V
iệc thiết kế sự nghiệp và cuộc sống không chỉ đòi hỏi ở bạn khả năng đặt ra những lựa chọn và các phương án thay thế tích cực, mà nó còn đòi hỏi khả năng tìm thấy những lựa chọn tốt và sống với chúng một cách trọn vẹn – chấp nhận chúng và không phê phán bản thân. Bất luận bạn xuất phát từ đâu hay đang ở giai đoạn nào của cuộc đời và sự nghiệp, bạn nhận thấy hoàn cảnh của mình tuyệt vời hoặc kinh khủng thế nào, chúng tôi dám chắc rằng có một mục tiêu mà tất cả các bạn đều mong đạt được trong cuộc sống: hạnh phúc.
Ai lại không muốn được hạnh phúc? Chúng tôi muốn mình hạnh phúc và chúng tôi muốn mọi học viên của mình hạnh phúc, chúng tôi cũng muốn bạn hạnh phúc nữa. Trong việc thiết kế cuộc sống, được hạnh phúc có nghĩa là bạn lựa chọn hạnh phúc.
Lựa chọn hạnh phúc không có nghĩa là bạn khua gót giày vào nhau ba lần trong khi ước nguyện rằng mình sẽ đến được bến bờ hạnh phúc. Bí mật về hạnh phúc trong thiết kế cuộc sống không phải là đưa ra lựa chọn đúng, mà là học cách giỏi chọn lựa.
Bạn có thể làm tất cả mọi việc theo hướng dẫn thiết kế cuộc sống – nghĩ ra các ý tưởng, thử nghiệm và hành động – tất cả chúng dẫn đến các thiết kế cuộc sống thú vị, nhưng việc này không đảm bảo rằng bạn sẽ hạnh phúc và có được những gì mình muốn. Có thể rốt cuộc bạn cũng hạnh phúc và đạt được điều mình muốn, nhưng cũng có thể không. Chúng tôi dùng từ “có thể” bởi việc được hạnh phúc và có được điều bạn muốn không tùy thuộc vào độ rủi ro của tương lai và những điều chưa rõ ràng, hoặc liệu bạn có lựa chọn phương án đúng hay không. Việc được hạnh phúc tùy thuộc vào cách bạn lựa chọn và sống với lựa chọn của mình. Tất cả những nhiệm vụ khó khăn có thể trở nên dang dở khi bạn đưa ra lựa chọn tồi; tuy nhiên, việc đưa ra lựa chọn sai lầm cũng không gây hậu quả nghiêm trọng bằng suy nghĩ sai lầm về chọn lựa của mình. Việc tuân thủ một quy trình lựa chọn thiết kế cuộc sống hiệu quả, lành mạnh, thông minh là yếu tố quyết định dẫn đến kết cuộc hạnh phúc. Rất nhiều người đang chọn lựa theo cách bỏ qua hết những hiểu biết quan trọng nhất về bản thân, điều đó ngăn cản họ hạnh phúc với những lựa chọn của mình. Chuyện này diễn ra thường xuyên và các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cuộc sống của nhiều người chắc chắn có kết cục không hạnh phúc là do họ tiếp cận sai cách với giai đoạn thiết kế cuộc sống quan trọng nhất: lựa chọn.
Niềm tin sai lệch: Để hạnh phúc, tôi phải đưa ra lựa chọn đúng.
Tái định dạng nhận thức: Không có lựa chọn đúng, chỉ có người giỏi chọn lựa.
Trong những tình huống khó khăn, việc giỏi chọn lựa gần như đảm bảo cho bạn có một kết cuộc hạnh phúc và đầy sinh lực, đưa bạn đến với nhiều lựa chọn khác để hướng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Quá trình lựa chọn trong việc thiết kế cuộc sống
Trong thiết kế cuộc sống, quá trình lựa chọn có bốn bước. Thứ nhất, bạn tập hợp và tạo ra một số lựa chọn, rồi bạn thu hẹp danh sách lại chỉ còn những lựa chọn hàng đầu, sau đó bạn lựa chọn, và bước cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng: bạn suy ngẫm về lựa chọn đó, xem liệu bạn đã làm đúng hay chưa. Trên hết, chúng tôi khuyến khích bạn dành thật nhiều giờ, nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí là vài chục năm để suy ngẫm. Chúng tôi đùa đấy! Người ta có thể lãng phí nhiều năm trời để suy ngẫm về những lựa chọn mà họ đã đưa ra. Tất nhiên chúng tôi không muốn bạn làm điều đó, và đó cũng không phải là bước thứ tư trong quá trình lựa chọn.
Bước thứ tư trong quá trình là buông bỏ những lựa chọn không cần thiết và tiếp tục sống, trân trọng lựa chọn của mình một cách trọn vẹn để có thể tận dụng được nhiều nhất từ lựa chọn ấy.
Chúng ta cần hiểu về quá trình lựa chọn này để đánh giá đúng khác biệt quan trọng giữa việc giỏi chọn lựa (thường dẫn đến kết quả hạnh phúc vững chắc và nhiều triển vọng tương lai) và việc chọn lựa kém (thường ấn định trước những trải nghiệm không hạnh phúc của chúng ta).
