S
teve Jobs và Bill Gates chưa bao giờ viết sơ yếu lý lịch, đến ngày hội việc làm hay chật vật để có được giọng văn hoàn hảo cho câu mở đầu hoàn hảo của một lá thư xin việc hoàn hảo. Sự hoàn hảo chẳng đóng vai trò gì trong việc thiết kế cuộc sống cả, chắc chắn là chẳng có gì hoàn hảo trong mô hình căn bản mà 90% người tìm việc ở Mỹ sử dụng để tìm việc làm – một kỹ thuật có tỷ lệ thành công chỉ khoảng 5%. Đúng là như vậy đấy, 90% trong số chúng ta đang sử dụng các phương pháp cực kỳ kém hiệu quả.
Kurt vừa hoàn thành chương trình học bổng hai năm sau khi nhận bằng thạc sĩ thiết kế của Đại học Stanford. Anh còn là một trong số những sinh viên tốt nghiệp với điểm số cao nhất ngành kiến trúc bền vững của Đại học Yale. Ngay lúc ấy, vợ của Kurt cũng phát hiện mình mang thai đứa con đầu lòng của hai người, họ quyết định chuyển từ Silicon Valley đến gần nhà vợ anh ở thành phố Atlanta, Georgia, để chuẩn bị cho cuộc sống gia đình mới. Kurt tin rằng những tấm bằng sáng giá của mình sẽ giúp anh tìm được một công việc yêu thích. Anh cảm thấy mình cần phải chứng tỏ bản thân với vợ và cả gia đình vợ, anh vô cùng nghiêm túc trong việc tìm kiếm công việc và khiến mình bận rộn luôn tay. Anh tra hết các thông tin tuyển dụng trong khu vực, xác định những vị trí ưng ý nhất và nộp tổng cộng ba mươi tám bộ hồ sơ đơn xin việc gồm bản sơ yếu lý lịch hết sức ấn tượng của mình cùng thư xin việc viết tay cho từng vị trí một.
Kurt đã nghĩ rằng hẳn anh sẽ nhận được nhiều lời mời làm việc đến mức không thể đếm xuể và gần như phải xua bớt các nhà tuyển dụng đi. Nhưng trong số ba mươi tám hồ sơ xin việc, Kurt nhận được email từ chối từ tám công ty và không một tin tức gì từ ba mươi công ty còn lại – tám lời từ chối và ba mươi sự im lặng, không có cuộc phỏng vấn nào, không có lời mời về làm việc, chẳng có cuộc gọi nào từ các nhà tuyển dụng. Anh thất vọng, chán nản và bắt đầu lo lắng không biết làm sao trong khi con mình sắp chào đời. Đây là những gì xảy ra với một người tốt nghiệp Đại học Yale và Stanford, vậy những người như chúng ta thì sao?
Cách tiếp cận của Kurt chính là điều đa số mọi người đều làm, đó là thứ chúng ta gọi là mô hình tìm việc làm căn bản. Bạn tìm thông tin tuyển dụng trên mạng hoặc trên trang web của các công ty, đọc mô tả công việc, quyết định xem công việc nào là “hoàn hảo” nhất đối với mình, nộp sơ yếu lý lịch và thư xin việc rồi ngồi chờ cuộc gọi mời bạn đến phỏng vấn và cứ chờ mòn mỏi như thế. Vấn đề ở đây là khoảng 52% các nhà tuyển dụng thừa nhận rằng họ chỉ trả lời chưa đến một nửa số ứng viên nộp đơn xin việc.
Mô hình căn bản này thất bại trong đa số các trường hợp bởi nó dựa trên một ý tưởng sai lầm là công việc hoàn hảo dành riêng cho bạn đang chờ đợi bạn ngoài kia.
Biết cách khai thác tài nguyên Internet
Việc cho rằng Internet là nơi tìm kiếm thông tin quan trọng nhất và duy nhất khi nói đến chuyện tìm việc làm đã bám rễ khá sâu trong đầu hầu hết mọi người, nhưng thật ra đó là một niềm tin sai lầm.
