Trong 14 thế kỉ sau thời Bồ Đề Đạt Ma đã xuất hiện hàng trăm Thiền sư có đầy đủ sự thông suốt, tri kiến và thức tỉnh, nhưng không một ai tiếp cận được độ sâu, sự tinh tế, vẻ đẹp và nhận thức bao la của Bồ Đề Đạt Ma. Khi tôi tìm hiểu Bồ Đề Đạt Ma, tôi không thấy bất cứ cá nhân nào khác trong toàn thể lịch sử loài người – bao gồm cả Đức Phật – có thể cô đọng tôn giáo trong khả năng tối giản của nó cũng như diễn đạt tôn giáo trong sự thuần khiết tuyệt đối của nó. Hiển nhiên là con người này sẽ bị hiểu nhầm, lên án và không được chấp nhận. Đỉnh cao vĩ đại nhất của ý thức mà người này đã đạt tới, loài người chưa đủ tốt đẹp để có thể ghi nhớ. Có lẽ có những độ cao mà mắt chúng ta không thể thấy, nhưng chúng ta nên cố gắng hết sức. Không ai biết trước được.
Bồ Đề Đạt Ma sinh ra cách đây 14 thế kỉ. Ông là con của một vị vua ở miền nam Ấn Độ. Nơi đó có một đế chế lớn, đế chế Pallava. Ông là con trai thứ ba. Nhưng khi thấy mọi thứ – ông là người vô cùng thông minh – ông đã từ bỏ vương quốc.
Ông không chống lại thế giới nhưng ông không muốn lãng phí thời gian của mình vào những chuyện thế tục, tầm phào.
Toàn bộ mối quan tâm của ông là làm sao để biết bản chất của chính mình, bởi vì nếu không biết nó, bạn phải chấp nhận chết là hết. Tất cả những người tìm kiếm thật sự, trên thực tế, đều chiến đấu chống lại cái chết. Bertrand Russell1 đã nói rằng nếu không có cái chết, sẽ không có tôn giáo. Điều này có vài phần đúng. Tôi không đồng thuận hoàn toàn, bởi vì tôn giáo là một lục địa rộng lớn. Nó không chỉ đối phó với cái chết mà còn là cuộc tìm kiếm phúc lạc, nó còn là cuộc tìm kiếm chân lí, và nó còn là cuộc tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Nó là nhiều thứ khác nữa. Nhưng chắc chắn Bertrand Russell nói đúng một điều: Nếu không có cái chết, sẽ rất, rất hiếm người quan tâm đến tôn giáo. Cái chết là động cơ lớn lao.
1 Triết gia, nhà logic học, nhà toán học vĩ đại người Anh.
Bồ Đề Đạt Ma từ bỏ vương quốc và nói với cha mình: “Nếu cha không thể cứu con thoát khỏi cái chết thì xin đừng ngăn cản con. Hãy để con bước vào con đường tìm kiếm điều gì đó vượt khỏi cái chết.”
Đó là những ngày tươi đẹp, đặc biệt là ở phương Đông. Người cha suy nghĩ giây lát, rồi nói: “Ta sẽ không ngăn cản con, bởi vì ta không thể ngăn cản cái chết của con. Con hãy tiếp tục con đường tìm kiếm của con với tất cả sự chúc phúc của ta. Thật buồn cho ta nhưng đó là vấn đề của ta, đó là sự quyến luyến của ta. Ta đã hi vọng con là người kế vị ta, trở thành hoàng đế của đế chế Pallava vĩ đại, nhưng con đã chọn điều gì đó cao hơn thế. Ta là cha con, cho nên làm sao ta cản con được? Và con đã đặt ra một câu hỏi theo cách đơn giản mà ta chưa bao giờ trông đợi. Con nói: ‘Nếu cha có thể ngăn cản cái chết của con thì con sẽ không rời hoàng cung. Nhưng nếu cha không thể ngăn cản cái chết của con thì cũng xin đừng ngăn cản con rời đi.’”
