Thiền là độc nhất vô nhị bởi vì không có tôn giáo nào khác tồn tại dựa trên những giai thoại. Chúng không phải thánh thư, chúng chỉ là những chuyện đã xảy ra. Nó tùy thuộc vào bạn…. Nếu bạn hiểu chúng, chúng có thể mở cặp mắt bạn và trái tim bạn. Những giai thoại nhỏ bé, trong chính sự nhỏ bé của chúng, chỉ như những giọt sương, chứa đựng toàn bộ bí mật của đại dương. Nếu bạn có thể hiểu giọt sương, thì không cần phải hiểu đại dương – bạn đã hiểu nó rồi.
Có lần một môn sinh mới hỏi một Thiền sư: “Thưa thầy, nguyên lí đầu tiên là gì ạ?”
Không chút do dự, Thiền sư đáp: “Nếu mà ta nói cho con thì nó sẽ trở thành nguyên lí thứ hai.”
Không thể nói nguyên lí đầu tiên. Không thể nói điều quan trọng nhất, và điều có thể nói được sẽ không phải nguyên lí đầu tiên. Khoảnh khắc chân lí được thốt ra, nó trở thành một lời nói dối; chính việc thốt ra là một sự xuyên tạc.
Cho nên tất cả kinh sách của tất cả tôn giáo đều chứa đựng nguyên lí thứ hai chứ không phải nguyên lí đầu tiên. Chúng chứa đựng lời nói dối chứ không phải chân lí, bởi vì chân lí không thể chứa đựng trong bất cứ lời nào. Chân lí chỉ có thể được trải nghiệm. Chỉ có thể sống theo chân lí, nhưng không có cách nào để nói ra chân lý.
Lời nói là tiếng vọng rất xa xôi của kinh nghiệm thực sự. Nó ở quá xa cái thật đến mức nó còn tệ hơn cái không thật bởi vì nó có thể cho bạn lòng tin sai lầm. Nó có thể cho bạn lời hứa hẹn sai lầm. Bạn có thể tin vào nó, và đó là vấn đề.
Nếu bạn bắt đầu tin tưởng vào giáo lí nào đó, bạn sẽ tiếp tục bỏ lỡ chân lí. Phải biết chân lí bằng kinh nghiệm. Không đức tin nào có thể giúp bạn trên con đường này, tất cả đức tin là rào cản. Tất cả các tôn giáo đều chống lại tôn giáo – nó phải thế bởi chính bản chất của mọi thứ. Tất cả nhà thờ đều chống lại Thượng Đế. Nhà thờ tồn tại vì chúng thỏa mãn một nhu cầu nào đó. Nhu cầu đó là con người không muốn nỗ lực chút nào, họ muốn những đường tắt dễ dàng. Đức tin là một đường tắt dễ dàng.
Con đường đến chân lí vô cùng gian khổ, nó là một nhiệm vụ khó khăn. Con người phải chết đi toàn bộ – con người phải phá hủy bản thân mình hoàn toàn, chỉ khi đó người ấy mới tái sinh. Phục sinh chỉ đến sau khi bị đóng đinh vào thập giá.
Để tránh việc đóng đinh câu rút, chúng ta đã tạo ra những đức tin. Đức tin thì rẻ. Bạn có thể tin nhưng nó vẫn nguyên như cũ. Bạn có thể tiếp tục tin, và nó chẳng yêu cầu bất cứ thay đổi căn bản nào trong mẫu hình cuộc sống của bạn. Nó không yêu cầu bất cứ thay đổi nào trong ý thức của bạn, và trừ phi ý thức thay đổi, nếu không đức tin chỉ là món đồ chơi. Bạn có thể chơi với nó, bạn có thể dùng nó để đánh lừa bản thân, nhưng nó sẽ không nuôi dưỡng bạn.
Hãy hình dung một đứa bé đang chơi trong vườn nhà với những con sư tử tưởng tượng, và rồi đột nhiên nó phải đối mặt với một con sư tử thật sổng khỏi vườn thú. Bây giờ nó không biết phải làm gì. Nó vô cùng sợ hãi. Nó bị tê liệt, nó thậm chí không thể chạy. Nó hoàn toàn thoải mái với trí tưởng tượng, nhưng với thực tế nó không biết phải làm gì.
Đây là tình huống của tất cả những người đang chơi với đức tin, khái niệm, triết lí, học thuyết. Họ đặt những câu hỏi chỉ để hỏi. Câu trả lời là điều cuối cùng họ quan tâm. Họ không muốn câu trả lời. Họ tiếp tục chơi với những câu hỏi, và mỗi câu trả lời lại giúp họ tạo ra nhiều câu hỏi hơn. Mỗi câu trả lời đều không là gì khác ngoài tấm ván nhảy đến nhiều câu hỏi hơn. Chân lí không phải một câu hỏi. Nó là một cuộc truy lùng! Nó không mang tính trí tuệ, nó mang tính hiện sinh. Cuộc truy lùng này là một canh bạc, canh bạc với cuộc đời. Nó cần sự can đảm phi thường. Đức tin không cần sự can đảm. Đức tin là con đường của kẻ nhát gan. Nếu bạn là một người Thiên Chúa giáo hay Hindu giáo hay Hồi giáo, bạn là kẻ nhát gan. Bạn đang lảng tránh con sư tử thật, bạn đang trốn chạy khỏi con sư tử thật.
Nếu bạn muốn đối mặt với cái thật thì không cần đi đến nhà thờ nào cả, không cần đi gặp tu sĩ nào cả, bởi vì cái thật bao quanh bạn cả bên trong và bên ngoài. Bạn có thể đối mặt với nó – nó ở sẵn đây.
Tôi từng nghe:
Một đệ tử hỏi Thiền sư Thủ Sơn1: “Theo các kinh sách thì mọi bản thể đều có Phật tính, tại sao họ lại không biết điều đó?”
Thủ Sơn đáp: “Họ biết!”
Đây là một câu trả lời hiếm có, rất hiếm có, một câu trả lời vĩ đại. Thủ Sơn nói: “Họ biết! Nhưng họ đang lảng tránh nó.” Mấu chốt không phải là làm sao để biết chân lí. Chân lí ở đây, bạn là một phần của nó. Chân lí là bây giờ, không cần đi đâu hết. Nó đã ở đây ngay từ đầu, nếu có khởi đầu nào đó, và nó sẽ ở đây đến cuối cùng, nếu có kết thúc nào đó. Bạn đang lảng tránh nó. Bạn tìm cách để tránh nó. Khi ai đó hỏi: “Con đường đến chân lí là gì” thì thực ra anh ta đang hỏi: “Con đường để tránh chân lí là gì?” Anh ta đang hỏi: “Làm sao tôi có thể trốn thoát?”
1 Một thiền sư thuộc tông Lâm Tế.
Bạn có thể chưa nghe:
Lão già xỏ lá Bồ Đề Đạt Ma nói: “Ai cũng biết con đường, chỉ ít người dám đi, và những người không đi thì luôn khóc lóc: ‘Chỉ đường cho tôi! Đường ở đâu? Cho tôi bản đồ! Nó là đường nào?’”
Những người không đi liên tục khóc lóc và gào thét: “Đường ở đâu?” Song ai cũng biết đường bởi vì cuộc sống là con đường, kinh nghiệm là con đường. Sống là con đường, ý thức là con đường. Bạn đang sống, bạn đang ý thức. Đây là nguyên lí đầu tiên. Nhưng không thể nói ra nó, và tôi đang không nói nó! Và bạn đang không nghe nó.
Chân lí về bản chất là một kinh nghiệm câm. Tất cả kinh nghiệm đều câm bởi vì chúng chỉ xảy ra trong im lặng sâu thẳm. Nếu bạn yêu một phụ nữ, tình yêu xảy ra trong im lặng sâu thẳm. Nếu bạn làm thơ, nó đến với bạn trong im lặng sâu thẳm. Nếu bạn vẽ một bức tranh, bạn biến mất. Họa sĩ không hiện hữu khi bức tranh ra đời, thậm chí không có cả người chứng kiến. Nó xảy ra trong im lặng tuyệt đối và đơn độc tuyệt đối. Nếu bạn ở đó thì bức tranh không thể có giá trị nào. Nếu thi sĩ ở đó thì thơ phú sẽ chẳng là gì ngoài một thứ kĩ thuật. Nó sẽ có đầy đủ niêm luật, nó sẽ theo đúng ngữ pháp, âm luật, nhưng sẽ không phải thi ca. Nó sẽ là cái xác chết.
Chân lí bao quanh bạn. Nó ở trong không khí, ở trong hương thơm của những bông hoa, ở trong dòng chảy của con sông, ở trong những chiếc lá xanh, ở trong những vì sao, ở trong bụi, ở trong bạn. Chỉ có chân lí hiện hữu! Nhưng bạn liên tục lảng tránh nó và đặt ra những câu hỏi. Làm sao để đạt tới chân lí? Bản đồ ở đâu? Đường nào? Và ngay cả khi bạn có bản đồ thì bản đồ cũng không có cách nào giúp được bạn. Ngay từ đầu đã không thể có tấm bản đồ nào cả bởi vì chân lí không ngừng biến đổi. Nó không phải là một hiện tượng tù đọng, nó liên tục biến đổi. Nó đang sống, nó đang thở. Nó không bao giờ giữ nguyên, nó không bao giờ như nhau trong hai khoảnh khắc liền nhau.
