P
hía sau mỗi bản thiết kế tuyệt vời là sự phối hợp tài tình của một nhóm thiết kế dự án, sản phẩm hoặc công trình. Cũng như cách các nhà thiết kế tin tưởng vào sự hợp tác triệt để, chúng ta thiết kế cuộc sống của mình trên tinh thần hợp tác và kết nối với người khác vì “ chúng ta ” luôn mạnh hơn “ tôi ”, đơn giản thế thôi.
Niềm tin sai lệch: Tôi phải tự tay thiết kế cuộc sống của riêng mình.
Tái định dạng nhận thức: Bạn sống và thiết kế cuộc sống của mình trên tinh thần hợp tác với những người khác.
Khi thiết kế cuộc sống của mình, bạn đang thực hiện hành động đồng sáng tạo. Khi sử dụng tư duy thiết kế, tâm thế bạn hoàn toàn không liên quan đến chuyện “phát triển sự nghiệp” hoặc “lên kế hoạch chiến lược”, hay thậm chí là “huấn luyện về cuộc sống”. Điểm khác biệt chính yếu là vai trò của cộng đồng, nếu bạn là một kiến trúc sư độc lập thì bạn nghĩ ra tất cả mọi thứ và bạn tự mình biến chúng thành hiện thực như một vị anh hùng – tất cả đều xoay quanh bạn. Thiết kế cuộc sống xoay quanh cuộc đời bạn, nhưng trong đó không chỉ có bạn, nó bao gồm tất cả chúng ta. Khi nói chúng ta không thể làm việc này một mình, không có nghĩa là chúng ta đừng tự tay thực hiện nó mà là nếu chỉ riêng chúng ta thôi vẫn chưa đủ, chúng ta cần người hỗ trợ. Thiết kế cuộc sống là một nỗ lực chung, khi bạn đang trong quá trình từng bước một xây dựng cuộc sống phía trước của mình, thì quá trình ấy dựa trên sự đóng góp và tham dự của nhiều người khác. Những ý tưởng bạn đưa ra trong bản thiết kế cũng có ý nghĩa nhất định đối với những người mà bạn gắn bó trong cuộc sống. Tất cả những người mà bạn gặp gỡ, gắn bó, cùng trải nghiệm hoặc cùng trò chuyện trong quá trình thiết kế cuộc sống đều thuộc về cộng đồng thiết kế của bạn. Một vài người quan trọng sẽ trở thành những cộng tác viên nòng cốt, đóng vai trò quyết định trong việc thiết kế cuộc sống của bạn, nhưng nhìn chung thì ai cũng có tầm quan trọng riêng.
Đúng vậy, đó chính là tất cả mọi người .
Đồng sáng tạo là một khía cạnh không thể thiếu của quan điểm thiết kế và nó là lý do chính khiến tư duy thiết kế trở nên hiệu quả. Thiết kế cuộc sống của bạn không nằm bên trong bạn; nó nằm trong thế giới, nơi bạn khám phá và đồng sáng tạo ra nó cùng với những người khác. Những ý tưởng, khả năng, các vai trò về cuộc đời,... không thực sự tồn tại ở bất kỳ nơi đâu trong vũ trụ khi bạn đang đọc quyển sách này. Tất cả chúng đang chờ đợi được phát minh ra và nguyên liệu thô để làm điều đó được tìm thấy ở ngoài kia, trong trái tim, tâm trí và hành động của những người khác, rất nhiều người trong số họ bạn vẫn chưa được gặp. Một nguyên nhân lớn khiến nhiều phương pháp thiết kế cuộc sống thất bại là bởi chúng dựa trên nhận thức sai lầm rằng bạn, và chỉ riêng bạn, biết được các câu trả lời; chỉ bạn mới có những nguồn lực và biết rõ về niềm đam mê giúp ta theo đuổi các thành tựu.
Bạn biết kiểu tư duy mà chúng ta đang nói đến ở đây, kiểu tư duy cho rằng bạn nên có vài mục tiêu tốt và cố gắng đạt được chúng.
