1.
T
rong số những người đã đọc cuốn Phương pháp giáo dục của Witte và áp dụng thành công với con mình còn có một người nữa, đó là phu nhân Stoner. Bà xuất thân từ trường Nữ Radcliffe và là giảng viên môn ngôn ngữ tại Đại học Pittsburgh, Pennsylvania, Mỹ. Người đầu tiên đưa đến cho bà khái niệm giáo dục từ sớm chính là James. Ông cũng là người đã giới thiệu với bà cuốn sách của cha Witte. Con gái duy nhất của bà là Winifred biết làm thơ từ năm lên 3; 4 tuổi đã biết viết kịch bằng tiếng Esperanto; 6 tuổi có tác phẩm được đăng lên nhiều báo và tạp chí, sau đó được tập hợp thành sách và được đánh giá cao.
Năm con gái được 12 tuổi, phu nhân Stoner đã viết cuốn Giáo dục tự nhiên đề cập đến phương pháp giáo dục của mình. Tôi xin trích dẫn cuốn sách khá thú vị này, nhưng xin được phép lược bỏ phần dẫn nhập ở chương 1.
2.
Tôi bắt đầu giáo dục cho con bằng việc huấn luyện năm giác quan. Khả năng của trẻ nếu không được sử dụng thì sẽ vĩnh viễn mất đi, do đó cần tập cho trẻ sử dụng năm giác quan càng sớm càng tốt, trong đó trước hết phải phát triển thính giác. Muốn vậy thì cách tốt nhất là hát cho con nghe, có thể là hát ru, cũng có thể là các giai điệu nhẹ nhàng êm dịu. Tiếc là tôi không biết hát, nhưng tôi chợt nhớ ra tập thơ Aeneis của nhà thơ La Mã cổ đại Vergilius có âm điệu du dương trầm bổng, thế là tôi đọc cho con nghe. Kết quả đúng như tôi nghĩ. Khi nghe Aeneis, con gái tôi từ từ chìm vào giấc ngủ. Tôi thử áp dụng với những trẻ khác thì cũng thấy như vậy. Có những âm thanh có hại cho thính giác của trẻ, nhưng Aeneis thì không. Đó là một thiên anh hùng ca bằng thơ và nó thực sự là một bài hát ru tuyệt vời.
Khi Winifred được 6 tuần, tôi bắt đầu đọc các bài thơ bằng tiếng Anh cho con nghe. Khi đó, tôi phát hiện ra một điều thú vị là khi âm điệu của bài thơ thay đổi, Winifred cũng biểu hiện những phản ứng khác nhau. Khi nghe bài Băng qua rào chắn thì bé im lặng nhưng khi nghe Horatius bên cầu thì bé tỏ vẻ phấn khởi. Nhờ cách giáo dục này mà chưa đầy một tuổi, Winifred đã thuộc mười dòng trong tập một của Aeneis và thuộc lòng Băng qua rào chắn. Những điều này tôi không cố ý dạy, mà do bé tự nhiên nhớ được. Bé đặc biệt thích bài Băng qua rào chắn, ngay cả lúc đi ngủ vẫn lẩm nhẩm đọc. Và mỗi ngày tôi đều kể chuyện cho Winifred nghe, đông tây kim cổ đủ cả. Tôi cho con nghe nhiều bài thơ văn nổi tiếng khác nhau.
Tôi cũng chú ý đến việc dạy kỹ năng cảm thụ âm nhạc cho con. Để giúp cho Winifred có khái niệm về nhạc điệu, tôi đã mua bảy chiếc chuông nhỏ và buộc vào đó bảy dải lụa mang bảy sắc cầu vồng đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím và đặt tên cho chúng theo các nốt nhạc. Hàng ngày, tôi gõ chuông cho con nghe. Chưa đầy 6 tháng bé đã biết gõ chuông theo đúng màu mà tôi bảo. Như vậy, bé đồng thời thu nhận được khái niệm cả về nhạc điệu lẫn màu sắc. Thỉnh thoảng tôi mang lăng kính ra và chiếu lên tường bảy màu cầu vồng cho con xem. Bé rất thích thú, dù đang khóc cũng nín ngay.
Để giúp con có khái niệm về màu sắc và hình khối, tôi treo trong phòng con nhiều tranh của các danh họa và bày phiên bản thu nhỏ của những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng. Khi con còn rất nhỏ, tôi đã vừa bế vừa chỉ cho con đây là bàn, đây là ghế... lần lượt tất cả các đồ đạc trong phòng, cả các bức họa và các tác phẩm điêu khắc. Mới đầu, bé chỉ chú ý đến màu sắc của tranh, nhưng sau cũng dần dần hiểu được ý nghĩa. Ngoài ra, tôi cũng cho con xem nhiều bức tranh đẹp về hoa lá, chim muông. Từ khi bé còn chưa biết nói, tôi đã mua những cuốn sách tranh cho con xem và đọc cho con nghe. Mặc dù chưa hiểu được nhưng bé đã tỏ ra hứng thú với màu sắc trong tranh và giọng nói của mẹ, do đó bé lắng nghe rất chăm chú. Trẻ được nuôi nấng bởi một người mẹ biết vẽ tranh là điều may mắn. Tôi thường vẽ tranh cho con xem, vừa vẽ vừa kể những câu chuyện thú vị. Tôi tin điều này có tác dụng lớn trong việc mở mang kiến thức cho con. Để phát triển khả năng cảm thụ hội họa của con, tôi còn mua những cuộn chỉ màu thường dùng trong các bài kiểm tra mù màu và bày cho con cách sử dụng chúng trong những trò chơi thú vị.
Tôi đặc biệt khuyến khích các bà mẹ có con trai cho con chơi những trò chơi kiểu này, vì so với bé gái thì bé trai có xúc giác tốt hơn nhưng khả năng cảm nhận màu lại kém hơn. Nếu không cố gắng tập cho bé trai phân biệt màu sắc từ nhỏ thì về sau sẽ rất khó khăn.
Tôi còn mua những viên đá và các mảnh gỗ có nhiều màu sắc cho con chơi. Búp bê cho bé tôi cũng chọn loại có nhiều quần áo đẹp. Những thứ này rất hữu ích trong việc phát triển khả năng cảm nhận màu sắc của bé. Bút màu cũng là một công cụ tốt. Tôi và con thường hay chơi trò “Thi vẽ màu”. Chúng tôi dùng một tờ giấy trắng khổ lớn và tôi sẽ bắt đầu trước. Đầu tiên, tôi sẽ lấy bút, giả sử là màu đỏ, vẽ một đoạn thẳng khoảng 3 cm, sau đó Winifred cũng sẽ làm như vậy. Nếu tôi vẽ màu xanh thì bé cũng phải vẽ màu xanh, làm sai sẽ bị thua. Khi Winifred biết đi, tôi thường xuyên dắt bé đi dạo. Trên đường đi, tôi chỉ cho Winifred màu của biển, của cây cối, của bầu trời, nhà cửa, quần áo người đi đường... để giúp con nhận biết tốt hơn về màu sắc.
Thỉnh thoảng, chúng tôi chơi một trò chơi rèn luyện sự tinh mắt như thế này: Khi đi qua cửa hàng nào đó một đoạn, tôi sẽ hỏi Winifred xem trong cửa hàng đang trưng bày những thứ gì. Nếu Winifred không nhớ được, hoặc nhớ ít hơn tôi, thì sẽ bị thua. Trò chơi này vừa có tác dụng phát triển trí nhớ, vừa nâng cao khả năng tập trung của trẻ. Nhờ được luyện tập như vậy mà lúc 5 tuổi, Winifred đã có thể lặp lại chính xác toàn bộ bài hát The Battle Hyun of the Republic dù chỉ được nghe qua một lần, khiến các giảng viên trường Đại học Shotokan ở New York phải kinh ngạc. Tôi cũng tập cho Winifred thói quen chú ý quan sát đồ vật. Một lần, vào lúc lên 2 tuổi, khi đi cùng tôi đến cửa hàng bán các tác phẩm điêu khắc, Winifred xem và nói với người bán hàng: “Chỗ cô không có bức Thần vệ nữ à?”. Khi Winifred được 6 tuần tuổi, tôi mua cho Winifred một quả bóng bay màu đỏ. Tôi dùng một sợi chỉ ngắn buộc nó vào tay của Winifred. Winifred rất vui khi mỗi lần đưa tay lên xuống là quả bóng cũng bay lên bay xuống. Tuần sau, tôi lại thay bằng quả bóng màu khác. Cứ thế, tôi đã dạy cho Winifred sự nhận biết rất dễ dàng các tính từ như xanh, đỏ, tròn, nhẹ... Với các đồ chơi như giấy nhám, tôi lại dạy cho Winifred làm quen với các tính từ: thô ráp, mềm mại...
Trẻ nhỏ thường có thói quen cái gì cũng cho vào miệng, vì thế tôi đã hết sức chú ý và thường xuyên nhắc nhở để Winifred không mắc phải thói quen xấu này. Khi Winifred chưa đầy 2 tuổi, có một lần chúng tôi tới thăm nhà người bạn và được cô ấy mang rất nhiều bánh kẹo ngon lành ra mời. Bé đã hỏi tôi: “Mẹ ơi, những thứ này có thể cho vào miệng được chứ ạ?” khiến cô bạn tôi vô cùng ngạc nhiên.
Một điều nữa là tôi không yêu cầu con làm việc gì nặng nhọc quá sức. Người ta nói trẻ em là một sinh vật sống và cần phát huy tối đa nguồn năng lượng dồi dào vốn có. Tôi luôn cố gắng không lãng phí năng lượng này một cách vô ích để có thể tập trung hiệu quả vào việc phát triển năng lực của con. Nếu làm được điều đó, trẻ sẽ luôn bận rộn với một công việc gì đó, không nhàn rỗi tay chân dẫn đến buồn chán, bực dọc, quấy khóc.
3.
Ngay từ khi còn nằm nôi, trẻ đã biết chú ý đến hướng phát ra tiếng động, dù là tiếng người nói hay âm thanh của sự vật, vì thế cha mẹ có thể dạy ngôn ngữ cho trẻ từ rất sớm. Từ lúc Winifred còn ẵm ngửa, tôi đã nói chuyện với bé như thể bé đã hiểu được mọi điều. Nhưng không giống như đa số các bà mẹ khác, tôi cố gắng không dùng từ địa phương và những từ lóng. Tôi cũng không dùng từ trừu tượng mà luôn dạy con những từ cụ thể ngay từ đầu.
Tiến sĩ Berle nói rằng: “Trong đời người, giai đoạn ấu thơ là quan trọng nhất. Chúng ta cần làm tất cả để trẻ phát triển cả về mặt thể chất lẫn tinh thần và chúng ta cần làm điều đó sớm nhất có thể. Một trong những điều cần thiết để phát triển tinh thần của trẻ là giáo dục ngôn ngữ sớm. Có những ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng theo tôi, ngôn ngữ chính là chìa khóa để giúp trẻ tiếp cận và mở cánh cửa tri thức. Khả năng ngôn ngữ của trẻ phát triển tốt nhất trong 6 năm đầu đời. Tuy nhiên, trong việc dạy ngôn ngữ cho trẻ cần đặc biệt chú ý việc dạy cách phát âm đúng”. Vì thế, ngay từ khi Winifred còn nhỏ, tôi đã cố gắng kể cho con nghe những câu chuyện bằng tiếng Anh. Tôi quen biết hai người là giảng viên đại học có tiếng nhưng lại thường xuyên phát âm sai, thậm chí dùng sai ngữ pháp, đó chắc chắn là vì lúc nhỏ họ không được giáo dục kỹ về mặt ngôn ngữ. Từ tấm gương đó, tôi luôn tự nhắc mình phải dạy con những ngôn từ chính xác, trong sáng. Ngoài ra, tôi còn dạy Winifred thành ngữ, tục ngữ.