Ông già Heraclitus1 nói: “Bạn không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông.” Trên thực tế, bạn thậm chí không thể tắm một lần; dòng sông đang chảy, nó chảy rất nhanh. Và không chỉ dòng sông đang chảy, bạn cũng đang chảy. Bạn không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông: Dòng sông luôn biến đổi. Bạn không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông bởi vì bạn luôn thay đổi.
1 Triết gia vĩ đại, được coi là ông tổ của phép biện chứng.
Chân lí vốn năng động. Chân lí không phải cái gì đó chết. Đó là lí do nó không thể chứa đựng trong ngôn từ. Khoảnh khắc bạn thốt ra nó, nó đã trôi qua, nó đã đi xa hơn, nó không còn như cũ. Khoảnh khắc bạn nói nó ra, nó không còn như vậy nữa. Ngôn từ tụt lại phía sau.
Để được ở cùng với chân lí thì chỉ có một khả năng: vứt bỏ ngôn từ đi. Ngôn từ luôn tụt lại phía sau. Ngôn ngữ là què quặt. Chỉ im lặng có thể đi cùng chân lí, tay trong tay. Chỉ im lặng có thể dịch chuyển cùng chân lí. Chỉ im lặng có thể đủ nhanh, bởi vì im lặng không phải đem theo gánh nặng nào.
Ngôn từ thì nặng nề, chúng đem theo nhiều gánh nặng. Cho nên khi bạn mang theo ngôn từ, những học thuyết vĩ đại trong đầu bạn, những trừu tượng vĩ đại, thì bạn không thể bước cùng chân lí. Để bước cùng chân lí phải không có trọng lượng, không mang theo thứ gì. Im lặng có cánh. Cho nên chỉ trong im lặng mới biết được chân lí, và chỉ trong im lặng chân lí mới được chuyển giao, tống đạt.
Môn sinh mới hỏi Thiền sư:
“Thưa thầy, nguyên lí đầu tiên là gì ạ?”
Anh ấy hẳn là một môn sinh mới, một người mới bắt đầu; nếu không thì câu hỏi này thật ngu xuẩn, ngốc nghếch. Cả một người ngốc lẫn một triết gia đều có thể hỏi nó. Câu hỏi này vô nghĩa bởi vì “đầu tiên” nghĩa là nền tảng nhất. Tâm trí không thể chứa đựng nó bởi vì nó chứa đựng tâm trí! Cái “đầu tiên” nghĩa là cái căn bản; nó có trước tâm trí, thế thì làm sao tâm trí có thể lĩnh hội nó được? Tâm trí đi ra từ nó, tâm trí là sản phẩm phụ của nó. Đứa con không thể biết người cha, người cha mới có thể biết đứa con. Thực tại có thể biết bạn, nhưng bạn không thể biết thực tại. Cái bộ phận không thể biết cái toàn thể, cái toàn thể có thể biết cái bộ phận. Và cái bộ phận không thể chứa đựng cái toàn thể. Bây giờ tâm trí là một bộ phận rất tí hon. Nó không thể chứa cái bao la của thực tại. Phải, người mà hỏi câu này ắt là người mới bắt đầu.
“Nguyên lí đầu tiên là gì, thưa thầy?"
Và Thiền sư đáp:
“Nếu mà ta nói cho con thì nó sẽ trở thành nguyên lí thứ hai.”
Thế thì nó sẽ là tiếng vọng, sự phản chiếu, hình ảnh trong gương. Bạn có biết mình là ai không? Bạn không biết, nhưng bạn biết hình ảnh trong gương của mình. Bạn biết tên mình, bạn biết địa chỉ của mình, bạn biết tên của dòng họ, quốc gia, tôn giáo, đảng phái chính trị mà bạn thuộc về. Bạn biết khuôn mặt mình được phản chiếu trong gương. Bạn không biết khuôn mặt thật của bạn. Bạn vẫn chưa chạm trán khuôn mặt nguyên bản của mình.
Các Thiền sư kiên trì nói với đệ tử của họ: “Hãy nhìn vào khuôn mặt nguyên bản của con – khuôn mặt mà thậm chí con đã có từ trước khi cha con sinh ra, khuôn mặt mà con sẽ có khi con chết, khuôn mặt của con, khuôn mặt nguyên bản của con.”
Tất cả những gì chúng ta biết về khuôn mặt chúng ta không thực sự là khuôn mặt chúng ta. Nó là mặt nạ của thân thể, mặt nạ của tâm trí. Chúng ta không biết ai sống trong thân thể. Chúng ta biết chân lí như một thứ đồ dùng lại của người khác, vay mượn từ người khác.
Bất cứ khi nào thứ gì đó được vay mượn, nó trở nên xấu xí. Chỉ có kinh nghiệm trực tiếp là đẹp đẽ, bởi vì nó có tính giải thoát. Thứ dùng lại là xấu xí bởi vì nó trở thành sự bó buộc. Nếu bạn trở thành người có tôn giáo, bạn sẽ được giải thoát. Nếu bạn trở thành một người Thiên Chúa giáo hoặc Hindu giáo hoặc Hồi giáo, bạn sẽ ở trong cảnh lệ thuộc. Mohammed1 được giải thoát bởi vì với ông, Hồi giáo là kinh nghiệm trực tiếp. Jesus cũng được giải thoát bởi vì kinh nghiệm của ông đích thực là kinh nghiệm của ông. Đức Phật được giải thoát, ông trực tiếp trải nghiệm. Không có ai khác trao tay cho ông, nó không phải là sự vay mượn, nó không phải là sự suy nghĩ thấu đáo, nó không phải là suy luận logic, nó không phải là suy lí. Nó là kinh nghiệm!
Hãy thận trọng với suy lí. Bạn được dạy suy lí là để tránh kinh nghiệm. Có những người nói: “Thượng Đế tồn tại bởi vì nếu Thượng Đế không có đó thì ai sẽ tạo ra thế giới? Thượng Đế phải tồn tại bởi vì thế giới tồn tại.”
Vào một ngày nọ tôi đọc được một câu chuyện về một giáo sĩ Do Thái:
Bạn bước vào chùa, tháo giày ra, và Thiền tin rằng: “Nơi mà bạn để lại giày của bạn, bạn cũng để lại chính bản thân bạn.”
1 Nhà tiên tri sáng lập Hồi giáo.
Một người tới gặp vị giáo sĩ Do Thái. Người này là một người vô thần và anh ta nói: “Tôi không tin vào Thượng Đế mà ông thì lại nói về Thượng Đế. Vậy bằng chứng đâu?” Và giáo sĩ nói: “Bảy ngày nữa anh hãy quay lại, và hãy mặc một bộ đồ mới.” Người đàn ông nói: “Nhưng điều đó có liên quan gì đến câu hỏi của tôi?” Giáo sĩ đáp: “Có chút liên quan đấy. Cứ đi đến thợ may, đặt một bộ đồ mới và trở lại đây sau bảy ngày.”
Người đàn ông quay trở lại một cách miễn cưỡng bởi vì anh ta chẳng thấy chút liên quan nào giữa câu hỏi của mình với câu trả lời anh ta nhận được. Nhưng anh ta vẫn quay lại, anh ta mặc một bộ đồ mới. Giáo sĩ nói: “Ai đã làm ra bộ đồ này?” Người đó đáp: “Ông điên rồi sao? Ông đang hỏi kiểu câu hỏi gì vậy? Tất nhiên là thợ may làm ra bộ đồ này.” Giáo sĩ nói: “Bộ đồ ở đây, nó chứng tỏ rằng thợ may tồn tại. Không có thợ may, bộ đồ không thể ở đây. Và thế giới cũng như thế. Thế giới ở đây: Hẳn phải có một thợ may làm ra nó, một đấng sáng tạo.”
Đây là suy lí.
Chuyển cảnh. Trong một ngôi làng nhỏ ở Ấn Độ, một nhà huyền môn đang ngồi cùng các đệ tử. Họ đang ngồi im lặng, có một sự im lặng ngập tràn. Đây là satsang – các đệ tử đang uống vào sự hiện diện của Thầy. Một người vô thần, một học giả, một nhà luận lí học có tiếng đến đó và ông ấy nói: “Tôi đến để hỏi một câu hỏi. Có gì chứng minh là có Thượng Đế?” Nhà huyền môn mở mắt ra và nói: “Nếu ông muốn có bằng chứng về Thượng đế thì hãy nhìn vào mắt những người mộ đạo. Chẳng có bằng chứng nào khác.”
