Lâm Tế là một trong những bậc thầy đáng yêu nhất trong lịch sử của Thiền. Ông mang Thiền từ Trung Hoa tới Nhật Bản, nhưng ông đã sống cùng các bậc thầy Trung Hoa. Ông đem theo chính ngọn lửa mà Bồ Đề Đạt Ma đã đưa từ Ấn Độ sang Trung Hoa. Ông có cùng sự vĩ đại, vẻ đẹp và cách tiếp cận vô lí đối với việc tỉnh thức.
Lâm Tế là một trong những bậc thầy được yêu mến nhất trong truyền thống Thiền. Sự chuyển giao ánh sáng đầu tiên xảy ra giữa Đức Phật và Ma Ha Ca Diếp. Sự chuyển giao ánh sáng thứ hai xảy ra giữa Bồ Đề Đạt Ma và người truyền thừa của mình, Huệ Khả. Bồ Đề Đạt Ma mang kinh nghiệm ý thức tối thượng từ Ấn Độ đến Trung Hoa.
Lâm Tế đưa ý thức đó, con đường bước vào bản thể của mình đó, từ Trung Hoa sang Nhật Bản. Ba cái tên này – Ma Ha Ca Diếp, Bồ Đề Đạt Ma và Lâm Tế – đứng sừng sững như những đỉnh núi của dãy Himalaya.
Lâm Tế nổi tiếng là “bậc thầy hét”. Ông sử dụng tiếng hét để mang đến im lặng cho con người – một tiếng hét bất ngờ. Họ đang hỏi về Thượng Đế, họ đang hỏi về cõi trời, họ đang hỏi về triết lí vĩ đại hay những vấn đề thần học... và đột nhiên bậc thầy hét lên!
Một khi bạn trải nghiệm việc ở trung tâm, bạn đột nhiên sẽ thấy cả thế giới thay đổi.
Tâm trí bị sốc, gần như một cú sốc điện. Trong một khoảnh khắc, bạn không hiện hữu, chỉ có tiếng hét. Trong một khoảnh khắc, tâm trí dừng lại, thời gian dừng lại – và đó là bí mật của thiền định.
Lâm Tế sẽ hét vào các đệ tử để trao cho họ kinh nghiệm đầu tiên về việc ở trung tâm. Bạn vừa là chu vi vừa là trung tâm vòng tròn. Bạn sống trên chu vi, tiếng hét đẩy bạn vào trung tâm.
Khi bạn trải nghiệm việc ở trung tâm, bạn đột nhiên thấy cả thế giới thay đổi. Cặp mắt bạn không còn như cũ, sự rõ ràng và trong suốt của bạn là tuyệt đối. Bạn thấy những chiếc lá xanh trước kia nay xanh hơn, những bông hồng trước kia nay hồng hơn, cuộc sống trước kia nay là một ngày hội, một nghi lễ. Bạn muốn nhảy múa.
Thế rồi các đệ tử học được rằng tiếng hét có thể giúp họ đạt đến chính trung tâm của mình. Thật là một cảnh lạ lùng khi Lâm Tế bắt đầu nhận đệ tử ở gần dòng sông. Các đệ tử sẽ bị hét và thung lũng sẽ vọng lại những tiếng hét.
Bạn có thể nói từ cách xa nhiều dặm rằng bạn đang tới gần chỗ Lâm Tế. Nó không chỉ là việc ông ấy đang hét, mà tiếng hét đó là một phương thức ném bạn từ chu vi vào trung tâm.
Nhiều nhà huyền môn khắp thế giới đã sử dụng âm thanh, nhưng thường theo một cách bề mặt. Lâm Tế sử dụng tiếng hét theo một cách sâu xa vô cùng. Tiếng hét của ông sẽ trở thành một lưỡi gươm đâm vào trong bạn, xuyên tới tận chính trung tâm.
Một ví dụ khác là kĩ thuật xoay tròn của Jalaluddin Rumi1 để tìm ra trung tâm. Nếu bạn xoay trong nhiều giờ, bạn sẽ từ từ nhận thấy có điều gì đó ở chính trung tâm hoàn toàn không chuyển động, và đó là bạn. Thân thể bạn xoay nhưng ý thức của bạn là một cột trụ ánh sáng.