1. Thu thập và tạo ra lựa chọn
Việc thu thập và tạo ra lựa chọn là những gì chúng ta đã thảo luận từ đầu quyển sách này. Việc hiểu một cách sâu sắc về bản thân, khám phá những lựa chọn về cách gắn kết với thế giới và những trải nghiệm thử nghiệm chính là cách mà quá trình thiết kế cuộc sống của bạn tạo ra những ý tưởng, phương án và những lựa chọn đa dạng mà bạn có thể theo đuổi. Tất cả những gì bạn cần làm là theo đuổi những lựa chọn ấy với một tư duy hiếu kỳ, tập trung dõi theo sự tuyệt diệu tiềm tàng và tiếp cận nó với khuynh hướng thiên về hành động hơn là suy nghĩ quá nhiều. Ở đây chúng tôi không bàn thêm về việc tạo ra các lựa chọn, thay vào đó, chúng tôi khuyên bạn (nếu bạn vẫn chưa thực hiện) viết ra Quan điểm sống và Quan điểm làm việc của mình, vẽ Sơ đồ Tư duy, lập ba bản kế hoạch Odyssey, thực hiện các cuộc trò chuyện thử nghiệm và rút tỉa kinh nghiệm thử nghiệm. Bạn có thể sử dụng các công cụ tạo ra lựa chọn này trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
2. Thu hẹp danh sách lựa chọn
Một số người cho rằng họ không có đủ lựa chọn hoặc gần như chẳng có lựa chọn nào; số khác lại cho rằng họ có quá nhiều lựa chọn. Nếu bạn có quá ít lựa chọn, hãy quay lại bước 1, thực hiện tất cả những gợi ý mà chúng tôi đưa ra. Có thể sẽ mất vài tuần hoặc vài tháng để xây dựng một danh sách những lựa chọn mà bạn thực sự thích, không sao cả. Chúng ta đang thiết kế cả cuộc đời của bạn và việc này không cần phải diễn ra chỉ trong một đêm.
Khi đã có trong tay một danh sách những sự lựa chọn, rất có thể bạn đang phải vật lộn với việc đơn giản hóa chúng. Bạn nhìn qua tất cả các ý tưởng của mình, tất cả những gợi ý của người khác cùng với tất cả những gì bạn có thể làm với cuộc đời mình, và cảm thấy bị quá tải. Bạn thấy mình không thể chọn lựa, hoặc là không thể chọn lựa một cách tự tin, thế là bạn cho rằng mình đã làm sai việc gì đó. Rất có thể bạn đã không làm đủ những việc cần thiết và không hiểu thấu đáo các lựa chọn của mình: “Phải chi tôi có đủ thông tin và hiểu rõ hơn về những lựa chọn này thì tôi sẽ biết nên chọn cái nào”. Thế là bạn đi tìm hiểu thêm bằng cách phỏng vấn và thử nghiệm, nhưng cũng không hiệu quả. Đó là vì mặc dù việc thiếu thông tin đôi khi là một vấn đề thực sự, nhưng lại không phải là vấn đề cốt lõi. Đa phần chúng ta khi tiến đến một quyết định quan trọng thì đã hoàn tất những việc cần làm. Chúng ta có thể không biết được hết mọi thứ, thật ra tất cả các nghiên cứu đều chỉ ra rằng những điều chúng ta không biết nhiều hơn so với những điều chúng ta biết, thế nên ta cho rằng nghiên cứu nhiều hơn hẳn là hữu ích, nhưng đó không phải là điểm cốt lõi của vấn đề. Nếu bạn giống với đa số mọi người, nguyên nhân quá trình chọn lựa của bạn tắc nghẽn không phải là do hạn chế về hiểu biết của bạn, nó nằm ở độ dài của danh sách những sự lựa chọn mà bạn đặt ra.
Giáo sư Sheena Iyengar của trường Kinh doanh Columbia là một nhà tâm lý học kinh tế chuyên nghiên cứu về hành vi ra quyết định. Nghiên cứu nổi tiếng về việc mua mứt của bà được thực hiện như sau: Để bắt đầu, các nhà nghiên cứu đặt một chiếc bàn trong cửa hàng trưng bày sáu loại mứt ngon khác nhau, đó là những hương vị đang được ưa chuộng như kiwi kết hợp với cam, dâu kết hợp với oải hương,… Khi quan sát hành vi của khách hàng trong vòng một tuần, họ ghi nhận những trường hợp người ta đứng lại xem và mua mứt. Với sáu loại mứt được trưng bày, 40% khách hàng dừng lại xem mứt và khoảng một phần ba trong số đó mua một lọ, tức là khoảng 13% khách hàng mua mứt.
Vài tuần sau, trong cùng cửa hàng ấy, với khung thời gian tương tự, các nhà nghiên cứu trưng bày đến hai mươi bốn loại mứt. Lần này, 60% khách hàng dừng lại xem (tăng 50% so với khi trưng bày sáu loại mứt) nhưng chỉ có 3% khách hàng mua mứt.
Nghiên cứu này cho chúng ta thấy điều gì? Thứ nhất, chúng ta thích có sự lựa chọn (“Ồ! Đến những hai mươi bốn loại mứt ư? Thử xem nào!”). Thứ hai, chúng ta không thể quản lý quá nhiều lựa chọn (“Nhiều loại quá, không thể quyết định được, thôi đi mua một ít phô mai vậy”).
