M
ột cuộc sống cân bằng và được thiết kế tốt trông như thế nào? Hãy tưởng tượng thời gian trong một ngày được chia đều một cách hoàn hảo – một miếng đại diện cho công việc, một miếng đại diện cho việc vui chơi, một miếng đại diện cho gia đình và bạn bè, một miếng đại diện cho sức khỏe. Đa số chúng ta đều thấy mình cần thêm thời gian, bản thân mình cần nỗ lực nhiều hơn nữa để giảm bớt những lo lắng, trầm tư và tiếc nuối.
Hiện có bao nhiêu giờ trong ngày được bạn dành ra để tận hưởng một thú vui nào đấy? Hoặc nâng cao công việc? Hoặc nuôi dưỡng các mối quan hệ? Hoặc chăm sóc sức khỏe bản thân? Một ngày của bạn diễn ra như thế nào? Hãy để chúng tôi nói cho bạn nghe một bí mật nhỏ, thật ra một ngày hoàn hảo không tồn tại trên đời đâu. Bạn không thể chia đều thời gian của một ngày cho mọi lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống. Đương nhiên, bạn có thể đạt đến một đời sống cân bằng nhưng điều đó diễn ra theo thời gian. Thiết kế cuộc sống là một quá trình lâu dài, không chỉ trong ngày một ngày hai.
Bill Gates, người giàu có nhất thế giới1 không có khối tài sản khổng lồ ấy chỉ sau một ngày cố gắng cân bằng giữa công việc và tình yêu. Khi ông ra mắt phần mềm Microsoft Windows vào năm 1985 và giới thiệu công ty đến công chúng vào năm 1986, không ai xem ông là nhà từ thiện. Trong suốt những năm 1990, ông cũng không dành mỗi ngày vài giờ để nuôi dưỡng các mối quan hệ hay chống lại các cáo buộc của chính phủ về việc lạm dụng sức mạnh độc quyền.
1. Theo thống kê năm 2015
Sự cân bằng là một niềm tin hoang đường đã khiến nhiều người trong chúng ta khổ sở. Như đã nói ở những phần trước, chúng ta không nên chống lại thực tế, sống trong thực tế nghĩa là nhìn vào và chấp nhận vị trí hiện tại của mình. Chúng ta không muốn ai đó đứng lên trong tang lễ của mình và nói: “Dave có kỹ năng giao tiếp tốt, cả văn viết lẫn văn nói”, hoặc “Bill đã thực sự chứng minh được khả năng sắp xếp thứ tự ưu tiên trong công việc”. Cuộc sống này không chỉ xoay quanh công việc kiếm sống. Tất cả chúng ta đều muốn sự hiện diện của mình có ý nghĩa với một ai đó, việc mình làm giúp ích được cho một ai đó. Tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc đời tràn ngập tình yêu thương, có mục tiêu, giàu ý nghĩa và thật vui vẻ.
Niềm tin sai lệch: Tôi đã hoàn tất bản thiết kế cuộc sống của mình, vậy là xong!
Tái định dạng nhận thức: Bạn không bao giờ hoàn tất việc thiết kế cuộc sống của mình. Cuộc sống là một dự án thiết kế thú vị và không có hồi kết, bạn sẽ không ngừng xây dựng cho riêng mình con đường tiến về phía trước.
Một số bạn đang đọc quyển sách này để cải thiện cuộc sống vốn đã khá ổn; một số khác thì đọc quyển sách này khi đang tìm cách thay đổi. Bạn có những kế hoạch quan trọng phải thực hiện, bạn có những lựa chọn phải đưa ra và một khi bạn làm được việc đó, cuộc sống của bạn sẽ khác biệt hẳn so với những gì nó từng là. Theo nghĩa đó, thiết kế mới của bạn sẽ được đưa vào sử dụng, thiết kế cũ bị bỏ lại và sự chuyển đổi đó thật ra là một vấn đề lớn. Nhưng sau đó, hành trình thiết kế cuộc sống của bạn cũng không chấm dứt.
Hãy cứ xây dựng con đường tiến về phía trước, thiết kế không chỉ là một kỹ thuật xác định các vấn đề và dự án, nó là một cách sống. Một trong những lý do khiến tư duy thiết kế trở nên hết sức hiệu quả trong các lớp thiết kế cuộc sống và những chương trình tư vấn của chúng tôi là vì nó có tính nhân văn. Năm 1963, khi Đại học Stanford bắt đầu giảng dạy bộ môn thiết kế, họ đã áp dụng phương pháp độc đáo “Thiết kế lấy con người làm trọng tâm2”. Vào thời điểm đó, đây là một thay đổi đáng chú ý, nhất là khi so sánh với phương pháp thiết kế truyền thống lấy kỹ năng, nghệ thuật, công nghệ làm trọng tâm. Ngay từ đầu, khoa thiết kế Đại học Stanford đã làm rất tốt nhiệm vụ giữ cho tính nhân văn luôn ở vị trí trọng tâm của mọi việc. Cuộc sống của bạn là một công trình mang tính nhân văn, việc áp dụng đúng phương pháp thiết kế lấy con người làm trọng tâm là hết sức quan trọng.
2. HCD – Human-Centered Design
Ngoài ra, trong thiết kế cuộc sống, chúng ta cũng chỉ tập trung trả lời câu hỏi “Làm thế nào để thiết kế cuộc sống của bạn?” chứ không phải “Bạn nên sống cuộc sống nào?”, hoặc “Cuộc sống nào thì tốt hơn cả?”. Anh bạn Tim của chúng tôi tốt nghiệp đại học với tấm bằng Kỹ sư Điện và đi làm ở Silicon Valley. Công việc đầu tiên của anh là tại một doanh nghiệp phát triển, nơi anh làm công việc thiết kế các vi mạch xử lý hàng đầu. Tuy nhiên, sau khi dự án thiết kế đầu tiên bị hủy, Tim đánh giá lại tất cả những đêm thức trắng và những ngày cuối tuần làm việc điên cuồng của mình, rồi kết luận rằng công việc không phải là trọng tâm cuộc sống của anh. Anh xem trọng tình yêu hơn và hiểu rằng mình cần thay đổi.
Tim chuyển sang làm việc cho một công ty lâu đời hơn, phấn đấu vươn lên vị trí cấp cao và đảm nhận vai trò ấy trong suốt hai mươi năm, trở thành một bậc thầy về kỹ thuật trong công ty mình, đã không biết bao nhiêu lần anh từ chối lời đề nghị thăng chức cùng khoản tiền lớn đi kèm.
Tim nói: “Tôi đã kiếm đủ tiền để chi trả hóa đơn và sắm sửa mọi thứ mình cần”. Trong trường hợp của anh, điều này có nghĩa là chu cấp cho gia đình, đảm bảo các con được hưởng nền giáo dục tuyệt vời và có một ngôi nhà đẹp ở Berkeley. “Sau khi đã có được tất cả những điều đó, cố làm ra thêm nhiều tiền để làm gì? Tôi thà có thêm nhiều thú vui và bạn bè. Tiền bạc, chức vị chỉ tăng gánh nặng trách nhiệm chứ không tạo được động lực cho tôi. Mục đích của tôi là sống sung túc và hạnh phúc, không phải để cắm đầu làm việc”.
Bản thiết kế của Tim đã có hiệu quả và anh là một trong những người có đời sống cân bằng nhất mà chúng tôi biết. Anh là một người cha tuyệt vời và có nhiều bạn bè, chơi nhạc thường xuyên và có một trang blog riêng về cocktail, ở đó anh giới thiệu những công thức cocktail do mình nghĩ ra, anh còn đọc rất nhiều sách nữa. Bảng đánh giá Sức khỏe - Công việc - Vui chơi - Tình yêu của anh cho thấy kết quả tích cực đồng đều và từ đây về sau anh chỉ cần lên kế hoạch duy trì nó. Trong chiến lược thiết kế cuộc sống thành công của anh, công việc hóa ra lại không phải là phần quan trọng nhất.
Những rào cản của cuộc sống
Một số điều chỉnh chúng tôi đưa ra có thể gây cản trở, những điều chưa được học thường khó khăn hơn những gì đã được học. Nhưng chúng tôi cá là chẳng có gì trong số những điều bạn đã học, hoặc không qua quyển sách này, có quyền năng biến bạn thành một người khác, bất luận là nó gây khó chịu hay mang tính khai sáng. Chúng tôi chỉ tin chắc rằng bạn sẽ tiến gần hơn đến chính mình mà thôi. Đây là điều mà một bản thiết kế tốt làm được, nó giải phóng những điều tốt đẹp vốn dĩ luôn ở đó, chờ đợi được khám phá và phát huy.
Vì sự hình thành phương pháp thiết kế của chúng tôi là một quá trình mang tính nhân văn, nó hiển nhiên đem lại không chỉ phương pháp nhìn nhận cuộc sống mà còn là cách thức để sống cuộc đời đó nữa. Điều này dẫn chúng ta quay lại năm cách tư duy:
1. Hiếu kỳ: tính hiếu kỳ.
2. Thiên hướng hành động: thử nghiệm điều mới.
3. Tái định dạng nhận thức: điều chỉnh vấn đề.
4. Nhận thức đúng đắn: hiểu rằng cuộc sống là một tiến trình.
5. Cộng tác thiết yếu: yêu cầu giúp đỡ, hợp tác triệt để.
Chúng tôi đã nhắc nhở bạn về những lối tư duy này xuyên suốt quyển sách, khi lần lượt đi qua các ý tưởng và công cụ có thể được sử dụng trong quá trình thiết kế cuộc sống. Bạn có thể áp dụng những lối tư duy này ở bất kỳ đâu, vào bất cứ lúc nào, có rất nhiều cơ hội để bạn sống với sự tò mò, tỉnh thức và thử nghiệm mọi thứ. Chúng tôi đã thực hiện một bài tập trong các lớp thiết kế cuộc sống; qua đó, các học viên xác định vài điểm trong dự án thiết kế cuộc sống khiến họ bị mắc kẹt, giậm chân tại chỗ. Sau đó chúng tôi yêu cầu họ tưởng tượng trong vòng bốn phút về vấn đề đó, phối hợp cùng hai học viên khác để áp dụng bất kỳ lối tư duy nào như một cách tự giải thoát khỏi bế tắc. Dưới đây là một số lời nhắc nhở đối với mỗi kiểu tư duy.
Trở nên hiếu kỳ
Mọi việc đều có điểm thú vị riêng của nó, sự hiếu kỳ chính là chìa khóa dẫn đến một cuộc sống được thiết kế tốt.
Một người quan tâm đến vấn đề này sẽ muốn biết điều gì?
Mọi việc diễn ra như thế nào?
Tại sao họ lại làm vậy?
Các chuyên gia trong lĩnh vực này đang tranh cãi về việc gì và tại sao?
Đâu là những việc thú vị nhất đang diễn ra ở đây?
Tôi đã bỏ lỡ điều gì đang diễn ra ở đây?
Làm thế nào tôi có thể phát hiện ra điều đó?
Hãy thử nghiệm
Thiên hướng hành động sẽ giúp bạn không bị mắc kẹt, không còn lo lắng để tập trung phân tích, suy nghĩ, giải quyết các rắc rối do cuộc sống mang lại. Hãy cứ tiến lên phía trước.
Chúng ta thử nghiệm việc này như thế nào?
Chúng ta muốn biết nhiều hơn về chuyện gì?
Tôi có thể làm gì để trả lời vấn đề đó?
Những việc nào có thể được giải quyết ngay bằng hành động và thông qua đó, chúng ta có thể học hỏi được gì?
Điều chỉnh nhận thức
Điều chỉnh nhận thức là thay đổi góc nhìn, cách suy nghĩ, gần như bất cứ vấn đề thiết kế nào cũng có thể được cải thiện với việc tái định dạng nhận thức, thay đổi góc nhìn.
Tôi đang nhìn từ góc độ nào?
Những người khác nghĩ sao về điều này?
Đây có thể là cơ hội thay vì là vấn đề không?
Liệu vấn đề này có khác đi sau một hoặc nhiều năm nữa không?
Hiểu rằng cuộc sống là một tiến trình
Nhận thức về tiến trình của cuộc sống giúp bạn không bị thất vọng hay lạc lối và ngăn bạn vấp ngã, bỏ cuộc.
Tất cả những chuyện trong tương lai mà bạn có thể tưởng tượng ra được là gì?
Bạn có đang bước về phía trước không? Hay bạn đang giậm chân tại chỗ hoặc thậm chí thụt lùi?
Đâu là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra? Khả năng nó xảy ra có cao không và nếu nó thật sự xảy ra thì bạn sẽ làm gì?
Đâu là điều tốt đẹp nhất có thể xảy ra?
Bạn có biết phải làm gì tiếp theo hay không?
Yêu cầu giúp đỡ
Bạn không đơn độc trong quá trình này, hãy tìm một người hỗ trợ mà bạn có thể chia sẻ về những gì mình đang thực hiện. Hãy thử thành lập nhóm thiết kế cuộc sống, hay tạo ra cộng đồng những người có chung mục tiêu xây dựng đời sống tốt đẹp hơn. Bạn có thể tìm đến một nhà cố vấn, hoặc nếu muốn bạn cũng có thể gọi cho mẹ mình, chắc bà sẽ rất vui.
Chỉ hai việc nữa thôi
Ngoài năm lối tư duy trên, có hai việc nữa mà bạn cần chú tâm đến đó là chiếc la bàn và những bài tập rèn luyện. Chiếc la bàn kết hợp cả quan điểm làm việc và quan điểm sống, giúp bạn định hướng cho việc thiết kế cuộc sống, cho thấy liệu việc bạn làm có phù hợp với các giá trị cá nhân, liệu suy nghĩ, niềm tin và hành động của bạn có hài hòa với nhau hay không. Khi chúng tôi trò chuyện với các học viên của mình hai, ba, năm hoặc nhiều năm sau khi họ tốt nghiệp và rời khỏi trường, họ bảo rằng la bàn là một trong những công cụ mà họ liên tục sử dụng. Cách tốt nhất để đánh giá về những vấn đề lớn của cuộc sống là liên hệ chúng đến chính bản thân mình, hãy xem lại chiếc la bàn của mình ít nhất mỗi năm một lần và hiệu chỉnh nó. Việc này giúp bạn duy trì nguồn năng lượng để sáng tạo và thiết kế cuộc sống giàu ý nghĩa.
Trong cuộc sống của chính mình, cả hai chúng tôi đều nhận thấy rằng việc thực hiện các bài tập nhỏ như yoga, thiền định, làm thơ,... chính là những việc mang lại nhiều sức sống nhất, đặc biệt là trong xã hội hiện đại. Tin tốt lành là chỉ một nỗ lực nhỏ cũng có thể mang đến kết quả to lớn, bằng việc giáo dục cảm xúc và bồi dưỡng nhận thức sáng suốt của mình thông qua những bài tập đó, bạn sẽ đạt được những ích lợi lớn lao gần như mỗi ngày.
Bill thường bắt đầu buổi sáng bằng việc thiền định và anh ghi chú lại trong Nhật ký Cảm xúc của mình là: “Tôi đang sống tốt nhất có thể, mọi việc tôi làm hôm nay là do chính tôi lựa chọn làm”. Anh cũng dành một khoản thời gian để vẽ, vừa bồi dưỡng óc sáng tạo vừa nhằm mục đích giải trí đơn thuần. Mỗi tuần Bill sẽ nấu ít nhất một bữa thật thịnh soạn, hoặc sáng tạo ra những món ngon mới lạ để chia sẻ với mọi người. Còn Dave thì dành ra hai mươi phút mỗi ngày để thiền và đọc thơ mỗi tuần một lần, cố gắng cảm nhận chất thơ thay vì chỉ đọc nó trong đầu một cách đơn thuần. Anh đi bộ lên đồi ít nhất 6,5 km mỗi tuần một lần cùng vợ mình, Claudia và những chú chó để sống chậm lại và gần gũi thiên nhiên.
Trên đây là một số việc chúng tôi thường làm, hy vọng bạn cũng sẽ thử nghiệm để tìm xem đâu là hoạt động bạn yêu thích nhằm thiết kế tốt cuộc sống của mình.
Mọi chuyện diễn biến ra sao?
Ở phần mở đầu, chúng tôi đã giới thiệu với bạn về Ellen – người mê những hòn đá, Janine – nữ luật sư luôn cảm thấy cuộc sống bế tắc, Donald – một viên chức không hiểu nổi chính mình. Vậy quá trình thiết kế cuộc sống đã mang đến thay đổi gì nơi họ?
Ellen không muốn trở thành một nhà địa chất học, nhưng cũng biết rằng mình vẫn yêu thích một phần những gì được học ở trường, đặc biệt là phương pháp sắp xếp và lập danh mục. Ngoài ra, cô vẫn rất thích những hòn đá, đặc biệt là những viên đá tinh xảo được dùng làm trang sức. Vì vậy, cô quyết định tiến hành các buổi Phỏng vấn Thiết kế Cuộc sống. Cô khám phá ra rằng các công việc điều hành dự án thường đòi hỏi người có khả năng tổ chức và quản lý nhân sự, tất cả đều có vẻ hợp với cô. Sau vài buổi phỏng vấn, cô dùng mạng lưới các mối quan hệ của mình để khởi động các cuộc thử nghiệm. Kết quả là trong số nhiều lựa chọn công việc, cô chọn trở thành nhà đấu giá trang sức trực tuyến. Tình yêu của cô đối với những hòn đá và tài năng thiên bẩm về công tác tổ chức đã giúp cô từng bước phát triển trong sự nghiệp của mình. Hai năm sau, cô đã trở thành người quản lý bộ phận account của một công ty chuyên đấu giá các sản phẩm thời trang cao cấp.
