B
ạn đã từng trải qua lần chia tay tồi tệ nào chưa?
Tôi thì đã kinh qua rồi.
Tôi từng lái xe tổng cộng mười tám giờ đồng hồ trong cơn mưa như trút nước để gặp mặt cha mẹ bạn gái theo yêu cầu của cô ấy. Cuộc gặp gỡ và chào hỏi diễn ra tốt đẹp, và tôi cảm thấy đây có thể chính là “người bạn đời” của mình.
Sau đó, vẫn trong cơn mưa gió bão bùng, tôi lái xe về nhà. Lúc này hai bên đường cao tốc dẫn về nhà tôi đều bị cấm lưu thông vì một bên thì đang gặp phải trận lở bùn, bên còn lại thì có một chiếc xe bán tải bị lật nằm ngang. Thế nên tôi được hướng dẫn lái xe vào một cánh đồng cùng với hàng trăm chiếc xe khác để chờ đến khi đường cao tốc được mở lại. Tôi gọi điện báo cho bạn gái biết tình hình, và câu đầu tiên của cô ấy là: “Paul, chúng ta cần nói chuyện”.
Đó không phải là “Paul, chúng ta cần nói chuyện” theo kiểu anh thật tuyệt vời và chúng ta sẽ hạnh phúc bên nhau trong “ngôi nhà và những đứa trẻ”.
Hoàn toàn không phải là kiểu đó. Thực tế là cô ấy đã nói lời chia tay khi tôi đang ngồi trên xe, giữa cánh đồng, trong cơn mưa xối xả, sau khi đã lái xe mười tám tiếng để đến gặp cha mẹ cô ấy. Tôi cảm thấy như mình đang sống trong một tập phim Dawson’s Creek4 vậy.
(4) Dawson’s Creek (Ngã rẽ cuộc đời) là bộ phim truyền hình nhiều tập của Mỹ, được xem là phim kinh điển dành cho teen.
Ngày đầu tiên sau khi chia tay có chút không thực, đúng không?
Bạn thức dậy vào sáng hôm sau và không biết phải làm gì. Vậy nên lúc chín giờ sáng, bạn thấy mình đang bẻ vụn miếng bánh Oreo để trộn vào lọ bơ đậu phộng và ăn bằng cái muỗng nhựa khi đang xem bộ phim Gilmore Girls5 dài lê thê trên ti-vi. Ba ngày liên tiếp đều trôi qua như thế. Mấy người bạn cùng phòng nài nỉ bạn hãy làm gì đó, gì cũng được - đương nhiên là vì sức khỏe của chính bạn, nhưng cũng vì “cái mùi chia tay” không thể nhầm lẫn từ bạn đang bắt đầu lan ra khắp căn nhà.
(5) Gilmore Girls: tên một bộ phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ kể về những câu chuyện thú vị, hài hước hàng ngày giữa mẹ và những cô con gái tinh nghịch.
Kết thúc một mối quan hệ yêu đương là việc cực kỳ khó khăn, vì người đó đã trở thành một trong những dấu ấn riêng của bạn, hiện diện trong rất nhiều kế hoạch và tương lai của bạn. Khi họ ra đi, bạn sẽ cảm thấy một khoảng trống rất lớn trong cuộc sống của mình.
Hầu hết các giai đoạn chuyển tiếp trong cuộc sống đều khá giống với một cuộc chia tay tồi tệ, bạn có thấy vậy không?
Điểm khác nhau là thay vì chia tay một ai đó thì bạn chia tay với một giai đoạn của cuộc đời mình và với phiên bản của bạn trong quãng thời gian đó. Bạn không chỉ để lại đằng sau một nơi chốn, mà còn để lại một phiên bản của chính mình.
Nói cách khác, trong các giai đoạn chuyển tiếp của cuộc đời, bạn đang chia tay với bản thân mình.
Và cũng giống như thời điểm mà mối quan hệ bạn từng đặt rất nhiều kỳ vọng đi đến một kết thúc bi kịch, bạn cảm thấy bối rối và loạng choạng khi phải bỏ lại con người cũ của mình.
Chắc chắn bạn sẽ mang theo những dấu ấn nào đó từ con người cũ, nhưng thời điểm bạn rời bỏ phiên bản cũ của mình chính là thời điểm bạn bắt đầu hành trình vĩ đại để tìm đáp án cho câu hỏi bạn thật sự là ai.
SỰ CHUYỂN TIẾP NÀO CŨNG GIAN NAN
Chúng ta vẫn thường nói về những giai đoạn chuyển tiếp của cuộc đời như đó là chuyện đơn giản, thật nhẹ nhàng và thoải mái.
Tôi vừa trải qua một giai đoạn chuyển tiếp nho nhỏ.
Không có gì to tát cả, đúng không?
Không phải đâu.
Giai đoạn chuyển tiếp có thể lao đến như một cú đấm khi bạn đang mải nhìn sang hướng khác.
