I. CÁC KHÁI NIỆM CƠ BẢN VÀ THUẬT NGỮ VỀ THIÊN TAI
1. Thiên tai
Luật phòng, chống thiên tai năm 2013 định nghĩa: Thiên tai (Disaster) là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội. Các biểu hiện bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.
1.1. Bão và áp thấp nhiệt đới
Bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) được gọi chung là xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ): Là một vùng gió xoáy, có đường kính tới hàng trăm kilômét, hình thành trên vùng biển nhiệt đới. Ở bắc bán cầu, gió thổi xoáy vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Áp suất khí quyển trong bão thấp hơn rất nhiều so với xung quanh.
Sự di chuyển của bão: Tốc độ và hướng di chuyển của bão phụ thuộc vào sự tương tác rất phức tạp giữa hoàn lưu nội tại của cơn bão và hoàn lưu của khí quyển xung quanh. Tốc độ di chuyển trung bình của bão vào khoảng 10 - 25 km/giờ. Tuy nhiên, có những cơn bão di chuyển rất chậm hoặc hầu như đứng yên và cũng có những cơn khác lại di chuyển rất nhanh
Hoàn lưu gió bão: Ở Bắc bán cầu, gió bão xoáy xung quanh tâm theo ngược chiều kim đồng hồ.
Mắt bão: Mắt bão là vùng tương đối lặng gió, quang mây, có đường kính khoảng 30 - 60 km. Khi ở trong khu vực bão, người ta thường thấy gió và mưa đang rất dữ dội lại đột nhiên ngừng hẳn, trời quang mây tạnh, đó là khi mắt bão đi qua.
Thành mắt bão: Thành mắt bão là tường mây dày xung quanh mắt bão gồm các đám mây dông phát triển lên rất cao. Thành mắt bão là nơi có gió mạnh nhất trong bão.
Các dải mưa xoắn: Các dải mây mưa ở rìa ngoài của bão có thể trải xa cách tâm bão hàng trăm kilômét. Những dải mây dông dày đặc này chuyển động xoắn chậm theo ngược chiều kim đồng hồ, có độ rộng từ khoảng vài kilômét đến vài chục kilômét và dài khoảng từ 80 đến 500 km
Hình 1.1. Cấu trúc của một cơn bão
Bảng 1.1. Bảng phân cấp bão và mức độ gây hại
(Nguồn: Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg)
Áp thấp nhiệt đới, bão có thể gây ra những thiệt hại sau:
- Thiệt hại về người: Chết, mất tích, bị thương do đắm tàu thuyền, mảnh vỡ bị thổi bay trong bão, nhà bị sập đổ hoặc bị nước dâng cuốn trôi, gây dịch bệnh do ô nhiễm môi trường
- Thiệt hại về cơ sở hạ tầng: Cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, hoặc bị phá hủy; tàu thuyền có thể bị đắm hoặc bị hỏng; nhà sập, tốc mái; gẫy đổ cây, đứt đường dây tải điện, dây thông tin liên lạc, giao thông có thể bị gián đoạn, dân cư có thể bị cô lập.
- Thiệt hại về nông nghiệp: Hư hại lúa, hoa màu, cây trồng, gia súc, gia cầm, thủy sản bị thiệt hại; cây công nghiệp bị đổ gãy.
- Thiệt hại về môi trường: Ô nhiễm nguồn nước, phát sinh dịch bệnh sau bão.
- ATNĐ, bão có thể gây lũ lụt, sạt lở đất.
- ATNĐ, bão thường gây ra gió mạnh, sóng lớn trên biển kèm theo hiện tượng nước biển dâng có thể gây ngập lụt nghiêm trọng vùng ven biển. Ngoài ra ATNĐ, bão còn gây mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt và sạt lở đất.
1.2. Lốc
Lốc là luồng gió xoáy hình phễu, xảy ra đột ngột, diễn biến trong một thời gian ngắn, di chuyển nhanh trên mặt đất hoặc mặt biển. Sức gió mạnh tương đương với sức gió của bão hoạt động trong phạm vi hẹp từ vài kilômét vuông đến vài chục kilômét vuông. Lốc có thể nhìn thấy dưới dạng luồng gió xoáy cuốn theo những vật thể (ví dụ: nhà cửa, cấy cối…). Lốc có thể gây ra các tác hại sau:
Thiệt hại về nông nghiệp: Tàn phá hoa màu, cây trồng, vật nuôi, gây đổ các cây công nghiệp, cây cổ thụ.
Thiệt hại về ngư nghiệp: Phá hỏng, nhấn chìm tàu thuyền, làm hỏng các bè nuôi.
1.3. Sét
Sét được hình thành bởi sự tích tụ điện và phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và mặt đất hay giữa các đám mây mang điện tích trái dấu. Sét thường xuất hiện trước, trong, thậm chí sau cơn mưa. Điện thế của sự phóng điện từ sét có thể đạt từ vài chục ngàn đến hàng trăm triệu Vôn, có thể tạo ra tia lửa điện và dòng điện. Sét có thể gây ra các thiệt hại:
- Về người: Chết, bị thương do sét đánh trúng hoặc do cháy, nổ nhà cửa.
- Về công trình: Gây cháy, nổ công trình; chập hệ thống truyền tải điện.
- Về lâm nghiệp: Gây các đám cháy rừng.
- Về nông nghiệp: Gây chết, bị thương gia súc
1.4. Mưa lớn
Mưa lớn là với lượng mưa đạt trên 50 mm trong 24 giờ, được phân làm 2 mức: mưa to, khi lượng mưa từ 51mm đến 100mm; mưa rất to khi lượng mưa trên 100mm. Mưa lớn có thể gây thiệt hại sau:
- Thiệt hại về nông nghiệp: Ngập úng gây chết, giảm năng suất hoa màu, cây trồng; thiệt hại về thủy sản.
- Ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện sống của con người như ngập úng, sinh hoạt, sản xuất và chăn nuôi, đánh bắt của người dân bị gián đoạn…
- Mưa lớn có thể kéo theo các hình thái thiên tai nguy hiểm khác như sạt lở đất, sụt lún, lũ, lụt, lũ quét, v.v.
1.5. Lũ
Lũ là hiện tượng mực nước sông dâng cao trong khoảng thời gian nhất định. Lũ hình thành do mưa lớn hoặc do xả nước hoặc do vỡ đập ở thượng nguồn.
