Thiền đã sinh ra nhiều thứ. Không có xu hướng tôn giáo nào trên thế giới sáng tạo đến thế, hữu ích đến thế. Nó đã tạo ra nghệ thuật với một phẩm chất riêng, nó tạo ra thi ca, nó tạo ra văn học, nó tạo ra kịch nghệ, nó tạo ra điêu khắc. Trên bất cứ cái gì nó tạo ra, nó đều để lại dấu ấn không thể nhầm lẫn của tính thiền định; nó biến mọi thứ thành thiền định, kể cả những thứ mà thậm chí chẳng ai nghĩ có thể kết hợp với thiền định.
Thiền ra đời ở Ấn Độ trong tiếng cười ngớ ngẩn của Ma Ha Ca Diếp, một đệ tử thân cận của Đức Phật. Ông có nhiều đệ tử còn thân cận hơn Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Diếp được đề cập duy nhất một lần và lần đề cập đó là khi ông ấy cười.
Đây là lần duy nhất Ma Ha Ca Diếp được đề cập trong toàn bộ kinh điển Phật giáo. Đây là một kho tàng văn chương khổng lồ, và trong nhiều thế kỉ, 25 thế kỉ, con người đã đặt câu hỏi:
“Tại sao Ma Ha Ca Diếp lại cười? Và tại sao tiếng cười của ông được chấp nhận? Không chỉ được chấp nhận mà còn được nâng lên tới điểm cao nhất của sự truyền đạt.” Điều gì đó đã xảy ra khi Đức Phật im lặng trao hoa cho Ma Ha Ca Diếp. Thiền trở thành một dòng chảy mới, chảy từ Đức Phật tới Ma Ha Ca Diếp.
Cái tên vĩ đại tiếp theo là Bồ Đề Đạt Ma. Sư phụ ông bảo ông đi tới Trung Hoa, không phải để cải đạo Trung Hoa sang Phật giáo... “Nhưng ở Trung Hoa đã có sẵn một hương thơm tồn tại, hương thơm do Lão Tử, Trang Tử, Liệt Tử tạo ra. Chân lí không phải độc quyền của ai. Sẽ rất tốt nếu con đem kho báu mà Ma Ha Ca Diếp đã truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác tới Trung Hoa. Và hãy để hai dòng huyền môn đẹp đẽ này gặp gỡ nhau.” Giống như việc những đứa con lai thường mạnh mẽ hơn, điều này cũng xảy ra khi hai dòng tư tưởng, hay đúng hơn là phi tư tưởng, gặp gỡ, hợp nhất. Điều gì đó mới mẻ, sâu sắc hơn cả hai, vĩ đại hơn cả hai đã nảy sinh.
Bồ Đề Đạt Ma mất ba năm để tới Trung Hoa. Ông đi đến Trung Hoa và sự lai giống xảy ra. Thiền trong Phật giáo thậm chí được làm cho đơn giản hơn để người Trung Hoa có thể hiểu và sử dụng nó. Nó hưng thịnh ở Trung Hoa, và nhiều bậc thầy vĩ đại bước ra từ kinh nghiệm huyền môn này. Từ Trung Hoa, nó được đem qua Nhật Bản. Lại một cuộc lai giống mới... Và ở Nhật Bản, nó được biểu lộ trong nhiều chiều hướng.
Có hai con đường để một nhân cách biến mất: một chúng ta gọi là “trụ vững” và một chúng ta gọi là “định tâm”.
Ma Ha Ca Diếp và Bồ Đề Đạt Ma sử dụng định tâm: đi vào bên trong, đến một điểm không có gì khác ngoài hiện hữu thuần khiết, không có người. Cách tiếp cận này trở nên đẹp đẽ hơn với di sản vĩ đại của Trang Tử, Liệt Tử và Lão Tử.
