Thiền vượt khỏi Đức Phật và vượt khỏi Lão Tử. Nó là cực điểm, sự siêu việt của cả tinh thần Ấn Độ lẫn tinh thần Trung Hoa. Tinh thần Ấn Độ đạt tới đỉnh cao nhất ở Đức Phật và tinh thần Trung Hoa đạt tới đỉnh cao nhất ở Lão Tử. Cuộc gặp gỡ giữa tinh túy giáo huấn của Đức Phật với tinh túy giáo huấn của Lão Tử hợp nhất thành một dòng chảy sâu sắc tới mức giờ đây không thể tách rời. Thậm chí việc phân biệt xem cái gì thuộc về Đức Phật và cái gì thuộc về Lão Tử cũng là bất khả thi, sự hợp nhất đã quá trọn vẹn. Nó không chỉ là sự tổng hợp, nó là sự tích hợp. Từ cuộc gặp gỡ này Thiền ra đời. Thiền vừa không phải Phật vừa không phải Đạo mà lại là cả hai.
Tăng Xán là Tổ thứ ba của Thiền. Không có nhiều điều được biết về ông, và đây là tất yếu bởi vì lịch sử chỉ ghi lại bạo lực. Lịch sử không ghi lại sự im lặng – nó không thể. Tất cả ghi chép là về sự xáo trộn. Khi ai đó trở nên thực sự im lặng, anh ta biến mất khỏi mọi ghi chép; anh ta không còn là một phần sự điên khùng của chúng ta. Cho nên nó phải thế.
Tăng Xán là một du tăng trong suốt cuộc đời. Ông không bao giờ ở yên nơi đâu; ông luôn luôn đi qua, ghé đến, di chuyển. Ông là một dòng sông, ông không phải một cái ao bất động. Ông là sự vận động không ngừng. Đó là ý nghĩa của việc Đức Phật gọi các nhà sư của mình là bhikkhu, “kẻ lang thang”: Không chỉ ở thế giới bên ngoài, mà cả thế giới bên trong họ cũng nên vô gia cư, bởi vì mỗi khi bạn làm ra ngôi nhà, bạn sẽ bị trói buộc vào nó. Họ không được bắt rễ, không được có ngôi nhà nào khác ngoài toàn thể vũ trụ này.
Ngay cả khi người ta thừa nhận rằng Tăng Xán đã chứng ngộ, ông vẫn tiếp tục con đường ăn mày của mình như cũ. Không có gì đặc biệt về ông. Ông là một người bình thường, một người của Đạo.
Tôi muốn nhắc bạn một điều: Thiền là đứa con lai. Và giống như việc những bông hoa lai thường đẹp hơn, điều đó cũng đã xảy ra với Thiền.
Thiền là đứa con lai giữa tư tưởng của Đức Phật và tư tưởng của Lão Tử. Nó là một cuộc gặp gỡ vĩ đại, cuộc gặp gỡ vĩ đại nhất từng xảy ra. Đó là lí do tại sao Thiền còn đẹp đẽ hơn cả tư tưởng Đức Phật và tư tưởng Lão Tử. Nó là sự nở hoa hiếm có của những đỉnh cao nhất và là cuộc gặp gỡ của những đỉnh cao nhất đó. Thiền không phải Phật hay Đạo nhưng nó mang cả hai bên trong mình.
Ấn Độ hơi quá nghiêm túc về tôn giáo – có một quá khứ lâu dài, một sức nặng lớn đè lên tâm trí Ấn Độ, và tôn giáo đã trở nên nghiêm túc. Lão Tử luôn là một người tiếu lâm – ông nổi tiếng là một anh hề già. Ông không nghiêm túc chút nào, bạn không thể tìm đâu ra một người thiếu nghiêm túc hơn. Khi tư tưởng Đức Phật và tư tưởng Lão Tử gặp nhau, Ấn Độ và Trung Hoa gặp nhau, Thiền ra đời. Tăng Xán ở gần nguồn cội nguyên sơ khi Thiền bước ra khỏi bụng mẹ. Ông mang theo những nguyên tắc cơ bản.
Tiểu sử của ông hoàn toàn không liên quan, bởi vì mỗi khi một người chứng ngộ thì người đó không có tiểu sử.
Người đó không còn bị giới hạn trong hình thức của mình, cho nên khi nào người đó sinh ra và khi nào người đó chết đi là những sự kiện không liên quan gì.
Đó là lí do tại sao ở phương Đông chúng ta chẳng bao giờ bận tâm đến tiểu sử, đến sự kiện lịch sử. Nỗi ám ảnh đó chưa bao giờ tồn tại ở phương Đông. Nỗi ám ảnh đó chỉ gần đây mới đến từ phương Tây, bởi giờ đây con người đã trở nên quan tâm nhiều hơn đến những thứ không liên quan.
Khi một Tăng Xán sinh ra thì năm này hay năm kia có khác biệt gì không? Khi nào ông chết thì có gì quan trọng? Tăng Xán mới quan trọng, chứ không phải việc ông bước vào thế giới hay thân thể cũng như không phải việc ra đi của ông. Đến và đi là không liên quan. Điều liên quan duy nhất là bản thể của ông.
Trong suốt cuộc đời, Tăng Xán chỉ thốt ra vài lời. Nhớ rằng, chúng không chỉ là lời, bởi vì chúng bước ra từ một tâm trí đã vượt khỏi ngôn từ. Chúng không phải những suy xét, chúng là những kinh nghiệm xác thực. Cái gì ông nói thì ông đều biết. Ông không phải con người của tri thức, ông là một người thông thái. Ông đã thâm nhập vào điều huyền bí và bất cứ cái gì ông đem ra cũng có ý nghĩa. Nó có thể chuyển hóa bạn hoàn toàn. Nếu bạn lắng nghe ông thì chính việc lắng nghe có thể trở thành sự chuyển hóa, bởi bất cứ điều gì ông nói cũng là vàng nguyên chất.
