C
lara cần thiết kế lại cuộc đời mình.
Sau ba mươi lăm năm gầy dựng sự nghiệp thành công với vai trò nhân viên kinh doanh ngành công nghệ cao, giờ đây Clara lại thấy mất phương hướng. Cô biết là mình muốn một cuộc sống không cần bận tâm đến việc cố gắng đạt chỉ tiêu bán hàng mỗi quý, cô thậm chí không muốn nghe nói về “doanh số bán hàng” thêm một lần nào nữa. Nhiều người bạn của cô đã bắt đầu phát triển những sở thích của mình từ hơn hai mươi năm trước, họ biến chúng thành công việc hay thú vui sáng tạo để theo đuổi, điều đó mang đến cho họ ý nghĩa và mục đích sống. Clara thì không như thế, cô đã dành hầu hết thời gian đời mình để làm một người mẹ đơn thân và phát triển sự nghiệp bán hàng. Giờ các con cô đều đã trưởng thành, sự nghiệp của cô cũng đi đến hồi kết và Clara chẳng biết phải bắt đầu lại từ đâu, hoặc việc tiếp theo nên làm là gì, thế nên chúng tôi giúp cô xuất phát ngay từ vị trí hiện tại của mình, bước đi trên con đường được thiết kế dành riêng cho cô.
Các bạn của Clara cho cô rất nhiều gợi ý và hầu hết họ đều đồng ý rằng điều quan trọng ở đây là: “Hãy cứ thử làm gì đó! Nếu cậu không có ý tưởng hay ho nào, cứ chọn lấy một việc gì đấy và bắt tay vào thực hiện. Cậu còn quá trẻ để về hưu vào lúc này, bất kể cậu làm gì, đừng thui thủi ở nhà sống đời nhàm chán, hãy cứ bắt tay vào làm một việc gì đấy”. Đó là vì tất cả họ đều biết họ muốn đầu tư thời gian cho việc gì, còn Clara thì không có một ý niệm nào cả. Cô phải bắt đầu từ đâu? Cuối cùng, Clara đưa ra một quyết định tuyệt vời, cô nhận ra rằng lời khuyên “làm một việc gì đấy” là khá hay, nhưng “vớ đại một công việc nào đấy rồi bắt tay vào thực hiện” là một ý tưởng tồi bởi nó có thể khiến cô tốn thời gian vô ích. Việc cô cần làm là tìm cách thử trước khi quyết định gắn bó với một công việc nào đấy lâu dài. Cô muốn thử một vài khả năng, tích lũy một ít kinh nghiệm thực tế nhưng chỉ ở mức độ vừa phải chứ không dấn thân quá sâu.
Mặc dù Clara không có một mục tiêu cụ thể nào trong đầu cho cái được gọi là sự nghiệp thứ hai của đời mình, nhưng cô vẫn có một lĩnh vực yêu thích. Cô từng là một trong những nữ nhân viên bán máy tính đầu tiên của IBM và từ lâu cô đã ngầm xem mình là một nhà hoạt động vì nữ quyền. Cô quyết định rằng: “Được rồi, đó là một công việc đáng để thử, hãy xem mình có thể làm gì để giúp đỡ phụ nữ”. Kể từ đó, cô chủ động tìm kiếm các phương pháp và công việc liên quan đến việc giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi phụ nữ. Vài tuần sau, cô đến nhà thờ địa phương, nghe một phụ nữ phát biểu về vấn đề thiền định và hướng dẫn cách áp dụng những kỹ thuật này cho các bà mẹ có con phạm pháp và các phụ nữ bị ngược đãi trong hôn nhân. Clara tự giới thiệu mình với nữ diễn giả và đưa ra một số câu hỏi, sau đó cô được mời tham dự một lớp tập huấn về thiền định. Lớp học chỉ diễn ra vài giờ mỗi tuần nên cô đã tham gia để có thêm kinh nghiệm về tác động của thiền định đối với những phụ nữ đang gặp rắc rối. Cô hoàn tất khóa học và nhận được chứng chỉ về thiền định.
Thế là cô bắt đầu cung cấp dịch vụ hướng dẫn thiền định cho các tội phạm vị thành niên. Nguồn quỹ cho hoạt động này chỉ được phân bổ theo từng năm, nên họ không thể hứa trước được điều gì nhưng như thế cũng ổn đối với Clara. Cô dự định tổ chức hoạt động thiền định tại các tòa án, trường học dành cho các bậc phụ huynh và con em họ. Dù khởi đầu không hề dễ dàng, nhưng Clara đã phát hiện ra rằng mấy mươi năm làm việc với các nhân viên bán hàng khó tính trong lĩnh vực công nghệ cao đã khiến cô trở thành một nhà đàm phán và một nhà giải quyết vấn đề tài ba. Đồng thời, rất nhiều tội phạm vị thành niên là con của những bà mẹ đơn thân và Clara vốn có tình cảm đặc biệt đối với những bà mẹ đơn thân chật vật nuôi con giống như cô. Thế nên Clara thấy dự án này cuốn hút một cách đáng kinh ngạc. Cô đã sẵn sàng để thử sức, dù đó chỉ là một công việc bán thời gian kéo dài đến cuối năm, có thể nói cô vẫn đang trong giai đoạn khám phá.
Song song đó, Clara tiếp tục tìm cách để tham gia vào các dự án có liên quan đến phụ nữ và phát hiện ra Hội Phụ nữ California1, chuyên tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận khác hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ, thế nên cô liên lạc với tổ chức này.