Thượng Đế tồn tại trong mắt người mộ đạo. Thượng Đế tồn tại trong cái nhìn của những người tình. Nó là kinh nghiệm đến từ cốt lõi sâu thẳm nhất trong bản thể bạn, trái tim bạn. Chẳng có bằng chứng nào khác. Thượng Đế không phải một khái niệm. Thượng Đế là thực tại, là kinh nghiệm, kinh nghiệm sâu thẳm, sâu sắc nhất của riêng mỗi cá nhân. Tất cả những thứ khác chỉ là ngoại biên. Thượng Đế là kinh nghiệm của trung tâm sâu nhất bên trong bạn. Khi nào bạn được định tâm, bạn sẽ biết.
Nhưng bạn đã được dạy để tin vào Thượng Đế của các triết gia. Đó là cách để tránh Thượng Đế thật! Thượng Đế thật rất hoang dại! Thượng Đế thật rất điên khùng! Thượng Đế thật là cái không biết và không thể biết. Và Thượng Đế thật không thể bị kiểm soát. Thượng Đế thật có thể chiếm hữu bạn, bạn không thể chiếm hữu Thượng Đế thật. Và đó là nỗi sợ: Tâm trí luôn luôn lo sợ thứ gì đó mà nó không thể chiếm hữu. Tâm trí liên tục chơi trò chơi với ngôn từ, ý niệm, triết lí. Ở đó, nó có thể vẫn là ông chủ. Với cái giả, tâm trí là ông chủ; với cái thật, tâm trí trở thành nô lệ, và tâm trí không muốn trở thành nô lệ. Cho nên tâm trí thỏa mãn hoàn toàn với cái đã qua sử dụng.
Thượng Đế của bạn là cái đã qua sử dụng. Tình yêu của bạn cũng là cái đã qua sử dụng. Thơ ca của bạn là cái đã qua sử dụng. Điệu vũ của bạn là cái đã qua sử dụng. Bài hát của bạn là cái đã qua sử dụng. Và tất nhiên tất cả những cái đã qua sử dụng này biến bạn thành cái đã qua sử dụng, thế là bạn mất tất cả tính nguyên bản.
Tôn giáo chẳng có gì dính dáng đến logic. Tôn giáo liên quan đến nguyên lí đầu tiên. Logic giao dịch với cái đã qua sử dụng. Logic giao dịch với đồng nát, với cái dùng rồi – rất nhiều người đã dùng. Logic giao dịch với suy lí. Và hãy nhớ, nó còn tốt chừng nào bạn còn ở trong mớ rác thải trí tuệ của thế giới con người; khoảnh khắc bạn vượt khỏi ranh giới đó, logic thất bại hoàn toàn; nó ngã sõng soài trên mặt đất.
Tôi đã nghe một giai thoại đẹp:
Đoàn người đi săn dựng trại ở một khu vực nguy hiểm và để bảo vệ mình khỏi thú hoang, họ xây một hàng rào cao xung quanh trại. Cho chắc chắn, họ đào một hào sâu xung quanh hàng rào. Một buổi tối, một thành viên trong nhóm, vốn là một giáo sư triết học và là một nhà luận lí học nổi tiếng thế giới, bất cẩn đi ra ngoài tản bộ mà không mang theo súng và ông đã bị một con sư tử tấn công. Ông ta chạy về trại, con sư tử đuổi theo sau và ông bị ngã xuống hào. Các bạn ông ở bên trong nghe thấy tiếng gào thét kinh hoàng từ bên ngoài, và họ chạy ra xem; họ thấy người đàn ông đáng thương – triết gia đáng thương – đang chạy vòng quanh ở trong hào và con sư tử đang theo sát. “Coi chừng, nó ở ngay phía sau ông đấy,” họ hét xuống chỗ ông.
Triết gia hét trả lại: “Không sao đâu. Tôi chạy nhanh hơn nó một vòng.”
Thiền không quan tâm đến giáo lí. Nó quan tâm đến việc giúp bạn liên lạc với bản thể của mình.
Logic vô nghĩa đối với cuộc sống. Cuộc sống hoàn toàn không logic, cuộc sống là phi logic. Logic là nhân tạo, do tâm trí con người chế tạo ra. Cuộc sống là phi lí.
Cho nên, nếu bạn đi qua suy lí, bạn sẽ tới cái đã qua sử dụng. Nếu bạn đi qua kinh nghiệm, bạn sẽ tới cái mới nguyên.
Tôn giáo là triệt để. Nhà thờ là không triệt để. Từ triệt để nghĩa là “thuộc về gốc rễ”. Tôn giáo là triệt để, tôn giáo là sự nổi dậy. Nhà thờ không phải sự nổi dậy, chúng là chính thống. Do đó, tôi xin nhắc lại, tất cả nhà thờ đều chống lại tôn giáo. Tất cả những kẻ được gọi là người của tôn giáo đều chống lại tôn giáo. Chúng dùng một thực thể giả, chúng dùng một đồng tiền giả. Đó là lí do tại sao trên Trái Đất quá nhiều người trông có vẻ có tôn giáo mà thậm chí không có một vết tích nào của tôn giáo. Có quá nhiều người nói về Thượng Đế, nhưng nó vẫn là những bài nói rỗng không.
Bạn đã bao giờ cảm thấy Thượng Đế chưa? Bạn đã nghe đi nghe lại từ đó. Bạn phát chán từ đó. Nó gần như trở thành một từ xấu xa. Từ thời thơ ấu mọi người đã áp đặt từ đó lên bạn. Bạn đã bao giờ có thoáng nhìn nào về Thượng Đế chưa?
Đây là một điều rất kì lạ. Làm sao chúng ta có thể bỏ lỡ ông ấy? Nếu ông ấy là cái toàn bộ, nếu ông ấy ở khắp mọi nơi, làm sao chúng ta có thể bỏ lỡ ông ấy? Đã có chuyện gì mà chúng ta bỏ lỡ ông ấy được? Chúng ta hẳn phải đang làm những việc rất to lớn thì mới bỏ lỡ ông ấy được. Chúng ta hẳn phải đang làm rất nhiều việc thì mới bỏ lỡ ông ấy được. Chúng ta hẳn đang tránh xa ông ấy. Chúng ta hẳn đang tạo ra nhiều rào cản, chướng ngại và ngăn trở để ông ấy không thể đến được với chúng ta.
Những từ này thật trống rỗng: Thượng Đế, tình yêu, bình an, cầu nguyện. Tất cả những từ đẹp đẽ đã trở thành trống rỗng. Tất cả những thứ xấu xí lại rất thật. Chiến tranh là thật, tình yêu là không thật. Điên khùng là thật, thiền định là không thật. Cái đẹp hoàn toàn không tồn tại, xấu xí ở khắp mọi nơi. Bạn có thể bắt gặp cái xấu xí bất cứ khoảnh khắc nào. Nhưng Thượng Đế là cái đẹp, Thượng Đế là chân lí, Thượng Đế là tình yêu.
Vậy chuyện gì đã xảy ra? Chúng ta đã được huấn luyện về những từ trống rỗng, và chúng ta đã trở nên mãn nguyện với những từ trống rỗng này.
Vứt bỏ sự mãn nguyện này đi! Nếu bạn muốn biết thực tại, hãy bất mãn với tất cả những gì đã được dạy, bất mãn với tất cả những gì đã được giáo dục! Hãy bất mãn với giáo dục của bạn, với xã hội của bạn, với cấu trúc quyền lực xung quanh bạn, nhà thờ, tu sĩ. Hãy bất mãn! Hãy bất mãn với tâm trí của chính mình. Chỉ trong bất mãn đó thì mới xuất hiện một khoảnh khắc bạn có khả năng vứt bỏ tất cả tâm trí và tất cả những điều vô nghĩa này cùng với nó... Và đột nhiên Thượng Đế ở đây, nguyên lí đầu tiên ở đây.
Một chàng trai trẻ, ngây thơ, cả đời luôn được che chở, cuối cùng quyết định rằng anh ta không thể chịu đựng thêm nữa. Anh ta sắp xếp một cuộc hẹn với bác sĩ và tuôn ra toàn bộ câu chuyện.
Anh ta nói: “Đây là cô gái mà tôi đang hẹn hò. “Tôi đã nghi ngờ cô ấy rất dễ dãi nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ cô ấy lại là một kẻ cuồng tình dục. Đã nhiều tuần nay, đêm nào tôi cũng không ngừng cố gắng phá vỡ mối quan hệ tình cảm nhưng tôi không có đủ cương quyết. Tôi phải làm sao đây? Sức khỏe của tôi không thể chịu đựng thêm được nữa.”
Bác sĩ nói dứt khoát: “Tôi hiểu. “Nói cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra, anh có thể tin tưởng tôi.”
“Thôi được, đêm nào tôi cũng để cô ấy lái xe của tôi. Chúng tôi đỗ xe ở con phố hẻo lánh nào đó. Sau đó cô ấy bảo tôi vòng tay qua người cô ấy. Và rồi, đêm nào cô ấy cũng vươn ra và nắm tay tôi.”
“Và rồi?”