Họ cũng là những người dùng định tâm. Họ thám hiểm nội tâm để tìm chính mình, và điều họ tìm thấy là sự vắng mặt tuyệt đối của con người – ngay cả người tìm kiếm cũng biến mất. Từ trạng thái đó không có cái được tìm kiếm lẫn người tìm kiếm, chỉ có sự im lặng tuyệt đối, sống động, tràn đầy âm nhạc của riêng nó, tràn đầy vũ điệu của riêng nó. Nhìn thấy điều này, Ma Ha Ca Diếp đã cười – “Đức Phật liên tục bảo mọi người: ‘Hãy tìm kiếm bản thân mình’ và ông đang lừa gạt họ.” Đây là một phát biểu hoàn toàn chính đáng: “Hãy tìm kiếm bản thân mình”.
Nhưng Ma Ha Ca Diếp biết rằng khi bạn tìm thấy bản thân mình, bạn không còn đó nữa! Nó là một tình huống kì lạ; ngoại trừ tiếng cười, không gì có thể diễn đạt nó.
Có một định nghĩa cổ về triết gia như sau: Trong một đêm tối trời, trong một ngôi nhà tối tăm không có ánh sáng – và thêm nữa, triết gia bị mù – ông ta đang tìm một con mèo đen không có ở đó. Nhưng cuộc tìm kiếm cứ tiếp diễn. Nếu đột nhiên ánh sáng tới, đôi mắt ông ta được chữa lành và ông ta nghĩ về tất cả những rắc rối ông ta đã nhận lấy để tìm con mèo vốn không tồn tại, thì còn gì khác để làm ngoại trừ cười chính mình?
Kẻ ngốc cười người khác. Người trí huệ cười chính mình.
Ở Nhật Bản, sự lai giống đã có một biểu lộ khác thường. Thiền đã đi xa khỏi khởi đầu của nó trong tiếng cười của Ma Ha Ca Diếp – một hành trình dài. Trên hành trình ấy, nó thu thập nhiều biểu lộ mới, nhiều khám phá mới, nhiều phương thức mới. Ở Nhật Bản, cuối cùng nó trở thành đỉnh cao. Đỉnh cao là có thể sử dụng bất cứ thứ gì để tìm ra chân lí. Thậm chí một chiến binh có thể sử dụng thanh gươm của mình khi đang chiến đấu với một chiến binh khác, anh ta không cần phải ngồi thiền. Cung thủ có thể tìm thấy nó trong thuật bắn cung của mình, họa sĩ có thể tìm thấy nó trong hội họa của mình, nhà điêu khắc có thể tìm thấy nó trong thuật điêu khắc của mình.
Điều ở Ấn Độ chỉ là thiền định thuần túy đã lớn lên ở Nhật Bản và phát triển thành nhiều nhánh. Người Ấn không thể tưởng tượng nổi làm sao một chiến binh, một đấu sĩ cầm kiếm, lại có thể thiền định, hoặc làm sao bắn cung có thể là một phương thức thiền định, bởi vì người Ấn chưa bao giờ thử. Thiền cần tiếng cười của Ma Ha Ca Diếp để du hành từ Ấn Độ sang Trung Hoa và từ Trung Hoa sang Nhật Bản. Trong chuyến du hành dài một ngàn năm này, nó thu thập được nhiều tri kiến.
Giáo sư người Đức, Herrigel1, đọc về Thiền và không thể tin được làm thế nào nghệ thuật bắn cung có thể là một dạng thiền định. Có vẻ như chẳng có mối quan hệ nào. Đức Phật ngồi thiền trong tư thế hoa sen, điều đó dường như hoàn hảo. Nhưng để mường tượng ra một cung thủ hay một kiếm thủ, người đang nỗ lực giết kẻ khác, thiền định thì...?
Herrigel đi đến Nhật Bản. Ông ở Nhật Bản trong ba năm2, và tại đó ông tìm ra bí mật. Ông học bắn cung. Tự bản thân ông đã trở thành một cung thủ, một cung thủ bậc thầy, bắn bách phát bách trúng. Nhưng vị Thiền sư dạy ông nói: “Mấu chốt không nằm ở đây. Mấu chốt không nằm ở mục tiêu, mấu chốt nằm ở bên trong ông. Ông đã trụ vững chưa?”
