Niềm tin sai lệch: Công việc mơ ước đang chờ tôi đâu đó ngoài kia.
Tái định dạng nhận thức: Bạn thiết kế công việc mơ ước của mình bằng cách chủ động tìm kiếm, đồng thời sáng tạo ra nó.
Nếu công việc mơ ước không nằm ngay thềm nhà, bạn sẽ tìm thấy nó ở đâu? Trước hết, hãy làm rõ rằng không có công việc nào là công việc mơ ước. Những gì bạn nhìn thấy ngoài kia là những công việc thú vị tại các tổ chức lớn, trong đó toàn những con người làm việc chăm chỉ, tận tụy, cố gắng lao động chân chính. Có ít nhất vài công việc tốt ở những chỗ tốt với những người đồng nghiệp tốt mà bạn có thể khiến chúng trở nên gần như hoàn hảo. Đó là những công việc “trong mơ” mà chúng tôi có thể giúp bạn tìm ra, nhưng hiện giờ hầu như bạn không nhìn thấy bất kỳ công việc nào như vậy, chúng thuộc phần bị giấu kín của thị trường việc làm.
Như đã nói ở những phần trước, chúng tôi không khuyến khích bạn dựa vào Internet để tìm việc. Thật ra tại Mỹ chỉ có khoảng 20% vị trí cần tuyển dụng được đăng tải trực tuyến, nghĩa là trong năm vị trí cần tìm người thì có đến bốn vị trí không can dự gì đến mô hình tìm việc thông thường. Đây quả là một con số đáng kinh ngạc, chẳng trách có quá nhiều người cảm thấy thất vọng và chán nản khi tìm việc làm.
Vậy bạn phải làm sao để thâm nhập vào phần giấu kín ấy của thị trường việc làm? Câu trả lời là bạn không thể, không ai có thể hết. Phần thị trường ấy chỉ đón nhận những người đã kết nối với mạng lưới các mối quan hệ thuộc lĩnh vực có vị trí cần tuyển. Đây là trò chơi nội bộ và gần như chúng ta không thể nào tiếp cận mạng lưới đó với vai trò là người tìm việc. Nhưng chúng ta có thể bước vào mạng lưới đó với vai trò là một người quan tâm chân thành – người chỉ tìm kiếm câu chuyện chứ không màng đến công việc. Trùng hợp thay, điều bạn cần làm để tiến vào vùng giấu kín của thị trường cũng đồng thời là kỹ thuật mà bạn sử dụng để biết mình muốn theo đuổi công việc nào, đó chính là phương pháp thử nghiệm Phỏng vấn Thiết kế Cuộc sống (đã được thảo luận ở chương 6). Kurt, chàng trai có bằng thạc sĩ Đại học Yale và Stanford, gửi đi ba mươi tám lá đơn xin việc mà không nhận được phản hồi gì, đã hết sức chán nản bởi thất bại với các phương pháp tìm việc truyền thống. Nhận ra đã đến lúc phải áp dụng tư duy thiết kế vào quá trình tìm việc, Kurt thôi nộp đơn khắp nơi và bắt đầu tiến hành các cuộc Phỏng vấn Thiết kế Cuộc sống – anh thực hiện năm mươi sáu cuộc phỏng vấn thử nghiệm với những người mà anh thật lòng muốn gặp. Năm mươi sáu buổi trò chuyện ấy đã mang đến kết quả là bảy lời mời từ bảy công ty khác nhau, tất cả chúng đều rất tốt và anh đã chọn một công việc thật sự đáng mơ ước đối với bản thân mình. Giờ đây anh làm việc toàn thời gian cho một công ty có giờ làm việc linh động, cự ly di chuyển thuận tiện, thù lao tốt và một công việc rất có ý nghĩa với anh trong lĩnh vực thiết kế bền vững nhằm bảo vệ môi trường. Anh đã có được những cơ hội quý giá ấy không phải bằng cách đi xin việc, mà bằng cách “hỏi xin” các câu chuyện đời của người khác.