“‘Và rồi’ nghĩa là sao?” Chàng thanh niên thở hắt ra. “Còn gì hơn nữa chứ?”
Đó là điều đã xảy ra với tôn giáo. Khoảnh khắc mà từ tôn giáo được thốt ra, bạn nhớ đến những khuôn mặt dài thuỗn trong nhà thờ, những tu sĩ buồn bã, những nhà thần học nghiêm nghị, cố gắng chẻ sợi tóc làm tư, chặt nhỏ những ngôn từ trừu tượng mà không ai hiểu tại sao hay để làm gì. Tôn giáo bần cùng rồi. Tôn giáo của các triết gia đã phá sản. Tôn giáo của những người trí thức không còn liên quan gì nữa, nó đã mất hết sự liên quan.
Tôn giáo cũ đã chết rồi! Và thật tốt là nó đã chết. Thượng Đế cũ chết rồi! Và thật tốt là nó đã chết bởi vì giờ đây cánh cửa mở ra và chúng ta có thể tìm kiếm một Thượng Đế mới: một Thượng Đế thật hơn, không mang tính khái niệm, hiện sinh hơn, không mang tính triết học, một Thượng Đế có thể được nhìn thấy, yêu thương, sống theo, một Thượng Đế có thể chuyển hóa cuộc sống của bạn, một Thượng Đế mà chính là cuộc sống và không gì khác.
Cần có một kiểu tôn giáo khác trên thế giới, một tôn giáo ở cấp độ trực giác, một tôn giáo có máu và sự sống, một tôn giáo có trái tim đang đập. Tôn giáo cũ chết rồi, và mọi người đang thờ phụng xác chết. Những người đem theo xác chết dần dần cũng sẽ trở thành giống xác chết mà họ đang mang theo.
Nguyên lí đầu tiên là một tôn giáo ở cấp độ trực giác, một tôn giáo bạn có thể trải nghiệm ở cốt lõi tận cùng bên trong mình, trong nội hàm bản thể của bạn. Bạn là miếu thờ của nguyên lí đầu tiên. Không Kinh Thánh, không kinh Koran, không kinh Veda.
Bạn là miếu thờ của nguyên lí đầu tiên. Con đường duy nhất để đạt đến cái thật là đi vào bên trong, đi vào trong. Quay vào trong.
Đó là tất cả về thiền định. Đó là lí do tại sao Thiền không quan tâm đến giáo lí. Nó quan tâm đến việc giúp bạn liên lạc với bản thể của mình.
Khi Tổ thứ năm của Thiền, Hoằng Nhẫn, được hỏi tại sao lại chọn Huệ Năng là người truyền thừa trong số năm trăm nhà sư trong tu viện của ông, ông đáp: “Bốn trăm chín mươi chín đệ tử của ta thấu hiểu cặn kẽ Phật giáo, và chỉ có Huệ Năng là chẳng hiểu bất cứ điều gì về nó. Anh ta không phải là người có thể đo lường bằng bất cứ chuẩn mực thông thường nào. Cho nên, chiếc áo cà sa truyền thừa được trao cho anh ta.”
Bởi vì ông ấy “chẳng hiểu bất cứ điều gì về nó”. Một sự thấu hiểu bằng trí óc thì không phải là thấu hiểu. Nó là sự lừa dối, ảo tưởng, giấc mơ, sự thay thế. Bởi vì bạn đang bỏ lỡ cái thực và bởi vì bạn không đủ can đảm chấp nhận sự thật rằng mình đang bỏ lỡ cái thực, bạn thay thế nó. Nó là bông hoa bằng nhựa. Bạn thay thế cái thật bằng cái giả rồi cảm thấy ổn. Bạn bắt đầu nghĩ rằng bạn có nó. Nhưng bạn không có nó! Tay bạn trống trơn.
Tất cả 499 đệ tử còn lại của Hoằng Nhẫn là những học giả. Trong nhiều năm họ đã nghiên cứu mọi kinh sách. Họ thuộc toàn bộ kinh sách làu làu. Và ông ấy đã chọn một người chẳng hiểu bất cứ điều gì. Người mà ông chọn, Huệ Năng, hoàn toàn không có tiếng tăm trong tu viện. Không ai thậm chí nhận thức được sự tồn tại của ông ở đó.
Khi Huệ Năng đến chỗ sư phụ, sư phụ đã hỏi ông một câu: “Con có thực sự muốn biết không? Con có muốn không? Con muốn biết những điều về chân lí, hay con muốn biết chính chân lí?” Và Huệ Năng nói: “Biết những điều về chân lí để làm gì ạ? Xin hãy cho con điều thực sự.” Và sư phụ nói: “Thế thì hãy xuống nhà bếp giã gạo – và đừng bao giờ quay lại chỗ ta nữa. Đến thời điểm thích hợp ta sẽ gọi con.”
Mười hai năm qua đi, Huệ Năng vẫn làm việc trong bếp, ở phía sau. Mọi người thậm chí không biết về ông. Không ai biết tên ông. Ai lại bận tâm suy nghĩ đến một người làm việc trong bếp từ sáng sớm đến tối mịt chứ? Cả tu viện không biết về ông. Trong tu viện có những học giả lớn, những người nổi tiếng, những nhân vật danh tiếng: Tên họ vang khắp nước Trung Hoa. Ai bận tâm về Huệ Năng chứ?
Mười hai năm qua đi, và rồi một hôm, sư phụ tuyên bố: “Thời khắc của ta đã tới và ta sẽ rời khỏi thế giới này, cho nên ta phải chọn một đệ tử là người truyền thừa của ta. Bất cứ ai nghĩ mình sẵn sàng, có khả năng trở thành người truyền thừa của ta, hãy viết bốn câu trước cửa phòng ta để thể hiện sự thấu hiểu của mình.” Học giả vĩ đại nhất đến đó trong đêm và viết bốn câu, những câu đẹp đẽ, tinh túy của nguyên lí thứ hai. Thông qua tâm trí thì bạn không thể vươn cao hơn thế. Ông ta viết: “Tâm trí giống như tấm gương. Bụi tích tụ lên nó. Lau bụi đi và bạn sẽ biết nó là gì.” Đúng hoàn hảo, tuyệt đối ổn. Còn có thể thêm gì nữa?
Cả tu viện xôn xao. Mọi người thảo luận, bàn cãi xem liệu sư phụ có chọn người này làm người truyền thừa hay không. Và mọi người tìm cách nói hay hơn, nhưng không ai có thể tìm ra điểm gì sai trong đó. Không có gì sai cả...
Đây là một trong những điều khó khăn nhất về trí năng. Có gì sai trong một bông hoa nhựa? Chẳng có gì sai. Về mặt nào đó – về nhiều mặt – nó có lẽ còn tốt hơn bông hoa thật. Bông hoa thật thì sớm nở tối tàn. Bông hoa nhựa ổn định hơn, lâu dài hơn – cho ý niệm về sự bất diệt! Bông hoa thật thì nhất thời. Bông hoa thật nở rồi tàn, bông hoa nhựa không biết đến cái chết. Nó là thứ gần với sự bất diệt nhất. Và có gì sai trong nó? Nó có thể có nhiều màu sắc như bông hoa thật – thậm chí nhiều màu sắc hơn bởi vì bạn thích thế nào thì nó thế ấy. Bạn cũng có thể làm cho nó tỏa hương nữa. Nhưng nó thiếu một điều gì đó căn bản, nó chết.
Không ai có thể tìm ra điều gì sai. Và mọi người cố gắng nói hay hơn, nhưng tất cả bọn họ đều là trí thức. Bạn không thể nói hay hơn thế, đây là điểm cuối cùng tâm trí với tới. Và nó dường như logic: “Tâm trí giống như tấm gương. Bụi tích tụ lên nó, và rồi nó không thể phản chiếu” – đó là điều đã xảy ra với tâm trí.
Thế rồi một nhóm các nhà sư thảo luận nó, và nó truyền đến tai Huệ Năng, người đang làm việc của mình trong bếp. Ông nghe thấy họ đang nói về những câu đẹp đẽ này, tinh túy của tất cả các kinh sách, và ông cười.
Trong 12 năm chưa ai từng nghe thấy ông cười. Ông cười. Các nhà sư nhìn ông và hỏi: “Cái gì vậy? Sao anh lại cười?” Và ông nói: “Nó hoàn toàn vô nghĩa. Nó không đúng.” Họ không tin nổi vào tai mình. Người này, người giã gạo, suốt 12 năm chỉ giã gạo... Thậm chí chưa ai từng trông thấy anh ta hành thiền.
Làm sao bạn có thể thấy Deeksha1 đang thiền được? Không thể nào.
1 Ý muốn nói người đã vượt ra khỏi tâm trí.
Người ta không bao giờ biết... Người này, anh ta đã chứng ngộ hay gì đó ư? Họ không thể tin nổi, và họ là những học giả, cho nên họ cười vào sự ngớ ngẩn này và nói: “Tất cả các học giả lớn ở đây còn anh chỉ là một người giã gạo! Suốt 12 năm không ai thấy anh đọc kinh, nghiên cứu, ngồi bên cạnh sư phụ hay truy vấn điều gì đó – anh có thể nói hay hơn sao?”
