M
. từ nơi xa xôi đến để giãi bày, để hỏi về những giấc mơ và việc hành thiền của anh. M. cho biết anh đã tham dự một số buổi nói chuyện của chúng tôi và đã chú tâm lắng nghe những gì tôi trình bày về thiền định. Trước đó, anh đã thực hành một hoặc hai phương pháp, định tâm vào một đối tượng, phát triển những phẩm chất nhất định, tụng niệm, buộc tâm mình phải tĩnh lặng,… Tất cả những cách thức đó đều gây ra sự đấu tranh và căng thẳng kinh khủng. Đôi khi cũng có cảm giác bình an, nhưng ngay cả điều đó cũng nguy hiểm. Trong khi thực hành các phương pháp thiền khác nhau, anh đã nhận ra rằng mình có những giấc mơ mang tính bạo lực và rối loạn. Tại sao lại như vậy? Sau đó, anh làm như tôi đề xuất, thử theo dõi và xem xét thấu đáo từng suy nghĩ, cảm xúc. Anh cho biết các giấc mơ của mình đã khác và hỏi liệu chúng tôi có thể thảo luận rốt ráo về nó không?
M. là giáo viên và anh khá yêu thích công việc của mình. Anh đã có chủ tâm tránh tham gia quá nhiều hoạt động và dành nhiều thời gian cho tư tưởng tôn giáo.
Kiểu thiền định phù hợp sẽ giải quyết được nhiều khó khăn cho chúng ta. Nó là chìa khóa cho phần lớn các vấn đề của chúng ta. Thiền định đúng là để cho tư duy tự giải thoát nó khỏi tất cả sự cưỡng chế, ép buộc, nỗ lực sai lầm. Chúng ta phải hiểu động cơ, sự cưỡng chế nằm đằng sau việc trở thành điều gì đó, khao khát vươn tới, đạt được cái gì đó. Không có hiểu biết cơ bản về sự thôi thúc này thì không thể thiền định đúng. Niềm khao khát được vừa khít với một khuôn mẫu, dù cao quý và lý tưởng đến đâu đi nữa cũng không thể là thiền định đúng.
Anh trả lời: “Tôi nghĩ mình đang bắt đầu hiểu lý do tại sao ông nhấn mạnh vào điểm này. Thật là khó, nhưng chẳng phải nó là một quá trình kết thúc hơn là chỗ để người ta bắt đầu sao?”.
Tại sao phải chiều chuộng thói nghiện rượu để khám phá sự điều độ? Tại sao lại đi xuống phía nam trong khi bạn phải lên phía bắc? Đúng là khó thật, nhưng nó cũng đâu phức tạp hơn và khó khăn hơn việc vun đắp những quan điểm và cách thực hành sai lầm để rồi sau đó phải phá hủy chúng, đúng không? Như vậy chẳng phải là uổng phí công sức hay sao? Vì vậy, thiền định đúng cần được khám phá ra ngay từ đầu. Người thực hiện nỗ lực phải hiểu chính họ. Trước tiên, họ phải nhận thức. Sau đó, họ phải nhận thức về quan hệ nhân quả và về quá trình nhị nguyên của suy nghĩ-cảm xúc. Lúc ấy, người suy nghĩ và suy nghĩ của người đó phải được trải nghiệm như một. Trong tất cả điều này không thể có bất kỳ sự cưỡng chế nào. Ép buộc và nỗ lực sai lầm sẽ không mang lại sự hiểu biết. Và, mạn phép chỉ ra, bởi vì bạn đang ép suy nghĩ-cảm xúc của mình cho vừa với một dạng thức, một công thức đã hình thành từ trước, nên bạn mới có những giấc mơ bạo lực và lộn xộn. Nỗ lực sai lầm sản sinh ra những kết quả sai lầm. Để hiểu một cách sâu sắc và bao quát, bạn phải ngừng mọi nỗ lực và đây là một nghệ thuật không hề dễ dàng. Những giấc mơ của bạn là sự tiếp nối quyết tâm có ý thức để đạt được một mục tiêu, để có thành tựu. Các giải pháp như vậy không phải là sự thiền định đúng. Những giấc mơ là các dấu chỉ mà việc diễn giải chúng phụ thuộc vào người nằm mơ. Nếu họ cứ bận tâm với những khuôn mẫu, công thức và sự cưỡng chế, cũng như khi họ không hiểu biết, thì những giấc mơ của họ cũng sẽ nhiễu loạn và lộn xộn. Nhưng nếu người nằm mơ, người suy nghĩ bắt đầu nhận ra các suy nghĩ-cảm xúc của mình, nhờ đó mà suy nghĩ kỹ càng, xem xét thấu đáo về chúng một cách bao quát và sâu sắc hết mức có thể – khởi đầu của thiền định đúng thông qua sự tự biết mình và tư duy đúng – thì sự tự do của thực tại và sự hiểu biết sẽ bắt đầu hiện hữu.
Vũ lực hay cưỡng chế ở bất cứ dạng nào cũng đều ngăn cản tính nhạy cảm cởi mở đối với thực tại. Bạn càng nhận thức được nhiều về các suy nghĩ-cảm xúc của mình, nhận thức về nhiều tầng của ý thức do giáo dục của mình và cường độ nhận thức càng lớn, thì người nằm mơ lại càng ít mơ hơn. Lúc đó, giấc ngủ như một hình thức thiền định sẽ mang lại nhận thức về những gì nằm ngoài ý thức bị khuôn định do giáo dục. Một lần nữa, điều này vô cùng khó khăn. Tư duy, cũng như ký ức, mang theo khác các sự việc, trải nghiệm và ý hướng từ ngày này sang ngày khác, điều này tạo tính liên tục cho ý thức do giáo dục, củng cố nó theo cách rộng mở hay hạn hẹp. Nếu mỗi ngày chúng ta đều biết về cái chết, nếu mỗi ngày chúng ta đều hoàn thiện các suy nghĩ-cảm xúc của mình, không để chúng kéo qua ngày kế tiếp, cất đi gánh nặng cho tâm thức và trái tim trong từng giây phút của một ngày, và không cho phép bất cứ cặn bã hay vết sẹo nào được hình thành, thì sẽ có trạng thái xuất thần bất diệt.