Chúng tôi cho rằng điều đó thật điên rồ.
Hãy nghĩ đến Ellen, Janine và Donald trong phần giới thiệu của chúng tôi. Họ có những mục tiêu, thậm chí Janine và Donald còn đạt được rất nhiều mục tiêu của mình và trở nên thành đạt. Nhưng cả hai người họ đều lạc lối, mỗi ngày đều tự hỏi tại sao họ không hạnh phúc với những lựa chọn của mình, không biết tiếp theo nên đi theo hướng nào và không biết cách khiến cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa. Cả ba người đều cho rằng họ phải tự tìm ra câu trả lời, họ không thể thiết kế cuộc sống của mình vì đã không sử dụng sức mạnh đội nhóm.
Nếu bạn thấy mình đang đứng đơn độc trước gương, cố gắng giải quyết hoặc tìm ra hướng đi cho đời mình, không dám chuyển động trước khi bạn biết rõ những câu trả lời, thì có lẽ bạn phải chờ rất lâu đấy.
Hãy rời mắt khỏi tấm gương và quan sát những người xung quanh. Nếu bạn đã và đang thực hiện những công việc và bài tập mà quyển sách này gợi ý, bạn cũng đã được gắn kết với nhiều người, thậm chí là những người bạn chỉ vừa gặp gỡ. Các bạn chân thành kể cho nhau nghe về hoàn cảnh hiện tại của mình, các giá trị, quan điểm làm việc và quan điểm sống của bản thân. Bạn đã xác định các nhóm và các cá nhân tham gia vào những hoạt động tạo nguồn năng lượng trong Nhật ký Cảm xúc. Rất có thể bạn đã có vài người hỗ trợ trong việc thảo luận về những kế hoạch Odyssey của mình, hoặc cung cấp thêm thông tin qua các cuộc Phỏng vấn Thiết kế Cuộc sống của bạn. Có thể bạn không cho rằng những người này sẽ trở thành một phần trong nhóm của mình, có thể bạn chỉ để họ hiện diện trong quá trình phỏng vấn hoặc thử nghiệm các phương án của mình.
Đó là một quan niệm đầy thiếu sót vì họ đều là thành viên trong nhóm thiết kế cuộc sống của bạn.
Các vai trò trong nhóm thiết kế cuộc sống
Mọi người tham gia vào nỗ lực thiết kế cuộc sống của bạn theo cách này hay cách khác nên được xem là một phần trong nhóm của bạn. Có những vai trò khác nhau để họ đảm nhiệm và tất nhiên, một số cá nhân nhất định có thể đóng nhiều vai trò cùng lúc.
Người ủng hộ
Người ủng hộ là những người quan tâm đến cuộc sống của bạn, gần gũi với bạn đến mức sự động viên của họ khích lệ bạn tiếp tục bước đi và nhận xét của họ thực sự hữu ích cho bạn. Hầu hết những người ủng hộ bạn là bạn bè, nhưng không phải tất cả bạn bè đều là người ủng hộ và một số người ủng hộ không phải là bạn bè, họ ở bên bạn trong quá trình thiết kế cuộc sống nhưng bạn không rủ họ đi chơi. Bạn có bao nhiêu người ủng hộ là tùy bạn, số lượng người thuộc nhóm này có thể trải dài từ hai người đến năm mươi người, hay thậm chí hàng trăm người.
Người tham gia
Họ là thành viên năng động trong các dự án thiết kế cuộc sống của bạn, liên quan trực tiếp đến công việc, các dự án và thử nghiệm của bạn. Đây là những người mà bạn thực sự làm việc cùng, họ chính là những đồng nghiệp đúng nghĩa của bạn.