Rumi đạt tới chứng ngộ lần đầu tiên bằng cách xoay tròn 36 giờ không ngừng. Mọi người nghĩ ông bị điên. Thậm chí ngày nay, một nhóm nhỏ môn đồ của ông vẫn tiếp tục. Họ được gọi là những giáo sĩ xoay tròn. Nhưng mấu chốt vẫn giống như thế: Xoay tròn, thân thể bạn trở thành cơn lốc, và việc bạn chứng kiến bản thân mình trở thành trung tâm. Mọi thứ chuyển động xung quanh bạn, nhưng trung tâm vẫn bất động. Biết được trung tâm bất động này là biết được then chốt của tất cả những điều huyền bí trong cuộc sống.
1 Nhà thần học, nhà thơ vĩ đại của Sufi giáo, một nhánh của Hồi giáo.
Lâm Tế không biết Rumi, Rumi cũng không biết Lâm Tế, nhưng cả hai có cùng một chiến lược – làm thế nào để đạt tới trung tâm. Khi ý thức của bạn trở nên sâu hơn, khi việc đi đến trung tâm trở thành một điều dễ dàng giống như bạn đi từ nhà ra ngoài và ngược lại, thì bạn đã trở thành một vị Phật.
Rồi từ từ, chậm rãi, trung tâm của bạn bắt đầu thay đổi chu vi của bạn. Trước hết, bạn sẽ không thể hung tợn; sau đó, bạn sẽ không thể phá hoại; rồi bạn sẽ là tình yêu. Không phải bạn yêu mà bạn là tình yêu. Rồi bạn là im lặng, rồi bạn là chân lí, tất cả những gì già cỗi trong bạn đã biến mất. Đó là chu vi của bạn, đó là cơn lốc, và giờ nó đi rồi. Giờ đây chỉ trung tâm còn lại.
Lâm Tế nói:
“Nếu bạn không bị níu giữ bởi những thứ bên ngoài, bạn sẽ được thảnh thơi và độc lập.
Sau khi vị sơn tăng này nói rằng không có pháp ở bên ngoài, các môn sinh không hiểu điều này lập tức tạo ra sự diễn giải bên trong mình. Họ bèn ngồi quay mặt vào tường, lưỡi chạm vòm miệng, ở trong tư thế bất động và xem đây là Phật pháp của các tổ.
Lỗi lầm to lớn nhất là bạn lấy sự bất động làm trạng thái đúng, bạn sẽ ngộ nhận bóng tối là thầy của bạn. Đây là điều người xưa ngụ ý khi nói: ‘Trong bóng tối đen đặc, một vực thẳm trở nên vô cùng kinh khiếp.’
Nếu bạn lấy trạng thái chuyển động làm trạng thái đúng thì tất cả cây cối và rơm rạ có thể chuyển động. Chúng có phải là Đạo không? Bởi vậy, cái chuyển động là nguyên tố gió và cái bất động là nguyên tố đất. Cả cái chuyển động và cái bất động không có bản chất của riêng chúng. Nếu bạn muốn bắt nó trong cái chuyển động, nó sẽ đi tới cái bất động; và nếu bạn muốn bắt nó trong cái bất động, nó sẽ đi tới cái chuyển động.
Chuyển động và bất động là hai kiểu trạng thái, nhưng người có Đạo có thể sử dụng cả hai.”
Một trong những nền tảng của Thiền khiến cho nó thành một tôn giáo có một không hai, không giống những tôn giáo khác trên thế giới, là nó không muốn loại trừ bất cứ điều gì khỏi cuộc sống của bạn. Cuộc sống của bạn phải bao gồm tất cả; nó phải bao hàm tất cả các vì sao, bầu trời và mặt đất. Thiền không phải con đường từ bỏ thế giới.
Mọi người được dạy ngồi im lặng, lưỡi chạm vào vòm miệng, để ngay cả trong miệng, họ cũng không thể tạo ra chuyển động nào của lưỡi, và cả thân thể phải giống như một bức tượng – chỉ thế thì bạn mới có thể nhận ra chân lí.
Nhưng nó chỉ là một nửa chân lý, và một nửa chân lý còn nguy hiểm hơn dối trá hoàn toàn; ít nhất dối trá còn trọn vẹn.
Cuộc sống là cả nghỉ ngơi và vận động.
