N
gày hôm sau trời xầm xì và tầm chín giờ trời bắt đầu mưa. Bà Annette ra ngoài để buộc lại một cánh cửa chớp đang đập loạn lên ở đâu đó. Bà ta đã nghe đài radio và người ta thông báo là chuẩn bị có một cơn bão lớn khủng khiếp, bà ta cảnh báo Tom như vậy.
Gió khiến anh chộn rộn. Sáng hôm nay việc tham quan du lịch trở nên bất khả thi đối với anh và Chris. Đến trưa, cơn bão còn trở nên tồi tệ hơn và gió quật ngọn cây dương cao xuống như roi da hoặc lưỡi kiếm. Thỉnh thoảng lại có một cành cây – nhỏ xíu và chắc là đã chết – bị gió đánh bật ra khỏi một cái cây gần nhà và đập xuống mái kêu lộp bộp rồi lăn xuống đất.
“Tôi thật sự chưa từng chứng kiến cảnh tượng nào thế này… ở đây,” Tom nói ở bữa trưa.
Nhưng Chris, cùng vẻ lạnh lùng hệt như Dickie, hoặc có thể là đặc tính của cả gia đình cậu ta, mỉm cười và tận hưởng sự hỗn loạn ấy.
Đèn tắt ngóm trong khoảng nửa tiếng, theo lời Tom thì chuyện đó vẫn thường xảy ra ở vùng nông thôn Pháp, dù chỉ là bão nhỏ.
Sau bữa trưa, Tom đi lên căn phòng nơi anh ngồi vẽ. Thỉnh thoảng vẽ tranh sẽ giúp ích mỗi lần anh cảm thấy lo lắng. Anh đứng vẽ gần bàn gia công, bức tranh sơn dầu dựa vào một cái kẹp nặng nề và vài quyển sách nghệ thuật và sách về nghề làm vườn dày cộp. Đáy tranh đặt trên vài tờ báo cộng thêm một cái thảm vẽ lớn từng là một phần của tấm ga trải giường cũ. Tom hăng hái cúi người làm việc với tác phẩm của mình, thường xuyên bước lùi lại để ngắm nó. Đây là một bức chân dung của bà Annette được vẽ – chắc vậy – theo phong cách khá Kooning, điều đó có nghĩa là bà Annette chắc sẽ không bao giờ nhận ra bức chân dung này là của mình. Tom không cố ý mô phỏng theo Kooning và cũng không chủ ý nghĩ đến ông ta khi bắt đầu tác phẩm này, nhưng không thể nghi ngờ việc sản phẩm trông như một bức chân dung theo phong cách Kooning. Đôi môi nhợt nhạt của bà Annette hé ra nở nụ cười bằng một nét phẩy hồng, răng bà ta cố tình mang màu ngà và không đều. Bà ta mặc một chiếc váy màu tím nhạt có diềm xếp nếp trắng quanh cổ. Tất cả bức tranh được vẽ bằng cọ to và nét dài. Công tác chuẩn bị sơ bộ của Tom cho bức tranh này là vài bức vẽ bà Annette vội vàng trên đầu gối trong phòng khách, khi bà ta không chú ý.
Giờ có sấm sét. Tom đứng thẳng dậy và hít thở, ngực đau nhói vì căng thẳng. Trên đài bán dẫn của anh, chương trình France Culture đang phỏng vấn một tác giả có vẻ không được thoải mái lắm: “Cuốn sách của anh, anh Hublot (Heublein?) đối với tôi có vẻ (tanh tách)… nó là sự chuyển đổi từ – như vài nhà phê bình đã nhận xét – các thách thức cho đến giờ của anh sang khái niệm chống Sartrisme. Nhưng hiện giờ thì có vẻ nó đã đảo ngược…” Tom tắt phụt nó đi.
Có một tiếng răng rắc đáng ngại vang lên rất gần, từ hướng khu rừng, và Tom nhìn ra ngoài cửa sổ. Ngọn cây thông và cây dương vẫn lắc lư, nhưng nếu có cái cây nào đã đổ xuống trong rừng thì từ đây anh cũng không thể nhìn ra được trong bóng tối xanh xanh xám xịt của khu rừng. Biết đâu lại có cái cây nào đó vừa đổ, dù chỉ là một cây con, và che khuất cái ngôi mộ chết tiệt đó đi, Tom nghĩ thầm. Anh mong như vậy. Tom đang pha màu nâu đỏ để vẽ tóc của bà Annette – anh muốn hoàn thành bức tranh trong ngày hôm nay – thì nghe có giọng nói, hoặc anh tưởng là vậy, dưới nhà. Giọng đàn ông.