Tôi dạy Winifred đúng theo cách Berle đã nói. Với cách làm này của tôi, khi chưa đầy 1 tuổi, Winifred đã tích lũy được một vốn từ vựng kha khá, tương đương với một đứa trẻ lên 5. Cô bé dùng từ rất chính xác, không bao giờ dùng tiếng lóng. Một lần, có người bạn tôi bảo bé rằng: “Winifred, cháu nhìn con vật gâu gâu kìa”, Win- ifred sửa lại ngay: “Đó là con chó, không phải gâu gâu”.
Tôi tin rằng sự giáo dục ngôn ngữ lúc nhỏ sẽ ảnh hưởng trong suốt cuộc đời, vì thế tôi luôn nhắc nhở con phát âm chính xác, sử dụng những từ ngữ và câu văn một cách chọn lọc. Tôi cũng không dạy ngữ pháp cho con cho đến tận năm 8 tuổi. Tôi thấy dạy ngôn ngữ không nhất thiết phải dựa trên ngữ pháp, mà chủ yếu dựa vào miệng và tai của trẻ. Trẻ con nói chung rất thích nói, từ lúc nhỏ hễ nhớ được từ nào là lặp đi lặp lại liên tục và tỏ ra rất vui về điều đó. Nắm bắt được tâm lý này, tôi tập cho con nhớ những câu ngắn, đơn giản mà vẫn thú vị. Bé tỏ ra hứng thú và nhớ rất nhanh.
Sau khi kể cho Winifred nghe một câu chuyện nào đó, tôi thử dịch ra vài ngoại ngữ khác và bảo bé ghi nhớ, bé đều nhớ được dễ dàng. Suy từ kinh nghiệm dạy con của mình, tôi thấy rằng trong giai đoạn từ 1 đến 5 tuổi, trẻ sẽ bộc lộ năng lực ngôn ngữ lớn nhất. Tôi cũng đã nghĩ đến việc dạy Winifred những ngoại ngữ cơ bản khác càng sớm càng tốt, nhưng ngoài tác phẩm Aeneis ra, tôi không dạy thêm ngôn ngữ nào khác nữa, cho đến khi Winifred thành thạo tiếng mẹ đẻ. Có học giả nói rằng nên đồng thời dạy cho trẻ 2, 3 thứ tiếng, nhưng theo suy nghĩ cá nhân, tôi cảm thấy như thế là làm khổ con và rốt cuộc con sẽ không nắm vững ngôn ngữ nào cả.
Khi thấy Winifred đã sử dụng tốt tiếng Anh, tôi bắt đầu dạy bé tiếng Tây Ban Nha. Lý do tôi chọn tiếng Tây Ban Nha là vì đây là thứ tiếng đơn giản nhất trong các ngôn ngữ châu Âu. Cứ thế lần lượt từng ngôn ngữ. Kết quả là đến 5 tuổi, bé đã thông thạo 8 thứ tiếng. Nếu tiếp tục dạy, tôi nghĩ bé có thể học được 10, 12 ngôn ngữ. Nhưng đúng vào thời điểm đó, tôi nghe nói sau này tiếng Esperanto(*) sẽ trở thành ngôn ngữ quốc tế, nên tôi dừng lại.
* Esperanto, hay Quốc Tế Ngữ, là ngôn ngữ nhân tạo, được sáng chế bởi học giả Ba Lan Ludwik Lejzer Zamenhof trong khoảng năm 1872 tới 1885. Vào thời điểm Quốc Tế Ngữ ra đời, người ta kỳ vọng ngôn ngữ này sẽ trở thành ngôn ngữ phổ thông, được sử dụng trong mọi sinh hoạt hàng ngày của nhân dân toàn thế giới.
Nếu được lựa chọn lại lần nữa về việc dạy ngôn ngữ cho Winifred, tôi vẫn sẽ chọn ngôn ngữ đầu tiên là tiếng Anh, nhưng liền tiếp đến là tiếng Esperanto. Esperanto là ngôn ngữ rất đơn giản, Winifred chỉ học trong vòng một tiếng mà đã có thể viết thư. Các từ ngữ bằng tiếng Esperanto cũng đơn giản, giúp trẻ dễ dàng nói bập bẹ và nhớ ngay được.
Năm lên 5 tuổi, Winifred đã nói và viết được tiếng Esperanto, thậm chí còn đọc sách bằng tiếng Esperanto. Trong năm này, bé bắt đầu có kế hoạch viết kịch bằng tiếng Esperanto. Và với sự trợ giúp của bà Julia Beabawer, vở kịch đã hoàn thành và được trình diễn trong một buổi tiệc từ thiện. Đây cũng là vở kịch tiếng Esperanto đầu tiên được công diễn trên toàn quốc.
Rồi Winifred bắt đầu dạy tiếng Esperanto cho những trẻ khác. Bé dạy theo cách mà tôi đã áp dụng khi dạy bé, tức là thông qua các trò chơi. Ngoài ra, bé còn tự nghĩ ra những trò mới khá thú vị. Năm đó, tôi có nhiều buổi giảng ở Đại học Shotokan nhằm phổ biến tiếng Esperanto. Với mục đích giúp người nghe biết rằng học tiếng Esperanto rất đơn giản, tôi để Winifred nói chuyện và đọc thơ bằng thứ tiếng này. Và Winifred được mọi người hết lời khen ngợi.
Cũng trong năm đó, trong nước tổ chức Đại hội Quốc tế ngữ và tôi đã để Winifred đọc một bài thơ của giáo sư Đại học Princeton là Mike Closky bằng tiếng Esperanto. Năm sau, cô bé lại làm vị giáo sư hơn 70 tuổi này và tất cả những người có mặt phải ngạc nhiên khi sử dụng thành thạo thứ ngôn ngữ này để trò chuyện. Vợ chồng giáo sư Spencer có mặt khi đó đã nói với tôi: “Phu nhân Stoner thật sai lầm khi cho cháu học quá nhiều từ nhỏ. Thế này chúng tôi e không tốt cho sự phát triển của cháu”. Tôi hỏi: “Vậy hai ông bà cho rằng cháu nhìn có vẻ rất yếu đuối hay quá thấp bé chăng?”. “Ô, ý chúng tôi không phải vậy. Ngoại hình không quan trọng lắm, nhưng trí não của trẻ còn quá non nớt, nếu sử dụng quá mức thì sợ rằng...”, rồi họ bỏ lửng câu nói. Khi ấy, tôi chỉ cười mà không nói thêm gì.
Một lần, tôi dẫn Winifred đến sân thể thao của trường và gửi Winifred cho thầy giáo thể dục. Nhìn dáng vẻ gầy gò của Winifred, thầy giáo bảo: “Cháu nên về nhà uống thêm thuốc bổ và sữa cho mau lớn rồi hãy đến đây”. Nói xong, ông dẫn Winifred đến chỗ những chàng thanh niên hơn 20 tuổi đang luyện tập ném bóng chày. Trong lúc tôi và ông ngồi nói chuyện dưới gốc cây thì Winifred đã chạy đuổi theo nhặt quả bóng được những chàng thanh niên đó ném ra. Cô bé chạy một hơi không nghỉ, không thua bậc đàn anh khiến mọi người tròn xoe mắt.
Sau khi từ Đại học Shotokan trở về, Winifred đã viết thư cho một người bạn nước ngoài cũng biết tiếng Esperanto. Bé tìm thấy tên và địa chỉ của người bạn này trong một tờ báo bằng tiếng Esperanto. Không lâu sau có thư trả lời từ nước Nga. Winifred rất đỗi vui mừng, trở nên hứng thú với nước Nga và bắt đầu tìm đọc rất nhiều sách Nga. Sau đó, bé lại kết bạn với trẻ em Nhật, Ấn Độ và bắt đầu nghiên cứu về địa lý cũng như phong tục của các nước này. Tôi nghĩ rằng việc giao lưu giữa các trẻ em như vậy rất có ích. Ngoài việc mở rộng kiến thức, mối giao tình đó sẽ dần dần kéo các nước xích lại gần nhau, cùng xây dựng một cộng đồng hòa bình. Rồi Winifred tham gia Hiệp hội Thiếu niên vì Hòa bình của Mỹ. Mục đích của Hội này là kết nối và xây dựng tình bằng hữu của thiếu niên trên khắp thế giới, hướng đến một tương lai vì hòa bình và đoàn kết giữa các dân tộc. Hội viên ở đây có nhiệm vụ học tiếng Esperanto và dùng ngôn ngữ này để kết giao với thiếu nhi các nước khác qua thư từ. Mỗi tháng, Hội đều tổ chức một buổi gặp gỡ giữa các thành viên và chọn đọc một bức thư gửi từ nước ngoài. Lần lượt mỗi hội viên sẽ thuyết trình về địa lý và phong tục của một quốc gia. Ngoài ra, các hội viên sẽ trao đổi với thiếu nhi nước khác những vật lưu niệm nho nhỏ như bưu thiếp, tem, hoa khô... Trên bàn của Winifred, các món quà này chất cao như núi, vì cô bé kết bạn với trẻ em ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Trong số đó có một món quà khá thú vị là cuốn lịch sử Trung Quốc viết bằng tiếng Esperanto khoảng 5.000 từ được một thiếu niên Trung Quốc gửi tặng.
Thành viên của Hội này cũng làm nhiệm vụ tuyên truyền cho phong trào học tiếng Espe- ranto - ngôn ngữ chung lúc bấy giờ. Tuy chưa hiểu lắm công việc của Hội nhưng Winifred cũng tham gia dạy tiếng Esperanto cho những đứa trẻ khác. Winifred thường sử dụng ngôn ngữ này để viết thư, viết lời chúc trong các bưu thiếp gửi cho bạn bè mà bé quen biết và Winifred cũng chủ động viết thư làm quen với những bạn mới. Đây là công việc mà ngày nào Winifred cũng làm. Lên 6 tuổi, Winifred đã có thể dịch nhiều bài hát đồng dao sang tiếng Esperanto. Bé tin rằng những bài hát này rất hay, vì thế nếu dịch sang tiếng Es- peranto thì sẽ được rất nhiều trẻ em biết đến và yêu thích. Những bài hát này đã được Hiệp hội Esperanto ở Bắc Mỹ xuất bản thành sách và nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Một vị giáo sư, tiến sĩ ngôn ngữ học của Đại học Stanford đã nhận xét: “Tuyển tập này sử dụng ngôn ngữ của những dịch giả chuyên nghiệp, lại có cả chất thơ của những thi nhân. Không thể tin là lại được viết bởi một bé gái 6 tuổi”.
Winifred nổi tiếng là giáo viên trẻ nhất của Đại học Pittsburgh. Học trò của cô bé gồm các trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Phòng học là phòng giáo viên của Sở Nghiên cứu Carnegie. Phương pháp dạy là dùng các bài hát vè và các trò chơi, thỉnh thoảng đi thực tế tại viện bảo tàng. Để có thể dạy học, cô bé đã đọc và tra cứu rất nhiều sách tham khảo. Trong khi dạy tiếng Esperanto, Winifred đã sử dụng một phương pháp mới là hát những câu văn bằng tiếng Esperanto theo giai điệu của các bài hát quen thuộc mà ai cũng biết. Tôi cũng thử áp dụng phương pháp này với các học sinh ở Pittsburgh và thấy rất hiệu quả. Winifred còn tự viết sách bằng tiếng Esperanto cho học trò sử dụng và đây cũng là một tài liệu rất dễ hiểu được nhiều người tham khảo.