Các đại lượng biểu thị một trận lũ bao gồm: i) Mực nước lũ; ii) Lưu lượng lũ; iii) Cường suất lũ; iv) Thời gian truyền lũ và v) Tần suất lũ. Lũ có thể gây ra những thiệt hại như sau:
- Thiệt hại về người: Bị đuối nước hoặc bị lũ cuốn trôi, bị thương;
- Thiệt hại về cơ sở hạ tầng: Công trình hạ tầng có thể bị lũ cuốn trôi hoặc sập, đổ, hư hỏng hoặc bị va đập bởi các vật trôi nổi trong dòng lũ. Có thể xảy ra hiện tượng sạt lở ngập úng kéo dài ở khu vực vùng trũng, ven sông suối; đặc biệt đối với đê, nếu lũ gây vỡ đê thì thiệt hại là rất lớn;
- Thiệt hại về nông nghiệp: Lũ gây thiệt hại về hoa màu, cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản…;
- Thiệt hại về môi trường: Lũ có thể gây ô nhiễm nguồn nước, khi nước thải theo dòng nước lũ tràn vào vùng dân cư làm tăng mức độ lây nhiễm dịch bệnh như tiêu chảy, sốt xuất huyết…;
1.6. Lũ quét
Lũ quét là lũ xảy ra bất ngờ trên các lưu vực sông suối nhỏ miền núi, nơi có độ dốc lớn, dòng chảy xiết, thường kèm theo bùn đá. Lũ lên nhanh, xuống nhanh, có sức tàn phá lớn. Đặc điểm nguy hiểm của lũ quét là tính bất ngờ cả về thời gian, cường độ, quy mô, vị trí xuất hiện. Khi xảy ra lũ quét thường kèm theo sạt lở đất, đá. Lũ quét là loại hình thiên tai khó dự báo.
Lũ quét có thể gây ra những tác hại sau:
- Thiệt hại về người: Chết, mất tích hoặc bị thương do bị cuốn trôi, bị vùi lấp.
- Thiệt hại về cơ sở hạ tầng: Cơ sở hại tầng bị cuốn trôi hoặc hư hỏng. Lũ quét thường gây chia cắt, cô lập vùng bị ảnh hưởng; hệ thống giao thông, thông tin bị chia cắt, gián đoạn.
- Thiệt hại về nông nghiệp: Hoa màu, cây trồng, lương thực, thực phẩm đã thu hoạch hoặc dự trữ bị cuốn trôi, hư hỏng; vật nuôi, gia súc, gia cầm, thủy sản bị chết, cuốn trôi.
- Thiệt hại về môi trường: Lũ quét có thể gây ô nhiễm môi trường, xuất hiện các dịch bệnh như tiêu chảy, truyền nhiễm…
1.7. Ngập lụt
Ngập lụt là hiện tượng nước ngập vượt quá mức bình thường, do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ, triều cường, nước biển dâng.
Ngập lụt gây ra các tác hại sau:
- Thiệt hại về người như: Chết, bị thương do đuối nước, cuốn trôi;
- Thiệt hại về cơ sở hạ tầng: Cơ sở hạ tầng, công trình, nhà cửa có thể bị sập, đổ hoặc hư hỏng do bị ngâm nước lâu ngày.
Thiệt hại về nông nghiệp: Hoa màu cây trồng bị chết, giảm năng suất; lương thực, thực phẩm đã thu hoạch hoặc dự trữ bị ướt, hư hỏng; vật nuôi gia súc, gia cầm, bị đói, dịch bệnh, do thiếu thức ăn, do ô nhiễm, thủy sản bị thiệt hại…;
- Thiệt hại về môi trường: Ngập lụt có thể gây ô nhiễm nguồn nước khi nước thải theo dòng nước tràn vào vùng dân cư làm tăng mức độ lây nhiễm dịch bệnh như truyền nhiễm, tiêu chảy…;
Ngập lụt ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của con người.
1.8. Sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy
Sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy là hiện tượng đất bị sạt, trượt, lở, sụt lún do tác động của mưa, lũ hoặc dòng chảy.
Sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy gây ra tác hại sau:
- Thiệt hại về người: Chết, mất tích hoặc bị thương do bị chôn vùi bởi bùn đất, đá, dưới những căn nhà bị sập;
- Thiệt hại về cơ sở hạ tầng: Công trình hạ tầng có thể bị phá hủy, hư hỏng do bị vùi lấp, đổ sập. Sạt lở đất có thể gây chia cắt, cô lập, hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn. Đặc biệt sạt lở bờ sông, bờ biển do dòng chảy có thể dẫn đến vỡ đê sông, đê biển.
- Thiệt hại về nông nghiệp: Hoa màu, cây trồng, lương thực, thực phẩm đã thu hoạch hoặc dự trữ bị hư hỏng, vùi lấp; vật nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản bị chết, vùi lấp…; xâm nhập mặn khi sạt lở làm vỡ đê biển;
- Thiệt hại về môi trường: Sạt lở, sụt lún đất có thể gây ô nhiễm môi trường; gây dòng chảy bùn cát, làm mất đất.
1.9. Nước dâng
Nước dâng là hiện tượng nước biển dâng cao hơn mực nước triều cường bình thường do ảnh hưởng của bão hoặc sóng thần. Nước dâng xảy ra ở phía bên phải của tâm bão theo hướng đổ bộ vào đất liền, nước dâng cao nhất tại vị trí cách tâm bão khoảng 30 đến 70km. Với những cơn bão bình thường nước dâng có thể đạt 1-2m, với bão mạnh có thể dâng đến 2-3m. Nếu bão đổ bộ vào lúc triều cường, nước dâng rất mạnh, sẽ gây ra sự tàn phá nặng nề. Nước dâng có thể gây ra các tác hại sau:
- Thiệt hại về người: Có thể bị chết, bị thương, mất tích do bị nước cuốn trôi;
- Thiệt hại về công trình hạ tầng: Nước dâng làm tràn đê biển, đê cửa sông gây vỡ đê, ảnh hưởng giao thông;
- Thiệt hại về nông nghiệp: Nước dâng gây ngập úng làm chết hoa màu, cây trồng, vật nuôi;
Thiệt hại về môi trường: Nước dâng gây ô nhiễm môi trường, đất đai bị nhiễm mặn; ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện sống và sinh hoạt của người dân.
1.10. Xâm nhập mặn
Xâm nhập mặn là hiện tượng nước mặn với nồng độ mặn lớn hơn hoặc bằng 4%0 xâm nhập sâu vào đất liền khi xảy ra triều cường, nước biển dâng hoặc hạn hán kéo dài. Xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng nề tới khu vực đồng bằng ven biển.
Xâm nhập mặn có thể gây ra tác hại sau:
- Thiếu nước ngọt cho sinh hoạt, gia súc, gia cầm và sản xuất làm giảm năng suất hoặc mất khả năng trồng trọt;
- Làm chết hoa màu, cây trồng, thủy sản nước ngọt.
1.11. Nắng nóng
Nắng nóng là dạng thời tiết đặc biệt trong mùa hè, khi nhiệt độ không khí cao nhất trong ngày vượt quá 350C và độ ẩm không khí xuống dưới 65%. Khi nhiệt độ vượt quá 370C được gọi là nắng nóng gay gắt. Nắng nóng có thể gây ra các tác hại sau:
- Tăng cao nhiệt độ khiến người, động vật bị cảm nắng, sốc nhiệt, ảnh hưởng tới sức khỏe, có thể gây chết người;
- Làm giảm năng suất cây trồng.