Huệ Năng nói: “Tôi có thể, nhưng có một vấn đề. Tôi không biết chữ. Mười hai năm trước thì tôi biết, tôi từng viết chút ít, nhưng giờ tôi quên rồi.”
Việc này xảy ra, việc quên đi cái đã học xảy ra. Quên đi cái đã học là tiến trình để chứng ngộ. Bởi vì bạn đã học những cách sai, và những cách sai đó là chướng ngại, nên bạn phải quên đi. Khi bạn sinh ra, bạn chứng ngộ; nhưng rồi bạn bị ép vào trạng thái không chứng ngộ. Bạn bị ép vào một xã hội mất trí. Bạn buộc phải điều chỉnh theo xã hội mất trí này. Nếu bạn khốn khổ thì chẳng có gì là lạ cả. Bạn khốn khổ bởi vì đây không phải bản chất thực sự của bạn. Đây không phải sự nở hoa của bản thể bạn.
Cho nên ông nói: “Tôi không viết được. Tôi đã quên hoàn toàn. Nếu anh viết được, tôi có thể nói vài điều; anh hãy viết nó ra.” Rồi ông đơn giản nói: “Tâm trí hoàn toàn không phải tấm gương. Bụi có thể tích tụ vào đâu? Người nào biết thì sẽ biết.”
Tâm trí không phải tấm gương. Bụi có thể tích tụ vào đâu? Một người biết được điều này thì đã biết, đã chứng ngộ, đã nhìn vào cốt lõi sâu nhất bản thể của mình.
Khi những lời này được viết lên cửa phòng sư phụ, sư phụ rất giận dữ. Hãy nghe cho kĩ – sư phụ rất giận dữ. Ông nói: “Đem Huệ Năng đến đây ngay lập tức, ta phải đánh hắn.” Các học giả mừng rỡ lắm, họ nói: “Phải thế chứ. Mang gã đó đến đi.”
Huệ Năng được mang tới, và sư phụ đưa ông vào trong rồi bảo: “Vậy là con đã có nó! Bây giờ con hãy trốn khỏi tu viện này đi. Đây là cà sa của ta, con là người truyền thừa của ta. Nhưng nếu ta nói cho mọi người, họ sẽ giết con. Việc chấp nhận một người giã gạo là người đứng đầu tu viện quá trái với bản ngã của họ. Con hãy trốn đi. Đó là lí do tại sao ta tức giận. Tha lỗi cho ta. Ta phải thế. Trốn khỏi tu viện này và đi càng xa càng tốt. Con là người truyền thừa của ta, nhưng những người này sẽ giết con.”
Các học giả rất tham vọng và có tính chính trị rất cao. Hãy đi đến bất cứ trường đại học nào và bạn sẽ thấy. Đi đến bất cứ học viện nào và bạn sẽ thấy. Bạn sẽ không bao giờ thấy ở đâu người ta nói xấu sau lưng nhiều như ở trường đại học. Giáo sư nào cũng chống lại tất cả những người khác, giáo sư nào cũng tìm cách kéo những người khác xuống, giáo sư nào cũng nghĩ mình là người duy nhất đủ khả năng làm phó hiệu trưởng hoặc hiệu trưởng. Và tất cả đều là lũ ngốc.
Huệ Năng trốn đi. Trong vòng hai hay ba ngày, người ta cảm thấy có chuyện gì đó đã xảy ra. Huệ Năng đã mất tích, và cà sa của sư phụ cũng mất tích. Họ bắt đầu tìm kiếm ông. Học giả vĩ đại nhất, người đã viết bài đầu tiên, cũng tham gia tìm kiếm. Huệ Năng bị bắt trong một khu rừng, và khi bị bắt, ông nói: “Anh có thể lấy chiếc cà sa này. Tôi hoàn toàn không quan tâm đến nó, nó chẳng để làm gì cả. Tôi đã giã gạo rất vui vẻ. Giờ đây tôi phải cố gắng trốn chạy mà chẳng có lí do gì. Anh lấy chiếc cà sa này đi.”
Ông bỏ chiếc áo trên mặt đất, học giả cố gắng cầm nó lên nhưng nó quá nặng. Anh ta không thể nhấc nó lên được.
Anh ta ngã lăn ra đất, mồ hôi đầm đìa, và nói với Huệ Năng: “Thứ lỗi cho tôi. Tôi đến vì chiếc áo, nhưng chiếc áo không sẵn sàng đi cùng tôi. Tôi không đủ khả năng. Và tôi biết rằng tôi không đủ khả năng bởi vì tất cả những gì tôi biết toàn ngôn từ là ngôn từ. Thứ lỗi cho tôi... và hãy dạy cho tôi điều gì đó.”
Huệ Năng nói: “Vấn đề của anh chính là dạy, anh đã dạy bản thân anh quá nhiều. Bây giờ hãy quên đi điều được dạy, quên đi điều được học. Bây giờ hãy vứt bỏ tất cả những gì anh biết. Tri thức là rào cản đối với việc biết.”
Đó là lí do tại sao sư phụ nói: “...và chỉ có Huệ Năng là chẳng hiểu bất cứ điều gì về nó.” Nếu bạn không có bất kì sự thấu hiểu bằng trí óc nào, sẽ xuất hiện một sự thấu hiểu vĩ đại. Nó không phải của tâm trí, mà của toàn bộ bản thể bạn. Sự thấu hiểu đó cho bạn nguyên lí đầu tiên, hương vị đầu tiên của Đạo.
Tôi từng nghe:
Một người chủ ngựa giàu có qua đời và để lại gia sản kếch xù cho một trường đại học. Tuy nhiên, trong di chúc có điều khoản là trường phải trao bằng Tiến sĩ Thần học cho con ngựa yêu thích của ông. Bởi vì trường đại học khắc khoải về việc được nhận món tiền – nó thực sự là một số tiền lớn – hiệu trưởng đã định ngày cho con vật nhận bằng.
Sự kiện khác thường này có sự tham gia của báo giới, và một trong số các phóng viên đã hỏi hiệu trưởng: “Ông phản ứng như thế nào với việc kì lạ này?”
“À,” hiệu trưởng trả lời, “tôi đã từng trao nhiều bằng cấp. Tuy nhiên, tôi phải thừa nhận đây là lần đầu tiên tôi trao bằng cho một con ngựa đích thực.”
Tất cả những lần khác đều là lừa, chứ không phải ngựa đích thực.
Tâm trí không thể có chút liên lạc nào với thực tại. Sống trong tâm trí là sống như một kẻ ngốc. Sống với tâm trí, trong tâm trí, theo tâm trí, là sống một cuộc sống ngớ ngẩn. Khoảnh khắc bạn nới lỏng một chút khỏi tâm trí, bạn hân hoan. Khoảnh khắc bạn nới lỏng một chút khỏi tâm trí, bạn vui sướng. Bạn nới lỏng một chút khỏi tâm trí, và Thượng Đế xuất hiện.
Đột nhiên các cánh cửa mở ra. Chúng chưa bao giờ bị đóng, chỉ có tâm trí của bạn chắn đường.
Tâm trí có thể cho bạn nguyên lí thứ hai. Nguyên lí đầu tiên chỉ có thể đến thông qua vô trí. Thiền định nghĩa là trạng thái vô trí. Thiền định không có nghĩa là “nghĩ về”. Thiền định nghĩa là hoàn toàn không nghĩ gì cả. Đương nhiên, nó không có nghĩa là rơi vào giấc ngủ. Nó nghĩa là rơi vào tỉnh thức. Nó nghĩa là suy nghĩ phải tan biến, chỉ có ý thức thuần khiết nên ở đó, một sự hiện diện, một sự hiện diện chói lọi: Bạn thấy; có sự rõ ràng, minh bạch.
Ý nghĩ không cho phép bạn thấy, hoặc ngay cả khi chúng cho phép, chúng bóp méo. Hoặc chúng diễn dịch. Chúng không bao giờ cho phép thực tại đến với bạn một cách nguyên chất. Chúng trang trí nó, chúng thay đổi nó, chúng tô màu nó. Chúng biến nó thành thứ bạn dễ tiêu hóa. Chúng làm nó phù hợp với bạn. Và bạn là giả, bạn là chiếc mặt nạ, cho nên khi thực tại bị cắt để phù hợp với bạn, nó trở thành không thật.
Đó là lí do tại sao Thiền sư nói với đệ tử: “Nếu ta nói cho con nguyên lí đầu tiên, nó sẽ trở thành nguyên lí thứ hai. Con đang hỏi câu hỏi từ cái đầu.” Nó là một câu hỏi trí óc: “Nguyên lí thứ nhất là gì?” Nếu Thiền sư trả lời, cái đầu sẽ lấy câu trả lời, chăng đầy triết lí chung quanh nó, và khiến nó trở thành nguyên lí thứ hai.