Hầu hết những công việc tuyệt vời hoặc được xếp vào nhóm công việc đáng mơ ước thường không được liệt kê công khai. Những công việc thú vị nhất tại các công ty được kỳ vọng một ngày nào đó sẽ tiếp bước Google hoặc Apple chưa kịp đưa lên Internet thì đã có người chộp lấy mất rồi. Những công ty có dưới năm mươi nhân viên và chưa thành lập phòng nhân sự cũng là nơi tuyệt vời để bắt đầu nhưng họ không thường đăng tin tuyển dụng. Những công ty lớn sẽ đăng thông báo tuyển dụng nội bộ cho các vị trí đắt giá nhất, hầu hết người tìm việc sẽ không tiếp cận được với nguồn thông tin này. Rất nhiều công việc chưa kịp đăng tin tuyển dụng thì đã có người giành lấy nhờ kênh thông tin truyền miệng và mạng lưới quan hệ xã hội. Bạn sẽ không tìm được những công việc tuyệt vời trên Internet.
Khi tìm việc trên Internet, bạn sẽ phải dành rất nhiều thời gian để thảo thư xin việc cho hay, điều chỉnh sơ yếu lý lịch sao cho thật phù hợp với mô tả công việc, quản lý và theo dõi hàng tá hồ sơ xin việc. Sau tất cả những nỗ lực ấy, thường thì tất cả những gì bạn nhận lại là sự im lặng, còn những phản hồi tích cực là khá hiếm hoi.
Vì thế, chúng tôi không khuyến khích bạn dùng Internet như kênh tìm việc chính, nhưng thật ra vẫn có hàng nghìn công việc được đăng tải trên đó mỗi tuần. Nếu bạn vẫn kiên quyết tìm cho ra công việc tốt bằng cách khai thác các thông tin đăng tải trên Internet thì chúng tôi có vài gợi ý nhỏ giúp bạn cải thiện cơ hội của mình.
Hiểu rõ bản mô tả công việc
Công bằng mà nói, chúng ta cũng phải thông cảm cho các quản lý nhân sự, tất cả họ đều có ý tốt, chẳng qua toàn bộ quy trình thì không được hiệu quả cho lắm. Bởi việc đăng tin, phỏng vấn và tuyển dụng được lặp đi lặp lại hàng trăm lần mỗi năm trong các công ty có quy mô từ vừa đến lớn, chúng không được phép làm mất quá nhiều thời gian. Không ai muốn bỏ sót ứng viên tốt nên các công ty đăng thông tin tuyển dụng lên Internet với mô tả công việc tổng quát, cố gắng thu hút càng nhiều ứng viên càng tốt. Toàn bộ hoạt động tuyển dụng này chỉ là một phần phụ trong khối lượng công việc hàng ngày của một quản lý nhân sự, nên việc soạn ra bản mô tả công việc một cách đầy đủ và chính xác thường không được chú trọng đúng mức cần thiết.
Đã bao nhiêu lần bạn từng nghĩ: “Hồ sơ của mình phù hợp với công việc này một cách hoàn hảo!”. Thế là bạn nộp đơn, cuối cùng chẳng nhận lại được gì, thậm chí một lời thông báo rằng họ đã nhận hồ sơ của bạn cũng không nốt. Nếu bạn hiểu về quy trình tuyển dụng từ góc nhìn của người trong cuộc, mọi việc sẽ trở nên rõ ràng hơn và ít gây tổn thương hơn.
1. Phần mô tả công việc trên website thường không phải do quản lý nhân sự hoặc ai đó thật sự am hiểu về công việc ấy viết ra.
2. Phần mô tả công việc gần như không bao giờ thể hiện được đầy đủ tất cả những gì mà công việc ấy thực sự yêu cầu.
Để giúp bạn hiểu rõ hơn về những gì chúng tôi đang nói, hãy cùng xem một vài thông tin lấy từ các bản mô tả công việc thực tế trên Internet. Hầu hết các mẩu tin tuyển dụng đều gồm ba phần mô tả những gì mà công ty đang tìm kiếm.