1. Women’s Foundation of California (WFC)
Dự án giới thiệu thiền định đến mọi người của Clara đã gây ấn tượng cho ban lãnh đạo WFC và cô được mời tham gia vào tổ chức. Trong suốt ba năm hoạt động tại đây, cô đã học hỏi được nhiều điều về việc xin trợ cấp và gây quỹ cho tổ chức phi lợi nhuận. Cô cũng tìm hiểu thêm về hai mươi bảy tổ chức phi lợi nhuận khác tại địa phương đang tích cực giải quyết các vấn đề trong xã hội.
Trong quá trình ấy, Clara nhận ra rằng cô không hứng thú với việc dạy thiền định bằng tình hình vô gia cư – một vấn đề gây khó khăn cho đời sống của nhiều người, đặc biệt là đối với nữ giới. Thông qua WFC, cô gặp một nhà từ thiện hiện là mạnh thường quân lớn nhất của các mái ấm dành cho người vô gia cư tại quê hương cô. Ông mời Clara tham gia vào ban điều hành mái ấm và ngay lúc đó, cô nhận ra rằng mình đã tìm thấy sự nghiệp thứ hai trong đời. Cô nhận lời và gác lại tất cả những việc khác, giờ đây Clara là người đấu tranh cho quyền lợi của những người vô gia cư tại thành phố nơi cô sống và là một tấm gương đi đầu trong việc giải quyết các vấn đề của người vô gia cư cấp địa phương và cấp quốc gia.
Clara không khởi đầu với kế hoạch hoạt động vì cộng đồng những người vô gia cư. Bởi biết rõ rằng mình chưa tìm được một sứ mệnh cụ thể nào để có hướng đi tiếp theo, nên cô đã suy nghĩ thật thấu đáo và cẩn thận thử sức với nhiều việc nhỏ mang đến cho cô lượng kinh nghiệm và hiểu biết nhất định để thiết kế giai đoạn tiếp theo của cuộc đời mình. Con đường dẫn đến vị trí “nhà hoạt động vì quyền lợi của người vô gia cư” không thẳng tắp. Cô đã thiết kế cuộc sống của mình, từng bước một, bằng cách suy nghĩ như một nhà thiết kế và xây đắp con đường tiến lên phía trước bằng những cuộc thử nghiệm nhỏ, đó chính là những bước đi tiên phong. Cô tin rằng nếu tiếp tục có những trải nghiệm thực tế và phù hợp, cô sẽ tìm được con đường đúng đắn cho mình.
Cô tham gia một lớp học thiền, đảm nhận một công việc trong hệ thống tư pháp cho trẻ vị thành niên, tham gia quỹ tài trợ phụ nữ. Cô đã học hỏi về các tổ chức phi lợi nhuận, tham gia vào ban điều hành các trung tâm dành cho người vô gia cư. Bằng cách thực hiện công việc, gặp gỡ mọi người và khám phá những lựa chọn của mình thông qua các trải nghiệm thực tế chứ không chỉ dành thời gian đọc sách và suy ngẫm về những gì mình nên hoặc có thể làm tiếp theo, Clara đã tìm ra sự nghiệp thứ hai của đời mình. Chỉ bằng cách thiết kế cuộc sống, cô mới có thể khám phá ra một tương lai không những chưa được biết đến, mà còn không thể tưởng tượng nổi. Clara đã làm được việc đó và bạn cũng sẽ làm được.
Niềm tin sai lệch: Nếu tôi nghiên cứu một cách toàn diện tất cả các dữ liệu trong bản kế hoạch của mình thì mọi thứ sẽ ổn.
Tái định dạng nhận thức: Tôi nên thử nghiệm để khám phá những lựa chọn tương đương của mình.
Tại sao ta cần thử nghiệm?
“Gầy dựng là tư duy”2 là cụm từ thường xuất hiện tại Trung tâm Thiết kế Stanford. Khi ý tưởng ấy đi đôi với tâm thế thiên về hành động, bạn sẽ gầy dựng và suy nghĩ rất nhiều. Nếu bạn hỏi bất kỳ ai là họ đang làm gì, rất có thể họ sẽ trả lời rằng mình đang tiến hành quá trình thử nghiệm những ý tưởng sáng tạo về sản phẩm mới hoặc dịch vụ mới. Ở Stanford, chúng tôi tin rằng bất cứ thứ gì cũng có thể được thử nghiệm, từ một đối tượng cụ thể đến một chính sách công. Thử nghiệm chính là một phần không thể thiếu của tư duy thiết kế, rất đáng để chúng ta lùi lại một chút và đảm bảo rằng lý do của việc thử nghiệm cũng rõ ràng như cách thức thực hiện nó.
2. “Building is thinking”
Khi bạn đang cố gắng giải quyết vấn đề, bạn thường bắt đầu với những gì mình biết về nó – bạn thu thập đủ dữ liệu để hiểu được nguyên nhân và hệ quả của nó.
Tiếc thay, khi thiết kế cuộc sống, bạn không có nhiều dữ liệu sẵn có, đặc biệt là dữ liệu đáng tin cậy về tương lai của mình. Bạn phải chấp nhận rằng đây là một vấn đề rối rắm mà trong đó lối tư duy nguyên nhân - hệ quả truyền thống sẽ không có tác dụng. May thay, các nhà thiết kế đã tìm được cách “lẻn vào” tương lai thông qua việc thử nghiệm.
