Để có chỗ đứng trong công việc, để chiến thắng hàng nghìn, hàng vạn đối thủ cạnh tranh, điều quan trọng nhất mà các bạn trẻ cần quan tâm là gì? Câu trả lời chính là tâm thái. Đối với những người trẻ, muốn làm tốt một việc, đầu tiên phải có trạng thái tốt, tiếp đến mới là năng lực. Một người nếu không có trạng thái tốt, cả ngày chỉ biết thở ngắn than dài, thì có năng lực cũng chẳng ích gì.
Nhà kinh tế học Thomas Friedman đã viết trong tác phẩm nổi tiếng Thế giới phẳng (The World Is Flat) của mình: “Điểm cốt lõi của khả năng cạnh tranh trong thế kỷ XXI chính là thái độ”. Friedman muốn nói với chúng ta rằng, trạng thái tốt đã trở thành yếu tố quan trọng nhất trong môi trường làm việc cạnh tranh hiện nay. Giữa các công ty, người bình thường sẽ chỉ nhìn vào sự cạnh tranh trên các phương diện thương hiệu, giá cả, dịch vụ, nhưng trên thực tế đó là sự cạnh tranh về phẩm chất và thái độ nhân giữa viên các công ty đó. Trong một công ty lại càng như vậy, giữa các nhân viên, bề ngoài là cạnh tranh về năng lực, vị trí, thành tích, nhưng thực tế là cạnh tranh về tâm thái và thái độ khi làm việc.
Trong công việc, mỗi người trẻ đều sẽ gặp phải đủ các vấn đề và sự phiền não, đây là điều không thể tránh khỏi. Đối diện với những rắc rối ấy, người có tâm thái tốt có thể giúp bản thân duy trì được trạng thái bình tĩnh, không ngừng nỗ lực tìm cách đối diện với nó, giải quyết nó; còn những thanh niên có năng lực, nhưng tâm thái không tốt, thì chỉ biết thở ngắn than dài, không ngừng oán trách. Nếu bạn là chủ của một công ty, bạn sẽ thích kiểu nhân viên nào hơn?
Trong buổi tuyển dụng của một công ty đa quốc gia, giám đốc bộ phận nhân sự nói: “Các ứng viên đến ứng tuyển đều rất có năng lực, nhưng không phải tất cả những người có năng lực đều có thể gia nhập công ty chúng tôi. So với năng lực, điều mà công ty chúng tôi càng xem trọng hơn là thái độ làm việc của một người. Chúng tôi cần những người có tâm thái tích cực, khi gặp vấn đề thì chủ động nghĩ cách giải quyết. Còn những người cảm thấy bản thân thế này cũng không được, thế kia cũng không xong, cho dù có năng lực, cũng không phù hợp với công ty chúng tôi!”
Vị giám đốc còn nhắc tới một nhân viên đã làm việc trong công ty mười năm. Anh ta có năng lực, nhưng mỗi ngày đến văn phòng đều mang thái độ “tôi là người được thuê để làm việc, ông chủ trả tôi bao nhiêu tiền, tôi sẽ chỉ làm bấy nhiêu”. Với tâm thái làm việc như vậy nên anh ta không có thành tích hay thành tựu gì đáng nói, vì thế sau mười năm công tác lương cũng không tăng được bao nhiêu.
Cuối cùng có một ngày, anh ta chịu không nổi bèn yêu cầu công ty tăng lương. Giám đốc nói thẳng với anh ta: “Mặc dù cậu đã làm việc trong công ty được mười năm, nhưng thành tích của cậu còn không bằng những người trẻ mới vào. Thái độ làm việc của cậu không tích cực, chỉ muốn có thể làm ít thì sẽ làm ít, có thể không làm thì không làm luôn. Như vậy, công ty có lý do gì để tăng lương cho cậu đây?”.