1 Eugen Herrigel là triết gia người Đức. Ông từng sống ở Nhật và học Thiền thông qua nghệ thuật bắn cung dưới sự chỉ dạy của bậc thầy về Thiền và bắn cung Awa Kenzo. Ông là tác giả cuốn Thiền trong nghệ thuật bắn cung.
2 Theo một số nguồn thông tin và tư liệu thì Herrigel sống ở Nhật từ năm 1924 đến năm 1929, chứ không phải ba năm.
Ông nói: “Ở phương Tây, chúng tôi đã thực hành bắn cung hàng trăm năm và chưa ai nghĩ đến trụ vững. Trụ vững là gì?”
Thiền sư nói: “Trụ vững nghĩa là ông gần như trở thành một phần của đất và cho phép trọng lực chảy vào trong ông, tràn ngập ông – đặc biệt là bên dưới rốn, cụ thể là dưới hai tấc. Trọng lực tới từ khắp mọi nơi, và định cư hai tấc bên dưới rốn ông.”
Herrigel hỏi: “Nhưng điều này thì có liên quan gì tới bắn cung? Tôi phải tập trung vào mục tiêu.” Thiền sư đáp: “Quên mục tiêu đi, trước hết hãy trụ vững. Và khi ông bắn tên, hãy thư giãn, để cho trọng lực bắn nó chứ không phải ông.”
Ông ấy nói: “Những lời thầy đang nói thật kì lạ. Tôi sẽ phải bắn. Làm sao trọng lực bắn mũi tên được?”
Trong ba năm, Herrigel chưa bao giờ trượt phát nào; ông đã là một cung thủ bậc thầy. Nhưng sư phụ của ông nói: “Không, ông vẫn trượt. Ta không quan sát mục tiêu của ông – ai quan tâm đến mục tiêu của ông chứ? Ta đang quan sát ông, ông là mục tiêu.”
Tại sao lại hai tấc dưới rốn? Đó là trung tâm của sự sống. Chính từ đó mà bạn được kết nối với mẹ bạn. Chính từ đó mà trong chín tháng ròng bạn được cung cấp mọi thứ bạn cần, và bạn chẳng phải làm gì hết – bạn chỉ thư giãn.
Trụ vững nghĩa là cho trung tâm sự sống này ở bên trong bạn kết nối với lực hấp dẫn, để cho lực hấp dẫn bắt đầu lấp đầy nó. Và sẽ đến một khoảnh khắc bạn không bắn vào mục tiêu. Chắc chắn là bạn ngắm, nhưng cứ như thể mũi tên tự bắn đi. Lực hấp dẫn là đủ để đem nó tới mục tiêu.
Ba năm sau, cuối cùng Herrigel từ bỏ. Ông nói: “Thầy làm tôi phát điên. Tôi đã suy nghĩ ngày đêm về việc phải làm như thế nào.” Và Thiền sư nói: “Đó là điều ta đã luôn bảo ông! Đừng nghĩ về việc phải làm thế nào, cứ để nó xảy ra thôi. Chỉ cần có đủ năng lượng thì nó sẽ xảy ra.”
Cuối cùng Herrigel quyết định quay về. Ba năm là đủ, và thậm chí không một lần nào Thiền sư nói: “Tốt lắm.” Ông ấy luôn luôn nói: “Ông lại trượt rồi.” Ngày nào Herrigel cũng tới và ngày nào ông cũng thất bại. Ông bảo sư phụ: “Tôi xin lỗi, nhưng tôi không thể nắm được mấu chốt vấn đề. Ngày mai tôi rời đi. Tôi sẽ đến để từ biệt thầy.”
Hôm sau ông đến, Thiền sư đang dạy những đệ tử khác và Herrigel chỉ ngồi trên băng ghế quan sát, bởi vì nó không còn là việc của ông nữa; ông đã chấm dứt với nó. Nếu ông đã không thể nắm bắt được nó trong ba năm thì ông không thể nắm bắt được nó trong ba kiếp. Điều sư phụ đang nói vượt khỏi mọi logic.