Khi dùng từ “thử nghiệm” trong tư duy thiết kế, chúng tôi không nói đến việc tạo ra một công cụ kiểm tra xem liệu giải pháp của bạn có đúng hay không. Chúng tôi không định bảo bạn trình bày một bản thiết kế hoàn chỉnh hoặc chỉ thử nghiệm một lần duy nhất. Thử nghiệm thiết kế cuộc sống tức là đưa ra nhiều câu hỏi hay, chỉ ra những thiên hướng và giả định còn ẩn giấu, lặp đi lặp lại thật nhanh và tạo đà để ta bước đi trên con đường thử nghiệm.
Những cuộc thử nghiệm nên được thiết kế để đưa ra câu hỏi và cung cấp cho bạn dữ liệu về một điều gì đấy mà bạn quan tâm. Những cuộc thử nghiệm tốt sẽ phân định các khía cạnh của cùng một vấn đề và giúp bạn trải nghiệm một số phiên bản thú vị của tương lai. Những cuộc thử nghiệm giúp bạn hình dung các lựa chọn tương đương, cho phép bạn tưởng tượng ra tương lai như thể đã từng trải qua. Việc tạo ra các trải nghiệm mới thông qua việc thử nghiệm sẽ cho bạn cơ hội để hiểu xem một con đường sự nghiệp khác sẽ như thế nào, thậm chí dù bạn chỉ thử trong một giờ hay một ngày. Việc thử nghiệm cũng cho phép bạn thu hút thêm những người khác ngay từ sớm và giúp xây dựng một nhóm những người bạn có cùng quan điểm trong hành trình thiết kế cuộc sống của bạn. Thử nghiệm là một cách hay để bắt đầu cuộc trò chuyện và tạo cơ hội cho nhiều cuộc trò chuyện khác. Chúng cho phép bạn thử và thất bại nhanh chóng mà không phải đầu tư quá nhiều vào một con đường trước khi bạn có bất cứ dữ liệu nào.
Luận điểm của chúng tôi là bạn luôn có thể thử nghiệm một điều gì đấy mà bạn thấy thích. Cách tốt nhất để bắt đầu là giữ cho vài thử nghiệm ban đầu của bạn có tính ràng buộc thấp và thật đơn giản. Bạn muốn thiết kế cuộc thử nghiệm để trả lời cho một câu hỏi nào đó, hãy dùng những gì sẵn có và chuẩn bị tâm lý để lặp lại quy trình này nhiều lần một cách nhanh chóng. Hãy nhớ rằng một cuộc thử nghiệm không chỉ cần suy nghĩ mà còn cần đến hành động và kinh nghiệm thực tế. Dữ liệu để đưa ra những quyết định tốt được tìm thấy ngoài đời thực; thử nghiệm là cách tốt nhất để kết nối với thế giới và nhận được những gì bạn cần để tiến lên phía trước.
Thử nghiệm còn giúp tạo dựng lòng thấu cảm và sự thông hiểu. Quá trình thử nghiệm của chúng ta chắc chắn đòi hỏi sự hợp tác, khả năng phối hợp làm việc cùng những người khác. Mỗi người đều có một hành trình riêng và khi bạn tương tác với người khác, các bạn có thể học hỏi từ bản thiết kế cuộc sống của nhau cũng như trao đổi các ý tưởng hay về cuộc sống.
Nhìn chung, chúng ta thử nghiệm để đưa ra những câu hỏi hay, tạo ra những trải nghiệm, mở ra các giả thiết, thất bại nhanh chóng để tiến lên phía trước, đi vào tương lai và tạo dựng lòng thấu cảm đối với bản thân và những người khác. Một khi bạn chấp nhận rằng đây là cách duy nhất để có được dữ liệu cần thiết, việc thử nghiệm sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình thiết kế cuộc sống; thậm chí việc không chịu thử nghiệm đôi khi còn mang đến hậu quả tồi tệ và gây tốn kém.
Chậm mà chắc
Elise thấy không cần phải thử nghiệm, cô đã sẵn sàng để dấn thân. Sau khi dành nhiều năm làm việc ở bộ phận nhân sự của các công ty lớn, Elise đã sẵn sàng cho một thay đổi lớn, ngay bây giờ. Cô rất yêu ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực Ý, cô cũng vô cùng thích thú với những trải nghiệm tại các quán cà phê nhỏ và quầy thức ăn ngon lành ở vùng Tuscany. Ước mơ của Elise là mở một cửa hàng bán thực phẩm Ý, trong khuôn viên cửa tiệm là quán cà phê nhỏ chuyên phục vụ cà phê và món ăn ngon đúng vị vùng Tuscany. Cô quyết định theo đuổi ước mơ, cô đã để dành đủ tiền, thu thập tất cả những công thức nấu nướng mà mình cần, tìm một địa điểm gần nhà để mở cửa hàng. Cô thuê mặt bằng và sửa sang lại, nhập về các loại nông sản tươi ngon nhất và chuẩn bị buổi khai trương hoành tráng. Đó là một khối lượng công việc khổng lồ và cô đã thành công vang dội, mọi người đều yêu thích cửa hàng. Cô bận rộn hơn bao giờ hết. Thế rồi đột nhiên, cô cảm thấy khổ sở vô cùng.