Bạn có thể thấy trí tuệ lớn lao của Bồ Đề Đạt Ma. Và mặc dù ông là một môn đệ của Đức Phật, trong một số trường hợp ông còn thể hiện tầm bay cao hơn chính Đức Phật. Chẳng hạn, Đức Phật e ngại việc điểm đạo cho phụ nữ để người đó vào trong tăng đoàn của mình, còn Bồ Đề Đạt Ma lại được một phụ nữ đã chứng ngộ điểm đạo. Tên của bà là Prajnatara. Đáng lẽ người ta đã quên tên bà nếu không có Bồ Đề Đạt Ma. Nhưng chỉ cái tên thôi – chúng ta không biết điều gì khác về bà. Chính bà đã yêu cầu Bồ Đề Đạt Ma đi đến Trung Hoa.
Phật giáo đã tới Trung Hoa trước Bồ Đề Đạt Ma sáu trăm năm. Nó là một điều thần kì; nó chưa bao giờ xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào, và thông điệp của Đức Phật ngay lập tức đánh trúng tâm lý của toàn thể dân Trung Hoa. Thời đó, Trung Hoa đang sống dưới ảnh hưởng của Khổng Tử và mệt mỏi với nó bởi vì Khổng Tử chỉ là một nhà đạo đức, một người hà khắc. Ông ấy không biết chút gì về những huyền bí bên trong cuộc sống.
Những người như Lão Tử, Trang Tử và Liệt Tử1 sống cùng thời với Khổng Tử, nhưng họ là những nhà huyền môn chứ không phải những bậc thầy. Họ không thể tạo ra một xu hướng đối chọi lại Khổng Tử trong trái tim người Trung Hoa. Cho nên có một khoảng trống. Không ai có thể sống thiếu linh hồn, và một khi bạn bắt đầu nghĩ rằng không có linh hồn, cuộc sống của bạn bắt đầu mất hết ý nghĩa. Linh hồn là khái niệm tích hợp của bạn; thiếu nó, bạn bị cắt rời khỏi hiện hữu và cuộc sống vĩnh hằng. Giống như cành bị cắt khỏi cây thì chắc chắn sẽ chết – nó đã mất nguồn dinh dưỡng – chính ý niệm không có linh hồn bên trong bạn, không có ý thức, sẽ cắt rời bạn khỏi hiện hữu. Con người bắt đầu co rúm lại, con người bắt đầu cảm thấy nghẹt thở.
1 Những nhân vật nổi bật nhất của Đạo. Để biết thêm về họ, xin đọc cuốn Đạo của Osho, cùng bộ với cuốn sách này.
Khổng Tử là người duy lí vĩ đại. Những nhà huyền môn này – Lão Tử, Trang Tử, Liệt Tử – biết rằng điều Khổng Tử làm là sai, nhưng họ không phải những bậc thầy. Họ vẫn ở nguyên trong những tu viện của mình cùng một số đệ tử.
Khi Phật giáo đến Trung Hoa, nó ngay lập tức bước vào linh hồn của người dân, như thể họ đã khát trong nhiều thế kỉ và Phật giáo đã đến như một đám mây đem theo mưa. Nó dập tắt cơn khát của họ và khiến họ thỏa mãn đến mức một điều gì đó không thể tưởng tượng nổi đã xảy ra. Phật giáo đã tự chứng minh bản thân, và vẻ đẹp của thông điệp đã được người dân thấu hiểu. Họ đã khát khao nó, họ đang chờ đợi thứ gì đó giống như nó. Cả đất nước lớn nhất thế giới chuyển sang đạo Phật. Khi Bồ Đề Đạt Ma tới sáu trăm năm sau, đã có sẵn ba nghìn chùa, tu viện Phật giáo và hai triệu thầy tu Phật giáo ở Trung Hoa. Hai triệu không phải là con số nhỏ; nó chiếm 5% toàn dân số Trung Hoa thời đó.
Prajnatara, sư phụ của Bồ Đề Đạt Ma, bảo ông đi đến Trung Hoa bởi vì những người tới đó trước ông đã tạo ra tác động lớn, mặc dù không ai trong số họ chứng ngộ. Họ là những học giả lớn, những người có kỉ luật, yêu thương, an nhiên và trắc ẩn, nhưng không ai trong số họ chứng ngộ. Và giờ đây Trung Hoa cần một Đức Phật khác. Nền móng đã sẵn sàng.