Khi Tăng Xán phát biểu, ông phát biểu trên một bình diện khác. Ông không quan tâm đến phát biểu; ông không quan tâm đến việc gây ảnh hưởng lên ai; ông không cố gắng làm bạn tin theo học thuyết, triết lí hay chủ nghĩa nào đó. Không, khi ông phát biểu, sự im lặng của ông nở hoa. Khi ông phát biểu, ông đang nói điều mà ông đã biết và muốn chia sẻ với bạn. Không phải để thuyết phục bạn, hãy nhớ đấy – chỉ là chia sẻ với bạn. Nếu bạn có thể thấu hiểu một lời của ông, bạn sẽ cảm thấy một sự im lặng lớn lao đang được giải phóng bên trong bạn.
Chúng ta sẽ bàn về Tăng Xán và lời của ông. Nếu bạn lắng nghe chăm chú, đột nhiên bạn sẽ cảm thấy một sự giải phóng im lặng bên trong mình. Những lời này là nguyên tử, chúng tràn đầy năng lượng. Mỗi khi một người đã đạt tới nói điều gì đó, lời này trở thành hạt giống và trong hàng triệu năm, lời này vẫn sẽ là hạt giống đang tìm kiếm một trái tim.
Khi bạn sẵn sàng, sẵn sàng trở thành đất trồng, thì những lời vô cùng mạnh mẽ này của Tăng Xán – những hạt giống đang sống này – sẽ bước vào trái tim bạn nếu bạn cho phép, và bạn sẽ trở nên hoàn toàn khác thông qua chúng. Đừng nghe chúng bằng tâm trí, bởi vì ý nghĩa của chúng không thuộc về tâm trí, tâm trí hoàn toàn bất lực trong việc thấu hiểu chúng. Chúng không tới từ tâm trí, tâm trí không thể thấu hiểu chúng. Chúng tới từ vô trí. Chỉ trạng thái vô trí mới có thể thấu hiểu chúng.
Cho nên trong lúc lắng nghe, đừng cố gắng diễn dịch. Đừng lắng nghe lời mà hãy lắng nghe đằng sau lời, đừng lắng nghe điều ông ấy nói mà hãy lắng nghe điều ông ấy muốn nói – ý của nó. Hãy để ý đó lơ lửng chung quanh bạn như một hương thơm. Nó sẽ bước vào bạn một cách lặng lẽ, bạn sẽ được gieo hạt. Nhưng đừng diễn dịch. Đừng nói: “Ông ấy muốn nói cái này hay cái kia”, bởi sự diễn dịch đó sẽ là của bạn. Đừng diễn dịch, hãy lắng nghe. Khi bạn diễn dịch bạn không thể nghe, bởi vì ý thức không thể làm đồng thời hai việc đối lập. Nếu bạn bắt đầu suy nghĩ, lắng nghe chấm dứt. Hãy chỉ nghe như bạn nghe nhạc – một phẩm chất khác của lắng nghe trong đó không có nghĩa trong âm thanh.
Đây cũng là âm nhạc. Ông Tăng Xán này là một nhạc sĩ chứ không phải một triết gia. Ông Tăng Xán này không nói ra lời, ông ấy đang nói ra nhiều hơn – không chỉ là lời. Chúng có ý nhưng chúng chẳng có nghĩa gì hết. Chúng giống như tiếng nhạc.
Khi bạn ngồi bên một thác nước, bạn lắng nghe nó nhưng bạn có diễn dịch xem thác nước nói gì không? Nó chẳng nói gì vậy mà nó lại nói. Nó nói nhiều điều không thể được nói.
Bạn làm gì gần một thác nước? Bạn lắng nghe, bạn trở nên tĩnh lặng và yên ả, bạn hấp thụ. Bạn cho phép thác nước đi ngày càng sâu hơn vào bên trong bạn. Thế rồi mọi thứ trở nên yên ả và tĩnh lặng bên trong. Bạn trở thành ngôi đền – cái không biết bước vào thông qua thác nước.
Bạn làm gì khi lắng nghe bài ca của chim chóc, của gió xuyên qua rặng cây, của lá khô trong heo may chao liệng? Bạn làm gì? Bạn chỉ lắng nghe.
Ông Tăng Xán này không phải triết gia, không phải nhà thần học, không phải tu sĩ. Ông ấy không muốn bán ý niệm nào cho bạn, ông ấy không quan tâm đến những ý niệm. Ông ấy ở đó không phải để thuyết phục bạn tin, ông ấy chỉ bừng nở mà thôi – không có nghĩa, nhưng rất nhiều ý. Bạn phải hấp thụ ý đó, chỉ thế bạn mới có thể thấu hiểu.
Cho nên hãy lắng nghe nhưng đừng suy nghĩ. Khi đó nhiều điều sẽ có thể xảy ra bên trong bạn, bởi vì tôi nói bạn nghe: Ông Tăng Xán này, người mà chúng ta chẳng biết gì nhiều về ông ấy, là một người quyền năng, một người đã tới chỗ biết. Khi ông ấy phát biểu, ông ấy đem theo điều gì đó của cái không biết vào thế giới của cái biết. Cùng với ông, sự thiêng liêng, một tia sáng bước vào trong bóng tối của tâm trí bạn.
Trước khi chúng ta bước vào lời của ông, hãy nhớ ý của lời chứ không phải nghĩa; âm nhạc, giai điệu chứ không phải nghĩa; âm thanh từ tâm trí vô thanh của ông, trái tim ông, chứ không phải suy nghĩ của ông. Bạn phải lắng nghe bản thể của ông, lắng nghe thác nước.