Cho nên ông ngồi thư giãn, quan sát – quan sát sư phụ bởi vì sư phụ đang dạy cho đệ tử mới. Và đột nhiên ông nhìn ra mấu chốt. Bậc thầy rất thư giãn, không phải tay thầy đang bắn tên; rõ ràng là một lực bên trong nào đó đã làm. Ông đột nhiên đứng dậy, đi tới chỗ sư phụ, cầm lấy cung tên và bắn tên đi.
Lần đầu tiên sư phụ nói: “Ta có thể chứng nhận – ông đã đạt được. Ông đã luôn cố gắng bằng trí óc của mình, luôn căng thẳng. Hôm nay thật tình cờ – ông ngồi thư giãn, nó không phải việc của ông, ông đã chấm dứt với nó... Và bởi vì ông đã chấm dứt với nó, đôi mắt ông rõ ràng, trái tim ông im lặng. Ông đã quan sát trong bình an và im lặng sâu thẳm, và ông đã có thể thấy. Trong ba năm ta đã cố gắng chỉ cho ông thấy nhưng không được bởi vì ông vội vàng học cho nhanh để quay về Đức. Chỉ bây giờ không có vội vàng – ông đã quyết định quay về Đức rồi.
Ta có thể chứng nhận rằng ông đã đạt được không chỉ nghệ thuật bắn cung, mà đồng thời cả nghệ thuật trụ vững.”
Khoảnh khắc bạn trụ vững, giống như cây cối trụ vững – rễ bắt sâu vào đất – khi thân thể bạn nhận lực từ đất và bạn buông thả, sẵn sàng, cho phép chúng lấp đầy trung tâm sự sống của bạn, thì tâm trí thôi vận hành, thời gian ngừng lại. Bên cạnh đó, thiền định xảy ra. Mọi người trên khắp thế giới đã lấy làm lạ: “Thiền định thì liên quan gì tới bắn cung?” Nhưng nó xảy ra. Nó có thể xảy ra với bất cứ cái gì. Mấu chốt là tâm trí dừng lại, thời gian ngừng lại, bạn thư giãn và cho phép sự sống chiếm hữu bạn.
Tôi luôn thích câu chuyện về một vị vua đi qua một ngôi làng. Ông thích bắn cung, bản thân ông là một cung thủ bậc thầy. Ông không thể tin rằng ở ngôi làng nhỏ đó có người là cung thủ vĩ đại hơn mình. Ông không bắn bách phát bách trúng, có lần ông đã bắn trượt. Nhưng ở đây ông nhìn thấy những vòng tròn trên cây và một mũi tên ở chính giữa vòng tròn – cây nào cũng thế.
Ông nói: “Điều này... thậm chí cung thủ giỏi nhất cũng không thể làm được. Nó quá hoàn hảo. Ta muốn gặp người này.” Thế là ông gọi mọi người và hỏi: “Cung thủ đó là ai?” Tất cả họ đều cười. Họ nói: “Bệ hạ quên anh ta đi. Anh ta là tên ngốc trong làng.”
Ông nói: “Các người chẳng hiểu gì. Mang anh ta đến đây. Thuật bắn cung của anh ta là hoàn hảo.”
Dân làng nói: “Bệ hạ chưa hiểu thuật bắn cung của anh ta. Đầu tiên anh ta bắn mũi tên rồi sau đó vẽ một vòng tròn quanh nó. Hiển nhiên, anh ta hoàn hảo, luôn luôn hoàn hảo. Chúng tôi đã bảo anh ta: ‘Không phải thế đâu. Đầu tiên anh phải vẽ vòng tròn trên cây rồi mới bắn. Như vậy thì có thể bắn trượt. Còn cách này quá đơn giản, anh không bao giờ trượt.’”
Nhật Bản là một chủng tộc chiến binh, cho nên một cách tự nhiên, khi Thiền đến Nhật Bản, nó kết giao với tất cả các loại kiếm đạo, nghệ thuật bắn cung và những thứ khác. Nhưng chúng giữ được tinh túy của Thiền ở trong. Thậm chí Ma Ha Ca Diếp sẽ không thành công trong bắn cung, nhưng điều đó không có nghĩa rằng ông không phải người khởi thủy.
