Mùa xuân năm 1974.
Bầu trời hồng lên phía trên những ngọn núi. Ánh nắng mùa xuân tươi vui nhí nhảnh lọt vào phòng tôi qua cửa sổ và vẫn như mọi khi, tôi đang ngồi nghe bản tin buổi sáng. Giọng cô phát thanh viên sôi nổi truyền đi tin chiến thắng của quân dân hai miền Nam - Bắc. Chợt có một tin làm tôi chú ý. Quốc hội và Nhà nước ta tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các đơn vị và cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong số các đơn vị được tuyên dương lần này có Đội điều trị 14 của tôi. Lúc đầu còn sợ nghe nhầm nhưng đồng chí phát thanh viên đọc lại lần thứ hai thì tôi sung sướng quá. “Đúng là Đội điều trị 14, Binh trạm 12, Đoàn vận tải quân sự Quang Trung rồi”. Tôi đang bồi hồi xúc động ngồi thừ ra đó thì cửa phòng bật mở. Các bạn tôi ùa vào. Người siết chặt tay làm tôi đau điếng, người lại ôm ngang lưng nhấc bổng tôi lên.
- Xin chúc mừng! Chúc mừng các cậu!
Ở đây các bạn tôi phần lớn đều là cán bộ quân y. Nên khi nghe tin một đơn vị quân y được tặng danh hiệu anh hùng, ai cũng mừng rỡ, coi đó là một vinh dự rất lớn của cả ngành. Trong đó bản thân cũng được thơm lây. Tôn trân trọng và giữ gìn giây phút kỷ niệm có một không hai ấy của các bạn tôi một buổi sớm mùa xuân năm đó và mãi mãi về sau này vẫn còn in đậm trong ký ức tôi. Tin chắc rằng các anh chị em cán bộ, nhân viên Đội điều trị 14, ai nghe được tin này cũng vui mừng phấn khởi và tự hào có một phần công sức nhỏ bé của mình đóng góp dựng xây. Tuy xa đơn vị đã bốn, năm năm mà những hình ảnh thân quen, từ đường đi lối lại, từng căn nhà làm việc, từng chiếc hang to nhỏ mỗi lần họp đội hoặc liên hoan văn nghệ nội bộ thắm đượm tình người. Đến vườn rau xanh, chuồng lợn, chuồng gà… cứ như một cuốn phim thời sự nóng hổi lướt qua lướt lại. Rồi những nét mặt thân quen hiện ra rõ mồn một trước mắt tôi. Đây, Đại úy Sinh - Bí thư Đảng ủy, linh hồn của đơn vị. Tuy nhiều tuổi và gầy yếu nhưng tinh thần làm việc ít ai bì. Y sĩ Ma Thị Thu đã phải khóc khi anh ra lệnh cho cô phải lấy 300 phân khối máu của anh để cứu một đồng chí thương binh nặng. Anh có giọng hát rất ấm. Mỗi lần hát bài “Đảng là mẹ hiền”, anh say sưa như gửi cả tâm hồn mình vào đó. Nghe anh hát mà tôi phấn chấn hẳn lên như được tiếp thêm sức mạnh. Anh nghiện thuốc lá rất nặng. Đầu mẩu này quăng ra, điếu khác lại tiếp ngay vào. Mỗi ngày hút đến hai bao. Thế mà anh đã quyết tâm bỏ được. Ai cũng ngạc nhiên cảm phục. Nhất là với anh, ở cái tuổi xấp xỉ ngũ tuần thường chỉ lấy điếu thuốc, chén trà làm bạn trong những lúc đêm khuya làm việc căng thẳng ở trong rừng Trường Sơn này.
Còn đây, Đội trưởng Lê Văn Đính, một con người điềm đạm chín chắn, luôn chủ động đề xuất nhiều ý kiến táo bạo. Dám nhận cái khó về mình, làm việc hết mình và nghiêm túc nhưng trong sinh hoạt đời thường lại chan hòa cởi mở, có tình thương yêu rộng rãi với tất cả mọi người nên toàn đơn vị ai cũng quý mến.