Tom đi ra hành lang.
Các giọng nói đang trò chuyện bằng tiếng Anh nhưng anh không thể nghe thấy những gì họ đang nói. Chris và một người nữa. Bernard, Tom nghĩ. Giọng Anh. Đúng rồi, trời đất ơi!
Tom cẩn thận đặt con dao trộn màu của anh lên cốc nhựa thông. Anh đóng cửa lại sau lưng và lao xuống nhà.
Chính là Bernard, đứng rũ rượi và ướt nhẹp trên tấm thảm ngay sau cửa. Tom sững sờ trước đôi mắt đen kịt của anh ta, nó có vẻ hõm sâu hơn nữa dưới hàng lông mày đen thẳng. Bernard trông có vẻ hoảng hốt, Tom nghĩ. Rồi ngay giây tiếp theo, Tom những tưởng anh ta chính là tử thần.
“Bernard!” Tom nói. “Chào mừng anh!”
“Xin chào,” Bernard nói. Anh ta đặt một cái túi vải buộc dây dưới chân.
“Đây là Christopher Greenleaf,” Tom nói. “Bernard Tufts. Có thể hai người đã giới thiệu bản thân rồi.”
“Đúng là thế,” Chris nói, mỉm cười, có vẻ hài lòng vì có thêm bạn.
“Tôi hy vọng việc tôi đến đây như thế này… không gây phiền phức gì,” Bernard nói.
Tom trấn an anh ta. Giờ đến lượt bà Annette bước vào và anh giới thiệu họ.
Bà Annette đề nghị cất áo khoác hộ Bernard.
Tom nói với bà bằng tiếng Pháp, “Bà có thể dọn dẹp phòng ngủ nhỏ cho anh Bernard”. Đây là căn phòng khách thứ hai, hiếm khi được sử dụng, chỉ có đúng một cái giường đơn, mà anh và Heloise gọi là “phòng ngủ nhỏ”. “Và anh Bernard sẽ ăn tối với chúng ta hôm nay.” Rồi Tom hỏi anh ta, “Anh đã đi đến đây bằng cách nào thế? Đi tắc-xi từ Melun à? Hay là Moret?”.
“Phải. Melun. Tôi đã tìm kiếm thị trấn này trên một bản đồ ở Luân Đôn.” Cao và gày nhẳng, giống như chữ viết của mình, Bernard đang đứng chà xát đôi bàn tay. Đến cả áo khoác của anh ta trông cũng ướt đẫm.
“Có muốn mượn áo len không, Bernard? Uống một cốc brandy để ấm người nhé?”
“Ôi, không, không, cảm ơn anh.”
“Vào phòng khách đã! Trà nhé? Tôi sẽ nhờ bà quản gia pha trà khi bà ấy xuống đây. Ngồi xuống đi, Bernard.”
Bernard lo lắng nhìn Chris như thể muốn chờ cậu ta ngồi xuống trước sao đó. Nhưng trong những phút tiếp theo, Tom nhận ra là Bernard nhìn thứ gì cũng có vẻ lo lắng, kể cả cái gạt tàn trên bàn cà phê. Việc trao đổi cũng cực kỳ khó khăn và Bernard thẳng thắn thể hiện mong muốn Christopher không có mặt ở đây. Nhưng có vẻ Chris không hiểu được điều đó, theo Tom thấy, mà ngược lại còn nghĩ rằng sự hiện diện của mình rất hữu ích vì rõ ràng là Bernard đang trong trạng thái bất ổn. Bernard nói lắp bắp và tay thì run bần bật.
“Tôi thật sự sẽ không ở lại làm phiền anh lâu đâu,” anh ta nói.
Tom bật cười. “Nhưng hôm nay anh không được phép về đâu đấy! Chúng ta đang phải đón nhận thứ thời tiết tồi tệ nhất mà tôi từng chứng kiến trong vòng ba năm ở lại đây. Máy bay có gặp khó khăn khi hạ cánh không?”