Người nhân viên này đã lãng phí mười năm thanh xuân quý báu của bản thân, nhưng ngoài việc nhận được tiền lương đầy đủ ra, thì chả thu lại được gì cả. Đây là một việc cực kỳ đáng buồn. Điều đó cũng chứng minh rằng có thái độ làm việc tốt là điều vô cùng quan trọng đối với tiền đồ sự nghiệp, thậm chí là cả với cuộc sống tương lai của một người.
Nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow nói: “Tâm thái thay đổi, thái độ cũng thay đổi; thái độ thay đổi, thói quen cũng thay đổi theo; thói quen thay đổi, tính cách cũng sẽ thay đổi; tính cách thay đổi, cuộc sống cũng theo đó đổi thay”. Năng lực của một người có thể tăng lên, nhưng tâm thái thì lại rất khó biến chuyển. Vì thế mới nói thanh niên mới bắt đầu đi làm, không sợ không có năng lực, chỉ sợ không có trạng thái làm việc tốt.
Tầm quan trọng của tâm thái tích cực ở nơi làm việc chủ yếu thể hiện ở hai phương diện: đầu tiên, một người hoàn thành tốt công việc, không phải chỉ đơn giản là làm qua hoặc làm hết những việc phải làm. Người có tâm thái tích cực luôn muốn hoàn thành công việc một cách tốt nhất, như vậy sẽ có thể kích thích được tiềm năng của bản thân ở giới hạn lớn nhất, mang lại cho mình cũng như công ty nhiều lợi ích nhất, thậm chí mang lại cho xã hội một số giá trị nhất định. Nhưng người có tâm thái tiêu cực, luôn luôn xem công việc là một nhiệm vụ phải hoàn thành, chỉ cần làm xong để báo cáo kết quả, rất khó có thể mang lại lợi ích cho chính mình, công ty và xã hội. Tiếp theo, những thứ mà người trẻ thu nhận được ở nơi làm việc không nên chỉ là sự báo đáp về mặt tiền bạc, mà nên là một sự nghiệp cho bản thân, một cuộc sống thành công, đồng thời có được hi vọng, động lực, thành tựu,... Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn đánh giá nhân tài hiện nay.
Nhưng, tâm thái của một người lại rất dễ bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh. Đặc biệt là khi còn trẻ, nếu bị phê bình, công kích hoặc gặp thất bại mà không được dẫn dắt và khích lệ, những người trẻ sẽ sợ hãi bất an, quen với thất bại, dần dần mất đi niềm tin và dũng khí, hình thành nên tính cách nhu nhược, lưỡng lự, hẹp hòi, tự ti, cô độc, sợ chịu trách nhiệm, không có chí tiến thủ, không muốn dốc sức nỗ lực, không có chủ kiến. Như vậy, tâm thái tích cực lạc quan đã biến mất rồi.
Vì vậy, các bạn trẻ nên nhắc nhở bản thân, không chỉ là công việc cần người, người cũng cần công việc. Thái độ đối với công việc chính là thái độ đối với cuộc sống, có tâm thái tốt hay không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc bạn có cuộc sống thế nào.
Triệu Cường sau khi tốt nghiệp đại học đã cùng với một số bạn học vào làm tại một nhà máy sản xuất máy móc. Năng lực của họ đều không tệ nhưng do không có kinh nghiệm nên bị sắp xếp xuống cấp cơ sở để làm công việc quản lý.
Mấy người thanh niên còn rất lạ lẫm đối với quy trình sản xuất của công xưởng, có những người công nhân lâu năm thường hay lười làm trốn việc, khiến họ cảm thấy rất bực mình. Vì không muốn làm mất lòng những công nhân lâu năm nên một số người dù biết nhưng cũng giả vờ như không thấy gì. Nhưng Triệu Cường thì không chấp nhận được tình trạng này, anh chủ động xin ông chủ làm công nhân theo ca để tìm hiểu quy trình sản xuất của công xưởng. Tin tức này khiến cả xưởng đều rất ngạc nhiên và xôn xao bàn tán.
