Q
uen với việc nhận thức mình qua cơ thể vật chất, chúng ta không thể hiểu nổi tại sao mỗi hành động lại tác động mạnh mẽ đến mình như thế. Giờ đây, khi thấu suốt ta là một tâm hồn, ta biết mỗi một hành động dù nhỏ cũng đều để lại những dấu vết đi theo cuộc đời ta mãi mãi.
Cho đến nay, nhân loại vẫn hoang mang khi phân định mọi lẽ đúng sai. Suốt quá trình lịch sử, mọi định nghĩa của chúng ta về đúng, sai đều thay đổi. Mỗi một nền văn hóa và tôn giáo khác nhau có những định nghĩa và phân loại khác nhau. Thậm chí ngay trong một tôn giáo, từng thế hệ tín đồ vẫn có những quan niệm riêng của họ về lẽ phải và tội lỗi. Không nói đến những tình huống bên ngoài, chỉ cần nhìn vào bản thân mình, đôi khi ta thấy hiểu biết của mình cũng thay đổi rất nhiều. Thời thơ ấu, chúng ta chỉ hiểu ở một cấp độ nào đó; đến tuổi thiếu niên, sự hiểu biết ấy đã thay đổi đi; và ở tuổi trưởng thành, nó lại biến đổi một lần nữa.
Chịu ảnh hưởng bởi bầu không khí và lời nói của con người, trí tuệ chúng ta tự nó loay hoay phán xét. Như thế, liệu chúng ta có đạt tới được sự hiểu biết toàn vẹn về đời sống, thấu suốt mọi đúng sai không? Chúng ta bị giới hạn trong vỏ bọc vật chất, trong tôn giáo khi chúng ta sinh ra, trong giới tính, tuổi tác và văn hóa với muôn vàn ý tưởng, suy nghĩ và nhận xét... Khi duy trì ý thức về con người đích thực của mình, một tâm hồn bình an, ta có thể hiểu chính xác cái gì đúng, cái gì sai. Đơn giản chỉ vì tâm hồn đã trải nghiệm bình an, hạnh phúc và yêu thương trong ý thức của nó. Vì thế, hành động dựa trên những phẩm chất bên trong này sẽ mang lại hạnh phúc, lợi ích và những kết quả tốt đẹp. Với ý thức cơ thể, chúng ta không tìm được một ý thức hậu thuẫn trong sáng nào đằng sau mỗi hành động. Chúng ta làm điều gì đó vì động cơ ích kỷ như tham lam, ngạo mạn và sở hữu... - những hành động chỉ dẫn tới buồn phiền và bất an. Vậy nên, sự tác động của ý thức đối với hành động rất quan trọng.
Luật Karma - Nghiệp của hành động và ứng xử thuộc về thế giới tinh thần và chi phối triệt để đời sống con người. Mỗi một hành động đều có một phản ứng ngược lại tương đương. Ngược lại ở đây được hiểu là "theo chiều ngược lại". Chúng ta đối xử với người khác ra sao, chúng ta sẽ nhận lại như thế. Điều đó có nghĩa là, nếu ta cho đi hạnh phúc, ta sẽ nhận lại hạnh phúc; nếu mang đến muộn phiền, ta chỉ nhận về muộn phiền. Quy luật ấy thật đơn giản. Hiểu biết sâu sắc về Nghiệp giúp chúng ta nhìn thấy ý nghĩa bên trong của đời sống riêng mình và toàn thể thế giới.
Kiến thức về Karma chỉ cho ta nhận biết khi một hệ quả xuất hiện, tức là trước đó chắc chắn đã có một nguyên nhân. Karma (nghiệp - hành động) là nhân và tạo thành quả nghiệp. Trước một kết quả của nghiệp, chúng ta có xu hướng quên rằng chính mình phải chịu trách nhiệm cho nghiệp quả mình tạo ra. Nếu quả ấy nhiều cay đắng hơn là ngọt ngào, ta thường chỉ vào kẻ khác và đòi họ phải chịu trách nhiệm cho những nỗi khổ đau mà ta phải chịu đựng. Giờ đây, chúng ta phải cố hiểu rằng đau khổ là do ta gây nên. Tri thức về Nhân Quả cho thấy ta phải gánh lấy mọi trách nhiệm trước những hoàn cảnh sống, trạng thái tâm trí và toàn bộ cuộc đời mình.
Đôi khi người ta chỉ hiểu được một nửa ý nghĩa của Luật Nhân Quả và xem đó là định mệnh. Trong nỗi tuyệt vọng, người ta nghĩ: "Mọi điều xảy ra cho tôi trong hiện tại đều do hành động của tôi trong quá khứ. Vì thế, tôi không thể làm gì được. Số của tôi là vậy". Khi hiểu biết về Nghiệp luật và nhận thức về trách nhiệm của mình, chúng ta sẽ trở nên nhẫn nại, biết cách chấp nhận và chịu đựng - những phẩm chất mà trước đây chúng ta bỏ quên. Tuy nhiên, quan trọng hơn, mặt khác của Nghiệp luật dạy chúng ta rằng nếu hành động trong sáng và có ích, ta sẽ tạo ra một tương lai tốt đẹp cho đời mình. Với tri thức về Nghiệp luật, ta không còn nô lệ định mệnh mà sáng tạo ra định mệnh; ta truyền cảm hứng cho bạn bè và người thân, để họ có thể sáng tạo ra một định mệnh an lành cho chính họ.