Bernard không nhớ. Mắt anh ta dạt đến bức tranh – do chính anh ta vẽ – “Người Ngồi Trong Ghế” trên lò sưởi rồi lại nhìn đi chỗ khác.
Tom nghĩ tới màu tím cô-ban trong bức tranh đó. Giờ thì anh thấy nó như thuốc độc hóa học vậy. Tom đoán Bernard chắc cũng cảm thấy như vậy. “Lâu lắm rồi anh không nhìn thấy bức ‘Đôi Ghế Đỏ’ nhỉ,” Tom nói, đứng dậy. Bức tranh nằm sau lưng Bernard.
Anh ta đứng dậy theo và xoay người lại, chân vẫn dính chặt vào sô-pha.
Nỗ lực của Tom được đáp lại bằng một nụ cười yếu ớt nhưng chân thành trên mặt Bernard. “Đúng vậy. Nó thật đẹp,” anh ta nói bằng giọng trầm nhỏ đặc trưng.
“Anh là họa sĩ à?” Chris hỏi.
“Đúng thế.” Bernard lại ngồi xuống. “Nhưng không giỏi như… như Derwatt.”
“Bà Annette, bà có thể đun ít nước pha trà được không?” Tom hỏi.
Bà Annette đã đi từ trên gác xuống, mang theo khăn tắm hoặc một thứ gì đó. “Ngay lập tức, thưa anh Tome.”
“Anh có thể giải thích cho tôi,” Christopher bắt đầu gợi chuyện với Bernard, “điều gì khiến một họa sĩ được coi là xuất sắc… hay không? Chẳng hạn, tôi thấy có vài họa sĩ đang bắt đầu vẽ giống Derwatt. Tôi không thể kể ra tên họ ngay lập tức vì họ không nổi tiếng bằng. À, phải rồi, Parker Nunnally chẳng hạn. Anh có biết tác phẩm của anh ta không? Điều gì khiến Derwatt xuất sắc hơn vậy?”.
Tom cũng cố gắng tìm câu trả lời đúng, có lẽ là “nguyên bản”. Nhưng từ “đại chúng” cũng vụt qua đầu anh. Anh chờ Bernard lên tiếng.
“Là do cá tính,” Bernard cẩn trọng nói. “Đó là Derwatt.”
“ Anh quen anh ta à?” Chris hỏi.
Tom cảm thấy hơi nhói lòng, cắn rứt vì nỗi thương cảm với Bernard.
Bernard gật đầu. “À, quen.” Giờ hai bàn tay xương xẩu của anh ta đang bấu lấy một bên đầu gối.
“Anh có cảm nhận được cá tính đấy khi gặp anh ta không? Ý tôi là khi nhìn thấy anh ta?”
“Có,” Bernard nói kiên định hơn. Nhưng anh ta rúm người lại, chắc là vì đau đớn, trước cuộc trò chuyện này. Cùng lúc ấy đôi mắt đen sẫm của anh ta dường như đang tìm kiếm thêm chuyện để nói về chủ đề này.
“Chắc đó không phải là một câu hỏi công bằng,” Chris nói. “Phần lớn các nghệ sĩ xuất sắc không thể hiện cá tính hay lãng phí nhiệt huyết của họ vào đời sống cá nhân, tôi nghĩ vậy. Bề ngoài thì họ đều có vẻ hết sức tầm thường.”
Trà được mang lên.
“Anh không mang va-li theo à, Bernard?” Tom hỏi. Anh biết rõ là anh ta không có cái va-li nào nữa và thấy lo lắng không biết Bernard có thấy thoải mái không.
“Không, tôi đã vội vàng lao tới đây,” Bernard nói.
“Đừng lo gì cả. Tôi có tất cả những thứ anh cần đây rồi.” Tom cảm nhận Chris nhìn anh rồi nhìn Bernard, hẳn đang phỏng đoán họ quen nhau bằng cách nào và có thân thiết không. “Đói không?” Tom hỏi Bernard. “Quản gia của tôi thích làm sandwich lắm.” Chỉ có mấy cái bánh nhỏ để ăn cùng trà. “Tên bà ấy là Annette. Anh muốn gì thì cứ hỏi bà ấy là được.”