Thật ra hầu hết mọi người đưa ra lựa chọn hiệu quả nhất khi có từ ba đến năm lựa chọn. Nếu phải lựa chọn nhiều hơn số đó, khả năng đưa ra lựa chọn của chúng ta sẽ bị suy yếu, đó là cách mà não bộ được lập trình. Thế nhưng chúng ta luôn bị thu hút bởi những lựa chọn và nền văn hóa hiện đại thì gần như tôn sùng sự đa dạng: “Hãy cứ đưa ra thật nhiều lựa chọn! Đừng để mình bị giới hạn!”. Chúng ta cứ nghe mấy điều này suốt và dường như chúng rất hợp lý, nhưng chắc chắn hiện nay mọi người thường xuyên có nhiều lựa chọn hơn mức cần thiết. Nhờ Internet mà chúng ta có được thông tin về gần như mọi ý tưởng và mọi hoạt động trên hành tinh này sau chưa đến một giây tìm kiếm trên Google, hầu hết chúng ta đang phải chịu đựng sự quá tải về mặt tin tức và lựa chọn.
Chìa khóa ở đây là định hình lại suy nghĩ của mình về những lựa chọn bằng cách hiểu rằng nếu có quá nhiều lựa chọn thì thật ra bạn chẳng có lựa chọn nào cả . Những lựa chọn chỉ thực sự tạo ra giá trị trong cuộc sống của bạn khi chúng được chọn lựa và được xác định. Khi bạn có hai mươi bốn lựa chọn về mứt, bạn thực sự không có lựa chọn nào. Một khi hiểu rõ rằng trong việc ra quyết định, “ quá nhiều ” tương đương với “ không gì cả ” thì bạn sẽ sẵn sàng thực hiện bước tiếp theo: thu hẹp lựa chọn.
Trước tiên, nếu các lựa chọn của bạn có thể được phân theo nhóm, hãy chia nhỏ danh sách của mình ra thành nhiều danh sách phụ. Việc này có thể giúp bạn lọc ra những lựa chọn hàng đầu trong mỗi nhóm và gạch bỏ số còn lại. Nếu bạn có một danh sách gồm mười hai lựa chọn, rồi gạch bỏ bảy lựa chọn, hãy viết lại danh sách gồm năm lựa chọn còn lại và chuyển sang bước tiếp theo.
Hầu hết các học viên và khách hàng của chúng tôi đều băn khoăn trước hướng dẫn này:
“Ta không thể cứ gạch bỏ các lựa chọn như thế.”
“Nhỡ tôi bỏ nhầm thì sao?”
Chúng tôi rất hiểu tâm lý các bạn, nhưng chúng tôi không đùa đâu, bạn phải bỏ bớt chúng đi. Nếu có quá nhiều lựa chọn, tức là thực ra chẳng có lựa chọn nào thì bạn có gì để mất đâu. Chúng tôi gọi đây là Hiệu ứng Pizza - món Hoa , tất cả chúng ta đều từng nếm trải nó.
“Này Paula, bọn tớ ra ngoài ăn trưa đây. Cậu muốn đi cùng không?”
“Chắc chắn rồi!”
“Chúng tớ đang phân vân giữa pizza và món Hoa, cậu thích cái nào hơn?”
“Gì cũng được!”
“Được rồi, vậy chúng ta đi ăn pizza nhé!”
“Không, chờ đã. Tớ muốn ăn món Hoa!”
Trong trường hợp này, khi đưa ra câu trả lời đầu tiên, ý bạn thực sự là vậy. Bạn không biết rằng mình thích món này hơn món kia, cho đến khi một quyết định không mong muốn xuất hiện, bạn mới nhận ra ý thích của mình. Bạn sẽ không thể mắc sai lầm khi thu hẹp danh sách lựa chọn của mình, nếu gạch bỏ nhầm, bạn sẽ nhận ra ngay lập tức. Hãy tin tưởng chúng tôi khi chúng tôi nói rằng bạn có thể tin tưởng chính mình. Nếu bạn nhận thấy mình không thể ra quyết định chọn lựa trong số năm lựa chọn, có hai lý do thường gặp nhất. Nguyên nhân đầu tiên là bạn vẫn khổ sở khi nghĩ đến bảy lựa chọn đã bị gạch bỏ kia và bạn đang không chịu buông bỏ. Nếu đúng vậy, hãy làm bất cứ việc gì bạn cần để thật sự loại bỏ bảy lựa chọn kia ra khỏi tâm trí, sau đó quay lại với danh sách năm lựa chọn như thể nó là một danh sách bình thường (chứ không phải danh sách đã rút ngắn). Tuy nhiên, nếu bạn thực sự không thể tìm ra lựa chọn nào đáng được ưu tiên hoặc hoàn toàn nổi trội thì chúc mừng, bạn đã thắng! Bạn đang ở trong một tình huống bất bại, nghĩa là cả năm lựa chọn ấy đều xứng đáng được chọn, giữa chúng không có khác biệt đáng kể, tất cả chúng đều hiệu quả với bạn, vậy nên bạn có thể lựa chọn mà không phải suy nghĩ quá nhiều.
3. Lựa chọn một cách sáng suốt
Giờ đây, khi bạn đã hoàn thành việc tập hợp và thu gọn danh sách lựa chọn, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn khó khăn nhất: quyết định lựa chọn.
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu về cách thức bộ não hoạt động trong quá trình chọn lựa. May mắn thay, giờ đây ngành nghiên cứu não bộ phát triển một cách chóng mặt và chúng ta được cung cấp một lượng đáng kể các kiến thức về cách con người tư duy, ghi nhớ và ra quyết định. Năm 1990, John Mayer và Peter Salovey viết một bài báo học thuật có sức ảnh hưởng sâu rộng, giới thiệu về Trí tuệ Cảm xúc. Họ cho rằng để gặt hái được thành công và hạnh phúc thì chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) không kém phần quan trọng so với chỉ số thông minh nhận thức (IQ), thậm chí là quan trọng hơn trong nhiều trường hợp. Năm 1995, phóng viên chuyên mục khoa học tờ New York Times , Daniel Goleman, đã giới thiệu khái niệm Trí tuệ Cảm xúc đến đông đảo bạn đọc qua quyển sách đầu tay của mình. Từ đó, Trí tuệ Cảm xúc trở thành một hiện tượng văn hóa, ai cũng nghe nói đến Trí tuệ Cảm xúc nhưng rất ít người thực sự hiểu được ý nghĩa của nó cũng như vận dụng nó trong đời sống.