Bồ Đề Đạt Ma là bậc giác ngộ đầu tiên trong truyền thống Phật giáo đến Trung Hoa. Có nhiều truyền thuyết về con người này, tất cả chúng đều có ý nghĩa nào đó. Truyền thuyết đầu tiên là khi ông đến Trung Hoa – ông đi mất ba năm – Lương Vũ Đế của Trung Hoa đã ra đón tiếp ông. Danh tiếng của Bồ Đề Đạt Ma đã tới trước ông. Lương Vũ Đế đã có đóng góp to lớn cho triết lí của Đức Phật. Hàng ngàn học giả đã dịch kinh Phật từ tiếng Pali sang tiếng Hán, và hoàng đế là người bảo trợ cho công trình phiên dịch to lớn đó. Ông đã xây hàng ngàn chùa chiền và tu viện, nuôi hàng ngàn sư.
Ông đã dành toàn bộ ngân khố của mình để cúng dường cho Đức Phật.
Hiển nhiên, các tu sĩ Phật giáo tới trước Bồ Đề Đạt Ma đã nói với hoàng đế rằng ông đã tích được vô vàn công đức, ông sẽ được tái sinh làm một vị thần trên trời. Cho nên câu hỏi đầu tiên ông ấy dành cho Bồ Đề Đạt Ma là: “Ta đã xây dựng nhiều tu viện, ta đã nuôi dưỡng hàng ngàn học giả, ta đã mở một trường đại học nghiên cứu về Đức Phật, ta đã dùng cả đế chế và ngân khố của ta để phục vụ Đức Phật. Ta sẽ được tưởng thưởng điều gì?”
Ông hơi sửng sốt khi nhìn thấy Bồ Đề Đạt Ma vì ông đã không nghĩ người đàn ông đó sẽ như thế này. Ông ta trông thật dữ tợn. Ông ta có cặp mắt to, nhưng lại có trái tim rất nhân hậu – giống như có một bông hoa sen trong trái tim ông. Nhưng gương mặt ông trông thật nguy hiểm như bạn có thể mường tượng.
Chỉ thiếu cặp kính râm, nếu không ông trông y như một tay xã hội đen! Với nỗi sợ hãi ghê gớm, Lương Vũ Đế đặt ra câu hỏi, và Bồ Đề Đạt Ma nói: “Không gì cả, không có tưởng thưởng. Trái lại, bệ hạ hãy sẵn sàng rơi vào địa ngục thứ bảy.”
Hoàng đế nói: “Nhưng ta không làm gì sai – sao ta lại phải rơi vào địa ngục thứ bảy? Ta đã làm mọi thứ mà chư tăng Phật giáo bảo ta làm.”
Bồ Đề Đạt Ma đáp: “Trừ khi bệ hạ bắt đầu lắng nghe giọng nói của chính mình, còn không thì không ai có thể giúp bệ hạ, dù người đó là Phật tử hay không phải là Phật tử. Và bệ hạ vẫn chưa nghe thấy giọng nói bên trong mình.
Nếu bệ hạ đã nghe thấy nó thì bệ hạ đã không hỏi một câu hỏi ngớ ngẩn như vậy.
Trên con đường của Đức Phật không có tưởng thưởng bởi vì dục vọng muốn được tưởng thưởng tới từ một tâm trí đầy tham lam. Toàn thể giáo huấn của Đức Phật là làm sao để không còn dục vọng. Và nếu bệ hạ đang làm tất cả những việc được cho là công đức này – xây chùa chiền, tu viện và nuôi hàng ngàn sư – với một tâm trí dục vọng thì bệ hạ đang chuẩn bị sẵn con đường xuống địa ngục. Còn nếu bệ hạ làm những điều này vì niềm vui, để chia sẻ niềm vui với cả đế chế, và không có một dục vọng nào dù là mong manh ở bất cứ đâu thì chính hành động tự nó đã là phần thưởng. Bằng không, bệ hạ đã bỏ lỡ toàn bộ mấu chốt của vấn đề.”
Lương Vũ Đế nói: “Tâm trí ta đầy những suy nghĩ. Ta luôn cố gắng tạo ra một chút bình an cho tâm trí, nhưng ta đã thất bại, và bởi những suy nghĩ này cùng sự ồn ào của chúng, ta không thể nghe được điều ông gọi là giọng nói bên trong. Ta không biết gì về nó cả.”