Cô đã không thử nghiệm ý tưởng của mình, cô đã không nhìn trước tương lai của mình, cô nhảy thẳng vào nó. Cô đã không tìm hiểu xem việc điều hành một cửa hàng thực phẩm kiêm quán cà phê từ ngày này sang ngày khác sẽ như thế nào. Cô đã quá chủ quan khi cho rằng việc điều hành một quán cà phê cũng giống như việc đi uống cà phê hoặc làm quản lý cho một quán cà phê. Cô đã rất khổ sở để học được rằng cô là nhà thiết kế quán cà phê tuyệt vời và nhà quản lý dự án sáng tạo, nhưng lại tệ hại trong vai trò điều hành. Cô không thích việc phải thường xuyên tuyển dụng, hay việc kiểm kê hàng hóa, hoặc đặt thêm nguyên liệu. Dù mở cửa hàng thành công, cô vẫn thấy mình bị mắc kẹt và chẳng biết phải làm gì. Sau đó, cô bán cửa hàng và chuyển sang làm thiết kế nội thất nhà hàng, nhưng cũng đã phải trải qua một con đường hết sức đau đớn mới đến được điểm đó.
Lẽ ra cô nên thử nghiệm ý tưởng của mình, cô có thể thử sức với việc cung ứng thực phẩm – lĩnh vực mà cô có thể dễ dàng bắt đầu và kết thúc vì không cần thuê mặt bằng, cần ít nhân viên, có mô hình nhỏ gọn và không đòi hỏi thời gian làm việc cố định. Cô có thể xin một chân phụ việc trong cửa hàng thực phẩm Ý để có cái nhìn toàn diện hơn về những góc khuất của ngành. Cô có thể hỏi thăm những chủ quán cà phê hạnh phúc với công việc của mình và những chủ quán không hài lòng để xem mình có khuynh hướng thuộc về nhóm nào. Chúng tôi gặp Elise lần đầu sau khi mọi chuyện kết thúc, đó là khi cô tham gia vào Hội thảo Thiết kế Cuộc sống cùng chúng tôi. Sau buổi hội thảo, cô chia sẻ: “Phải chi tôi chọn cách đi chậm để thử nghiệm trước thì đã tiết kiệm được khối thời gian!”. Thế nên, dù bạn có vội vã đến đâu, chúng tôi vẫn khuyên bạn nên thử nghiệm các ý tưởng để có bản thiết kế tốt hơn và tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như công sức.
Trò chuyện thử nghiệm
Phỏng vấn Thiết kế Cuộc sống
Vậy, bạn có thể thử nghiệm thiết kế cuộc sống như thế nào? Hình thức thử nghiệm đơn giản và dễ dàng nhất là một cuộc trò chuyện, bạn có thể thử hình thức trò chuyện thử nghiệm gọi là Phỏng vấn Thiết kế Cuộc sống.
Phỏng vấn Thiết kế Cuộc sống thật ra chỉ có nghĩa là nắm bắt câu chuyện của một người nào đấy, đương nhiên không phải bất cứ câu chuyện nào của bất kỳ ai. Bạn sẽ trò chuyện với người đã từng làm những việc bạn đang định làm, từng sống cuộc đời bạn đang định sống, hoặc một người có nhiều trải nghiệm thực tế và hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực mà bạn đang tìm hiểu. Câu chuyện bạn theo đuổi ở đây là một câu chuyện mang tính cá nhân – cách người đó thực hiện những việc đó, tìm kiếm kiến thức chuyên môn cũng như cảm nhận thực sự của họ về toàn bộ trải nghiệm.
Bạn sẽ muốn nghe về những điều mà người đó thích hoặc ghét về công việc của mình. Bạn muốn biết ngày bình thường của họ diễn ra như thế nào và tưởng tượng xem bản thân làm công việc đó liệu có phù hợp, liệu bạn có yêu thích nó và gắn bó với nó lâu dài hay không. Bên cạnh việc hỏi thăm về công việc và cuộc sống, bạn cũng có thể khám phá cách họ đi trên con đường sự nghiệp. Hầu hết mọi người thất bại không phải vì thiếu tài năng mà là thiếu óc tưởng tượng. Bạn có thể tìm ra rất nhiều thông tin bằng cách ngồi lại với một người nào đấy và nghe họ kể về câu chuyện của mình. Buổi trò chuyện đó được gọi là cuộc Phỏng vấn Thiết kế Cuộc sống. Clara đã thực hiện nhiều cuộc trò chuyện như vậy và chúng thật sự giúp ích rất nhiều, Elise thì gần như không thực hiện cuộc Phỏng vấn Thiết kế Cuộc sống nào và đã phải trả giá khá đắt.
Điều đầu tiên mà chúng ta cần biết về Phỏng vấn Thiết kế Cuộc sống là bạn sẽ đóng vai trò người nghe, nếu thấy mình ở vị thế trả lời các câu hỏi hoặc nói về bản thân thì hãy dừng lại và điều chỉnh ngay. Đây là điều mang tính quyết định, nếu hai bên chỉ trò chuyện đơn thuần và bạn là người được đặt ra các câu hỏi để phản hồi thì buổi Phỏng vấn Thiết kế Cuộc sống của bạn đã thất bại hoặc sớm muộn gì cũng sẽ thất bại. Bởi như vậy thì nó giống với buổi phỏng vấn xin việc hơn. Vấn đề nằm ở cách tư duy, khi ai đó cho rằng bạn đang tìm việc thì điều đầu tiên mà họ nghĩ đến là: “Liệu tôi/chúng tôi có vị trí công việc nào dành cho bạn không?”. Câu trả lời thường là không, thế nên trong hầu hết những lần bạn cố gắng hẹn gặp thì đều bị khước từ. Tuy nghe có vẻ khắc nghiệt nhưng thật ra đó chính là điều tử tế và mang tính hỗ trợ nhất mà người đó có thể làm. Nếu người đó không có công việc nào cho bạn hoặc không có thẩm quyền tuyển dụng thì điều tốt nhất họ có thể làm là nói rõ cho bạn biết.