Kìa đội phó Hậu cần Huy Sơn hiền lành tích cực, lúc nào cũng lo chạy ăn, chạy mặc cho đơn vị. Còn đây là các cô y tá: Cam, Chè, Liên, Biên, Mai, Thọ, Toan, Nảy, Trà, Diệp, Tâm, An, Diên, Thường, Thảo, Hiền, Nhi, Thành, Thoa… mỗi cô một vẻ. Kia nữa là các y sĩ: Mỹ, Vinh, Tề, Tộ, Trà, Trực, Doanh, Lộc, Chức, Diệu, Lư… Còn đây là Tuệ, liên lạc mà anh chị em vẫn gọi vui bằng một cái tên trìu mến Tài Tuệ, vì cậu ta có giọng hát nam trung rất khỏe và ấm. Mỗi lần liên hoan văn nghệ, Tuệ hát bài “Chiếc gậy Trường Sơn” thì tuyệt. Trông cậu ấy hát say sưa sôi nổi và tha thiết lạ. Bài hát dẫn dắt người nghe đi dọc Trường Sơn với chiếc gậy trong tay, vượt hết núi này sang núi khác, qua bao nhiêu ghềnh thác, giống như khi lên bổng, lúc xuống trầm trượt theo cung bậc của bài hát vậy.
Kia nữa là Nguyễn Thị Ty - Y tá bị sốt rét ác tính rụng hết tóc, trọc cả đầu vẫn hăng say phục vụ. Y sĩ Tức bị thương nặng vào đùi và mông, gầy như một bộ xương lưu động mà Thảo vẫn thường trêu chọc. Còn bác sĩ Kiểm lúc nào nước tiểu cũng đục trắng như nước vo gạo. Cả Hức và Kiểm trên cho ra tuyến ngoài chữa bệnh và công tác vẫn nằng nặc xin ở lại. Dược sĩ Lân Văn Dương già lụ khụ vẫn tình nguyện đi cùng dược sĩ Chung ra mặt đường ba, cùng với các chiến sĩ công binh và chị em thanh niên xung phong để về nghiên cứu dầu xoa chống dĩn muỗi và thuốc chữa bệnh phụ khoa... Tất cả những nét mặt thân thương ấy khi thật rõ nét, lúc lại thoáng qua hết người này sang người khác. Bất giác làm tôi suy nghĩ và tự hỏi rằng: Cái gì đã làm hơn một trăm con người này hăng say phục vụ, không kể gì vất vả gian nguy. Cái gì đã gắn bó họ sát cánh bên nhau mặc mưa bom, bão đạn không một ai bỏ cuộc nửa chừng? Cái gì đã làm cô Bính, cô The, cô Trình… anh Sau, anh Trợ, Thay, Tút, Tràng, Thi, Thuyết, Thả… những anh, những chị nuôi cần cù khuya sớm vất vả chắt chiu từng hạt gạo, lá rau để nuôi dưỡng thương, bệnh binh? Cái gì đã làm các đồng chí lái xe Gần, Dung, Đắc, Khánh… bao lần đưa chúng tôi đi cấp cứu thương binh ở các trọng điểm Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh, Ka Tang, Cổng Trời, Gát, Choóc, Na Tông, Siêng Phan, Xuân Sơn, Bãi Hà, Đá Đẽo… mà mỗi địa danh đã để lại những ấn tượng vô cùng sâu sắc với những đoàn quân “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vào cuối những năm 60 và đầu những năm 70 ác liệt ấy. Còn cái gì nữa đã khiến cho các đồng chí: Dinh, Lộc, My, Thu, Xinh, Biên, Tâm, An, Thảo, Tám, Chè, Băng, Thành… và bao người khác nữa dù ăn uống kham khổ, sức khỏe chả khá gì vẫn vui vẻ hiến dâng hai, ba lần máu của mình để cứu sống những thương, bệnh binh nặng.