Người gần gũi
Những người gần gũi bao gồm các thành viên trong gia đình và những người bạn thân thiết nhất. Đây là những người có sức ảnh hưởng lớn đến thiết kế cuộc sống của bạn, bất luận là họ có hăng hái tham gia vào dự án thiết kế của bạn hay không. Chúng tôi khuyến khích bạn kể cho những người gần gũi của mình biết về công trình thiết kế cuộc sống của bạn, cho dù họ không trực tiếp tham gia vào đó. Những người này là một phần lớn của đời bạn, đừng để họ đứng ngoài cuộc. Việc chọn cho họ vai trò nào trong quá trình hình thành tư tưởng, lên kế hoạch và thử nghiệm của bạn có thể khá nan giải. Một số người quá thân thiết, một vài người khác không thể giữ tinh thần khách quan. Tuy nhiên, một số người trong số họ có thể là những người hỗ trợ tốt nhất mà bạn tìm được. Tất cả những gì chúng tôi muốn nhắn nhủ là bạn cần nhận ra tầm quan trọng của những người gần gũi và thử tìm một vai trò hiệu quả cho họ. Tránh để họ hoàn toàn đứng ngoài cuộc đến phút chót, việc đó hiếm khi nào mang đến kết quả tốt lành bởi nhiều lý do, bạn thử tưởng tượng cảnh đột ngột nói với vợ mình rằng cuộc sống của hai bạn sẽ thay đổi một cách toàn diện ngay năm tiếp theo mà xem.
Nhóm thiết kế
Các thành viên trong nhóm là những người chia sẻ với bạn mọi chi tiết về dự án thiết kế cuộc sống. Họ sẽ cùng bạn rà soát lại các dự án giữa những khoảng nghỉ, những ứng viên tiềm năng cho nhóm thiết kế cũng chính là những người bạn đã mời tham gia vào buổi thảo luận về ba bản kế hoạch Odyssey của mình.
Nhóm bạn đồng hành trên con đường thực hiện thiết kế cuộc sống không nhất thiết phải là những người thân cận nhất. Họ chỉ cần sẵn lòng có mặt vì bạn, chú ý lắng nghe và tận tình góp ý cho bạn, tôn trọng và lưu tâm đến quá trình thiết kế cuộc sống của bạn; nhưng trên hết, họ vẫn không phải là người đưa ra tất cả các câu trả lời và góp ý.
Hẳn bạn đã hình dung được kiểu người mà chúng tôi muốn nói đến, gương mặt của họ đã xuất hiện trong tâm trí bạn. Một nhóm tối ưu sẽ bao gồm từ ba đến năm thành viên. Có thể bạn nghĩ rằng một cộng sự tuyệt vời đã là đủ, nhưng hai người chỉ có thể tạo thành một đôi bạn hợp tác, khi một người nói thì người kia lắng nghe và vì vậy không tạo ra được tính đa dạng trong quan điểm – điều mà nhóm thiết kế cuộc sống luôn cần.
Khi có ba người trong một nhóm, các bạn sẽ có những cuộc trò chuyện thực sự và có đủ độ bao quát, chiều sâu cần thiết. Điều này sẽ tiếp tục được cải thiện đến ngưỡng sáu thành viên, sau đó lại trên đà đi xuống. Khi vượt quá sáu người, khoảng không gian cần thiết cho mỗi thành viên sẽ bị hạn chế, bởi chúng ta lắng nghe từng người ít hơn, các vai trò bắt đầu được hình thành, chẳng hạn như Ann sắm vai người thực tế, đối đầu với Theo, người luôn bảo vệ các ý tưởng sáng tạo. Trong những nhóm đông thành viên, mỗi người bị mắc kẹt trong vai trò của mình và khả năng thảo luận bị giới hạn. Hãy duy trì từ ba đến năm thành viên trong nhóm để cộng tác một cách hiệu quả nhất (và nếu đang họp mà đói, chỉ cần gọi một chiếc pizza cỡ lớn là đủ cho cả nhóm, đó luôn là một điểm cộng).
Các quy luật của nhóm thiết kế cuộc sống
Trước tiên, hãy giữ cho mọi thứ thật đơn giản. Mục tiêu chính của nhóm là hỗ trợ quá trình thiết kế cuộc sống, không hơn không kém. Các thành viên trong nhóm không phải là bác sĩ trị liệu hoặc cố vấn tài chính của bạn. Họ là những người đồng sáng tạo, vai trò duy nhất cần chỉ định là người tổ chức , người đứng ra sắp xếp các buổi gặp mặt và xác định những việc cần thực hiện, thường thì đó chính là bạn. Tốt nhất là bạn nên nắm việc lên lịch và truyền đạt thông tin. Bằng cách đó, bạn có thể đảm bảo rằng cả nhóm đi đúng hướng, tuy nhiên bạn cũng có thể yêu cầu một thành viên khác làm người tổ chức, hoặc luân chuyển vai trò đó giữa các thành viên với nhau. Việc đó không thực sự quan trọng, miễn sao luôn có người chịu trách nhiệm về mặt thời gian, địa điểm và kế hoạch.
Cuối cùng, người tổ chức cũng không phải là lãnh đạo hay trọng tài. Bạn chỉ cần sắp xếp cho mọi người tham gia vào cuộc trò chuyện, đảm bảo rằng ai cũng được lắng nghe và không có ý tưởng hay đề nghị nào bị mất hút trong tiếng ồn, giúp nhóm đưa ra quyết định tốt nhất khi mâu thuẫn xuất hiện (điều này rất thường xảy ra). Thường thì chúng tôi chỉ tuân theo bốn quy định được áp dụng trong các nhóm sinh viên Stanford, đó là đảm bảo các ý kiến được đưa ra luôn mang tính:
1. Tôn trọng
2. Cẩn mật
3. Hợp tác
4. Đóng góp (mang tính xây dựng, không gây ngờ vực hoặc tỏ ra phán xét)
Các nhà cố vấn
Các nhà cố vấn đóng vai trò đặc biệt trong cộng đồng hoặc nhóm thiết kế cuộc sống. Công tác cố vấn đã trở nên khá phổ biến trong những năm gần đây và sau đây là vài điều mà chúng tôi thấy sẽ giúp ích cho các học viên và khách hàng của mình.
Đầu tiên, chúng ta cần phân biệt giữa việc tư vấn và việc đưa ra lời khuyên. “Tư vấn” là giúp bạn nhận thức về những suy nghĩ của bạn, “đưa ra lời khuyên” là nói với bạn những điều họ nghĩ. Có một cách đơn giản để nhận ra khi nào thì bạn đang nhận được lời khuyên thay vì được tư vấn. Khi ai đó bảo rằng “Nếu là anh, tôi sẽ…”, bạn đang nhận được lời khuyên. Khi ai đó nói “Nếu tôi là anh”, điều họ thật sự muốn nói là “Nếu anh là tôi”. Đó chính là bản chất của lời khuyên, bảo rằng bạn nên làm việc mà người đưa ra lời khuyên sẽ làm nếu họ ở trong hoàn cảnh của bạn. Điều đó cũng hay nếu bạn vô tình giống hệt với người đưa ra lời khuyên, nhưng chuyện đó hiếm khi xảy ra. Bạn nên cẩn trọng trong việc làm theo lời khuyên đó, hãy cố tìm ra những giá trị, các thứ tự ưu tiên và quan điểm của người đưa ra lời khuyên cũng như những trải nghiệm khiến họ tin chắc vào lời khuyên của mình.
Chúng tôi biết một bác sĩ cấp cứu thường khuyên mọi người: “Đừng bao giờ lái mô tô, nếu không anh sẽ trở thành người hiến tạng!”. Từ vị thế là người chứng kiến nhiều nạn nhân của các vụ tai nạn mô tô được đưa đến phòng cấp cứu, đa số họ tử vong vì chấn thương não, lời khuyên ấy của bà là hết sức hợp lý và có thể hiểu được. Nhưng chúng tôi cũng biết một nghệ sĩ ở vùng bờ Đông, người mà nguồn cảm hứng cho những kiệt tác tranh sơn dầu của ông đều đến từ những gì ông tận mắt chứng kiến khi lái mô tô đi khắp đất nước. Mỗi năm ông có thể đi đến hàng trăm nghìn ki-lô-mét và ông đã lái mô tô đi như thế suốt ba mươi năm nay. Ông tin rằng cách tốt nhất để chiêm ngưỡng thế giới và gặp gỡ mọi người là trên yên xe mô tô. Cả hai người họ đều đúng, chạy mô tô nguy hiểm hơn so với lái ô tô, nhưng mô tô quả là một phương tiện tuyệt vời để vi vu ngắm cảnh đồng quê và gặp gỡ mọi người. Cả hai nhận định trên đều đúng, điều quan trọng ở đây là những lời khuyên ấy liên quan đến bạn như thế nào?
Những lời khuyên tốt đến từ những người có kiến thức chuyên môn vững vàng. Bạn sẽ muốn một chuyên gia đưa ra lời khuyên cho bạn về việc khai thuế, hoặc liệu bạn có nên tiến hành phẫu thuật hay thực hiện vật lý trị liệu cho cái đầu gối tệ hại của mình hay không. Nhưng tiếc thay, không có chuyên gia nào cho cuộc sống của bạn, nhiều người sẵn sàng cho bạn lời khuyên nhưng không ai kiểm định được đó có phải là những lời hợp tình hợp lý hay không.
Chuyện tư vấn thì hoàn toàn khác, bạn có thể không bao giờ nắm bắt được chính suy nghĩ của mình, có thể không bao giờ hiểu biết thấu đáo về bản thân. Việc tìm ra ai đó có thể khiến bạn đạt được trạng thái thông suốt và bình tâm hơn là một điều tuyệt vời. Đây chính là khi các nhà cố vấn xuất sắc tỏa sáng. Mọi công tác cố vấn hợp pháp đều lấy việc tư vấn làm trọng tâm, quá trình này bắt đầu với rất nhiều câu hỏi nhằm hỗ trợ cho việc tìm hiểu chính xác về bạn, về những gì bạn đang trải qua. Những nhà tư vấn giỏi thường đưa ra cùng một câu hỏi vài lần, từ nhiều quan điểm khác nhau để đảm bảo rằng họ thực sự hiểu vấn đề. Họ sẽ thường xuyên cố gắng tóm tắt hoặc tái khẳng định một điều gì đấy mà bạn đã nói: “Tôi hiểu như vậy có đúng không?”. Có thể thấy họ đang tập trung vào bạn chứ không phải vào bản thân họ.
Giá trị của nhà cố vấn không nằm ở những điều họ biết mà nằm ở khả năng gợi mở tư duy và tính khách quan của họ, giúp bạn nhìn vào thực tế về bản thân. Các nhà tư vấn giỏi dành phần lớn thời gian của họ để lắng nghe rồi gợi ý những điều chỉnh khả dĩ cho hoàn cảnh của bạn, giúp bạn tìm kiếm các ý tưởng mới, đồng thời đưa ra những gợi ý giá trị.
Đương nhiên, đây cũng chỉ là lời khuyên của chúng tôi mà thôi.
Nhận thức sáng suốt
Chúng ta đã nói về nhận thức sáng suốt trong chương 9, khi bàn về việc ra quyết định tốt bằng cách vận dụng hiểu biết đa chiều. Các nhà cố vấn có thể đóng góp tích cực vào quá trình tiến đến nhận thức sáng suốt của bạn khi phải đưa ra sự lựa chọn. Những quyết định quan trọng hiếm khi nào dễ dàng, nhiều suy nghĩ hợp lại tạo nên sự hỗn loạn kinh khủng trong đầu bạn. Đó là thời điểm tuyệt vời để tìm đến một nhà cố vấn, người sẽ lắng nghe, giúp bạn dần loại bỏ những điều đang xâm chiếm nội tâm mình và hỗ trợ bạn sắp xếp chúng theo từng loại: những chuyện lớn, những việc nhỏ và những thứ không liên quan. Một nhà cố vấn tốt sẽ làm việc này với sự cẩn trọng cao độ, đó là vì sắp xếp các vấn đề theo thứ tự ưu tiên là rất gần với việc chỉ ra cho ai đó một lựa chọn được ưu ái. Một nhà cố vấn giỏi sẽ cố gắng không bảo bạn phải làm điều gì, hoặc ít nhất cũng hết sức cẩn trọng về nguy cơ gây ảnh hưởng đến bạn. Họ có thể nói: “Xem nào, tôi không bảo rằng lựa chọn đúng đắn ở đây là nhận chức vị mới và chuyển đến Bắc Kinh trong năm tới, nhưng tôi nhận thấy mỗi khi nói về ý định đó thì trông anh tươi tỉnh hẳn lên. Vì vậy, có lẽ anh nên suy nghĩ về nó, tôi không bảo anh đi Trung Quốc nhưng cho rằng có điều gì đấy ở đó rất đáng để anh lưu tâm”.
Tầm nhìn lâu dài và Tầm nhìn cục bộ
Vài người trong chúng ta may mắn tìm được một nhà cố vấn thật sự quan tâm đến cuộc sống của họ và gắn bó với họ suốt nhiều năm. Nhưng bên cạnh đó, bạn có thể tin vào những nhà cố vấn theo từng đề tài (làm cha mẹ, tài chính, tâm linh,…) và các nhà cố vấn thời vụ (giúp bạn vượt qua quá trình thai nghén, giải quyết vai trò quản lý đầu tiên, chăm lo cho cha mẹ già yếu, chuyển nhà,…). Vậy, thực sự không có quy luật nào ở đây, hãy cứ tìm gặp những người có thể cố vấn cho bạn.
Có thể bạn đang tự hỏi mình có thể tìm thấy tất cả những nhà cố vấn tuyệt vời này ở đâu. Chúng tôi thấy có nhiều người giàu kinh nghiệm sống, sẵn lòng lắng nghe và giúp đỡ người khác, nhưng đa phần không tự cho mình là nhà cố vấn hoặc có đủ kỹ năng để tiến hành một cuộc trò chuyện tư vấn. Thật ra những người này vẫn có năng lực cố vấn, họ chỉ không phải là những chuyên gia cố vấn mà thôi.
Tất nhiên, nếu bạn may mắn biết đến những nhà cố vấn bậc thầy, hãy ở bên họ. Nhưng nếu không được như vậy, tất cả những gì bạn cần làm là trò chuyện với người nào đó có năng lực cố vấn, hướng cuộc trò chuyện vào lĩnh vực mà bạn cần được hỗ trợ. Đặc biệt, hãy nhờ người đó dùng những hiểu biết và kinh nghiệm của họ để giúp bạn sắp xếp lại suy nghĩ của chính mình.
Chẳng hạn, bạn hỏi anh bạn mình: “Harold này, tôi rất khâm phục cách anh và Louise nuôi dạy bọn trẻ; thật lòng mà nói, việc làm cha đôi khi khiến tôi khổ sở vô cùng. Liệu tôi có thể mời anh một tách cà phê để trò chuyện một chút không?”. Tất nhiên là Harold sẽ đồng ý (phương pháp này cực kỳ giống với cách chúng ta thiết lập cuộc trò chuyện thử nghiệm ở chương 6). Khi gặp nhau, có lẽ Harold sẽ kể bạn nghe vài chuyện thú vị, rồi bạn hỏi: “Lucy và tôi đang thấy bối rối về vấn đề này, tôi nghĩ Skippy khá khác biệt so với các con anh, nhưng có lẽ anh sẽ giúp tôi tìm được cho mình giải pháp tốt nhất”. Đó có thể là một vai trò mà Harold chưa từng đảm nhiệm, nhưng anh sẽ cố gắng hết sức và rất có thể sẽ làm tốt. Nếu không, bạn cũng chẳng mất gì cả và có thể thử tìm người khác. Bằng cách này, bạn có thể xây dựng cho mình một “đội ngũ cố vấn” mà không cần phải chờ đợi chuyên gia cố vấn nào xuất hiện.
Từ đội nhóm đến cộng đồng
Nếu bạn giống với hầu hết những người mà chúng tôi đã làm việc cùng, bạn sẽ thấy thời gian dành cho nhóm thiết kế cuộc sống của mình thật thú vị và đầy sức sống. Sự hỗ trợ, sự chân thành lắng nghe mà chúng tôi hy vọng bạn đang trải nghiệm khi thực hiện điều này hỗ trợ rất nhiều cho việc hình thành thói quen tốt. Trở thành một phần của cộng đồng là cách sống thích hợp cho con người.
Cộng đồng không chỉ là để chia sẻ nguồn lực hoặc thỉnh thoảng đi đâu đó cùng nhau. Nó là môi trường diễn ra quá trình đồng sáng tạo trong việc thiết kế cuộc sống, cộng đồng thật tuyệt vời và chúng tôi đề nghị các bạn duy trì sự gắn kết, phối hợp với nhau một cách liên tục, không chỉ khi có kế hoạch lớn hoặc khởi đầu những việc mới mẻ.
Việc luyện tập duy trì sẽ giúp bạn không ngừng phát triển và tận hưởng cuộc sống được thiết kế tốt của mình. Cộng đồng chính là một phần quan trọng trong đó. Vậy thì chính xác ý chúng tôi là gì khi nói đến “cộng đồng”? Từ thuở xa xưa, người ta vẫn luôn góp mặt trong một cộng đồng nào đó, có thể là trong nhà thờ, một gia đình đa thế hệ, quân đội, nhóm leo núi thể thao,… Nhưng ngày nay, hầu hết mọi người không có một cộng đồng để thuộc về, để có thể tìm cho mình cộng đồng phù hợp, bạn cần hướng về một nhóm cộng sự có những đặc điểm sau:
Mục tiêu chung
Các cộng đồng lành mạnh thường có chung một mục đích thống nhất, không chỉ tụ họp lại để bàn tán cho vui. Cộng đồng của Dave giúp đỡ, nhắc nhở nhau trở thành những con người chính trực ở tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Cộng đồng của Bill hội tụ lại để hỗ trợ nhau trong việc trở thành những người cha tốt, những người đàn ông đích thực. Những cộng đồng hoạt động hiệu quả có sứ mệnh rõ ràng, mang tính định hướng và thúc đẩy mọi người tiến lên phía trước. Cả cộng đồng của Dave lẫn Bill có thể cùng tham gia nhiều hoạt động khác nhau, chẳng hạn như các hoạt động xã hội hay các sự kiện giải trí, nhưng luôn có một mục tiêu chung gợi nhớ về lý do thực sự khiến họ trở thành một cộng đồng.
Thường xuyên gặp gỡ
Mọi người phải gặp gỡ nhau thường xuyên để duy trì những cuộc thảo luận, trong đó các thành viên có thể nắm bắt từ chỗ dang dở lần trước thay vì thực hiện tất cả lại từ đầu. Sự gặp mặt trở thành một thông lệ trong cộng đồng, họ không chỉ họp lại vì một mục đích cụ thể nào đó, như là hoàn thành dự án hay đọc một quyển sách cùng nhau, mà họ họp lại vì các thành viên tin rằng một cuộc sống nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng là một cuộc sống được thiết kế tốt hơn, thế nên họ duy trì việc đó.