Nếu bạn đi đến Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật chứng ngộ, bạn sẽ thấy có một ngôi chùa tưởng niệm sự chứng ngộ của ông, nằm bên cạnh cái cây nơi ông từng ngồi và thiền định. Đó là thói quen của ông: Ông sẽ ngồi dưới gốc cây và thiền định trong một giờ đồng hồ, rồi ông sẽ đi dạo bên cái cây trong một giờ. Thậm chí những nơi ông đã đi được đánh dấu bằng những hòn đá và tạo ra một con đường nhỏ.
Việc ông dành một giờ để đi dạo và một giờ để thiền định cho thấy rất rõ rằng cuộc sống, nếu bất động, sẽ chết. Và cuộc sống, nếu không có nghỉ ngơi, cũng sẽ kết thúc rất sớm.
Cuộc sống là sự cân bằng giữa nghỉ ngơi và vận động. Khi nghỉ ngơi và vận động đạt tới sự hài hòa, bạn đi tới chính trung tâm của cuộc sống, thứ luôn luôn ở cùng bạn cho dù bạn đang ngồi hay vận động, cho dù bạn thức hay ngủ. Sự tồn tại của nó là tuyệt đối chắc chắn, nhưng không thể khám phá ra nó bằng cách đọc kinh. Bạn phải trải nghiệm nó, sau đó bạn có thể làm bất cứ điều gì. Sau đó bạn sẽ không gặp vấn đề gì, bởi vì dù bạn làm gì thì bạn cũng sẽ xuất phát từ Phật tính.
Thiền định mà Đức Phật mang lại cho thế giới có lẽ là một trong những thứ trọng đại nhất. Có nhiều pháp thiền, nhiều cách để bước vào trong chính mình, nhưng cách của Đức Phật thì sắc bén, như một lưỡi gươm – nó cắt mọi thứ cản đường. Thậm chí trong một tích tắc, bạn có thể đạt tới định mệnh tối thượng của mình. Nhưng để được như thế, Lâm Tế nói: “Gặp Phật giết Phật...” Ông không có ý nói Đức Phật thật sự, bởi vì bây giờ bạn sẽ gặp Đức Phật ở đâu? Ngay cả khi Lâm Tế còn sống, Đức Phật cũng đã tịch diệt gần 14 thế kỉ. Vậy ý nghĩa là gì?
“Gặp Phật giết Phật...”
Nó là một tiến trình thiền định. Khi bạn đi sâu hơn vào bản thân mình, bạn chắc chắn sẽ gặp những hình tượng rất gần gũi với trái tim bạn. Nếu bạn đã yêu Đức Phật, bạn sẽ gặp Đức Phật trước khi bạn gặp chính mình. Nó chỉ là một hình ảnh, nhưng trong sự im lặng của trái tim, hình ảnh đó sẽ rực rỡ đến nỗi có khả năng bạn ngồi xuống bên lề đường cùng hình ảnh đó mà quên mất đây không phải đích đến.
Nó là một tiến trình tâm lí bên trong, giúp cho bạn tự do. Chẳng có gì để làm với thế giới bên ngoài, chính thế giới bên trong mới là nơi những hình ảnh liên tục tập hợp. Và trừ phi tất cả những hình ảnh này được giải tán, nếu không thì bạn không thể thấy chính mình. Chúng đang ngăn cản tri giác của bạn. Mô tả về thiền định Phật giáo của Lâm Tế thật xuất sắc.
“Và nếu bạn không bị níu giữ bởi những thứ bên ngoài, bạn sẽ được thảnh thơi và độc lập.”
Giờ đây bạn đã phá hủy tất cả những hình ảnh, giấc mơ, luyến ái. Bạn đã làm cho con đường thông suốt, nhưng có thể vẫn bị trói buộc vào những thứ bên ngoài. Bạn có thể đã sẵn sàng giết chết hình ảnh cha mẹ mình và thoát khỏi nó, nhưng còn dục vọng quyền lực trong thế giới, dục vọng là người giàu nhất thế gian? Một ngàn lẻ một dục vọng bủa vây bạn ở thế giới bên ngoài. Bước thứ hai dễ hơn. Lâm Tế bắt đầu với điều khó nhất bởi vì ông biết nếu bạn có thể làm điều khó nhất, bạn có thể làm điều dễ hơn chẳng khó khăn gì.
“Sau khi vị sơn tăng này nói rằng không có pháp ở bên ngoài, các môn sinh không hiểu điều này lập tức tạo ra sự diễn giải bên trong mình.”
