Những câu chuyện này thuộc về một thế giới, một thời đại mà con người đơn giản. Họ không láu cá hay phức tạp, họ ngây thơ. Cho nên tồn tại khả năng thức tỉnh ngay lập tức. Thiền đã trở nên càng lúc càng khó hơn vì một lí do đơn giản là con người đã trở nên càng lúc càng phức tạp hơn. Ngày nay, gần như không thể mường tượng được làm sao chứng ngộ có thể xảy ra ngay tức thì, làm sao một người có thể được biến đổi hoàn toàn trong một tia chớp duy nhất. Người có kiến thức chỉ có thể hiểu được con đường đi dần dần, toàn thể giáo dục của người đó là một quá trình đi dần dần.
So với các truyền thống huyền môn khác, Thiền đặc biệt theo nhiều phương diện. Nhưng cái nổi bật, độc nhất vô nhị, là những mẩu đối thoại, nhỏ, kì lạ trong Thiền: Nếu chỉ đọc chúng thì bạn không thể hiểu làm cách nào những mẩu đối thoại nhỏ có thể mang chứng ngộ đến cho ai đó.
Thứ hai, Thiền bản thân nó không đưa ra sự giảng giải. Đây là một trong những lí do tại sao một truyền thống chứng ngộ sinh động lại không chiếm lĩnh thế giới. Tôi muốn bạn hiểu những mẩu đối thoại nhỏ dường như vô nghĩa này. Trong một tình huống nào đó, nếu chúng được đưa đến bởi các phương thức Thiền khác, chúng có thể mang lại thức tỉnh. Những mẩu đối thoại này được ghi nhớ suốt nhiều thế kỉ, và những người trên con đường Thiền thích chúng vô cùng.
Tuy nhiên, đối với những người ngoại đạo, chúng vẫn là điều huyền bí bởi vì người ta không bao giờ kể ngữ cảnh, không bao giờ thảo luận sự thức tỉnh xảy ra trong tham chiếu nào.
Phía sau những mẩu đối thoại nhỏ này là một kỉ luật thiền định và thấu hiểu trong thời gian dài – có khi mất rất nhiều năm. Nhưng thế giới bên ngoài chỉ biết đến cuộc đối thoại. Bạn không biết những người đang thảo luận với nhau là ai, họ không phải người bình thường. Chỉ có thể thức tỉnh nếu họ có một nền tảng khiến cho những mẩu đối thoại – tự chúng chẳng là gì – trở nên vô cùng quan trọng. Nhưng khi bạn đọc chúng, bạn không thể tin nổi làm thế nào mà những cuộc đối thoại này có thể làm cho ai đó chứng ngộ – bởi vì bạn đọc chúng và bạn không chứng ngộ!
Có điều gì đó đang còn thiếu trong phối cảnh của bạn. Tôi sẽ nỗ lực cho bạn ngữ cảnh toàn vẹn và giải thích không chỉ những lời trong cuộc đối thoại mà cả những cá nhân tham gia vào những mẩu đối thoại nhỏ này. Chỉ thế thì bạn mới thấy chúng không phải những điều nhỏ bé, chúng chính là tinh túy. Những người tham gia đã đạt tới điểm tối thượng, những cuộc đối thoại này chỉ là một cú đẩy nhẹ. Họ đã gần như sẵn sàng... Có thể nói rằng ngay cả khi không có những cuộc đối thoại này thì họ cũng sẽ chứng ngộ, có lẽ một tuần sau đó. Những cuộc đối thoại này cắt bớt khoảng thời gian để bản thể của họ chứng ngộ không nhiều hơn một tuần.
Giờ đây, Thiền đã trở nên hợp thời trên khắp thế giới. Người ta viết quá nhiều điều về nó. Nhưng chưa có ai tôi gặp cho đến giờ... và tôi đã thấy hầu như mọi điều về Thiền do những người không có chút chứng ngộ nào nhưng bị ấn tượng bởi vẻ đẹp của những người theo Thiền viết ra. Họ nhặt nhạnh những điều phi lí, gần như vô nghĩa, và họ không có khả năng cho bạn phông nền.
Hãy nhớ rằng, mọi thứ phụ thuộc vào phông nền: nhiều năm ròng chuẩn bị, nhiều năm ròng chờ đợi và khao khát, nhiều năm ròng kiên nhẫn và hành thiền im lặng. Cuộc đối thoại đến vào lúc đỉnh điểm, ở chính chỗ cuối cùng. Nếu bạn có thể thấu hiểu toàn bộ quá trình thì bạn sẽ hiểu rõ hơn làm thế nào cuộc đối thoại có thể mang chứng ngộ đến cho ai đó.
Trừ phi người ta biết toàn bộ quá trình, nếu không Thiền sẽ vẫn chỉ là trò giải trí cho thế giới. Cái là sự chứng ngộ đối với hành giả Thiền rơi xuống thành một trạng thái giải trí. Những cuộc đối thoại này không phải toàn bộ quá trình. Nó giống như tảng băng trôi: Một mảnh nhỏ trồi lên trên mặt biển – một phần mười tảng băng – và chín phần mười nằm bên dưới. Trừ khi bạn thấu hiểu chín phần mười đó, nếu không thì một phần mười kia sẽ không cho bạn tri kiến nào.