“Không, cảm ơn.” Tách trà của Bernard phát ra ba âm thanh leng keng khi anh ta đặt nó xuống đĩa.
Tom tự hỏi có phải Jeff và Ed đã cho Bernard uống quá nhiều thuốc an thần đến mức lúc này anh ta cần có một thứ khác? Bernard đã uống xong tách trà của mình và Tom dẫn anh ta lên gác xem phòng.
“Anh sẽ phải dùng chung phòng vệ sinh với Chris,” Tom nói. “Anh băng qua hành lang này và đi qua phòng của vợ tôi.” Tom để cửa mở. “Heloise không có ở đây, cô ấy đang ở Hy Lạp. Tôi hy vọng anh có thể nghỉ ngơi lại đây một chút, Bernard. Vấn đề thật sự là gì vậy? Điều gì đang khiến anh lo lắng?”
Họ đã quay lại “phòng ngủ nhỏ” của Bernard và cửa đã đóng lại.
Bernard lắc đầu. “Tôi cảm thấy như thể mình đã đi đến cuối đường. Chỉ vậy thôi. Buổi triển lãm này là sự kết thúc. Nó là buổi triển lãm cuối cùng mà tôi có thể vẽ. Bức tranh cuối cùng. ‘Bồn Tắm’. Và giờ họ đang cố gắng đưa – anh biết đấy – khiến anh ấy sống lại.”
Và tôi đã thành công, Tom những muốn nói vậy, nhưng mặt anh vẫn nghiêm túc hệt như Bernard. “À thì… theo giả thuyết thì anh ấy vẫn còn sống suốt năm năm qua mà. Tôi chắc chắn là họ sẽ không ép anh tiếp tục vẽ nếu anh không muốn đâu, Bernard.”
“À, họ sẽ cố gắng, Jeff và Ed ấy. Nhưng tôi đã chịu đủ rồi, anh hiểu không. Đủ lắm rồi.”
“Tôi nghĩ họ cũng biết điều đó. Đừng lo lắng về chuyện đấy. Chúng ta có thể… Xem này, Derwatt lại có thể tiếp tục sống ẩn dật. Ở Mexico. Cứ nói anh ta sẽ tiếp tục vẽ trong những năm tới, nhưng từ chối trưng bày tranh của mình.” Tom đi qua đi lại trong khi nói. “Năm tháng trôi qua. Khi Derwatt chết – chúng ta sẽ bảo anh ta đã thiêu rụi toàn bộ các bức vẽ cuối đời mình, như vậy chẳng hạn, để không ai được nhìn thấy chúng hết!” Tom mỉm cười.
Đôi mắt ảm đạm của Bernard vẫn nhìn chằm chằm xuống sàn, khiến Tom cảm giác như thể mình vừa kể một câu chuyện cười mà khán giả không thấy buồn cười. Hoặc tệ hơn, vừa thực hiện một hành vi báng bổ thánh thần, kể chuyện cười xấu xa trong nhà thờ.
“Anh cần nghỉ ngơi, Bernard. Anh có muốn uống thuốc ngủ không? Tôi có vài loại nhẹ.”
“ Không, cảm ơn.”
“Có muốn rửa ráy không? Đừng bận tâm đến Chris và tôi. Chúng tôi sẽ để anh được thoải mái. Ăn tối lúc tám giờ nếu anh muốn nhập hội cùng chúng tôi. Cứ xuống sớm hơn nếu anh muốn uống gì đó.”
Gió vừa phát ra tiếng gào rít và một cái cây lớn uốn cong xuống – hai người cùng liếc ra ngoài cửa sổ và nhìn thấy cảnh tượng ấy, nó nằm ở vườn sau của Tom – và anh cảm thấy như thể ngôi nhà cũng vừa cong xuống, và theo bản năng anh trụ vững chân. Làm sao lại có người có thể giữ bình tĩnh trong thời tiết này được?
“Có muốn tôi kéo rèm vào không?” Tom hỏi.
“Nó không quan trọng.” Bernard nhìn Tom. “Ông Murchison đã nói gì khi nhìn thấy bức ‘Người Ngồi Trong Ghế’?”
“ Ông ta nói đó là tranh giả… lúc đầu là như vậy. Nhưng tôi đã thuyết phục được ông ta là không phải vậy.”