Hóa ra phần não giúp chúng ta đưa ra lựa chọn tốt nhất lại nằm ở hạch nền, vốn chẳng liên quan gì đến các trung tâm ngôn ngữ của chúng ta, thế nên không được truyền đạt bằng lời mà truyền đạt bằng cảm xúc, thông qua sự kết nối với ruột – chúng ta thường gọi đó là trực giác. Những kinh nghiệm mà ta thu thập được về điều có hiệu quả hoặc không hiệu quả đối với cuộc sống của ta sẽ giúp ta đưa ra quyết định. Để đưa ra một quyết định tốt, chúng ta cần hiểu được cảm xúc và các phản xạ của mình đối với những lựa chọn.
Bộ não thường huyên thuyên không ngớt khi ta cố gắng tìm cách đưa ra quyết định tốt, việc này cản trở chúng ta kết nối với trực giác của mình. Việc thu thập thông tin chính xác là rất quan trọng, thế nên bạn cứ làm hết những việc cần thiết như ghi chú, tạo các bảng tính, bảng so sánh và trò chuyện cùng chuyên gia,… Nhưng một khi những việc ấy đã xong, hãy để phần vỏ não trước dẫn đường. Chúng ta cần tiếp cận trung tâm thông thái ấy, nơi mà Trí tuệ Cảm xúc có thể giúp ta phân định ra những lựa chọn tốt.
Hầu hết chúng ta thường xuyên sử dụng hiểu biết nhận thức – loại hình trí tuệ được cho là khách quan, có tổ chức và chứa đựng nhiều thông tin. Thế nhưng chúng ta cũng cần trau dồi vốn hiểu biết về những khía cạnh khác, bao gồm hiểu biết cảm xúc, tâm linh, trực giác, hiểu biết xã hội, hiểu biết vận động,… Bạn của Dave, một nhà trị liệu xuất chúng, để ý rằng hễ cô sắp nhắc đến một vấn đề hệ trọng nào đó đối với khách hàng của mình thì đầu gối bên trái của cô sẽ cảm thấy nhói. Cô không hiểu lý do nhưng trải qua nhiều năm, cô bắt đầu tin vào những gì mà đầu gối trái muốn nói với mình. Bởi đã học cách lắng nghe… đầu gối mình nên cô có thể đưa ra những quyết định chính xác hơn và phục vụ khách hàng tốt hơn.
Điểm chính yếu ở bước này là đưa ra những quyết định sáng suốt bằng cách áp dụng hiểu biết đa chiều thay vì chỉ dùng năng lực phán xét của ý thức, vốn uyên bác nhưng không đủ bao quát để chúng ta có thể dựa hoàn toàn vào nó. Chúng tôi cũng không đề nghị bạn chỉ đưa ra quyết định mang tính cảm xúc, tất cả chúng ta đều biết về những trường hợp mà cảm xúc đẩy con người vào rắc rối, thế nên chúng tôi không bảo bạn dùng con tim hay trực giác thay vì dùng não. Chúng tôi đề nghị bạn vận dụng tất cả những năng lực mà mình có vào việc ra quyết định và đảm bảo là bạn tạo ra đủ không gian để những hiểu biết cảm xúc và bản năng của mình có thể hiển lộ trong quá trình ấy.
Nói cách khác, đừng quên lắng nghe xem liệu cơ thể, con tim và trực giác có muốn nói gì với bạn chăng.
Để làm được điều này, bạn phải đào luyện và bồi dưỡng khả năng tiếp cận cũng như nhận thức của mình về các hiểu biết mang tính cảm xúc, trực giác, tâm linh,... Trải dài suốt nhiều thế kỷ, con đường được thừa nhận phổ biến nhất giúp bạn tiến gần hơn đến trạng thái đó là những phương pháp tu tập cá nhân như: viết nhật ký, cầu nguyện, thiền định kết hợp với rèn luyện thể chất như tập yoga, Thái Cực Quyền,…
Chúng tôi không có đủ không gian cũng như kiến thức chuyên môn để hướng dẫn bạn về mọi thứ, nhưng chúng tôi khuyến khích bạn tìm hiểu về chúng. Những bài tập hợp lý sẽ giúp bạn tiếp cận tốt hơn với vốn trí tuệ của mình trong việc đưa ra quyết định có liên quan đến bản chất của những hiểu biết sâu sắc. Những hiểu biết mang tính cảm xúc, trực giác và tâm linh thường rất tinh tế và lặng thầm. Người ta hiếm khi tiếp cận được với trí tuệ sâu sắc của mình bằng cách hớt hải chạy đua cùng kỳ hạn công việc, ngôn từ, hoặc lướt xem cả đống tin tức. Nó phải là một quá trình chậm rãi và tĩnh lặng để luyện tập thường xuyên, đều đặn nhằm đạt được sức mạnh cũng như sự cân bằng. Đó là khi bạn có thể đầu tư cho trí thông minh cảm xúc và sự trưởng thành về mặt tâm lý để luôn sẵn sàng cho những lúc phải ra quyết định.