Nếu sự việc diễn ra theo chiều hướng mà họ có một vị trí đang cần người thì câu hỏi tiếp theo sẽ là: “Liệu người này có phù hợp với công việc không?”. Lối tư duy trong cuộc phỏng vấn xin việc mang tính phân tích và đánh giá, đó không phải là điều chúng ta tìm kiếm nếu muốn có một buổi trò chuyện thú vị và sự kết nối thân tình.
Thực ra Phỏng vấn Thiết kế Cuộc sống không phải là buổi phỏng vấn, nó chỉ là cuộc trò chuyện. Tất cả những gì bạn cần là xác định xem những ai đang làm công việc mà bạn thấy thích, những người mà bạn muốn lắng nghe chia sẻ của họ. Giả dụ như khi biết rằng Anna là một người đáng mến đang làm công việc bạn yêu thích, giữa bạn và cô ấy đã có sự đồng điệu. Khi đó, bạn có thể đưa ra lời đề nghị gặp gỡ: “Xin chào, Anna. Rất vui được làm quen với cô, tôi rất ấn tượng với công việc của cô và mong muốn lắng nghe các câu chuyện, trải nghiệm của cô. Liệu cô có thể dành ra khoảng ba mươi phút để tôi mời cô một tách cà phê và lắng nghe cô chia sẻ không?”. Việc nhắc đến người bạn, người đồng nghiệp đáng kính của Anna – John, là rất quan trọng. John chính là người đóng vai trò cầu nối để bạn và Anna gặp gỡ, góp phần tăng khả năng cô ấy chấp nhận lời mời của bạn. Rất có thể Anna vẫn đồng ý gặp dù bạn không đề cập đến John, nhưng nếu bạn làm việc đó thì mọi thứ sẽ khả quan hơn nhiều. Cách có được lời giới thiệu sẽ được trình bày ở chương 8, nó được gọi là mạng lưới quan hệ. Việc thiết lập mạng lưới quan hệ sẽ giúp bạn thiết kế cuộc sống một cách hiệu quả.
Kinh nghiệm thử nghiệm công việc
Các cuộc trò chuyện thử nghiệm công việc thật tuyệt vời, chúng chứa đựng nhiều thông tin mà lại dễ thực hiện. Nhưng hơn thế nữa, bạn sẽ muốn thực sự trải nghiệm công việc bằng cách quan sát người khác làm việc hoặc tự mình thử một hình thức nào đấy của công việc đó. Những kinh nghiệm thử nghiệm công việc cho phép chúng ta học hỏi thông qua việc trực tiếp đối mặt với phiên bản tương lai khả dĩ của chúng ta. Phiên bản thử nghiệm này có thể bao gồm việc dành một ngày để tìm hiểu ngành nghề mà bạn thích (như là theo chân một người bạn đến nơi làm việc của họ), hoặc một tuần làm việc không công, hoặc tham gia đợt học việc kéo dài ba tháng (đòi hỏi sự đầu tư và cam kết lớn hơn). Nếu đã thực hiện những cuộc trò chuyện thử nghiệm theo mô hình Phỏng vấn Thiết kế Cuộc sống, hẳn là bạn đã gặp được những người mà mình thích quan sát, dõi theo. Bạn chỉ cần lên tiếng yêu cầu và hãy nhớ, đa phần mọi người đều thích giúp đỡ người khác. Hầu hết học viên của chúng tôi đã rất ngạc nhiên vì những buổi Phỏng vấn Thiết kế Cuộc sống của họ diễn ra thật suôn sẻ, những người mà họ gặp gỡ đều sẵn lòng hỗ trợ, tuy việc yêu cầu theo chân ai đó đến nơi làm việc của họ phức tạp hơn nhiều so với một buổi cà phê nhưng hãy cứ thử đi, dù có thể bạn phải thử nhiều lần nhưng sau đó sẽ học được rất nhiều điều.
Khi tiến đến giai đoạn thực sự bắt tay vào thử nghiệm công việc, bạn trực tiếp làm thay vì chỉ nghe kể về nó hoặc quan sát người khác thực hiện nó, đó sẽ là một thử thách lớn nhưng nỗ lực này là xứng đáng vì nó giúp bạn khám phá xem công việc ấy có phù hợp với mình hay không.
Bạn sẽ không mua xe mà không cần chạy thử, vậy mà chúng ta vẫn luôn làm thế đối với những thay đổi về công việc và cuộc sống của mình. Nếu nghĩ kỹ, bạn sẽ thấy việc đó thật điên rồ. Bạn có nhớ câu chuyện của Elise không, có hàng đống việc cô nên thử trước khi quyết định mở cửa hàng thực phẩm. Tạo ra những kinh nghiệm thử nghiệm chính là một phần của việc thiết kế, nó đòi hỏi rất nhiều ý tưởng, thế nên đây chính là lúc thích hợp nhất để nói về quá trình động não – kỹ thuật giúp chúng ta có được thật nhiều ý tưởng.