“Làm sao anh có thể? Ông Murchison đã kể cho tôi những gì ông ta nghĩ về… màu tím oải hương. Ông ta nói đúng. Tôi đã phạm phải ba sai lầm, ‘Người Ngồi Trong Ghế’, ‘Đồng Hồ’, và giờ là bức ‘Bồn Tắm’. Tôi không biết làm sao chuyện đó lại xảy ra. Tôi không biết lý do. Tôi chẳng nghĩ gì hết. Ông Murchison nói đúng.”
Tom im lặng. Sau đó anh nói, “Theo lẽ tự nhiên tất cả chúng ta đều bị dọa sợ. Việc Derwatt còn sống có thể khiến chuyện ấy bị quên đi. Chỉ có hiểm họa – hiểm họa bị bóc trần chuyện anh ta không còn sống. Nhưng chúng ta đã vượt qua được chướng ngại vật đấy rồi, Bernard”.
Bernard hình như hoàn toàn không theo kịp chuyện này. Anh ta nói, “Anh đã đề nghị mua lại bức ‘Đồng Hồ’ hay sao?”.
“Không. Tôi đã thuyết phục ông ta rằng Derwatt hẳn đã quay lại – trong khoảng một, hai hoặc ba bức tranh – sử dụng màu tím oải hương mà anh ta từng dùng.”
“Ông Murchison thậm chí còn trò chuyện với tôi về chất lượng tranh. Ôi, Chúa ơi!” Bernard ngồi xuống giường và ngả ra sau. “Ông Murchison giờ đang làm gì ở Luân Đôn vậy?”
“Tôi không biết. Nhưng tôi biết là ông ta sẽ không đi gặp chuyên gia, sẽ không làm gì hết, Bernard – vì tôi đã thuyết phục được ông ta tin chúng ta,” Tom trấn an nói.
“Tôi chỉ có thể nghĩ ra một cách để anh thuyết phục được ông ta, một cách hết sức liều lĩnh.”
“Ý anh là gì?” Tom hỏi, mỉm cười, thấy hơi sợ.
“Anh đã thuyết phục ông ta để tôi yên. Như một thứ đáng thương hại, một thứ cần được thương hại. Tôi không muốn bị thương hại.”
“Theo lẽ tự nhiên… không hề đề cập chút nào tới anh.” Anh điên rồi, Tom cảm thấy muốn nói vậy. Bernard điên rồ, hoặc ít nhất thì cũng đang tạm thời loạn trí. Vậy nhưng Bernard đã nói chính xác những gì Tom đã cố gắng làm trong hầm trước khi giết ông Murchison – thuyết phục ông ta để Bernard yên vì anh ta sẽ không vẽ thêm một bức tranh “Derwatt” nào nữa. Tom thậm chí còn đã thử giải thích cho ông Murchison hiểu sự tôn thờ mà Bernard dành cho Derwatt, thần tượng đã qua đời của anh ta.
“Tôi không nghĩ ông Murchison có thể bị thuyết phục,” Bernard nói. “Anh không cố gắng khiến tôi cảm thấy ổn hơn bằng cách nói dối tôi đấy chứ, Tom? Vì tôi đã nghe quá đủ những lời dối trá rồi.”
“Không hề.” Nhưng Tom cảm thấy không thoải mái vì anh đang nói dối, với Bernard. Hiếm khi Tom lại cảm thấy không thoải mái vì nói dối. Tom lường trước được việc đến một lúc nào đó anh sẽ phải kể cho Bernard chuyện ông Murchison đã chết. Đó là cách duy nhất để trấn an anh ta – một phần nào đó, ít nhất là về chuyện tranh giả. Nhưng Tom không thể nói chuyện đó với Bernard lúc này, trong cơn bão loạn trí này, trong tình trạng hiện thời của anh ta, không thì Bernard sẽ biến nổi điên mất. “Tôi sẽ trở lại ngay,” anh nói.
Bernard nhỏm dậy khỏi giường ngay lập tức và đi ra cửa sổ, đúng lúc gió tạt mưa đập vào mặt cửa kính.