Phần 1: Bối cảnh
Đây là tiêu đề của bản mô tả công việc, thường có những nội dung đại loại như:
Công ty X đang tìm kiếm các ứng viên cho vị trí Y đáp ứng được những tiêu chí sau:
Những yêu cầu công việc này quá chung chung đến nỗi chúng thật sự chẳng cho bạn biết được thông tin gì về công việc cả. Đây là những đặc điểm, chứ không phải những kỹ năng, của bất kỳ ứng viên sáng giá nào. Đồng thời những đặc điểm này cũng không thể được đánh giá chính xác chỉ bằng cách nhìn vào hồ sơ xin việc.
Phần 2: Các kỹ năng
Theo sau phần mô tả các đặc điểm chung chung thường là một danh sách chi tiết đến mức kỳ quặc bao gồm những đòi hỏi về kỹ năng và trình độ học vấn.
Các ứng viên phù hợp với công việc này cần phải có những kinh nghiệm sau:
Phần này của bản mô tả công việc luôn dựa trên khả năng của người trước đây nắm giữ vị trí đó. Nó không bao hàm được khả năng công việc ấy thay đổi trong tương lai hoặc những kinh nghiệm, kiến thức cụ thể trở nên lỗi thời trong vòng sáu tháng tới. Đồng thời nó cũng chẳng quan trọng nếu xét đến sự thật là các quy trình quản lý văn phòng cũng như nhiều phương pháp vận hành khác vẫn liên tục được cải tiến tại những doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ.
Phần 3: Điều khiến ứng viên trở nên đặc biệt
Đây mới là phần “yêu thích” của chúng tôi trong bản mô tả công việc, khi vị quản lý nhân sự cao hứng thêm vào những yêu cầu như:
Chúng tôi gọi đây là tiêu chuẩn: “Bạn phải bị điên mới muốn làm công việc này”. Ý nghĩa thực sự của câu trên phải là: “Công việc này kinh khủng đến nỗi chỉ những ai có thành tích đáng nể trong việc chịu đựng những công việc kinh khủng thì mới nên nộp đơn”.
Yêu cầu về “siêu anh hùng” này nên được hiểu là: “Công việc này là một nhiệm vụ bất khả thi và không một người bình thường nào có thể làm được”.
Chúng tôi gọi đây là một “yêu cầu mộng mơ”, chúng tôi chưa từng gặp người tìm việc nào không cảm thấy mình đầy hiểu biết, có tính thuyết phục, tao nhã và giàu cảm hứng. Việc tất cả chúng ta nghĩ về bản thân như thế cũng tốt thôi, nhưng nó chẳng mang đến lợi ích gì cho việc đánh giá các ứng viên.
Cần khẳng định lại lần nữa là chúng tôi không hề bịa ra bất cứ thông tin nào, chúng tôi đã ghi lại chính xác những gì được đăng tải trên trang tuyển dụng của các doanh nghiệp lớn. Chúng tôi không cho rằng đây là cách hành xử khôn ngoan của họ, rõ ràng những bản mô tả công việc trên khó lòng sàng lọc ra các ứng viên xuất sắc. Riêng cá nhân bạn vẫn có cách để cải thiện khả năng tìm việc của mình thông qua các bản tin tuyển dụng trên Internet.
Phù hợp đi trước, Nổi trội theo sau
Để được cân nhắc mời đến phỏng vấn, CV của bạn phải nổi trội nhất trong số những hồ sơ mà nhà tuyển dụng cho là phù hợp. Đầu tiên, bạn phải được đánh giá là phù hợp cái đã, điều này không có nghĩa là bạn nên nói dối về bản thân. Nếu muốn được chọn ra, bạn phải mô tả bản thân bằng đúng những từ mà công ty đang sử dụng. Nó cũng có nghĩa là bạn không muốn nói về những điểm mạnh trên nhiều lĩnh vực của mình vào lúc này vì việc đó chỉ gây bối rối cho nhà tuyển dụng trong khâu đánh giá liệu bạn có phù hợp hay không.