Cuộc đối thoại đầu tiên:
Xưa tôn giả Nghiêm Dương hỏi Triệu Châu: “Không mang theo một vật nào thì ra sao?”
Châu nói: “Đặt nó xuống.”
Nghiêm Dương nói: “Khi một vật cũng không mang thì đặt cái gì xuống?”
Châu nói: “Nếu không thể đặt nó xuống thì hãy vác nó lên.”
Nghe xong những lời này, Nghiêm Dương đạt đại ngộ.
Bây giờ, nếu chỉ nghe giai thoại nhỏ này, bạn không thể hình dung làm sao nó có thể mang tới đại ngộ.
Đầu tiên, trong ngữ cảnh của cách tiếp cận Thiền – trong mắt Đức Phật và Bồ Đề Đạt Ma – thế giới chẳng là gì ngoài tính không. Và khi họ dùng từ không, họ có ý nghĩa riêng của họ; nó không phải ý nghĩa thông thường bạn có thể tra trong từ điển. Nếu bạn dỡ bỏ mọi thứ khỏi phòng – tất thảy đồ đạc, những bức ảnh treo trên tường, đèn treo, mọi thứ – và không để lại gì, ai đó sẽ nói: “Căn phòng này trống không”. Đây là nghĩa thông thường của từ. Nhưng từ quan điểm của Đức Phật, căn phòng này không có đồ vật nhưng lại đầy không gian. Trên thực tế, khi đồ vật ở đó, chúng cản trở không gian. Chính từ phòng có nghĩa là “không gian”. Cho nên bây giờ nó tràn ngập không gian, không có gì cản trở, không có gì ngăn chặn và làm tắc nghẽn không gian.
Không gian không phải một thứ tiêu cực như hàm ý của từ không. Mọi thứ trên thế giới đều bước ra từ không gian và mọi thứ đều tan biến vào không gian. Không gian dường như là hồ chứa tất cả...
Các nhà khoa học đã khám phá ra hố đen trong không gian. Nó là câu chuyện đáng kinh ngạc nhất mà khoa học phải kể. Bản thân các nhà khoa học cũng cảm thấy rối trí, nhưng họ có thể làm gì? Họ đã bắt gặp một vài nơi trong không gian mà bất cứ ngôi sao nào, kể cả ngôi sao lớn nhất, đi vào thì đều không thể nhìn thấy nó nữa: Nó đã trở thành cái không thuần khiết. Lực kéo của những nơi này khủng khiếp tới mức cái gì đến gần chúng cũng ngay lập tức bị kéo vào trong hố đen và biến mất khỏi thế giới. Mỗi ngày đều có nhiều ngôi sao tan biến vào trong các hố đen, đó là ý niệm căn bản.
Nhưng rồi, chắc chắn, các nhà khoa học bắt đầu nghĩ: Nếu có hố đen thì hẳn phải có cả hố trắng nữa. Nếu mọi thứ tiếp tục biến mất vào trong hố đen thì một ngày kia mọi thứ sẽ tan biến hết. Nhưng mỗi ngày đều có những ngôi sao mới được sinh ra – chúng tới từ đâu? Một giả định, một giả thuyết, là cho dù chúng tới từ nơi nào, nơi đó được gọi là hố trắng.
Theo tôi hiểu thì hố đen và hố trắng chỉ là hai mặt của cùng một hiện tượng, chúng không tách rời. Nó chỉ như một cánh cửa: Bạn có thể đi vào, bạn có thể đi ra. Ở một mặt của cánh cửa có chữ “Đẩy vào” và ở mặt kia là chữ “Kéo ra”.
Hố đen có tính phá hủy, nó là cái chết. Không chỉ bạn trở nên mệt mỏi và già yếu mà giờ đây họ nói rằng thậm chí cả kim loại cũng trở nên mệt mỏi; thậm chí cả máy móc, làm việc 24 giờ một ngày là quá nhiều. Bạn đang tạo ra quá nhiều căng thẳng cho kim loại. Nó cần được nghỉ ngơi chút ít để hồi phục; nếu không, sớm thôi nó cũng sẽ không vận hành được nữa. Ngay cả máy móc cũng trở nên già yếu giống như con người.
Các ngôi sao cũng trở nên già yếu y như mọi thứ khác. Khi một ngôi sao hay một hành tinh trở nên quá già và không thể tự duy trì được nữa, nó biến mất vào hố đen. Cái chết của nó đã đến. Đó là sự phá hủy. Chức năng của hố đen là làm tan rã tất cả các thành phần của hành tinh hay ngôi sao – trả chúng về hình thái nguyên gốc.
Hình thái nguyên gốc là điện, năng lượng, cho nên vật chất tan ra thành năng lượng. Không thể nhìn thấy năng lượng, bạn không thể thấy nó. Bạn đã bao giờ nhìn thấy điện chưa? Bạn đã nhìn thấy sản phẩm phụ của điện, như bóng đèn, nhưng bạn chưa bao giờ nhìn thấy điện. Khi nó chạy qua một dây điện, bạn có nhìn thấy gì không? Và nếu bóng đèn bị tháo đi, điện vẫn ở đó nhưng bạn có thấy nó không?