1.12. Hạn hán
Hạn hán là hiện tượng thiếu nước nghiêm trọng xảy ra trong thời gian dài do không có mưa và cạn kiệt nguồn nước.
Hạn hán có thể gây ra các tác hại sau:
- Làm mất trắng, giảm năng suất, sản lượng của cây trồng, vật nuôi, thủy sản;
- Gây thiếu nước sinh hoạt, sản xuất ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn, nhiễm mặn ở khu vực cửa sông, ven biển.
1.13. Rét hại
Rét hại là dạng thời tiết đặc biệt xảy ra trong mùa đông ở miền
Bắc khi nhiệt độ không khí trung bình ngày xuống dưới 130C.
Rét hại có thể gây ra những thiệt hại sau:
- Khi nhiệt độ xuống quá thấp hoặc xảy ra băng tuyết có thể làm cây trồng, vật nuôi bị chết, năng suất, sản lượng nông nghiệp bị giảm;
- Ảnh hưởng đến điều kiện sống, sinh hoạt, sản xuất, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em; gây ô nhiễm môi trường.
1.14. Mưa đá
Mưa đá là mưa dưới dạng cục băng hoặc hạt băng có kích thước, hình dạng khác nhau, xảy ra trong thời gian ngắn, kèm theo mưa rào, đôi khi có gió mạnh.
Mưa đá có thể gây ra các tác hại sau:
- Con người, động vật có thể bị chết hoặc bị thương nếu không kịp tránh trú;
- Tàn phá hoa màu, cây cối; phá hỏng công trình nhà ở, công trình công cộng…
1.15. Sương muối
Sương muối là hiện tượng hơi nước đóng băng thành các hạt nhỏ và trắng như muối ngay trên mặt đất hay bề mặt cây cỏ hoặc các vật thể khác khi không khí ẩm và rất lạnh.
Sương muối có thể gây ra các tác hại sau:
- Sương muối làm nhiệt độ giảm nhanh, tàn phá hoa màu, cây trồng, gây bệnh ở gia súc, gia cầm;
- Gây trơn trượt ảnh hưởng đến giao thông…
1.16. Động đất
Động đất là sự rung động mặt đất bởi sự giải phóng đột ngột năng lượng trong vỏ trái đất dưới dạng sóng địa chấn, có thể gây ra biến dạng trên mặt đất, phá hủy nhà cửa, công trình, của cải và sinh mạng con người.
Các đại lượng liên quan đến động đất:
- Chấn tiêu là vị trí nguồn phát sinh ra trận động đất.
- Chấn tâm động đất là hình chiếu theo chiều thẳng đứng của chấn tiêu lên bề mặt trái đất.
- Độ sâu chấn tiêu là khoảng cách từ chấn tiêu đến chấn tâm.
- Cường độ chấn động trên bề mặt (ký hiệu I) là đại lượng biểu thị khả năng rung động do một trận động đất gây ra trên mặt đất và được đánh giá qua mức độ tác động của nó đối với nhà cửa, công trình, mặt đất, đồ vật, con người.
- Độ lớn động đất (ký hiệu M) là đại lượng đặc trưng cho mức năng lượng mà trận động đất phát và truyền ra không gian xung quanh dưới dạng sóng đàn hồi. Độ lớn động đất được đánh giá bằng thang độ Moment (M).
Phân loại động đất:
- Vi động đất (M<2,0 )
- Động đất yếu M (2,0 - 3,9)
- Động đất nhẹ M (4,0 - 4,9 )
- Động đất trung bình M (5,0 -5,9 )
- Động đất mạnh M (6,0 - 6,9 )
- Động đất rất mạnh M (7,0 - 7,9 )
- Động đất hủy diệt M (lớn hơn 8,0)
Động đất có thể gây các tác hại sau:
Con người, động vật có thể chết hoặc bị thương do các công trình xây dựng bị đổ sập; phá hủy cơ sở hạ tầng;
Gây lở đất, nứt đất, sóng thần, nước triều giả, vỡ đê, hỏa hoạn…;
Ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân và thiệt hại kinh tế vô cùng lớn khi xảy ra động đất mạnh.
1.17. Sóng thần
Sóng thần là chuỗi sóng biển chu kỳ dài (từ vài phút tới hàng giờ), lan truyền với vận tốc lớn (có khi tới 800 km/giờ). Khi tới bờ, phụ thuộc vào độ sâu của biển và địa hình vùng bờ, sóng thần có thể đạt tới độ cao hàng chục mét, tràn sâu vào đất liền, gây ra thảm họa. Nguyên nhân sóng thần là do động đất trên biển
Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng thần là vùng biển nông ven bờ và vùng đất nằm trong phạm vi sóng thần có thể lan truyền tới. Tùy thuộc vào độ cao địa hình, sóng thần có thể ảnh hưởng trực tiếp sâu vào đất liền hàng ki-lô-mét tính từ bờ biển. Sóng thần có thể gây ra các tác hại sau:
- Con người có thể chết hoặc bị thương, mất tích do nước cuốn trôi;
- Nhà cửa, công trình công cộng, hạ tầng, đê điều bị vỡ; phương tiện bị hư hỏng;
- Hoa màu, cây cối; vật nuôi, thủy hải sản bị chết, cuốn trôi hoặc làm giảm năng suất;
- Gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…
Theo thống kê ở Việt Nam, chưa có ảnh hưởng của sóng thần, nhưng trong điều kiện biến đổi khí hậu, theo Viện Vật lý Địa cầu thì có thể bị ảnh hưởng của sóng thần trong tương lai.
1.18. Sương mù
Sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát mặt đất, làm giảm tầm nhìn xuống dưới 1km, sương mù có thể gây ra các tác hại sau:
Ảnh hưởng đến giao thông đường bộ, đường thủy và hàng không; Ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân…
2. Hiểm họa tự nhiên
Thiên tai là hiệu ứng của hiểm họa tự nhiên. Hiểm họa tự nhiên là hiện tượng tự nhiên có thể gây tổn thất về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và gián đoạn các hoạt động kinh tế, xã hội. Các hiểm họa tự nhiên có thể chia thành 3 nhóm chính căn cứ theo nguyên nhân hình thành thiên tai như:
- Nhóm thứ nhất bao gồm các hiểm họa có nguồn gốc khí quyển;
- Nhóm hiểm họa thứ hai bao gồm các hiểm họa có nguồn gốc thủy quyển;
- Nhóm thứ ba bao gồm các hiểm họa có nguồn gốc địa quyển.
Thuật ngữ “Hiểm họa tự nhiên” thường đề cập đến các sự kiện cực đoan hoặc các quá trình có nguồn gốc khí tượng thủy văn hoặc địa chất. Hiểm họa cũng có thể phân thành hai nhóm chính dựa trên tốc độ diễn ra hiểm họa, bao gồm hiểm họa diễn ra đột ngột và hiểm họa diễn ra chậm.
- Hiểm họa diễn ra đột ngột bao gồm các hiểm họa tự nhiên diễn ra với tốc độ nhanh: như động đất, bão, lũ quét…;
- Hiểm họa diễn ra chậm bao gồm các hiểm họa diễn ra trong thời gian dài, dẫn tới tình trạng nguy hiểm: như hạn hán diễn ra trong một thời gian dài, gây nên sự khan hiếm lương thực, suy dinh dưỡng và thậm chí là gây ra nạn đói).
3. Rủi ro thiên tai
Rủi ro thiên tai (Disaster Risk) là thiệt hại mà thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường điều kiện sống và hoạt động kinh tế xã hội. Thiệt hại thiên tai gây ra cho con người phụ thuộc vào năng lực phòng chống, khắc phục của con người trước các rủi ro thiên tai, cũng như tính dễ bị tổn thương của đối tượng chịu tác động.
Có 3 nguyên nhân quan trọng làm gia tăng rủi ro thiên tai theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới gồm:
i) Tác động gia tăng cường độ thiên tai của biến đổi khí hậu
ii) Quy hoạch phát triển yếu dẫn đến gia tăng mức độ ảnh hưởng của thiên tai
iii) Sự nghèo đói của người dân và suy thoái môi trường gia tăng tính dễ bị tổn thương.
3.1. Tình trạng dễ bị tổn thương do hiểm họa tự nhiên
Tình trạng dễ bị tổn thương là những đặc điểm của một cộng đồng, hệ thống hoặc tài sản làm cho cộng đồng, hệ thống hoặc tài sản đó dễ bị tác động có hại do hiểm họa tự nhiên gây ra. Khi hiểm họa kết hợp với tình trạng dễ bị tổn thương nó sẽ gây ra rủi ro thiên tai.
3.2. Giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Giảm nhẹ rủi ro thiên tai (GNRRTT) là giảm thiểu hoặc là nhận thức và kinh nghiệm thực tế về GNRRTT thông qua những nỗ lực mang tính hệ thống nhằm phân tích và quản lý những nhân tố gây ra thiên tai bằng việc hạn chế các tác động có hại của thiên tai. Giảm nhẹ rủi ro thiên tai cũng có thể được coi là giảm nhẹ nguy cơ dẫn tới thiên tai, giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương đối với người, tài sản, quản lý đất và môi trường một cách khôn ngoan và cải thiện việc phòng ngừa đối với những sự kiện xấu.
3.3. Quản lý rủi ro thiên tai
Là quá trình mang tính hệ thống nhằm áp dụng các quy định hiện hành, huy động tổ chức, cá nhân và kỹ năng, năng lực tác nghiệp để thực hiện các chiến lược, chính sách và nâng cao năng lực ứng phó nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai. Đây là một thuật ngữ mở rộng đối với thuật ngữ chung “quản lý rủi ro” để chỉ một vấn đề cụ thể của các rủi ro thiên tai. Quản lý rủi ro thiên tai đề cập đến các hoạt động thực hiện nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
3.4. Thích ứng với thiên tai
Thích ứng với thiên tai là sự điều chỉnh các hệ thống tự nhiên và con người để phù hợp với môi trường mới hoặc môi trường bị thay đổi. Sự thích ứng với thiên tai là sự điều chỉnh các hệ thống tự nhiên và con người để ứng phó với những tác động hiện tại và tương lai của thiên tai, do đó, làm giảm những tác động có hại của chúng.
3.5. Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai
Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai (National Strategy on the prevention of natural disasters) là văn bản chính thức của chính phủ về các nội dung và giải pháp chủ yếu về phòng chống thiên tai, nhằm đạt được mục tiêu định lượng ở mốc thời gian cụ thể. Chiến lược được xây dựng theo chu kỳ 10 năm, tầm nhìn 20 năm và được cập nhật, điều chỉnh định kỳ 05 năm hoặc khi có biến động lớn về thiên tai.
3.6. Kế hoạch phòng, chống thiên tai
Kế hoạch phòng, chống thiên tai (Plan for prevention of Natural Disasters) là nội dung công việc cụ thể về phòng, chống thiên tai, được xây dựng tại các cấp địa phương, cấp bộ và cấp quốc gia theo chu kỳ kế hoạch 05 năm tương ứng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và được điều chỉnh hằng năm.
4. Các thuật ngữ khí hậu và biến đổi khí hậu
4.1. Khí hậu
Khí hậu là trạng thái trung bình của thời tiết tại một khu vực nào đó, ví dụ như một tỉnh, một nước hay một châu lục. Khi ta nói, khí hậu Việt Nam là khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm, điều đó có nghĩa là nước ta thường xuyên có nhiệt độ trung bình hàng năm cao và lượng mưa trung bình hàng năm lớn, đồng thời có sự thay đổi theo mùa (Nguyễn Đức Ngữ (2008). Theo quy định của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), thời đoạn chuẩn để xác định giá trị trung bình là 30 năm.
4.2. Biến đổi khí hậu
Theo Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (UNFCCC, 1994), biến đổi khí hậu là sự thay đổi hệ thống khí hậu của trái đất gồm có: bầu khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển bởi nhiều nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo khác nhau. Biến đổi khí hậu là sự khác biệt giữa các giá trị trung bình dài hạn của một tham số hay thống kê khí hậu, trong đó, trung bình được thực hiện trong một khoảng thời gian xác định, thường là vài thập kỷ, thậm chí thế kỷ.
Ví dụ ấm lên, lạnh đi... Sự biến động của khí hậu dài hạn sẽ dẫn tới biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu có tác động hết sức lớn đến sự sống cũng như hoạt động của con người. Kết quả đo đạc và nghiên cứu hiện nay cho thấy, nhiệt độ không khí trung bình toàn cầu trong thế kỷ XX đã tăng lên 0,60C (± 0,20C); trên đất liền, nhiệt độ tăng nhiều hơn trên biển và thập kỷ 90, thế kỷ XX là thập kỷ nóng nhất trong thiên niên kỷ vừa qua (IPCC, 2001). Tương ứng với sự tăng của nhiệt độ toàn cầu, mực nước trung bình của đại dương cũng tăng lên 10 - 25cm (trung bình 1 - 2mm/năm trong thế kỷ XX) do băng tan và giãn nở nhiệt đại dương. Từ cuối những năm 1960, phạm vi lớp phủ tuyết giảm khoảng 10%. Độ dày của lớp băng biển ở Bắc cực trong thời kỳ từ cuối mùa hạ đến đầu mùa thu giảm xuống khoảng 40% trong vài thập kỷ gần đây và khoảng 20 năm gần đây, người ta đã phát hiện thấy mối quan hệ giữa các dị thường khí hậu với hiện tượng ENSO.
4.3. Nguyên nhân gây biến đổi khí hậu
4.3.1. Nguyên nhân tự nhiên
- Vị trí Trái đất và Hệ mặt trời trong Vũ trụ
Trái đất, là hành tinh chuyển động xung quanh Mặt trời, cùng với Mặt trời tham gia vào chuyển động quanh tâm Ngân hà. Về phần mình, Ngân hà cùng với các thiên hà khác tham gia vào chuyển động chung của Vũ trụ. Trong quá trình tham gia vào các chuyển động đó, Trái đất của chúng ta đi qua nhiều vùng không gian có mật độ vật chất và năng lượng khác nhau, do đó khí hậu trên Trái đất sẽ bị ảnh hưởng có sự biến đổi tương ứng với vị trí trong các vùng không gian Trái đất còn tự xoay quanh trục xoay có góc nghiêng trung bình là 23,50 không cố định mà quét thành hình nón có tâm là đường vuông góc với mặt phẳng hoàng đạo. Thời gian thực hiện một vòng quay của trục xoay khoảng 25.800 năm. Kết quả là hàng năm Mặt trời tới điểm xuân phân sớm hơn 20 phút 24 giây. Với những thay đổi đó làm lượng nhiệt từ Mặt trời đến với Trái đất có những thay đổi rất nhỏ theo chu kỳ. Nhìn chung, vị trí Trái đất và chuyển động của nó có ảnh hưởng tới khí hậu Trái đất, nhưng sự biến đổi khí hậu đó phải diễn ra trong một khoảng thời gian rất dài.
- Sự thay đổi cường độ bức xạ Mặt trời
Năng lượng tổng cộng của Mặt trời phát ra là yếu tố quyết định khí hậu Trái đất. Sự biến đổi cường độ bức xạ Mặt trời sẽ tác động trực tiếp đến biến đổi khí hậu. Lý thuyết về sự tiến hóa của các hành tinh cho rằng, bức xạ của Mặt trời tăng ổn định khoảng 30% kể từ khi hình thành hệ Mặt trời. Sự tăng này có liên quan đến sự chuyển hoá H thành He, dẫn tới tăng đồng thời của bức xạ Mặt trời, nhiệt độ nhân Mặt trời, tốc độ nóng chảy và sự sản sinh năng lượng. Hầu hết năng lượng nhận được từ Mặt trời bắt nguồn trong quyển sáng Mặt trời, có nhiệt độ phát xạ khoảng 6.000 KO. Ngoài ra, sự xuất hiện của Vết đen trên bề mặt Mặt trời cũng gây ảnh hưởng tới thời tiết khí hậu của Trái đất. Vết đen Mặt trời có nhiệt độ phát xạ khoảng 1.700 KO, thấp hơn nhiệt độ trung bình của quyển sáng, vì vậy, năng lượng phát xạ chỉ bằng khoảng 25% giá trị trung bình. Chu kỳ xuất hiện Vết đen Mặt trời trung bình khoảng 11 năm. Ảnh hưởng của nó là gây những trận bão từ chứa hàng tỷ tấn khí phát ra từ Mặt trời và bức xạ cực tím “trút” xuống Trái đất.
Nhìn chung, sự biến đổi của ánh sáng Mặt trời phối hợp với chu kỳ 11 năm của vết đen (Vết đen mặt trời) rất đáng quan tâm, nhưng nó chỉ ảnh hưởng rất nhỏ đối với khí hậu. Hơn nữa, chu kỳ 11 năm ngắn hơn đáng kể so với thời gian ổn định của khí, vì vậy, giá trị của thích ứng tức thời nhỏ hơn nhiều so với thích ứng liên tục với cùng một lực tác động và có thể nhỏ hơn sự thích ứng quan trắc được. Điều đó phù hợp với sự thể hiện không rõ của chu kỳ 11 năm trong khí hậu bề mặt Trái đất.
Tóm lại, các quan trắc trực tiếp cho thấy sự biến đổi ánh sáng Mặt trời ảnh hưởng không đáng kể đối với biến đổi khí hậu. Để nghiên cứu các cơ chế khác của biến đổi khí hậu Trái đất, do đó người ta giả thuyết rằng, sự chiếu sáng của Mặt trời rất ổn định trong mô hình khí hậu.
- Núi lửa và các hiện tượng tự nhiên khác trên bề mặt Trái đất
Các núi lửa là nguồn gây ô nhiễm tự nhiên quan trọng trên Trái đất, thường tạo thành các vành đai, trong đó có hai vành đai lớn phân bố ở rìa Thái Bình Dương và Địa Trung Hải. Thông thường, có rất ít núi lửa hoạt động, nếu có thì thời gian phun trào dung nham cũng rất ngắn ngủi.
Tuy nhiên, trong lịch sử đã có những trường hợp một núi lửa khi hoạt động đã phun trào một lượng dung nham và bụi vào khí quyển, dẫn đến thay đổi đột ngột khí hậu thời tiết. Các tro bụi được phun lên tới tầng bình lưu của khí quyển, hạn chế lượng bức xạ mặt trời đi tới mặt đất, làm cho mặt đất lạnh đi (bức xạ cưỡng bức âm) thường kéo dài khoảng vài năm. Như vậy, tuy rất ít khi xảy ra trên Trái đất, những các vụ núi lửa phun trào thường đưa vào tầng cao khí quyển một lượng bụi, SO và các khí ô nhiễm khác, có thể tạo nên hiệu ứng biến đổi khí hậu cục bộ theo hướng giảm nhiệt độ khí quyển trong một thời gian ngắn. Hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đang được đề cập ở tài liệu này là sự nóng lên toàn cầu, có tính chất hoàn toàn khác biệt với hoạt động phun trào của núi lửa, với sự biến động của bức xạ mặt trời trong thời kỳ 1750 đến nay được đánh giá là tạo ra lượng bức xạ cưỡng bức dương với trị số là 0,30w/m2, chủ yếu xảy ra vào nửa đầu thế kỷ XX.
4.3.2. Nguyên nhân nhân tạo
- Hoạt động kinh tế xã hội dẫn đến phát thải khí nhà kính
Sau cuộc tranh luận kéo dài khoảng 10 đến 15 năm, các nhà khoa học đã có sự nhất trí cao và cho rằng trong những thập kỷ gần đây, những hoạt động phát triển kinh tế xã hội với nhịp điệu ngày một cao trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, giao thông, nông - lâm nghiệp và sinh hoạt đã làm tăng nồng độ các khí gây hiệu ứng nhà kính (N2O, CH4 , và nhất là CO2 ) trong khí quyển, làm Trái đất nóng lên, làm biến đổi hệ thống khí hậu và ảnh hưởng tới môi trường toàn cầu (Al Gore, 2006). Khí nhà kính tự nhiên đã tồn tại từ lâu trong khí quyển nằm trong tầng đối lưu, gồm các loại khí vết (nồng độ rất thấp). Các khí nhà kính chính bao gồm: CO2 (>60%), CH4 , N2O, hơi nước… có vai trò: hấp thu nhiệt của các tia phản xạ từ mặt đất lên, giữ ấm cho mặt đất. Nếu không có KNK, nhiệt độ trung bình bề mặt Trái đất là -180C. Nhờ có KNK, nhiệt độ trung bình bề mặt Trái đất là 150C (giống như thay chiếc chăn đơn bằng chiếc chăn dầy hơn). Các khí nhà kính tự nhiên vốn có nồng độ ổn định trong khí quyển và nhờ đó khí hậu Trái đất cũng ổn định.
Năng lượng mặt trời chủ yếu là các tia sóng ngắn dễ dàng xuyên qua cửa sổ khí quyển. Trong khi đó, bức xạ của Trái đất với nhiệt độ bề mặt trung bình +160C là sóng dài có năng lượng thấp, dễ dàng bị khí quyển giữ lại. Các tác nhân gây ra sự hấp thụ bức xạ sóng dài trong khí quyển là khí CO2, bụi, hơi nước, CH4, CFC... Sự tăng nồng độ các chất đó sẽ làm nóng tầng đối lưu (tầng không khí sát mặt đất) và nguội tầng bình lưu, được coi là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự BĐKH toàn cầu hiện nay.
Từ sau thời kỳ tiền công nghiệp (1750) đến nay, nồng độ nhiều loại khí nhà kính trong khí quyển mới tăng lên. Tỷ lệ phần trăm các khí gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển hiện nay là: CO2 50%; CFCs 20%; CH4 16%; O3 8%; N O 6%. Các KNK như CH4 ; N2O tuy nồng độ không lớn, song tiềm năng hâm nóng không khí Trái đất lại rất lớn. Võ Tòng Xuân (2012) dẫn số liệu của IPCC thì CH4 =21 lần CO2 và N2O = 310 lần CO2 về tiềm năng hâm nóng Trái đất.
- Khí CO : Là loại khí nhà kính chiếm tới một nửa khối lượng các khí nhà kính và đóng góp tới 60% trong việc làm tăng nhiệt độ khí quyển kể từ thời kỳ tiền công nghiệp (1750) về trước (ít nhất khoảng 10 nghìn năm), nồng độ các khí nhà kính rất ít thay đổi, trong đó, khí CO2 chưa bao giờ vượt quá 300ppm. Chỉ riêng lượng phát thải khí CO2 do sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã tăng hàng năm trung bình từ 6,4 tỷ tấn cácbon (tương đương 23,5 tỷ tấn CO2) trong những năm 1990 lên đến 7,2 tỷ tấn cacbon (~ 45,9 tỷ tấn CO2) mỗi năm trong thời kỳ 2000 - 2005.
- Khí mêtan (CH4): Là khí quan trọng thứ hai trong số các khí nhà kính do hoạt động của con người gây ra. Nguồn khí CH4 được sản sinh chủ yếu từ sự phân giải yếm khí của cây cỏ trong các đầm lầy, ruộng lúa, phân súc vật, các bãi rác thải...
- Ôzôn trong tầng đối lưu: Khác với các khí nhà kính khác, vai trò của ôzôn (O2) phụ thuộc vào độ cao. Khí ôzôn tập trung thành 1 lớp mỏng trên tầng bình lưu của khí quyển có tác dụng hấp thụ các bức xạ tử ngoại từ mặt trời chiếu tới Trái đất và qua đó bảo vệ sự sống trên Trái đất. Hiện nay, người ta nói đến nguy cơ giảm ôzôn trong tầng bình lưu, lá chắn bảo vệ các sinh vật trên Trái đất khỏi tia bức xạ tử ngoại từ mặt trời. Các hoá chất do con người tạo ra trong công nghiệp làm lạnh, chế tạo linh kiện điện tử, làm chất tẩy rửa... đã phát tán tới tầng bình lưu của khí quyển, phá huỷ tầng ôzôn ở đây tạo ra những lỗ thủng ôzôn rộng lớn ở Nam Cực.
Tuy nhiên, đối với tầng đối lưu (tầng không khí sát mặt đất, nơi chúng ta đang sống) việc tăng ôzôn lại có hại. Ôzôn trong tầng đối lưu là một loại khí nhà kính quan trọng đứng thứ ba sau CO2 và CH4. Ôzôn được tạo ra trong tự nhiên cũng như do các hoạt động của con người như động cơ ôtô, xe máy hoặc các nhà máy phát điện. Hàm lượng khí ôzôn tầng đối lưu đã tăng 35 ± 15% so với thời kỳ tiền công nghiệp và thay đổi theo vùng.
- CFCs là sản phẩm hoàn toàn do con người tạo ra. Các chất CFC được sản xuất từ những năm 1930 và là một hoá chất được sử dụng rộng rãi trong kỹ thuật làm lạnh như: tủ lạnh, điều hoà không khí, các loại máy lạnh, các bình xịt mỹ phẩm, làm chất tẩy rửa linh kiện điện tử... Đến năm 1970, người ta bắt đầu phát hiện ra nó có khả năng phá hoại tầng ôzôn. Mặc dù lượng CFCs không nhiều như các khí khác, nhưng xu hướng tăng lên đã làm các nhà khoa học lo ngại và do đó là một chất nằm trong danh sách hàng đầu của các chất bị cấm trong Hiệp ước bảo vệ tầng ôzôn. Từ năm 2010 trở đi, CFC đã ngừng sản xuất trên toàn thế giới theo Nghị định thư Montrean. Dự báo nhu cầu về năng lượng của nhân loại ngày càng tăng, trong đó năng lượng hóa thạch vẫn chiếm phần ưu thế. Mặc dù năng lượng hạt nhân hoặc một số dạng năng lượng sạch khác có xu hướng tăng lên nhưng vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ so với nhu cầu năng lượng nói chung. Sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch là nguyên nhân làm tăng đáng kể nồng độ khí CO2 trong khí quyển, trong đó các nước phát triển đóng góp phần lớn. Như vậy, phát thải khí nhà kính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến BĐKH hiện nay, một sự thay đổi môi trường lớn lao nhất mà con người phải chịu đựng. Đây cũng là lý do vì sao BĐKH là một vấn đề mang tính toàn cầu.
- Các hoạt động kinh tế, xã hội của con người đã thải vào bầu khí quyển nhiều khí CO2, CH4... làm cho nồng độ các KNK tăng lên. Cụ thể con người đã:
- Sử dụng nhiều các nhiên liệu hóa thạch như: xăng, dầu, than, khí đốt... trong các nhà máy nhiệt điện, trong công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải và trong sinh hoạt;
- Phá rừng, cháy rừng;
- Chuyển đổi sử dụng đất, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, chôn lấp rác thải.
Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm các hoạt động của loài người đóng góp vào khí nhà kính làm tăng nhiệt độ Trái đất có khác nhau:
- Sản xuất điện năng: 21,3%; - Công nghiệp: 16,8%; - Giao thông vận tải: 14,0%;
- Nông nghiệp: 12,5%; - Khai thác, chế biến và phân phối nhiên liệu: 11,3%;
- Thương mại và tiêu dùng: 10,3%; - Sử dụng đất : 10,0%; - Rác thải: 3,4%.
Tóm lại, tiêu thụ năng lượng do đốt các nhiên liệu hóa thạch đóng góp khoảng một nửa (46%) vào tiềm năng nóng lên toàn cầu. Phá rừng nhiệt đới đóng góp khoảng 18% và hoạt động nông nghiệp tạo ra khoảng 9% tổng số các khí thải gây ra lượng bức xạ cưỡng bức làm nóng lên toàn cầu. Sản phẩm hoá học (CFC, Halocacbon...): 24% và các nguồn khác như rác chôn dưới đất, nhà máy xi măng...: 3%. (bảng 1.3).
Bảng 1.2. Diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng trên thế giới
Như vậy, BĐKH hiện nay có cả nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo, song sự nóng lên toàn cầu được khẳng định là do hoạt động của con người làm tăng hàm lượng các khí nhà kính trong khí quyển, trong khi hậu quả tổng hợp từ các nguyên nhân tự nhiên nói trên lại làm trái đất lạnh đi.
II. PHÂN LOẠI THIÊN TAI
1. Phân loại thiên tai theo nguồn gốc phát sinh
Thiên tai được phân loại theo nhiều cách, tuy nhiên cách phân loại thông dụng nhất theo nguồn gốc quyển, nơi phát sinh ra thiên tai. Theo đó, có thể phân chia ra các loại thiên tai chính sau:
- Thiên tai phát sinh trong Khí quyển (dông, lốc, bão, vòi rồng, rét đậm, rét hại, cháy rừng, sét,...). Trong đó, cháy rừng ở đây có nguyên nhân tự nhiên xảy ra trong điều kiện thời tiết khô nóng đặc biệt, nhiều trận cháy rừng ở Hoa kỳ và Australia thuộc về loại này.
- Thiên tai phát sinh trong Thủy quyển (mưa đá, lũ lụt/lũ ống, lũ quét, hạn hán, triều cường, nước biển dâng,..). Ở các nước khí hậu lạnh tồn tại các dạng thiên tai khác như băng lũ trong địa hình núi cao.
- Thiên tai liên quan đến Sinh quyển (dịch bệnh, bùng phát động thực vật gây hại,..).
Bệnh tật có nguyên nhân từ các loại virus và ký sinh trùng gây bệnh thường tồn tại trong tự nhiên, tuy nhiên vào lúc thời tiết khí hậu thay đổi đột biến có thể phát triển tạo thành dịch. Tương tự như vậy, việc bùng phát động thực vật gây hại có thể trở thành thiên tai đối với con người, như nạn bùng nổ sâu hại, nạn cào cào bay...
- Thiên tai phát sinh trong Thạch quyển (động đất, núi lửa, sóng thần, nứt đất, trượt lở, sạt lở, v. v.). Thiên tai động đất, núi lửa và sóng thần thường chỉ liên quan đến các cấu trúc đặc biệt của vỏ Trái đất, nên chỉ xảy ra trong phạm vi hẹp, nhưng mức độ tàn phá là rất lớn.
- Thiên tai phát sinh từ Vũ trụ thiên thạch rơi, bùng nổ tia gama, sóng và bức xạ từ Mặt trời, v. v. Các thiên tai này ít được con người chú ý vì hiếm khi xảy ra, tuy nhiên, hiện nay các thiên tai từ Vũ trụ xảy ra với tần suất dày hơn, nên đang được các quốc gia phát triển quan tâm. Ba loại thiên tai đầu tiên thường có mối quan hệ với BĐKH Trái đất, hai loại thiên tai cuối thường ít xảy ra và xảy ra trong phạm vị hẹp, nhưng khi xảy ra thường gây thiệt hại rất lớn đối với con người, đôi khi là thảm họa; ví dụ động đất và sóng thần...
Tuy nhiên, hoạt động của con người cũng có thể là nguồn gốc phát sinh thiên tai và gia tăng cường độ thiên tai hoạt động xây dựng các hồ thủy điện phát sinh động đất kích thích và gia tăng trượt lở vùng lòng hồ, hoạt động phá rừng phát sinh lũ quét, hoạt động xây dựng đô thị ở vùng đất thấp làm tăng nguy cơ ngập úng...
Nhìn chung, có ba nguyên nhân quan trọng làm gia tăng rủi ro thiên tai theo đánh giá của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới gồm: i) tác động gia tăng cường độ thiên tai của biến đổi khí hậu, ii) quy hoạch phát triển yếu dẫn đến gia tăng mức độ ảnh hưởng của thiên tai, iii) sự nghèo đói của người dân và suy thoái môi trường gia tăng tính tổn thương.
2. Phân loại thiên tai theo cường độ và mức độ gây hại
Theo Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, mức độ rủi ro thiên tai được phân chia thành các cấp độ theo các tiêu chí:
(i) Cường độ hay mức độ nguy hiểm của thiên tai;
(ii) Phạm vi ảnh hưởng của thiên tai;
(iii) Khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng và môi trường.
Trên bình diện quốc tế, người ta thường chia mức độ rủi ro thiên tai thành 5 cấp theo mức độ tăng dần của cường độ thiên tai cấp 1, cấp 2, cấp 3, cấp 4, cấp 5; trong đó, cấp 5 là cấp độ thiên tai ở tình trạng khẩn cấp mà việc đối phó phải do Nguyên thủ quốc gia quyết định. Ví dụ, thang đánh giá bão Saffir Simpson được áp dụng ở Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây chia làm 5 cấp dựa theo tốc độ gió và sóng cồn ở tâm bão.
3. Phân loại thiên tai theo các vùng lãnh thổ
Trong các hoạt động phòng ngừa rủi ro thiên tai theo Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 (điểm b, mục 1, Điều 17) đã ghi rõ nhiệm vụ “đánh giá rủi ro, phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai”. Hoạt động phân vùng tạo điều kiện cho chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương đưa ra các phương án tối ưu cho việc phòng, chống và giảm thiểu đối với các rủi ro có xác suất xảy ra cao. Công việc này sẽ được tiến hành cho toàn bộ lãnh thổ nước ta trong thời gian tới.
