách của Thanh Loan, khiến nàng ta chết uổng, thế mới hại ta và Hách Liên Dực trở mặt thành thù đúng không? Chẳng trách ban nãy ngươi không dám nói chuyện với ta”.
Bạch Vô Thường tránh ánh nhìn của y, cúi đầu thấp xuống. Nam tử tóc trắng lắc đầu, tiến lên phía trước, làm như tùy ý vỗ vai Bạch Vô Thường: “Chuyện từ đời thuở nào rồi, ngươi vẫn còn để tâm nhớ kỹ, quả nhiên là tiểu bạch kiểm1, bụng dạ cũng chẳng rộng rãi được đi đâu”.
1 . Nguyên văn: 小白脸: Ý chỉ những người đàn ông có vẻ ngoài cực kỳ thanh tú, khôi ngô, đối lập với những người có vẻ ngoài thô lỗ, mạnh mẽ. Không mang nghĩa xấu, chỉ mang tính cường điệu vẻ đẹp tướng mạo của họ. Còn một ý khác là chỉ những người đàn ông sống dựa vào bạn gái hoặc vợ.
Chân Hồ Già trượt một cái, suýt chút nữa thì lao đầu xuống dòng Vong Xuyên.
Người kia liền cất giọng cười vang.
Một lối Hoàng Tuyền, u hồn mười vạn, dường như cả cõi Âm ty đều đang vang vọng điệu cười không gì ràng buộc của y, bóng lưng cao gầy kia phảng phất khí thế hào sảng khó tả, dường như đến cả Thập Điện Diêm Vương1 trong mắt y cũng chẳng là gì.
1 Là mười vị vua dưới Âm ty, chuyên phán xét những tội trạng khác nhau của con người sau khi chết. Bao gồm: Tần Quảng Vương, Sở Giang Vương, Tống Đế Vương, Ngũ Quan Vương, Diêm La Thiên Tử, Biện Thành Vương, Thái Sơn Vương, Đô Thị Vương, Bình Đẳng Vương, Chuyển Luân Vương.
Hồ Già giữ khoảng cách theo sau y, chỉ nghe thấy tiếng Bạch Vô Thường vang lên nhẹ bẫng: “Đó vốn là một đoạn tình duyên kéo dài bảy kiếp, bởi vì tội lỗi của ta năm ấy, cứ thế thay đổi số mệnh của hai người bọn họ, vốn dĩ là một đôi tình nhân bạc đầu giai lão, lại bị ta ép trở mặt thành thù”.
Hồ Già ngẩn người ra: “Tình duyên? Y là...”.
“Ngươi có từng nghe qua cái tên Nam Ninh vương?” Hồ Già không khỏi “Ồ” lên một tiếng: “Y là... Y là...”.
Chẳng trách Câu Hồn Sử lại tự xưng là tiểu nhân với nam tử kia, thì ra y chính là Nam Ninh vương gia của tiền triều. Bạch Vô Thường lắc đầu: “Kiếp đầu tiên, y cùng lắm mới ba mươi hai tuổi, lo nghĩ quá nhiều, đến lúc rời nhân gian thì đã kín đầu tóc trắng, sau khi chết đi vẫn cuồng dại si tình, không chịu uống dù chỉ là một ngụm nước Vong Tình, đứng bên cầu Nại Hà khổ sở chờ đợi mười năm, chờ kẻ kia cùng tiến vào vòng luân hồi...”.
Hồ Già hỏi: “Không uống canh Mạnh Bà? Làm vậy chẳng phải kiếp sau y sẽ không được làm người sao?”.
Bạch Vô Thường gật đầu: “Thế nên kiếp thứ hai y đã hóa thành loài côn trùng có cánh, bay đến dưới ngọn đèn người đó đốt ban khuya, chỉ đáng tiếc, người kia tỉnh tỉnh mê mê, thân phàm mắt thịt, lại bắt lấy y, bóp chết trong tay”.
Hồ Già nghe mà không biết phải nói gì.