Bạn có biết chúng ta biết đến khái niệm chuyển tiếp lần đầu tiên vào lúc nào không? Khi ta cất tiếng khóc chào đời!
Mặc dù thật may là tôi không nhớ được khoảnh khắc chào đời của mình, nhưng tôi đã có những trải nghiệm rất chân thực và riêng tư với sự chào đời của ba đứa con, và đó là lần đầu tiên tôi nhận ra rằng chúng ta có thể vừa khóc, vừa nôn nao và ngất đi - cùng một lúc. Và đó chỉ mới là những cảm nhận của tôi trong vai trò một người chồng không thật sự phải thực hiện bất kỳ công đoạn thực tế nào của quá trình sinh con.
Người ta thậm chí còn gọi giai đoạn cuối của quá trình sinh nở là giai đoạn “chuyển tiếp”, và tôi nghĩ vợ tôi sẽ nói với bạn rằng chẳng có gì là nhẹ nhàng hay thoải mái trong những giây phút đó!
Những lần chuyển tiếp quan trọng trong đời đều không đơn giản, và chúng ta phải liên tục trải qua những thời khắc khó khăn đó, đặc biệt là trong những tháng năm tuổi trẻ. Cho dù diễn ra một cách rõ ràng - như tốt nghiệp đại học, kết hôn, bắt đầu một công việc mới hoặc đột ngột bị sa thải - hay kín đáo và từ từ như cách mặt trời di chuyển từ đông sang tây và chậm rãi thay đổi cảnh quan xung quanh bạn, mỗi lần chuyển tiếp đều là một thử thách. Đó thường là những quãng thời gian khó khăn nhất, đồng thời cũng quan trọng nhất, mà bạn phải vượt qua trong đời.
Luôn có một điều gì đó đặc biệt một cách kỳ lạ xảy ra với chúng ta khi chúng ta bị tước đi những điểm tựa quen thuộc của mình.
Quá trình chuyển tiếp không hề dễ chịu. Nó cũng không hề bình thường. Trong quá trình đó, cảm giác hoàn toàn bất thường chính là một kiểu bình thường mới.
SAI LẦM LỚN NHẤT CHÚNG TA THƯỜNG MẮC PHẢI TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN TIẾP
Tuy nhiên, đây chính là sai lầm lớn nhất mà tôi nghĩ chúng ta thường mắc phải khi đi qua các giai đoạn chuyển tiếp: chúng ta cố gắng vượt qua chặng đường đó nhanh nhất có thể để sang đến bờ bên kia. Chúng ta cố gắng tìm kiếm và bám víu vào một kiểu bình thường mới nào đó. Nhưng đôi khi chính trong nỗi khao khát tìm kiếm sự ổn định đó, chúng ta vội vàng dừng bước khi chưa đến đích thay vì để cho quá trình chuyển tiếp đưa chúng ta đến nơi cần đến.
Những năm mới vào đời có thể cho bạn cảm giác như đó là một thời kỳ chuyển tiếp kéo dài mãi mãi. Bạn không biết mình đang đi đâu, nhưng bạn biết mình không thể ở mãi nơi này.
Vì vậy, nếu ngay lúc này bạn cảm thấy cuộc đời mình đang trong một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng thì điều đó hoàn toàn bình thường. Hãy cứ bình tĩnh, tiếp tục vững vàng và đi qua giai đoạn này một cách có chủ đích. Có lẽ giai đoạn chuyển tiếp là chặng đường chúng ta không nên chạy thật nhanh để vượt qua, mà nên chậm rãi nghiền ngẫm những gì diễn ra ở đó. Cho nên đừng chỉ vượt qua giai đoạn chuyển tiếp mà hãy làm cho nó trở thành một quãng thời gian đầy ý nghĩa.
Giai đoạn chuyển tiếp không đơn giản là cây cầu đưa bạn đến với chặng đường đời quan trọng kế tiếp, mà bản thân nó chính là giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời bạn.
Điều gì dẫn dắt bạn vượt qua giai đoạn chuyển tiếp? Là nỗi sợ? Hay là niềm tin?
Niềm tin lên tiếng, Lần chuyển tiếp này đang đưa tôi đến một nơi tốt hơn nhiều. Hãy tiếp tục vững bước.
Nỗi sợ thì nói, Hãy đưa tôi trở lại chốn cũ. Dù đó là nơi rất tồi tệ, nhưng ít nhất tôi cũng biết rõ về nó.
Giai đoạn chuyển tiếp đang dẫn bạn đến đâu? Nó nói với bạn điều gì về tương lai mà bạn đang muốn chuyển tiếp tới? Hãy dành chút thời gian suy ngẫm về điều này.
Quả thật sự chuyển tiếp có thể mang lại cảm giác như một cuộc chia tay tồi tệ. Nhưng chẳng phải chia tay sẽ tốt hơn là mắc kẹt trong một mối quan hệ không có tương lai hay sao?