Thời điểm tốt nhất để chuẩn bị sẵn sàng chính là ngay bây giờ – lúc này và hôm nay là thời điểm tốt nhất để tiến hành đầu tư cho trí tuệ. Đây là một kỹ thuật cụ thể mà bạn có thể thử để cải thiện khả năng tiếp cận với Trí tuệ Cảm xúc: hãy thấu hiểu.
Sự thấu hiểu
Trong bộ phim khoa học viễn tưởng kinh điển nổi tiếng những năm 1960, Stranger in a Strange Land , Robert Heinlein đã nghĩ ra từ “grok” để mô tả cách người Sao Hỏa học hỏi nhằm trở nên hiểu biết. Nó có nghĩa là hiểu một điều gì đó sâu sắc và trọn vẹn đến mức bạn cảm thấy mình đã hòa làm một với nó. Vì nước là rất hiếm thấy đối với họ, người Sao Hỏa không đơn thuần thắc mắc xem nước là gì hay chỉ uống nước, mà họ hiểu sâu sắc về nó. Giờ thì từ “grok” được sử dụng rộng rãi hơn, “I grok that” nghĩa là “Tôi đã hiểu thấu việc đó rồi”.
Khi bắt tay vào việc lựa chọn từ danh sách đã được thu gọn của mình, bạn dùng lý trí để đánh giá các vấn đề, suy tính kỹ càng về những lựa chọn, vậy hẳn đã đến lúc bạn cần hiểu vấn đề một cách sâu sắc. Để hiểu sâu sắc một lựa chọn, bạn không suy nghĩ về nó mà bạn trở thành nó.
Giả sử bạn có ba lựa chọn, hãy chọn một trong ba và thôi suy nghĩ về chúng. Sau đó, hãy luôn nhớ rằng bạn đã chọn lựa chọn A, nó là hiện thực của bạn, khi bạn đánh răng vào buổi sáng, khi bạn dừng đèn đỏ, khi bạn hít thở,... mọi khoảnh khắc đều liên quan đến lựa chọn A. Ý tưởng lớn ở đây là bạn sống trong tưởng tượng với lựa chọn A. Bạn không suy nghĩ về lựa chọn A từ thực tế hiện tại mà chỉ sống thật bình thản với lựa chọn A, sau vài ngày làm việc này (hoặc bao lâu là tùy ý bạn), hãy dành ít nhất một hoặc hai ngày để “giải lao”, trở về với cuộc sống thường nhật và khởi động lại. Làm tương tự với lựa chọn B, rồi đến lựa chọn C, cuối cùng hãy suy ngẫm thật thấu đáo về tất cả những trải nghiệm mà bạn đã có, điều gì trong số chúng là cái bạn mong muốn hoặc không muốn chung sống. Kỹ thuật này không đảm bảo hiệu quả tuyệt đối nhưng nó cho phép những hiểu biết đa chiều – cảm xúc, tâm linh, xã hội, trực giác – có thể hiện diện để bổ trợ cho hiểu biết mang tính đánh giá của lý trí.
4. Buông bỏ và tiến về phía trước
Trước khi thảo luận về sự buông bỏ, chúng ta nên đề cập đến lý do tại sao bước cuối cùng không phải là dằn vặt, sự dằn vặt trông sẽ như thế này:
“Liệu mình đã làm đúng chưa nhỉ?”
“Có chắc đây là lựa chọn tốt nhất không?”
“Nếu mình chọn khác đi thì sao?”
“Không biết mình có thể quay ngược thời gian và làm lại từ đầu không nhỉ?”
Nếu bạn không rõ chúng tôi muốn nói gì, bạn thuộc thiểu số những người may mắn, nhưng nếu bạn giống với hầu hết chúng tôi thì đây là những câu hỏi quen thuộc. Sự dằn vặt về quyết định của mình hết lần này đến lần khác là một dấu hiệu phổ biến với hầu hết mọi người khi đưa ra quyết định. Ta dằn vặt là vì quan tâm đến cuộc sống của mình và của những người khác, chúng ta cố gắng mang đến cho tương lai những cơ hội tốt nhất có thể. Chúng ta muốn đưa ra những quyết định tốt, nhưng cũng không thể biết được liệu ta đã làm đúng hay chưa. Không ai trong chúng ta có thể nhìn thấy tương lai một cách chính xác, vậy làm sao để chúng ta có thể đẩy lùi cảm giác dằn vặt này?
Hóa ra quan niệm của chúng ta về cách đưa ra quyết định tốt cũng quan trọng như bản thân quyết định mà chúng ta đưa ra vậy. Đối với ta, cách tốt nhất để hạnh phúc với quyết định của mình là đưa ra quyết định tốt nhất. Nghe thật đơn giản, nhưng bạn không thể đưa ra quyết định tốt nhất nếu không biết đó là quyết định nào, mà bạn cũng chẳng thể biết cho đến khi tất cả những hệ quả đã thể hiện ra hết. Bạn có thể nghiên cứu về việc đưa ra quyết định tốt nhất trong khả năng của mình, với những gì bạn biết trong hiện tại, nhưng nếu mục tiêu của bạn là “đưa ra quyết định tốt nhất”, bạn sẽ không thể nào biết được liệu bạn đã thành công hay chưa. Sự mông lung đó khiến bạn mãi tập trung vào việc liệu mình đã làm đúng hay chưa và nhẩm đi nhẩm lại những lựa chọn mà mình đã bỏ qua, đây chính là sự dằn vặt. Việc gặm nhấm làm cạn kiệt sự thỏa mãn đối với lựa chọn mà bạn đã đưa ra và khiến bạn phân tâm, ngăn bạn tiến lên phía trước với lựa chọn của mình.