Rất dễ hiểu nhầm bậc thầy. Trên thực tế, hiểu nhầm bậc thầy dễ hơn hiểu nhầm bất cứ ai khác, bởi vì ông ấy đang nói một ngôn ngữ mới, đưa những ý nghĩa mới vào ngôn từ, nói về những không gian mà bạn chưa bao giờ đến. Việc ngộ nhận, hiểu nhầm là chuyện bình thường ở con người.
Ông nói: “Sau khi vị sơn tăng này nói rằng không có pháp ở bên ngoài...” Không có tôn giáo ở bên ngoài. Đi đến đền chùa hay nhà thờ hay giáo đường, đọc kinh hay những cuốn sách cổ – tất cả những việc này đều ở bên ngoài và không có pháp ở bên ngoài. Chúng là những bộ xương chết, những tàn dư của ai đó đã đạt tới, nhưng giờ đây việc giải mã kinh sách quá khó. Người ấy không còn ở đây – chỉ còn bộ xương của người ấy, không nói được, không giải thích được, không thể giúp bạn theo bất kì cách nào.
Bạn có thể tiếp tục đem theo kinh sách, nhưng những kinh sách đó sẽ là sự diễn dịch của bạn chứ không phải ý nghĩa của các bậc thầy.
Bạn có thể đi tới đền chùa bên ngoài, nhưng bạn đang làm gì? Bạn đi tới những đền chùa nhân tạo chứa đầy những vị thần nhân tạo, và thờ phụng những vị thần bằng đá đó. Và không phải chỉ mình bạn, gần như cả thế giới đang thờ phụng thứ gì đó hay ai đó như một vị thần. Nhưng theo cách này thì bạn không thể tìm thấy tinh túy của pháp. Thật là một tình cảnh rất ngược đời, lộn xộn và lầm lạc khi con người bắt đầu thờ phụng những vị thần mà họ tự mình tạo ra.
Bạn phải biết nguồn cội cuộc sống – nguồn cội mà từ đó bạn vươn ra, giống như những bông hoa hồng vươn ra. Vấn đề không nằm ở việc cầu nguyện, vấn đề nằm ở việc thám hiểm mãnh liệt bên trong để tìm ra gốc rễ của bạn. Bạn sẽ ngạc nhiên: Gốc rễ của bạn là gốc rễ của mặt trăng, mặt trời và các vì sao – của toàn bộ hiện hữu.
Bạn chỉ là một nhánh nhỏ của cái cây bao la. Một khi bạn biết nó thì không còn nỗi sợ cái chết nữa. Bạn không thể chết – bạn thuộc về sự bất tử. Không còn dục vọng nữa. Bạn còn có thể có thêm điều gì? Bạn có cả vũ trụ trong tay mình. Bạn đã là mọi thứ bạn có thể mơ ước, khao khát, đòi hỏi. Sự mãn nguyện lớn lao đột nhiên đến với bạn. Trong sự mãn nguyện này là tất cả những phẩm chất của phúc lạc, của cực lạc, của điệu vũ không ngừng, của hội hè, của lễ nghi.
Lâm Tế nói: “Nhưng ta có thể bị hiểu nhầm. Khi ta nói không có pháp ở bên ngoài, mọi người có lẽ sẽ ngồi quay mặt vào tường, lưỡi chạm vào vòm miệng, ở tư thế bất động và xem đây là Phật pháp của các tổ.”
Cứ ngồi đi... bạn có thể tiếp tục ngồi bao lâu? Khi bạn đứng lên, Bồ Đề Đạt Ma hay Đức Phật hay Lâm Tế sẽ nói: “Chuyện gì đã xảy ra với vị Phật?” Đức Phật đang ngồi; hình dạng kinh nghiệm của bạn về Đức Phật là ngồi, nhưng khi bạn đứng, nó sẽ biến mất. Khi bước đi, bạn sẽ bước ra khỏi việc ngồi.
Lâm Tế đang cố gắng nói mọi thứ bằng những thuật ngữ đơn giản, và ông phải rất đơn giản bởi vì ông là người đã mang Thiền từ Trung Hoa tới Nhật Bản. Ông đang nói cho những người hoàn toàn không quan tâm, chưa bao giờ nghe về hành thiền.
“Lỗi lầm to lớn nhất là bạn lấy sự bất động làm trạng thái đúng, bạn sẽ ngộ nhận bóng tối là thầy của bạn.”