“Y đợi người kia đến kiếp thứ ba”, Bạch Vô Thường bước sóng vai cùng với Hồ Già, xa xa theo phía sau vị Thất gia kia, tiếng Câu Hồn Sử nhỏ như tiếng muỗi, lí nhí trong cổ họng, rất trầm, rồi từng từ từng từ lại thốt ra đặc biệt rõ ràng: “Kiếp thứ ba y hóa thành một con chó mực, được người kia chăm từ lúc nhỏ, thế nhưng về sau bởi người đó cảnh nhà sa sút, phải giết chó lấy thịt ăn. Kiếp thứ tư, y là một chậu hoa nhài đặt trên bệ cửa, do cô nương người kia cảm mến tặng cho, người kia chăm bón tưới tắm, dốc sức dốc lòng, có điều về sau cô nương trong lòng người kia gả cho kẻ khác, người kia bởi đau lòng cũng chuyển nhà đi, bỏ lại chậu hoa nhài trong nhà hoang, héo tàn mà chết. Kiếp thứ năm, y hóa thành cáo tuyết, bị người kia bắt được, nuôi trong nhà, làm trò vui cho người, lại bởi thê thiếp của người kia yêu lớp da ngoài, phải chịu nỗi khổ rút gân lột da...”.
“Sao lại đến nông nỗi ấy?”, Hồ Già trợn trừng hai mắt, “Vạn sự trên thế gian đều có nhân có quả, y nào có gieo quả ác, hà cớ gì...”.
Bạch Vô Thường đảo mắt nhìn gã, lắc đầu: “Cái gọi là nhân quả, không phải thứ mà chúng ta có thể tỏ tường”.
“Thế về sau...”
“Về sau... Sau khi y trở lại, liền ở bên cầu Nại Hà uống liền ba bát canh Mạnh Bà”, Bạch Vô Thường cười gượng một tiếng: “Thế nhưng chẳng hiểu vì sao, canh Mạnh Bà có thể xóa sạch ký ức của người đời lại vô dụng đối với y. Lúc muốn nhớ thì ký ức cứ trôi đi mất, lúc muốn quên thì lại nhớ tường tận. Y tự giễu mấy trăm năm qua quả thực dài đằng đẵng, có đôi khi chẳng nhớ được tên bản thân thuở ban đầu. Thế nhưng hết lần này tới lần khác phải khắc ghi những việc cũ trong quá khứ, vì chuyện bảy kiếp này mà y tự xưng mình là Cảnh Thất. Đợi đến khi Hách Liên Dực qua kiếp thứ sáu, thì tổng cộng đã là sáu mươi ba năm, y không muốn trở lại hồng trần, cứ ngồi quay mặt vào đá Tam Sinh đợi chờ sáu mươi ba năm. Tính ra những dây dưa đã định phải kéo dài bảy kiếp của Thất gia và Hách Liên Dực chỉ còn lại một lần này. Lần này y không thể tránh nữa, phải nhập vào cõi trần, trải qua một kiếp cuối cùng này, cho tròn cái thứ nhân quả không biết lúc nào dừng, chẳng hay khi nào kết thúc ấy, là xem như xong chuyện”.
Hồ Già bừng tỉnh: “Chẳng trách”. Gã ngẩng đầu trông theo người đang khoan thai đi lại ở đằng xa, cảm giác vị tình si có một không hai mà Bạch Vô Thường miêu tả với nam tử phóng khoáng tiêu sái kia chẳng phải một người, thế nhưng nhìn mái đầu trắng phơ như tuyết, buông xõa sau lưng nam nhân kia, Hồ Già lại thấy đó chính là thứ màu bi ai u sầu nhất thế gian này.
Cảnh Thất đứng thẳng bên đầm Chuyển Sinh, chờ hai người kia trong chốc lát. Đợi đến khi Bạch Vô Thường và Hồ Già bước lại gần, y mới buông giọng bỡn cợt: “Lần này ta có phải người không?”.