Hãy nhớ rằng toàn bộ mục tiêu của bạn khi thực hiện Phỏng vấn Thiết kế Cuộc sống là để học hỏi về một công việc hoặc vai trò cụ thể nào đó, tìm hiểu xem liệu bạn có muốn thử làm một công việc như thế không. Trong khi tiến hành cuộc trò chuyện, bạn thật sự không theo đuổi công việc, mà bạn theo đuổi câu chuyện. Nhưng chúng tôi lại vừa bảo với bạn đó là cách mà Kurt nhận được bảy lời mời làm việc, vậy làm thế nào mà việc đó xảy ra được? Đó là một câu hỏi quan trọng đấy, và câu trả lời thì đơn giản đến kinh ngạc.
Trong hầu hết các trường hợp, người mà bạn phỏng vấn sẽ tự giúp bạn làm điều đó, chẳng hạn như: “Kurt, anh có vẻ rất quan tâm đến những gì chúng tôi làm ở đây và dựa trên những gì anh kể nãy giờ, có vẻ như anh cũng là người rất có năng lực. Anh có nghĩ đến chuyện làm tại một nơi giống như chỗ tôi không?”.
Bên cạnh đó, theo ghi nhận của chúng tôi thì lời đề xuất về việc làm trong phân nửa các trường hợp đến từ người được phỏng vấn, bạn không cần phải mở lời trước. Nếu họ không làm vậy, bạn có thể thử đưa ra câu hỏi biến đổi cuộc trò chuyện tìm hiểu về công việc thành cuộc trò chuyện về việc làm, chẳng hạn như: “Càng tìm hiểu về môi trường làm việc ở XYZ và gặp gỡ thêm nhiều người ở đây, tôi càng cảm thấy thú vị vô cùng. Allen, tôi tự hỏi một người như mình có thể làm gì để trở thành một phần của tổ chức nhỉ?”.
Thế đấy, ngay khi bạn đưa ra câu hỏi kiểu “có những bước nào cần thực hiện”, Allen biết đã đến lúc bắt đầu suy xét về bạn như một ứng viên, nghĩa là anh ta sẽ bắt đầu dùng bộ não phán xét, nhưng như thế cũng không hề gì. Việc này thỉnh thoảng vẫn diễn ra, nên khi bạn bắt gặp thời điểm thích hợp, hãy mạnh dạn đưa ra lời đề nghị.
Nhưng nhớ là đừng nên nói: “Nơi này thật tuyệt! Các anh có vị trí nào còn trống không?”. Thường thì câu trả lời sẽ là “Không”, trong khi đó kiểu câu hỏi mà chúng tôi gợi ý là dạng câu hỏi mở và nó mời gọi những khả năng vượt ngoài tình thế hiện tại. Nếu bạn đặt ra câu hỏi ấy với Allen, người mà bạn đã kết nối khá tốt và giành được sự tôn trọng từ anh ấy, chúng tôi hy vọng bạn sẽ nhận được câu trả lời bộc trực nhưng đầy khích lệ. Allen rất có thể sẽ nói: “Trong thời gian tới chúng tôi không cần thêm người, nhưng tôi nghĩ anh sẽ rất phù hợp để làm việc tại một trong những công ty đối tác. Anh có gặp ai ở Green Space chưa nhỉ? Tôi nghĩ anh sẽ thích những gì họ đang làm”.
Việc này vẫn xảy ra luôn.
Nhân tiện, trong bảy công ty mời Kurt về làm việc thì có đến sáu công ty là anh không phải đưa ra lời đề nghị. Anh chỉ tập trung lắng nghe câu chuyện của những người mà mình đang phỏng vấn, rồi họ chủ động giới thiệu công việc cho anh, hầu hết đều là vị trí không được đăng tuyển. Chúng chính là phần bị che giấu của thị trường việc làm.
Câu chuyện của Kurt còn có điểm thú vị là trong vòng phỏng vấn cuối tại công ty hiện anh đang làm việc, ban giám đốc đã đặt ra câu hỏi đầu tiên là: “Liệu anh có khả năng thiết lập các mối quan hệ cộng tác trong lĩnh vực kiến trúc bền vững một cách hiệu quả hay không? Dù sao thì anh cũng mới chuyển đến Georgia”. Nhìn quanh bàn, Kurt vừa vui sướng vừa kinh ngạc khi nhận ra ba trong số năm người ngồi đối diện đã từng uống cà phê và chuyện trò cùng mình. Anh trả lời: “Tôi đã tiếp cận ba người trong số các vị khá thành công và tôi rất tự tin khi tiếp tục làm công việc ấy trên danh nghĩa của tổ chức này”. Chỉ cần thế thôi, cuộc phỏng vấn đã thành công tốt đẹp. Nhưng trước khi tất cả những việc này diễn ra, anh đã nỗ lực rất nhiều để gầy dựng các mối quan hệ.