4.
Tiến sĩ James, người đầu tiên đưa đến cho tôi khái niệm về giáo dục từ sớm, thường nói rằng phải huấn luyện về tinh thần cho con càng sớm càng tốt và việc huấn luyện này phải thực hiện dựa trên các trò chơi.
Tôi cũng nghĩ ra rất nhiều trò để chơi với con. Khi Winifred được 6 tháng tuổi, tôi dùng toàn bộ giấy dán tường màu trắng cho độ cao 1 mét kể từ chân tường. Trên bức tường thứ nhất, tôi dán các con chữ màu đỏ. Ở bức tường khác, tôi lại dán các từ đơn giản ghép từ ba chữ cái như bat, cat, mat, pat, rat, bog, dog, hog, log... xếp thành hàng. Tất cả đều là danh từ và từ đơn. Ở bức tường thứ ba là các con số từ 1 đến 10 xếp thành 10 hàng. Bức tường còn lại tôi dán các nốt nhạc. So với hình ảnh thì âm thanh sẽ thu hút sự chú ý của trẻ hơn, vì thế tôi muốn cho con làm quen với việc nghe các chữ ABC.
Tôi không biết hát, nhưng may sao nhũ mẫu lại hát rất hay, vì thế khi dạy cho Winifred, tôi vừa chỉ các chữ ABC vừa nhờ nhũ mẫu hát cho Winifred nghe. Ai cũng cho rằng đối với đứa trẻ 6 tháng tuổi thì làm những việc này chẳng khác nào đàn gảy tai trâu, thế nhưng nếu thường xuyên được nghe, được nhìn thì chẳng mấy chốc bé sẽ nhớ bảng chữ cái.
Tiếp đó, tôi lại làm các miếng gỗ to có, nhỏ có, trên đó viết nhiều chữ ABC lớn nhỏ khác nhau và bắt đầu dạy Winifred ghép từ. Ví dụ như khi dạy chữ “cat”thì trước tiên tôi cho Winifred xem bức tranh con mèo, rồi lại chỉ lên chữ “cat” trên tường, và lặp đi lặp lại nhiều lần âm “cat” cho Winifred nghe; sau đó chọn trong hộp chữ cái chữ c, a, t để ghép lại thành “cat”. Cứ thế hai mẹ con chơi với nhau và tôi thường khen ngợi để động viên con. Ngày nào cũng như vậy, từng bước một, từng chút một, không nhồi nhét quá sức. Với cách dạy này, Winifred chưa đầy 18 tháng đã có thể đọc sách. Đọc được sách có thể ví như thuyền đã đến ngày ra sông lớn, khi đó việc giáo dục lại càng thú vị. Winifred cũng tỏ vẻ rất hào hứng.
Tôi hướng đến việc tập cho Winifred thói quen đọc sách có mục đích. Đọc sách cũng như làm việc, nếu lan man thì chỉ tốn công vô ích. Để viết cuốn Những cuộc dạo chơi với Bà tiên Giáng sinh, Win- ifred đã đọc hơn 30 cuốn sách các loại để tìm hiểu về phong tục trong lễ Giáng sinh của các quốc gia.
Còn khi viết cuốn Những cuộc dạo chơi với Thỏ Phục sinh, bé cũng tham khảo rất nhiều tài liệu tại các thư viện ở Pittsburgh về phong tục trong lễ Phục sinh của các quốc gia. Để viết cuốn Trò chuyện với những người bạn trong vườn thú, Winifred không chỉ đọc rất nhiều sách tham khảo, mà còn cố gắng đến vườn thú mỗi ngày.
Ngay khi Winifred còn ẵm ngửa, tôi đã cố gắng để dạy cho bé sự cảm thụ về âm nhạc. Như đã kể ở trên, tôi mua những chiếc chuông nhỏ phát ra các âm trầm bổng khác nhau, mỗi ngày tôi lại đàn những ca khúc nổi tiếng cho Winifred nghe. Thỉnh thoảng nhũ mẫu lại hát cho bé nghe, không khí trong nhà lúc nào cũng rộn rã.
Sau khi bé nhớ được bảng chữ cái ABC, tôi bắt đầu dạy các nốt nhạc. Hai mẹ con thường chơi một trò chơi như thế này: Tôi giấu một số đồ vật đi và bảo Winifred đi tìm. Trong lúc Winifred mải mê tìm kiếm, tôi sẽ chơi piano. Khi bé đến gần chỗ giấu đồ, thay vì nói: “Nguy quá, nguy quá!”, tôi sẽ chơi những âm trầm. Khi bé ra xa, tôi lại chơi những âm cao. Như thế, nếu không chú ý đến các âm cao thấp thì bé sẽ không thể tìm ra món đồ. Cách chơi này rất hiệu quả trong việc huấn luyện thính giác cho bé.
Với trẻ con, khái niệm về nhịp điệu và cung bậc rất quan trọng. Các bà mẹ không biết đàn, hát thì có thể cho con nghe từ đĩa. Trẻ nhất thiết phải được lớn lên trong môi trường âm nhạc với các nhịp điệu và tiết tấu. Khi Winifred còn chưa biết nói, tôi đã vỗ tay theo nhịp điệu cho bé xem. Rồi tôi mua một cái trống nhỏ dạy bé gõ nhịp vào mặt trống. Một thời gian sau khi bé đã quen, tôi mua chiếc đàn gỗ về tập cho bé chơi. Tiếp đến tôi vừa chỉ các nốt nhạc trên tường, vừa hướng dẫn bé gõ các phím trên piano. Rất nhanh chóng, bé có thể gõ được các nốt nhạc và bản nhạc đơn giản. Có người cho rằng nhảy múa là không tốt, nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi vẫn thường dạy con nhún nhảy theo nhịp bài hát. Berle cũng nói: “Người Hy Lạp, La Mã có thân hình đẹp là nhờ nhảy múa. Nhảy múa giúp ta duy trì thể lực tốt và thân hình cân đối”.
5.
Tôi dạy nhạc cho Winifred dưới hình thức các trò chơi, ban đầu là dạy đánh piano với các nốt nhạc giai điệu cao thấp khác nhau. Bé nhớ rất nhanh các nốt nhạc và cung bậc. Tôi cũng dạy Winifred chơi violon theo cách như vậy. Lên 10, Winifred đã chơi tốt cả hai nhạc cụ này. Đương nhiên không phải cứ 10 người được học nhạc thì cả 10 đều thành nhạc sĩ, hơn nữa điều đó cũng không cần thiết. Nhưng việc không được dạy chút gì về âm nhạc thực sự là điều thiệt thòi. Trẻ có thể không biết chơi nhạc một cách điêu luyện, nhưng tối thiểu cha mẹ cần nuôi dưỡng khả năng này cho trẻ để trẻ có thể cảm nhận được cái hay cái đẹp của âm nhạc. Nhà thơ Goethe có nói rằng: “Để không đánh mất đi vẻ thánh thiện ngây thơ mà thần thánh ban tặng thì chúng ta mỗi ngày đều phải nghe một chút âm nhạc, đọc một chút thơ văn và xem những bức tranh đẹp”.
Tiếp theo, tôi sẽ trình bày về phương pháp dạy chính tả. Cách mọi người vẫn thường làm là viết chữ cái lên một tấm bảng con để dạy trẻ. Nhưng tôi không dùng cách đó. Theo tôi, để dạy chính tả thì tốt nhất là sử dụng máy đánh chữ. Tôi ngẫu nhiên phát hiện ra điều này trong một lần Winifred nhìn thấy tôi đang đánh máy và chạy lại đòi tôi hướng dẫn cách dùng.
Khi đó tôi đang rất bận nên hẹn bé ngày mai. Hôm sau tôi lại có việc phải ra ngoài, khi trở về bé đưa cho tôi một tờ giấy. Đó chính là một trang trong quyển truyện cổ tích được bé đánh máy lại. Bản đánh máy này gồm toàn những con chữ to, không dấu cách, chỉ là chữ cái nối liền nhau. Nhưng tôi rất vui và khen bé, sau đó bắt đầu dạy cách đánh chữ. Bé rất thích thú và hàng ngày mang thơ, truyện ra để tập đánh máy. Bằng cách đó, bé có thể dần dần nhớ được cách ghép chữ, sau đó tự mình viết truyện và làm thơ. Lúc đó bé chưa đầy 3 tuổi. Không lâu sau, tôi phải nhập viện ở Chicago để phẫu thuật. Hàng ngày ở nhà Winifred đều dùng máy đánh chữ để viết thư cho tôi. Đối với tôi, đó là sự động viên suốt đời không thể quên được. Sau đó, Winifred hàng ngày tập đánh máy các tác phẩm thơ văn nổi tiếng, nhờ vậy mà bé dần dần thuộc hết các tác phẩm đó. Vì thế, tôi thực sự tin rằng máy chữ là một công cụ hết sức hiệu quả để dạy trẻ về chính tả và cách ghép vần.
Tôi cũng dạy bé cách cầm bút. Giống như việc sử dụng máy chữ, trẻ con bao giờ cũng thích bắt chước người lớn nên khi Winifred thấy tôi cầm bút và tỏ ý muốn học cách dùng, tôi liền bắt đầu dạy bé.
Lúc đầu tôi không để bé dùng bút máy mà dùng bút chì đỏ. Lần đầu tiên khi viết được tên mình và cho cha xem, được cha khen ngợi hết lời, bé rất đỗi vui mừng và càng chăm chỉ tập viết. Sau nhiều ngày luyện tập, bé đã có thể viết thành thạo. Lúc đó, Winifred được 17 tháng. Lên 2 tuổi, trong một lần đi chơi cùng tôi và người bạn của tôi, Winifred đã làm mọi người ngạc nhiên khi viết tên mình thành thạo và còn tự ký tên vào cuốn sổ đăng ký phòng trọ. Khi Winifred viết được những câu đơn giản, tôi bắt đầu hướng dẫn bé viết nhật ký. Vì thế bé có nhật ký từ năm 2 tuổi. Vào những hôm trời mưa không thể ra ngoài, Winifred thường ngồi bên cửa sổ, vừa nhìn mưa rơi vừa ghi ghi chép chép. Nhân tiện nói thêm ở đây, trong quá trình nuôi dạy con đến khi trưởng thành, tôi nghĩ cha mẹ cũng nên tự mình viết nhật ký cho con. Nhật ký này là để ghi lại sự phát triển của con qua từng ngày. Đối với con, đây sẽ là một kỷ vật quý giá, giúp ích cả khi con lớn lên và có gia đình riêng.
Ngoài ra, để tạo cho con hứng thú viết văn, tôi còn khuyến khích con viết thư cho bạn bè. Tôi cũng khuyến khích bé tham gia các cuộc thi viết trên báo. Lên 5 tuổi, Winifred đã được nhận cả huy chương vàng và bạc khi viết cho tờ Saint Nicholas.
6.
Để việc dạy và học trở nên hấp dẫn, tôi cũng áp dụng phương pháp giáo dục giống như cha của Witte. Hàng ngày, tôi cùng con đi dạo và nói với con những câu chuyện thú vị về thực vật, động vật, hóa học, vật lý, địa lý, thiên văn... Thỉnh thoảng, chúng tôi ra ngoài cánh đồng và cùng nhau ngắt những bông hoa, ngọn cỏ để “giải phẫu”, đập vỡ một viên đá để quan sát, xem xét tổ chim, ngắm nghía những con sâu nhỏ... Winifred rất thích quan sát mọi thứ xung quanh bằng kính hiển vi và luôn ghi chép những điều mà cô bé đọc được trong sách vở hoặc qua những câu chuyện kể.
Winifred còn có một cuốn sổ tay sưu tầm các loài thực vật, hoa cỏ, côn trùng. Cuốn sổ tay này được Winifred xem như báu vật vì trong đó chứa nhiều loài hoa, côn trùng lạ mà bạn bè từ khắp nơi gửi tặng. Winifred ban đầu rất sợ sâu xanh, nhưng sau khi nghe tôi giải thích rằng sâu xanh khi lớn sẽ trở thành những con bướm xinh đẹp thì bé không sợ nữa. Tôi kể cho bé nghe nhiều chuyện về các loài ong và bướm. Bé rất thích thú, sau đó tự mình nghiên cứu và tự viết rất nhiều chuyện về đời sống của chúng. Winifred tìm hiểu cả về bọ cánh cứng. Bé nói với tôi là bọ cánh cứng có hàng trăm nghìn loài và bé có ý định sẽ tự mình tìm ra một loài mới. Vì thế, bé đọc rất nhiều sách. Mùa Đông, khi bọ cánh cứng không xuất hiện, bé lại đến Sở Nghiên cứu Carnegie để xem các tiêu bản của chúng.
Bảo tàng của Sở Nghiên cứu Carnegie là địa chỉ quen thuộc của chúng tôi và tuần nào tôi cũng đưa con tới đó. Ở đây, ngoài động thực vật, chúng tôi còn có thể tìm hiểu về phong tục tập quán, trang phục, đồ dùng của nhiều thời đại. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có thể ngắm hoặc phác thảo lại những bức tranh hay tác phẩm điêu khắc nổi tiếng.
Làm vườn cũng rất tốt cho việc mở mang kiến thức và rèn luyện sức khỏe cho trẻ. Khi Winifred vừa biết đi, tôi mua cho Winifred một cái mai và một cái xẻng nhỏ. Tôi dạy bé cách gieo hạt, trồng hoa, nhổ cỏ, tưới cây... Tôi nhận thấy rằng những công việc này cũng góp phần bồi đắp cảm hứng, rèn luyện tính kiên nhẫn cho trẻ và giúp trẻ gần gũi với thiên nhiên. Hàng ngày tưới nước, chăm sóc và nhìn ngắm sự phát triển của cây cối... cũng là một cách tốt để tâm hồn trẻ hướng thiện.
Mùa Hè đến, tôi lại dẫn con lên núi cắm trại vài ngày hoặc ra cánh đồng, nằm dài trên cỏ, ngắm hoa và quan sát côn trùng. Một điều may mắn của tôi là được sống gần rừng trong nhiều năm. Đối với trẻ thì không có cuốn sách giáo khoa nào đầy đủ và thiết thực hơn một cánh rừng. Vào những ngày đẹp trời, tôi thường cùng một người hầu dẫn Winifred vào khu rừng gần nhà chơi. Ở đó, tôi có thể dạy cho con tên của nhiều loại cây cối và chim muông. Chúng tôi còn mang theo cả máy ảnh để chụp những nơi có nhiều hoa và phong cảnh đẹp. Cũng tại cánh rừng này, tôi đọc cho con nghe rất nhiều bài thơ về tự nhiên. Những ngày đẹp trời, không gian yên tĩnh, vừa hít thở bầu không khí trong lành, vừa ngâm thơ, thật là khoan khoái vô cùng. Có khi Winifred ngồi vẽ tranh hoa lá hoặc sáng tác những câu chuyện về cây cỏ, chim chóc.
Để bồi dưỡng tình cảm và tâm hồn trẻ, tập cho trẻ tính nhân ái và vị tha, tôi cho Winifred nuôi một vài con vật nhỏ trong nhà. Đầu tiên là hai con hoàng yến. Winifred đặt tên cho một con là Kiku, theo nghĩa tiếng Nhật là hoa cúc, thể hiện một cô gái xinh đẹp; còn con thứ hai là Ninitan, theo tiếng Tây Ban Nha là một em bé dễ thương - Winifred giải thích với tôi như vậy. Hai con hoàng yến được Winifred dạy từ nhỏ nên đã có thể nhảy múa theo tiếng hát hoặc tiếng vỗ tay. Mỗi lần Winifred chơi piano, chúng lại bay đến đậu trên vai. Chúng còn biết nhắm mắt, thậm chí là nhắm mắt phải hoặc mắt trái theo yêu cầu, lại biết dùng mỏ lật trang sách theo lệnh.
Ngoài ra, tôi còn cho Winifred nuôi chó mèo và cá cảnh. Trong phòng của bé có cả cá vàng và cá chép. Thỉnh thoảng, tôi đưa bé đến thăm Viện Hải dương để mở mang kiến thức. Winifred cũng dành nhiều thời gian tìm hiểu cuộc sống của các loài động vật, chim thú khác. Nhờ vậy khi viết cuốn Trò chuyện với những người bạn trong vườn thú, bé không gặp khó khăn gì.
Với các môn vật lý, hóa học, địa chất... tôi cũng giáo dục con theo cách tương tự. Để khơi dậy niềm đam mê với thiên văn học thì cách tốt nhất là cho trẻ đọc truyện thần thoại. Tôi đã áp dụng phương pháp này. Một may mắn nữa là chúng tôi có điều kiện đi đến nhiều đài thiên văn để quan sát các vì sao qua kính viễn vọng. Ở đó, chúng tôi còn kết bạn được với khá nhiều nhà thiên văn. Và với sự giúp đỡ nhiệt tình của tiến sĩ Ranky, Winifred đã viết xong cuốn Trong mê cung lý trí.
Trong thời gian sống ở ven biển Virginia, chúng tôi thường xuyên đi chơi ở bãi biển. Tôi nghĩ rằng bãi biển rất có ích trong việc cung cấp kiến thức địa lý cho trẻ. Khi thì chúng tôi nhặt sò, khi thì đi thu thập tảo biển, bắt cua, nhặt sao biển và sứa. Những lúc như thế, tôi lại kể cho con nghe những câu chuyện về các loài tôm cá, về sông núi, hồ, vịnh, đảo... Sau đó, tôi mua quả địa cầu về, chỉ cho con Đại Tây Dương, kế đó là châu Âu, rồi nước Mỹ... dần dần Winifred đã nhớ được những điểm cơ bản về địa lý thế giới. Tôi cũng đưa con đi du lịch khá nhiều nơi để mở rộng tầm mắt. Kết quả là Winifred có kiến thức khá rộng về địa lý thế giới.
7.
Để dạy trẻ thì không gì hiệu quả hơn là những câu chuyện – chúng giúp trẻ phát triển trí nhớ, kích thích khả năng tưởng tượng, mở mang tri thức. Từ khi Winifred chưa biết nói, tôi đã kể cho con nghe rất nhiều chuyện thần thoại châu Âu, Hy Lạp, La Mã. Khi con biết nói rồi, hai mẹ con cùng nhau diễn lại những câu chuyện đó. Tôi cũng kể cho con nghe nhiều trong Kinh Thánh.
Mục đích của việc kể cho Winifred nghe những câu chuyện thần thoại là để sau này Winifred có hứng thú với hội họa và điêu khắc, đồng thời khi nghiên cứu về văn học cũng sẽ dễ dàng hơn. Để giúp Winifred dễ nhớ các nhân vật trong những câu chuyện thần thoại, tôi và Winifred cùng chơi bài Karuta của Nhật Bản. Trên những lá bài là hình của các nhân vật đã xuất hiện trong những câu chuyện kể.
Tôi cũng áp dụng cách này khi dạy Winifred môn lịch sử. Tôi còn nhận thấy rằng nếu sự vật, sự việc được ghi lại dưới hình thức văn vần thì rất dễ thuộc, dễ nhớ, vì thế tôi đã áp dụng dạy con từ khi còn nhỏ. Sau này, Winifred cũng tự mình viết được khá nhiều những bài văn vần, một phần trong số đó sau này được xuất bản thành tập có tên Những sự kiện trong tiếng chuông ngân.
Năm lên 8 tuổi, Winifred được cha làm cho một bộ xương để học về môn sinh lý học. Trong thời gian cha đi du lịch, Winifred tự viết các bài văn vần về xương, cơ, nội tạng... rồi học thuộc hết. Khi cha Winifred trở về, ông rất ngạc nhiên và vui mừng. Liên quan đến môn sinh lý học, Winifred còn nghiên cứu về cả vệ sinh và rất quan tâm những vấn đề liên quan đến thực phẩm và khả năng gây bệnh.
Mong muốn của tôi trong việc giáo dục và bồi dưỡng tri thức cho con trẻ là phải làm sao để con trở thành người có ích, chứ không muốn con lớn lên giống như một số người - đọc hàng ngàn vạn cuốn sách, biết rất nhiều thứ nhưng lại chẳng giúp ích gì cho bản thân và xã hội.
8.
Trong các trường học hiện nay, hầu hết các học sinh không thích học tiếng La-tinh. Lý do là các em không có nền tảng của môn này. Cá nhân tôi nghĩ rằng cần tạo cho con một nền tảng cơ bản từ sớm, vì vậy tôi đã dạy Winifred ngay từ khi con còn trong nôi. Tôi nghĩ tiếng La-tinh là hết sức cần thiết cho việc học và nghiên cứu, nếu biết tiếng La-tinh sẽ dễ dàng tiếp cận ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha... và có thể nhớ những ngôn ngữ đó một cách dễ dàng.
Với trẻ con thì chủ yếu dùng tai chứ không dùng mắt, vì thế tôi bắt đầu dạy cho Winifred thói quen ghi nhớ bằng tai. Lúc 4 tuổi, Winifred có lần nói chuyện bằng tiếng La-tinh với một giáo viên dạy môn này, nhưng người đó hoàn toàn không hiểu. Nghe qua thì rất lạ, nhưng sự thật đúng là có rất nhiều nhà ngôn ngữ học có thể đọc, viết được, nhưng lại không thể nói được thứ tiếng này.
Khả năng ngôn ngữ của trẻ con thật sự đáng ngạc nhiên. Khi Winifred vừa biết nói tiếng Anh, tôi liền dạy bé câu “Xin chào” bằng 13 ngôn ngữ khác nhau, bé đều nói được ngay. Mỗi ngày tôi dạy Winifred một vài từ tiếng La-tinh. Lên 5 tuổi, Winifred đã có thể đọc thuộc lòng quyển một của tập Aeneis và nhớ được hơn 500 bài thơ của nhiều tác giả. Do được rèn từ nhỏ nên những cuốn sách mà Winifred viết đều không mắc lỗi diễn đạt về từ ngữ. Tôi cũng không chủ trương bắt Winifred phải học ngữ pháp, mà chủ yếu cho bé ghi nhớ từ, ý nghĩa và cách dùng.
9.
Trong số các môn học, khó nhất là làm cho Winifred hứng thú với môn toán. Bằng phương pháp dán chữ số trên tường, tôi đã nhanh chóng dạy cho Winifred nhớ được chữ số và cách đếm, và Winifred đã có thể biết đếm tiền khi đi mua hàng. Tuy nhiên, khi dạy đến bảng cửu chương, lần đầu tiên tôi thấy Winifred tỏ vẻ chán ghét việc học. Tôi đã thử biến những con số trong bảng cửu chương thành bài hát, vừa hát vừa dạy nhưng vẫn không hiệu quả.
Lên 5 tuổi, Winifred đã có thể nói thành thạo 8 ngôn ngữ. Rất nhiều bài thơ và truyện ngắn do Winifred sáng tác đã được đăng trên báo, tạp chí. Mới 5 tuổi nhưng sự hiểu biết về thần thoại học, văn học, lịch sử của Winifred ngang với kiến thức của một học sinh tốt nghiệp trung học. Tuy nhiên, bé lại không nhớ nổi bảng cửu chương. Khi đó, tôi rất lo lắng sợ con mình học lệch vì từ lâu tôi đã có suy nghĩ sẽ giáo dục con mình theo hướng toàn diện, chứ không chỉ xuất sắc trên một lĩnh vực nào đó.
May sao trong lần đi quảng bá tiếng Esperanto ở Đại học Shotokan, New York, tôi đã gặp một vị giáo sư là giảng viên toán học của Đại học Nữ Starette ở Chicago. Sau khi nghe tôi trình bày, bà nói: “Không phải con gái bà không có khả năng học toán, cũng không phải cháu bị phát triển lệch. Đó là do phương pháp dạy của bà không đúng. Bà không biết làm cho nó trở nên thú vị. Bản thân bà do yêu thích các môn văn học, lịch sử, âm nhạc, ngôn ngữ nên đối với các môn đó bà biết cách dạy sao cho thật hấp dẫn, vì thế con bà dễ dàng tiếp thu. Đối với môn toán, ngay bản thân bà cũng không cảm thấy hứng thú nên bà dạy con theo cách tẻ nhạt, như thế làm cho cháu chán ghét cũng là điều dễ hiểu”. Sau đó, hàng tuần bà đều gửi thư cho tôi và hướng dẫn tôi phương pháp dạy môn toán dưới dạng trò chơi. Tôi đã áp dụng cách dạy đó và Winifred đã không còn chán ghét việc học môn toán, mỗi ngày lại có nhiều tiến bộ về môn này.
Đầu tiên, tôi phải làm sao để Winifred cảm thấy thích môn toán. Tôi đã dùng một cái hộp và bỏ vào trong đó các hạt đậu hoặc những chiếc nút áo rồi cùng Winifred bày trò chơi. Tôi và Winifred cùng thi nhau nhặt trong hộp đó ra và đếm xem ai nhặt được nhiều hơn. Hoặc khi ăn đậu thì chúng tôi cũng thi nhau đếm hạt đậu. Hay khi người hầu tách hạt đậu phộng thì chúng tôi sẽ cùng đếm xem trong hai củ thì có mấy hạt, ba củ có mấy hạt, năm củ có mấy hạt...
Chúng tôi còn chơi trò đổ xúc xắc. Đầu tiên dùng hai con. Hai người sẽ lần lượt đổ. Giả sử đổ ra 3 và 4 thì sẽ được 7 điểm. Nếu tôi đổ được 2 và 4, còn Winifred đổ được 3 và 3, số điểm bằng nhau thì sẽ đổ lại. Điểm số sau mỗi lần đổ sẽ được ghi vào tờ giấy. Chơi khoảng 3 đến 5 lần để quyết định thắng thua. Winifred rất thích trò chơi này, nhưng mỗi lần hai mẹ con tôi chỉ chơi trong vòng khoảng 15 phút. Vì theo lời khuyên của giáo sư mà tôi đã gặp thì những trò chơi này đòi hỏi trẻ phải tư duy nhiều nên việc kéo dài lâu quá sẽ không tốt. Sau 2, 3 tuần chơi như vậy, số xúc xắc từ từ tăng dần lên thành 3, 4 và cuối cùng là 6 viên. Tiếp đó, tôi dùng những hạt đậu xếp thành hai hàng hai cột, hai hàng ba cột , ba hàng ba cột, ba hàng bốn cột... Tôi cùng Winifred nhẩm đếm rồi ghi lại trên giấy và dán lên tường. Bằng cách này, tôi đã dạy cho Winifred cách nhớ bảng cửu chương. Nhờ đó, Winifred dần dần hiểu được 2 nhân 2 là 4, 3 nhân 3 là 9... nghĩa là thế nào, thế là bé bắt đầu tỏ ra vui thích. (Vị giáo sư đó còn chỉ cho tôi bốn phương pháp nữa để dạy trẻ học toán kiểu “vui để học”, nhưng ở đây tôi xin tạm lược bỏ).
Để ứng dụng toán học vào thực tế, tôi cũng thường cùng Winifred chơi trò mua bán. Các món hàng rất đa dạng và giá cả tùy thuộc vào độ dài, trọng lượng hay có khi chỉ dựa vào cảm quan.
Nhưng tiền là tiền thật. Winifred là chủ tiệm, còn tôi đóng vai khách mua hàng. Winifred sẽ tính toán giá cả và trả lại tiền thừa. Khi Winifred làm tốt bất cứ việc gì, tôi đều thưởng tiền. Ngoài ra, Winifred còn có một khoản tiền là nhuận bút viết bài cho các báo. Tôi gộp tất cả lại rồi đem gửi ở ngân hàng dưới tên Winifred và hàng tháng Winifred tự mình tính tiền lời.
Cách thức mà vị giáo sư chỉ cho tôi thật sự có hiệu quả. Winifred nhanh chóng hứng thú với môn toán. Winifred đã học được môn số học, rồi đến môn đại số và hình học cũng với phương pháp tương tự.
10.
Rất nhiều bà mẹ hễ thấy con khóc là lập tức mang bánh kẹo ra để dỗ dành. Điều này là không nên, bởi thứ mà làm cho trẻ vui không phải chỉ là thức ăn. Tôi thì chọn cách khác. Mỗi khi Winifred khóc, tôi liền gõ chuông cho Winifred nghe hoặc lắc những thứ phát ra âm thanh, hoặc thu hút sự chú ý của bé bằng những quả bóng bay...
Trẻ con cần được phát huy các năng lực tiềm ẩn nên trò chơi cũng phải đáp ứng được tiêu chí đó. Tôi dành một góc trong phòng của Winifred làm nơi cho bé vui chơi, vận động. Ở đó tôi đặt những dụng cụ thể thao dành cho trẻ em như dây đu, gậy, thang... nhằm giúp bé rèn luyện sức khỏe, để phát triển gân cốt, cơ bắp.
Trẻ con thích bắt chước nên có thể cho trẻ chơi trò đóng vai diễn kịch. Những trò chơi kiểu này cũng rất hiệu quả trong việc mở rộng vốn kiến thức cho trẻ. Ở New York có nhiều rạp chiếu phim dành cho trẻ em, nhưng nếu so sánh giữa hai thể loại phim và kịch thì theo tôi, kịch có giá trị giáo dục cao hơn. Tôi thường dẫn Winifred đi xem phim và xem kịch dành cho trẻ em, sau đó khi về nhà hai mẹ con thường cố gắng nhớ và diễn lại. Nếu không đủ người thì sẽ dùng búp bê và thú bông để đóng thế. Sau khi đọc một câu chuyện trong sách, chúng tôi cũng diễn lại. Tôi và Winifred còn chơi trò bịt mắt đoán vật. Winifred sẽ bị che mắt và sờ vào vật để đoán xem đó là vật gì, hoặc đi quanh phòng để xác định đồ vật. Loại trò chơi này sẽ giúp trẻ phát triển khả năng xúc giác. Để phát triển khả năng thị giác, tôi cùng Winifred chơi trò đố “cái này có bao nhiêu”. Tôi sẽ xếp các quân cờ tướng hoặc hạt đậu lên trên bàn. Winifred nhìn qua một chút và đoán số lượng.
Trò chơi này có rất nhiều cơ hội để áp dụng. Chẳng hạn khi ăn có thể đố trẻ có bao nhiêu miếng táo trên đĩa, hay khi cùng bé đi dạo trên đường có thể đố có bao nhiêu thứ gì đó trên vỉa hè, hay như bày đồ vật ra bàn ở trong phòng để đố bé... Trò chơi này giúp trẻ trở nên nhạy bén và có trí nhớ tốt. Từ khi Winifred còn rất nhỏ, tôi đã dẫn bé đến nhiều nơi, một nơi cố gắng đến nhiều lần. Nếu đó là nơi mà tôi đã dẫn bé đến thì lần sau đến đó tôi luôn để Winifred đi trước dẫn đường, còn tôi theo. Khi Winifred được 16 tháng, bé đã có thể dẫn tôi và nhũ mẫu đến khá nhiều địa điểm quen thuộc mà chúng tôi từng đến.
Nói về các trò chơi phát triển thị giác thì có rất nhiều. Lấy ví dụ tôi nghĩ về món đồ gì đó trong phòng và bảo nó là màu đỏ. Khi đó, Winifred sẽ lần lượt tìm các đồ màu đỏ trong phòng để đoán và chỉ được đoán trong một số lần nhất định, giả sử 3 hoặc 5. Nếu không đoán trúng sẽ thua cuộc. Lại nói về trò chơi bảng cửu chương. Tôi viết các phép tính vào các tấm bìa, ví dụ 5x7; 8x9... có rất nhiều tấm bìa như thế sẽ lần lượt được đưa ra.
Người chơi phải ngay lập tức trả lời là 35 hoặc 72. Nếu trả lời sai hoặc chậm thì người kia sẽ trả lời thay và được lấy tấm bìa đó.
Khi làm việc gì thì cần phải nhớ các thao tác của công việc ấy. Tương tự, trẻ em cũng cần nhớ các thao tác của mình, hay nói cách khác là cần biết cách điều khiển tay chân mình... Để làm được điều đó có một trò chơi gọi là “bắt chước tượng đồng” bắt nguồn từ Hy Lạp. Khi chơi trò này, người chơi sẽ giữ nguyên một tư thế nhất định trong khi người kia sẽ đếm đến 50 hoặc 100. Nếu người chơi cử động trước khi đếm xong thì sẽ bị thua.
Ta cũng có thể dùng vải, giấy... để tạo ra nhiều đồ chơi rèn luyện sự khéo léo của đôi tay. Các trò chơi giúp đầu óc của trẻ vận động và trẻ có thể chơi mà không biết chán. Tôi thường dùng giấy để xếp thuyền và bướm cho Winifred, dùng vải vụn để làm búp bê, dùng vỏ bao thuốc lá làm xe ngựa, dùng các hộp to để xây nhà và làm thành trì, làm cầu và tháp... Ngoài ra, tôi còn dùng những hạt đậu làm thành hình người, dùng quả chuối làm ngựa. Những thứ này không phải chỉ nhằm để chơi, mà còn có tác dụng phát huy khả năng sáng tạo của trẻ.
Lúc nhỏ, Winifred còn được dạy cả việc khâu vá và bé còn tự may quần áo cho búp bê. Năm 4 tuổi, lần đầu tiên bé tặng mẹ một món quà. Đó là con búp bê đội mũ được khâu bằng rất nhiều loại chỉ. Tôi cũng dạy bé đan. Tuy nhiên, việc khâu vá nếu kéo dài quá sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, vì thế mỗi lần chỉ nên làm khoảng 15 phút. Nhưng với những việc như vẽ tranh thì có thể lâu hơn, khoảng 30 phút. Nói chung, dù là việc gì thì cũng không nên để trẻ làm quá sức.
