H
ãy tưởng tượng rằng trên đời có một loại vaccine giúp bạn phòng ngừa thất bại, chỉ một mũi tiêm nhỏ và kể từ đó cuộc đời bạn sẽ được đảm bảo diễn ra chính xác theo kế hoạch, đầy thuận lợi, thành công nối tiếp thành công và tiến xa hết mức có thể. Cả đời miễn nhiễm với thất bại, nghe thật tuyệt vời phải không bạn? Không thất vọng, trở ngại, khó khăn, mất mát, khổ đau, cuộc sống ấy thật đáng mơ ước đối với hầu hết chúng ta. Chẳng ai thích thất bại cả, cảm giác thất bại thật kinh khủng – chết lặng từ sâu trong dạ, nặng nề như thể lồng ngực mình bị nghiền nát.
Ai lại không muốn được miễn nhiễm với thất bại?
Thật không may, chẳng có loại vaccine nào như thế và không có ai là không bao giờ thất bại. Nhưng bạn vẫn có thể trở nên miễn nhiễm với thất bại, không có nghĩa là mọi thứ đều diễn ra theo ý bạn muốn, nhưng bạn có thể thoát khỏi những cảm giác tiêu cực không cần thiết mà việc thất bại mang lại. Nếu bạn sử dụng những ý tưởng và công cụ mà chúng tôi đã giới thiệu từ đầu quyển sách, bạn sẽ giảm thiểu được cái gọi là tỷ lệ thất bại. Điều này thật tuyệt nhưng chúng ta đang theo đuổi một thứ có giá trị hơn nhiều so với việc giảm thiểu thất bại. Chúng ta đang theo đuổi sự miễn nhiễm đối với thất bại.
Chúng tôi đã thử rất nhiều thứ khác nhau trên con đường thiết kế nên một cuộc sống thực sự đáng sống. Bằng cách sử dụng lối tư duy hiếu kỳ, chúng tôi phóng ra thế giới và gặp gỡ những con người thú vị. Chúng tôi hợp tác triệt để với bạn bè và gia đình. Chúng tôi thử nghiệm một số gắn kết có ý nghĩa với thế giới. Thông qua hành trình thiết kế cuộc sống này, chúng tôi đã trở nên thoải mái với tư tưởng thiên về hành động và bất cứ khi nào thấy nghi ngại, chúng tôi biết đã đến lúc làm một điều gì đấy.
Suốt từ đầu hành trình đến giờ phút này, bạn đã cùng chúng tôi phát triển được một trạng thái tinh thần mà các nhà tâm lý học tích cực như Angela Duckworth gọi là sự bền chí hoặc tính kiên cường. Những nghiên cứu của Duckworth về sự kiên cường và khả năng kiểm soát bản thân đã chứng minh rằng ý chí là thước đo tiềm năng thành công tốt hơn chỉ số thông minh (IQ). Chính sự miễn nhiễm đối với thất bại đã dần xây đắp trong bạn một ý chí kiên cường.
Điều quan trọng là chúng ta nghĩ về bản thân như những nhà thiết kế cuộc sống hiếu kỳ và thiên về hành động – những người ham thích thử nghiệm để xây dựng con đường tiến lên phía trước, hướng tới tương lai. Khi dùng phương pháp này để thiết kế cuộc sống của mình, bạn sẽ trải nghiệm thất bại, đó là “thất bại có chủ đích”, đóng vai trò quan trọng nhất định trong hành trình của chúng ta và giúp ta đạt được thứ mà mình vẫn gọi là sự miễn nhiễm đối với thất bại.
Nỗi sợ thất bại phủ bóng quá lớn trong trải nghiệm của mọi người về cuộc sống của mình. Có vẻ như nó liên quan đến một nhận thức cơ bản trong cách mọi người định nghĩa về một cuộc sống tốt đẹp hay tồi tệ. Cô ấy thành công (Tốt đấy!), anh ta thất bại (Tệ quá!). Khi bạn nhìn vấn đề theo cách đó, không ai muốn thất bại cả, chúng ta tưởng tượng rằng quanh ta luôn có một vị thẩm phán tưởng tượng nào đấy đưa ra phán quyết rằng chúng ta đã xoay xở để thành công hay thất bại trong cuộc đời.
May thay, nếu bạn đang thiết kế cuộc sống của mình, bạn không thể nào là một thất bại. Bạn có thể trải nghiệm một số điều không đạt mục tiêu đề ra, tức là “thất bại”, nhưng hãy nhớ rằng những cuộc thử nghiệm ấy được thiết kế để bạn có thể học hỏi được một điều gì đấy. Một khi đã trở thành một nhà thiết kế cuộc sống và tham dự vào quá trình sáng tạo vẫn không ngừng tiếp diễn của việc thiết kế cuộc sống, bạn không thể thất bại mà chỉ có thể tiến bộ và học hỏi từ nhiều trải nghiệm khác nhau mà cả thất bại lẫn thành công đều mang đến.