Động não
Tìm kiếm ý tưởng thử nghiệm công việc
Hãy xem lại các kế hoạch Odyssey của bạn, chúng tôi hy vọng rằng những bản kế hoạch này có thể hé lộ vài phiên bản tương lai mà bạn muốn khám phá. Cảm giác thế nào khi đầu quân cho một công ty nhỏ sau nhiều năm chinh chiến ở tập đoàn Huge? Việc quản lý một nông trại hữu cơ toàn thời gian thì khác biệt thế nào so với một mùa hè làm việc tình nguyện tại nông trại hữu cơ? Các nhân viên bán hàng thực sự làm gì suốt cả ngày? Hãy nghiên cứu kỹ hơn một phiên bản nào đấy trong số các kế hoạch Odyssey của bạn, chọn ra phiên bản có tính thống nhất, phù hợp với sở thích của bạn, mang đến cảm giác hào hứng, một phiên bản mà về mặt nào đấy bạn tự tin mình có thể làm được. Các câu hỏi của bạn là gì? Bạn muốn hiểu thêm điều gì thông qua việc thử nghiệm?
Gần như ai cũng từng thực hiện việc động não, đây là một trong những từ được dùng thường xuyên và bị lạm dụng để mô tả bất kỳ điều gì, từ bài tập sáng tạo cấu trúc đến việc ngồi trong phòng và nghĩ vẩn vơ. Thực chất, động não là kỹ thuật tạo ra thật nhiều ý tưởng mang tính sáng tạo, đột phá, lần đầu được Alex Osborn mô tả trong quyển sách xuất bản vào năm 1953 với nhan đề Applied Imagination . Ông mô tả phương pháp tạo ra ý tưởng dựa trên hai quy luật: tạo ra lượng lớn ý tưởng mà không quan tâm đến chất lượng và trì hoãn phán xét để tránh cắt xén ý tưởng . Kể từ mô tả ban đầu này, động não đã trở thành một phương pháp phổ biến nhằm tạo ra ý tưởng, ngày nay phương pháp này được thực hiện dưới nhiều hình thức nhưng nhìn chung vẫn tuân thủ quy luật của Osborn.
Hình thức phổ biến nhất là động não theo nhóm. Một nhóm các cá nhân, thường là từ bốn đến sáu người sẽ ngồi lại với nhau, chọn ra một câu hỏi hay vấn đề trọng tâm nào đó để cùng động não, dành khoảng hai mươi phút đến một tiếng để đưa ra càng nhiều ý tưởng càng tốt nhằm giải quyết vấn đề. Mục tiêu của việc này là tìm ra ý tưởng để thử nghiệm trong thực tế.
Việc động não đòi hỏi cả nhóm sẵn lòng hỗ trợ nhau cùng luyện tập kỹ thuật. Việc tìm ra những người có khả năng động não tốt chẳng dễ dàng chút nào, nhưng một khi tìm được, chắc chắn bạn sẽ ngày càng tiến bộ trong việc tạo ra các ý tưởng thiết kế cuộc sống mà mình muốn thử nghiệm. Cũng như nghệ sĩ nhạc jazz có tài ứng tác tuyệt vời, những người giỏi động não có khả năng tập trung cao độ nhưng cũng dễ dàng buông bỏ nếu muốn, họ tập trung vào hiện tại để ứng biến và đưa ra những ý tưởng thật sự độc đáo, sáng tạo. Việc này đòi hỏi sự luyện tập và chú tâm, một khi đã am tường kỹ thuật động não thiết kế cuộc sống, bạn sẽ không bao giờ rơi vào tình trạng cạn kiệt ý tưởng nữa.
Quá trình động não để thiết kế cuộc sống gồm bốn bước, đây là phương pháp tiếp cận có cấu trúc chặt chẽ nhằm tìm kiếm ý tưởng. Thông thường, nếu đóng vai trò là người tổ chức nhóm, bạn có thể đã phần nào hình dung trong đầu về cách mình điều hành buổi động não. Bạn cần lập một nhóm có từ ba đến sáu thành viên, tất cả đều sẵn sàng tham gia. Một buổi động não thông thường diễn ra như sau:
1. Đặt câu hỏi định hình
Việc đưa ra một câu hỏi hay cho buổi động não là rất quan trọng. Người tổ chức sử dụng quy trình đặt câu hỏi như một cách để khởi tạo sự tập trung, nguồn năng lượng của nhóm; họ cũng cần nắm vững một số quy tắc sau đây.
Đặt câu hỏi mở nhằm thu về những kết quả thú vị, chúng tôi có khuynh hướng bắt đầu việc động não thiết kế cuộc sống của mình với dạng câu hỏi: “Chúng ta có thể nghĩ ra bao nhiêu cách để…” nhằm tránh việc tự giới hạn tiềm năng đưa ra ý tưởng. Clara có thể bắt đầu buổi động não của mình với câu hỏi: “Chúng ta có thể nghĩ ra bao nhiêu cách để trải nghiệm công việc hỗ trợ nữ giới?”. Trước khi bắt đầu chương trình cao học, Chung có thể tổ chức buổi động não với câu hỏi: “Các chức năng của ngành tư vấn là gì và chúng ta có thể tưởng tượng ra những tình huống nào để cảm nhận rõ hơn về công việc ấy?”.