Đối với trẻ nhỏ thì không chỉ thức ăn, mà cả trò chơi đều cần được thay đổi thường xuyên. Triết gia Emerson nói: “Nếu thế giới chỉ có hai người thì trong vòng một ngày, giữa họ sẽ hình thành quan hệ chủ tớ”. Vì thế, tôi rất chú ý để Winifred có nhiều bạn bè, không chơi suốt với một người bạn, tránh cho giữa chúng nảy sinh kiểu quan hệ như trên. Có người nói rằng để bé trai và bé gái chơi với nhau là không tốt, nhưng tôi thì nghĩ ngược lại. Khi chơi như thế, bé gái sẽ dịu dàng, nữ tính hơn, còn bé trai sẽ có cơ hội để chứng tỏ sự dũng cảm, khí phách của mình. Hai bên đều nhanh chóng trưởng thành về tính cách.
Nhiều bà mẹ không hứng thú với các trò chơi của trẻ con. Do bận bịu việc khâu vá, bếp núc... nên khi con họ làm được bao nhiêu thứ và sung sướng đem khoe thì họ không thèm nhìn, thậm chí không một lời hỏi thăm. Như vậy, trẻ sẽ cảm thấy buồn bực và dẫn đến phá phách, rồi lại bị mắng. Đó hoàn toàn là lỗi của người lớn. Các bà mẹ phải nỗ lực để chơi cùng con. Người mẹ vì bận việc nhà mà bỏ mặc con cái tự chơi nghĩa là không hoàn thành nghĩa vụ giáo dục con.
Người lớn luôn phải giám sát khi trẻ con vui chơi, cả ở trong lẫn ngoài nhà. Về điểm này chúng ta nên học tập kinh nghiệm của các bà mẹ Nhật Bản. Họ có những dịp như Lễ hội búp bê vào tháng 3 dành cho bé gái, Lễ hội cá chép vào tháng 5 dành cho bé trai... Vào những dịp đó, người lớn làm rất nhiều thứ cho trẻ em vui chơi.
Một điểm nữa ở các bà mẹ Nhật Bản là họ không dành riêng một góc chuyên xếp những đồ lặt vặt trong nhà và cấm trẻ con đụng vào. Họ luôn dọn dẹp sạch sẽ mọi thứ để con mình được vui chơi ở những chỗ rộng rãi. Người Nhật cũng không có thói quen đi giày dép trong nhà, vì thế sàn nhà luôn sạch sẽ và trẻ có thể vui chơi thoải mái trên đó. Nhân tiện, tôi nói thêm về trò chơi bài Kataru của Nhật. Đó là một loại trò chơi rất có tác dụng trong việc giúp trẻ lanh lợi và tăng khả năng ghi nhớ. Đối với các môn học như lịch sử, địa lý, toán học... tôi đều dùng cách viết ra các tấm bìa và cùng chơi với Winifred dưới dạng chơi bài như vậy. Kết quả thật đáng mừng.
Tính xã giao cũng rất cần thiết. Vì vậy, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các đội nhóm, tất nhiên phải đảm bảo vừa vui vừa có ích. Winifred hiện đang là hội viên Hội Tương trợ Thiếu nhi. Mục đích của Hội này là an ủi các trẻ em khi đau ốm thông qua các hoạt động như gửi hoa hoặc đồ chơi do nhóm tự làm.
Tuy nhiên, trong các thú vui của trẻ thì đọc sách là quan trọng nhất. Nhưng trẻ thích đọc sách gì lại phụ thuộc rất nhiều vào những cuốn sách mà trẻ được đọc đầu tiên. Do đó, người làm cha mẹ phải hết sức chú ý trong việc lựa chọn sách cho con. Trẻ nhỏ thường không có thói quen đọc báo, thậm chí có những bậc cha mẹ không cho phép trẻ đọc báo vì một số báo chí còn có những tranh ảnh và bài viết không phù hợp với độ tuổi của trẻ. Tôi cho rằng không nên cứng nhắc như vậy mà chỉ cần lựa chọn thật cẩn thận. Một chi tiết quan trọng nữa là những câu chuyện chúng ta kể cho trẻ khi còn nhỏ. Những câu chuyện kể không chỉ là chìa khóa mở mang tri thức cho trẻ, mà còn là cầu nối đưa trẻ đến với sự ham thích đọc sách. Tôi rất hay kể chuyện cho Winifred nghe. Mỗi lần kể, đến đoạn hấp dẫn tôi đều dừng lại, nói rằng chuyện đó nằm trong quyển này, quyển kia và khuyến khích Winifred tự đọc.
11.
Có một câu nói rằng: “Con người hạnh phúc ở chỗ biết tưởng tượng. Người nào không biết tưởng tượng thì cũng không thể biết thế nào là hạnh phúc thực sự”.
Trên thực tế có những người rất tẻ nhạt, chỉ nói về cuộc sống thực và luôn bài xích sự tưởng tượng. Họ không có khái niệm Ông già Nô-en, bà Tiên... Họ cho rằng những câu chuyện cổ tích và thần thoại... là những thứ bịa đặt, bất hợp lý và chỉ có hại cho trẻ em. Quan niệm đó là sai lầm.
Tình yêu đối với cây cỏ, chim chóc, muông thú, tinh thần hướng thiện, những ước mơ đẹp đẽ... chính là những gì trẻ thu nhận được qua các câu chuyện cổ tích. Nếu trẻ không có cơ hội phát huy trí tưởng tượng thì khi lớn lên sẽ khó trở thành thi nhân, tiểu thuyết gia, nhà điêu khắc, họa sĩ, cũng khó trở thành kiến trúc sư, nhà khoa học, luật sư... Có người nghĩ rằng toán học hay các ngành khoa học tự nhiên không cần đến óc tưởng tượng, nhưng thực tế không phải vậy. Các nhà phát minh, nhà bác học... đều là những người giàu trí tưởng tượng và óc sáng tạo. Fulton trước khi phát minh ra tàu thủy chạy bằng hơi nước đã tưởng tượng ra hình ảnh của những con tàu chạy khắp các đại dương. Cũng nhờ mơ ước “một ngày nào đó có thể bay như chim trên bầu trời” mà anh em Wright đã phát minh ra máy bay.
Trí tưởng tượng sẽ chắp cánh cho những ước mơ của trẻ, do đó tôi thường kể cho Winifred rất nhiều chuyện cổ tích. Cũng từ những câu chuyện đó, Winifred đã học được rất nhiều điều: tính trung thực, ngay thẳng, thân thiện, dũng cảm, vị tha, hướng thiện...
Để phát huy trí tưởng tượng của Winifred, tôi không chỉ kể chuyện mà còn cho Winifred xem những bức tranh đẹp và kể những câu chuyện do tôi tự nghĩ ra. Winifred cũng tự mình sáng tạo ra nhiều câu chuyện khác. Nhưng hiệu quả nhất vẫn là để Winifred tự diễn lại những câu chuyện đó theo cách của mình. Có người cho rằng những màn hóa trang trên sân khấu chủ yếu mang tính ước lệ nên sẽ không phát huy được trí tưởng tượng cho trẻ, vì thế giáo dục trẻ theo cách này là không hiệu quả. Tôi thì không nghĩ vậy. Tôi và Winifred đã tự tạo ra hai người bạn tưởng tượng là Neri và Rusi rồi cùng bày trò chơi. Khi còn sống ở quê, do Winifred không có bạn cùng chơi nên tôi làm như thế để Winifred có người cùng trò chuyện.
Về đồ chơi của trẻ, tôi quan niệm là nên đơn giản nhưng phải có ích trong việc phát triển trí tưởng tượng của trẻ. Lúc Winifred còn nhỏ, tôi chỉ cho Winifred chơi những con búp bê bằng vải. Những con búp bê đẹp đẽ, đắt tiền mà dễ hỏng thì không thể ôm đi ngủ, vì thế tôi không mua. Sau đó, tôi dạy Winifred may quần áo cho búp bê, rồi tôi mua những đồ chơi được làm giống như các đồ dùng trong nhà để Winifred bắt chước người lớn làm mọi việc.
Trí tưởng tượng của trẻ được hình thành qua thế giới đồ chơi mà trẻ đang khám phá và xây dựng với những tòa lâu đài ghép từ mảnh gỗ hoặc hộp carton... Nhưng có nhiều bậc làm cha mẹ khi dọn phòng đã vứt hết đi cho gọn gàng nhà cửa. Điều này vô tình đã phá hỏng giấc mơ còn dang dở của trẻ. Hãy cứ để những khu vườn, những tòa lâu đài, những mô hình đồ chơi ấy của trẻ ở nguyên đấy... biết đâu một lúc nào đó chúng sẽ biến thành những phát minh vĩ đại.
Cũng có người cho rằng chuyện thần thoại không tốt cho trí tưởng tượng của trẻ vì nó xa rời thực tế, nhưng tôi không nghĩ vậy. Sự quan tâm đến thiên văn học của Winifred hoàn toàn là nhờ vào những câu chuyện thần thoại với sự hiện diện của những ông Bụt, bà Tiên... đến từ những hành tinh xa xôi mà bé được nghe kể.
Gần đây, ở nước ta đang thịnh hành phương pháp giáo dục của Maria Montessori. Sách của Montessori ra đến đâu hết sạch đến đó. Nhiều người chấp nhận bỏ ra một số tiền khá lớn để mua các giáo cụ của bà, thậm chí gửi con mình đến học ở “Ngôi nhà tuổi thơ” do bà sáng lập. Những người không thể gửi con đi học thì lại so bì, ghen tị. Nhưng tôi thấy điều đó không cần thiết. Bởi vì phương pháp giáo dục của Montessori chắc chắn không thể làm cho con bạn trở thành thiên tài. Đây không phải chỉ là ý kiến của cá nhân tôi, mà của rất nhiều nhà giáo dục khác. Là bởi vì phương pháp của bà chỉ chú ý vào hiện thực, không phát huy được trí tưởng tượng của trẻ.
Không phủ nhận bà là một nhà giáo dục vĩ đại và những cống hiến của bà là rất lớn, nhưng phương pháp đó có lẽ chỉ phù hợp với những trẻ chậm phát triển, còn đối với những trẻ bình thường thì không thực sự hiệu quả. Tôi đoán bản thân bà không phải là người có trí tưởng tượng phong phú vì bà coi những câu chuyện thần tiên là thứ xuẩn ngốc và phương pháp của bà hoàn toàn không đếm xỉa gì tới việc khơi gợi trí tưởng tượng của trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế những thứ “xuẩn ngốc” đó lại đem đến cho trẻ những năng lực sáng tạo dồi dào mà các phương pháp giáo dục hiện thực của bà không làm được.
12.
Giáo dục trẻ không chỉ là giáo dục nhận thức, mà quan trọng hơn là giáo dục nhân cách. Ở đây, cha mẹ giữ vai trò vô cùng quan trọng. Cha mẹ chính là tấm gương để con cái noi theo. Nếu như người mẹ thích chưng diện, hẳn con gái cũng có khuynh hướng sẽ thích chưng diện. Người cha mà hay rượu chè thì người con trai cũng rượu chè... Tục ngữ có câu “Ác ma mượn tay những người lười biếng để làm điều ác”. Platon thì nói: “Những người xấu trên đời không phải họ sinh ra đã thích làm những chuyện xấu, mà là do họ không được hưởng sự giáo dục tốt”. Thế nên, giáo dục trẻ không phải chỉ là phát triển tri thức mà còn là việc nuôi dưỡng phẩm chất, và đối với việc ươm mầm đạo đức cho tâm hồn trẻ thì việc giáo dục càng bắt đầu sớm càng tốt. Trẻ nhỏ thường chịu ảnh hưởng nhiều từ bố mẹ, cả điều hay lẫn điều dở, vì thế để nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp cho con thì bố mẹ phải là những tấm gương sáng. Goethe nói: “Con cái chỉ thành người có giáo dục khi chính cha mẹ là người có giáo dục”.