Cái thật, cái đúng không thể truyền tải bằng lời. Nó có thể được truyền tải – phải, nó có thể được truyền tải – nhưng cách để truyền tải nó thì khác. Nó giống như bệnh sởi: Bạn lây nhiễm chúng. Không ai có thể trao chúng cho bạn, nhưng bạn có thể lây nhiễm chúng. Không thể dạy chân lý nhưng có thể lây nhiễm chân lý.
Nhìn tôi đi. Tôi đang mắc sởi. Bây giờ, nếu bạn không kháng cự, bạn sẽ lây nhiễm nó, vậy hãy giảm kháng cự của bạn xuống. Nếu bạn kháng cự, bạn có thể sẽ không lây nhiễm nó. Nếu bạn thực sự ngoan cố và cứng đầu, bạn đóng hoàn toàn bản thể của mình, nếu bạn không dễ bị tổn thương, bạn sẽ không lây nhiễm nó. Nhưng tôi không thể trao nó cho bạn. Bạn có thể lây nhiễm nó hoặc không lây nhiễm nó nhưng tôi không thể trao nó cho bạn.
Không thể trao nó nhưng có thể lấy nó, và đó là toàn bộ nghệ thuật ở cùng với bậc thầy: học cách làm sao để lấy. Bởi vì ông ấy sẽ không cho. Ông ấy không thể cho. Ông ấy khiến nó trở nên sẵn có. Bậc thầy là chất xúc tác, ông ấy là sự hiện diện. Xung quanh ông có điều gì đó có thể xảy ra. Bạn phải dễ tổn thương, có một thái độ buông bỏ, một thái độ tiếp nhận; bạn sẽ phải nữ tính.
Huệ Khả, một Thiền sư khác, đi phương Bắc thuyết giáo, và trong số những người đến nghe ông nói có Đạo Hoằng, một thầy giáo có tiếng, một tác giả tên tuổi và là một học giả về triết lí Phật giáo.
Nhưng giáo huấn của Huệ Khả không giống giáo huấn của bất cứ trường phái Phật giáo nào khác, và Đạo Hoằng đã rất bối rối...
Giáo huấn của ông ngớ ngẩn, gần như báng bổ, bởi vì Huệ Khả từng nói: “Hãy giết cha mẹ mình.” Một phát biểu đẹp đẽ – nhưng đừng hiểu theo nghĩa đen. Cha mẹ ở bên trong bạn. Bạn có thể hỏi những người nghiên cứu về phân tích tương giao1. Cha mẹ ở bên trong bạn. Người mẹ, người cha – sự áp đặt của họ ở bên trong bạn. Họ kiểm soát bạn từ bên trong. Cho nên khi Huệ Khả nói: “Hãy giết cha mẹ mình đi, lúc đó hãy đến với ta”, ông đã thốt ra một tri kiến vĩ đại.
Đó chính là điều Jesus đã nói. Người Thiên Chúa giáo vẫn chưa thể giải thích nó. Ông nói: “Trừ khi con căm ghét mẹ con, trừ khi con căm ghét cha con, còn không thì con không thể đến với ta.” Căm ghét ư? Và lời này tới từ người đã nói: “Thượng Đế là tình yêu” sao?
1 Phương pháp trị liệu thoát thai từ quá trình thực hành của Eric Berne. Berne khẳng định trong mỗi con người có sự hiện diện của ba trạng thái cái Tôi, mà ông gọi tên là “cái Tôi Cha Mẹ” (P – Parent), “cái Tôi Người Lớn” (A – Adult) và “cái Tôi Trẻ Em” (C – Child). Mỗi trạng thái cái Tôi P, A và C đều có những khuôn mẫu riêng về điệu bộ, thể thức và lời nói. Mỗi trạng thái cái Tôi có khả năng đảm trách việc chi phối tâm trí con người ở từng thời khoảng nhất định.
Huệ Khả cũng từng nói: “Nếu bạn gặp Đức Phật trên đường, giết ngài ngay lập tức!” Bởi vì khi bạn bắt đầu thiền bạn sẽ gặp cha mẹ bạn, bạn sẽ gặp tất cả những người có quan hệ với bạn. Bạn sẽ phải giết họ, bạn sẽ phải tách ra khỏi họ, bạn sẽ phải học cách một mình. Và cuối cùng bạn sẽ gặp Đức Phật, sư phụ của bạn, và bạn phải giết cả sư phụ nữa.
Nói ra những điều này thật nguy hiểm, và cả cái cách ông nói cũng vậy. Học giả Đạo Hoằng rất giận dữ. Ông ta nói: “Người này sẽ phá hủy tất cả tôn giáo.” Đó chính là điều người ta nói về tôi.
Ông ta quyết định phá hủy thứ giáo lí báng bổ này và phái vài môn đệ xuất sắc nhất của mình đến tranh luận với Huệ Khả...
Huệ Khả là người truyền thừa của Bồ Đề Đạt Ma, và tất nhiên ông là truyền nhân xứng đáng của một bậc thầy vĩ đại. Ông là một đệ tử vĩ đại. Huệ Khả bị ông Đạo Hoằng này tấn công bằng nhiều cách. Đạo Hoằng từng gửi các đệ tử tới tranh luận nhằm đánh bại Huệ Khả. Đạo Hoằng chờ đợi họ sẽ trở về với chiến thắng oanh liệt trước kẻ đáng ghét xâm phạm quyền lợi người khác, nhưng họ đã không quay về...
Không một người nào quay trở về. Bất cứ ai đến gặp Huệ Khả đều biến mất. Những người này là những người nguy hiểm. Nên tránh xa họ hoàn toàn nếu thực sự muốn tránh xa họ. Còn nếu bạn tới gặp họ, dù là với tâm lý thù địch, bạn vẫn có thể rơi vào tình yêu với họ. Và những người này giống như những con rồng; một khi bạn ở gần họ, họ sẽ hút bạn vào.
Đạo Hoằng gửi đi những phái viên khác, và những người khác nữa, nhưng không ai quay về để báo cáo chiến thắng ông mong đợi. Chỉ sau đó một khoảng thời gian, ông ta mới gặp lại vài sứ giả và nói với họ: “Ta đã mở mắt các anh ra với Đạo, sao các anh lại trở thành những phái viên lật lọng như vậy?”
Một trong số họ nói thay cho những người còn lại: “Con mắt nguyên bản vốn đã hoàn hảo, nhưng giáo huấn của ông đã làm cho chúng tôi trở thành mù dở.”
“Con mắt nguyên bản vốn đã hoàn hảo.” Mỗi đứa trẻ được sinh ra đều có con mắt nguyên bản – nó hoàn hảo – con mắt ngây thơ đó. Nó hoàn hảo! Nó không cần cải thiện! Và nỗ lực của tất cả bậc thầy suốt nhiều thời đại đều là một; bất kể xã hội làm gì, họ phải hoàn tác. Bất kể xã hội đặt gì vào tâm trí bạn, họ phải lấy đi. Họ phải giải thoát bạn khỏi sự thôi miên, họ phải giải thoát bạn khỏi sự áp đặt. Họ phải giúp bạn tiếp cận tuổi thơ của mình một lần nữa.
Nhưng hãy nhớ rằng, tôn giáo không phải là dạy, nó cũng không phải là học. Bạn có thể lây nhiễm nó. Phải, nó giống như bệnh sởi. Và bạn phải có tâm trạng để lây nhiễm nó. Tâm trạng đó chính là ngụ ý của việc là một đệ tử. Một đệ tử làm một cử chỉ, một đại thủ ấn, một mahamudra thể hiện rằng: “Con đã sẵn sàng, thưa thầy”, “Con đang mở”, “Con sẽ không kháng cự. Nếu thầy sắp sửa giết chết con, con sẵn sàng. Bất kể thầy sắp sửa làm gì với con, con sẵn sàng – con hoàn toàn sẵn sàng”. Đó là tất cả những gì một đệ tử phải làm. Còn sư phụ không phải làm gì cả, ông chỉ phải ở đó.
Bậc thầy ở đó – người đã chứng ngộ, người đã biết bản chất của mình – sự hiện diện của ông và sự sẵn sàng của đệ tử cũng ở đó, một cái gì đó bắt lửa, một cái gì đó cứ thế xảy ra. Đó là nguyên lí đầu tiên. Nó không thể được hỏi, nó không thể được trả lời. Cái có thể được hỏi và có thể được trả lời sẽ là nguyên lí thứ hai; nó sẽ là một bản sao, một tiếng vọng.
Đương nhiên, các tu sĩ sẽ không thích tôn giáo có một ý nghĩa mang tính nổi dậy như thế. Họ sẽ không thích người ta thức tỉnh. Cả các chính trị gia cũng sẽ không thích.
Chính trị gia và tu sĩ đại diện cho âm mưu cổ xưa chống lại sự ngây thơ của nhân loại. Họ làm biến chất. Công việc của họ trông cậy vào việc này: việc bạn vẫn không ý thức, bạn vẫn không nhận biết. Bởi vì khoảnh khắc bạn nhận biết, bạn tự do – thoát khỏi mọi chính trị và thoát khỏi mọi tôn giáo. Bạn có tôn giáo, nhưng nằm ngoài mọi tôn giáo. Bạn không thể nói rằng bạn là một người Hồi giáo, bạn không thể nói rằng bạn là một người Hindu.
