K
. nói anh muốn thảo luận về những khía cạnh nhất định của tính nhị nguyên. “Không có tính nhị nguyên thì không có sự tồn tại. Trong tính nhị nguyên là sự sống. Cuộc tranh đấu không ngừng của những trạng thái đối lập chính là bản chất của sự sống – mối quan hệ về chính trị, xã hội và cá nhân. Sự sáng tạo nằm trong chính cuộc tranh đấu này, chứ không nằm ngoài nó. Chính đề và phản đề sẽ tồn tại mãi mãi, và từ sự mâu thuẫn của chúng, một kết quả sẽ được sinh ra, kết quả này cũng sẽ có phản đề của riêng nó. Nhờ vậy mới có sự tiến bộ không ngừng. Chế độ phong kiến sản sinh ra chủ nghĩa tư bản, và chủ nghĩa tư bản sinh ra chủ nghĩa cộng sản. Không có chuyện đi lùi, bởi vì trong sự mâu thuẫn của tính nhị nguyên, luôn luôn có động thái cách mạng hướng về phía trước”.
Trong những trạng thái đối lập có sự va chạm, tranh đấu, song, liệu có tính sáng tạo trong sự mâu thuẫn ấy hay không? Sáng tạo có phải là kết quả của tính nhị nguyên không, hay nó là thứ gì đó nằm ngoài mọi sự mâu thuẫn? Sự mâu thuẫn tồn tại trong tất cả các mối quan hệ và có phải kết cục của mâu thuẫn là sự chấm dứt hay bắt đầu một tồn tại khác, một trạng thái hiện thể khác? Khi hiểu về mâu thuẫn, chúng ta sẽ nhận thức thấu đáo ý nghĩa của tính nhị nguyên; trong mối tương quan với mâu thuẫn, tính nhị nguyên có một ý nghĩa. Có phải cuộc đời là phải sống trong hành lang bất tận của tính nhị nguyên? Trong tính nhị nguyên, liệu có một động thái hướng về phía trước không? Trong những ràng buộc của trạng thái nhị nguyên, có thể có những cuộc cách mạng sâu sắc không? Bỏ lý thuyết qua một bên, chúng ta hãy thảo luận về nó một cách trực tiếp hơn. Trong khoảng thời gian mâu thuẫn thật sự, chúng ta có nhận thức được sự sáng tạo không? Khi những ồn ào của cuộc tranh đấu chấm dứt, khi chúng ta không còn bị giằng xé giữa những trạng thái đối lập, khi chúng ta bình an với chính mình, khi bản ngã trống rỗng, thì sẽ xuất hiện sự sáng tạo. Với đa số chúng ta, mâu thuẫn đã chiếm chỗ của sự sáng tạo, và vì vậy, mâu thuẫn trở thành biểu hiện cần thiết của cuộc đời.
Anh xác quyết: “Có tồn tại là có mâu thuẫn”.
Sự tồn tại là đau khổ và chẳng phải chúng ta nên vượt qua nó hay sao? Nếu cuộc đời là sự mâu thuẫn bất tận của tính nhị nguyên, thì đau khổ sẽ không thể chấm dứt, sẽ không có động thái cách mạng hướng về phía trước nào cả, mà chỉ có những dạng thức khổ đau khác mà thôi. Vì vậy, sự cải cách trong tính nhị nguyên trở thành sự thoái hóa và cách mạng sáng tạo chỉ có thể ở bên ngoài tính nhị nguyên. Xã hội là sự biểu hiện của chính chúng ta, nếu suy nghĩ-cảm xúc của chúng ta bị giam cầm trong chính đề và phản đề, thì sẽ có sự chia rẽ và rối loạn trong mọi mối quan hệ.
“Liệu suy nghĩ có thể vượt qua suy nghĩ được không? Nếu không thể trải nghiệm nó thì nó không có thật. Lúc đó, nó trở thành một điều bất khả tri, vốn chỉ đơn thuần là sự mê tín.”
Nếu không có sự trải nghiệm không đi kèm ảo giác, thì sự tồn tại là vô nghĩa. Tư duy chỉ có thể tự giải thoát chính nó khỏi tính nhị nguyên bằng cách hiểu được kẻ gây nên chia rẽ – chủ thể trở thành và việc trở thành. Điều đó sẽ khả dĩ khi người suy nghĩ và suy nghĩ của người đó được trải nghiệm như một. Giống như bạn không thể tách rời sức nóng khỏi ngọn lửa, người suy nghĩ cũng không thể tách rời khỏi suy nghĩ của họ. Chúng ta đã gây ra sự chia cắt này và chỉ thông qua sự nhận thức nhờ thiền định mới có thể xuất hiện trải nghiệm hòa nhập – nhận thức về mỗi suy nghĩ-cảm xúc, nhận thức về quan hệ nhân quả của nó và quá trình nhị nguyên của nó, thì mới trải nghiệm người suy nghĩ và suy nghĩ của họ như một. Điều này mang lại cuộc cách mạng sáng tạo nội tại đích thực. Bởi vì không có sự gắn bó, nên tính linh hoạt vô hạn là điều khả dĩ.