Bồ Đề Đạt Ma nói: “Vậy thì vào canh năm1 đầu sáng, hãy đi một mình đến ngôi chùa trên dãy núi ta ở mà không đem theo cấm vệ nào. Và ta sẽ làm cho tâm trí bệ hạ bình an mãi mãi.”
1 Từ 3 đến 5 giờ sáng.
Hoàng đế nghĩ: “Người này thật lạ lùng và kỳ quái!” Ông đã gặp nhiều vị tăng; họ rất lịch thiệp, nhưng: “Người này thậm chí chẳng bận tâm ta là hoàng đế của một đất nước vĩ đại. Một mình đi gặp hắn vào canh năm đầu sáng lúc trời còn tối... Người này dường như thật nguy hiểm!” Bồ Đề Đạt Ma luôn luôn mang một cây trượng theo mình.
Hoàng đế mất ngủ cả đêm: “Đi hay không đi? Kẻ đó có thể làm bất cứ chuyện gì. Có vẻ như hắn là người không thể lường trước được.” Mặt khác, sâu bên dưới trái tim mình, ông cảm thấy sự chân thật của người này, cảm thấy rằng ông ta không phải kẻ giả nhân giả nghĩa. “Hắn không quan tâm chút nào ta là một hoàng đế còn hắn là kẻ ăn mày. Hắn hành xử như một hoàng đế, trước mặt hắn ta chỉ giống như kẻ ăn mày. Và cái cách hắn nói: ‘Ta sẽ làm cho tâm trí bệ hạ bình an mãi mãi’...
Kì lạ thật, bởi vì ta đã hỏi, hoàng đế nghĩ: “nhiều người thông thái đến từ Ấn Độ, và tất cả bọn họ đều cho ta các phương thức, các kĩ thuật. Ta đã thực hành nhưng chẳng có gì xảy ra. Cái gã kì lạ này, hắn trông như bị điên hay bị say vậy. Lại còn khuôn mặt kì quặc và cặp mắt to đến mức khiến người khác sợ hãi nữa chứ... Nhưng dường như hắn cũng chân thành. Hắn là một hiện tượng hoang dại! Đáng để ta mạo hiểm. Hắn có thể làm gì chứ? Hắn giết ta là cùng.” Cuối cùng ông không thể cưỡng lại cám dỗ muốn đi, bởi vì người đó đã hứa: “Ta sẽ làm cho tâm trí bệ hạ bình an mãi mãi.”
Lương Vũ Đế tới ngôi chùa lúc canh năm một mình vào buổi sáng sớm khi trời còn tối, và Bồ Đề Đạt Ma đang đứng đó cùng cây trượng, ngay trên bậc thềm. Ông nói: “Ta biết bệ hạ sẽ đến, mặc dù cả đêm bệ hạ đã cân nhắc xem có đi hay không. Bệ hạ là kiểu hoàng đế gì vậy? Quá hèn nhát, sợ cả một ông sư bần cùng, một kẻ ăn mày bần cùng không có gì trong thế giới ngoại trừ cây trượng này. Và với cây trượng này ta sẽ làm tâm trí bệ hạ im lặng.”
Hoàng đế nghĩ: “Trời ơi, làm gì có chuyện một cây trượng có thể khiến tâm trí ai đó im lặng chứ? Nó có thể kết liễu một người, đánh mạnh vào đầu hắn – nhưng thế thì cả người đó sẽ im lặng luôn chứ không chỉ tâm trí. Nhưng bây giờ đã quá muộn để quay về.”
Bồ Đề Đạt Ma nói: “Hãy ngồi xuống giữa sân chùa.” Xung quanh không một bóng người. “Nhắm mắt lại. Ta đang đứng trước bệ hạ với cây trượng của ta. Việc của bệ hạ là bắt lấy tâm trí. Nhắm mắt lại và đi vào bên trong để tìm kiếm nó – tìm xem nó ở đâu. Khoảnh khắc bệ hạ bắt được nó, hãy nói với ta: ‘Nó đây rồi.’ Và cây trượng của ta sẽ làm phần còn lại.”
Nó là kinh nghiệm kì lạ nhất mà một người tìm kiếm chân lí, tìm kiếm bình an hay tìm kiếm im lặng có thể có. Nhưng giờ không có lối thoát. Lương Vũ Đế ngồi xuống, nhắm mắt lại, biết rõ rằng Bồ Đề Đạt Ma nghiêm túc với điều mình nói. Ông nhìn khắp chung quanh – không có tâm trí. Cây trượng đã làm việc của nó!