Tôi nghĩ Đức Phật cũng khó có thể vượt qua bài kiểm tra Aikido. Ông chắc chắn sẽ trượt. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng Aikido chỉ là tiếng vọng xa xôi đến từ kinh nghiệm của Đức Phật về bản thể của mình. Không có mâu thuẫn nào cả.
Hãy nhớ một điều: Dù bạn đang làm gì – khi đang bổ củi, bạn cũng có thể là một thiền nhân; khi đang đem nước từ giếng lên, bạn cũng có thể là một thiền nhân – thiền định chỉ đơn giản là một sợi chỉ im lặng bên trong bạn. Bạn làm gì cũng được, và sợi chỉ im lặng đó không nên bị rối. Hãy cẩn thận để luôn nhận biết và rồi bạn có thể làm bất cứ điều gì.
Trong Thiền, và chỉ trong Thiền, mới có một điều vô cùng quan trọng đã xảy ra. Đó là không có bất kì sự phân biệt nào giữa đời sống bình thường và đời sống tôn giáo; thay vào đó, nó bắc cầu cho cả hai. Và Thiền dùng những kĩ năng và phương thức thông thường để thiền định. Đây là một điều có tầm quan trọng to lớn. Bởi vì nếu bạn không sử dụng đời sống bình thường làm một phương thức thiền định, thiền định của bạn chắc chắn trở thành một sự đào thoát.
Ở Ấn Độ, chuyện này đã xảy ra, và Ấn Độ đã phải chịu đựng những hậu quả khủng khiếp. Cảnh khốn khổ mà bạn thấy khắp mọi nơi, sự nghèo đói, sự xấu xí kinh khủng của nó, là do Ấn Độ luôn tin rằng đời sống tôn giáo tách biệt khỏi đời sống bình thường. Cho nên những người quan tâm đến tôn giáo đã từ bỏ thế giới. Những người quan tâm đến Thượng Đế đã nhắm mắt lại, ngồi trong hang động của dãy Himalaya và cố gắng quên đi rằng thế giới tồn tại. Họ cố gắng tạo ra ý niệm thế giới chỉ là ảo tưởng, hão huyền, một giấc mơ. Tất nhiên, vì thế mà cuộc sống trở nên quá tồi tệ.
Nhưng ở Nhật Bản, Thiền đã làm được một vài điều rất đẹp đẽ. Đó là lí do tại sao Nhật là quốc gia duy nhất mà ở đó, phương Đông và phương Tây gặp nhau: Thiền định phương Đông và lí trí phương Tây kết hợp sâu sắc ở Nhật Bản. Thiền đã tạo ra toàn bộ hoàn cảnh ở đó. Ở Ấn Độ, bạn không thể nào mường tượng ra rằng kiếm đạo có thể trở thành một phương thức thiền định, nhưng ở Nhật Bản họ đã làm được. Và khi làm việc ấy, họ đã mang một điều mới mẻ vào ý thức tôn giáo.
Cái gì cũng có thể được cải hóa thành thiền định bởi vì toàn bộ mấu chốt là sự nhận thức. Và đương nhiên, trong kiếm đạo, sự nhận thức cần thiết hơn bất cứ nơi nào khác bởi vì mạng sống bị đe dọa trong mọi khoảnh khắc. Khi chiến đấu với một thanh kiếm, bạn phải không ngừng tỉnh táo – chỉ một khoảnh khắc vô ý thức là bạn sẽ ra đi. Trên thực tế, kiếm sĩ thực sự không vận hành từ tâm trí anh ta, anh ta không thể vận hành từ tâm trí bởi vì tâm trí cần thời gian. Nó nghĩ ngợi, tính toán. Khi bạn chiến đấu với một thanh kiếm thì thời gian ở đâu? Không có thời gian. Nếu bạn bỏ lỡ một tích tắc vào việc suy nghĩ, người kia sẽ không bỏ lỡ cơ hội: Thanh kiếm của anh ta sẽ đâm vào tim bạn hoặc cắt lìa đầu bạn.
Cho nên suy nghĩ là không thể. Con người phải hoạt động từ vô trí, con người phải cứ thế hoạt động thôi, bởi vì có nhiều hiểm nguy đến nỗi bạn không thể tận hưởng việc suy nghĩ. Suy nghĩ cần một cái ghế thoải mái. Bạn thư giãn trên cái ghế thoải mái đó và bắt đầu những chuyến đi của tâm trí.