Đừng né tránh thất bại
Chúng tôi tin rằng giờ bạn đã hiểu việc thử nghiệm để thiết kế cuộc sống chính là một cách tuyệt vời để thành công nhanh hơn (trong những việc lớn và quan trọng) bằng cách thất bại thường xuyên hơn (ở những trải nghiệm nhỏ hơn và mang tính thử nghiệm). Một khi bạn đã thực hiện thử nghiệm vài lần, bạn sẽ thực sự tận hưởng quá trình học hỏi thông qua những cuộc đụng độ, cọ xát mà người khác có thể xem là thất bại. Ví dụ, một ngày trước khi lớp học Thiết kế Cuộc sống của chúng tôi bắt đầu, Dave đã tiến hành một thay đổi lớn với bài giảng mà chúng tôi thường dùng, anh ấy có một ý tưởng và chỉ đơn thuần muốn thử nghiệm nó. Dave thậm chí chẳng có thời gian để bàn với Bill, nên Bill nghe nói về nó cùng lúc với các học viên. Sau khi Dave thông báo về bài tập ấy và các học viên bắt đầu thực hiện, Bill đến bên cạnh Dave và bảo: “Việc này thật tuyệt! Tôi thích cách anh sẵn lòng thất bại thảm hại trước tám mươi học viên! Tôi chẳng biết liệu bài tập này có hiệu quả không, nhưng tôi thích cách anh can đảm thử nghiệm nó!”. Dave và Bill đã tin tưởng quy trình thiết kế cuộc sống hoàn toàn đến nỗi họ không cần phải thảo luận về cách đúng đắn để tổ chức các lớp học của họ. Khi đã thực sự hiểu thấu phương pháp tư duy thiết kế, bạn sẽ suy nghĩ khác đi về mọi việc.
Đây chính là biểu hiện đầu tiên của sự miễn nhiễm đối với thất bại – nhanh chóng hành động, cởi mở với thất bại và nếu thất bại thật thì học hỏi được từ thất bại ấy để tiến bộ. Nhân tiện, bài tập ấy của Dave khá hiệu quả nhưng chúng tôi quyết định quay lại phiên bản bài tập trước đó bởi nó vẫn hiệu quả hơn. Đúng là một thành công nhỉ!
Hơn thế nữa, vẫn còn cả một cấp độ khác của sự miễn nhiễm đối với thất bại mà chúng tôi gọi là sự miễn nhiễm thất bại quy mô lớn. Cấp độ miễn nhiễm này tương đương với việc hiểu được những điều chỉnh quy mô lớn trong tư duy thiết kế. Bạn đã sẵn sàng chưa? Việc thiết kế cuộc sống của bạn chính là bản chất cuộc sống, bởi lẽ cuộc sống là một quá trình, nào phải đâu kết quả. Nếu có thể hiểu được điều đó, bạn đã nắm bắt được tất cả mọi điều chúng tôi muốn truyền tải.
Niềm tin sai lệch: Chúng ta đánh giá cuộc sống của mình qua thành quả.
Tái định dạng nhận thức: Cuộc sống là một hành trình, không phải một điểm đến.
Chúng ta luôn trưởng thành thêm, chúng ta không ngừng thay đổi. Với mỗi thay đổi, chúng ta có một thiết kế mới. Cuộc sống giống như một bản khiêu vũ, thiết kế cuộc sống thực ra chỉ là biên đạo một chuỗi những động tác nhảy múa đẹp mắt. Cuộc sống không ngừng lại và quá trình thiết kế cuộc sống cũng diễn ra không ngừng, miễn là bạn còn sống.
Triết gia James Carse đã viết một quyển sách thú vị có tên là Finite and Infinite Games , trong đó ông khẳng định rằng gần như mọi việc mình làm trong đời vừa là một trò chơi hữu hạn – trong đó chúng ta chơi theo luật để giành chiến thắng, vừa là một trò chơi vô hạn – trong đó chúng ta chơi với những luật lệ vì niềm vui đạt được thành tựu. Đạt điểm A môn Hóa là một trò chơi hữu hạn, tìm hiểu về thế giới và cách chúng ta thích nghi với nó là một trò chơi vô hạn. Giúp con trai mình tin tưởng rằng bạn yêu nó vô điều kiện là một trò chơi vô hạn.
Cuộc sống này bao gồm cả hai loại trò chơi. Không có loại nào tốt hơn loại nào, chẳng trò chơi hữu hạn nào phát huy tác dụng nếu không có luật chơi, không có người thắng kẻ thua. Thế nhưng tình yêu là một trò chơi vô hạn, khi người chơi làm tốt, nó sẽ tiếp diễn mãi để mọi người cùng tham gia mà không cần phân định thắng thua gì.