Không thể nhìn thấy năng lượng. Năng lượng là vô hình, cho nên khi một ngôi sao hoặc một hành tinh khổng lồ trở lại cội nguồn nguyên thủy, nó trở thành năng lượng thuần khiết. Đó là lí do tại sao bạn không thể thấy nó, nó đã tan biến. Có lẽ đã đến lúc cần có một kì nghỉ dài. Và một khi đã nghỉ ngơi xong thì những thành phần căn bản có thể một lần nữa liên hợp cùng nhau, một lần nữa hình thành một thân thể mới và bước ra vũ trụ từ phía bên kia của hố đen – tức là hố trắng.
Điều này thật trọng đại. Nó nghĩa là vũ trụ đang không ngừng làm mới chính mình giống như cách mọi cá nhân sinh ra, già đi, qua đời và rồi ở nơi nào đó khác lại được sinh ra trong một hình dạng mới, tươi tắn, trẻ trung. Đây là quá trình cải lão hoàn đồng.
Bản thân hiện hữu ngập tràn không gian. Với chúng ta thì không gian trông như trống không, nhưng nó không trống không, nó là tiềm năng cho mọi thứ xảy ra. Mọi thứ đi ra từ nó – làm sao bạn có thể bảo nó là trống không được? Làm sao bạn có thể bảo tử cung người mẹ là trống không được? Nó có tiềm năng sinh ra sự sống. Nó có vẻ trống không bởi vì tiềm năng của nó vẫn chưa chuyển hóa thành hiện thực.
Đức Phật là người đầu tiên dùng từ tính không với hàm nghĩa là sự rộng rãi, không gian vô hạn. Mọi thứ chỉ là một hình dạng, còn cái tạo ra hình dạng thì vô hình. Chỉ có hình dạng là hữu hình, năng lượng làm ra nó là vô hình.
Môn sinh Thiền không ngừng thiền định về tính không của hiện hữu, về sự rộng rãi của hiện hữu. Tất cả hình dạng đều trống không, không hình dạng nào có cái tôi. Chỉ hiện hữu mới có cái tôi. Tất cả những thứ khác chỉ là những giấc mơ kéo dài một số năm – và trong sự vĩnh cửu của thời gian, “một số năm” không phải là cái gì nhiều để mà khoe khoang; chúng hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì. Thiền nhân cứ tiếp tục không ngừng nhận ra bản chất và hương vị của cái không.
Một ngày kia anh ta hiểu ra rằng mọi sự vật hiện tượng xuất hiện thì sẽ biến mất – hôm nay nó tồn tại, ngày mai nó có thể ra đi – chẳng có gì là vĩnh cửu. Và nếu thứ gì đó không phải là vĩnh cửu thì nó không phải là thật.
Nếu bạn thấm sâu vào thiền định này, toàn bộ cuộc sống của bạn sẽ thay đổi. Cơn giận tới và bạn biết rằng nó chỉ là một hình dạng của năng lượng, bạn không chú ý đến người làm bạn giận dữ. Thiền nhân dành toàn bộ chú ý cho cơn giận. Hình dạng biến mất và năng lượng chứa đựng trong hình dạng bị thiền nhân hấp thụ.
Khi mọi thứ tiếp tục tan biến – nỗi buồn, căng thẳng, bất hạnh, khốn khổ – bạn tiếp tục trở nên càng lúc càng mạnh hơn, bởi vì mọi thứ đang trở lại dạng năng lượng. Ở trạng thái này, hãy cố gắng thấu hiểu giai thoại.
Cuộc đối thoại thứ hai:
Thầy Thủy Lão hỏi Mã Tổ: “Ý nghĩa thực sự của việc tới từ phương Tây là gì?”
Mã Tổ bèn đánh ngã ông bằng một cú đá vào ngực: Thủy Lão đạt đại ngộ. Ông ngồi dậy, vỗ tay, cười lớn và nói: “Thật phi thường! Thật kì diệu! Ngay tức thì, chỉ bằng đỉnh sợi tóc, ta đã thấu hiểu cội nguồn gốc rễ trăm ngàn trạng thái của sự tập trung cùng vô số ý nghĩa tinh tế.” Rồi ông vái lạy và lui ra.
Sau này, ông nói với tăng chúng: “Từ lúc bị Mã Tổ đạp cho một đạp đến nay, ta cứ cười mãi không thôi.”
Cơn mưa đột ngột trút xuống sau những ngày khô hạn kéo dài có thể đem lại niềm vui sướng tột cùng... không chỉ đối với mặt đất vốn đang khao khát, chờ đợi nó, mà còn với cây cối và tất cả mọi người. Những kinh nghiệm nhỏ bé ấy có thể giải phóng trong bạn kinh nghiệm tối thượng... vẻ đẹp của chúng, sự huy hoàng, không thể trông đợi, không thể đoán trước. Đột nhiên bạn bị bao vây bởi sự bình an lớn lao, sự im lặng – nhưng không trống không, mà đầy những bài ca và vũ điệu, toàn thể hiện hữu hân hoan.
Khi một người đi sâu hơn trên con đường, khi một người giải phóng bản thân khỏi nhà tù tâm trí của chính người đó, những kinh nghiệm bình thường bắt đầu có những màu sắc phi thường. Một bông hoa bình thường khi được ngắm nhìn trong im lặng có thể trở thành một kinh nghiệm tuyệt diệu. Thật kì diệu làm sao khi một bông hoa bé nhỏ có thể tồn tại với những màu sắc đẹp đẽ đến thế, với một chút hương thơm của riêng nó, một cá tính của riêng nó. Triết gia vĩ đại nhất không thể thăm dò được ý nghĩa của bông hoa nhỏ bé nhất.
