Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, là nơi chịu ảnh hưởng của một trong năm ổ bão lớn nhất thế giới thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với bờ biển dài 3.260 km, trong hơn 65 năm qua, thiên tai từ biển đã xảy ra ở hầu khắp các vùng trên cả nước, gây nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội và tác động xấu đến môi trường. Trong những năm gần đây, trung bình hàng năm có tới 750 người chết và mất tích, thiệt hại về tài sản ước tính tương đương khoảng 1 - 1,5% GDP. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang làm thiên tai ở Việt Nam có xu hướng ngày càng phức tạp, so với những thập kỷ trước về cả quy mô, cường độ cũng như chu kỳ lặp lại kèm theo những đột biến khó lường. Tiềm ẩn nhiều loại thiên tai từ biển như: bão, áp thấp nhiệt đới gây lũ lụt, nước biển dâng, triều cường, sạt lở, xói lở bờ biển,... Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, tiềm ẩn rủi ro thiên tai cao.
Ngày 16/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; ngày 19/6/2013, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật phòng, chống thiên tai (Luật số 33/2013/QH13), trong đó đã dành riêng một điều (Điều 21) về việc phòng, chống thiên tai nhất là các thiên tai có nguồn gốc từ biển.
Ngày 02/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ truyền thông về giảm nghèo thông tin. Thực hiện nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ giao, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các chuyên gia biên soạn và xuất bản cuốn sách “Thiên tai từ biển và các giải pháp ứng phó trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam” nhằm cung cấp những kiến thức cần thiết cho người dân nói chung và người dân vùng biển, đảo nói riêng để họ chủ động hơn trong việc phòng, chống và giảm thiểu rủi ro do thiên tai từ biển gây ra.
Nội dung cuốn sách gồm 5 chương:
Chương 1: Một số vấn đề chung về thiên tai ở Việt Nam
Chương 2: Các loại thiên tai từ biển ở Việt Nam
Chương 3: Kỹ năng phòng, chống thiên tai từ biển
Chương 4: Đánh giá và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng
Chương 5: Hướng dẫn tập huấn phòng, chống thiên tai từ biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Hy vọng, cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu khoa học, quản lý chỉ đạo phòng chống thiên tai từ biển; cho các giảng viên và sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng có liên quan đến khoa học Khí tượng - Khí hậu nông nghiệp, Khí hậu, Biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai, Thủy văn tài nguyên nước, Nông, Lâm, Ngư nghiệp và Môi trường sinh thái...
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!
NHÀ XUẤT BẢN THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG