1.
Ở
chương trước, tôi đã giới thiệu với độc giả về quan điểm giáo dục của Sidis, một người Mỹ gốc Nga. Còn ở chương này, tôi sẽ giới thiệu về Berle, một người Mỹ gốc Đức.
Tiến sĩ Berle là giảng viên môn thần học tại trường Đại học Taft, sau chuyển sang làm mục sư ở Boston. Ông mất năm 1971. Như giới thiệu ở chương một, ông đã viết cuốn Trường học gia đình trong thời gian giảng dạy tại trường Đại học Taft. Ngay sau khi cuốn sách này được xuất bản, tác giả đã nhận được hàng trăm lá thư gửi đến đề nghị ông miêu tả kỹ hơn về phương pháp giáo dục của mình. Ông quyết định rời trường đại học và mở khóa giảng về Trường học gia đình. Sức ảnh hưởng của các khóa học này vượt xa cả tưởng tượng. Một năm sau, ông đã xuất bản tiếp cuốn Giáo dục trong gia đình, trong đó giới thiệu rất nhiều bài học dành cho trẻ nhỏ. Ở đây tôi xin trình bày sơ lược về cả hai cuốn sách trên.
2.
Trong cả hai cuốn sách Trường học gia đình và Giáo dục trong gia đình, Berle đều khẳng định rằng cần giáo dục ngôn ngữ cho trẻ ngay từ sớm, vì ngôn ngữ là con đường đưa trẻ đến với các tri thức khác. Ông nhấn mạnh rằng giáo dục ngôn ngữ không phải là dạy hời hợt, mà phải dạy triệt để, tức là phải phát âm rõ ràng và giúp trẻ ghi nhớ từ ngữ thật chính xác.
Khi dạy trẻ học cần quan tâm đến khái niệm chi phí trong kinh tế, nghĩa là làm sao dùng thời gian ít nhất nhưng đem lại hiệu quả cao nhất. Với trẻ thì nhớ từ cụ thể hay từ trừu tượng cũng mất công như nhau, nên việc dạy những từ mà trẻ sẽ không bao giờ sử dụng chẳng khác nào đã làm cho trẻ phải mang gánh nặng gấp hai lần. Điều này là một sự đầu tư tốn kém, mà không hiệu quả. Theo quan điểm của tôi, nên tránh dạy trẻ những từ địa phương và từ trừu tượng, dù các từ đó có thể dễ phát âm hơn. Hãy dạy những từ chuẩn. Nếu cố gắng dạy thì trẻ hai tuổi hầu hết đã có thể nói và phát âm chuẩn.
Có rất nhiều bậc cha mẹ, khi thấy con mình phát âm sai, dùng sai từ thì lại lấy làm thú vị, rồi bản thân mình cũng bắt chước cái sai đó. Làm thế là hỏng con. Bởi trẻ sẽ không nhận ra chỗ sai của mình. Cách phát âm, cách nói sai đó lâu dần sẽ trở thành một thói quen khó chữa. Giống như cha của Witte, Berle cũng kể chuyện cho con nghe để làm phong phú vốn từ. Không chỉ kể chuyện, ông còn bảo con lặp đi lặp lại nhiều lần một số từ quan trọng nào đó, và như vậy ông có thể sửa những lỗi phát âm cũng như cách dùng từ của con.
Có những đứa trẻ đến 14, 15 tuổi vẫn không thể phát âm chính xác, đó là lỗi của cha mẹ chúng. Nhìn vào các trường tiểu học ngày nay, chúng ta thấy giáo viên thay vì có thể làm nhiều thứ có ích hơn lại mất rất nhiều thời gian để sửa thói quen phát âm sai cho trẻ. So với việc học cái mới thì điều này vất vả hơn nhiều.
Phương pháp giáo dục của Berle là mô phỏng phương pháp của Witte cha, nếu không nói là hai phương pháp này hoàn toàn giống nhau. Berle cũng cho rằng phải cố gắng dạy trẻ càng nhiều từ vựng trong sách càng tốt. Cách làm đó giúp trẻ dễ dàng đọc sách sau này. Ông rất chú ý đến việc chọn sách để đọc cho con. Mỗi lần đọc, ông đều phân tích tỉ mỉ và đọc thật chậm để con lắng nghe và ghi nhớ, đồng thời kích thích trí tưởng tượng của con. Berle cho rằng để dạy trẻ thì không có gì tốt hơn là Kinh Thánh. Cuốn sách này không chỉ giúp trau dồi từ vựng cho trẻ mà còn có tác dụng giáo dục nhân cách rất lớn.
Tuy nhiên, đa số bản dịch Kinh Thánh từ tiếng Anh sang các ngôn ngữ khác đều rất khó hiểu, do đó trẻ rất khó tiếp thu. Nhưng chúng ta có thể đọc thơ, đồng dao, truyện ngụ ngôn cho trẻ. Chỉ tiếc là những bài thơ có nội dung tốt dành cho trẻ em không nhiều.
3.
Theo Berle, để huấn luyện trí não cho trẻ thì tốt nhất là dạy ngoại ngữ. Ông đã dạy con tiếng Anh, rồi tiếng Đức, La-tinh, Hy Lạp, Do Thái... từ rất sớm. Ông cho rằng việc dạy trẻ nhiều thứ tiếng sẽ giúp trẻ hiểu được sâu sắc hơn ý nghĩa của từ ngữ và sẽ kích thích tư duy của trẻ. Trong việc dạy ngoại ngữ cho trẻ cũng có khá nhiều lưu ý được Berle nêu rõ trong cuốn Giáo dục gia đình, vì thế ở đây tôi sẽ không đề cập đến nữa.
Tiếp theo, Berle cũng nói về vấn đề nuôi dưỡng tinh thần. Theo ông, tinh thần cũng cần được nuôi dưỡng như thể chất. Thức ăn của tinh thần chính là tri thức. Việc lựa chọn những tri thức dễ tiếp thu cho bộ não cũng giống như việc chọn những thức ăn dễ tiêu hóa cho dạ dày của trẻ. Nếu không bồi dưỡng tri thức mà mong đợi tinh thần phát triển thì chẳng khác nào câu cá trên cây. Phương pháp bồi dưỡng tri thức của Berle được áp dụng cả trong bữa ăn lẫn khi vui chơi. Ông lựa chọn một đề tài dễ hiểu rồi nói cho con nghe, khích lệ con đặt câu hỏi, còn ông vừa trả lời vừa cung cấp thêm các kiến thức mới cho con. Đề tài được chọn có thể là về đồ vật trên bàn ăn, về một bài báo, về những sự việc trong đời sống hàng ngày hay về một cuốn sách vừa đọc.
Việc bồi dưỡng tinh thần này đã làm nên những kỳ tích không ngờ. Berle kể: “Có một công nhân vệ sinh thường làm việc ngay trước nhà tôi và mỗi buổi sáng khi ra khỏi nhà, tôi vẫn thường chào hỏi ông ấy. Bữa nọ, ông ấy kể với tôi rằng ông hoàn toàn bất lực với đứa con đang học tiểu học của mình.
Tôi liền tìm tới trường của cậu bé ấy và thử hỏi thăm tình hình. Quả thực kết quả học tập của cậu bé rất tệ, đến mức có thể không được lên lớp. Kỳ nghỉ hè năm đó, tôi đã thử áp dụng một phương pháp giáo dục đặc biệt dành riêng cho cậu. Kết quả là đến tháng 9 năm đó, cậu bé đã vào được trung học, sau đó tốt nghiệp, vào trường luật và trở thành một luật sư tài năng”. Berle nhấn mạnh rằng không nên để trẻ lãng phí thời gian vào những việc vô ích, mà muốn vậy thì các bậc cha mẹ phải theo dõi sát sao và giúp con sử dụng hợp lý thời gian của mình.
Theo Berle, điều cần lưu ý trong việc giáo dục con cái là không được đánh giá thấp trẻ. Cũng giống như cha của Witte, ông thừa nhận rằng giữa các đứa trẻ có sự khác biệt về yếu tố di truyền, song điều đó không đáng kể.
4.
Trong khi dạy con, Berle khuyến khích con ghi chép lại những việc đã xảy ra hàng ngày. Nội dung có thể rất đa dạng, từ những việc làm tốt và được khen ngợi đến những chuyện sai quấy và vì thế mà bị mắng, cả những chuyện hứng thú lẫn những chuyện bực mình. Cách làm đó giúp cha mẹ nhận ra những điều trẻ đã biết, điều gì còn mới lạ, qua đó dạy con thêm nhiều từ ngữ và kiến thức mới. Không những thế, việc làm này còn giúp trẻ phát huy những đức tính tốt, loại trừ thói quen xấu, đồng thời giúp trẻ vạch ra kế hoạch và tiến hành mọi việc một cách hiệu quả. Hãy biến việc làm này thành một thói quen hàng ngày, giống như việc mỗi buổi sáng thức dậy chúng ta cần soi gương, rửa mặt, đánh răng... Nhờ ghi chép như thế mà trẻ sẽ quan tâm hơn đến các sự việc xảy ra quanh mình và trong cuộc sống nói chung, bởi mỗi ngày trôi qua đều đầy ắp những sự kiện đáng nhớ. Việc này tiếp nối việc kia, cứ thế kích thích và khơi gợi sự tò mò học hỏi ở trẻ.
Việc ghi chép này nghe qua có vẻ khó khăn, nhưng thực tế lại khá dễ dàng và rất thú vị. Bởi nó mang dư vị của niềm hạnh phúc khi nhìn thấy sự trưởng thành của bản thân sau những gì đã trải qua.
Sau cùng, Berle hết sức hoan nghênh những người làm cha mẹ đã nhẫn nại, nhiệt tình, không mệt mỏi trong việc giáo dục con cái. Không ai giám sát việc dạy con của các bậc cha mẹ, những việc phải làm có khi không làm được và ngược lại, và đặc biệt là rất dễ lơ là, thỏa hiệp. Vì thế, các bậc cha mẹ phải nỗ lực thực hiện các kế hoạch, các dự định nuôi dạy con của mình cho tốt.