Lần đầu tiên ông ở trong một tình huống như vậy. Lựa chọn này... nếu bạn tìm thấy tâm trí thì bạn không bao giờ biết người này sẽ làm gì với cây trượng của hắn. Và tại nơi thâm sơn cùng cốc này, trong sự hiện diện của Bồ Đề Đạt Ma, người có một sức thu hút riêng...
Đã có nhiều bậc chứng ngộ nhưng Bồ Đề Đạt Ma đứng tách biệt, một mình, như một đỉnh Everest. Mỗi hành động của ông đều là độc nhất vô nhị và nguyên bản. Từng cử chỉ của ông có chữ kí riêng, không phải sự vay mượn từ bất kỳ ai.
Lương Vũ Đế nỗ lực tìm kiếm tâm trí và ông không thể tìm ra nó. Đây là một chiến lược nhỏ. Tâm trí tồn tại chỉ vì bạn không bao giờ tìm nó, nó tồn tại chỉ vì bạn không bao giờ nhận thức nó. Khi bạn tìm nó, bạn nhận thức được nó, và sự nhận thức chắc chắn giết chết nó hoàn toàn. Thời gian trôi đi, mặt trời dần nhô lên sau những rặng núi tĩnh lặng, gió mát hiu hiu thổi. Bồ Đề Đạt Ma có thể thấy trên gương mặt Lương Vũ Đế sự bình an, im lặng, tĩnh lặng... như thể ông là một bức tượng. Ông lay ông ta và hỏi: “Lâu rồi đó. Bệ hạ đã tìm ra tâm trí chưa?”
Lương Vũ Đế nói: “Không cần sử dụng cây trượng mà ông đã làm yên tâm trí ta hoàn toàn. Ta không có chút tâm trí nào và ta đã nghe thấy giọng nói bên trong mà ông bảo. Giờ đây ta biết rằng bất cứ điều gì ông nói đều đúng. Ông đã chuyển hóa ta mà chẳng cần làm gì. Giờ đây ta biết rằng từng hành động tự nó là phần thưởng, nếu không thì đừng làm. Ai ở đó mà cho ta phần thưởng? Đây là một ý tưởng ấu trĩ. Ai ở đó mà trừng phạt ta? Hành động của ta chính là sự trừng phạt và hành động của ta chính là phần thưởng. Ta là chủ vận mệnh của mình.”
Bồ Đề Đạt Ma nói: “Bệ hạ là một đệ tử hiếm có. Ta yêu bệ hạ. Ta kính trọng bệ hạ, không phải như một quân vương, mà như một con người có can đảm chỉ trong một lần ngồi mà đã mang đến quá nhiều nhận thức, quá nhiều ánh sáng, làm cho tất thảy bóng tối của tâm trí tan biến.”
Lương Vũ Đế cố thuyết phục Bồ Đề Đạt Ma đến hoàng cung. Nhưng Bồ Đề Đạt Ma nói: “Đó không phải chỗ dành cho ta. Bệ hạ có thể thấy ta là người hoang dại, ta làm những điều chính ta còn không biết mình sẽ làm. Ta sống trong từng khoảnh khắc, một cách ngẫu hứng. Ta rất khó lường. Ta có thể tạo ra rắc rối không cần thiết cho bệ hạ và triều đình, cũng như thần dân của bệ hạ. Ta không định tới hoàng cung, hãy để ta sống trong sự hoang dại của mình.”
Ông ở trên núi Thái Sơn1. Truyền thuyết thứ hai kể rằng Bồ Đề Đạt Ma là người đã tạo ra trà – cái tên trà bắt nguồn từ ngọn núi Thái Sơn, bởi vì nó được tạo ra ở đó. Tất cả những từ để chỉ trà, trong mọi ngôn ngữ, đều xuất phát từ cùng gốc từ tai (thái).