Bạn cũng cần cẩn thận để tránh vô tình lồng ghép giải pháp vào câu hỏi, việc này vẫn thường xảy ra với một số khách hàng của Bill. Giả dụ như họ bắt đầu động não để tìm ra “mười cách xây cầu thang cho nhà kho”. Đây không phải là một câu hỏi định hình hay vì “cầu thang” đã là một giải pháp và họ chỉ tìm ý tưởng xoay quanh nó. Một câu hỏi định hình cần tập trung vào khía cạnh chức năng: “Chúng ta có thể nghĩ ra bao nhiêu cách để sắp xếp và với tới hàng hóa, đồ đạc dự trữ trên cao?”, hoặc “Chúng ta có thể nghĩ ra bao nhiêu cách để hỗ trợ nhân viên nhà kho?”. Những câu hỏi này không ấn định trước rằng cầu thang là cách giải quyết duy nhất, chúng để ngỏ một không gian giải pháp nhằm đón nhận nhiều câu trả lời sáng tạo, thiết bị điều khiển từ xa dùng để vận chuyển trong nhà kho chẳng hạn.
Bạn cũng cần tránh đưa ra câu hỏi quá khái quát đến mức trở nên vô nghĩa. Thỉnh thoảng chúng ta tham gia những buổi động não thiết kế cuộc sống, nghiền ngẫm những câu hỏi mơ hồ, đại loại như: “Chúng ta có thể nghĩ ra bao nhiêu cách để… giúp Bob hạnh phúc?”. Câu hỏi này là nguyên nhân thất bại vì một số nguyên nhân. Trước hết, hạnh phúc của mỗi người mỗi khác. Ngành tâm lý học tích cực đã chỉ ra rằng hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc lệ thuộc vào bối cảnh, thế nên khi không có một bối cảnh rõ ràng, ví dụ như “trong công việc”, hoặc “trong đời sống xã hội”, thì ta không biết phải bắt đầu từ đâu. Bởi thiếu đi giới hạn cần có, những buổi động não kiểu này sẽ tạo ra các ý tưởng không thể thử nghiệm được và cũng không thỏa đáng.
Trong hầu hết những lần mọi người bảo: “Việc động não của chúng tôi chẳng hiệu quả gì cả”, chúng tôi phát hiện ra rằng đó là do họ đã đưa ra một câu hỏi định hình tồi – hoặc là câu hỏi đã bao gồm giải pháp trong đó, hoặc là câu hỏi quá mơ hồ. Hãy dè chừng hai tình trạng này khi bạn bắt đầu thực hiện phương pháp động não bốn bước của chúng tôi.
2. Khởi động
Mọi người đều cần một giai đoạn chuyển tiếp từ trạng thái sôi nổi của ngày làm việc bận rộn sang trạng thái thư giãn, tập trung sáng tạo để thực hiện một buổi động não hiệu quả. Đó là khi chúng ta chuyển từ bộ não phân tích, đánh giá sang bộ não tổng hợp, tránh phán xét. Một nhà tổ chức giỏi sẽ nắm quyền lãnh đạo và đảm bảo mọi người đều được khởi động “làm nóng” và sẵn sàng sáng tạo. Đây là điều thiết yếu bởi động não là một hoạt động tiêu hao nhiều năng lượng thể chất và tinh thần.
Bạn có thể truy cập trang web của chúng tôi, www.designingyour.life để tải về danh sách các bài tập và trò chơi ứng biến mà chúng tôi thực hiện cùng các học viên của mình. Một ý tưởng luôn hiệu quả là đưa cho mỗi thành viên trong nhóm động não của bạn một hộp đất nặn Play-Doh. Bill đã mê mẩn Play-Doh từ khi anh làm việc cho công ty đồ chơi Kenner Products; nó là một loại vật liệu thần kỳ “hô biến” người lớn trở thành trẻ con. Bạn chỉ cần để các thành viên trong nhóm động não của mình chơi với đất nặn Play-Doh trước khi bắt tay vào việc động não, chúng tôi đảm bảo rằng các bạn sẽ có thêm càng nhiều ý tưởng hay ho.
3. Động não
Như chúng tôi đã đề cập từ đầu, các buổi động não cần được tổ chức một cách hợp lý. Chúng ta sẽ chuẩn bị phòng ốc và đảm bảo có đủ viết, nhãn dán và giấy cho cả nhóm, đồng thời đảm bảo không gian yên tĩnh và thoải mái. Người tổ chức cũng giúp đưa ra câu hỏi, thực hiện bước khởi động, ghi âm lại tất cả các ý tưởng của mọi người trong buổi động não và chịu trách nhiệm phổ biến cũng như đảm bảo thực thi các quy luật.
Chúng tôi đề nghị rằng tất cả những người tham gia đều có viết và giấy riêng để ghi lại các ý tưởng của họ. Bằng cách đó, nhóm động não sẽ không bị giới hạn bởi tốc độ ghi âm của người tổ chức và khả năng bỏ sót ý tưởng tiềm năng sẽ là thấp nhất.
Các quy luật của buổi động não
1. Tập trung vào số lượng, không phải chất lượng.
2. Trì hoãn phán xét và tránh cắt xén ý tưởng.
3. Tận dụng các ý tưởng của người khác làm nền tảng.
4. Khuyến khích những ý tưởng táo bạo.
Trong đó, quy luật “ tập trung vào số lượng, không phải chất lượng ” giúp định hình mục tiêu chung cho cả nhóm và mang đến năng lượng tích cực. Nhóm động não hiệu quả luôn sôi sục ý tưởng và rất hiếm khi bị tắc mạch sáng tạo.
Chúng ta dùng quy luật “ trì hoãn phán xét và tránh cắt xén ý tưởng ” để đảm bảo rằng buổi động não là một nơi “an toàn” cho mọi người đưa ra bất kỳ ý tưởng ngông cuồng nào. Ai cũng sợ bị đánh giá là ngốc nghếch và chính nỗi sợ làm tắt ngấm óc sáng tạo của họ. Quy luật này đảm bảo điều đó sẽ không xảy ra.