Điều này có liên quan gì đến việc thiết kế cuộc sống? Khi nhớ rằng mình đang chơi một trò chơi vô hạn, bạn biết mình không thể nào thất bại, bạn không chỉ thành thạo việc giảm thiểu thất bại mà còn thật sự miễn nhiễm với thất bại. Chắc chắn là bạn vẫn phải trải nghiệm đau đớn, mất mát hoặc một số trở ngại nghiêm trọng khác, nhưng chúng không thể khiến bạn trở nên yếu đuối, bạn gọi đó là trải nghiệm thay vì “thất bại” và nhanh chóng đứng lên thay vì ngã quỵ.
Cảm xúc và Lý trí
Từ thuở xa xưa, con người đã luôn phải vật lộn để cân bằng giữa con tim, cảm xúc (phổ biến ở các nền văn hóa phương Đông) và khối óc, lý trí (phổ biến ở các nền văn hóa phương Tây). Cảm xúc hay lý trí? Những nhà thiết kế cuộc sống cho rằng việc cố gắng phân biệt rạch ròi hai điều đó là một sai lầm lớn. Chúng ta không bao giờ cố gắng giải quyết mọi vấn đề của cuộc đời này, thay vào đó chúng ta chỉ tập trung vào việc cải thiện bản thân và tiến về phía trước. Chúng tôi cho rằng đây là góc nhìn tốt hơn để hình dung về tiến trình của cuộc sống.
Khi thiết kế cuộc sống của mình, bạn bắt đầu từ chỗ mình là ai (chương 1, 2 và 3), rồi bạn đưa ra nhiều ý tưởng để thử nghiệm (chương 4, 5 và 6), sau đó bạn đưa ra lựa chọn tốt nhất có thể (chương 8). Khi thực hiện tất cả những việc này, bạn hiểu thêm về những khía cạnh khác trong tính cách và đặc điểm riêng của mình, được nuôi dưỡng và được khơi gợi bởi các trải nghiệm ấy – bạn thành thật hơn với chính mình. Theo cách này, bạn đi qua một quá trình phát triển rất hiệu quả, tiến triển một cách tự nhiên từ cảm xúc đến lý trí, rồi đến sự chuyển hóa, tất cả cứ thế lặp lại.
Tất cả các giai đoạn của cuộc sống, dù thành công tuyệt vời hay đớn đau thất vọng, sẽ giữ cho tiến trình này tiếp diễn. Với cách nhìn nhận và tư duy đúng đắn, thông qua mọi trải nghiệm của cuộc sống, bạn sẽ luôn thành công trong trò chơi vô hạn của việc khám phá và gắn kết cuộc sống của mình với thế giới rộng lớn.
Vậy nên, bạn thấy đấy, liều vaccine miễn nhiễm với thất bại duy nhất và hiệu quả nhất chính là nhận thức và tư duy đúng đắn trong cuộc sống.
Niềm tin sai lệch: Cuộc sống là một trò chơi hữu hạn với kẻ thắng người thua.
Tái định dạng nhận thức: Cuộc sống là một trò chơi vô hạn mời gọi tất cả chúng ta cùng tham gia, không cần phân định kẻ thắng người thua.
Có thể bạn đang nghĩ rằng điều này nói ra nghe hay đấy, nhưng trong thế giới thực thì mọi việc không đơn giản thế đâu. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng (và cũng đã tận mắt chứng kiến trong đời thực) rằng bạn có thể điều chỉnh mọi thất bại theo cách giúp bạn chuyển hóa trở ngại thành cơ hội để có một cuộc sống hạnh phúc hơn, thỏa mãn hơn. Đây không chỉ là sự điều chỉnh suy nghĩ mà còn là một công cụ thiết kế quan trọng trong việc thiết kế cuộc sống.
Thất bại là nguyên liệu thô của thành công. Tất cả chúng ta đều thất bại, tất cả chúng ta đều có điểm yếu, tất cả chúng ta đều có những nỗi đau lớn dần theo năm tháng, tất cả chúng ta đều có ít nhất một câu chuyện của riêng mình về một hay nhiều lần chúng ta thay đổi góc nhìn của mình để thấy rằng “trong cái rủi có cái may”, thất bại hóa ra lại là điều tốt đẹp nhất từng xảy đến với chúng ta.
Một cuộc sống được lên kế hoạch một cách hoàn hảo, không bao giờ khiến bạn ngạc nhiên hoặc thử thách bạn, là cuộc sống nhàm chán một cách hoàn hảo, chứ không phải một cuộc sống được thiết kế hoàn hảo.