Viết tới đây, tự nhiên tôi thấy xúc động lạ lùng. Đặt cây viết xuống bàn, ngước đầu lên, bắt gặp hình ảnh Bác đang nhìn tôi nghiêm nghị mà âu yếm. Thưa Bác kính yêu, tất cả những việc làm cụ thể đó là sự thể hiện tình thương yêu rộng lớn của Đảng, của Bác đối với nhân dân và quân đội, trước hết là với thương binh, bệnh binh mà lời dạy của Bác đối với chúng cháu năm xưa vẫn vang lên tha thiết hàng ngày: Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền. Hôm nay trong giờ phút thiêng liêng xúc động này, chúng cháu có thể sung sướng tự hào được báo cáo với Đảng, Bác kính yêu rằng Đội điều trị 14 đã làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm của Tổ quốc trao cho.
Đấy, tôi nhìn thấy tất cả những cái đó, những hình ảnh ấy, những khuôn mặt ấy như thế đó. Nếu tôi là văn sĩ, tôi sẽ tả lại thật chi tiết về những con người bình thường với những công việc bình thường mà tôi đã tận mắt thấy và cùng làm việc cùng với họ hàng ngày ở đó nhiều tháng, nhiều năm. Còn nếu tôi là họa sĩ, tôi sẽ vẽ cho các bạn xem cái thung lũng nhỏ bé trong rừng Trường Sơn mà chúng tôi đã ở. Những cái hang, động tuyệt đẹp chúng tôi đã triển khai phòng mổ, phòng băng, phòng điều trị, những trọng điểm với những hố bom dày chi chít, hố sau toác rộng chồng lên hố trước mà ở đó các đội phẫu của chúng tôi vẫn bám trụ mổ xẻ cấp cứu thương binh. Tôi sẽ vẽ mảnh bom to bằng nửa bàn tay găm chặt vào gióng chân của một đồng chí công binh Phà Xuân Sơn như một cánh buồm đen trên con thuyền độc mộc tượng trưng cho chất xám Hoa Kỳ. Tôi cũng sẽ vẽ cảnh cô y tá Thuận và anh lái xe Gần hì hục khiêng anh thương binh lên chiếc xe hồng giữa một đêm hoang vắng ở trọng điểm R.H tan hoang khủng khiếp, thành quả của cái gọi là sức mạnh không thể tưởng tượng nổi của không lực Hoa Kỳ.
Tôi mơ ước bằng một cách nào đó và bằng một hình thức nào đó để có thể nói lên được dù là nhỏ bé, điều mà người ta vẫn thường gọi là “chiến công thầm lặng” của những chiếc sĩ áo trắng ngành Hậu cần quân đội.
Đội điều trị 14 đã phục vụ thương, bệnh binh trong những tháng năm đánh Mỹ. Đội đã được thưởng hàng chục Huân chương Chiến công các loại. Tất cả những việc làm đó để có được hôm nay. Trong niềm vui chung lớn lao này, có nhiều người đã trưởng thành, nhiều người là Chiến sĩ Thi đua, Chiến sĩ Quyết thắng và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều người được thưởng huân chương cao quý, trở thành đảng viên ưu tú. Nhiều anh chị em công vụ, cấp dưỡng được học thành y tá; từ y tá học thành y sĩ, dược sĩ, từ y sĩ dược sĩ học thành bác sĩ như: Vinh, Doanh, Thu, My, Lộc, Cường, Liêm… Thế nhưng cũng đã có nhiều người con ưu tú ngã xuống không về như các anh, chị: Chè, Sửu, Cự, Sang, Bộ, Điền, Hội, Vỹ, Tuấn, Huyên, Dũng… Các đồng chí thân yêu! Các đồng chí không còn để được cùng hưởng niềm vui to lớn hôm nay. Chúng tôi hiểu rõ các đồng chí đã hiến trọn tuổi xuân cho mùa xuân bất tận của dân tộc. Các đồng chí đã góp thân mình làm những viên gạch đỏ lát đường đưa Tổ quốc bước lên đài vinh quang chói lọi của độc lập tự do. Chúng tôi những người còn sống, đang sống và những thế hệ mai sau đời đời ghi nhớ công ơn. Và riêng hôm nay xin các đồng chí vui lòng nhận một bông hoa đẹp ngát hương Đội điều trị 14 anh hùng.