Nhưng nhà huyền môn không phải triết gia; ông ấy không bận tâm đến việc thăm dò ý nghĩa, đo lường ý nghĩa, hay việc suy nghĩ. Ông ấy chỉ tận hưởng chúng. Khi trời mưa, ông ấy nhảy múa, ông ấy nắm chặt tay cơn mưa. Khi cây cối hân hoan, tươi mới, ông ấy bắt đầu cảm thấy cùng sự tươi mới đó. Chỉ cần một điều thôi, và đó là tặng phẩm của câu chuyện nhỏ này... hãy giải phóng.
Mẩu đối thoại nhỏ này nhằm truyền tải một điều đơn giản tới bạn: Bạn là nhà tù, bạn là tù nhân, và bạn là người đã giam cầm bạn. Bạn đang chơi một trò chơi với chính mình. Một phần của bạn vận hành như cai ngục, một phần khác vận hành như ngục tù, và cốt lõi sâu bên trong bạn bị hai phần này giày vò. Bạn trở thành tù nhân, chẳng có người nào khác biến bạn thành tù nhân.
Sẽ là một đại họa nếu ý thức con người bị người khác giam cầm. Thế thì tự do sẽ không nằm trong tay bạn, thế thì tự do sẽ nằm trong tay người khác. Thật kì diệu khi chính bạn là người đang giam cầm bản thể của mình; cho nên, việc giải phóng có thể xảy ra ngay tức khắc. Vấn đề chỉ là cần một chút thấu hiểu, một chút thông minh.
Nhiều trí thức trên thế giới, những người đã nhận thức về Thiền trong thế kỉ qua, ban đầu chỉ cười vào sự điên khùng của những người này, bởi vì nó chẳng có ý nghĩa gì với tâm trí lí luận của họ. Ai đó đánh bạn và bạn trở nên chứng ngộ... tâm trí không thể tin nổi. Dường như chẳng có lí do gì để một cú đánh nào đó có thể phá hủy tất cả sự ngu ngốc của bạn.
Thậm chí ngày nay, Thiền đang được nghiên cứu ở phương Tây trên một quy mô rộng lớn; nó trở thành một trong những hiện tượng phổ quát. Nhưng chính ý tưởng nghiên cứu nó lại chống lại nó, bạn không thể nghiên cứu Thiền. Bạn có thể có nó, nhưng không thể lấy nó từ ai đó khác. Và lí do đơn giản là bạn đã có nó rồi. Vấn đề chỉ là bạn hay quên. Sẽ có ích nếu có ai đó nhắc cho bạn. Có lẽ trong cuộc đời mỗi người đều có những khoảnh khắc bạn nhận ra bạn đã biết một cái tên nào đó, một người nào đó, một khuôn mặt nào đó. Trong tất cả các ngôn ngữ đều tồn tại cách diễn đạt điều mà mình biết nhưng không thể nhớ ra.
Thế thì ai đang ngăn cản bạn? Sao bạn không nói ra? Bạn biết rõ rằng nó ở đấy, nhưng nó cần sự giải phóng, và có lẽ một cú đánh có thể làm điều đó. Bạn chỉ quên thôi – có lẽ một cú đánh tốt sẽ giúp bạn quên đi việc nhớ ra nó, bởi vì nỗ lực nhớ ra một điều làm tâm trí bạn căng thẳng, và bạn càng cố nhớ, bạn càng trở nên căng thẳng.
Căng thẳng nghĩa là tâm trí bị thu hẹp. Nó trở nên hẹp đến nỗi không gì có thể đi qua nó. Một cú đánh tốt sẽ khiến tâm trí mở ra... bởi vì bạn đã quên rằng bạn đang cố nhớ ra điều gì đó, và đột nhiên điều bạn không thể nhớ ra không còn là bí mật nữa; giờ đây bạn biết nó hoàn toàn rõ ràng. Một điều giống như thế này đã xảy ra trong sự truyền đạt ở cấp độ cao hơn và sâu hơn.
Nhưng Thiền không phải để nghiên cứu. Không có cách nào biến nó thành chủ đề nghiên cứu ở các trường đại học, điều đó là ngu xuẩn.
Không có cách nào tìm được người có nó mà có thể trao nó cho bạn. Không phải những người có nó thì keo kiệt hoặc không hào phóng mà trái lại, họ là những người hào phóng nhất; nếu họ có thể trao nó cho bạn thì họ sẽ không bận tâm xem bạn muốn hay không, họ sẽ trao nó cho bạn.
Nhưng bản chất của kinh nghiệm này là nó không tới từ bên ngoài, nó xảy ra bên trong bạn. Những người đã trải nghiệm nó không ngừng tìm kiếm cách tạo ra một hoàn cảnh xung quanh bạn để có thể đánh thức điều đang ngủ say. Một khi bạn thấu hiểu nó, Thiền sẽ không còn có vẻ điên rồ nữa; nó sẽ không còn có vẻ phi lí nữa. Nó sẽ có vẻ siêu hợp lí – vượt quá khả năng của tâm trí.