1 Theo nhiều nguồn thông tin và tư liệu thì Bồ Đề Đạt Ma ở trên núi Tung Sơn.
Cách Bồ Đề Đạt Ma tạo ra trà không thể là thực tế lịch sử, nhưng nó có ý nghĩa. Ông hành thiền phần lớn thời gian, và thỉnh thoảng vào ban đêm, ông bắt đầu ngủ gục. Cho nên, để giữ tỉnh táo và dạy cho cặp mắt mình một bài học, ông bứt tất cả lông mi ném xuống sân chùa. Theo câu chuyện thì từ những sợi lông mi đó, những bụi trà mọc lên. Đây là những bụi trà đầu tiên. Đó là lí do tại sao khi bạn uống trà, bạn không thể ngủ được. Trà rất có ích khi hành thiền. Ngày nay, thế giới Phật giáo coi việc uống trà như một phần của hành thiền, bởi vì nó giữ cho bạn tỉnh táo và ý thức.
Mặc dù có hai triệu nhà sư Phật giáo ở Trung Quốc, Bồ Đề Đạt Ma chỉ có thể tìm được bốn người xứng đáng làm đệ tử của mình. Ông rất kén chọn, phải mất gần chín năm mới tìm được đệ tử đầu tiên, Huệ Khả.
Trong chín năm – và đó là một thực tế lịch sử bởi tất cả những thư tịch cổ gần như cùng thời với Bồ Đề Đạt Ma đều đề cập đến điều này – trong chín năm, sau khi trả Lương Vũ Đế về hoàng cung, Bồ Đề Đạt Ma ngồi đối diện với bức tường bên trong chùa. Ông biến nó thành việc hành thiền vĩ đại. Ông chỉ nhìn vào bức tường. Sau một khoảng thời gian dài nhìn vào bức tường, bạn không thể nghĩ ngợi nữa. Dần dần, chậm rãi, giống như bức tường, tấm màn tâm trí bạn cũng trở nên trống rỗng. Bồ Đề Đạt Ma có một lí do thứ hai. Ông tuyên bố: “Trừ khi có người xứng đáng làm đệ tử của ta tới, còn không thì ta sẽ không nhìn vào thính giả.”
Mọi người thường đến ngồi sau lưng ông. Đây là một tình huống kì lạ. Không ai từng nói chuyện theo cách này cả, ông nói với bức tường. Mọi người sẽ ngồi sau lưng ông còn ông sẽ không đối diện với thính giả, ông nói: “Thính giả làm ta đau thêm, bởi vì họ giống như bức tường. Không ai hiểu, và nhìn vào những bản thể con người ở trạng thái vô minh như vậy thì đau đớn vô cùng. Nhưng nhìn vào bức tường thì không thành vấn đề... một bức tường, sau tất cả, vẫn là bức tường. Nó không thể nghe, cho nên không cần phải đau đớn. Ta sẽ chỉ quay mặt lại thính giả khi ai đó chứng tỏ bằng hành động rằng đã sẵn sàng làm đệ tử của ta.”
Chín năm trôi qua. Người ta không thể hình dung ra phải làm gì, hành động gì mới làm ông thỏa mãn. Họ không thể hình dung được. Rồi một chàng thanh niên tên Huệ Khả đến. Anh dùng kiếm chặt đứt một cánh tay, ném ra trước mặt Bồ Đề Đạt Ma và nói: “Đây mới là bắt đầu. Hoặc thầy quay lại, hoặc đầu của tôi sẽ rơi xuống trước mặt thầy. Tôi sẽ chặt luôn đầu mình.” Bồ Đề Đạt Ma quay lại và nói: “Anh là người thực sự xứng đáng với ta. Không cần chặt đầu, chúng ta phải sử dụng nó.” Người này, Huệ Khả, là đệ tử đầu tiên của ông. Khi Bồ Đề Đạt Ma cuối cùng cũng định rời Trung Hoa, ông gọi bốn đệ tử của mình lại – ba người nữa ông thu nạp sau Huệ Khả. Ông bảo họ: “Bằng những lời đơn giản, bằng những câu ngắn gọn, súc tích, nói cho ta nghe cốt lõi giáo huấn của ta. Sáng sớm mai ta định rời khỏi đây để trở về dãy Himalaya, và ta muốn chọn trong số bốn người các con một người trở thành người truyền thừa của ta.”
Người đầu tiên nói: “Giáo huấn của thầy là vượt khỏi tâm trí, tuyệt đối im lặng, rồi mọi thứ bắt đầu tự nó xảy ra.”