Tom nhăn mặt trước cảnh tượng đó nhưng Bernard thì không. Anh về phòng mình, lấy pyjama và một chiếc áo choàng ngủ bằng vải Madras24 cho Bernard, kèm theo đôi dép đi trong nhà và một chiếc bàn chải đánh răng mới vẫn nằm trong hộp nhựa. Anh để bàn chải trong phòng tắm phòng trường hợp Bernard không có và mang những món đồ còn lại vào phòng anh ta. Anh dặn Bernard là anh sẽ ở dưới nhà nếu anh ta cần gì, còn bây giờ anh sẽ để anh ta nghỉ ngơi.
24 Vải Madras là một loại vải cotton nhẹ với họa tiết kẻ sọc điển hình. Vải được lấy từ tên cũ của thành phố Chennai ở Ấn Độ.
Chris đã về phòng cậu ta, Tom thấy qua ánh đèn. Cơn bão khiến căn nhà tối tăm một cách lạ thường. Tom về phòng mình và lấy tuýp kem đánh răng của Bá tước trong ngăn kéo tủ của anh ra. Khi cuộn đáy tuýp kem lên, nó vẫn sử dụng được và tốt hơn là anh nên dùng nó chứ không nên quăng đi rồi có nguy cơ bị bà Annette nhìn thấy trong thùng rác: lãng phí và không thể giải thích được. Tom cầm tuýp kem đánh răng của mình trên bồn rửa và đặt nó vào phòng vệ sinh của Chris và Bernard.
Tom tự hỏi không biết anh sẽ phải làm cái quái gì với Bernard đây? Nếu cảnh sát quay lại và Bernard có mặt tại đây, như Chris có mặt lúc trước thì phải làm sao? Bernard khá thành thạo tiếng Pháp, Tom nghĩ.
Anh ngồi xuống viết một bức thư cho Heloise. Viết thư cho cô lúc nào cũng giúp anh bình tĩnh lại. Khi anh hoài nghi vốn tiếng Pháp của mình thì thường anh cũng không thèm tra từ điển vì lỗi sai của anh khiến Heloise thích thú.
Ngày 22 tháng Mười, 19…
Heloise yêu,
Một người em họ của Dickie Greenleaf, một thanh niên tử tế tên là Christopher, đang đến đây chơi vài ngày. Cậu ta đến Paris chơi lần đầu tiên. Thử tưởng tượng cảnh nhìn thấy Paris lần đầu tiên ở tuổi hai mươi mà xem? Cậu ta hết sức sững sờ trước sự đồ sộ của thành phố. Cậu ta đến từ California.
Hôm nay có một cơn bão khủng khiếp. Ai cũng lo lắng. Mưa và gió.
Anh nhớ em. Em đã nhận được bộ áo tắm đỏ chưa? Anh đã dặn bà Annette gửi nó bằng đường hàng không và đưa cho bà ta rất nhiều tiền, nên nếu bà ta không làm đúng theo thì anh sẽ phạt bà ta. Ai cũng hỏi bao giờ em về. Anh đã uống trà với nhà Grais. Anh cảm thấy thật cô quạnh khi không có em. Hãy trở về và chúng ta sẽ ngủ trong vòng tay nhau.
Người chồng cô đơn của em,
Tom
Tom dán tem lên bức thư và mang nó xuống dưới nhà, đặt lên bàn kê ngoài hành lang.
Giờ Christopher đang ở trong phòng khách, đọc sách trên ghế sô-pha. Cậu ta nhảy bật dậy. “Nghe này…” Cậu ta nói nhỏ nhẹ. “Có chuyện gì với bạn anh thế?”
“Anh ta đang gặp khủng hoảng. Ở Luân Đôn. Anh ta tuyệt vọng với công việc của mình. Và tôi nghĩ là anh ta đã có… Anh ta đã chia tay bạn gái hoặc cô ta đá anh ta. Tôi cũng không rõ nữa.”
“Anh có thân với anh ta lắm không?”
“Không quá thân. Không.”
“Tôi vừa nghĩ – vì tình trạng anh ta có vẻ kỳ cục – không biết anh có muốn tôi đi sớm không. Sáng mai. Thậm chí là tối nay.”
“Ồ, chắc chắn không phải tối nay rồi, Chris. Trong thời tiết như thế này sao? Không, việc cậu ở đây không khiến tôi phiền đâu.”
“Nhưng tôi có cảm giác anh ta thấy phiền. Bernard ấy.” Chris hất đầu về phía cầu thang.
