J
. giải thích rằng anh muốn được hòa nhập nhiều hơn; anh không thể tập trung một cách dễ dàng, ngay cả với những thứ anh quan tâm. Anh đang đi chệch hướng khỏi nề nếp thông thường và với anh tập trung là việc cực kỳ khó. Anh cho biết mình đã cố gắng làm nhiều thứ khác nhau, nhưng chúng đều vuột khỏi tay anh. Anh có thể làm việc với những người đơn giản và thẳng thắn, nhưng lại thấy khó tiếp xúc với những người được gọi là trí thức, những con người nặng về sách vở. Và số người này, với những sự vận động ngầm và thói tự phụ của họ, đang ngày càng đông, nên anh thấy mình càng phải tập trung và hòa nhập nhiều hơn. Có người bảo anh tham gia vào một nhóm thảo luận và thực tập thiền định. Anh đã tới đó và được chỉ dẫn thiền định về tình thương; tất cả đều ngớ ngẩn tới mức anh đã không trở lại nơi ấy lần nào nữa. Chuyện anh nên được hòa nhập càng trở nên cấp bách. Anh nói rằng anh đã dành vô số thời gian để thảo luận về những vấn đề này với một số nhà tâm lý học. Anh đã không thể hoàn thành công việc một cách hiệu quả. Anh muốn làm điều gì đó thật khác biệt so với công việc anh đang làm hiện tại, vốn chỉ là một phương tiện kiếm sống thông thường.
Tôi tự hỏi, liệu bạn có thật sự muốn được hòa nhập không?
“Dĩ nhiên tôi muốn chứ.”
Bạn nói rằng trong các hoạt động nhất định, với những người nhất định và khi tập trung vào một số suy nghĩ, bạn thấy có thể hòa nhập, nhưng không phải trường hợp nào cũng được như vậy. Tại sao? Tức là phải tồn tại sự kháng cự hòa nhập. Bạn nghĩ nó là gì?
“Tôi nghĩ có một kiểu kháng cự nào đó, nhưng tôi không xác định được.”
Có phải nỗi sợ hãi, với sự miễn cưỡng của nó đã ngăn cản sự hòa nhập không? Có phải nếu hòa nhập hoàn toàn, bạn có thể buộc phải thay đổi lối sống hiện tại của mình và điều đó gây ra nỗi lo sợ, miễn cưỡng hoặc kháng cự lại sự tập trung một cách sâu sắc?
“Tôi nghĩ ít nhiều đúng là vậy, nhưng đúng ra là tôi luôn cảm thấy khá bất định về chính mình, cảm thấy mình không có khả năng và đó là lý do tại sao tôi cứ nhảy từ kiểu công việc này tới kiểu công việc khác, và bạn bè đều thất vọng về tôi. Bây giờ, tôi đang làm một việc nhằm khẳng định mình, nhưng tôi muốn làm công việc nào mang tính sáng tạo nhiều hơn.”
Tại sao bạn muốn được hòa nhập? Để phù hợp hơn với cái xã hội tàn bạo này sao? Để thành công trong máu và tiền bạc, phải không?
“Tôi không muốn thành công theo ý nghĩa đó, vì tôi khiếp sợ nó. Nhưng nếu không hòa nhập, tôi e rằng tôi có thể trốn vào một ảo tưởng kinh khủng nào đó. Tôi không muốn lẩn trốn, nên tôi phải hòa nhập.”
Tại sao bạn không nên lẩn trốn?
“Tôi không muốn xây dựng quanh mình một tòa tháp ngà, vốn sẽ là sự hủy hoại hoàn toàn.”
Bạn muốn có thành tựu gì đó nên bạn không muốn trốn tránh. Bạn muốn hòa nhập nhằm đạt được một kết quả nào đó, phải vậy không?
“Phải, tôi nghĩ là vậy.”
Bạn muốn thành công, nhưng là trên một cấp độ khác, tao nhã hơn, tinh tế hơn. Thành công ở bất cứ cấp độ nào cũng đều đòi hỏi sự đổ máu và tiền bạc, hay máu và sức mạnh. Điều đó thật sự có nghĩa là sự mở rộng thêm tính nhỏ nhen của bản ngã.
“Trời ơi, tôi hiểu điều đó chứ, nhưng tôi muốn được tập trung và thực tế, không xao lãng, không phí hoài.”
Một lần nữa, tại sao bạn cứ nóng lòng hòa nhập vậy? Chắc chắn rằng sự hòa nhập là điều gì đó lớn hơn nhiều và sâu sắc hơn nhiều so với những thứ nông cạn mà chúng ta vẫn nghĩ về nó. Chúng ta nghĩ về nó dưới dạng mối quan hệ xã hội hoặc sự thành công – vốn là máu và quyền lực – hoặc sự viên mãn. Hòa nhập để có thể điều chỉnh bản thân một cách nhanh chóng trong các mối quan hệ thì chẳng có ý nghĩa gì. Thành công là sự khốn khổ đối với người khác và với chính ta, mặc dù nó có thể tạo ra sự hài lòng nhất thời. Để được viên mãn, người ta có thể phải hoàn toàn cô độc mà không có bất cứ sự công nhận nào, không có bất cứ sự trợ giúp nào, ở nơi ít người lui tới. Bởi vì hòa nhập là thứ gì đó có ý nghĩa và tính thực tế lớn lao, bạn muốn được hòa nhập, vậy bạn sẵn lòng nhượng bộ trước những đòi hỏi của nó đến mức nào? Bạn có thể phải từ bỏ hoàn toàn cách sống hiện nay với những sự kiêu căng, thú vui, sự thiển cận của nó. Do sự hòa nhập có vô số hàm ý, nên tiếp cận nó thế nào tùy thuộc vào bạn. Việc tiếp cận sự hòa nhập quan trọng hơn rất nhiều so với chính sự hòa nhập. Nếu bạn tiếp cận nó một cách hời hợt, với hy vọng về một mối quan hệ thoải mái hoặc về việc đạt được thành công,… thì sự hòa nhập của bạn sẽ tùy thuộc vào nhu cầu và sự nhận thức của bạn. Trong bản thân sự khao khát đã có sẵn câu trả lời cho khao khát. Vì vậy, vấn đề chính là bạn tiếp cận sự hòa nhập hời hợt hay sâu sắc thế nào. Và tùy thuộc bạn tiếp cận nó chân thành ra sao, bạn sẽ có câu trả lời của mình. Cách tiếp cận quan trọng hơn rất nhiều so với bản thân mục đích. Trong phương tiện có cứu cánh. Người ta phải hoàn toàn nhạy cảm và cởi mở để được hòa nhập.