Nền tảng chung
Bên cạnh việc có cùng mục đích, có cùng nền tảng cũng rất quan trọng. Trong nhóm thảo luận của Bill, hầu hết mọi người hy vọng trở thành những người cha tốt hơn. Họ cam kết nỗ lực hết mình, thậm chí sẵn lòng thử những điều mới mẻ và “điên rồ” – như yêu cầu ai đó giả chết, sau đó nói về người đó như thể họ đang ở đám tang của anh ta. Mỗi thành viên lắng nghe những lời này và quyết định xem liệu anh ta có thích chính bản thân mình không, hay cần thay đổi điều gì không. Về lâu dài, nền tảng chung gắn kết mọi người lại với nhau, giữ lửa cho các cuộc trò chuyện và giúp cộng đồng duy trì hoạt động hiệu quả.
Tập trung vào khía cạnh con người
Một số nhóm tập trung vào nội dung hoạt động, một số nhóm khác tập trung vào con người, chúng tôi đang nói đến những cộng đồng tập trung vào con người. Bạn có thể là thành viên của một câu lạc bộ sách tuyệt vời, nơi mọi người cùng đọc và có những cuộc thảo luận sâu sắc về việc viết lách, nghệ thuật kể chuyện, tình hình xã hội, xen kẽ vài bữa tiệc nếm rượu và tất cả các thành viên đều yêu quý nhau, thật tuyệt. Nhưng đó không phải là một cộng đồng mà chúng tôi muốn nói đến, đúng là nó có một mục đích (thảo luận về sách), một nền tảng chung (đọc sách để trở nên thú vị, sâu sắc và cởi mở hơn), các thành viên gặp nhau thường xuyên (thứ Ba đầu tiên của mỗi tháng), nhưng họ không can dự vào cuộc sống của nhau và không cần hiểu về nhau để giữ cho cộng đồng hoạt động tốt.
Điều tạo nên một cộng đồng hiệu quả không phải là chuyên môn của những người tham gia mà là nỗ lực của họ trong việc sống hài hòa với bản thân và thế giới một cách chân thành. Dù bạn chẳng có chút hứng thú gì với ngành nha khoa thì việc ở gần một bác sĩ nha khoa chân thành phấn đấu từng ngày vẫn mang tính khích lệ hơn nhiều so với việc ở trong một cộng đồng những người có cùng sở thích hoặc khát vọng nghề nghiệp giống mình nhưng lại không nỗ lực gì cả.
Hãy nghĩ đến những nhóm khác nhau mà bạn đã từng tham gia trong suốt thời gian qua. Bạn hẳn sẽ nhận ra những lần mọi người nói về ý tưởng cho cuộc đời họ và những lần mọi người thực sự nói về cuộc sống của họ, đó là sự khác biệt giữa nhà bình luận và người tham gia. Chính những người tham gia vào cộng đồng mới là người mà bạn luôn tìm kiếm.
Một trong số những mục tiêu của chúng tôi khi viết quyển sách này là giúp bạn tạo ra một cộng đồng như thế. Hãy tìm kiếm những người sẵn lòng thực hiện hành trình này với bạn, thiết kế cuộc sống là một chặng dường dài và nó sẽ không mấy thú vị khi bạn phải đi một mình. Hiện tại, chúng tôi muốn bạn biết rằng chúng tôi luôn xem bạn là cộng sự và muốn mời bạn tham gia vào cộng đồng thiết kế cuộc sống, hãy ghé thăm trang web của chúng tôi: www.designingyour.life.
Thử nghiệm
Tổ chức nhóm thiết kế cuộc sống
1. Lập danh sách từ ba đến năm người có thể trở thành thành viên nhóm thiết kế cuộc sống của bạn. Hãy nghĩ đến những người ủng hộ, người thân, các cố vấn hoặc bất kỳ ai có thể trở thành cố vấn của bạn; càng tuyệt vời hơn nếu họ cũng đang trong giai đoạn thiết kế cuộc sống.
2. Hãy đảm bảo mọi thành viên đều có quyển sách này trong tay để tham khảo về việc thiết kế cuộc sống, các vai trò cũng như các quy luật trong nhóm.
3. Sắp xếp gặp gỡ thường xuyên và chủ động đồng sáng tạo để thiết kế cuộc sống.