Người Hindu giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo đã tạo ra một hoàn cảnh khó khăn cho hàng triệu người. Họ đã trao cho người ta ý niệm một đấng cứu thế sẽ giao nó cho bạn, một sứ giả sẽ giao nó cho bạn; tất cả những gì bạn phải làm là tin tưởng và chờ đợi. Jesus sẽ chuộc lỗi cho bạn, không thì Mohammed hoặc Krishna.
Điều tôi muốn chỉ ra thật rõ ràng là ý tưởng một người khác, không quan trọng là ai – Jesus, Moses, Krishna hay Mohammed – ý tưởng một người khác sẽ làm nó thay bạn là hoàn toàn sai. Nhưng ý tưởng này đã thắng thế và chấp nhận nó là một việc thật dễ dàng, để nó giam cầm là một việc thật đơn giản bởi vì người khác đang phải nhận trách nhiệm.
Trong thế giới này, người ta sẵn sàng trao trách nhiệm cho người khác. Họ nghĩ rằng bằng cách giao trách nhiệm đi họ được tự do, không còn gánh nặng. Họ hoàn toàn sai. Trách nhiệm chính là tự do, và khoảnh khắc bạn giao trách nhiệm cho người khác, bạn cũng giao luôn cả tự do của mình.
Giờ đây hai ngàn năm đã trôi qua và người Thiên Chúa giáo đang chờ đợi vị cứu tinh đến. Tôi nói cho bạn biết, ông ta không bao giờ đến đâu, vì một lí do đơn giản là ông ta không thể thực hiện điều mà ông ta đã hứa. Krishna đã hứa rằng ông ấy sẽ đến, nhưng thật kì lạ là không ai tự hỏi xem tại sao những người này không chuộc lỗi cho nhân loại khi họ còn ở đây. Việc gì phải trì hoãn tới tương lai, cho lần tiếp theo họ đến?
Con người hồi đó khốn khổ khác gì bây giờ, vô minh khác gì bây giờ, vậy lí do gì họ còn phải trì hoãn? Jesus lẽ ra có thể chuộc lỗi cho cả thế giới, Krishna lẽ ra có thể khai sáng cho tất cả mọi người. Nhưng nó là một trò chơi tinh vi: Họ nhận trách nhiệm và giúp cho bạn mãi là một tù nhân cho đến khi họ quay trở lại. Cứ cầu nguyện tiếp đi... một ngày kia ông ấy sẽ đến.
Điều này lấy đi không chỉ trách nhiệm mà còn cả tự do của bạn. Nó đã lấy đi tính cá nhân và sự độc nhất vô nhị của bạn.
Tôi yêu Đức Phật vì một lí do đơn giản là ông là người đầu tiên trong lịch sử dài của nhân loại đã từ chối nhận trách nhiệm chuộc lỗi cho ai đó. Ông dường như là người dũng cảm nhất – bởi vì rất dễ thu thập môn đồ nếu bạn nhận trách nhiệm. Nhưng thay vì nhận trách nhiệm, ông nói rằng không có cách nào để người khác chuộc lỗi cho bạn.
Hãy để nó chìm sâu vào trái tim bạn. Chỉ bạn có khả năng thức tỉnh, bởi vì chỉ bạn có khả năng ngủ. Không ai khác có thể ngủ thay bạn, vậy làm sao họ lại có thể thức dậy thay bạn được? Tất cả những ai hứa chuộc lỗi cho bạn đều hạ bạn xuống thành một cái gì đó thấp hơn con người. Jesus tự gọi mình là người chăn cừu rồi gọi mọi người là cừu và đôi khi tôi tự hỏi tại sao không một người nào đứng lên và nói: “Đây là điều rất xúc phạm.” Không phải con người không cảm thấy điều đó, nhưng nó quá rẻ, và “thằng cha này đang nhận hết trách nhiệm, vậy là tốt – cho nên chúng ta không cần bận tâm về nó. Chúng ta có thể quanh quẩn trong những chuyện tầm phào của mình còn hắn sẽ lo cho tâm linh của chúng ta”. Nó là một cơ hội tốt để tống khứ toàn bộ công việc. Có vẻ gây tổn thương khi nói vậy, nhưng tôi không thể nói gì đó không thật. Tất cả những người này cư xử như những nhà buôn, họ quan tâm đến việc có thêm nhiều thật là nhiều khách hàng.
Đức Phật dường như là người duy nhất không quan tâm đến việc có môn đồ, không quan tâm đến việc là người chăn cừu, không quan tâm đến việc hạ con người xuống thành con cừu. Trái lại, cả đời ông nhấn mạnh chỉ một điều: Bạn giống như tôi, sự khác biệt là rất nhỏ. Ngày trước tôi đã ngủ, hôm nay tôi đã thức dậy. Hôm nay bạn đang ngủ, ngày mai bạn có thể thức dậy – và nếu bạn thông minh, bạn có thể thức dậy ngay khoảnh khắc này.