Hầu hết các công ty có quy mô vừa và lớn sử dụng Internet để thu thập hồ sơ ứng viên, đưa chúng vào cơ sở dữ liệu của một phần mềm quản lý tuyển dụng. Vị quản lý nhân sự không bao giờ nhìn thấy hồ sơ gốc, CV của bạn chỉ được tìm thông qua việc sàng lọc theo từ khóa của cơ sở dữ liệu, cũng là những từ được dùng trong bản mô tả công việc. Vì vậy, để tăng khả năng được phát hiện, hãy dùng chính xác những từ mà họ đã dùng trong phần đầu của bản mô tả công việc.
Những kỹ năng cụ thể được liệt kê theo yêu cầu là rất quan trọng, nhưng thường không phải là yếu tố quyết định thành bại. Hãy nhớ rằng bản mô tả công việc của họ được viết từ góc nhìn về công việc hiện tại, chứ không phải công việc trong tương lai. Nếu bạn có những kỹ năng khác phù hợp thì tuyệt vời, hãy thêm chúng vào CV của mình. Hãy tìm cách mô tả những kỹ năng đó sao cho chúng có thể xuất hiện trên màn hình của nhà tuyển dụng khi anh ta dùng công cụ tìm kiếm bằng từ khóa để chọn ra ứng viên thích hợp.
Nhà tuyển dụng có khuynh hướng tìm kiếm sự tương hợp về kỹ năng nên bạn cần cung cấp thông tin đúng theo yêu cầu. Nếu bạn nộp đơn ứng tuyển vào một đội bóng mềm1 và huấn luyện viên đang cần một cầu thủ ném bóng thì bạn phải từng là một cầu thủ ném bóng chứ không phải là thủ môn hay hậu vệ cánh phải. Bạn chỉ nên nói về việc ném bóng mà thôi, trong giai đoạn này đừng nói về bất cứ tài năng nào khác hay bất cứ kỹ năng nào không liên quan đến bản mô tả công việc. Bạn sẽ bị lướt qua, bị đánh giá là không quan tâm đến công việc, thậm chí tệ hơn nữa, bạn có thể bị xem như là một người không biết lắng nghe, không đưa ra được câu trả lời liên quan đến câu hỏi. Sẽ có một thời điểm thích hợp để bạn thể hiện sự nổi trội của mình, nhưng nếu làm điều đó ngay từ đầu, bạn sẽ bị loại khỏi danh sách ứng viên phù hợp.
1. Bóng mềm (softball) là môn thể thao tương tự như bóng chày, nhưng cầu thủ sử dụng quả bóng to hơn và chơi trên sân nhỏ hơn.
Chúng tôi tóm tắt lại những cách giúp bạn tìm việc trên Internet hiệu quả hơn như sau:
1. Chỉnh sửa CV của bạn, sử dụng đúng những từ mà nhà tuyển dụng đã dùng trong bản tin tuyển dụng. Hãy nói “Tôi có kỹ năng giao tiếp bằng lời và bằng văn bản tốt” thay vì “Tôi là một người viết lách giỏi và giao tiếp tốt”; hãy nói “đam mê làm việc với khách hàng” thay vì “lấy khách hàng làm trọng tâm”. Bạn sẽ cải thiện khả năng mình đậu vòng đầu – quá trình sàng lọc bằng từ khóa của họ. Hãy chừng mực nhưng đừng quá khiêm nhường.
2. Nếu bạn có một kỹ năng cụ thể nào đó được yêu cầu trong bản mô tả công việc thì hãy đưa nó vào CV bằng chính xác những từ mà nhà tuyển dụng đã dùng. Nếu bạn không có kỹ năng đó, hãy tìm cách mô tả các kỹ năng bạn có, sử dụng những từ mà bạn cho là từ khóa để sàng lọc ứng viên của họ.
