Đối tốt với người khác, là một truyền thống đạo đức tốt đẹp. Trong môi trường công việc cạnh tranh, muốn gây dựng nên nguồn tài nguyên nhân mạch hài hòa và ổn định, thì cần phải sống tử tế với mọi người. Vậy nhưng trong thực tế, rất nhiều bạn trẻ dễ mắc sai lầm khi đối nhân xử thế. Họ không những không biết cách đối tốt với người khác, thậm chí còn công kích, bôi nhọ lẫn nhau, làm cho mối quan hệ với mọi người trở nên tồi tệ.
Trên phương diện công việc, mọi người đều muốn cạnh tranh giành vị trí số một, đều muốn trở thành người đứng trên đỉnh cao của kim tự tháp. Tuy nhiên, bạn vĩnh viễn không được phép quên mình cũng là một phần của tập thể, không được quên những người cùng làm việc với bạn, bởi vì họ cũng chính là nguồn tài nguyên nhân mạch tiềm tàng. Nếu như bạn không trao đi thiện chí, thì bạn cũng không thể nhận được những điều tốt đẹp từ mọi người xung quanh.
Thiện chí của con người đều là sự tương hỗ qua lại, đúng như biểu ngữ của một doanh nghiệp: “Bạn muốn người khác đối xử với mình như thế nào, bạn hãy đối xử với họ như vậy”. Trong cuộc sống và công việc, bạn chỉ cần bỏ ra một chút thiện chí là được. Bạn không cần phải cho người khác thật nhiều tiền bạc, chỉ cần giúp đỡ họ trong khả năng cho phép, ví như cuối tuần hẹn bạn bè đến nhà ăn cơm, giúp đỡ bác hàng xóm sửa ống nước,... Những việc làm nhỏ tưởng như không đáng kể này, cũng có thể củng cố tài nguyên nhân mạch của bạn, cho bạn những lợi ích không ngờ đến.
Ở một vùng xa xôi, có hai thôn trang nhỏ nằm sát gần nhau. Một trong hai thôn thường có những vụ trộm cắp, rất nhiều nhà bị một nhóm cướp đeo mặt nạ “ghé thăm”. Chúng rất lộng hành, nếu như có người dân phản kháng sẽ lập tức bị nhóm cướp đâm chết. Tuy nhiên, thôn bên cạnh lại không hề gặp phải những chuyện như vậy.
Về sau, cảnh sát đã bắt được toàn bộ băng cướp và thẩm vấn chúng: “Vì sao các anh lại chỉ chọn thôn kia để gây án, mà không bao giờ tới thôn cạnh đó?”. Một trong số những tên cướp trả lời: “Chúng tôi đã từng đến cướp ở thôn đó, nhưng mỗi lần đến đến gần tường rào của nhà dân, đều có một đàn chim đáng sợ kêu lên. Tiếng kêu của chúng đánh thức mọi người trong thôn, thế là đèn của mọi nhà đều sáng lên, nên chúng tôi chỉ có thể bỏ đi”.
Thì ra, ở thôn bên cạnh, tường rào của các gia đình đều do một thanh niên xây. Anh cố ý để chừa lại những lỗ hổng trên tường rào để cho những chú chim làm tổ. Anh đã giúp đỡ những chú chim bằng một hành động thiện chí nho nhỏ, và nhờ đó mà vô tình đã bảo toàn được tài sản và sự an toàn cho người dân trong thôn.
Trong cuộc sống và công việc, rất nhiều người trẻ vì nghĩ rằng đó chỉ là những việc tốt nho nhỏ nên không làm, hoặc làm hay không làm cũng chẳng có khác biệt gì quá lớn.
Nhà tư tưởng vĩ đại Jean-Jacques Rousseau từng nói: “Hành động thiện chí có một điểm tốt, chính là khiến tư tưởng của con người trở nên cao thượng, và khiến con người có thể thực hiện được những hành động tốt đẹp hơn”. Thế nhưng, cùng với sự thay đổi của thời đại, nhịp độ làm việc không ngừng tăng nhanh, những người trẻ dường như càng ngày càng tham lam. Họ luôn muốn có được nguồn nhân mạch lớn nhất, rộng nhất, nhưng một chút thiện ý cũng không muốn bỏ ra. Mối quan hệ giữa đồng nghiệp, bạn bè càng lúc càng thực dụng, càng lúc càng chạy theo danh lợi.