Gọi hành giả Thiền là Phật tử là sai. Nó cũng sai như gọi người Sufi là người Hồi giáo, cũng sai như gọi người Hasidim1 là người Do Thái giáo. Những con người thực đơn giản là những con người thực. Thiền, Sufi hay Hasidim, không có Phật giáo, Hồi giáo hay Do Thái giáo.
Nhưng tu sĩ sẽ không thích thế. Nó sẽ phá hủy công việc của ông ta. Nó sẽ tháo dỡ cửa hiệu của ông ta, toàn bộ thị trường của ông ta.
1 Một nhánh của Do Thái giáo.
Hai người bồi bàn đang đứng ở một cái bàn có một khách hàng rất giàu có đã ngủ gục. Một người nói: “Tôi đã đánh thức ông ta hai lần rồi. Bây giờ tôi sẽ đánh thức ông ta lần thứ ba.”
“Sao anh không tống cổ ông ta ra ngoài?” Người bồi bàn kia hỏi.
Người bồi bàn đầu tiên nói: “Tôi đâu có ngu. Một điều tốt đang xảy ra với tôi. Mỗi lần tôi đánh thức ông ta dậy, ông ta lại thanh toán hóa đơn.”
Nếu nhân loại vẫn ngủ, nếu nhân loại vẫn không ý thức và bị thôi miên, thì chính trị gia vẫn có thể duy trì quyền lực và tu sĩ có thể tiếp tục lợi dụng bạn. Nếu nhân loại thức tỉnh thì sẽ không cần có các tu sĩ và chính trị gia. Sẽ không cần có quốc gia hay bang nào, sẽ không cần có nhà thờ nào, Vatican nào, giáo hoàng nào. Nhu cầu sẽ biến mất. Ý thức con người sẽ có một phẩm chất hoàn toàn khác biệt.
Phẩm chất ấy cần được sinh ra. Trong cuộc cách mạng ý thức con người, chúng ta đã đi tới một điểm mà ý thức mới này cần thiết vô cùng – ý thức mới này giúp con người tự do thoát khỏi chính trị và tôn giáo.
Cho phép tôi nhắc đi nhắc lại với bạn rằng sẽ chỉ có một thế giới tôn giáo duy nhất: tự do khỏi các tôn giáo nhưng vẫn ở trong tôn giáo, tự do khỏi các nhà thờ và giáo lí nhưng vẫn ở trong nguyên lí đầu tiên, tự do khỏi tất cả các loại nguyên lí thứ hai.
Khi bạn hạnh phúc, bạn bắt đầu biến mất.
Một cô gái nói với bạn của mình rằng cô vừa mới đính hôn với một lái buôn.
“Anh ấy đẹp trai không?” Người bạn hỏi.
“Nhìn xem, anh ấy sẽ không bao giờ nổi bật trong đám đông.”
“Anh ấy có tiền không?” Người bạn tiếp tục. “Anh ấy mà có thì cũng sẽ không tiêu.”
“Anh ấy có tật xấu nào không?”
“À, anh ấy uống nhiều khủng khiếp,” cô dâu tương lai nói.
“Tớ không hiểu nổi cậu,” người bạn nói. “Nếu cậu không kể được điểm gì tốt về anh ấy, vậy sao lại đi cưới anh ấy?”
“Anh ấy đi suốt, và tớ sẽ không bao giờ phải gặp anh ấy.” Cô trả lời.
Đây là điểm tốt duy nhất của nó – và đây là điểm tốt của Thượng Đế của các tu sĩ: Bạn sẽ không bao giờ gặp ông ta. Đó là lí do tại sao bạn tiếp tục đi theo tu sĩ. Để tránh Thượng Đế, bạn theo tu sĩ. Để tránh Thượng Đế, bạn đọc Kinh Thánh. Để tránh Thượng Đế, bạn tụng kinh Veda. Để tránh Thượng Đế, bạn trở thành học giả, nhà tư tưởng. Để tránh Thượng Đế, bạn làm mọi thứ có thể.
Nhưng tại sao bạn lại muốn tránh Thượng Đế? Tại sao ngay từ đầu bạn đã muốn tránh Thượng Đế. Có những lí do. Ý niệm Thượng Đế tạo ra sự sợ hãi khủng khiếp bởi vì Thượng Đế nghĩa là cái chết đối với bản ngã của bạn. Bạn sẽ không tồn tại nếu Thượng Đế ở đó.
Nhà huyền môn vĩ đại người Ấn Độ Kabir đã nói: “Hãy nhìn vào sự trớ trêu của nó. Khi tôi hiện hữu, Thượng Đế không hiện hữu; giờ đây Thượng Đế hiện hữu, tôi thì không. Dù sao đi nữa, cuộc gặp đã không xảy ra.” Bởi vì để có cuộc gặp thì cần có hai bên. “Khi tôi hiện hữu, Thượng Đế không hiện hữu; giờ đây Thượng Đế hiện hữu, tôi thì không.”
Bạn sợ sẽ phải đánh mất chính mình. Bạn sợ cái chết, đó là lí do tại sao bạn sợ Thượng Đế. Đó là lí do tại sao bạn sợ tình yêu, đó là lí do tại sao bạn sợ tất cả những thứ vĩ đại.
Bạn quá gắn bó với bản ngã giả tạo này, cái chẳng đem lại điều gì ngoài khốn khổ và đau đớn. Nhưng ít nhất, nó cho bạn cảm giác rằng bạn hiện hữu. Hãy quan sát. Suy ngẫm về nó.
Nếu bạn muốn, bạn sẽ luôn rơi vào cái bẫy của tu sĩ. Trên thực tế, bạn không hiện hữu. Toàn bộ ý niệm này là sai lầm. Làm sao bạn có thể hiện hữu? Sóng tồn tại, nhưng không tách rời khỏi đại dương. Cho nên chúng ta tồn tại nhưng không tách rời khỏi đại dương ý thức. Đó chính là Thượng Đế. Lá tồn tại, nhưng không tách rời khỏi cây. Mọi thứ tồn tại, nhưng chẳng có gì tồn tại tách biệt.
Không người nào là một hòn đảo và không bộ phận nào có thể tồn tại độc lập. Chúng ta tồn tại trong sự tương liên sâu xa. Chúng ta là thành viên của người khác, của lẫn nhau. Chúng ta thâm nhập lẫn nhau. Toàn thể hiện hữu là một sự thâm nhập vĩ đại. Cây thâm nhập vào bạn, bạn thâm nhập vào cây. Những ngôi sao thâm nhập vào bạn, bạn thâm nhập vào những ngôi sao. Bạn thâm nhập vào mặt đất, mặt đất thâm nhập vào bạn. Mọi thứ đều được thâm nhập.
Thượng Đế là cái toàn bộ này. Bạn không thể tồn tại riêng rẽ. Nếu bạn muốn tồn tại riêng rẽ thì bạn là chính trị gia. Tất cả chính trị chẳng là gì ngoài cái bóng của bản ngã. Khi đó bạn sẽ sống trong khốn khổ và điên khùng.
Nhưng nếu bạn nhìn, nếu bạn quan sát một cách sâu sắc, bạn sẽ ngạc nhiên. Bạn không hiện hữu! Không phải là bạn tan rã! Chỉ đơn giản là bạn không hiện hữu. Nó chỉ là một quan niệm sai lầm mà bạn đem theo, quan niệm bạn hiện hữu. Bất cứ khoảnh khắc im lặng nào, bạn sẽ đột nhiên thấy tính không bên trong bạn, cái không bên trong bạn. Đức Phật gọi cái không này là anatta, vô ngã, shunya, hư vô. Nếu bạn nhìn vào bên trong, bạn sẽ không tìm thấy chính mình. Đó là lí do tại sao người ta không nhìn vào bên trong, họ sợ hãi.
Một lần, tôi đang đi cùng Mulla Nasruddin trên một chuyến tàu. Người thu vé đến và Nasruddin cuống cuồng. Anh ta tìm trong va li, anh ta lật tung mọi thứ, anh ta tìm trên giường, lục tung mọi thứ, anh ta tìm trong các túi của mình, anh ta vã mồ hôi mà vẫn không thể tìm thấy vé. Tôi thấy anh ta đã không tìm trong một chiếc túi, cho nên tôi bảo anh ta: “Nasruddin, anh chưa tìm trong cái túi kia.” Anh ta nói: “Đừng nhắc đến nó.” Tôi nói: “Sao thế? Vé có thể ở trong đó.” Anh ta nói: “Đừng nhắc đến nó. Nếu tôi tìm trong đó mà vẫn không thấy vé thì tôi sẽ chết mất. Tôi sẽ chết luôn. Tôi không thể tìm trong túi đó! Nếu vé không ở đấy thì tôi xong. Hi vọng là nó có thể ở đấy.”
