Tâm tình người chụp ảnh
Ai cũng muốn lưu giữ những bức ảnh thật đẹp về thời ấu thơ của con mình. Một số phụ huynh thậm chí đã tự trang bị máy móc đầy đủ để chụp ảnh ở nhà, nhưng vẫn thật khó khăn để có được những tấm hình thật đẹp cho con vì có trường hợp suốt một thời gian dài, chẳng khi nào em bé chịu hợp tác trước ống kính của cha mẹ, thế là họ cho rằng con mình là một ca khó, và thường tìm đến những người đam mê chụp hình trẻ con như tôi. Thực hiện những mong muốn của phụ huynh là một công việc quen thuộc của tôi và hầu như tôi chưa gặp phải một ca nào thực sự được coi là khó. Trong hầu hết mọi buổi chụp, tôi đều thu hoạch được khá nhiều hình ảnh đẹp và có nhiều nụ cười, và bản thân tôi cho rằng đây là một sự may mắn đáng tự hào.
Nhưng rồi thử thách cũng đến! Đó là lần tôi nhận được một yêu cầu chụp chân dung cho hai em bé trai. Nhìn bề ngoài thì cũng giống như bao lần chụp khác, tôi vẫn thực hiện được những hình ảnh có nụ cười và lưu lại được những khoảnh khắc chơi đùa, khám phá của các bé. Chỉ khác là… chưa bao giờ đi chụp về mà cảm thấy lòng mình lại nặng trĩu tận đến lúc làm hậu kỳ như vậy. Hai bé trai này là anh em ruột. Và câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu cả hai cậu bé này đều không bị… tự kỷ.
“Bác sĩ nói bây giờ chỉ trông chờ vào sự cố gắng của bố mẹ hoặc một điều kỳ diệu nào đó, vì đến bác sĩ cũng không trả lời được bao giờ thì hai bạn này hết hẳn” – mẹ của hai bạn nhỏ tâm sự. Trước khi đi chụp, người mẹ trẻ này đã thông tin với tôi trước là phải chụp thật nhanh vì khi ra ngoài, chỉ cần khó chịu một chút thôi là các bé rất dễ khóc lóc, giận dữ, và buổi chụp hình có thể thất bại. Một đề bài cực khó! Bất kỳ ai đã từng đưa con đi chụp cùng tôi đều sẽ hiểu: Không bao giờ có thể qua loa và vội vàng khi chụp ảnh cho trẻ em.
Quả thật điều kiện này đã làm tôi cảm thấy áp lực suốt buổi chụp, vừa bấm máy mà vừa cầu trời, mong cho những “nụ cười sinh học” hãy xuất hiện liên tục để mình có thể dùng sự kỳ diệu của nhiếp ảnh mà “đánh lừa” mọi người, và “đánh lừa” cả bố mẹ hai đứa trẻ ấy rằng đây là những đứa trẻ hết sức bình thường. Mặc dù vẫn chạy nhảy leo trèo, nhưng cảm xúc thể hiện trên mặt hai bạn nhỏ này lại rất ít ỏi, may mà thi thoảng trời cũng thương. Trong đúng một tiếng đồng hồ chụp, tôi hầu như không hề nghe được một câu nói rõ ràng nào từ hai đứa trẻ bốn và sáu tuổi này, trong khi nếu là các bạn ở cùng tuổi cháu thì đã líu lo như chim. Ra về mà cứ miên man, nghĩ đến một bầu không khí gia đình thiếu vắng sự ồn ã hay những phản ứng giao tiếp hồn nhiên của những đứa trẻ, rồi tôi tự đặt mình vào vị trí của bố mẹ chúng, nếu là mình thì sẽ ra sao, liệu có vượt quá sức chịu đựng của mình không?