3.1. Phân theo cấp độ rủi ro
Theo Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, thiên tai được phân vùng theo từng loại hình thiên tai và mức độ nguy hiểm theo cấp độ như sau:
- ATNĐ, bão được phân thành các vùng ảnh hưởng: Biển Đông, ven bờ, đất liền, Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ.
- Mưa lớn được phân thành các vùng ảnh hưởng: Trung du, miền núi, đồng bằng
- Lũ, ngập lụt được phân thành các vùng ảnh hưởng theo các triền sông;
- Lũ quét được phân thành các vùng ảnh hưởng: Nhiều tỉnh hoặc 1 tỉnh của vùng núi phía Bắc, Trung bộ, Tây Nguyên.
- Nước dâng được phân thành các vùng ảnh hưởng: Dải ven biển Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ.
- Gió mạnh trên biển được phân thành các vùng ảnh hưởng: Vùng biển ngoài khơi, ven bờ.
- Động đất được phân thành các vùng ảnh hưởng: Vùng nông thôn, khu vực đô thị, khu vực có hồ chứa nước.
- Sóng thần được phân thành các vùng ảnh hưởng: Ven biển.
Các loại hình thiên tai khác đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu phân vùng theo quy định của Luật Phòng chống thiên tai.
3.2. Phân theo đặc trưng thiên tai
Bộ TN&MT, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiến hành phân vùng theo đặc trưng của một số loại hình thiên tai như sau:
Bão, Áp thấp nhiệt đới
Theo Quyết định số 2901/QĐ-BTNMT ngày16/12/2016 của Bộ TNMT, vùng nguy cơ ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới ở Việt Nam được chia thành các khu vực như sau:
Bảng 1.3. Đặc trưng cơ bản về ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới cho các vùng
(Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Nước dâng
Theo Quyết định số 2901/QĐ-BTNMT nước dâng do bão ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển, được phân thành các khu vực như sau:
Bảng 1.4: Đặc trưng cơ bản về ảnh hưởng của nước biển dâng cho các vùng
(Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Mưa lớn
Theo Quyết định số 2901/QĐ-BTNMT ngày 16/12/2016 mưa lớn thường xảy ra khi có ATNĐ, bão đổ bộ, nguy cơ xảy ra mưa lớn khi có bão đổ bộ được phân thành các khu vực như sau:
Bảng: 1.5. Đặc trưng ảnh hưởng do mưa lớn cho các vùng
III. MỐI QUAN HỆ GIỮA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ THIÊN TAI
Biến đổi khí hậu vừa là nguyên nhân vừa là tác nhân gia tăng tính ác liệt của thiên tai. Như đã trình bày, biến đổi khí hậu sẽ kéo theo sự thay đổi mạnh mẽ các chu trình tuần hoàn của các quyển. Các chu trình của các quyển này thay đổi tùy theo kinh độ và vĩ độ. Sự thay đổi này dẫn đến những xáo trộn vòng tuần hoàn không khí giữa khí quyển với địa quyển và thủy quyển, làm xuất hiện và tăng sức mạnh các hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan:
Thứ nhất, nhiệt độ Trái đất gia tăng; lượng mưa thay đổi và mực nước biển dâng cao là những biểu hiện chính của biến đổi khí hậu toàn cầu và cũng là nguyên nhân gây ra nhiều loại thiên tai. Nhiệt độ Trái đất tăng dẫn đến lượng nước bốc hơi từ bề mặt đất và đại dương tăng lên cùng với hoàn lưu gió thay đổi dẫn đến lượng mưa và phân bố mưa thay đổi theo thời gian và không gian: có vùng trước đây mưa nhiều thì nay mưa ít, ngược lại, có nơi trước đây mưa nhiều vào mùa mưa thì nay lại mưa ít, dẫn đến thiên tai và sự phân bố lại các đới khí hậu. Khi bão đổ bộ vào đất liền, gió mạnh sẽ mưa lớn và nước dâng gây ra lũ và sạt lở đất. Hiện tượng giảm áp suất trong bão có thể tạo nên hiện tượng NBD cục bộ, hậu quả của nó là gây ngập lụt nghiêm trọng vùng ven biển. Nhiệt độ Trái đất tăng dẫn đến tan băng ở những vùng núi cao, ở Bắc cực và Nam cực làm cho mực nước biển dâng cao, gây ngập lụt và nhiễm mặn nguồn nước, xâm nhập mặn vào đất liền ảnh hưởng đến tài nguyên đất đai, gây rủi ro lớn đối với hệ thống KT- XH.
Thứ hai, BĐKH làm gia tăng tính ác liệt của thiên tai cả về cường độ lẫn tần suất, đã đang và sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Nước biển dâng cao càng làm tăng mức độ nhạy cảm của những hệ sinh thái nhạy cảm, những vùng nhạy cảm như các rừng ngập mặn phát triển trên các bãi sình lầy ven biển, những dải san hô, các thảm cỏ biển, ảnh hưởng mạnh đến các công trình biển, đê điều, cống thoát dẫn đến sức chống chịu, đề kháng của chúng suy giảm. Dẫn đến bão sẽ tăng cường độ, đường đi của bão sẽ khó dự báo hơn và thiệt hại sẽ tăng lên gấp bội. Nhiệt độ Trái đất tăng, dẫn đến nhiệt độ nước ở các đại dương tăng lên ở tất cả các tầng sâu của nó. Những quan sát từ năm 1961 cho thấy, nhiệt độ trung bình của đại dương ở độ sâu 3.000 m cũng tăng lên và đại dương cũng hấp thụ trên 80% nhiệt năng từ hệ thống khí hậu. Sự nóng lên này dẫn đến sự giãn nở của nước biển và nó đã đóng góp vào sự dâng nước biển, đồng thời kéo theo sự giảm nồng độ ôxi hòa tan trong nước biển, phá vỡ cân bằng động giữa các khí O2 và CO2 giữa nước biển và lớp không khí trên biển (tầng đối lưu), giữa áp suất không khí và áp suất trên bề mặt các đại dương. Điều này dẫn đến sự thay đổi hướng chuyển động của gió, hoàn lưu của khí quyển, làm cho các loại thiên tai như ATNĐ, bão lốc tăng về tần suất và mạnh lên về cường độ.
Ngoài ra, khi nhiệt độ Trái đất tăng, tình hình hạn hán trở nên khốc liệt, nhiều vùng đất trở nên khô cằn và hoang mạc hóa, năng suất các loại cây trồng giảm sút, gây nên những khó khăn lớn cho đời sống và sinh kế của người dân…
Qua những phân tích trên cho thấy, có mối quan hệ của BĐKH với Thiên tai. Từ mối quan hệ này làm nảy sinh thêm nhiều hệ quả khác ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội loài người.