Mạng lưới cộng đồng
Khi Kurt dấn thân vào việc thực hiện những cuộc trò chuyện thử nghiệm, anh đã tiếp cận rất nhiều người để có được lời giới thiệu đến những người mình cần gặp gỡ. Để làm vậy, Kurt cần thiết lập mạng lưới các mối quan hệ, anh tìm cách tiếp cận với tất cả những người mình quen biết, sau đó là những người quen của họ. Anh thậm chí còn tiếp cận cả những người xa lạ trên Internet, hỏi họ xem mình nên gặp gỡ ai nếu muốn tìm hiểu thêm về ngành kiến trúc bền vững ở khu vực Atlanta. Đây là một công việc khá vất vả, nó không phải là phần Kurt thích nhất trong cả quá trình (thực tế thì chẳng ai thích cả) nhưng nó có hiệu quả và hoàn toàn cần thiết.
Ngày nay, nhiều người có ác cảm ngay lập tức với khái niệm “thiết lập mạng lưới quan hệ”. Nó gợi lên sự nhũng nhiễu, tư lợi, lợi dụng người khác để có được những gì mình không xứng đáng có được, giả vờ quan tâm đến người khác vì mục đích cá nhân. Những hình ảnh tiêu cực này rất mạnh mẽ và được củng cố bởi vô số nhân vật trên phim ảnh và trong tiểu thuyết, cũng như nhiều người thật việc thật mà chúng ta đã gặp hoặc nghe kể. Tin tốt lành là mặc dù những định kiến này không phải hoàn toàn thiếu cơ sở thực tế, nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Chúng ta hãy xem thử liệu mọi việc có thể trở nên nhẹ nhàng hơn với một hình ảnh mới về việc thiết lập mạng lưới quan hệ hay không.
Niềm tin sai lệch: Thiết lập mạng lưới quan hệ chỉ là lợi dụng con người, thật gian xảo.
Tái định dạng nhận thức: Thiết lập mạng lưới quan hệ là tìm kiếm phương hướng.
Hãy tưởng tượng rằng bạn đi dạo trên phố và một chiếc ô tô chầm chậm tấp vào lề, cửa kính xe hạ xuống và người ngồi trong xe nghiêng người về phía bạn với vẻ mặt bối rối. Giờ thì bạn sẽ thụp người xuống trốn, vừa chạy vừa la hét hay lôi bình xịt hơi cay của mình ra? Đùa thôi, vì với hầu hết chúng ta, phản ứng đầu tiên sẽ là hỏi xem họ có cần giúp đỡ gì không.
Vậy nếu người ngồi trong xe bảo mình bị lạc đường và nhờ bạn chỉ cho họ quán cà phê gần nhất, lối vào đường cao tốc hoặc đường đến công viên giải trí hay cửa hàng đồ cổ, bạn sẽ làm gì? Hầu hết chúng ta sẽ chỉ đường cho họ nếu có thể. Có lẽ họ sẽ hỏi thêm một chút về thị trấn của bạn, vài nơi họ muốn ghé thăm, hoặc chất lượng dịch vụ của quán cà phê mà bạn vừa chỉ đường cho họ. Rồi họ rời đi và bạn tiếp tục buổi đi dạo của mình. Bạn cảm thấy thế nào khi họ lái xe đi cùng với hướng dẫn chỉ đường và thông tin của bạn? Bạn có cảm thấy mình bị lợi dụng không? Bạn có cảm thấy bị xúc phạm không khi họ chẳng gọi điện cho bạn vào ngày hôm sau hoặc gửi lời mời kết bạn trên Facebook? Tất nhiên là không. Bạn và họ không phải bạn bè, các bạn không có quan hệ thân thiết. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết chúng ta thích giúp đỡ người khác. Đó là đặc tính sẵn có của mỗi người, chúng ta là những tạo vật mang tính xã hội và giúp đỡ lẫn nhau chính là một trong những việc khiến ta cảm thấy vui vẻ nhất.