Giáo sư Dan Gilbert, Đại học Harvard, đã nghiên cứu lĩnh vực này và thực hiện một nghiên cứu về cách mọi người ra quyết định trước những bức tranh của danh họa Monet.
Ông yêu cầu mọi người xếp hạng năm bức tranh khác nhau của danh họa Monet dựa trên ý thích, theo thang điểm từ 1 đến 5. Với mọi bức tranh mà người tham gia nghiên cứu cho điểm 3 và 4, các nhà nghiên cứu bảo rằng trùng hợp thay đang có sẵn một số tranh chép để người tham gia mang về nhà nếu muốn, hầu hết mọi người đều chọn bức mà họ đánh số 3. Điều thú vị là sau đó, các nhà nghiên cứu nói với một số người rằng họ có thể đổi bức tranh đã mang về để lấy một bức khác nếu họ muốn. Một số người khác thì lại được bảo rằng một khi đã chọn bức tranh nào thì họ phải giữ nó và không được đổi nữa.
Sau vài tuần, các nhà nghiên cứu liên lạc với những người tham gia nghiên cứu. Trớ trêu thay, những người có thể đổi tranh, dù là họ chọn đổi hay không, lại kém hài lòng với lựa chọn của mình hơn so với những người không có quyền đổi tranh. Hóa ra khả năng hoán đổi lựa chọn lại không mang đến sự hài lòng, hạnh phúc mà còn khiến chúng ta nghi ngờ lựa chọn của mình.
Tệ hơn nữa, trong quyển The Paradox of Choice , nhà nghiên cứu Barry Schwartz cho thấy chính cách não bộ xử lý các quyết định đã gây thêm cho ta nhiều vấn đề. Khi chúng ta đưa ra quyết định giữa nhiều lựa chọn, hoặc chỉ đơn giản là nhận thức được rằng có nhiều lựa chọn khác, chúng ta sẽ không hạnh phúc với lựa chọn của mình. Vấn đề ở đây không chỉ là những lựa chọn ta có nhưng không đeo đuổi, mà là cả núi lựa chọn chúng ta thậm chí còn chưa biết đến. Chúng tạo nên một sức cản khổng lồ đối với sự thanh thản trong việc chọn lựa, theo kiểu “hẳn phải có một lựa chọn tốt hơn ngoài kia mà chúng ta đã để lỡ mất”. Trong thời đại toàn cầu hóa với sức mạnh mang đến vô vàn lựa chọn của Internet, chúng ta đang trở nên bất hạnh với lựa chọn của mình hơn bất cứ thế hệ nào trong lịch sử.
Thế có tuyệt không cơ chứ!
Hãy nhớ rằng những lựa chọn trong tưởng tượng không bao giờ thực sự tồn tại bởi chúng không được thực hiện. Chúng ta không cố gắng sống đời hư ảo, chúng ta đang thiết kế một cuộc sống thực tế. Nếu cứ tự tạo gánh nặng cho mình với khao khát biết tường tận về mọi lựa chọn cũng như mọi khả năng trên đời thì chúng ta không bao giờ quyết định được. Trong việc thiết kế cuộc sống, chúng ta biết rằng có vô số khả năng nhưng không để mình bị lúng túng trước thực tế đó. Chúng ta say sưa khám phá những khả năng mới, hành động bằng cách bắt đầu với một lựa chọn. Chỉ thông qua hành động ta mới có thể tiến về phía trước, thế nên hãy tự rèn luyện để nhanh chóng buông bỏ những lựa chọn không còn cần thiết. Hãy tự tin rằng bạn luôn có nhiều lựa chọn hơn trong tương lai, hãy cứ lựa chọn hạnh phúc và hạnh phúc với lựa chọn của mình.
Khi bạn thấy nghi ngờ, cứ buông bỏ và tiếp tục tiến về phía trước. Mọi việc thực sự đơn giản thế đấy.
Không phải chúng tôi bảo bạn lờ đi những con đường bí ẩn, nhưng việc tiếp tục tiến lên phía trước sẽ nâng cao đáng kể khả năng thành công trong việc thực hiện những lựa chọn của bạn, dẫn bạn đến với hạnh phúc cùng sự thỏa mãn trên hành trình của mình.
Hãy tự mang đến cho mình thật nhiều lựa chọn, sau đó thu hẹp danh sách lại ở mức bạn có thể quản lý được (chúng tôi đề nghị tối đa là năm lựa chọn) để đưa ra lựa chọn tốt nhất có thể, hết mình với nó và xây dựng con đường tiến lên phía trước. Hãy nhớ rằng nếu bạn làm việc này với sự lặp đi lặp lại mang tính thử nghiệm, bạn sẽ không rơi vào tình trạng khẩn cấp hoặc phải đánh đổi quá nhiều. Một khi đã lựa chọn, hãy trân quý lựa chọn của mình và đi đến cùng với nó. Khi những câu hỏi dằn vặt lẻn vào đầu bạn, hãy đuổi chúng ra và hướng nguồn năng lượng của mình vào việc sống thật tốt với lựa chọn hiện tại. Đôi khi, quan sát phía sau mình là cần thiết nhưng cũng đừng dán chặt mắt vào “kính chiếu hậu” và hối tiếc khôn nguôi về những quyết định đã rồi.