Lắng nghe như thế nào? Chỉ im lặng. Đừng mang tâm trí của bạn vào. Đừng bắt đầu nghĩ: “Ông ta đang nói gì vậy?” Chỉ lắng nghe mà không quyết định cách này hay cách khác, không nói liệu ông ấy đúng hay sai, liệu bạn có bị thuyết phục hay không. Ông ấy chẳng bận tâm về việc thuyết phục bạn, bạn cũng chẳng cần phải bận tâm về nó. Hãy đơn giản lắng nghe và lấy làm vui thích. Những người như Tăng Xán là để ta vui thích, họ là những hiện tượng tự nhiên.
Một tảng đá đẹp đẽ – bạn làm gì với nó? Bạn vui thích với nó. Bạn sờ vào nó, bạn đi vòng quanh nó, bạn cảm nhận nó và rêu bám trên nó.
Bạn làm gì với mây bay trên trời? Bạn nhảy múa trên đất, bạn nhìn ngắm chúng, hoặc bạn chỉ giữ yên lặng, nằm xuống mặt đất và ngắm mây trôi.
Và chúng lấp đầy bạn. Không chỉ bầu trời bên ngoài – dần dần, bạn càng trở nên tĩnh lặng, và chúng lấp đầy cả bầu trời bên trong của bạn.
Đột nhiên bạn không có ở đó; chỉ có mây đang bay, vào và ra. Sự phân chia bị loại bỏ, biên giới không còn nữa. Bạn đã trở thành bầu trời và bầu trời đã trở thành bạn.
Hãy ứng xử với Tăng Xán như một hiện tượng tự nhiên. Ông không chỉ là một người, ông là điều thiêng liêng, ông là Đạo, ông là một vị Phật. Ông Tăng Xán này không dành cho logic, ông là dành cho cuộc sống. Bây giờ, cố gắng hiểu ý từ lời của ông. Ông nói:
Đạo lớn không khó, chỉ hiềm lựa chọn.
Chớ khởi yêu ghét, rỗng suốt minh bạch.
Sai lạc đường tơ, đất trời xa cách.
Muốn được hiện tiền, chớ còn xuôi ngược.
Thuận nghịch tranh nhau, đó là tâm bệnh1.
1 Dựa theo bản dịch lấy từ bài giảng của thiền sư Thích Thanh Từ về Tín Tâm Minh, có sửa đi một chỗ: Thay “Chí đạo” bằng “Đạo lớn”. Nhưng trong bài giảng này cũng không ghi rõ đây là bản dịch của ai.
Giống như Trang Tử nói: “Dễ là đúng”, Tăng Xán nói: “Đạo lớn không khó.” Nếu nó xem ra khó thì bạn chính là người làm nó khó. Đạo lớn là dễ. Làm sao nó có thể khó được? Ngay cả cây còn theo được nó, sông còn theo được nó, đá còn theo được nó. Làm sao nó có thể khó được? Ngay cả chim còn bay trong nó và cá còn bơi trong nó. Làm sao nó có thể khó được? Con người làm cho nó khó, tâm trí làm cho nó khó – và mánh khóe làm cho bất kỳ điều dễ nào trở thành khó là lựa chọn, phân biệt.
Yêu dễ, ghét dễ, ấy thế mà bạn lại chọn lựa. Bạn nói: “Tôi sẽ chỉ yêu, tôi sẽ không ghét.” Giờ đây mọi thứ trở thành khó. Giờ đây bạn thậm chí không thể yêu! Hít vào dễ, thở ra dễ. Bạn chọn lựa. Bạn nói: “Tôi sẽ chỉ hít vào, tôi sẽ không thở ra.” Giờ đây mọi thứ đã trở thành khó.
Tâm trí có thể hỏi: “Sao lại thở ra? Hơi thở là sự sống. Một phép tính đơn giản: Hãy tiếp tục hít vào, đừng thở ra, và bạn sẽ ngày càng giàu sức sống hơn. Bạn sẽ tích lũy ngày càng nhiều sự sống. Bạn sẽ trở thành một kho tàng sự sống vĩ đại. Chỉ hít vào thôi, đừng thở ra bởi vì thở ra là chết.”
Hãy nhớ rằng, điều đầu tiên một đứa trẻ phải làm khi nó chào đời là hít vào. Và điều cuối cùng một người làm khi người đó qua đời là thở ra. Cuộc sống bắt đầu với việc hít vào còn cái chết bắt đầu với việc thở ra. Mỗi khoảnh khắc khi bạn hít vào, bạn được tái sinh; mỗi khoảnh khắc khi bạn thở ra, bạn chết, bởi vì hơi thở là sự sống. Đó là lí do tại sao người Hindu gọi nó là prana: Prana nghĩa là sự sống. Hơi thở là sự sống.
Một logic đơn giản, phép tính đơn giản; không có nhiều rắc rối, bạn có thể làm cho nó rõ ràng: Hít vào càng nhiều càng tốt và đừng thở ra, như vậy bạn sẽ không bao giờ chết. Nếu bạn thở ra, bạn sẽ phải chết. Và nếu bạn thở ra quá nhiều, bạn sẽ chết sớm! Phép tính đơn giản, nó dường như quá hiển nhiên. Vậy thì một người logic nên làm gì? Một người logic sẽ chỉ hít vào, không bao giờ thở ra.
Yêu là hít vào, ghét là thở ra. Thế thì phải làm gì? Cuộc sống sẽ dễ dàng nếu bạn không quyết định, bởi vì bạn biết hít vào và thở ra không phải hai thứ đối lập; chúng là hai phần của một tiến trình. Hai phần đó được kết nối, bạn không thể tách rời chúng. Và nếu bạn không thở ra...? Logic là sai. Bạn sẽ không còn sống – bạn sẽ chết ngay lập tức.
Thử xem – chỉ hít vào và đừng thở ra. Bạn sẽ hiểu. Bạn sẽ trở nên rất, rất căng thẳng. Toàn bộ bản thể bạn sẽ muốn thở ra bởi vì điều này dẫn đến cái chết. Nếu bạn chọn lựa, bạn sẽ gặp khó khăn. Nếu bạn không chọn lựa, mọi thứ là dễ dàng. Dễ là đúng.