Những sai lầm trong quá khứ biến chúng ta thành kẻ mang nghiệp nợ nần. Ngày trước chúng ta gây đau khổ, giờ đây ta phải trả món nợ đó bằng cách mang đến niềm vui cho mọi người. Chúng ta đã xây nên mối nợ nghiệp từ bao nhiêu đời trước. Tuy nhiên, trong khi ta cố gắng thay đổi tình thế thì mọi người lại chưa thể thay đổi cái nhìn về ta. Trước tình hình ấy, nếu vẫn kiên tâm và tiếp tục tạo dựng thiện chí, hành động trong sáng với các tâm hồn khác thì dần dần ta cũng trả được món nợ nghiệp mà ta đã mắc phải khi đối xử với những người xung quanh. Cuối cùng, chúng ta có thể giải thoát khỏi những ràng buộc của nghiệp.
Năng lượng để duy trì nỗ lực "đốt bỏ" những gánh nặng nghiệp cũ trong quá khứ có được từ thiền định. Hiểu đầy đủ bản chất thật của mình, bạn có thể hiểu bản chất thật của mỗi người. Bạn có thể nhìn xuyên qua chiếc mặt nạ đầy lầm lạc để thấu suốt tới phần tâm hồn; và bạn sẽ không phản ứng tiêu cực với những lỗi lầm của người khác, sẽ không còn tạo nghiệp xấu thêm nữa.
Bằng ý thức tâm hồn, chúng ta trao đi tình yêu thương và trân trọng, và sẽ được nhận lại những món quà ấy. Hành động thể hiện trong ý thức tâm hồn chính là hành động mang đến sự an vui cho chúng ta, và vì thế, nó cũng mang đến an vui cho người khác. Nghiệp - Karma cũng nảy sinh từ những suy nghĩ trong tâm trí chúng ta, vì suy nghĩ là hạt giống của hành động. Nghĩ như thế nào thì hành động thế ấy. Suy nghĩ, cũng giống như hành động, tạo ra những làn sóng ảnh hưởng đến bầu không khí xung quanh và tác động của làn sóng ấy sẽ nhanh chóng quay trở về với người đã tạo ra nó. Những ý nghĩ trong sáng, bình an, hạnh phúc là báu vật quý giá nhất của cuộc đời. Đi đâu bạn cũng nuôi dưỡng những ý nghĩ ấy, bạn sẽ tạo ra một không khí an lành và hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Nghĩ đến hậu quả khi hành động buộc chúng ta phải cẩn trọng trong mọi hành động. Không điều chỉnh được hành động nghĩa là dấu hiệu nhận biết ta không kiểm soát được tâm trí. Nội dung này liên quan đến bài học cuối cùng: hãy từ tốn, bạn sẽ có thêm thời gian để hành động một cách kỹ lưỡng. Nếu làm tốt, ta không gây hậu quả gì cho tương lai của mình. Làm việc hấp tấp bao giờ cũng để lại sai lầm, để rồi ngày nào đó, ta sẽ phải sửa chữa chúng. Và ta phải làm nhiều việc hơn nữa. Một việc tốt làm tâm trí ta bình an. Một sai lầm nhỏ cũng níu kéo ta nhớ lại nó hết lần này đến lần khác. Hãy toàn tâm toàn ý cho công việc trong hiện tại. Điều ấy sẽ giúp bạn làm chủ được cả tinh thần lẫn thể chất. Hãy làm mọi việc bằng ý thức tâm hồn, cho dù phải làm việc nhiều bao nhiêu, bạn vẫn sống thanh thản và bình an.
Thực hành thiền định
Hãy chia thời gian thiền định của bạn thành ba phần.
Chọn ba chủ đề thiền hoặc ba phẩm chất tích cực có liên quan với nhau như: tĩnh tại - tĩnh lặng - mạnh mẽ, và thanh thản - bình an - mãn nguyện.
Với mỗi chủ đề, hãy tạo ra những ý nghĩ dẫn dắt bạn trải nghiệm chúng. Hãy cố gắng trải nghiệm sâu sắc từng ý nghĩ trước khi chuyển sang ý khác theo trình tự bạn đã sắp đặt. Bằng cách này, bạn sẽ nhẹ nhàng đưa mình vào những trải nghiệm thiền định sâu thẳm, tận hưởng những cảm giác tốt đẹp khác nhau mà từng ý nghĩ để lại trong bạn.