Đức Phật, thay vì nói về những điều vô nghĩa mang tính giả thuyết, lại đương đầu trực tiếp với vấn đề mang tính hiện sinh: Vấn đề là sự giải phóng của bạn. Và vấn đề này đơn giản bởi vì sự giải phóng nằm chính trong tay bạn: Bạn chỉ quên mất mình là ai. Nếu nói cho bạn biết bạn là ai, bạn sẽ không hiểu, và việc này nguy hiểm ở chỗ nếu nói cho bạn biết bạn là ai, bạn có thể trở thành con vẹt. Ở Ấn Độ, bạn sẽ thấy cả đất nước đầy những vẹt. Mọi người đang nói về linh hồn, chứng ngộ, thức tỉnh, niết bàn. Tất cả bọn họ lặp lại những câu đẹp đẽ trong kinh sách. Đức Phật không muốn biến bạn thành con vẹt; cho nên, ông nói không có cách nào trao cho bạn chân lí vì lí do đơn giản là bạn có nó sẵn rồi.
Vì vậy, điều có thể làm được là bằng cách nào đó tạo ra những tình huống để đánh thức bạn dậy, và nếu cần thiết, cho bạn một cái tát thật đau vào đúng thời điểm. Không phải ai tát cũng được mà chỉ bậc thầy thôi – và chỉ đệ tử đã tu tập nhiều năm, hay có khi nhiều kiếp, đã đi tới một điểm nằm ngay trên ranh giới, nơi chỉ cần một cú đẩy nhẹ... là anh ta tới bờ bên kia. Cho nên có những kỉ luật trong Phật giáo, nhưng những kỉ luật đó sẽ không cho bạn chân lí. Chúng sẽ chỉ mang bạn đến một điểm mà từ đó một bậc thầy sáng suốt và giàu lòng trắc ẩn nào đó có thể tạo ra một phương sách giải phóng bạn.
Bạn đã bao giờ nhìn lũ chim non chưa? Chúng thấy cha mẹ mình bay khắp xung quanh, và chúng cũng vỗ cánh. Nhưng chúng sợ – hiển nhiên, bởi vì chúng chưa bao giờ bay – và chúng không thể tin rằng việc đi khỏi cái tổ ấm cúng của mình là an toàn.
Bầu trời rộng lớn và việc chưa bao giờ bay làm chúng sợ – mặc dù chúng có khả năng bay, chúng có đôi cánh, và chúng sẽ vui sướng bay giữa bầu trời dưới ánh mặt trời ấm áp.
Cuối cùng cha mẹ của lũ chim non đó đẩy chúng. Đó là phương sách – đó là phương sách Thiền. Nhưng cha mẹ phải đợi đến khi cánh của các con đủ cứng cáp, chúng làm nhiều điều mà tôi thấy dường như đích xác là những gì Thiền sư làm cho đệ tử. Chim mẹ sẽ bay phía trước các con, thể hiện rằng nếu mẹ bay được thì sao con lại không? Chim non đập cánh để thu lấy tự tin, để làm quen với thực tế là chúng cũng có đôi cánh – đúng thế!
Nhưng để thực hiện cú nhảy... Chúng tới tận rìa của tổ chim. Chúng cân nhắc lợi và hại. Có một khao khát mãnh liệt được thực hiện cú nhảy, nhưng cũng có cả nỗi sợ hãi bởi vì chúng đang đi vào cái không biết. Ai mà biết được – chúng có thể rơi xuống đất và ra đi. Chim mẹ sang một cây khác, và từ đó nó bắt đầu gọi con: Nào các con! Không cưỡng lại được. Lũ chim non cố gắng, nhưng ranh giới vô hình nào đó ngăn cản chúng.
Khi bố mẹ thấy các con đã hoàn toàn đủ khả năng và chỉ có nỗi sợ hãi đang ngăn cản chúng, một hôm, không báo trước, đột ngột – một cú đẩy Thiền!
Tất nhiên, ban đầu chúng đập cánh loạn xa, nhưng giờ đây chúng biết rằng dù đang không bay được một cách đúng nghĩa, nhưng chúng có thể giữ mình trên không trung. Thế rồi chim mẹ bắt đầu gọi chúng từ những cây khác. Đầu tiên chúng sang những cây ở gần, rồi chúng bắt đầu đi tới những cây ở xa hơn, và một ngày kia chúng vĩnh viễn đi vào vô tận; chúng không bao giờ quay lại. Khi đó, cả bầu trời trở thành của chúng.
Tôi đã luôn nghĩ rằng các phương sách truyền đạt của Thiền hẳn phải tới từ những nguồn cội này. Các Thiền viện nằm trong rừng, và bậc thầy thiên tài nào đó có lẽ đã nhìn thấy tình huống một con chim bị đẩy. Không có logic trong việc này, bạn không thể thuyết phục một con chim bằng trí tuệ, và một cú đẩy thì không hề lí trí. Về nguyên tắc, nó là sự chứng ngộ tức thì. Trong thực tiễn, con chim nhỏ phải phát triển đôi cánh khỏe mạnh, chờ đến đúng thời điểm, và phải dưới sự bảo vệ của đúng bậc thầy. Mọi sự hấp tấp có thể là tai hại.
Nếu ai đó được đánh thức trước thời điểm chín muồi, trước khi anh ta đủ trưởng thành, sự chứng ngộ đó có thể nguy hiểm. Anh ta có thể không sống sót nổi, nó có thể vượt quá sức chịu đựng của anh ta. Anh ta vẫn chưa thể kiềm chế nó, hấp thụ nó, thưởng thức nó.