Nhưng khi bạn đang chiến đấu, mạng sống bị đe dọa, những lưỡi kiếm sáng lên dưới ánh mặt trời, trong bất cứ khoảnh khắc nào, chỉ cần một chút không nhận thức thôi là người kia sẽ không đánh mất cơ hội, bạn sẽ ra đi mãi mãi, không có khoảng không cho ý nghĩ xuất hiện, con người phải hoạt động từ trạng thái không có ý nghĩ. Đó chính là thiền định.
Nếu bạn có thể hoạt động từ trạng thái không có ý nghĩ, nếu bạn có thể hoạt động từ vô trí, nếu bạn có thể hoạt động như một thể thống nhất, không phải từ cái đầu, nếu bạn có thể hoạt động từ trực giác của mình, nó có thể xảy đến với bạn. Một tối bạn đang đi bộ và một con rắn cản đường. Bạn sẽ làm gì? Bạn có ngồi lại mà suy nghĩ không? Không, đột nhiên bạn sẽ nhảy ra chỗ khác. Trên thực tế, bạn không quyết định nhảy, bạn không suy nghĩ một cách logic rằng: “Đây là một con rắn, và ở đâu có rắn ở đó nguy hiểm, do đó, ta nên nhảy.” Đó không phải cách nó xảy ra – bạn chỉ nhảy thôi! Hành động là tất cả. Hành động không bị suy nghĩ làm biến chất. Nó xuất phát từ chính cốt lõi bản thể bạn, chứ không xuất phát từ đầu bạn. Tất nhiên, khi bạn đã tránh được nguy hiểm, bạn có thể ngồi lại dưới gốc cây để nghĩ về tất thảy mọi thứ – đó lại là chuyện khác! Khi đó thì bạn có thể tận hưởng.
Nếu ngôi nhà bắt lửa, bạn sẽ làm gì? Bạn có băn khoăn nên đi ra hay không đi ra không –“tồn tại hay không tồn tại”? Bạn có tra cứu một bản kinh xem làm thế có đúng hay không không? Bạn có ngồi im lặng và thiền định về nó không? Bạn chỉ cứ thế thoát khỏi ngôi nhà thôi. Và bạn sẽ chẳng lo lắng về cách cư xử hay phép lịch sự – bạn chỉ nhảy ra khỏi cửa sổ thôi.
Mới hai đêm trước, một cô gái bước vào đây lúc 3 giờ sáng và bắt đầu hét lên ở trong vườn. Asheesh nhảy ra khỏi giường và chạy – chỉ lúc đó anh mới nhận ra mình đang trần truồng. Thế là anh ấy quay lại. Đó là một hành động từ vô trí, không suy nghĩ. Anh ấy chỉ cứ thế nhảy khỏi giường. Suy nghĩ đến sau đó. Suy nghĩ theo sau, tụt lại đằng sau. Anh ấy đã ở trước suy nghĩ. Tất nhiên, nó đã tóm được anh ấy cho nên anh ấy đã bỏ lỡ cơ hội. Lẽ ra nó đã trở thành một satori – một thoáng nhìn vào chứng ngộ – nhưng anh ấy quay lại và mặc áo dài vào. Bỏ lỡ mất rồi!
Kiếm đạo trở thành một trong những phương pháp luận căn bản trong Thiền, bởi vì nó nguy hiểm đến nỗi nó không cho phép suy nghĩ. Nó có thể dẫn bạn đến một dạng hoạt động khác, một dạng thực tại khác, một thực tại riêng rẽ. Bạn chỉ biết duy nhất một cách hoạt động: suy nghĩ trước rồi mới hành động. Trong kiếm đạo, một kiểu hiện hữu khác mở ra cho bạn; bạn hành động trước rồi mới suy nghĩ; suy nghĩ không còn là chính yếu.