Bồ Đề Đạt Ma nói: “Con nói không sai, nhưng chưa làm ta thỏa mãn. Con có da của ta.”
Người thứ hai nói: “Biết rằng ta không hiện hữu, chỉ có hiện hữu hiện hữu, là giáo huấn nền tảng của thầy.”
Bồ Đề Đạt Ma nói: “Tốt hơn một chút, nhưng chưa đạt chuẩn của ta. Con có xương của ta. Ngồi xuống đi.”
Và người thứ ba nói: “Không thể nói gì về nó. Không lời nào có khả năng nói gì đó về nó.”
Bồ Đề Đạt Ma nói: “Tốt, nhưng con đã nói điều gì đó về nó rồi. Con đã mâu thuẫn với chính mình. Hãy ngồi xuống, con có tủy của ta.”
Người thứ tư, đệ tử đầu tiên, Huệ Khả, chỉ quỳ dưới chân Bồ Đề Đạt Ma mà không nói lời nào, nước mắt lăn dài trên má. Bồ Đề Đạt Ma nói: “Con đã nói ra nó rồi. Con sẽ là người truyền thừa của ta.”
Nhưng trong đêm, Bồ Đề Đạt Ma đã bị đệ tử nào đó đầu độc để trả thù vì không được chọn làm người truyền thừa. Họ chôn cất ông, và truyền thuyết lạ lùng nhất là sau ba năm, một vị quan triều đình bắt gặp ông đang rảo bước khỏi Trung Hoa đi về phía dãy Himalaya, tay cầm trượng, và có một chiếc dép treo trên cây trượng – ông đi chân trần. Vị quan đã biết ông, đã gặp ông nhiều lần, đã rơi vào tình yêu với ông, mặc dù ông hơi lập dị. Vị quan hỏi: “Ý nghĩa của cây trượng này và một chiếc dép treo trên nó là gì?” Bồ Đề Đạt Ma trả lời: “Ông sẽ biết sớm thôi. Nếu ông gặp người của ta thì hãy bảo họ rằng ta sẽ đi vào dãy Himalaya mãi mãi.”
Vị quan ngay lập tức chạy nhanh nhất có thể đến tu viện trên núi nơi Bồ Đề Đạt Ma đã sống. Ở đó ông nghe mọi người nói rằng Bồ Đề Đạt Ma đã bị đầu độc chết... và có một ngôi mộ. Vị quan đã không biết chuyện này bởi vì ông được sắp đặt ra canh giữ biên cương. Ông nói: “Trời ơi, nhưng ta đã thấy ông ấy, và ta không thể bị đánh lừa bởi ta đã gặp ông ấy nhiều lần trước đây. Vẫn là người đó, vẫn cặp mắt dữ tợn đó, vẫn sự nồng nhiệt và vẻ ngoài hoang dại đó, và ngoài ra, ông ấy còn mang theo một chiếc dép trên cây trượng của mình.”
Các đệ tử không thể kiềm chế được sự hiếu kì, và họ mở ngôi mộ ra. Tất cả những gì họ tìm thấy ở đấy chỉ là một chiếc dép. Và thế là vị quan hiểu ra tại sao ông ấy lại nói: “Ông sẽ biết sớm thôi.”
Chúng ta đã nghe rất nhiều về sự phục sinh của Jesus. Nhưng chưa ai nói nhiều về sự phục sinh của Bồ Đề Đạt Ma. Có lẽ ông chỉ hôn mê khi họ chôn cất ông, và sau đó ông lấy lại tri giác, trượt ra khỏi ngôi mộ, để lại một chiếc dép, treo chiếc dép còn lại lên cây trượng, rồi rời đi y theo kế hoạch.
Ông muốn chết trong tuyết vĩnh hằng của dãy Himalaya. Ông muốn một nơi không mộ phần, không chùa chiền, không tượng tạc của mình. Ông không muốn để lại bất cứ dấu chân nào phía sau mình để người đời thờ phụng, những người yêu quý ông nên bước vào trong bản thể của riêng họ. Ông nói: “Người đời sẽ không thờ phụng ta”. Và ông gần như tan biến vào hư không. Không ai nghe gì về ông nữa – chuyện gì đã xảy ra, ông đã qua đời ở đâu. Ông hẳn đã được chôn trong tuyết vĩnh cửu của dãy Himalaya.