“À… có vô số phòng trong căn nhà này để chúng tôi nói chuyện, Bernard và tôi ấy, nếu anh ta muốn. Đừng lo.”
“Được rồi. Nếu anh thật sự nghĩ vậy. Cứ đợi đến mai xem sao.” Cậu ta đút tay vào túi quần sau và đi về phía ô cửa sổ kiểu Pháp.
Bà Annette có thể bước vào đây và kéo rèm bất kỳ lúc nào, Tom nghĩ thầm, ít nhất điều đó sẽ mang lại chút an ủi trong tình huống hỗn loạn này.
“Nhìn kìa!” Chris chỉ về phía bãi cỏ.
“Cái gì thế?” Tom đoán là lại có một cái cây đổ, một vấn đề vụn vặt. Anh mất một lúc mới nhìn thấy điều Chris đã nhìn thấy vì trời quá tối. Tom nhận ra có một bóng người đang chậm chạp đi trên bãi cỏ, suy nghĩ đầu tiên của anh đó là bóng ma của ông Murchison, và anh nhảy bật dậy. Nhưng Tom không tin ma quỷ.
“Bernard đấy!” Chris nói.
Đó là Bernard, tất nhiên rồi. Tom mở ô cửa sổ kiểu Pháp và bước ra ngoài trời mưa, giờ thì gió đang tạt các giọt mưa lạnh lẽo đi tứ tung. “Bernard này! Anh đang làm gì đấy?” Tom thấy anh ta không phản ứng gì, vẫn chầm chậm dạo bước, đầu ngẩng lên, và anh lao về phía anh ta. Tom vấp ngã ở bậc thềm đá trên cùng, gần như ngã xuống cả cầu thang, chỉ kịp lấy lại thăng bằng ở bậc thềm cuối cùng, đồng thời cũng bị trật mắt cá chân. “Này, Bernard, vào trong đi!” Tom hét lên, giờ đi cà nhắc về phía anh ta.
Chris chạy xuống chỗ Tom. “Anh sẽ bị ướt hết mất!” Cậu ta cười nói và dợm muốn túm lấy cánh tay của Bernard nhưng rõ ràng là không dám.
Tom nắm chặt cổ tay Bernard. “Bernard, anh định lăn ra ốm một cách giật gân đấy à?”
Bernard quay về phía họ và mỉm cười, một dòng nước mưa nhỏ giọt từ mái tóc đen đang dính chặt lấy trán anh ta. “Tôi thích thế này. Thật sự thích. Tôi cảm thấy thích thế này!” Anh ta giơ cao hai tay lên, giựt ra khỏi tay Tom.
“Nhưng anh sẽ vào trong nhà ngay bây giờ chứ? Xin anh đấy, Bernard.”
Anh ta mỉm cười với Tom. “Ôi, được rồi,” anh ta nói như thể đang chiều lòng anh.
Ba người cùng nhau quay vào nhà, hết sức chậm chạp, vì có vẻ Bernard muốn ngấm mọi hạt mưa. Anh ta giống như đang rất vui, đưa ra vài bình luận tươi tỉnh khi cởi giày ra trước ô cửa sổ kiểu Pháp để không làm hỏng tấm thảm. Anh ta cũng cởi áo khoác ra.
“Anh thật sự phải thay đồ đấy,” Tom nói. “Tôi sẽ lấy đồ cho anh.” Tom cũng đang cởi giày của mình ra.
“Được thôi, tôi sẽ thay đồ,” Bernard nói, vẫn giữ cái giọng kẻ cả, và chậm rãi leo cầu thang, tay cầm giày.
Chris nhìn Tom và cau mày chăm chú, hệt như Dickie.
“Gã đó bị điên!” Cậu ta thì thào. “Thật sự điên rồi!”
Tom gật đầu, run rẩy một cách kỳ lạ – run rẩy hệt như mỗi lần ở cùng chỗ với một người đầu óc thật sự không bình thường. Đó là cảm giác vỡ vụn. Lần này nó đến hơi sớm: thường thì phải mất hai mươi tư tiếng. Tom cẩn thận thử mắt cá chân và xoay cổ chân. Anh nghĩ cổ chân mình chắc không bị gì nghiêm trọng đâu. “Chắc là cậu đúng,” anh nói với Chris. “Tôi sẽ lên nhà tìm quần áo khô cho anh ta.”