3. Hãy thiết kế CV của mình theo bản mô tả công việc, dù bản mô tả không chính xác cho lắm thì việc này cũng làm tăng cơ hội họ phát hiện ra CV của bạn. Hãy tập trung vào những gì bạn có thể làm cho họ, không chỉ công việc ấy có ý nghĩa thế nào đối với bạn. Đừng tỏ ra là người đa ngành đa năng trong CV hoặc trong buổi phỏng vấn đầu tiên. Sau khi họ đã yên tâm rằng bạn đáp ứng được yêu cầu thì bạn có thể tiến đến việc gây ấn tượng với họ, đó là cách giúp bạn trở nên nổi trội.
4. Hãy luôn mang theo một bản CV sạch sẽ, đẹp đẽ đến buổi phỏng vấn. Đây có thể là lần đầu tiên ai đó nhìn thấy sự cẩn thận mà bạn dành cho việc chuẩn bị hồ sơ của mình.
Tiếp theo, vẫn còn vài chuyện mà bạn nên biết để tìm việc trên Internet hiệu quả, nếu nắm rõ những điểm này bạn có thể tiết kiệm hàng giờ đồng hồ tìm việc trong vô vọng.
Hội chứng
"Bản mô tả công việc siêu phàm"
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, mọi người thường có khuynh hướng đăng tải những đòi hỏi công việc mà chính người hiện đảm nhiệm công việc đó cũng khó lòng đáp ứng. Lối tư duy hoang tưởng này là một hội chứng mà đa phần các doanh nghiệp Mỹ đều mắc phải. Quá trình ấy diễn ra như sau:
Jane (cô nhân viên bỏ việc) là một nhà quản lý giỏi, nhưng ước gì cô ấy giỏi hơn ở khoản X, Y, Z. Giờ cô ấy đã đi rồi, chúng ta hãy đăng tin tuyển dụng để tìm một phiên bản “Jane siêu phàm”. Hãy liệt kê tất cả những gì mà Jane có thể làm, cộng thêm những việc mà chúng ta ước gì cô ấy có thể làm và hy vọng điều tốt đẹp nhất sẽ đến.
Bản mô tả công việc siêu phàm được đăng tải, CV được thu thập từ các cuộc tìm kiếm bằng từ khóa và các ứng viên được rà soát lại. Các cuộc phỏng vấn được lên lịch, từng ứng viên đến phỏng vấn và bị loại bởi họ không phải là một “Jane siêu phàm”. Cũng phải thôi, không ai đáp ứng được bản mô tả công việc mới ấy mà lại chịu làm với mức lương được trả cho Jane. Quy trình tuyển dụng này về cơ bản đã thất bại, chúng làm cạn kiệt tinh thần của cả đội ngũ phỏng vấn lẫn ứng viên mà không thu lại kết quả gì.
Ở cương vị người tìm việc, bạn muốn kiểm tra lại càng nhanh càng tốt xem liệu mình có vướng vào một quy trình phỏng vấn tương tự không. Cách thứ nhất là tìm hiểu xem công việc ấy đã đăng tuyển được bao lâu rồi. Trong thị trường lao động hoạt động tốt thì một thông tin đăng tuyển nên tồn tại dưới bốn tuần lễ, lâu lắm là sáu tuần. Cách thứ hai là tìm hiểu xem đã có bao nhiêu người được phỏng vấn cho vị trí ấy.
Cả hai dữ liệu này sẽ cung cấp cho bạn cảm nhận về những gì đang diễn ra bên trong cánh gà. Việc tìm hiểu thật ra không quá khó để thực hiện, bạn chỉ cần hỏi thăm những người phỏng vấn. Nếu đang ở trong tình cảnh ấy, họ sẽ biết có điều gì đó bất ổn, họ chán nản và thậm chí có thể thú nhận rằng mình đang muốn rời bỏ công ty. Việc này diễn ra thường xuyên hơn bạn nghĩ đấy!