Hãy trân trọng những tì vết, những điểm yếu, những thất bại và tất cả những gì đã xảy ra mà bạn không thể kiểm soát được. Tất cả chúng khiến cho cuộc đời trở nên đáng sống và đáng để bạn bỏ công thiết kế. Nếu không tin, bạn cứ hỏi Reed mà xem.
Thắng, bại, rồi lại thắng
Reed luôn muốn làm cán bộ lớp nên cậu bé bắt đầu việc ứng cử sớm nhất có thể, từ khi học lớp năm. Cậu đã thất bại vào năm đó, cậu tiếp tục ứng cử vào năm lớp sáu và lại thất bại, nhưng không từ bỏ, cậu cứ tiếp tục ứng cử cán bộ lớp. Cho đến năm cuối trung học, cậu ứng cử để làm cán bộ trường và lại thất bại, đó là lần thứ mười ba liên tiếp. Năm học cuối cấp, cậu lại quyết định ứng cử thêm lần nữa để trở thành chủ tịch hội học sinh.
Suốt những năm học ấy, bố mẹ của Reed rất buồn khi chứng kiến những thất bại chồng chất của cậu. Sau bốn hoặc năm bận thất bại, họ thấy lo lắng mỗi khi cậu thông báo: “Con sẽ ứng cử thêm lần nữa!”. Họ không muốn làm cậu thoái chí nhưng trong lòng họ thầm mong cậu hãy từ bỏ ý định để tránh tự làm tổn thương mình. Họ không thể chịu đựng được việc chứng kiến cậu trải qua tất cả những thất bại ấy. Nhưng Reed đâu có phiền lòng, chắc chắn cậu cũng không thích bị thất bại, nhưng cậu không nản chí. Cậu biết rằng nếu kiên trì, cậu sẽ học hỏi được từ những thất bại của mình để rồi một ngày cậu sẽ chiến thắng, hoặc ít ra thì cũng học hỏi được thêm. Trong tâm trí cậu, thất bại là một phần của quá trình. Thêm một lần thất bại chỉ khiến cảm giác thất bại trở nên ít đau đớn hơn và cho phép cậu tiếp tục mạo hiểm để thử nghiệm xem liệu phương pháp mới có hiệu quả hay không. Nó mang đến cho cậu lòng can đảm để thử sức trong những lĩnh vực khác như thể thao, diễn xuất,... và đôi khi cũng làm nên chuyện. Mặc dù cậu thấy vui với những thành công của mình, nhưng những thất bại cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến cậu. Việc thất bại hết lần này đến lần khác đã mang đến cho cậu sự tự do về tâm trí để tập trung nguồn năng lượng của mình cho những cuộc vận động tranh cử. Mỗi khi ứng cử, cậu không bao giờ lo lắng về thất bại. Cuối cùng, hóa ra lần này cậu lại giành chiến thắng và trở thành chủ tịch hội học sinh, Reed đã vô cùng xúc động, nhưng không phải vì cuối cùng cậu đã chiến thắng, mà điều quan trọng hơn cả chính là cách cậu giữ vững lòng kiên trì.
Đó hóa ra lại là một bài học quan trọng hơn rất nhiều so với tưởng tượng của Reed.
Ở tuổi hai mươi hai, đối với bất kỳ ai nhìn vào cậu từ bên ngoài, Reed có vẻ cuối cùng đã giành chiến thắng trong cuộc đời. Cậu là một hướng đạo sinh, chủ tịch hội học sinh, tiền vệ đội bóng, vào trường Ivy League1,... Khi Reed tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế, cuộc đời cậu có vẻ như đã thẳng tiến từ thành công này đến thành công khác, cậu được nhận vào làm việc ở một công ty hàng đầu và trong vòng vài năm đầu, sự nghiệp của cậu đã tiến triển rất tốt.
1. Ivy League: nhóm 8 trường đại học tư thục lâu đời và ưu tú hàng đầu nước Mỹ, bao gồm Đại học Harvard, Đại học Yale, Đại học Princeton, Đại học Columbia, Đại học Pennsylvania, Đại học Dartmouth, Đại học Brown, Đại học Cornell.
Công việc của Reed đòi hỏi cậu phải đi công tác thường xuyên và trong một chuyến đi đến miền Trung Tây, Reed phát hiện có một khối u lạ ngay dưới cổ. Cậu đến một phòng khám trong giờ nghỉ để kiểm tra xem đó là gì và chỉ trước khi cậu lên máy bay để về nhà vào hôm sau, vị bác sĩ đã gọi để thông báo, đồng thời khẳng định luôn nỗi sợ tệ hại nhất của cậu: cậu đã mắc bệnh U lympho Hodgkin, một dạng ung thư hạch bạch huyết.