Thương trẻ một mà thương và phục bố mẹ các em thì đến mười, đến trăm. Ở Việt Nam, mỗi khi nhắc đến tự kỷ, nhiều người hay trách móc bố mẹ không chịu quan tâm, gần gũi đến con cái nên mới khiến con trở nên như vậy... Thú thật phải đến khi nhận được lời mời chụp ảnh cho hai em bé trong dịp trên, để chuẩn bị tinh thần cho buổi chụp thật tốt, tôi mới có thêm lý do và động lực để tìm hiểu nhiều hơn các thông tin khoa học về bệnh tự kỷ, và tôi nhận ra rằng những quan niệm như vậy hoàn toàn xuất phát từ việc người ta quá thiếu kiến thức, thiếu cả ý thức, dẫn đến những lời nói nặng nề và thiếu cảm thông với hoàn cảnh của người khác như vậy. Đến ngày chụp, sau khi tiếp xúc với các nhân vật của mình, tôi càng nhận ra nghĩa vụ của một người chụp ảnh đối với bộ ảnh này: Tôi không chỉ đơn thuần là lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của các bé mà còn phải tạo nên sự bù đắp nhỏ nhoi cho gia đình này. Sau lần gặp gỡ đó, tôi đã kịp nhận ra rằng không có việc gì khó, cũng chẳng có một ca nào khó mà đối với trẻ em, việc chỉ khó khi mình không yêu thương các em thực sự mà thôi.
Đối với dự án Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ, tôi chân thành cảm ơn ban biên tập đã dành cho tôi cơ hội đồng hành với quyển sách hay và ý nghĩa này bằng những bức ảnh tôi đã chụp các bạn nhỏ trong suốt thời gian qua. Trong tất cả các trang sách này, không phải đứa trẻ nào cũng bị tự kỷ, tôi đã chọn lựa ảnh dựa trên sự đồng cảm của các anh chị phụ huynh, những người có cùng sự thấu hiểu, cảm thông với căn bệnh tự kỷ và đồng thuận cho tôi sử dụng hình ảnh của con họ làm minh họa, để cuốn sách thêm phần màu sắc, thêm phần ý nghĩa – Một lần nữa cảm ơn các anh chị rất nhiều! Tôi hy vọng những bức ảnh này sẽ phần nào giúp quý độc giả có nhiều cảm xúc hơn, thư giãn hơn trong quá trình đọc, và để mọi người hiểu hơn rằng, bức tranh mang tên Tự kỷ không hề u tối.
Khi viết ra những dòng này, trong tâm tôi đang có hai suy nghĩ và tôi muốn chia sẻ nó với các bạn:
1. Nếu sau này mình may mắn có được những đứa trẻ lành lặn, sẽ không bao giờ mình so sánh, tị nạnh chỉ vì vài số đo cân nặng, vài sợi tóc, vài cái răng mọc chậm, hay vài bộ quần áo đẹp với những đứa trẻ con nhà khác. Chỉ cần con mình khỏe mạnh, bình thường thì đó đã là phước lớn trời cho rồi. Hy vọng những ai đang được hưởng điều quý báu đó, hoặc chưa biết mình đang được hưởng ân phước đó, sau khi đọc xong câu chuyện này, cuốn sách này, sẽ dành chút thời gian suy ngẫm về sự may mắn của mình mà biết hài lòng hơn với cuộc sống.
2. Trước đây, thi thoảng mình hay dùng hai chữ “tự kỷ” để đùa cợt người khác theo phong trào. Nhưng từ giờ, có lẽ mình sẽ bỏ nó ra khỏi từ điển đùa vui của bản thân, vì nếu ai đã hiểu rõ về tự kỷ, chắc chắn sẽ coi đó là một lối đùa không vui. Mình sợ một ngày nào đó nếu lỡ miệng, khiến những người lâm vào tình cảnh thật nghe thấy thì họ sẽ đau lòng lắm.
Cảm ơn bạn đọc đã cùng tôi đi đến hết những dòng tâm sự này. Tôi nhớ có lần đã đọc đâu đó một câu danh ngôn về yêu thương rất hay: “Khi nhìn lại cuộc đời mình, bạn sẽ thấy rằng những khoảnh khắc bạn thực sự sống là những lúc bạn làm điều gì đó hết lòng vì tình yêu”. Xin chúc cho những bậc phụ huynh, những người đang cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn này sẽ luôn duy trì được sự kiên nhẫn, giữ vững được lòng yêu thương, cùng nhau chờ đón điều kỳ diệu sẽ đến với con mình vào một ngày không xa. Anh chị không hề cô đơn trong cuộc chiến này. Cố gắng thật nhiều anh chị nhé!
– Hoàng Thùy Dung