Janine tạo cho mình một chiếc la bàn và thực hiện các bài tập giúp khám phá bản thân. Cô nhận thấy nghề báo vừa hữu ích cho cộng đồng, vừa khơi gợi hứng thú trong cô bởi cô vốn có khả năng viết lách. Sau một thời gian thử nghiệm, cô và chồng quyết định rằng đã đến lúc cô nghiêm túc theo đuổi nó; thế nên cô theo học chương trình thạc sĩ văn chương và giờ đây đã bắt đầu cuộc sống mới an ổn với vai trò diễn giả và nhà thơ.
Donald đã dùng lối tư duy hiếu kỳ để điều chỉnh lời phàn nàn của ông từ “Vì sao tôi lại làm công việc này?” thành “Vì sao công ty tôi có thể khiến tôi ở lại làm việc lâu như thế?”. Ông mang theo câu hỏi đó đến rất nhiều cuộc Phỏng vấn Thiết kế Cuộc sống với các đồng nghiệp của mình, tìm kiếm những người thực sự tận hưởng cuộc sống của mình để nghe họ chia sẻ. Khi ông kết hợp những điều thu thập được từ các buổi phỏng vấn với những gì được ghi trong Nhật ký Cảm xúc của mình, Donald khám phá ra rằng không phải mình đang ở sai chỗ, mà chỉ đang ở trong một trạng thái tâm lý không ổn định mà thôi. Sau khi nhận ra điều đó, ông đã tái định dạng nhận thức, nghĩ khác đi mà không cần thay đổi bất kỳ điều gì về hoàn cảnh của mình. Việc điều chỉnh mục tiêu từ “ hoàn thành công việc ” sang “ yêu thích công việc ” là cả một quá trình chuyển đổi.
Không ai trong số họ, Ellen, Janine hoặc Donald (hay Clara, Elise, Kurt, Chung,…) sử dụng tất cả các công cụ, nhưng tất cả đều đương đầu với thách thức, không để mình bị mắc kẹt và xây dựng con đường tiến lên phía trước. Chúng tôi rất biết ơn vì đã gặp họ và được trở thành một phần nhỏ trong cuộc đời họ.
Khi viết quyển sách này, mỗi người chúng tôi đều áp dụng các ý tưởng và công cụ được giới thiệu vào công việc hằng ngày, đồng thời liên tục thử nghiệm những bài tập, cách tư duy mới trong một cuộc sống được thiết kế tốt. Chúng tôi khuyến khích bạn truy cập vào trang web www.designingyour.life để có danh sách hoàn chỉnh những bài tập giúp bạn thực hành và thử nghiệm.
Cuộc sống không ngừng tiến triển, với mỗi bước trên cuộc hành trình, chúng ta liên tục biết ơn và không ngừng tò mò xem liệu cuộc sống được thiết kế hiệu quả của chúng ta trông như thế nào. Xuyên suốt quyển sách này, chúng tôi đã chia sẻ với bạn những câu chuyện của nhiều đồng nghiệp cũng như học viên, cộng tác viên của mình. Mặc dù không phải ai cũng đang sống một cuộc đời như mơ, chúng tôi có thể tự tin nói rằng bất kỳ ai đã ứng dụng một số (nếu không phải là tất cả) các công cụ và ý tưởng chúng tôi đưa ra đều đạt được những tiến bộ mà họ chưa từng trải nghiệm trước đây.
Chúng tôi lấy làm vui mừng vì được hợp tác lâu dài cùng hàng nghìn học viên cũng như khách hàng, những người đã dấn thân vào hành trình thiết kế cuộc sống cùng chúng tôi và chúng tôi cũng rất trông đợi được hợp tác cùng bạn. Thiết kế cuộc sống là một quá trình biến đổi cách bạn nhìn nhận cuộc sống của mình, kết quả cuối cùng của một cuộc sống được thiết kế tốt chính là một cuộc sống được trải nghiệm trọn vẹn.
Chúng ta còn mong gì hơn thế?