Giới trí thức trên khắp thế giới đã hỏi: “Nếu là tức thì, thế thì tại sao nó không xảy ra với chúng tôi? Thế thì tại sao ai đó phải hành thiền nhiều năm?” Họ đã không hiểu rằng về nguyên tắc, nó là tức thì. Khi nó xảy ra, nó xảy ra tức thì – nhưng trước khi điều đó xảy ra, cần một sự trưởng thành nhất định. Điều đó nghĩa là về bản chất, chứng ngộ là tức thì, nhưng sự chuẩn bị cho nó là dần dần.
Dần dần và tức thì không nhất thiết trái ngược với nhau, dần dần đó có thể là sự chuẩn bị cho tức thì. Cả hai có thể là một phần của một quá trình tổng hòa. Nó mất thời gian, những khoảng thời gian khác nhau cho những người khác nhau. Tùy theo tình yêu của họ, tùy theo sự tin cậy của họ, tùy theo khao khát của họ, tùy theo đam mê của họ, tùy theo sự sẵn sàng mạo hiểm tất cả của họ, mà yếu tố thời gian sẽ khác đi.
Khi một người đến gặp một bậc thầy, người đó có nhiều rác rưởi đến mức bậc thầy phải gỡ bỏ dần dần, bởi vì với ông nó là rác, nhưng với đệ tử nó là tri thức. Với bậc thầy nó là xiềng xích; với đệ tử, đấy là đồ trang sức. Cho nên mất thời gian... bậc thầy ném rác đi và đệ tử nhặt nó lại, giấu nó ở những chỗ sâu hơn để bậc thầy không thể với tới, cho đến khi đệ tử nhận ra rằng bậc thầy và đệ tử đứng ở cùng một nơi. Khi đó thì bất kể cái gì cũng sẽ có tác dụng, thậm chí là một cú đẩy nhẹ... Cho nên bạn phải tỉnh táo và nhận biết – không phải nhận biết cái gì đặc biệt hay đối tượng nào cả, mà chỉ tỉnh táo thôi, như thể có điều gì đó lớn lao sắp xảy đến và bạn không biết nó là gì. Như thể một vị khách vĩ đại sắp viếng thăm và bạn đang đứng chờ ở cửa. Bạn không biết ai đang đến... bạn không biết liệu ông ấy có đến hay không. Bạn không có sự xác nhận nào – nhưng hãy thật tỉnh táo, bạn đang đứng ở cửa. Một sự nhận biết thuần khiết...
Thầy Thủy Lão hỏi Mã Tổ: “Ý nghĩa thực sự của việc tới từ phương Tây là gì?” Đây là một cách đặt câu hỏi đặc biệt: “Ý nghĩa thực sự của việc Bồ Đề Đạt Ma tới từ phương Tây là gì?”, bởi vì với Trung Hoa, Ấn Độ là phía Tây. “Có lí do đặc biệt gì để Bồ Đề Đạt Ma phải đến Trung Hoa?” Nói cách khác, câu hỏi là: “Ông đến để chuyển giao điều gì?” Ông mất ba năm để đi xa đến thế, và mất chín năm để chuyển giao nó. Nó là gì?
Mã Tổ bèn đánh ngã ông bằng một cú đá vào ngực: Thủy Lão đạt đại ngộ. Ông ngồi dậy, vỗ tay, cười lớn và nói: “Thật phi thường! Thật kì diệu! Ngay tức thì, chỉ bằng đỉnh sợi tóc, ta đã thấu hiểu cội nguồn gốc rễ trăm ngàn trạng thái của sự tập trung cùng vô số ý nghĩa tinh tế.” Rồi ông vái lạy và lui ra.
Sau này, ông nói với tăng chúng: “Từ lúc bị Mã Tổ đạp cho một đạp đến nay, ta cứ cười mãi không thôi.”
Hãy nhớ rằng thầy Thủy Lão không phải một đệ tử bình thường; ông đã được thừa nhận là một bậc thầy lớn, tuy nhiên ông chỉ là một nhà giáo lớn. Nhưng sự khác biệt nhỏ đến mức chỉ những ai đã vượt khỏi bậc thầy và nhà giáo mới có thể biết được. Bản thân ông được biết đến như một bậc thầy... và ông không chỉ là một nhà giáo; ông đã dần dần đi ngày một gần hơn tới chỗ là một bậc thầy, nhưng ông cần một cú đẩy cuối cùng. Ông đang đập đôi cánh của mình... ông đang chờ đợi, nhưng ở rìa của việc bay lên bầu trời.
Bậc thầy ở đó không chỉ để dạy bạn những học thuyết, ông ấy ở đó để giải phóng bạn khỏi nhà tù mà tự bản thân bạn đã tạo ra.
Thầy Thủy Lão hỏi Mã Tổ... Mã Tổ là một trong những Thiền sư kì lạ nhất trong số những Thiền sư kì lạ. Thủy Lão đang hỏi một câu hỏi đơn giản: “Tại sao Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Hoa? Ông phải thực hiện sự chuyển giao đặc biệt gì?”
Mã Tổ bèn đánh ngã ông bằng một cú đá vào ngực: Thủy Lão đạt đại ngộ.