Về đến nhà, cậu lập tức tiến hành hóa trị. Việc mắc ung thư ở tuổi hai mươi lăm không nằm trong bản thiết kế cuộc sống của Reed, nhưng giờ nó đã trở thành một phần cuộc đời cậu. May thay, kinh nghiệm đương đầu với thất bại từ ngày bé cuối cùng đã phát huy công dụng của nó. Rất nhanh chóng, Reed đã có thể chấp nhận thực tại của mình và dồn hết năng lượng vào việc phục hồi sức khỏe thay vì ta thán. Cậu không để mình bị mắc kẹt trong sự đau buồn, dằn vặt, oán than. Cậu tập trung chuẩn bị cho chiến dịch lớn tiếp theo trong đời – chiến dịch đánh bại ung thư. Trong năm kế tiếp, cậu đã không phát triển sự nghiệp tư vấn kinh tế theo kế hoạch đã định, thay vào đó cậu trải qua các cuộc phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Cậu cũng đã học được ở độ tuổi rất trẻ rằng cuộc sống này cũng thật mông lung.
Khi đợt điều trị ung thư kết thúc và căn bệnh đã ở trong tầm kiểm soát, Reed băn khoăn về việc mình nên làm tiếp theo. Thật ra cậu có một ý tưởng, một ý tưởng khá điên rồ, đó là một mục nhỏ trong bản kế hoạch Odyssey: dành hẳn một năm để đi trượt tuyết. Vài năm trước, Reed từ bỏ chuyện này vì nghĩ rằng một chàng trai trẻ đang trên đà gầy dựng sự nghiệp thành công như cậu chẳng nên bỏ tất cả để đi trượt tuyết mà làm gì.
Tuy nhiên, tình thế nay đã khác, Reed vừa chiến thắng căn bệnh ung thư và mặc dù biết rằng có lẽ mình vẫn nên quay lại gầy dựng sự nghiệp thì hơn, chỉ một năm nghỉ việc thôi cũng đủ để hủy hoại CV của cậu rồi, thì ý định sống thật với chính mình và bỏ lại tất cả để bắt đầu hành trình trượt tuyết vẫn luôn đeo bám cậu. Vì vậy, Reed thực hiện vài cuộc trò chuyện thử nghiệm với một số doanh nhân trước khi đưa ra quyết định, cậu muốn biết những giám đốc tuyển dụng sẽ nghĩ gì về quyết định của cậu. Liệu họ có xem cuộc phiêu lưu trượt tuyết sau giai đoạn điều trị ung thư của cậu là minh chứng cho lòng dũng cảm, hay họ đánh giá nó là vô trách nhiệm. Điều quan trọng ở đây không phải là việc Reed đã “thành công trong việc đánh bại ung thư”, mà là cậu đã có thể tận hưởng sự miễn nhiễm đối với thất bại trong quá trình ấy. Điều đó cho phép cậu hướng nguồn năng lượng của mình vào việc học hỏi những điều giúp ích cho tương lai. Bằng cách biến khó khăn thành lợi thế, cậu đã có thể thiết kế một cuộc sống tốt đẹp nhất có thể trước nghịch cảnh, xua đuổi cảm giác bối rối chán nản, ngừng việc tự hỏi tại sao những chuyện tồi tệ lại xảy đến với mình.
Sự miễn nhiễm với thất bại mà cậu có được từ những năm tiểu học đã trở nên hữu ích trong rất nhiều năm sau đó. Vài năm sau, Reed quyết định theo đuổi công việc mơ ước của mình – làm việc tại một doanh nghiệp nhượng quyền thể thao chuyên nghiệp, Đội tuyển Bóng bầu dục Quốc gia. Mặc dù không có người thân nào làm việc trong ngành đó, cậu đã gặp gỡ một nhân viên điều hành Liên đoàn Bóng bầu dục từ thời sinh viên và cậu dần dần xây dựng được mạng lưới các mối quan hệ trong thế giới thể thao thông qua các cuộc trò chuyện thử nghiệm. Vậy nên cậu quyết tâm tìm kiếm công việc trong ngành này, điều tệ hại nhất có thể xảy ra là bị khước từ và vì chẳng ngại điều đó, cậu cứ hỏi thử xem sao.
Kết quả không nằm ngoài mong đợi, Liên đoàn Bóng bầu dục không chấp nhận đơn xin việc của cậu, Reed bèn buông bỏ và nhanh chóng tái định hướng nỗ lực của mình. Khoảng một năm sau, cuối cùng cậu cũng có được cơ hội làm việc đàm phán hợp đồng với cầu thủ ở đội Bóng bầu dục Quốc gia. Trước hàng tá các ứng viên khác mà nhiều người trong số họ đã có kinh nghiệm trong ngành, cậu tiến được vào vòng chung kết chỉ còn lại hai ứng viên, nhưng rồi thất bại. Thật đau lòng, nhưng một lần nữa, cậu vượt qua và nhanh chóng tái định hướng nỗ lực của mình vào một kế hoạch thay thế khác rồi nhận được công việc quản lý tài chính cho một công ty tuyệt vời.
Nhưng cậu vẫn không từ bỏ ý định làm việc cùng đội bóng chuyên nghiệp. Bất chấp việc bị khước từ, cậu vẫn tiếp tục thử nghiệm công việc đó. Cậu giữ liên lạc với các nhân viên ở đội bóng và dành hàng trăm giờ xây dựng các mô hình phân tích thể thao thật sáng tạo mà cậu thỉnh thoảng mang ra trình bày. Vậy mà cuối cùng cậu được đội bóng ấy thuê thật, với vị trí làm việc còn tốt hơn cả vị trí ban đầu cậu xin vào.
Cậu làm việc ở đó trong khoảng ba năm rồi quyết định rằng đội bóng chuyên nghiệp không thực sự là nơi cậu muốn làm việc, tức là cậu lại “thất bại” lần nữa. Vậy nên cậu chuyển sang ngành y tế, tự trấn an mình rằng nếu việc đó không hiệu quả, thì việc tiếp theo nữa sẽ hiệu quả thôi.
Reed giờ đây đã hoàn toàn miễn nhiễm với thất bại, cậu không được bảo bọc tránh khỏi những đau đớn cá nhân và mất mát vì thất bại, nhưng cậu không bị thất bại làm lạc lối. Cậu không bao giờ tin rằng mình là một người thất bại, hay thất bại là cách định nghĩa con người mình. Đối với Reed, cách thất bại dạy cho cậu những bài học cũng hệt như cách thành công tác động lên cậu. Tất nhiên thành công thì vui vẻ hơn, nhưng Reed đã quyết định rằng mình sẽ chấp nhận bất kỳ tình huống nào xảy đến để tiến về phía trước, kể cả khi đó là thất bại.
Giờ đây, nói về Reed tức là đề cập đến một chàng trai trẻ phong độ, thành công về nhiều mặt trong cuộc sống. Cậu có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với người vợ xinh đẹp và cậu con trai ba tuổi hết sức đáng yêu. Hai vợ chồng vừa mua căn nhà đầu tiên và hiện Reed là nhà sáng lập của một doanh nghiệp tuy còn non trẻ nhưng đang kinh doanh rất thuận lợi trong lĩnh vực xét nghiệm và chăm sóc sức khỏe. Chắc chắn là Reed đang tận hưởng tất cả mọi thành công hiện tại của mình, nhưng cậu không tự mãn về nó. Cậu gần như chỉ thấy biết ơn trước những gì cuộc sống, dù tốt hay xấu, mang lại. Đối với Reed, hạnh phúc giờ đây chủ yếu đến từ cách nhìn nhận đời sống của cậu chứ không đến từ mức độ thành công hiện tại.
Mà đó cũng chính là điều giúp Reed thành công trong cuộc sống.
Bài tập điều chỉnh thất bại
Thật dễ dàng để chúng ta mô tả mục tiêu cao cả của việc đạt được sự miễn nhiễm đối với thất bại, nhưng thực sự đạt được mục tiêu đó lại là chuyện khác. Đây là một bài tập nhằm giúp bạn làm được điều đó – điều chỉnh thất bại. Thất bại là nguyên liệu thô của thành công và việc điều chỉnh thất bại là một quá trình biến đổi thứ nguyên liệu thô ấy thành sự cải thiện. Đây là một bài tập đơn giản gồm ba bước:
1. Ghi chép lại những thất bại của bạn
2. Phân loại những thất bại của bạn
3. Xác định bài học về sự phát triển
Ghi chép lại những thất bại của bạn
Hãy ghi chép lại mỗi khi bạn làm hỏng việc gì đấy, có thể là trong tuần vừa qua, tháng vừa qua, năm vừa qua, hoặc là một danh sách tất cả những thất bại từ trước đến nay. Bất kỳ khung thời gian nào cũng sẽ hiệu quả, nếu bạn muốn xây dựng thói quen chuyển bại thành thắng, chúng tôi đề nghị bạn làm việc này một hoặc hai lần mỗi tháng cho đến khi thiết lập được một cách tư duy mới. Việc điều chỉnh thất bại là một thói quen lành mạnh, giúp bạn tiến gần hơn đến sự miễn nhiễm đối với thất bại.
Phân loại những thất bại của bạn
Sẽ thật hữu ích nếu bạn phân loại được thất bại để có thể dễ dàng tìm kiếm tiềm năng phát triển.