Điều này vô cùng đẹp – khi suy nghĩ không là chính yếu, bạn không thể phạm lỗi. Bạn hẳn đã nghe câu “Đã là con người thì ai chẳng mắc lỗi lầm”. Vâng, đúng thế, đã là con người thì ai chẳng phạm lỗi bởi vì tâm trí con người dễ mắc sai lầm. Nhưng khi bạn hoạt động từ vô trí, bạn không còn là con người; bạn là một phần của cái toàn thể, và thế thì không có khả năng phạm lỗi. Cái toàn thể không bao giờ phạm lỗi, chỉ có cái bộ phận thôi; chỉ cái bộ phận mới lầm đường lạc lối.
Khi bạn bắt đầu hoạt động từ cái không, với không luận điệu, không suy nghĩ, không kết luận – kết luận của bạn thì bị hạn chế, chúng phụ thuộc vào kinh nghiệm của bạn, và bạn có thể phạm lỗi – khi bạn đặt tất cả kết luận của mình sang một bên, bạn cũng đang đặt tất cả hạn chế của mình sang một bên. Khi đó, bạn hoạt động từ bản thể không giới hạn, và nó không bao giờ phạm lỗi.
Người ta nói rằng đôi khi ở Nhật Bản, hai hành giả Thiền đều đã đạt tới satori thông qua kiếm đạo sẽ chiến đấu với nhau. Họ không thể bị đánh bại. Không ai có thể chiến thắng vì cả hai bọn họ không bao giờ phạm lỗi. Trước khi người kia tấn công thì người này đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận. Trước khi thanh kiếm của người kia di chuyển để cắt đầu đối phương, anh ta đã chuẩn bị sẵn để bảo vệ bản thân mình, và điều này cũng xảy ra với người kia. Hai hành giả Thiền đã đạt được satori có thể tiếp tục chiến đấu nhiều năm, nhưng họ không thể phạm lỗi. Không ai có thể bại trận và không ai có thể chiến thắng.
TRÀ THẤT – MỘT NGHI THỨC THIỀN
Ở Nhật Bản, họ đã phát triển nghi thức trà đạo. Trong mọi Thiền viện và nhà của những ai có khả năng đều có một thất nhỏ để uống trà. Giờ đây, trà không còn là một điều bình thường, trần tục; họ đã chuyển hóa nó thành một lễ hội. Trà thất được làm theo một cách nhất định – trong một khu vườn xinh đẹp, có một cái ao đẹp đẽ, thiên nga bơi trong ao, hoa nở khắp xung quanh... các vị khách tới phải để giày bên ngoài. Nó là một ngôi đền.
Khi bạn bước vào thất, bạn không thể nói; bạn phải để tư tưởng, suy nghĩ và lời nói bên ngoài cùng đôi giày của mình. Bạn ngồi xuống trong tư thế thiền định. Nữ chủ nhân, người phụ nữ pha trà cho bạn, di chuyển thật duyên dáng, như thể cô ấy đang nhảy múa, đặt những chén và đĩa trước mặt bạn như thể bạn là một vị thần. Với sự kính trọng ấy, cô cúi mình, và bạn nhận nó với sự kính trọng tương đương.
Trà được pha trong một chiếc ấm đặc biệt, có khả năng tạo ra những âm thanh đẹp đẽ, âm nhạc của riêng nó. Một phần của trà đạo là trước tiên mọi người nên lắng nghe âm nhạc của trà. Cho nên mọi người im lặng, lắng nghe... chim hót líu lo ngoài vườn, và trà trong chiếc ấm đang tạo ra bài ca của riêng nó. Một sự bình yên bao trùm tất cả...
Khi trà đã sẵn sàng và được rót vào chén của mỗi người, bạn không uống theo cách mọi người đang làm ở mọi nơi khác. Trước tiên, bạn sẽ ngửi vị thơm của trà. Bạn sẽ nhấm nháp trà như thể nó tới từ cõi cao xa, bạn sẽ chậm rãi – không có gì phải vội cả. Chỉ một điều bình thường – trà suông – nhưng họ đã làm thành một lễ hội tôn giáo đẹp đẽ. Mọi người cảm thấy mình được nuôi dưỡng, khoan khoái sau khi tham dự.