Cách chúng ta “ tận dụng các ý tưởng của người khác làm nền tảng ” cũng tương tự như cách nghệ sĩ trong ban nhạc jazz đàn đệm lại theo nghệ sĩ độc tấu vừa chơi trước anh. Chúng tôi muốn tận dụng khả năng sáng tạo tập thể của nhóm và quy luật này khuyến khích sự tương tác mang tính sáng tạo ấy.
Chúng ta “ khuyến khích những ý tưởng táo bạo ” không phải vì sự hữu ích của bản thân các ý tưởng táo bạo (chúng ít khi được sử dụng sau quá trình sàng lọc cuối cùng) mà là vì chúng ta cần thoát khỏi khuôn khổ gò bó của lối tư duy thông thường. Khi bạn dành ít thời gian ở “vùng đất ngông cuồng”, các ý tưởng hay sẽ có được điều kiện thuận lợi để đơm hoa kết trái.
4. Xác định kết quả
Đây là một phần quan trọng của quá trình động não mà chúng tôi nhận thấy hầu hết các nhóm đều bỏ sót. Họ có thể chụp hình bức tường hoặc tấm bảng chi chít thông tin, đập tay ăn mừng rồi ra về. Vấn đề ở đây là những thông tin đó khá rời rạc và nếu không được xác định rõ ràng ngay, mối liên hệ giữa chúng sẽ mất đi và một thời gian sau, hầu hết các nhóm đều khó lòng nhớ lại kết quả của buổi động não.
Các ý tưởng nên được kiểm đếm, chẳng hạn như: “Chúng ta đã tìm ra một trăm bốn mươi mốt ý tưởng”. Hãy phân nhóm các ý tưởng theo chủ đề hoặc chủng loại, đặt tên cho mỗi nhóm và định hình mối tương quan giữa chúng với câu hỏi trọng tâm ban đầu, tên nhóm phải mô tả được ý nghĩa chung của nhóm ý tưởng đó. Kế đến, cả nhóm hãy biểu quyết, việc này là rất quan trọng và nên được thực hiện một cách yên tĩnh để mọi người không bị tác động lẫn nhau. Các bạn có thể biểu quyết lần lượt từng ý tưởng một hoặc theo nhóm, sau đây là một số ví dụ:
Sau khi việc biểu quyết đã hoàn thành, tổ hợp các ý tưởng sẽ được thảo luận, rất có thể sẽ được phân nhóm và tái định hình thêm lần nữa; cuối cùng mọi người đưa ra quyết định chung xem ý tưởng nào nên được thử nghiệm trước.
Ở cuối quy trình bốn bước trên, ta sẽ đúc kết được điều gì đó đại loại như: “Chúng tôi có một trăm bốn mươi mốt ý tưởng, được phân thành sáu nhóm dựa trên câu hỏi trọng tâm, sau cùng có tám ý tưởng xuất sắc nhất được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để thử nghiệm. Ý tưởng đầu tiên là…”. Thường thì chúng ta hoàn toàn có thể cân nhắc một ý tưởng ngông cuồng để biến nó thành một ý tưởng tuyệt vời. Quá trình động não của Clara đưa đến một ý tưởng điên rồ: “Gặp gỡ hàng trăm mạnh thường quân giàu kinh nghiệm tại các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì quyền lợi nữ giới”. Tuy nhiên, ý tưởng tiếp cận với nhiều người giàu kinh nghiệm đã dẫn đến ý định tìm gặp nhóm mạnh thường quân và giúp Clara kết nối với Hội Phụ nữ California.
Nếu bạn làm theo cả bốn bước và có được kết quả tương tự, việc động não thiết kế cuộc sống sẽ là một trải nghiệm đáng giá. Động não mang đến nguồn năng lượng và tạo đà để bạn tiến đến mục tiêu của mình – khám phá và thử nghiệm. Nó cũng là một phương pháp mà bạn có thể áp dụng bất cứ khi nào cần vài ý tưởng mới hay một sự ủng hộ nào đấy từ cộng đồng, thậm chí chỉ là chút niềm vui trong cuộc sống với những người mà bạn tin tưởng.
Để đảm bảo có được một trải nghiệm tích cực, hãy kết hợp cuộc thảo luận về kế hoạch Odyssey với buổi động não tìm ý tưởng thử nghiệm. Các thành viên của nhóm sẽ không chỉ đưa ra phản hồi mà còn trực tiếp hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thiết kế cuộc sống.
Thử nghiệm
1. Xem lại ba bản kế hoạch Odyssey và những câu hỏi bạn đặt ra cho từng kế hoạch.
2. Lập danh sách các cuộc trò chuyện thử nghiệm có thể giúp bạn trả lời những câu hỏi này.
3. Lập danh sách các kinh nghiệm thử nghiệm có thể giúp bạn trả lời những câu hỏi này.
4. Nếu bạn bị mắc kẹt nhưng cũng tập hợp được một nhóm, hãy thực hiện buổi động não để tìm kiếm ý tưởng. Nếu bạn không có một nhóm như thế, hãy sử dụng Sơ đồ Tư duy.
5. Chuẩn bị cho thử nghiệm bằng cách chủ động tìm kiếm các cuộc phỏng vấn, cũng như kinh nghiệm về việc thiết kế cuộc sống.