J
. nói rằng anh muốn thảo luận về những giấc mơ của mình. Anh mơ rất nhiều; một số giấc mơ rất ngớ ngẩn, một số lại thú vị và có ý nghĩa; một số rất rối loạn, một số khác lại rõ ràng và tạo cảm giác bình an. Anh là một người trẻ trung, giàu sức tưởng tượng và nhạy cảm. Anh cho biết mình đã học đại học, nhưng hầu như không thỏa mãn, bởi vì anh không hài lòng với guồng quay của đời sống một sinh viên. Hiện tại, anh đang làm công việc lặt vặt và hy vọng có thể viết lách, mặc dù hiện giờ nó không hẳn là một ngọn lửa bùng cháy. Anh kể tiếp rằng các hoạt động bên ngoài không làm giảm bớt những giấc mơ của anh, mặc dù chúng có góp phần làm lu mờ tính rõ ràng của những giấc mơ. J. yêu cầu: “Ông vui lòng nói về việc này được không?”.
Cuộc sống là sự tìm hiểu về ý thức. Sống mà không tự biết mình là đau khổ. Đa phần chúng ta là quen thuộc, một cách bối rối, với tầng bên ngoài của ý thức. Còn với những tầng sâu hơn, chúng ta hoặc không biết, hoặc cố tình giả điếc với những gợi ý hay diễn giải sai các gợi ý của chúng. Trong lớp vỏ ý thức này, chúng ta sống và làm việc, mơ mộng, công thức hóa, hưởng thụ, đau khổ. Ý thức này, với nhiều tầng của nó, cái trước mắt và cái sâu xa, là kết quả của sự giáo dục, của sự khuôn định, là kết quả của quá khứ. Trong sự khuôn định được giáo dục này, một số nhận ra những tầng bên ngoài của nó và một số khác thì nhận ra những độ sâu của nó. Với một số người, có một dòng chảy liên tục các mối quan hệ được duy trì giữa nhiều tầng ý thức thông qua sự nhận thức không ngừng nghỉ.
J. hỏi: “Có phải ý ông là có cái gì đó, một trạng thái khác nào đó vượt xa lớp vỏ do giáo dục của ý thức chúng ta, như cách ông gọi nó?”.
Nó phải được trải nghiệm và không thể phát biểu thành lời. Trong lớp vỏ do giáo dục này có đợt sóng thời gian, quá khứ, hiện tại và tương lai, có người ngủ mơ và giấc mơ của họ, có quá trình nhị nguyên cùng với những xung đột giữa việc chấp nhận và phủ nhận của nó. Trong lớp vỏ đó, người ngủ mơ bao giờ cũng đang khuôn định, bởi vì người ngủ mơ chính là lớp vỏ đó. Anh ta cứ luôn điều chỉnh, vận dụng trong lớp vỏ được tạo ra từ giáo dục này. Các giấc mơ có ý nghĩa của anh ta là những gợi ý về sự cần thiết phải điều chỉnh trong mối quan hệ, trong việc làm sáng tỏ một vấn đề, hoặc trong việc đẩy mạnh sự hình thành tư tưởng.
Anh nói: “Tôi có thể hiểu điều đó, nhưng làm sao người ta có thể phá vỡ lớp vỏ do giáo dục này chứ?”.
Chúng ta hãy tìm hiểu xem tại sao bạn đặt ra câu hỏi đó. Mạn phép hỏi, chẳng phải bạn đang hăm hở và tham lam trải nghiệm những gì vượt xa lớp vỏ đó sao? Qua những gì vừa trình bày, bạn đang chấp nhận một trạng thái mà bạn không nhận thức được, nên chính sự chấp nhận này cũng là sự khước từ. Nhưng nếu có nhận thức về lớp vỏ khuôn định và tiến trình của nó thì có khả năng phá vỡ nó.
“Ông muốn nói rằng người ta nên phân tích sự khuôn định của mình và nhờ đó phá hủy nó phải không?”
Bạn không phá hủy nó bằng cách phân tích mà phải bằng sự nhận thức, bởi vì trong sự phân tích luôn luôn có người quan sát và đối tượng bị quan sát, người ngủ mơ và giấc mơ. Vậy là hiện tượng nhị nguyên cứ tiếp diễn, điều này ngăn cản việc phá vỡ lớp vỏ do giáo dục.
“Vậy ông muốn nói gì khi nói ‘nhận thức’?”
Nhận thức là hiểu biết mà không đồng nhất hóa. Khi tư tưởng chấp nhận hay từ chối, so sánh hay phán xét, thì tiến trình phân tích bắt đầu – người suy nghĩ quan sát suy nghĩ của họ. Khi phân tích, người suy nghĩ và suy nghĩ của họ tách biệt. Còn nhận thức thì thinh lặng và không chọn lựa, mà trong đó, sự so sánh và phán xét đều ngừng lại. Mặc dù chúng ta tách rời suy nghĩ khỏi người suy nghĩ, nhưng thông qua nhận thức không ngừng, người suy nghĩ và suy nghĩ của họ lại hợp nhất, được trải nghiệm như một. Giống như bạn không thể tách rời sức nóng khỏi ngọn lửa, người suy nghĩ và tư tưởng của họ cũng không thể tách rời. Nhận thức là hiểu biết về quan hệ nhân - quả và về quá trình nhị nguyên. Khi có nhận thức không chọn lựa về hai tiến trình này, người suy nghĩ và suy nghĩ của họ sẽ được trải nghiệm như một. Trong sự trải nghiệm này, lớp vỏ được giáo dục của khuôn định sẽ bị phá hủy. Vì vậy, nhờ nhận thức không ngừng về mỗi suy nghĩ-cảm xúc-hành động, sự hợp nhất tất cả các tầng của ý thức sẽ diễn ra. Sự hiểu biết được hợp nhất này sẽ làm tiêu tan lớp vỏ đó. Trong quá trình hợp nhất hay nhận thức từ thiền định này, các giấc mơ có một ý nghĩa hoàn toàn khác. Sự nhận thức trong thời gian thức giấc như vậy khiến các giấc mơ trở nên không cần thiết, và khi sự nhận thức này trở nên rõ ràng và thuần khiết, một trạng thái hiện hữu sẽ xuất hiện, là hạnh phúc và trí tuệ tối cao. Trạng thái ấy vượt xa mọi ý nghĩa có thể phát biểu thành lời.
“Trong tất cả những điều này, ký ức có ý nghĩa gì không?”
Với đa số chúng ta, ký ức là một sinh thể. Chúng ta nuôi dưỡng nó và ấp ủ nó. Bằng suy nghĩ-cảm xúc và hành động, chúng ta đan dệt qua ký ức bằng cuộn chỉ của sự đồng nhất hóa. Chính ký ức này là lớp vỏ được giáo dục của sự khuôn định.
“Nhưng chắc hẳn ông không có ý là chúng ta phải tống khứ ký ức chứ?”
Ký ức phải như một lớp vỏ không có sinh thể nào trong nó, tức là kẻ đồng nhất hóa.
Anh kêu lên: “Nhưng điều đó thật bất khả”.
Bạn đang khẳng định mà không hề thí nghiệm và thể nghiệm. Chúng ta đang suy nghĩ trong lớp vỏ được giáo dục, trong cái được tạo ra. Chỉ khi lớp vỏ của sự khuôn định này bị phá vỡ, cái không được tạo ra mới xuất hiện.
“Điều ông vừa nói dường như đã mở ra những triển vọng lớn lao, tôi phải suy nghĩ nhiều hơn về nó.”