Nếu bạn gặp khó khăn, đó là vì quá nhiều giáo viên đã đầu độc tâm trí bạn, đã dạy bạn: “Chọn cái này – đừng làm thế này mà hãy làm thế kia.” Những cái nên và không nên của họ đã giết chết bạn, song họ có vẻ logic. Nếu bạn tranh luận với họ, họ sẽ thắng cuộc tranh luận. Logic sẽ giúp họ: “Nhìn đi! Nó quá đơn giản. Sao lại thở ra nếu nó đem cái chết tới?”
Điều này đã xảy ra với tình dục, trong một vài truyền thống, bởi vì người ta nghĩ cái chết đi cùng tình dục. Họ có vẻ đúng, bởi vì năng lượng tình dục sinh ra sự sống, cho nên năng lượng tình dục đi ra càng nhiều, sự sống đi ra càng nhiều. Nó logic, đặc trưng kiểu Aristotle, nhưng ngu xuẩn. Bạn không thể tìm đâu ra những kẻ ngốc nghếch hơn những người logic. Logic là năng lượng cuộc sống tới từ tình dục – đứa trẻ sinh ra nhờ tình dục, tình dục là cội nguồn cuộc sống – do đó hãy giữ nó bên trong. Đừng cho phép nó ra ngoài, nếu không bạn sẽ chết. Cho nên thế giới đã trở nên sợ hãi.
Nhưng điều này cũng giống như giữ việc hít vào; nếu bạn đàn áp nó, toàn bộ bản thể sẽ muốn ném nó ra. Cho nên những người được gọi là tiệt dục, những người cố gắng giữ năng lượng tình dục của họ ở trong, thấy rằng toàn bộ thân thể muốn ném năng lượng đó ra ngoài. Toàn bộ cuộc sống của họ trở thành nhục dục – tâm trí họ trở thành nhục dục, họ mơ về tình dục, họ lúc nào cũng nghĩ về tình dục. Tình dục trở thành nỗi ám ảnh của họ bởi vì họ cố gắng làm một điều logic, tất nhiên, nhưng không đúng cho cuộc sống.
Nếu bạn muốn có nhiều sự sống hơn, hãy thở ra nhiều hơn, khi đó bạn tạo ra một khoảng không bên trong và sẽ có nhiều hơi thở đi vào. Đừng nghĩ về việc hít vào, cứ thở ra nhiều nhất có thể và toàn bộ bản thể bạn sẽ hít vào. Yêu nhiều hơn – đó là thở ra – và thân thể bạn sẽ thu thập năng lượng từ khắp vũ trụ. Bạn tạo khoảng chân không và năng lượng đến.
Cuộc sống là sự cân bằng giữa ném ra và mời vào. Bạn chỉ là một trung gian. Hãy chia sẻ! Hãy cho đi, và bạn sẽ nhận lại nhiều hơn. Còn nếu là một kẻ keo kiệt, không cho đi thì bạn sẽ nhận lại ít hơn bởi vì bạn không cần.
Hãy ghi nhớ và quan sát tiến trình cuộc sống của bạn. Nếu bạn quan tâm đến việc thấu hiểu sự chứng ngộ đến tận cùng, hãy nhớ cho đi để nhận lại nhiều hơn, cho dù nó là gì. Thở ra, trút ra nhiều hơn. Đó là ý nghĩa của chia sẻ, của cho đi.
Nhưng tâm trí có logic của riêng nó, và Tăng Xán gọi logic đó là bệnh tật.
Đạo lớn không khó... Bạn làm cho nó thành khó, chính bạn khó. Đạo lớn là dễ... chỉ hiềm lựa chọn.
Đừng chọn lựa – hãy cho phép cuộc sống tự chuyển dịch. Đừng nói với cuộc sống: “Đi đường này, đi đến hướng bắc hoặc đi đến hướng nam.” Đừng nói gì cả, cứ thuận theo cuộc sống. Đừng chiến đấu chống lại dòng nước, hãy trở thành một với dòng nước.
Đạo lớn dễ cho những ai không chọn lựa, nhưng bạn lại có chọn lựa về mọi thứ! Bạn mang tâm trí của mình vào mọi thứ. Bạn nói: “Tôi thích, tôi không thích, tôi thích cái này hơn, tôi không thích cái kia bằng.” Nhưng khi bạn không chọn lựa – khi tất cả những thái độ ủng hộ và chống đối đều vắng mặt, cả yêu lẫn ghét đều vắng mặt, bạn không có cả thích lẫn không thích – bạn cứ để mọi thứ xảy ra, thì Tăng Xán nói, mọi thứ trở nên rỗng suốt minh bạch.
Sai lạc đường tơ, đất trời xa cách.
Nhưng tâm trí bạn sẽ nói: “Bạn sẽ trở thành một con vật nếu bạn không chọn lựa. Nếu bạn không chọn thì bạn khác gì cái cây?” Có một sự khác biệt, một sự khác biệt vĩ đại – không phải sự khác biệt mang tâm trí vào mà sự khác biệt đến thông qua nhận biết. Cái cây không lựa chọn và không ý thức. Bạn sẽ không lựa chọn nhưng có ý thức. Đó là ý nghĩa của sự nhận biết không lựa chọn, và đó là sự khác biệt vĩ đại nhất: Bạn sẽ nhận biết rằng bạn đang không lựa chọn.
Nhận biết này cho bạn bình an sâu thẳm... bạn trở thành một vị Phật, bạn trở thành một Tăng Xán, một Trang Tử. Cái cây không thể trở thành Trang Tử. Trang Tử giống như cái cây, nhưng còn hơn thế. Về mặt chọn lựa, ông giống như cái cây nhưng về mặt nhận biết, ông hoàn toàn khác cái cây. Ông nhận biết rõ rằng mình đang không chọn lựa.