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, nếu có trên tám người được phỏng vấn mà nhà tuyển dụng vẫn không thể đưa ra quyết định thì rất có thể quy trình tuyển dụng đó đầy bất ổn. Đây là dấu hiệu cho thấy công ty ấy có lẽ không phải là nơi làm việc tốt và bạn sẽ muốn rời đi nhanh chóng.
Hội chứng đăng tin tuyển dụng ảo
Đây là một vấn đề khác mà bạn cần dè chừng, nhiều công ty phải tuân thủ quy định đăng thông tin tuyển dụng nhưng trong nhiều trường hợp, các quản lý nhân sự đã chọn sẵn một ứng viên mà họ sẽ ký hợp đồng. Vốn đã nhuần nhuyễn các thủ tục giấy tờ rườm rà ở những doanh nghiệp lớn, họ sẽ tạo bản mô tả công việc thật chi tiết, hoàn toàn khớp với CV của ứng viên đã được chọn rồi đăng thông tin tuyển dụng ảo, chờ đợi khoảng thời gian cần thiết là hai tuần, tiến hành vài cuộc phỏng vấn qua loa rồi thuê người mà họ đã ấn định từ trước. Bởi bản mô tả công việc hoàn toàn khớp với CV của ứng viên được chọn trước, vị quản lý nhân sự có thể chứng minh được là anh ta đã thuê ứng viên tốt nhất.
Những “vị trí tuyển dụng” này thật ra chẳng hề tồn tại nhưng rất có thể bạn đã từng thấy chúng rồi nộp đơn, chờ đợi mỏi mòn mà chẳng có phản hồi gì từ phía công ty. Tệ hơn nữa là họ làm mất thời gian của bạn với những cuộc phỏng vấn chiếu lệ. Hãy theo dõi thời gian đăng tải thông tin tuyển dụng trên website của công ty, nếu mẩu tin được đăng lên và tháo xuống trong vòng một hoặc hai tuần, thì rất có thể đó là tin tuyển dụng ảo.
Cảnh báo về những “công ty xịn”
và sự lạc quan sai lầm
Có một vấn đề đặc thù mà bạn cần biết nếu định nộp đơn xin việc vào một “công ty xịn” – công ty thành công và tăng trưởng nhanh chóng, nơi bất kỳ ai cũng muốn vào làm việc. Tại Silicon Valley, đó là Google, Apple, Facebook và Twitter – những cái tên quen thuộc. Những công ty tốt như thế luôn có nguồn cung nhân sự dư thừa, họ không chỉ có những ứng viên đạt yêu cầu mà còn có cả những ứng viên thực sự tuyệt vời. Nỗi sợ lớn nhất của họ là thuê nhầm ứng viên dưới chuẩn, nếu công ty đánh giá nhầm một người nào đấy là tốt trong khi thực tế họ chỉ ở mức trung bình thì đó gọi là “sự lạc quan sai lầm”.
Kết quả tuyển dụng sai lầm sẽ gây ra nhiều điều phiền toái, bạn phải thực hiện lại quy trình tuyển dụng từ đầu trong khi công việc trì trệ, thời gian thoăn thoắt trôi qua và tiền bạc bị thất thoát… Vì những hệ lụy là không sao kể hết, các công ty sẽ cố gắng hết sức để tránh gây sai lầm trong tuyển dụng. Việc này bao gồm cả chấp nhận “sự bi quan sai lầm” – đánh giá nhầm ai đó là một ứng viên tồi trong khi họ thực sự là một ứng viên tuyệt vời. Việc lỡ đánh mất một ứng viên giỏi không gây hao tổn mấy cho công ty, dù sao thì họ vẫn còn rất nhiều ứng viên tuyệt vời; trường hợp này gọi là “thà loại nhầm còn hơn bỏ sót”. Vì vậy, quy trình tuyển dụng của các công ty hàng đầu đôi khi hơi khắc nghiệt, những người giỏi vẫn thường xuyên bị khước từ và thường là họ chẳng hiểu lý do tại sao. Vì vậy, nếu bạn thấy mình không vào được danh sách ứng viên tiềm năng của họ, hoặc được đưa vào trễ vài ngày, rất có thể bạn chẳng còn cơ hội dù có là một ứng viên tuyệt vời đến đâu đi chăng nữa. Họ không quan tâm, họ không cần phải quan tâm. Đó không phải là sự xấu tính, mà là cách ra quyết định khôn ngoan trong kinh doanh, đó là việc họ cần làm để bảo vệ danh tiếng và thành công của mình.
