L
. giải thích rằng cô đã đi theo một lối suy nghĩ cẩn thận nhất định trong một khoảng thời gian. Tuy không có ý định tuân thủ bất cứ khuôn mẫu nào, nhưng cô đã dần dần trôi dạt theo nó mà không hay biết. L. nói rằng cô không được tuân theo bất cứ ai ngoại trừ chính mình và hỏi xem chúng tôi có thể cùng thảo luận về vấn đề đó để giải tỏa một vài điều bối rối của cô không.
Tại sao chúng ta cần những khuôn mẫu, dù bị áp đặt hay tự tạo ra? Chẳng phải do nỗi sợ hãi hay sao? Chúng ta sợ không đạt được, không có được, không trở thành gì đó được. Khi tuân theo một khuôn mẫu, chúng ta không cần tự thân cố gắng nhiều để suy nghĩ, cảm nhận; người khác đã nghĩ ra một đường lối hành động nên chúng ta chỉ việc làm theo. Chúng ta xem các khuôn mẫu đó như những tấm khiên chắn để che chở chúng ta khỏi thất bại, đau khổ và rối loạn. Tuy nhiên, các khuôn mẫu chỉ khiến ta trở nên thiếu suy xét, dỗ dành chúng ta vào cảnh trì trệ. Việc tuân theo những khuôn mẫu duy trì sự chia rẽ giữa người suy nghĩ và suy nghĩ của họ, giữa người quan sát và đối tượng được quan sát; do đó, không có khả năng vượt qua người suy nghĩ và tư tưởng của họ. Khi tuân theo các khuôn mẫu, suy nghĩ-cảm xúc di chuyển trong phạm vi những gì đã biết, đã được tạo ra, vì vậy, luôn luôn khuôn định chính nó. Tư duy không bao giờ tự do để trải nghiệm, khám phá thực tại. Bên cạnh đó, khi theo đuổi một khuôn mẫu, luôn có sự đấu tranh không ngừng của việc trở thành, không bao giờ hiểu biết và qua đó mà hiện hữu.
Khi thoát khỏi các khuôn mẫu, sự sáng tạo xuất hiện. Vì vậy, nếu có thể hiểu ý nghĩa sâu sắc của những khuôn mẫu, thì chúng ta sẽ không từ chối khuôn mẫu này và chấp nhận khuôn mẫu kia, dù là được người khác tạo ra hay tự phát triển mà thành. Một khi đã nắm được bản chất nền tảng của các khuôn mẫu thì thông qua nhận thức không ngừng, khuôn mẫu sẽ bị phá hủy trong chính chúng ta. Thông qua một khuôn mẫu chật hẹp, bạn không thể truyền dẫn dòng chảy vô hạn của cuộc đời. Và vì cứ không ngừng nỗ lực làm điều đó, chúng ta bị xiềng xích trong sự mâu thuẫn và đau khổ, không bao giờ tự do, không bao giờ cởi mở, không bao giờ nhạy bén với thực tại.
L. hỏi thêm: “Nếu người ta nghĩ theo cách này thì không có chuyện cô đơn như vậy được. Tôi đã rất bối rối, thế nên tôi đã tham vấn một chuyên gia tâm lý để thảo luận rốt ráo mọi chuyện. Ông có nghĩ vậy là khôn ngoan không?”.
Thay vì cho phép mọi mối quan hệ hoạt động như một cái gương cho tiến trình tự tỏ lộ – điều duy nhất có thể xua tan sự rối loạn – thì chúng ta lại chọn một cái gương cụ thể mà chúng ta hy vọng nó sẽ hóa giải tình trạng rối loạn của mình. Vậy thì, có phải bất cứ thẩm quyền cụ thể nào cũng có thể mang lại sự tỏ tường, hay chính chúng ta phải tìm kiếm nó? Một chuyên gia hay một công thức có thể mang lại một kết quả, nhưng nó không phải là sự tự biết mình. Chỉ có tự biết mình mới mang lại sự sáng tỏ và xua tan tình trạng rối loạn. Ta thu thập sự tự biết mình thông qua mọi mối quan hệ, với người khiêm tốn nhất hay người có học nhất, nhưng khi nhìn theo chuyên gia để học hỏi, chúng ta sẽ chặn đứng sự phong phú vô tận của cuộc đời. Lúc đó, chúng ta không học hỏi, lúc đó chúng ta không cởi mở, nhạy bén với sự phong phú của thực tại.
Cô trả lời: “Đúng vậy, tôi hiểu ý của ông. Chúng ta đều có xu hướng coi trọng thẩm quyền, và do đó, chúng ta không cho bản thân được trải nghiệm. Người ta nên hoan nghênh sự trải nghiệm và cố gắng hiểu nó”.
Bạn sẽ không thể hiểu được trải nghiệm nếu không hiểu người trải nghiệm. Người trải nghiệm không được tách rời trải nghiệm: Cả hai là một hiện tượng chung. Khi hiểu người trải nghiệm, toàn bộ hiện tượng đó sẽ được thấu hiểu.
“Còn một khó khăn khác dường như đang nổi lên – sự khách quan hóa. Chẳng phải có một hiểm họa khách quan hóa, ngoại biện [tìm nguyên nhân bên ngoài] đến mức khiến người ta đánh mất toàn bộ sự nhạy cảm, khiến họ trở nên khô héo bên trong hay sao?”
Nếu ta khách quan hóa, hãy xem xét các phản ứng nội tâm của mình để hiểu được chúng, khi đó chúng ta sẽ không trở nên vô cảm; ngược lại, sẽ có sự hòa nhập lớn hơn và sự giản dị, nhạy bén với thực tại cũng vậy. Nhưng nếu chúng ta khách quan hóa để trốn khỏi đau khổ, hiểu biết, thì sự vô cảm sẽ trườn theo sau. Chúng ta sẽ tự khép kín và tiếp theo là khô héo. Khách quan hóa mà vẫn có nhận thức một cách chủ quan, một nhận thức nội tâm, thật không dễ dàng gì. Tiến trình này cũng là một dạng thiền định.
Cô giải thích: “Tôi vẫn đang thử nghiệm loại thiền định mà ông chủ trương, suy nghĩ kỹ càng, xem xét thấu đáo từng suy nghĩ-cảm xúc. Dường như nó mang lại sự tự do và hiểu biết nhiều hơn. Trong nhiều năm qua, tôi đã thử các kiểu thiền định, tụng niệm khác nhau, nhưng kiểu này lại giúp tỏ lộ và soi sáng nhiều điều. Người ta sẽ chạm tới những tầng sâu hơn của tư duy và cảm xúc”.
Chúng ta đều biết tình thương là dành cho một đối tượng hoặc hướng tới một đối tượng, trong đó có sự phụ thuộc, chiếm hữu, sợ hãi,… Chẳng phải có những tình thương tự nó toàn vẹn hay sao? Nó có hiện thể tự thân. Nó không hề bị trói buộc.