Tăng Xán nói: “Chớ khởi yêu ghét...”
Yêu và ghét, cả hai đều bóp méo cái nhìn của bạn và khiến cho bạn không thể thấy rõ ràng. Nếu bạn yêu một người, bạn bắt đầu thấy những thứ không có ở đó. Khi bạn yêu một người, bạn nghĩ cô ấy đẹp hơn tất cả những người đàn bà khác bởi vì bạn phóng chiếu. Tâm trí bạn có một cô gái trong mơ và cô gái trong mơ đó được phóng chiếu. Bằng cách nào đó cô gái thật chỉ như một màn chiếu. Đó là lí do tại sao sớm hay muộn mọi tình yêu đều đi tới vỡ mộng, bởi vì làm sao cô gái cứ mãi đóng vai màn chiếu được? Cô ấy là người thật; cô ấy sẽ khẳng định mình, cô ấy sẽ nói: “Tôi không phải cái màn chiếu!” Cô ấy có thể tiếp tục ăn khớp với sự phóng chiếu của bạn trong bao lâu? Sớm hay muộn bạn cũng sẽ cảm thấy sự phóng chiếu không ăn khớp. Lúc đầu cô ấy nhường bạn, lúc đầu bạn nhường cô ấy. Bạn là màn chiếu cho cô ấy và cô ấy là màn chiếu cho bạn.
Vợ của Mulla Nasruddin nói với anh ta: “Anh không yêu em nhiều như trước, như hồi anh đang tán tỉnh em.”
Nasruddin đáp: “Em yêu, đừng để ý nhiều đến những điều đó – nó chỉ là sự tuyên truyền cho chiến dịch thôi. Anh sẽ quên điều em đã nói nếu em quên điều anh đã nói. Bây giờ hãy chấp nhận thực tế đi!”
Bỏ hết gánh nặng đi. Bạn càng muốn lên cao, bạn càng phải ít gánh nặng.
Không ai có thể đóng vai màn chiếu cho bạn mãi mãi bởi vì việc đó không thoải mái. Làm sao ai đó có thể điều chỉnh cho phù hợp với giấc mơ của bạn mãi được? Người đó có thực tại của riêng mình, và thực tại đó sẽ khẳng định chính nó.
Nếu bạn yêu một người, bạn phóng chiếu những thứ không có ở đó. Nếu bạn ghét một người, bạn lại phóng chiếu những thứ không có ở đó. Khi yêu, người đó trở thành vị thần; khi ghét, người đó trở thành con quỷ – và người đó chẳng là vị thần hay con quỷ, người đó chỉ là chính người đó. Những vị thần và con quỷ là sự phóng chiếu. Nếu bạn yêu, bạn không thể thấy rõ ràng. Nếu bạn ghét, bạn không thể thấy rõ ràng.
Khi không có thích và không thích, mắt bạn rõ ràng, bạn sáng suốt. Bạn nhìn người khác đúng như người đó. Khi ý thức của bạn sáng suốt, toàn thể hiện hữu biểu lộ thực tại của nó cho bạn. Thực tại đó là thiêng liêng, thực tại đó là chân lí.
Điều này nghĩa là gì? Phải chăng điều này nghĩa là một người như Tăng Xán sẽ không yêu? Không, mà tình yêu của ông ấy sẽ có một phẩm chất hoàn toàn khác; nó sẽ không giống như tình yêu của bạn. Ông ấy sẽ yêu nhưng tình yêu của ông ấy sẽ không là một lựa chọn. Ông ấy sẽ yêu nhưng tình yêu của ông ấy sẽ không là sự phóng chiếu. Ông ấy sẽ yêu nhưng tình yêu của ông ấy sẽ không là tình yêu dành cho giấc mơ của chính mình. Ông ấy sẽ yêu con người thực.
Tình yêu với con người thực chính là lòng trắc ẩn. Ông ấy sẽ không phóng chiếu theo cách này hay cách kia. Ông ấy sẽ không thấy một vị thần hay một con quỷ ở bạn. Ông ấy chỉ đơn giản là thấy bạn. Và ông ấy sẽ sẻ chia bởi vì ông ấy có đủ – và một người sẻ chia càng nhiều, nó càng lớn lên. Ông ấy sẽ sẻ chia cực lạc của mình với bạn.
Khi bạn yêu, bạn phóng chiếu. Bạn yêu không phải để cho, bạn yêu để nhận, bạn yêu để lợi dụng. Khi bạn yêu một người, bạn bắt đầu cố gắng sửa chữa người đó theo ý tưởng của bạn. Mọi người chồng đều đang làm thế, mọi người vợ đều đang làm thế, mọi người bạn cũng vậy. Họ liên tục cố gắng thay đổi người khác, người thật – và vì người thật không thể thay đổi được, họ sẽ chỉ nhận được thất vọng. Người thật không thể thay đổi, cho nên chỉ có giấc mơ của bạn tan vỡ và bạn sẽ cảm thấy đau đớn. Bạn không lắng nghe thực tại.
Không ai ở đây để hoàn thành giấc mơ của bạn. Mọi người ở đây để hoàn thành định mệnh của chính mình, thực tại của chính mình.
Người như Tăng Xán yêu nhưng tình yêu của ông không phải sự lợi dụng. Ông yêu bởi vì ông có nhiều tới mức tràn đầy. Ông không tạo ra một giấc mơ chung quanh ai đó. Ông sẻ chia với bất cứ ai tới trên con đường của mình. Sự sẻ chia của ông là vô điều kiện và ông không mong đợi điều gì từ bạn.
Nếu tình yêu mong đợi điều gì đó thì sẽ có vỡ mộng. Nếu tình yêu mong đợi điều gì đó thì sẽ có bất mãn. Nếu tình yêu mong đợi điều gì đó thì sẽ có khổ sở và điên khùng.