Đây là một vấn đề mang tính quy luật, bạn không thể thay đổi nó. Nếu bạn muốn theo đuổi một trong những công ty hàng đầu, bạn phải tham gia trò chơi của họ và tuân thủ luật chơi, chỉ có thể hy vọng rằng bạn đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu của họ để giành chiến thắng. Hãy nhớ rằng họ muốn tuyển được người giỏi nhất và những công ty đó có thể là nơi làm việc tuyệt vời nếu bạn chiến thắng. Nếu muốn làm việc tại một công ty danh tiếng, hẳn bạn sẽ muốn tìm cách kết nối với vài người trong công ty ấy, áp dụng các bước trò chuyện thử nghiệm mà chúng ta đã thảo luận trước đây. Sự kết nối trực tiếp sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều, bạn vẫn phải trải qua quá trình tuyển dụng, nhưng ít ra bạn sẽ có được sự hỗ trợ. Rất nhiều nhân viên ở các công ty này vô cùng yêu thích công việc của họ, nên có thể sẽ rất đáng để bạn nỗ lực. Nhưng hãy cực kỳ thành thật với bản thân về cơ hội của bạn, cũng như những nguy cơ mà bạn có thể gặp phải.
Điều bạn cần biết
Hiện nay, có một sự thiếu vắng đáng chú ý những bản mô tả công việc đại loại như:
Trong thế giới hoàn hảo, mọi việc sẽ diễn ra như thế.
Còn trong thế giới thực, mọi việc sẽ thế này: Các công ty đăng tải thông tin tuyển dụng mà trong đó không có mô tả hữu ích nào về công việc, chỉ toàn là những ý tưởng kỳ cục về khả năng siêu anh hùng và sự liều mạng. Chúng không hề đả động đến những vấn đề sâu sắc hơn như lý do vì sao chúng ta làm việc và công việc ấy hướng đến mục đích gì.
Hãy nhớ rằng các nhà thiết kế cuộc sống không giải quyết những vấn đề trọng lực, chúng ta sẽ không đi chỉnh sửa các thông tin tuyển dụng trên Internet. Nhưng đừng lo lắng, các tin tuyển dụng trên mạng tuy khá vô dụng nhưng vẫn đại diện cho một khởi đầu tiềm năng giữa bạn với tổ chức.
Sự hiểu biết chính là chìa khóa của việc thiết kế cuộc sống và điều này đặc biệt đúng khi bạn đang thiết kế sự nghiệp của mình. Nếu bạn biết rõ các quy trình có liên quan đến việc tuyển dụng (như viết mô tả công việc, đọc CV, phỏng vấn,… từ góc nhìn của nhà tuyển dụng), khả năng thành công của bạn sẽ tăng đáng kể. Sự thấu cảm chính là yếu tố quyết định trong tư duy thiết kế, việc đồng cảm và thông hiểu với vị quản lý nhân sự khốn khổ đang ngập đầu trong cả biển hồ sơ sẽ giúp bạn thiết kế phương án tìm việc hiệu quả hơn. Tính hiệu quả trong chiến lược tìm việc làm có mối liên hệ chặt chẽ đến thành công của việc thiết kế cuộc sống.
Niềm tin sai lệch: Bạn nên tập trung vào nhu cầu tìm việc làm của mình.
Tái định dạng nhận thức: Bạn nên tập trung vào nhu cầu tìm được nhân viên tốt của quản lý nhân sự.
Rất ít công việc phù hợp với bạn một cách hoàn hảo nhưng bạn có thể khiến rất nhiều công việc trở nên hoàn hảo.