Sơ suất là những lỗi nhỏ trong những việc mà bình thường bạn vẫn làm đúng. Vì thường bạn vẫn làm đúng, bạn không thực sự cần phải học hỏi gì ở đây, chỉ là lần tới hãy cẩn thận hơn thôi. Giải pháp tốt nhất ở đây là thừa nhận bạn mắc lỗi, xin lỗi và tiếp tục tiến về phía trước.
Điểm yếu là những thất bại xảy ra do những yếu kém kinh niên của bạn. Đây là những lỗi mà bạn cứ mắc phải hết lần này đến lần khác, bạn biết rõ căn nguyên của những thất bại này, chúng là những người bạn cũ. Có thể bạn đã từng cố gắng sửa chữa chúng và cũng đã tiến bộ ở mức độ nhất định. Bạn cố gắng tránh những điểm yếu này, nhưng chúng cứ xảy đến. Chúng tôi không đề nghị bạn đầu hàng sớm và chấp nhận thành tích xoàng xĩnh, nhưng chúng tôi cũng tin rằng sẽ không có nhiều tiến bộ trong việc bạn cố gắng thay đổi điểm yếu của mình. Tất nhiên, đây là một đánh giá mang tính chủ quan, nhưng một số điểm yếu vốn là một phần của con người bạn và chiến lược khôn ngoan nhất là tránh các tình huống chạm đến chúng, thay vì cố cải thiện chúng.
Cơ hội phát triển là những thất bại không nhất thiết phải xảy ra, hoặc chí ít cũng không cần phải xảy ra vào lần sau. Nguyên nhân của những thất bại này có thể xác định được và cũng có phương pháp để khắc phục; vì vậy, chúng tôi muốn bạn hướng sự chú tâm vào đây.
Xác định tiềm năng phát triển
Liệu có phải bất kỳ thất bại nào thuộc nhóm cơ hội phát triển cũng mang đến tiềm năng tiến bộ thật sự không? Có gì ở đây để học hỏi? Điều gì đã đi chệch hướng và gây ra thất bại? Hãy tìm kiếm ý tưởng về một phương pháp có thể thay đổi mọi thứ vào lần tiếp theo, ghi chú và áp dụng nó vào thực tiễn.
Dưới đây là bảng phân loại các thất bại của Dave:
Dave vừa bỏ lỡ ngày sinh nhật của con gái mình, bé Lisa. Anh vốn không có khả năng ghi nhớ những việc đại loại như thế (đây là một điểm yếu ) nên đã dùng lịch để nhắc nhở bản thân. Vậy nhưng một năm nọ, anh còn sơ ý ghi chú nhầm tuần lễ, nên mặc dù đã lên kế hoạch tổ chức tiệc sinh nhật cho cô bé nhưng vẫn thất bại vì... trễ mất bảy ngày so với sinh nhật Lisa. Tất cả là do sơ suất, sau chuyện đó anh đã tự nhủ vô số lần rằng mình sẽ không phạm phải sai lầm đó nữa. Một chuyện tệ hại khác đã xảy ra trong một đợt phun thuốc khử trùng, khi Dave và vợ không về nhà trong suốt ba ngày, kết quả là kẻ gian lẻn vào lấy đi hết những món đồ giá trị. Anh đã làm sai việc gì? Không thuê bảo vệ riêng để trông nhà trong ba ngày ư? Nhưng đến cảnh sát cũng bảo rằng đây là trường hợp hiếm, hầu hết các tên trộm sẽ không mạo hiểm sức khỏe của mình chỉ để khuân trộm chiếc tivi nhà bạn. Tất cả bạn bè của Dave cũng đâu màng đến chuyện thuê bảo vệ khi phun thuốc khử trùng nhà mà chẳng gặp phải chuyện gì, có thể xem đây là một trường hợp vì sơ suất nên dẫn đến hậu quả nặng nề chăng?
Có hôm, Dave phải thức đến tận nửa đêm để hoàn thành báo cáo ngân sách đúng hạn. Tuy là một người trì hoãn có tiếng, anh ấy đã học cách sống với thói xấu đó trong nhiều năm liền nên gần như chưa bao giờ trễ hạn, có điều anh đã phải thức trắng nhiều đêm. Có thể thấy thói trì hoãn là một điểm yếu của Dave.
Một lần nọ, khi Dave vừa đặt ra câu hỏi về dự án họ đang thực hiện thì vị khách ở đầu dây bên kia mất bình tĩnh và bắt đầu lớn tiếng. Khi đó, anh không biết rằng kỹ sư chính của dự án vừa bỏ việc và mọi thứ đang rối hết cả lên, còn câu hỏi mào đầu dài dòng của anh chỉ tổ khiến vị khách nổi nóng bởi anh đang gây lãng phí thời gian của cô ấy. Đây không phải là sai sót mà Dave thường mắc phải, nhưng khi suy nghĩ kỹ, anh nhận ra rằng sai lầm của mình là bàn thẳng vào việc chính mà không thăm dò cảm xúc của đối phương. Vì không có nhiều thời gian, Dave thường đề cập ngay đến chủ đề chính khi gọi điện, nhưng anh cũng nhận ra rằng anh không bao giờ làm thế khi gặp trực tiếp khách hàng.