Tăng Xán nói: “Không.” “Đừng yêu cũng đừng ghét. Hãy chỉ nhìn vào thực tại của đối phương.” Đây là tình yêu của Đức Phật: thấy thực tại của đối phương – không phóng chiếu, không mơ mộng, không tạo ra một hình ảnh, không cố gắng sửa chữa người khác theo hình ảnh của mình.
Tăng Xán nói: “Chớ khởi yêu ghét, rỗng suốt minh bạch.”
Tâm trí phải yêu và ghét, tâm trí phải liên tục chiến đấu giữa hai thứ này. Nếu bạn không yêu cũng không ghét, bạn vượt khỏi tâm trí. Lúc đó tâm trí ở đâu? Khi chọn lựa biến mất bên trong bạn thì tâm trí biến mất.
Nhưng ngay cả khi bạn nói: “Tôi muốn im lặng”, thì bạn cũng sẽ không bao giờ im lặng bởi vì bạn có một lựa chọn. Đây là vấn đề.
Mọi người nói: “Tôi muốn im lặng. Tôi không muốn có thêm những căng thẳng này nữa.” Tôi lấy làm tiếc cho họ – tiếc bởi vì điều họ đang nói là ngớ ngẩn. Nếu bạn “không muốn có thêm những căng thẳng này nữa”, bạn sẽ tạo ra những căng thẳng mới, bởi vì không muốn sẽ tạo ra căng thẳng mới. Nếu bạn quá muốn im lặng, nếu bạn phấn đấu vì nó quá nhiều, sự im lặng của bạn tự nó sẽ trở thành một căng thẳng. Bây giờ bạn sẽ lúng túng hơn bởi chính nỗ lực nắm bắt sự im lặng của mình.
Im lặng là gì? Nó là sự thấu hiểu sâu sắc về hiện tượng nếu bạn chọn lựa, bạn sẽ căng thẳng. Ngay cả khi bạn chọn im lặng, bạn vẫn sẽ căng thẳng. Hãy thấu hiểu, cảm nhận nó – mỗi khi bạn chọn lựa, bạn trở nên căng thẳng; mỗi khi bạn không chọn lựa, không có căng thẳng và bạn được thư giãn. Khi bạn thư giãn, đôi mắt bạn sáng suốt; chúng không bị những đám mây và giấc mơ che mờ. Không có ý nghĩ đi vào tâm trí, bạn có thể thấy cái thật. Và khi bạn có thể thấy cái thật, bạn được giải phóng. Chân lí giải phóng bạn.
“Sai lạc đường tơ, đất trời xa cách,” Tăng Xán nói. Chỉ một sự phân biệt nhỏ nhất, lựa chọn nhẹ nhàng nhất cũng khiến bạn bị phân chia. Khi đó, bạn có địa ngục và cõi trời, và giữa hai thứ này bạn sẽ bị ép nát.
“Muốn được hiện tiền chớ còn xuôi ngược,” Tăng Xán nói. Hãy dịch chuyển mà không có ý kiến. Dịch chuyển một cách trần trụi, không quần áo, không có quan điểm về chân lí, bởi vì chân lí ghê tởm mọi quan điểm. Vứt bỏ tất thảy triết lí, học thuyết, giáo lí, kinh sách của bạn đi! Vứt bỏ tất cả rác rưởi đi! Hãy trở nên im lặng, không lựa chọn, để đôi mắt bạn sẵn sàng nhìn sự thật mà không hi vọng, theo bất cứ cách nào, ước muốn của mình được thỏa mãn.
Đừng đem theo ước muốn. Người ta nói con đường đến địa ngục tràn đầy những ước muốn – những ước muốn được tốt đẹp, những hi vọng, giấc mơ, cầu vồng, lí tưởng. Con đường đến cõi trời thì hoàn toàn trống rỗng.
Bỏ hết gánh nặng đi. Bạn càng muốn lên cao, bạn càng phải ít gánh nặng. Nếu bạn muốn đi đến dãy Himalaya, bạn phải trút bỏ toàn bộ gánh nặng. Cuối cùng, khi bạn tới Gaurishankar1, đỉnh Everest, bạn phải vứt bỏ mọi thứ.
Bạn phải đi hoàn toàn trần trụi, bởi vì càng lên cao bạn càng cần nhẹ nhàng. Và những quan điểm đang đè nặng lên bạn. Chúng không phải đôi cánh, chúng giống như những cái chặn giấy. Hãy bỏ tất cả quan điểm, không có bất cứ lựa chọn nào...“Muốn được hiện tiền, chớ còn xuôi ngược.”
1 Tên một ngọn núi ở dãy Himalaya.
Đừng là một người hữu thần và cũng đừng là một người vô thần nếu bạn thực sự muốn biết chân lí là gì. Đừng nói: “Có Thượng Đế” hay “Không có Thượng Đế” bởi vì bất cứ điều gì cũng sẽ trở thành một khao khát sâu xa và bạn sẽ phóng chiếu bất cứ điều gì được ẩn giấu trong khao khát đó.
Nếu bạn muốn thấy Thượng Đế giống như một Krishna1 đang thổi sáo thì một ngày nào đó bạn sẽ thấy ông ta – không phải bởi Krishna ở đó mà chỉ bởi bạn đã có một hạt giống khao khát để phóng chiếu lên tấm màn thế giới. Nếu bạn muốn thấy Jesus bị đóng đinh câu rút, bạn sẽ thấy điều đó. Bất cứ điều gì bạn muốn cũng sẽ được phóng chiếu, nhưng nó chỉ là một thế giới mơ tưởng – bạn không hề tiến gần hơn tới chân lí.
Hãy loại bỏ mọi hạt giống bên trong: không còn quan điểm, không còn suy nghĩ ủng hộ hay chống lại, không còn triết lí. Chỉ đi để thấy cái đang hiện hữu. Đừng mang theo chút tâm trí nào. Hãy trở nên vô trí.