Bước buông bỏ này về căn bản là dựa trên kỷ luật cá nhân. Hãy trang bị sẵn hiểu biết đúng đắn về việc ra quyết định và đảm bảo giành được phần thắng trong mọi cuộc tranh luận nội tâm mỗi khi bạn cảm thấy bất an. Hãy tìm một người đồng đội hoặc lập nhóm thiết kế cuộc sống để họ hỗ trợ và nhắc nhở bạn về lý do bạn đưa ra những lựa chọn của mình. Hãy viết nhật ký về quyết định của bạn và đọc lại nó mỗi khi cảm thấy bối rối. Hãy tìm ra những phương pháp hiệu quả cho phép bản thân bạn tận hưởng mọi lựa chọn của mình một cách trọn vẹn.
Niềm tin sai lệch: Hạnh phúc là có tất cả.
Tái định dạng nhận thức: Hạnh phúc là biết buông bỏ những gì không cần thiết.
Nắm bắt cái mới để buông bỏ cái cũ
Andy là một trong những sinh viên dự bị y khoa hàng đầu, chính xác thì anh là sinh viên dự bị ngành Y tế Công. Andy có hai ý tưởng cơ bản về tương lai và một kế hoạch dự phòng, tất cả đều hướng đến cùng một sứ mệnh to lớn – sửa đổi hệ thống y tế.
Andy nhận thấy rằng hệ thống y tế cần được cải thiện về nhiều mặt, nhất là về thực trạng thiếu công bằng mà trong đó, chỉ người giàu mới tiếp cận được với sự chăm sóc tốt nhất. Anh nghĩ rằng mình có thể trở thành nhà cố vấn chính sách y tế công có ảnh hưởng, hoặc trở thành một doanh nhân ngành công nghệ y khoa. Mặc dù việc tham gia giới chính trị không phải là việc dễ dàng nhưng Andy tin rằng chỉ những người có chức vụ lớn trong ngành mới có khả năng tạo nên thay đổi sâu sắc. Còn trong lĩnh vực công nghệ y khoa, anh tin rằng sự phát triển của công nghệ có thể tạo nên những thay đổi đáng kể vì chúng phụ thuộc vào tốc độ của thị trường chứ không phải các chính sách.
Kế hoạch dự phòng của anh là “làm một bác sĩ đơn thuần”. Thật buồn cười khi nói như vậy nếu xét đến vai trò cao quý của một vị bác sĩ trong xã hội, đặc biệt là đối với một gia đình gốc Á như của Andy. Nhưng anh vẫn tự nhủ như thế, không phải vì tỏ ra khinh khi mà anh đang thành thật, kế hoạch dự phòng của anh là một chính sách bảo hiểm trong trường hợp anh không thể tìm được cách tạo nên tác động mang tính xã hội rộng khắp và đành hướng nỗ lực của mình vào một sân chơi nhỏ hơn. Một bác sĩ vẫn có thể tạo được tác động thông qua quá trình hành nghề của mình, dù chỉ là trong một bệnh viện địa phương.
Vậy Andy phải lựa chọn con đường nào đây? Thật ra đó không phải là quyết định khó khăn đối với Andy, anh cho rằng con đường chính sách luôn đầy tiềm năng và cũng vô cùng thú vị, rất đáng để anh theo đuổi. Vậy anh có nên theo học bằng thạc sĩ ngành Y tế Công1 (M.P.H.) rồi chuyển hẳn đến Washington làm việc không? Hay anh nên lấy bằng bác sĩ y khoa2 (M.D.) trước rồi mới lấy bằng M.P.H.? Andy biết rằng trong môi trường y khoa, bằng M.D. rất được coi trọng và tiếng nói của những người có bằng M.D. có trọng lượng hơn nhiều trong mọi trường hợp. Anh không thực sự tin rằng việc lấy được bằng M.D. có thể khiến mình trở thành một nhà cố vấn thông thái hơn nhưng anh thực sự rất muốn tạo nên sự khác biệt và sẵn lòng cân nhắc việc dành ra từ tám đến mười năm để nâng cao độ tín nhiệm của mình (bốn năm lấy bằng M.D. và bốn đến sáu năm nội trú để có giấy phép hành nghề).
1. M.P.H. – Master of Public Health
2. M.D. – Doctor of Medicine
Đây là một quyết định khó khăn đối với anh, mười năm có vẻ là một khoảng thời gian quá dài để bắt đầu những việc mà anh muốn làm. Andy cứ mãi suy đi tính lại về việc ấy nhưng vẫn không thể đưa ra một quyết định ổn thỏa. Ngay khi anh quyết định học bằng M.P.H. và bắt đầu sự nghiệp, có lẽ anh sẽ bảo: “Nhưng… nếu họ không xem trọng và lắng nghe tôi thì khởi đầu đó sẽ chẳng ích gì!”. Và ngay khi anh quyết định vào trường y, dám anh cũng lại bảo: “Nhưng… mười năm lâu quá, không thể chờ nổi. Ai biết rồi việc gì sẽ xảy ra vào lúc đó?”. Andy cứ tiếp tục cái vòng lẩn quẩn của những ý nghĩ xét đoán thiệt hơn, anh có cảm giác như thể bộ não mình bị mắc kẹt trong vòng quay của chuột hamster, nó quay mòng mòng không ngừng nghỉ, ngày cũng như đêm.