Giờ đây những tình tiết như thế này làm cho giới trí thức bối rối. Chuyện gì đã xảy ra? Mã Tổ cho ông ta thấy rằng Bồ Đề Đạt Ma đến để giết chết bản ngã của bạn, để giải phóng bạn khỏi nỗi sợ cái chết. Ông đạp vào ngực ông ta, khiến ông ta ngã xuống. Quá kì lạ và bất thình lình, không lường trước được. Ông ta hỏi một câu hỏi đơn giản, một câu hỏi thông thường; bất cứ người trí thức nào cũng có thể giải thích tại sao Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Hoa – để truyền bá Phật giáo, truyền bá thông điệp của bậc thầy vĩ đại.
Không ai có thể nghĩ rằng Mã Tổ sẽ làm điều này với người hỏi đáng thương, nhưng nó dường như chỉ đột ngột và không đoán trước được với chúng ta; Mã Tổ hẳn có thể thấy sự chín muồi của người này, sự trưởng thành của người này... ông ấy chỉ cần một cú đẩy nhẹ, cho nên không nên bỏ lỡ khoảnh khắc này. Việc đá vào ngực ông ấy làm ông ấy ngã xuống có lẽ đã hoàn toàn dừng sự vận hành của tâm trí ông ấy, bởi vì nó đột ngột và quá kì lạ. Trong sự dừng lại đó của tâm trí là sự giải phóng. Đột nhiên con ngỗng đã ở ngoài rồi! Thủy Lão đã chứng ngộ.
Ông ngồi dậy, vỗ tay, cười lớn và nói: “Thật phi thường! Thật kì diệu! Ngay tức thì, chỉ bằng đỉnh sợi tóc, ta đã thấu hiểu cội nguồn gốc rễ trăm ngàn trạng thái của sự tập trung cùng vô số ý nghĩa tinh tế.” Rồi ông vái lạy – với sự kính trọng sâu sắc – và lui ra. Sau này, ông nói với tăng chúng – ông đã trở thành một bậc thầy lớn – “Từ lúc bị Mã Tổ đạp cho một đạp đến nay, ta cứ cười mãi không thôi.”
Làm sao một người có thể cười mãi không thôi? Sự việc lớn lao này quá tức cười!
Giống như một con chó vào một sớm mùa đông nắng ấm ngồi im lặng nhìn cái đuôi của mình và thích thú với việc bắt nó. Con chó cố gắng bằng nhiều cách, và nó càng cố gắng thì càng bị thách thức, bởi vì cái đuôi nhảy ngay lập tức. Nó nhảy càng nhanh, cái đuôi nhảy càng nhanh – và khoảng cách vẫn nguyên như cũ. Đứng bên cạnh, bạn sẽ cười: “Con chó ngốc này! Cái đuôi là của nó, không cần phải bắt đuôi làm gì cả – và chẳng có cách nào...”
Sự chứng ngộ của bạn thuộc về bạn, không cần phải tìm hay kiếm. Bạn là nó. Nó không phải một thành tựu, nó chỉ là một sự nhận ra – cho nên có tiếng cười.
Một cách tự nhiên, những người không quen thuộc với truyền thống Thiền sẽ bị sốc bởi hành xử ấy. Nếu tôi đột nhiên gõ vào đầu ai đó ở đây ngay bây giờ, liệu bạn có hiểu không? Bạn sẽ nghĩ: “Người này điên rồi.” Bạn sẽ nghĩ: “Chúng ta đều đã biết ông ta bị điên, giờ đây ông ta đã đi quá mọi giới hạn.”
Nhưng những người không có sự cộng hưởng sâu sắc với Thiền sẽ không thể hiểu được – người Hindu giáo hay Hồi giáo hay Thiên chúa giáo hay Do Thái giáo – bởi vì chẳng có gì giống như thế trong toàn bộ lịch sử của họ. Lịch sử của họ chỉ là những bài thể dục trí óc.
Thiền mang tính hiện sinh tuyệt đối. Bậc thầy ở đó không chỉ để dạy bạn những học thuyết, ông ấy ở đó để giải phóng bạn khỏi nhà tù mà tự bản thân bạn đã làm ra. Bất kể phương thức nào, dù là tùy hứng, chỉ cần thích hợp thì ông ấy sẽ không lo lắng về việc người ta nghĩ gì về chúng; ông ấy sẽ sử dụng chúng.
Chẳng có bản thể nào giàu lòng trắc ẩn hơn các Thiền sư. Mã Tổ có lòng trắc ẩn lớn lao, nếu không thì ai quan tâm? – ông ấy chỉ cần trả lời câu hỏi và toàn thể câu chuyện sẽ trôi qua. Ông ấy đã quá nỗ lực, đánh người kia, khiến ông ta ngã xuống...
Và không chỉ Mã Tổ là người giàu lòng trắc ẩn: Thủy Lão cũng biết sự thấu hiểu phi thường. Nếu nó xảy ra cho ai đó chưa sẵn sàng, ông ta hẳn sẽ bắt đầu chiến đấu hoặc giận dữ và nói: “Thật lố bịch! Tôi đang đặt một câu hỏi mà ông lại đánh tôi.” Nhưng ông nhận cú đánh theo cách Ma Ha Ca Diếp đã nhận bông hoa sen từ Đức Phật – đẹp hơn: “Thật phi thường! Thật kì diệu!” – và với sự tôn kính lớn lao – ông vái lạy và lui ra.
Không có câu hỏi nào khác... mọi thứ đã được giải quyết. Ông đã được đá văng khỏi tổ, giờ đây đôi cánh của ông mở ra giữa bầu trời.