“Muốn được hiện tiền, chớ còn xuôi ngược. Thuận nghịch tranh nhau, đó là tâm bệnh.”
1 Hóa thân thứ tám của thần Vishnu, một trong ba vị thần tối cao của Hindu giáo, được miêu tả là rất thích thổi sáo.
Đây là bệnh của tâm trí: thích cái này và không thích cái kia, ủng hộ và chống đối. Tại sao tâm trí lại bị phân chia? Tại sao bạn không thể là một? Bạn muốn là một nhưng bạn tiếp tục tưới nước cho sự phân chia, cho chọn lựa, cho thích và không thích. Bạn càng dùng tâm trí nhiều, nó càng được củng cố, nó càng trở nên mạnh hơn. Đừng sử dụng nó.
Khó đấy, bởi vì bạn sẽ nói: “Điều gì sẽ xảy ra cho tình yêu của chúng tôi? Điều gì sẽ xảy ra cho những gì chúng tôi sở hữu? Điều gì sẽ xảy ra cho đức tin của chúng tôi? Điều gì sẽ xảy ra cho tôn giáo, cho nhà thờ, cho đền chùa của chúng tôi?” Chúng là gánh nặng của bạn. Hãy thoát khỏi chúng, và hãy để chúng ra khỏi bạn. Chúng đang giữ bạn ở đây, bén rễ, còn chân lí muốn bạn được giải phóng. Khi được giải phóng, bạn sẽ đạt tới; với đôi cánh, bạn sẽ đạt tới; không có sức nặng, bạn sẽ đạt tới.
Tăng Xán nói: “Thuận nghịch tranh nhau, đó là tâm bệnh.”
Làm thế nào để vượt qua nó? Có cách nào vượt qua nó không? Không, chẳng có cách nào hết. Chỉ phải thấu hiểu nó. Chỉ phải nhìn vào thực tế của nó. Chỉ phải nhắm mắt lại và nhìn vào cuộc sống của riêng mình – quan sát nó, và bạn sẽ cảm thấy chân lí của Tăng Xán. Và khi bạn cảm nhận được chân lí, bệnh tật sẽ rụng đi. Không có thuốc men nào cho nó bởi vì nếu bạn có thuốc men, bạn sẽ bắt đầu yêu thích thuốc men. Thế thì bệnh tật sẽ bị lãng quên còn thuốc sẽ được yêu thích, và rồi thuốc trở thành bệnh tật.
Không, Tăng Xán sẽ không cho bạn thuốc men nào, phương thức nào. Ông sẽ không đề xuất bạn làm gì. Ông sẽ chỉ khẳng định đi khẳng định lại, một ngàn lẻ một lần, rằng bạn phải hiểu được bạn đã tạo ra mớ hỗn độn này xung quanh mình như thế nào, làm sao bạn ở trong khổ sở này. Chẳng ai khác tạo ra nó; thích cái này hơn cái kia, chọn lựa là bệnh tật của tâm trí bạn.
Đừng chọn lựa. Hãy chấp nhận cuộc sống như nó vốn thế trong tổng thể của nó. Bạn phải nhìn vào tổng thể: Sự sống đi cùng cái chết, yêu đi cùng ghét, hạnh phúc đi cùng bất hạnh, đau đớn đi cùng cực lạc.
Nếu bạn nhìn vào chúng đồng thời thì có gì để lựa chọn? Nếu bạn thấy chúng là một thì từ đâu mà chọn lựa bước vào được? Nếu bạn thấy rằng đau đớn chẳng là gì ngoài cực lạc, cực lạc chẳng là gì ngoài đau đớn; nếu bạn có thể thấy rằng hạnh phúc chẳng là gì ngoài bất hạnh, yêu chẳng là gì ngoài ghét, ghét chẳng là gì ngoài yêu – thế thì chọn lựa ở đâu? Chọn lựa như thế nào?
Khi đó lựa chọn rơi rụng. Bạn không vứt bỏ nó. Nếu bạn vứt bỏ nó, như thế sẽ trở thành một lựa chọn – đây là nghịch lí. Bạn không có bổn phận vứt bỏ nó, bởi vì nếu bạn vứt bỏ nó thì có nghĩa là bạn đã chọn ủng hộ và chống lại.
Bây giờ, bạn chọn cái tổng thể. Bạn ủng hộ cái tổng thể và chống lại sự phân chia, nhưng bệnh tật đã xuất hiện. Nó rất tinh vi.
Hãy chỉ thấu hiểu thôi, và chính sự thấu hiểu sẽ trở thành việc vứt bỏ. Đừng bao giờ vứt bỏ nó. Hãy chỉ cười... và gọi một tách trà.
CHĂN TRÂU - MỘT NGỤ NGÔN THIỀN
Chăn trâu là một biểu tượng cổ xưa trong lịch sử của Thiền. Có mười bức tranh tồn tại ở Trung Hoa, bức tranh thứ mười là nguyên nhân của một cuộc luận chiến lớn. Tôi muốn bạn hiểu mười bức tranh ấy.1
Mười bức tranh đẹp đẽ khôn cùng. Ở bức đầu tiên, con trâu bị mất. Người chủ con trâu đang đứng, nhìn khắp chung quanh rừng rậm mà không thể thấy được con trâu đã đi đâu. Anh ta ngơ ngác, lúng túng. Ngày đã muộn, mặt trời đang lặn; màn đêm sắp buông xuống, và việc đi vào rừng rậm để tìm trâu sẽ trở nên càng lúc càng khó khăn hơn.
1 Thường được gọi là “Thập mục ngưu đồ”, có nhiều phiên bản với nét vẽ khác nhau nhưng nội dung tương tự nhau.
Ở bức tranh thứ hai, anh ta tìm thấy dấu chân con trâu. Anh ta cảm thấy đôi chút mừng rỡ; có lẽ có khả năng tìm được con trâu – anh ta đã tìm được dấu chân. Anh ta lần theo chúng.