Cuối cùng cũng đến một ngày Andy ngừng suy tư về những quyết định và ngay lúc ấy, anh chợt phát hiện ra rằng phiên bản Andy học trường y trông tốt hơn nhiều so với phiên bản Andy chỉ học trường chính sách. Khi xem xét việc trở thành bác sĩ, phiên bản Andy học trường y cảm thấy lo lắng về thời gian mười năm nhưng cuối cùng vẫn nghĩ: “Đó quả là một khoảng thời gian dài nhưng mình thực sự rất tâm huyết với việc tạo nên sự thay đổi cho ngành y tế. Mình sẽ làm mọi thứ có thể để chuẩn bị thật tốt và nỗ lực hết mình, không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào”. Mặt khác, khi câu hỏi “Sẽ thế nào nếu chẳng ai quan tâm đến mình trong trường hợp mình không có bằng M.D.?” xuất hiện, anh ấy không có được câu trả lời nào cho ra hồn, anh chỉ cảm thấy tệ hại về điều đó.
Thế nên anh lựa chọn vào trường y và dành ra mười năm tiếp theo phấn đấu trở thành một bác sĩ, sau đó trở thành một nhà cố vấn chính sách có sức ảnh hưởng trong tương lai. Được rồi, thế là lựa chọn đã được đưa ra, mọi thứ vậy là xong xuôi rồi phải không?
Sai.
Andy vẫn phải thực hiện bước bốn, đó là buông bỏ và tiếp tục tiến lên. Andy đã nhanh chóng nhận ra lý do chúng tôi đặt cái tên này cho bước bốn, bí quyết của việc buông bỏ chính là tiếp tục tiến lên. Việc chỉ đơn thuần buông bỏ là rất khó khăn, đối với một số người đó là việc không thể nào làm được. Ngay lúc này, bạn hãy thử đưa vào tâm trí mình bất kỳ điều gì ngoại trừ một con ngựa xanh xem nào. Bất kể bạn làm gì, đừng nghĩ về hoặc tưởng tượng ra một con ngựa xanh. Ngựa đốm xanh cũng không, kỳ lân xanh cũng không, ngựa con xanh được thắng yên sọc trắng đỏ và buộc dây ruy băng hồng ở đuôi cũng không.
Xin vui lòng không nghĩ đến một con ngựa xanh trong vòng một phút.
Được rồi, giờ thì bạn cảm thấy thế nào? Nếu bạn giống với hầu hết mọi người mà chúng tôi từng làm việc cùng, bạn đâm ra bị ám ảnh bởi những chú ngựa xanh. Đó là vấn đề của việc buông bỏ, nó giống với một sự chống lại hành động hơn là hành động và bộ não của chúng ta căm ghét việc đó. Vì vậy, bí quyết để buông bỏ chính là tiếp tục tiến lên và nắm lấy một thứ khác. Hãy chú tâm vào một điều khác thay vì cố không chú tâm vào điều bạn cần buông bỏ.
Làm thế nào Andy buông bỏ được nỗi băn khoăn rằng rất có thể anh đang lãng phí cả một thập kỷ của đời mình? Làm thế nào để anh từ bỏ hẳn ý định lấy bằng M.P.H., vốn chỉ tốn hơn hai năm, sau đó mỗi sáng anh có thể chạy bộ quanh các tòa nhà Quốc hội, trở thành một nhà cố vấn chính sách trong ngành y tế? Andy nhận ra rằng cách duy nhất để thoát khỏi sự phiền toái đó là đối diện với nó và đưa ra câu hỏi “Làm thế nào để có thể tiếp tục tiến lên và dấn thân vào việc trở thành một bác sĩ?”.
Ngay khi làm việc đó, Andy nhận ra rằng lựa chọn phiên bản Andy học trường y đã mang đến cho anh một kế hoạch dự phòng miễn phí – trở thành một bác sĩ. Anh biết rằng các sinh viên y khoa sẽ bắt đầu thực tập chỉ trong vài năm đầu và dành những năm nội trú còn lại để hỗ trợ bác sĩ khám chữa bệnh. Chuyên khoa nào sẽ có liên quan nhiều nhất đến chính sách y tế? Trường y nào có mối liên hệ mạnh mẽ nhất với chính quyền Washington và có chương trình đào tạo liên thông M.P.H.? Cơ sở chăm sóc sức khỏe nào sẽ cho anh nhiều cơ hội học hỏi nhất: Một phòng khám địa phương? Một bệnh viện lớn? Hay là trạm y tế tại các thị trấn, hay các thành phố? Ngay khi anh bắt đầu đánh giá cao những gì mà ngành đào tạo y khoa có thể mang lại và tìm ra cách tận dụng nó, trong anh nảy ra hàng tấn ý tưởng và vô số vấn đề thú vị để theo đuổi. Bằng cách tưởng tượng ra con đường tiến lên phía trước, anh đã cho tâm trí mình được buông bỏ. Anh tìm ra rất nhiều cách để thực hiện các cuộc trò chuyện thử nghiệm và để có các kinh nghiệm thử nghiệm liên quan đến chính sách y tế trong vai trò là một sinh viên y khoa và một bác sĩ nội trú.
Andy là một sinh viên xuất sắc.
Bước ra khỏi vòng lẩn quẩn
Những nhà thiết kế sẽ không ngồi yên chịu khổ, họ không tự dằn vặt về những chuyện đã rồi. Họ không lãng phí tương lai bằng cách hy vọng về một quá khứ tốt đẹp hơn. Những nhà thiết kế cuộc sống nhìn thấy cơ hội phiêu lưu trong bất cứ thiết kế cuộc sống nào mà họ đang xây dựng và hướng đến.
Đây chính là cách bạn lựa chọn hạnh phúc.