Điều quan trọng tiếp theo cha mẹ cần tập cho trẻ ngay từ nhỏ là sự chuyên cần. Đây là một đặc điểm rất quan trọng trong tính cách con người, là cơ sở mang lại thành công và hạnh phúc.
Sự dũng cảm cũng rất cần thiết đối với trẻ. Có những người mẹ nghĩ rằng khi con bị ngã hay bị đau, nếu không tỏ ra quan tâm thì sẽ làm trẻ tủi thân. Nhưng thật ra trong những trường hợp đó, cha mẹ cần nhanh chóng chấm dứt những lời an ủi, vỗ về, mà nên hướng sự tập trung của con qua vấn đề khác và làm cho trẻ quên đi cái đau. Tuy nhiên, dũng cảm khác với vô cảm, vì vậy cần phải giáo dục để con biết đồng cảm với nỗi đau của người khác.
Người xưa nói “Người sung sướng là người làm chủ được bản thân”. Vì thế rất cần dạy trẻ tính tự chủ. Kiến thức thì khi lớn lên cũng có thể dạy được, nhưng hành vi ứng xử nếu không rèn từ nhỏ thì lớn gần như không thể dạy. Bởi vậy các bậc làm cha mẹ cần chú ý đến hành vi của con trẻ để kịp thời uốn nắn.
Từ khi sinh ra trẻ đã theo “chủ nghĩa vị kỷ”, coi mình là trung tâm, muốn người khác phục vụ chứ chưa biết nghĩ đến mọi người xung quanh. Nhưng tính cách này có thể giáo dục được. Nếu ngay từ nhỏ trẻ đã được dạy bảo là phải biết quan tâm đến người khác, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác thì khi lớn lên chắc chắn sẽ trở thành người vị tha.
Trước đây, có một người đã hỏi mẹ của Washington rằng: “Bà giáo dục như thế nào để con mình trở thành một người vĩ đại đến thế?”. Người mẹ này đã trả lời: “Tôi chỉ dạy con phải biết nghe lời”. Quả thật, biết nghe lời cũng là một đức tính cần thiết. Muốn giáo dục đức tính này, cha mẹ cần giải thích nguyên nhân mỗi khi bảo con làm việc gì hay không làm việc gì. Khi hiểu rõ vấn đề, trẻ sẽ nghe lời.
Dối trá là một tính xấu. Trẻ không ý thức được điều đó, lại giàu trí tưởng tượng, nên nhiều khi nói dối mà không cho rằng như vậy là sai. Việc này cần uốn nắn ngay từ nhỏ, nếu không sẽ dần dần trở thành kẻ nói dối có mục đích và làm tổn hại đến người khác.
Trẻ nhỏ cũng thường có tính tham lam, nhưng nếu được giáo dục tốt sẽ biết nhường nhịn và giúp đỡ người khác. Từ khi Winifred còn nhỏ, tôi đã khuyến khích bé làm những món đồ nho nhỏ tặng bạn bè và những trẻ khác có hoàn cảnh khó khăn, nhờ đó mà vun đắp tính hướng thiện cho bé. Ngoài ra, tôi cũng khuyến khích bé giúp mẹ nhiều việc nhỏ, tiếp đến là giúp đỡ những người xung quanh.
Lòng tự trọng cũng là một đức tính cần thiết. Nhiều bậc cha mẹ có thói quen nhắc đi nhắc lại những lỗi lầm của con, đay nghiến các tật xấu của con trước mặt người khác, làm con phải xấu hổ, nhưng như vậy là họ đã vô tình xúc phạm đến lòng tự trọng của trẻ, mà hậu quả có thể là những phản ứng tiêu cực của trẻ.
Một nguyên tắc dạy con của tôi là không bao giờ trừng phạt bằng roi vọt. Có những người khi tức giận thì đánh con, rồi lại xót xa khi thấy con đau, rồi lại ôm ấp, cho kẹo bánh, đồ chơi để dỗ dành... Cách dạy như vậy sẽ làm hư trẻ. Trong việc nuôi dạy trẻ, cha mẹ nên nói nhẹ nhàng, dịu dàng với trẻ ngay cả khi trẻ làm sai. Trẻ mà bị đánh đập khi còn nhỏ thì lớn lên sẽ có xu hướng trở nên ngoan cố, hung bạo, tàn nhẫn. Cần rèn cho trẻ tính yêu thương con người và động vật ngay từ sớm. Nếu có điều kiện thì nên nuôi một số động vật trong nhà và trồng nhiều hoa cỏ để giúp trẻ gần gũi với thiên nhiên.
Tôi cũng không bao giờ quát mắng con mà cố gắng phân tích đúng sai một cách cặn kẽ để con hiểu. Nhiều người do mệt mỏi với công việc hàng ngày, trở về nhà với tâm trạng khó chịu rồi trút hết bực bội lên đầu con cái. Những đứa trẻ vì bị quát mắng và phải miễn cưỡng làm theo lời cha mẹ sẽ cảm thấy bứt rứt, khó chịu, không phục và không tin tưởng cha mẹ. Cách giáo dục đó chắc chắn sẽ tạo ra những con người bực bội, cáu gắt – là bản sao của cha mẹ chúng.
13.
Cha mẹ nuông chiều con quá là không tốt, nhưng la rầy con quá cũng không nên. Thay vì la rầy trẻ, cha mẹ hãy cố gắng làm cho trẻ hiểu quy tắc “thưởng phạt phân minh” trong mọi việc mình làm. Tôi luôn theo phương châm này để giáo dục Winifred. Giả sử hôm trước Winifred đã làm được việc gì đó đáng khen, sáng hôm sau bé sẽ thấy có kẹo hoặc đồ chơi đặt trên giường. Tôi giải thích là do hôm qua con làm điều tốt nên Bà tiên đã đến cho quà. Nếu làm việc gì đó không tốt, Bà tiên sẽ không đến tặng quà nữa.
Có lần Winifred xin phép đến nhà bạn chơi, tôi đồng ý cho bé đi đến 12 giờ 30. Hôm đó, Winifred về muộn 10 phút. Tôi không nói gì, chỉ đưa đồng hồ cho Winifred xem. Ăn xong, Winifred nhanh chóng thay quần áo chờ tôi dẫn đi xem kịch. Hôm đó là thứ Ba, mà thường thì thứ Ba nào tôi cũng dẫn Winifred đi xem kịch. Nhưng hôm đó, tôi nói:
“Con xem, giờ này muộn rồi. Vậy hôm nay chúng ta không đi xem kịch nữa”. Winifred hiểu ra và xin lỗi. Lần khác, khi thấy Winifred bỏ búp bê ở ngoài bãi cỏ, tôi cũng nhẹ nhàng nhắc: “Búp bê chắc buồn lắm đây. Nếu là con thì con cảm thấy sao hả Winifred?”. Hoặc khi Winifred cởi quần áo ra rồi vứt bừa bãi, tôi bảo bé: “Nếu thế thì sau này sẽ không được mua quần áo mới nữa”...
Để rèn cách cư xử cho Winifred, tôi lập một bảng biểu hành vi dùng trong một tuần. Trên bảng chia làm 13 cột lần lượt là: vâng lời, lễ phép, độ lượng, tốt bụng, dũng cảm, kiên nhẫn, trung thực, vui vẻ, sạch sẽ, chăm chỉ, vị tha, tốt bụng, làm việc thiện. Hàng ngày, nếu Winifred có hành vi tốt nào thì sẽ nhận được ngôi sao vàng ở cột tương ứng. Nếu là hành vi chưa tốt thì sẽ là ngôi sao đen. Cuối tuần tổng kết lại, nếu sao vàng nhiều hơn thì phần thưởng sẽ là sách, nơ hoặc bánh kẹo. Nếu sao đen nhiều hơn thì sẽ không được thưởng gì. Cứ hết một tuần lại thay tấm bảng mới nhằm khuyến khích trẻ cố gắng để số ngôi sao đen ít đi. Ngược lại, nếu tiếp tục dùng bảng cũ với các ngôi sao đen trên đó thì trẻ sẽ dễ nản lòng.
Cha mẹ cần đối xử với con cái theo nguyên tắc giao tiếp xã hội. Khi bị ra lệnh “làm cái này đi, không được làm cái kia” thì dù là người lớn hay trẻ con cũng đều khó chịu, dẫn đến sự ức chế tâm lý. Hơn nữa, nếu trẻ bị bắt buộc thì trẻ sẽ làm việc không hiệu quả. Vì vậy, cha mẹ phải nghĩ cách để trẻ tự nguyện làm những việc nên làm và tránh những gì cần tránh.
Cha mẹ cần giữ hình ảnh đẹp trong mắt con cái. Nhiều cha mẹ ăn mặc luộm thuộm khi ra đường hay có những hành vi thiếu ý thức, dù vô tình hay cố ý, cũng sẽ gây phản cảm và làm con cái xấu hổ. Như thế là tự hạ thấp vị thế của mình trong mắt con, sau này việc giáo dục con cái sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cần chú ý giữ cho con luôn sạch sẽ. Không chỉ giữ sạch mặt mũi chân tay, mà ngay từ nhỏ phải tập cho trẻ thói quen đánh răng, chải tóc gọn gàng, nhưng không nên cho trẻ ăn mặc quá sang trọng, cầu kỳ, chải chuốt. Cá nhân tôi cho rằng không nên để trẻ mặc lại đồ của anh chị trong nhà, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ.
Trong bữa ăn gia đình, tôi luôn để Winifred cùng ngồi ăn và chúng tôi nói chuyện về những đề tài mà bé có thể hiểu và tham gia được. Có những gia đình không cho phép con trẻ nói trong bữa ăn. Đây là sự cấm đoán vô lý và có thể làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ.
Để khuyến khích con trẻ làm điều tốt, tránh điều xấu, người lớn thường có thói quen nhồi nhét vào đầu trẻ những câu chuyện về địa ngục, về sự trừng phạt của thần linh... như thế là không nên. Nếu bị sợ hãi vì những chuyện kinh dị, trẻ trở nên dễ bị kích động, ảnh hưởng đến thần kinh. Kết quả là trẻ trở thành người hèn nhát, rất bất lợi cho tương lai sau này. Mặt khác, cần chú ý rèn thói quen tự động viên cho trẻ. Đừng nói: “Con không thể làm được”, cho dù đó là việc mà trẻ làm chưa đúng, chưa được. Thay vào đó, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ: “Con sẽ làm được. Cố lên!”.
Để rèn tính kiên trì cho trẻ thì cách tốt nhất là kể những câu chuyện về sự nhẫn nại, quyết tâm vượt khó của các danh nhân. Tôi cũng đã áp dụng cách này khi dạy Winifred tiếng Pháp, khi bé cảm thấy mệt mỏi sau một tuần luyện tập môn này.
Khi Winifred còn nhỏ, tôi đã “nhờ” bé cài nút áo giúp, dù mất khá nhiều thời gian nhưng việc đó rất có ích: vừa tập cho bé khéo tay, vừa cho bé khái niệm ban đầu về việc giúp đỡ người khác.
Sự bảo bọc quá đáng với trẻ cũng không tốt. Nếu vì sợ con bị ngã mà không cho trượt băng, vì sợ nguy hiểm mà không cho con học bơi... như thế là vô tình tập cho trẻ tính thiếu tự tin, sợ hãi trước cái mới.