Ở bức tranh thứ ba, anh ta nhìn thấy lưng con trâu đang đứng trong rừng rậm. Khó mà thấy được, nhưng anh ta có thể nhận ra đó là lưng con trâu của mình. Ở bức thứ tư, anh ta đến được chỗ con trâu; giờ đây anh ta có thể nhìn thấy trâu, cả thân thể của nó. Anh ta hân hoan.
Ở bức tranh thứ năm, anh ta nắm được sừng con trâu. Phải tranh đấu quyết liệt để mang nó về nhà, nhưng anh ta chiến thắng. Ở bức tranh thứ sáu, anh ta cưỡi con trâu và đi về phía nhà mình. Những bức tranh này thật đẹp!
Ở bức tranh thứ bảy, trâu bị buộc ở chuồng của nó. Ở bức tranh thứ tám, người chủ tràn ngập sung sướng đến nỗi bắt đầu thổi sáo. Bức tranh thứ chín1 là một khung rỗng – không có gì được vẽ bên trong.
Ở bức tranh thứ mười, nguyên nhân của một cuộc luận chiến lớn, người đàn ông đang đi ra chợ, với một chai rượu, gần như say. Bạn có thể thấy, anh ta thậm chí không bước nổi. Bức tranh thứ mười này đã gây ra một cuộc luận chiến lớn, dữ dội suốt hai ngàn năm.
Một tông phái lớn của dòng Bắc Tông tin rằng bức thứ chín là bức tranh cuối cùng. Nó đại diện cho vô trí, bạn đã đạt được mục tiêu. Con trâu là cái tôi bên trong mà bạn đánh mất, và cả loạt tranh là cuộc tìm kiếm cái tôi bên trong của bạn. Bạn đã tìm thấy cái tôi ở bức thứ chín.
1 Ở một số phiên bản khác thì bức tranh rỗng là bức thứ tám chứ không phải bức thứ chín.
Có im lặng và bình an mênh mang. Nó là niết bàn, nó là vô trí.
Xa hơn bức thứ chín... những người nói đây là kết thúc của hành trình nghĩ rằng ai đó đã thêm vào bức tranh thứ mười và bức tranh này chẳng có vẻ gì liên quan. Nhưng những người thuộc về một tông phái nhỏ nào đó của Thiền tin vào bức tranh thứ mười. Họ nói rằng khi một người chứng ngộ thì đây không phải kết thúc. Đây là đỉnh cao nhất của ý thức, thành tựu lớn lao nhất, nhưng người đó phải quay trở về thế giới con người, thế giới bình thường. Người đó phải một lần nữa trở thành một phần của nhân loại vĩ đại hơn. Chỉ thế thì anh ta mới có thể chia sẻ, chỉ thế thì anh ta mới có thể kích động những người khác bước vào cuộc tìm kiếm. Và chắc chắn khi anh ta đến từ một độ cao như vậy, anh ta phải tuyệt đối say sưa với cực lạc. Chai rượu không phải rượu thông thường. Nó là biểu tượng của một trạng thái cực lạc.
Khi những bức tranh này được mang tới Nhật Bản, khoảng 12 hay 13 thế kỉ trước1, chỉ có chín bức được mang. Bức thứ mười hơi phiền toái, nó bị bỏ lại Trung Hoa.
Tôi đã bối rối khi lần đầu tiên nhìn vào những bức tranh của Nhật Bản. Chúng có vẻ hoàn chỉnh. Khi bạn đã đạt tới niết bàn, còn gì hơn nữa? Và rồi tôi tìm thấy trong một cuốn sách cổ Trung Hoa mười bức tranh. Tôi hạnh phúc vô hạn với việc ai đó ở hai nghìn năm trước đã có tri kiến là một vị Phật sẽ không phải một vị Phật nếu ông ấy không thể quay lại nhân loại bình thường, nếu ông ấy không thể một lần nữa trở nên đơn giản, ngây thơ, đem theo niết bàn của mình, đem theo cực lạc của mình trong chai rượu, say cùng cực với điều thiêng liêng nhưng vẫn đi ra chợ.
1 Theo một số thông tin và tư liệu thì phải đến thế kỷ XII, tức là khoảng chín thế kỷ trước, bộ tranh phiên bản mười bức mới bắt đầu xuất hiện.
Tôi có thể thấy rằng người vẽ bức tranh thứ mười đã đúng. Cho đến bức tranh thứ chín, nó chỉ đơn thuần là logic. Xa hơn bức thứ chín, bức thứ mười là sự chứng ngộ lớn lao.
Theo tôi, cho đến bức thứ chín thì chỉ là một vị Phật, với bức thứ mười thì còn là một Zorba1. Và đây là chủ đề bất biến của tôi: Tôi luôn nhấn mạnh rằng bức tranh thứ mười là xác thực, và nếu nó không có ở đó, tôi sẽ vẽ nó. Thiếu nó, kết thúc ở cái không có vẻ hơi buồn, có vẻ hơi nghiêm trọng, có vẻ trống rỗng.
Tất cả nỗ lực tìm kiếm chính mình, thiền định, vượt khỏi tâm trí, nhận ra bản thể của mình và kết thúc ở sa mạc của cái không... không, phải có điều gì đó hơn thế, điều gì đó xa hơn thế, nơi hoa nở, nơi những bài ca cất lên, nơi vũ điệu một lần nữa có thể xuất hiện – tất nhiên, trên một cấp độ hoàn toàn khác.
Những bức tranh chăn trâu này có ý nghĩa bao la trong việc giải thích toàn bộ con đường theo từng bước một.
1 Nhân vật chính trong tác phẩm Alexis Zorba – Con người hoan lạc của Nikos Kazantzakis, một ông già luôn sống mãnh liệt, sống nồng nhiệt, sống hết mình, đầy bản năng, nằm ngoài mọi quy định và bó buộc.