Kurt không rành về ngành kiến trúc bền vững ở Atlanta, cũng như bạn không biết rõ về cộng đồng công nghệ nano ở Hồng Kông, các nhà máy bia thủ công ở Wichita, hoặc đơn vị trực cấp cứu ở Seattle. Bạn sẽ làm gì? Bạn hỏi đường người dân địa phương. Vậy việc hỏi gặp những người có thể giúp bạn hiểu thêm về công việc cũng tương tự thế thôi, chẳng có gì là quá ghê gớm.
Nói một cách đơn giản, “thiết lập mạng lưới quan hệ” có nghĩa là bạn tham gia một cộng đồng cụ thể để có những cuộc trò chuyện nhất định, về ngành kiến trúc bền vững chẳng hạn. Phạm vi hiểu biết của từng người được liên kết lại với nhau bởi một mạng lưới các mối quan hệ giữa người với người. Đó là một kết cấu giúp củng cố, bao bọc và liên kết các thành phần của xã hội. “Mạng lưới” Stanford mà chúng tôi là thành viên giúp liên kết những người đã từng học Stanford lại với nhau. “Mạng lưới” Silicon Valley là cộng đồng những doanh nhân tương trợ lẫn nhau để các doanh nghiệp công nghệ phát triển nở rộ. Hầu hết mỗi người đều có mạng lưới các mối quan hệ công việc (đồng nghiệp) và mạng lưới các mối quan hệ cá nhân (bạn bè và gia đình). Cách phổ biến nhất để người này gặp gỡ người kia trong mạng lưới các mối quan hệ công việc là thông qua sự giới thiệu từ mạng lưới các mối quan hệ cá nhân. Đây không phải là sự thiên vị, chỉ là một hành vi mang tính cộng đồng. Việc sử dụng mạng lưới các mối quan hệ công việc hay cá nhân để khởi đầu cuộc trò chuyện mang tính cộng đồng là điều tốt. Mạng lưới các mối quan hệ tồn tại để duy trì cộng đồng của những người có chung chí hướng và là cách duy nhất để tiếp cận phần bị giấu kín của thị trường việc làm.
Nhân nói về Internet, hóa ra thiết lập mạng lưới quan hệ chính là giai đoạn mà Internet có thể thực sự hỗ trợ quá trình tìm việc làm của bạn. Hãy sử dụng Internet, không phải để xem các thông tin tuyển dụng, chỉ là để tìm ra và tiếp cận những người mà bạn muốn gặp. Bella là một trong những sinh viên đã tốt nghiệp vài năm trước, vừa gọi điện để báo cho chúng tôi biết cô đã hạnh phúc như thế nào và phương pháp Phỏng vấn Thiết kế Cuộc sống hữu hiệu với cô ra sao. Cô đã phát hiện ra điều mình muốn làm (đầu tư tạo tác động1 tại các nước đang phát triển) và nhận được ba lời mời làm việc trong lĩnh vực đó. Tất cả là nhờ… hai trăm cuộc trò chuyện, chỉ trong vòng sáu tháng, thật thế đấy.
1. Đầu tư tạo tác động (impact investing) là hoạt động đầu tư vào các tổ chức và doanh nghiệp nhằm tạo ra tác động tích cực về mặt xã hội và môi trường, bên cạnh mục tiêu tài chính đơn thuần.
Bella kể rằng cô đã tìm ra và tiếp cận được hơn trăm người thông qua Google và LinkedIn. Có thể thấy cô đã hoàn thành xuất sắc việc thiết lập mạng lưới các mối quan hệ để có được những lời giới thiệu cần thiết, khả năng tận dụng các công cụ Internet đã tạo nên khác biệt to lớn. LinkedIn rõ ràng đã biến đổi khả năng tìm ra những người mà chúng ta mong được gặp, có rất nhiều sách và khóa học trực tuyến dạy bạn cách sử dụng những công cụ này sao cho hiệu quả, thậm chí còn có tài liệu hướng dẫn do chính LinkedIn cung cấp. Hãy học cách sử dụng chúng để nâng cách bạn tìm việc lên một tầm cao mới.
Tập trung vào lời mời thay vì công việc
Mỗi năm một lần, Hiệp hội các trường Đại học và Nhà tuyển dụng Quốc gia2 – tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 1956 – lại tiến hành thu thập dữ liệu về tình hình công việc của sinh viên mới tốt nghiệp, ví dụ như mức lương trung bình của sinh viên ra trường, những kỹ năng hàng đầu mà nhà tuyển dụng tìm kiếm, những ưu tiên lớn nhất của các sinh viên mới ra trường khi tìm việc. Bạn đoán xem các sinh viên vừa tốt nghiệp niên khóa 2014 cân nhắc điều gì trước tiên khi đi xin việc.
2. NACE – National Association of Colleges and Employers
Đó chính là tính chất công việc.
Lương thưởng và môi trường thân thiện là yếu tố thứ hai và thứ ba.
Vấn đề là chúng ta chẳng thể nào biết được “tính chất công việc” trước khi tiến thật gần đến bước thực hiện công việc đó. Có rất nhiều bản mô tả công việc thiếu chính xác và không đầy đủ, hầu hết mọi người từ bỏ một công việc có vẻ không phù hợp trước cả khi họ nộp đơn cho công việc đó, nghĩa là từ bỏ trước cả khi họ thực sự biết mình vừa khước từ điều gì. Đây là cái vòng lẩn quẩn có thể làm mất đi các cơ hội tiềm năng của bạn; chính vì thế, sự điều chỉnh nhận thức quan trọng nhất trong quá trình thiết kế công việc là bạn không tìm việc làm, bạn đang tìm một lời mời.
Niềm tin sai lệch: Tôi đang tìm việc làm.
Tái định dạng nhận thức: Tôi đang theo đuổi vài lời mời làm việc.
Hiện tại có thể bạn chưa thấy sự khác biệt lớn giữa hai khái niệm, nhưng đây thực sự là điểm then chốt. Nó thay đổi mọi thứ, từ những công việc bạn cân nhắc đến cách bạn viết thư xin việc, làm CV, trả lời phỏng vấn, chốt thỏa thuận và cuối cùng giành được cơ hội mà bạn hằng tìm kiếm. Tác động lớn nhất của sự tái định dạng nhận thức này là chuyển bạn từ một người đang cân nhắc xem liệu mình có nên nhận công việc này (thứ mà bạn chẳng biết gì về nó) thành một người hiếu kỳ muốn khám phá những lời mời làm việc thú vị. Nó lật bạn từ vị thế phán xét sang vị thế khám phá, từ tiêu cực sang tích cực và đó là một thay đổi hết sức to lớn.
Khi đi tìm việc, bạn dồn sự tập trung vào công việc đó và hành vi của bạn thường xoay quanh việc khiến cho công ty thuê bạn. Bạn phải thuyết phục người có thẩm quyền đối với công việc đó rằng bạn và bản mô tả công việc của họ phù hợp với nhau một cách hoàn hảo, như thể bạn với công việc ấy là trời sinh một đôi. Bởi bạn không thực sự biết rõ về tính chất công việc, nên nhiều khả năng là bạn giả vờ hăng hái hoặc bạn đang nói dối.
Chẳng ai muốn nghe những lời dối trá cả.
Trái lại, nếu bạn tìm kiếm một lời mời làm việc thay vì một công việc thì mọi sự thay đổi. Bạn không phải lừa dối ai, bạn có thể thật lòng hiếu kỳ về công việc vì sự thật là bạn rất muốn có cơ hội trải nghiệm. Đây không phải vấn đề ngữ nghĩa mà là một vấn đề xác thực. Khi điều chỉnh công cuộc tìm việc thành hành trình theo đuổi lời mời làm việc, bạn sẽ trở nên thực tế hơn, giàu năng lượng hơn, kiên trì hơn và vui vẻ hơn. Điều này sẽ khiến bạn có nhiều cơ hội nhận được lời mời hơn, người ta không tuyển dụng CV, họ tuyển dụng những con người thú vị. Bạn có biết chúng ta thường thấy quý mến ai nhất, dù là trong một cuộc hẹn hay trong buổi tuyển chọn nhân viên không? Đó là những người quan tâm đến chúng ta nhiều nhất.