Trong buổi gặp mặt, anh mở đầu bằng cách thăm hỏi xem người trò chuyện với mình đang cảm thấy như thế nào, có tin tức gì mới không và xác nhận trước các nội dung cần bàn trước khi vào việc chính. Trên điện thoại, nhằm tiết kiệm thời gian, anh đã bỏ qua giai đoạn đó và giờ thì gặp rắc rối. Bài học ở đây đã rõ, đó là hãy hỏi thăm nhau vài câu trước đã, dù là trên điện thoại, việc đó chỉ mất vài giây nhưng có thể tạo nên khác biệt to lớn.
Thời gian Dave cần để phân tích về những thất bại ấy còn ngắn hơn thời gian ta dành ra để đọc về chúng, điều này không khó thực hiện mà kết quả lại rất xứng đáng. Nếu Dave bỏ qua cuộc điện thoại ấy và tự nhủ: “Trời ạ! Cô ta bị gì ấy nhỉ?”, thì anh đã chẳng học được gì và có nguy cơ mắc sai lầm thêm lần nữa. Mặt khác, nếu cứ nghĩ mãi về nguyên nhân dẫn đến vụ trộm tệ hại hay việc quên mất sinh nhật con gái mình, thì anh sẽ giày vò bản thân vì những tình huống ấy một cách không cần thiết.
Một ít nỗ lực điều chỉnh thất bại có thể giúp bạn tiến xa hơn trong việc tạo sự miễn nhiễm đối với thất bại của mình. Hãy thử một lần xem sao.
Đừng chống lại thực tế
Dù bạn đang có công việc ưng ý và cuộc sống như mơ thì vẫn có khả năng việc gì đó sẽ xảy đến. Các nhà thiết kế biết rất rõ về chuyện mọi việc có thể không diễn ra theo kế hoạch. Khi hiểu được mình là ai và chủ động thiết kế cuộc sống của mình thì bạn không thể thất bại. Điều này không có nghĩa là bạn sẽ không va vấp, hoặc một cuộc thử nghiệm nào đấy sẽ luôn có hiệu quả như mong đợi. Nhưng sự miễn nhiễm đối với thất bại đến từ việc biết rõ rằng một cuộc thử nghiệm không hiệu quả vẫn có thể mang đến cho bạn nhiều thông tin giá trị về hiện trạng thế giới – đó là điểm khởi đầu mới của bạn. Khi những điều không hay xảy đến, khi quá trình của bạn bị khựng lại, khi cuộc thử nghiệm thay đổi theo hướng không mong muốn, chính việc thiết kế cuộc sống sẽ cho phép bạn biến bất kỳ thay đổi, trở ngại nào thành một điều gì đó góp phần tạo nên con người mà bạn muốn trở thành, về mặt cá nhân lẫn công việc.
Các nhà thiết kế cuộc sống không chống lại thực tế, họ được tăng cường sức mạnh một cách lạ thường bằng cách thiết kế con đường tiến lên phía trước, bất chấp tất cả. Trong thiết kế cuộc sống, không có lựa chọn sai lầm hay hối tiếc; chỉ có những cuộc thử nghiệm, một số thành công, một số khác thất bại. Một vài bài học tuyệt vời nhất của chúng ta đến từ những thử nghiệm thất bại, bởi sau đó chúng ta biết mình cần làm gì khác đi vào lần kế tiếp. Cuộc sống không phải là vấn đề thắng thua, mà là học hỏi và tham gia vào trò chơi vô hạn. Khi chúng ta tiếp cận cuộc sống với vai trò là một nhà thiết kế, chúng ta luôn hiếu kỳ muốn khám phá xem điều gì sẽ xảy đến tiếp theo.
Câu hỏi duy nhất còn lại là câu hỏi mà tất cả chúng ta đã từng nghe một vài lần: “Bạn sẽ làm gì nếu biết rằng mình không thể thất bại?”.
Thử nghiệm
Điều chỉnh thất bại
1. Hãy sử dụng bảng mẫu dưới đây (hoặc tải về từ trang web www.designingyour.life), nhìn lại một tuần/một tháng/một năm đã qua và điểm lại những thất bại của mình.
2. Phân loại chúng theo các nhóm: sơ suất, điểm yếu hoặc cơ hội phát triển.
3. Xác định những bài học để phát triển của mình.
4. Xây dựng thói quen chuyển thất bại thành sự phát triển bằng cách thực hiện quá trình trên một hoặc hai lần mỗi tháng.