Triệu Cường không quan tâm tới lời dị nghị của mọi người, anh chuyên tâm làm công việc của mình, không ngừng học hỏi và tìm hiểu quy trình sản xuất và công nghệ chế tạo, gặp phải vấn đề khó cũng đối mặt với thái độ tích cực, tìm cách giải quyết. Sau hai năm, anh được đề bạt lên làm quản lý phân xưởng, các sản phẩm do anh phụ trách có chất lượng tốt nhất toàn xưởng. Mấy năm sau, việc kinh doanh của nhà máy gặp khó khăn, trong xưởng tiến hành chính sách nhận khoán. Triệu Cường nhận khoán một công xưởng, trở thành nhân vật nổi tiếng trong nhà máy.
Bất kể bạn ở trong ngành nào, làm công việc gì, tâm thái tích cực luôn quan trọng hơn năng lực. Bởi vì thái độ quyết định tất cả, bạn có tâm thái thế nào, thì sẽ có tương lai như thế. Chỉ cần nhìn vào những người thành công xuất sắc, bạn sẽ nhận ra tâm thái của họ luôn tốt hơn người bình thường. Họ lạc quan tích cực, không ngừng tiến lên, chăm chỉ, có kỷ luật, có lòng biết ơn, đó là nền tảng cho thành công của họ.
Vậy thì, đối với các bạn trẻ, làm thế nào mới có thể bồi dưỡng nên một tâm thái tích cực cho bản thân?
1. Khi gặp phải rắc rối, hãy nhìn lại bản thân
Trong công việc, gặp phải vấn đề là điều hết sức bình thường, nếu bạn chỉ oán trách mà không nghĩ cách để giải quyết, vấn đề sẽ chỉ ngày càng tồi tệ hơn. Lúc ấy bạn có thể nghĩ tới những người lạc quan, tích cực, họ khi đối diện với rắc rối không bao giờ than trời trách đất, mà sẽ tận dụng thời gian để loại bỏ chúng. Khi bạn thực sự nỗ lực giải quyết, vấn đề cũng sẽ trở nên đơn giản hơn.
2. Luôn có tư thế hoàn mỹ
Rõ ràng là, động tác cơ thể cũng ảnh hưởng tới nội tâm. Vì thế, khi đứng thì nên đứng thẳng, dồn lực vào nửa bàn chân trước, mắt nhìn thẳng, bạn sẽ có được tâm thái tích cực. Từ góc độ sinh lý học, khi thẳng lưng, suy nghĩ sẽ thông suốt hơn, hô hấp sẽ dễ dàng hơn, như thế bạn sẽ đối mặt với áp lực tốt hơn, cũng dễ có được tâm trạng tích cực “mình sẽ giải quyết được vấn đề này”.
3. Dùng giọng điệu vui vẻ
Giọng điệu của một người cũng giống như động tác của cơ thể, có thể biểu thị được tâm trạng của một người. Vì thế, nói bằng giọng nhẹ nhàng vui vẻ, bạn cũng sẽ trở nên lạc quan tích cực.
4. Thường xuyên tự khích lệ bản thân
Nếu bạn thường xuyên động viên chính mình thì sẽ có thể kích thích tâm trạng tích cực của bản thân. Những câu tự khích lệ cũng không nhất thiết phải lúc nào cũng giống nhau, chỉ cần là những câu có thể động viên suy nghĩ tích cực của mình, để mình tích cực hành động là được. Napoleon Hill đã liệt ra một số câu nói mang tính tự khích lệ bản thân mà chúng ta có thể tham khảo:
Tôi tin bản thân có thể làm được, tôi nhất định có thể làm được. Trong lòng tôi nghĩ như vậy, tôi sẽ làm như vậy, chắc chắn có thể đạt được hiệu quả tốt.
Mọi mặt trong cuộc sống của tôi, đều đang tốt lên từng ngày. Bất kể trước kia tôi là người thế nào, bây giờ là người ra sao, chỉ cần tôi tích cực hành động, tôi có thể trở thành người mà tôi muốn trở thành.
Tôi có sức khỏe, tôi rất vui vẻ, không có điều gì có thể quan trọng hơn những thứ này...