Bất động chỉ là giai đoạn nghỉ ngơi. Tồn tại là sự vận động, vận động không ngừng. Đúng, có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, nhưng nếu bạn chọn những khoảnh khắc nghỉ ngơi là toàn bộ chân lí thì bạn đang chấp nhận bóng tối là thầy của bạn. Bạn đang cắt sự sống làm đôi: bóng tối và ánh sáng. Bạn đã bao giờ quan sát điều này chưa? Bóng tối thì ổn định. Nó không bao giờ đi đâu, nó luôn luôn ở đây. Bạn mang ánh sáng đến và bạn không thể thấy bóng tối. Bạn lấy ánh sáng đi và bóng tối ở đó sẵn rồi. Nó không tới bằng cách chạy từ ngoài phố vào; nó không bao giờ trễ, dù chỉ một chốc lát. Nếu nó đã ra ngoài đi dạo buổi tối, hoặc ngắm nghía xem thế giới xung quanh xảy ra chuyện gì, thì sẽ có một khoảng trống. Khi bạn lấy ánh sáng đi, bóng tối sẽ vẫn chưa ở đó. Nhưng không bao giờ có khoảng trống. Lí do là bóng tối luôn luôn ở đây ngay cả khi ánh sáng ở đây, chỉ bởi vì có ánh sáng nên bạn không thể thấy bóng tối. Ngay cả trong sự vận động, hành động, cử chỉ của một vị Phật cũng có sự nghỉ ngơi nhất định. Sự nghỉ ngơi đó mang đến một vẻ duyên dáng cho nó, mang đến một vẻ đẹp cho nó.
Lâm Tế nói: “Đây là điều người xưa ngụ ý khi nói: ‘Trong bóng tối đen đặc thì một vực thẳm trở nên vô cùng kinh khiếp.’”
Thiền định không có nghĩa là phân chia cuộc sống và sự tồn tại của bạn thành hai phần rồi lựa chọn một, cái bên trong. Thiền định hoàn hảo bao gồm tất cả. Nó chuyển hóa bạn, và với sự chuyển hóa ấy, cái nhìn của bạn được chuyển hóa, nhưng không có gì bị loại trừ.
“Nếu bạn lấy trạng thái chuyển động làm trạng thái đúng, tất cả cây cối và rơm rạ có thể chuyển động. Chúng có phải là Đạo không? Bởi vậy, cái chuyển động là nguyên tố gió và cái bất động là nguyên tố đất. Cả cái chuyển động và cái bất động không có bản chất của riêng chúng. Nếu bạn muốn bắt nó trong chuyển động, nó sẽ đi tới cái bất động...”
Chúng không ngừng đổi chỗ: Ngày trở thành đêm, đêm trở thành ngày; sự sống trở thành cái chết, cái chết trở thành sự sống. Đừng nắm lấy cái gì. Nó sẽ ngay lập tức chuyển sang cái gì đó khác.
Cái chuyển động và cái bất động, cả hai nằm trong tay bạn. Bạn là người quan sát, không chuyển động cũng không bất động.
Bạn chỉ hiện hữu.
Bạn chưa bao giờ di chuyển, cho nên vấn đề bất động không nảy sinh. Vấn đề chuyển động hay bất động không liên quan đến ý thức chứng kiến của bạn. Ý thức chứng kiến của bạn mang tính hiện sinh. Nó ở đây. Nếu thiền định không mang bạn tới trạng thái chứng kiến này, nó là thiền định sai. Nếu nó mang bạn đến bất cứ vị thần nào, bạn đang lừa phỉnh chính mình; bạn đang mơ. Nếu nó mang bạn tới Chúa, thế thì... Lạy Chúa! Lâm Tế đang nói rằng nếu bạn gặp Chúa Jesus, hãy cho ông ta một cây thánh giá nữa ngay lập tức! “Đó là việc của bạn, còn việc gì khác bạn đang làm ở đây nữa?” Ngay cả Đức Phật còn không tha – và tất cả bọn họ đều là đệ tử của Đức Phật.
Nếu bạn gặp Đức Phật trên đường, hãy lấy đầu ông ấy ngay lập tức. Không gì quan trọng hơn sự chứng kiến bên trong của riêng bạn. Đó chính là chất liệu làm ra vũ trụ.