Bạch Vô Thường nói: “Là một quý nhân”.
Cảnh Thất trộm liếc Bạch Vô Thường một cái, bĩu môi rằng: “Quý nhân thì không cần, tốt nhất là cơm áo không lo, mọi việc chẳng nhọc lòng, dù sao cứ để ta nhàn hạ thảnh thơi, ăn no chờ chết là được”.
Bạch Vô Thường không nói thêm gì nữa chỉ vươn tay: “Mời”.
Cảnh Thất lấy lệ ôm quyền làm lễ với hai người, nở nụ cười, sau đó nhấc chân bước xuống ao.
Mắt thấy y sắp trầm mình vào trong ao Chuyển Sinh, Bạch Vô Thường lại đột nhiên cắn vỡ đầu ngón tay mình, gập tay làm phép, một giọt đỏ hồng ứa ra từ ngón tay trắng nhợt của hắn, rơi vào trong ao Chuyển Sinh, chẳng ngờ lại khiến nước cả ao ánh thành sắc máu, Hồ Già kinh hãi, hoảng hốt kêu lên: “Câu Hồn Sử, ngài làm gì vậy?”.
Bạch Vô Thường không để ý tới gã, miệng lẩm bẩm niệm chú, đột nhiên vươn ngón tay dính máu ra, điểm giữa hai chân mày Cảnh Thất. Cảnh Thất đang ở trong ao, không tránh đi đâu được. Bấy giờ y sửng sốt, ngước mắt nhìn lên, gương mặt vị Câu Hồn Sử kia vẫn vô hồn như cũ, đôi đồng tử vẫn đờ đẫn nhìn thẳng vào trong mắt y. Cảnh Thất chỉ cảm thấy như bị ai xô mạnh, thân thể thoáng chốc chìm xuống dưới, bên tai có tiếng người khẽ vọng: “Vì lỗi của ta mà mệnh ngươi không trọn, khiến ngươi vô duyên vô cớ phải trăn trở thế gian, trăm bề khổ sở, nay chẳng có gì bù đắp, liền dốc hết tu hành, đổi cho ngươi một đời tóc đen...”.
Hồ Già ngơ ngác nhìn thân thể Cảnh Thất chìm xuống trong nháy mắt. Khoảnh khắc ấy, ao Chuyển Sinh đỏ hồng, thay đổi dị thường. Gã còn chưa kịp kêu lên một tiếng kinh hoàng, đã thấy nước ao trong veo trở lại, yên ả không một làn sóng gợn, hệt như chưa hề có kẻ đến người đi.
Hồ Già chậm rãi quay đầu lại, Bạch Vô Thường đã chẳng thấy bóng đâu, chỉ để lại một tờ giấy trắng hình người, phất phơ rơi xuống một bên.
Cạnh người vang lên tiếng “tách tách”, một bóng đen đột ngột hiện ra, cúi người nhặt tờ giấy trắng rơi trên mặt đất lên. Hồ Già ngẩn người, sau đó vội vàng hành lễ:
“Phán quan...”.
Hắc y nam nhân xua tay: “Miễn đi”. Chỉ thấy tờ giấy kia thình lình bốc cháy trong lòng bàn tay y, thoáng sau đã thành tro xám. Phán Quan mở rộng bàn tay, một làn khói xanh dường như mang linh khí, cũng tiến vào trong ao Chuyển Sinh. Phán Quan thấy Hồ Già ngơ ngơ ngác ngác, liền bảo rằng: “Bạch Vô Thường mới nãy vốn không phải là người địa phủ, chẳng qua cũng chỉ mượn thân xác Vô Thường đợi người trong số mệnh của hắn mà thôi, hôm nay cũng nên đi rồi”.
Bờ môi của Hồ Già mấp máy, phảng phất như hiểu ra điều gì, rồi lại giống như mù mờ mọi chuyện.
Phán Quan thở dài một tiếng, lần thứ hai thình lình biến mất vào bóng tối, hệt như khi xuất hiện.