Vấn đề nằm ở tính hiếu kỳ – một trong những phương cách tư duy quan trọng nhất của việc thiết kế cuộc sống. Dù bạn đang tìm công việc đầu đời hay chuyển đổi công việc, bạn cũng cần có sự hiếu kỳ chân thật. Đó là điểm cốt lõi của các cuộc trò chuyện thử nghiệm và kinh nghiệm thử nghiệm – luôn cởi mở và giữ thái độ hiếu kỳ trước mọi khả năng. Chúng tôi gọi đó là hành trình theo đuổi sự tuyệt vời tiềm tàng. Bạn cần tự hỏi bản thân: “Liệu tôi có thấy thú vị nếu được làm một công việc nào đó trong tổ chức này không? Liệu có 20%, hoặc thậm chí chỉ 10% khả năng tôi sẽ thích công việc này hay không?”. Nếu câu trả lời là có dù chỉ chút ít, thì chính lòng mong muốn khám phá về công việc ấy sẽ cho phép bạn thể hiện sự hiếu kỳ đích thực và thái độ sẵn lòng thử nghiệm thay vì loại bỏ công việc một cách oan uổng ngay khi bạn cho rằng nó không phù hợp với mình.
Bạn không thể biết về tính chất công việc cho đến khi bạn tiến hành tìm hiểu sâu hơn, hoặc cho đến khi bạn theo đuổi lời mời làm việc. Bạn không thể biết được điều đó từ một bản mô tả công việc không xác thực. Bạn không thể biết được điều đó với những ý niệm đầy định kiến về bản chất công việc.
Bạn hiếm khi biết được nhiều về công việc trước khi bạn nhận lời làm việc, thế nên hãy tìm kiếm càng nhiều lời mời làm việc càng tốt, sẽ có khả năng một trong số chúng phù hợp với bạn. Có thể một ngày nào đó, khi Hiệp hội các trường Đại học và Nhà tuyển dụng Quốc gia thực hiện cuộc nghiên cứu hằng năm thì ưu tiên lớn nhất của sinh viên mới tốt nghiệp khi tìm việc không còn là tính chất công việc nữa, mà là những điều tuyệt diệu tiềm tàng. Họ sẽ chú trọng vào khả năng để phát triển hơn là rơi vào vòng lẩn quẩn của những định kiến cá nhân.
Chuyện cổ tích về công việc
Kurt đã bước vào những cuộc trò chuyện đích thực và tìm được một công việc mà qua đó, anh có thể gầy dựng sự nghiệp của mình. Bạn cũng có thể làm như vậy. Chúng tôi biết rằng việc này rất khó, nó mang đến một khối lượng công việc khổng lồ; mặt khác, nó cũng hết sức thú vị và là cách duy nhất giúp chúng ta len lỏi vào phần giấu kín của thị trường việc làm. Ở một mức độ nào đó, nó cũng giống như trò chơi với những con số – bạn càng tạo được nhiều sự kết nối và càng thực hiện được nhiều cuộc thử nghiệm thì bạn càng nhận được nhiều lời mời làm việc.
Giữa ba mươi tám bộ hồ sơ gửi đi nhưng không có lời mời làm việc nào và năm mươi sáu cuộc trò chuyện đổi lại bảy lời mời làm việc và một mạng lưới quan hệ công việc tuyệt vời , bạn thích trường hợp nào hơn? Quyền lựa chọn là ở bạn.
Bạn hoàn toàn có thể sử dụng tư duy thiết kế để tìm được công việc đầu tiên, chuyển hóa công việc hiện tại, thiết kế công việc tiếp theo và tạo ra sự nghiệp kết hợp được cả quan điểm về công việc lẫn quan điểm về cuộc sống của bạn. Chúng tôi đặc biệt khuyến khích bạn chủ động hành động càng sớm càng tốt, đừng chờ đợi vì sẽ không có công việc dễ chịu nào xuất hiện để cứu vớt bạn đâu. Ý tưởng cho rằng công việc mơ ước của bạn đã có sẵn, chỉ còn chờ bạn phát hiện ra nó, vẫn mãi là một câu chuyện cổ tích mà thôi.
Chính bạn là người thiết kế nên công việc “đủ thú vị đến mức gần giống như trong mơ” bằng cách tư duy như một nhà thiết kế, tạo ra những lựa chọn, thử nghiệm và khiến cho những lựa chọn tốt nhất trở nên khả thi.
Hãy học cách sống với những lựa chọn của mình.