Đặc biệt là cha mẹ không được nói dối, vì nếu trẻ phát hiện ra sẽ mất lòng tin vào cha mẹ, việc giáo dục sẽ không thực hiện được, hơn nữa bản thân trẻ sẽ học thói xấu đó và lừa dối người khác.
Văn hào Diderot có nói: “Con người sinh ra có quyền được sống ở một nơi vui vẻ, hạnh phúc”. Tôi cũng cho rằng để trẻ phát triển tốt thì gia đình cần phải là nơi đầy ắp tiếng cười. Và nghĩa vụ của người mẹ là phải duy trì được điều đó... Muốn con được giáo dục tốt hoàn toàn không khó. Chỉ cần tấm lòng yêu con là chắc chắn sẽ làm được.
14.
Nếu không có sức khỏe thì không thể làm được gì, vì thế điều quan trọng nhất là phải giữ gìn sức khỏe cho trẻ. Để làm được điều đó thì trước hết cần đảm bảo bầu không khí trong lành và nguồn nước tinh khiết cho trẻ. Với trẻ sơ sinh thì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất và các bà mẹ hãy cố gắng nuôi con bằng sữa mẹ. Từ 4 tháng tuổi có thể cho trẻ tập uống nước ép trái cây, rồi ăn súp, trứng, khoai tây... Nên cho trẻ uống nhiều nước. Nhiều trẻ thích ăn ngũ cốc và đó cũng là một loại thực phẩm rất tốt. Nhưng Winifred lại không hứng thú với loại đồ ăn này. Quan điểm của tôi là nếu trẻ không thích thì không ép, vì thế tôi cho con chọn thức ăn theo ý muốn. Thịt thì tôi không cho con ăn cho đến khi bé được 2 tuổi.
Gần đây có nhiều người ủng hộ liệu pháp ăn chay và họ nói rằng nên cho trẻ ăn theo chế độ đó. Theo thuyết của họ thì ăn cà rốt sẽ đẹp da và chắc răng; ăn khoai tây sẽ phát triển khả năng suy luận; ăn đậu hạt sẽ có thiên hướng mĩ thuật; còn ăn bắp cải sẽ không có lý tưởng và trở nên tầm thường... Quan điểm này không đưa ra chứng cứ khoa học rõ ràng nên ít được quan tâm và ủng hộ.
Cho trẻ ăn quá nhiều dễ dẫn đến trạng thái no ngang, chướng bụng khó tiêu, vừa không tốt cho dạ dày, vừa gây khó chịu, mệt mỏi. Có người còn nói rằng cảm xúc con người là do tình trạng dạ dày quyết định. Những người làm cha mẹ phải làm sao để con trẻ cảm thấy việc ăn uống là thú vui, là niềm hạnh phúc, chứ không phải là nghĩa vụ. Vậy thì cách tốt nhất là cha mẹ hãy làm cho bữa ăn trở nên thoải mái, mọi người cùng cười nói trò chuyện, như thế việc tiêu hóa cũng trở nên dễ dàng hơn. Dân gian có câu “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” và cười chính là một bí quyết khiến người ta tươi trẻ, sống lâu. Do ý thức được sự vui vẻ là tiền đề của sức khỏe nên tôi luôn chú ý đến việc tạo khung cảnh thoải mái dễ chịu trong phòng của Winifred.
Khi Winifred được 6 tuần tuổi thì trông đã lớn như một đứa trẻ 4 tháng. Đó là vì tôi thường xuyên cho bé vận động ngoài trời. Ngay khi Winifred mới được 2, 3 tuần tuổi, tôi đã cho bé vận động. Tôi để cho Winifred nắm lấy hai đầu gậy và tập giơ lên giơ xuống. Vào những ngày đẹp trời, tôi đưa bé đi dạo ngoài bãi biển và ngắm phong cảnh. Tôi luôn để ý sao cho Winifred cảm thấy tự do, nghĩa là tôi không quấn tã quá chặt tay, chân của Winifred để bé có thể cử động dễ dàng. Khi thời tiết tốt, tôi còn cho Winifred ngủ ngoài trời. Nếu ngủ trong nhà thì tôi trải chăn ra sàn cho Winifred ngủ trên đó và để bé vùng vẫy thoải mái.
Nếu cha mẹ sơ ý để nước tắm của trẻ quá nóng hoặc quá lạnh thì trẻ sẽ sợ hãi, dẫn đến sợ tắm và sợ nước. Vì thế cần hết sức cẩn thận để nước tắm vừa đủ ấm. Hàng ngày, cha mẹ phải dạy cho trẻ rửa tay, rửa mặt nhiều lần. Mỗi lần Winifred rửa tay và mặt, tôi lại cho Winifred rửa cả búp bê, do vậy tôi đã chọn cho Winifred loại búp bê cao su để sau khi rửa có thể lau khô dễ dàng. Khi Winifred được 1 tuổi, tôi bắt đầu dạy bé đánh răng vào buổi sáng và buổi tối. Khi ăn những vật cứng, tôi hướng dẫn Winifred cắn nhè nhẹ. Tôi cũng tập cho bé thói quen dùng khăn tay để lau nước mũi và tay khi ăn. Tôi dạy cách Winifred hít thở sâu và ca hát. Việc này rất tốt cho phổi. Mỗi ngày, chúng tôi đều đi dạo và chơi những trò chơi vận động nhẹ như ném bóng, chạy vòng quanh sân vườn... Khi trẻ không khỏe, nghe tiếng thở sẽ khác, lúc ngủ sẽ mở miệng, đó là khi cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ. Nếu trẻ quấy khóc hay phá phách tức là tinh thần trẻ không thoải mái, khi đó cha mẹ cần hướng trẻ vào các hoạt động thú vị nào đó như trò chơi hoặc học tập.
Trong phòng của Winifred tôi để một số đồ luyện tập thể thao. Khi Winifred 3 tuổi đã học cưỡi ngựa và đó là môn mà Winifred thích nhất cho đến bây giờ. Winifred cũng bơi giỏi, chèo thuyền giỏi, có thể chơi bóng chày và quần vợt, biết trèo cây, leo núi...
Tránh để trẻ sợ hãi, lo lắng, buồn phiền, tức giận, bất mãn... vì những cảm xúc này ảnh hưởng xấu đến tinh thần trẻ, làm cho trẻ suy yếu cả thể chất lẫn tinh thần, sinh ra bệnh tật và không phát triển được. Có nhiều bà mẹ, cứ tối đến lại điểm những việc trẻ đã làm sai trong ngày và la mắng trẻ. Như vậy là không nên. Trẻ phải được mỉm cười trong khi ngủ, mơ những giấc mơ đẹp và buổi sáng thức giấc trong trạng thái sảng khoái, minh mẫn. Đó chính là bí quyết để trường sinh.
15.
Người mẹ đóng vai trò tối quan trọng trong việc hình thành tính cách và bồi dưỡng kiến thức cho trẻ. Có thể nói số phận con người phần nhiều ảnh hưởng từ người mẹ. Vì vậy, muốn giáo dục con người thì phải bắt đầu từ bản thân người mẹ. Những bà mẹ không có kiến thức đầy đủ về việc nuôi dạy trẻ sẽ không thể hy vọng họ có thể đào tạo con mình trở thành thiên tài. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần có các chương trình phổ cập kiến thức nuôi dạy con dành cho những người làm cha mẹ. Tuy nhiên, học khi đã làm mẹ có thể là quá muộn, cho nên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mỗi người cũng phải có sự chuẩn bị tinh thần, tâm lý và kiến thức cho việc làm cha mẹ sau này. Bên cạnh đó, nhà trường cần dạy cho trẻ cách rèn luyện sức khỏe, tu dưỡng tinh thần, sống lành mạnh và có đạo đức. Đối với những người làm cha mẹ tương lai thì điều này thậm chí còn quan trọng hơn cả những kiến thức khoa học như thiên văn, toán học hay tiếng La-tinh...
Rất nhiều bà mẹ không hiểu được tầm quan trọng của việc dạy trẻ từ trong bào thai, mà hiện nay vẫn gọi là “thai giáo”. Họ cho rằng mình không cần lo lắng về sức khỏe và hạnh phúc của con một khi con còn chưa chào đời. Thực tế, chế độ dinh dưỡng của mẹ ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi, vì vậy cần chọn lựa thực phẩm cẩn thận, tránh những thứ có hại. Bên cạnh đó, người mẹ cũng cần phải nghĩ đến tinh thần và trí lực của thai nhi. Người mẹ khi mang thai phải có một cuộc sống vui vẻ, thoải mái, không nên khóc lóc buồn rầu vì đó là nguyên nhân khiến trẻ trở nên yếu nhược sau này. Nhưng như vậy chưa đủ. Người mẹ còn phải bồi dưỡng cho con tình yêu cái đẹp, yêu chính nghĩa, yêu chân lý và tinh thần hướng thiện. Để làm được điều đó thì ngay từ khi mang thai, người mẹ cần đọc những cuốn sách hay, tiếp thu những ý tưởng chân-thiện-mĩ, nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, hướng tới vẻ đẹp và tính nghệ thuật của tự nhiên, đặc biệt là phải làm nhiều việc tốt.
Người mẹ hãy trao cho con tính vui vẻ và lòng dũng cảm, thêm vào đó là bộ áo giáp của tình yêu thương và thanh gươm sắc bén của trí tuệ. Nếu có đầy đủ những thứ này thì khi lớn lên và bước vào đời, trẻ sẽ không bao giờ chùn bước trước khó khăn hoặc để nỗi thất vọng, sợ hãi làm nhụt ý chí.
Người phụ nữ không được làm mẹ sẽ không cảm nhận niềm hạnh phúc mà cuộc đời ban tặng. Tuy nhiên, làm mẹ rất gian khổ, mà nếu ai không ý thức được điều đó thì tốt nhất không nên có con. Có không ít bà mẹ giao con cho người khác chăm sóc, dạy dỗ mà không hiểu rằng vai trò làm mẹ là việc không thể “ủy quyền”.
Thông thường, những người nhũ mẫu được thuê để nuôi trẻ ít quan tâm đến vấn đề dạy dỗ, mà chỉ cố gắng làm tròn bổn phận chăm sóc trẻ. Họ thường không cho trẻ làm điều này, cấm trẻ làm điều kia... Như thế sẽ ít nhiều hạn chế sự phát triển năng lực của trẻ. Nếu chọn được người có đạo đức và hiểu biết thì việc giao con cái cho họ cũng tạm yên tâm. Tuy nhiên, vì trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi tính cách của người gần gũi chúng nên tốt nhất là các bà mẹ hãy tự cho con ăn, tắm rửa cho con, chơi cùng con và dạy dỗ con.
Việc bài trí phòng cho trẻ cần tạo được không gian vui tươi, sáng sủa. Phòng của trẻ phải thoáng đãng và có ánh sáng mặt trời. Tường nên sơn màu xanh dịu, sàn màu trắng. Chăn nệm nên là loại bằng lông vũ êm và nhẹ. Trong phòng nên treo tranh của các danh họa, bày những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng. Những thứ này có thể là bản sao, không nhất thiết phải là nguyên tác. Tất cả những điều đó là nhằm giúp con trẻ làm quen với cái đẹp và tạo nền tảng cho việc giáo dục thẩm mĩ sau này.
Nhà giáo dục người Đức Frobel nói: “Số phận của dân tộc nằm trong tay các bà mẹ. Vì vậy chúng ta phải nỗ lực để các bà mẹ hiểu được vai trò và trọng trách quan trọng của họ vì con cái của họ chính là tương lai, vận mệnh của dân tộc”.