Rất nhiều việc tốt nhìn thì nhỏ nhặt không đáng kể, nhưng lại có thể xây dựng nên hình tượng tốt đẹp cho bạn, khiến các đồng nghiệp xung quanh, thậm chí cấp trên nhìn bạn với một ánh mắt khác. Đó có thể chỉ là việc tiện tay nhặt rác từ dưới đất lên và bỏ vào trong thùng rác; giúp đồng nghiệp giải quyết vấn đề nhỏ về kỹ thuật; tiện thể mua cho cấp trên một hộp cơm… Những hành động thiện chí nho nhỏ ấy sẽ không hao phí quá nhiều thời gian và sức lực của bạn. Tuy nhiên, bạn sẽ nhờ thế mà có được nhân duyên tốt, danh tiếng tốt, mạng lưới nhân mạch cũng từ đó trở nên càng ngày càng mở rộng.
Thi Chính Vinh là nhân vật hàng đầu trong ngành điện năng lượng mặt trời của Trung Quốc, được mọi người gọi là “ông vua mặt trời”.
Nhiều năm về trước, nguồn nguyên liệu silicon ở trong nước rất khan hiếm, người bình thường rất khó mua được. Thi Chính Vinh đành phải tới Đức, nơi sản xuất mạnh về silicon, hi vọng có thể nhập một ít từ nước ngoài mang về. Nhưng khi liên hệ với mười mấy xưởng sản xuất silicon, Thi Chính Vinh đều bị đối phương từ chối.
Sau khi đàm phán không thành với ông chủ xưởng sản xuất silicon cuối cùng, Thi Chính Vinh chuẩn bị trở về nước trong tâm thế thất vọng. Lúc ấy, đứa con sáu tuổi của ông chủ vội vàng chạy tới, kéo lấy vạt áo của Thi Chính Vinh không buông. Hóa ra, đứa bé thấy anh là một người Trung Quốc, vì thế lấy ra món đồ chơi yêu thích của mình - một cái bật lửa tinh xảo có thể phát bài “Đông phương hồng”, để nhờ anh sửa lại.
Thi Chính Vinh xem cái bật lửa một lúc nhưng không sửa được. Nhìn thấy ánh mắt tiếc nuối của cậu bé, anh hứa rằng: “Để chú mang về Trung Quốc giúp con sửa nhé! Sau khi sửa xong chú nhất định sẽ gửi qua cho con”.
Trở về Trung Quốc, Thi Chính Vinh thấy nguồn nguyên liệu trong xưởng đã sắp dùng hết, công ty chuẩn bị lâm vào tình trạng dừng sản xuất, nhưng anh vẫn tìm cho được người sửa giúp chiếc bật lửa. Mọi người đều không thể hiểu nổi, tại sao anh lại đặc biệt lưu tâm đến chiếc bật lửa nhỏ như thế. Về sau, chiếc bật lửa cuối cùng cũng được sửa, Thi Chính Vinh lập tức gửi nó cho cậu bé người Đức.
Mấy ngày sau, từ bên Đức có điện thoại gọi tới. Thi Chính Vinh sau khi nhận điện thoại mới biết, để cảm ơn anh đã kỳ công sửa được chiếc bật lửa, bố của cậu bé kia quyết định cung cấp silicon cho công ty của anh trong vòng mười năm. Và thế là, trong khi các công ty khác trong nước phải lao đao khốn đốn vì vấn đề nguyên liệu silicon không đủ, thì “sự nghiệp năng lượng mặt trời” của Thi Chính Vinh ngày một phát triển, dần dần đã chiếm được địa vị dẫn đầu trong ngành sản xuất năng lượng mặt trời Trung Quốc.
Có người hỏi Thi Chính Vinh: “Điều gì giúp công ty của anh vượt qua được giai đoạn khó khăn?”
Anh trả lời: “Đó là nhờ sửa một chiếc bật lửa.”
Thành công đến với Thi Chính Vinh đương nhiên không chỉ nhờ việc sửa được một chiếc bật lửa nho nhỏ, mà là ở sự tận tâm của anh đối với một chuyện nhỏ nhặt như thế. Rất nhiều hành động thiện ý nhỏ cũng sẽ giống như “hiệu ứng bươm bướm”, tạo ra một loạt phản ứng cực lớn. Vì thế, để xây dựng được vòng nhân mạch rộng lớn hơn, bạn nhất định không nên tiết kiệm thiện ý của mình, chỉ cần cho đi thì nhất định sẽ có hồi báo.
Nhà văn người Anh Bulwer-Lytton từng nói: “Nếu nói vẻ ngoài là bức thư giới thiệu, thì lòng lương thiện chính là sự đảm bảo”. Thiện ý nho nhỏ thực ra không hề nhỏ, có thể bạn sẽ chỉ nhờ một hành động thiện ý không hề tính toán, mà mở ra được cánh cửa lớn của vòng nhân mạch. Bởi vì lòng lương thiện không phân biệt lớn nhỏ.