Đó là lí do mọi người không nhìn vào trong: Họ hi vọng mình có thể ở đó. Ngày mà bạn nhìn vào, bạn không có đó. Ngày mà bạn nhìn vào, đột nhiên có sự trống rỗng mênh mông... và nó là phúc lạc, là cái đẹp, là sự yên bình to lớn. Bạn không có ở đó, cho nên không có tiếng ồn.
Đó là điều Huệ Năng ngụ ý khi nói: “Không có tấm gương tâm trí. Bụi có thể tích tụ vào đâu? Biết điều này là biết tất cả.”
Hãy nhìn vào trong. Mọi người nghĩ: “Chúng ta xấu”, nhưng chúng ta không hiện hữu, vậy làm thế nào cái xấu tích tụ được? Mọi người nghĩ: “Chúng ta tốt”, nhưng làm sao có thể được? Bạn không có đó, làm sao bạn có thể tốt? Mọi người nghĩ: “Chúng ta đạo đức và vô đạo đức và thế này và thế kia”, nhưng mọi thứ treo trên ý niệm về “tôi”. Để tốt thì trước hết cần “tôi”, để đức hạnh thì trước hết cần “tôi”. Để là tội nhân hay thánh nhân thì trước hết cần “tôi”. Không có “tôi” bạn sẽ không có cái gì để treo cái gì đó lên. Bạn sẽ treo lòng tốt của bạn, tội lỗi của bạn hay sự thần thánh của bạn vào đâu?
Đó là lí do tại sao Thiền nhấn mạnh không ai là tội nhân và không ai là thánh nhân, không có gì tốt và không có gì xấu. Tất cả phân biệt là do bản ngã tạo ra. Bản ngã tạo ra phân biệt để nó có thể tồn tại. Khi bạn nhìn vào bên trong, không có thánh nhân lẫn tội nhân, không có tốt lẫn xấu, không có sự sống lẫn cái chết. Mọi phân biệt biến mất.
Trong cái không đó, con người trở thành một với Thượng Đế. Con người là một với Thượng Đế – con người đã như vậy ngay từ ban đầu. Cho nên bạn sợ là nếu bạn biết Thượng Đế, bạn sẽ phải tan biến; cho nên bạn không nhìn vào trong bản thể của mình. Bạn sợ là nếu bạn nhìn vào chính mình, bạn có thể trở nên hạnh phúc.
Người ta nói rằng họ muốn trở nên hạnh phúc, nhưng tôi hiếm khi bắt gặp một người thực sự muốn hạnh phúc. Mọi người bám vào khốn khổ của họ. Lại trò chơi ấy. Với khốn khổ, bạn có gì đó để làm. Với khốn khổ, có việc làm nào đó. Với khốn khổ, bạn có thể tránh xa chính mình, bạn bận rộn. Với niềm vui, chẳng có gì để mà bận rộn, chẳng có nơi nào để đi. Với niềm vui, một lần nữa bạn tan rã và biến mất. Trong khốn khổ, bạn ở đó – bạn ở đó rất nhiều. Khốn khổ cho bạn một kinh nghiệm vững chắc rằng bạn hiện hữu. Khi bạn hạnh phúc, bạn bắt đầu biến mất. Khi bạn thực sự hạnh phúc, bạn không hiện hữu, một lần nữa bạn không hiện hữu. Trong trạng thái phúc lạc, một lần nữa bạn biến mất.
Bạn nói về cõi trời, nhưng bạn tiếp tục tạo ra địa ngục bởi vì chỉ trong địa ngục bạn mới có thể tồn tại. Bạn không thể tồn tại ở cõi trời. Người ta nói rằng George Bernard Shaw1 đã nói: “Nếu tôi không phải người đầu tiên ở cõi trời thì tôi sẽ không muốn lên cõi trời. Tôi muốn được ở địa ngục, nhưng tôi muốn là người đầu tiên; tôi không muốn là người thứ hai.” Địa ngục ổn thôi, nhưng bản ngã nói: “Phải là thứ nhất, là người dẫn đầu.” Địa ngục là ổn nếu bản ngã vẫn còn, cõi trời không ổn nếu bản ngã chưa bị vứt bỏ.
Bạn muốn ở cõi trời cùng bản ngã của mình. Bạn đang yêu cầu điều không thể. Điều đó không thể xảy ra.
Tôn giáo tồn tại trên Trái Đất là giả, nó là ảo tưởng, nó chỉ là cái tên, nhưng nó thỏa mãn nhu cầu của bạn. Nó thỏa mãn nhu cầu nào đó, nhu cầu bạn muốn giả vờ mình có tôn giáo. Bạn không muốn trở thành người có tôn giáo nhưng bạn muốn giả vờ. Bạn muốn giả vở theo cách mà thậm chí chính bản thân bạn không thể nhận ra là mình giả vờ.
1 Nhà soạn kịch, nhà văn vĩ đại người Anh gốc Ireland.
Bạn muốn giả vờ theo cách mà bạn không bao giờ bắt gặp sự giả vờ của mình, do đó một cấu trúc vĩ đại được tạo ra. Và cấu trúc vĩ đại đó là nhà thờ. Hãy tránh xa cấu trúc đó nếu bạn thực sự muốn có tôn giáo. Và nếu bạn không có tôn giáo, bạn không hiện hữu!
Bây giờ để tôi kể cho bạn nghe nghịch lí này: Bạn chỉ hiện hữu khi bạn không hiện hữu, bởi vì bạn chỉ hiện hữu khi bản ngã biến mất và bạn là Thượng Đế. Đó là nguyên lí đầu tiên. Tôi đang không nói nó cho bạn và bạn đang không nghe nó từ tôi.
Chuyện là:
Chiếc xe bất ngờ bị hỏng ở nơi đồng không mông quạnh. Anh trườn xuống bên dưới để xem nó hỏng ở đâu. Cô trườn xuống bên dưới để cầm đèn pin cho anh.
Dưới đó khá ấm áp và sau một lúc, họ quên mất việc sửa xe. Đột nhiên một giọng nói cất lên: “Hai người nghĩ mình đang làm gì vậy?”
Nhìn lên, họ thấy viên cảnh sát địa phương.
“Sao ạ? Chúng tôi đang… ừm… sửa trục sau của xe,” chàng trai trẻ lắp bắp,
“À, trong lúc các vị ở dưới đó, các vị nên xem cả phanh nữa,” viên cảnh sát đáp. “Xe của các vị đã ở dưới chân đồi được nửa giờ rồi.”
Đây là điều đã xảy ra với các nhà thờ. Jesus không có ở đó, Đức Phật không có ở đó. Người ta đang làm một việc khác dưới cái tên của Jesus, dưới cái tên của Đức Phật, và họ nghĩ Đức Phật ở đó. Bạn không bao giờ có thể gặp Jesus ở nhà thờ, bạn không bao giờ có thể gặp một vị Phật ở đền chùa. Nhưng bạn đi đến nhà thờ, bạn đi đến đền chùa... và bạn nghĩ bạn đi đến gặp Đức Phật và Jesus.
Bạn là người giả vờ vĩ đại. Bạn muốn giả vờ. Bạn muốn được kính trọng. Bạn muốn thể hiện cho mọi người thấy rằng: “Chúng tôi là những người có tôn giáo.” Và chúng ta đã tạo ra một tôn giáo Chủ Nhật, Chủ Nhật nào bạn cũng đi. Sáu ngày cho thế giới, một ngày – không phải cả ngày, chỉ một hoặc hai giờ – cho Thượng Đế. Chỉ để đề phòng ngộ nhỡ có vấn đề gì đó hoặc có thể Thượng Đế thực sự hiện hữu hoặc có thể có người thoát khỏi cái chết. Tất cả đều là những cái “có thể”. Và cái “có thể” không bao giờ thay đổi cuộc đời của ai, chỉ có cái chắc chắn thay đổi cuộc đời của ai đó.
Do vậy, tôi xin nhấn mạnh là, nếu bạn không thể tìm thấy một bậc thầy đang sống, hãy tiếp tục tìm kiếm và tìm kiếm. Luôn luôn có những bậc thầy đang sống ở nơi này hay nơi khác, mặt đất không bao giờ thiếu vắng họ. Nhưng đừng bao giờ đi đến những nơi bạn trông đợi theo thói thường. Họ không có ở đó đâu. Jesus không ở trong giáo đường Do Thái. Đức Phật không ở trong đền thờ Hindu, ông sinh ra là một người Hindu nhưng ông không ở trong đền thờ Hindu nào. Jesus là người Do Thái nhưng ông không ở trong giáo đường Do Thái nào cả. Và luôn luôn như vậy. Đừng tiếp tục sùng bái những ý niệm. Hãy tìm một thực tại đang sống.
Khoảnh khắc bạn tìm thấy một thực tại đang sống, hãy tiếp nhận, hãy cởi mở. Và bạn sẽ có nguyên lí đầu tiên, điều không thể được nói, nhưng bạn có thể nhận được nó.