Tặng hoa cho người, tay còn mùi hương”18, đây là câu nói ta thường nghe thấy trong cuộc sống hàng ngày.
18 Câu nói để chỉ việc trao đi yêu thương cũng là nhận lại yêu thương.
Nếu như đem câu nói này áp dụng vào môi trường làm việc, cũng có ý nghĩa vô cùng sâu sắc - rất nhiều lúc chúng ta giúp đỡ người khác, thực ra cũng là đang giúp chính mình.
Trong môi trường công việc cạnh tranh càng ngày càng khốc liệt, nhiều lúc không còn đơn thuần là cạnh tranh về năng lực cá nhân, mà nó còn liên quan đến mạng lưới quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh. Nếu bạn giúp người khác, người khác tự nhiên sẽ giúp bạn, khi đó vòng nhân mạch của bạn sẽ được mở rộng.
Có những bạn trẻ chỉ thích oán trách, luôn cho rằng các mối quan hệ trong môi trường làm việc quá phức tạp, thật khó để có những người bạn thực sự. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất chính là do bạn ít quan tâm đến mọi người. Nếu như bình thường bạn chưa từng chú ý đến việc giữ gìn các mối quan hệ, chỉ khi cần được giúp đỡ mới chịu tìm đến người khác thì sẽ khiến cho người ta có cảm giác bạn đang “lợi dụng” họ. Như vậy thì không thể nào có được sự tin tưởng, chào đón và sẵn lòng giúp đỡ từ mọi người. Cho nên, chúng ta nhất định phải hình thành thói quen giúp đỡ người khác, chỉ khi dùng tấm lòng chân thành đối đãi với mọi người mới có thể nhận lại được sự chân thành. Giống như Emerson từng nói: “Một trong những sự báo đáp đẹp đẽ nhất của cuộc đời là khi chân thành giúp đỡ người khác, cũng chính là giúp đỡ chính mình”.
Một thương nhân đi trên phố trong một đêm tối trời, lòng hối hận: “Tại sao khi ra ngoài mình lại quên không mang đèn nhỉ?”.
Đúng lúc này, trước mặt ông bất ngờ xuất hiện một đốm sáng nhỏ. Nhờ ánh sáng đó, thương nhân đi được đến nơi có ánh đèn, thì ra người cầm ngọn đèn lại là một người mù.
Thương nhân rất ngạc nhiên, ông hỏi người mù kia: “Mắt của ông có nhìn thấy gì đâu, tại sao ông lại cầm đèn? Như thế chẳng phải là đang lãng phí dầu hay sao?”.
Người mù nghe xong chậm rãi nói: “Trong đêm tối thế này, mọi người sẽ không nhìn thấy tôi nên tôi thường bị người khác va vào. Nếu như tôi cầm đèn đi đường, tuy rằng nó không giúp tôi nhìn thấy được phía trước, nhưng lại giúp người khác thấy tôi, như vậy tôi sẽ không bị người ta va vào nữa”.
Ánh đèn của người mù đã chiếu sáng cho những người đi đường trong đêm tối, vừa là để giúp người khác, vừa là để bảo vệ bản thân ông. Điều này cũng giống một câu ngạn ngữ của Ấn Độ, giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ bản thân.
Ở nơi làm việc lại càng như vậy, trong công việc hàng ngày nếu như có thể quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ đồng nghiệp thì khi bạn gặp khó khăn, bạn cũng sẽ nhận lại được sự giúp đỡ như vậy.
Nielsen là một thanh niên nghèo khổ, nhưng lại vô cùng nhiệt tình, thích giúp đỡ người khác.
Trong một trận mưa gió bão bùng, Nielsen giúp một người giàu có thay lốp xe, người này hỏi cậu: “Tôi nên trả ơn cậu như thế nào đây? Chỉ cần cậu nói ra một con số, bao nhiêu tôi cũng đồng ý”. Thì ra vị khách giàu có này cần phải đi ký kết một bản hợp đồng vô cùng quan trọng, nếu như Nielsen không giúp ông ta thay lốp xe, thì việc ký hợp đồng đó chắc chắn sẽ không thành.
Nielsen trả lời: “Nếu như ông muốn cảm ơn tôi, thì khi thấy những người đang gặp khó khăn, ông hãy đưa tay ra giúp đỡ họ”.
Sau khi ký xong hợp đồng, người giàu có đến một quán cà phê nhỏ, định nghỉ ngơi một chút. Khi nhìn thấy cô phục vụ đang mang thai phải khệ nệ bưng cà phê tới cho mình, ông bất chợt cảm động, và ngay lập tức nhớ tới Nielsen.
Người giàu có kia sau khi uống hết cốc cà phê đã đưa cho nữ phục vụ đó một trăm đô. Khi người phụ nữ đang tìm tiền thừa để trả lại ông, ông đã vội vã rời đi. Lúc này cô mới nhìn thấy dòng chữ viết trên tờ giấy ăn mà ông để lại: “Có người đã từng giúp đỡ tôi, cũng như tôi đã giúp đỡ cô vậy. Nếu như cô thật sự muốn trả ơn tôi, vậy thì làm ơn hãy giúp những người cần tới sự giúp đỡ!”. Ở dưới mảnh giấy ăn, còn có thêm bốn tờ một trăm đô.
Người nữ phục vụ bàn vô cùng cảm kích, trên đường về nhà cô đã cho một người ăn xin bên đường một trăm đô, còn bốn trăm đô còn lại, cô định sẽ đưa cho chồng để kinh doanh. Khi cô về đến nhà, Nielsen vội vã ra đón.
Thì ra, người nữ phục vụ đó là vợ của Nielsen.
Trong cuộc sống, bạn cho đi cái gì sẽ nhận lại được cái đó. Trong một cuốn sách có một đoạn như thế này: “Khi chúng ta giúp đỡ người khác, tức là chúng ta đã trao một chút tình yêu của mình cho cuộc sống của người đó, cũng giống như tặng cho cây đời của người đó một dòng suối mát lành. Tình cảm yêu thương là nguồn nước vô hạn của dòng suối. Chúng ta càng cho đi nhiều, trái tim càng đầy ắp, cảm giác hạnh phúc càng tràn trề. Cho nên, giúp người không chỉ là cho đi, mà còn là thu hoạch”.
Một nhà triết học từng nói: “Một kẻ cô độc, hoặc là dã thú, hoặc là vĩ nhân”. Ngay cả khi bạn là một vĩ nhân thì cũng không thể cô độc một mình, bên bạn còn có người thân, bạn bè và những người khác. Cho nên trong cuộc sống thực, bạn cần học cách giúp đỡ mọi người, đồng thời học cách mượn sức mạnh của người khác. Đó không chỉ là một kỹ năng mà còn là một loại trí tuệ.
Nhà văn người Áo, Stefan Zweig từng viết trong tác phẩm của mình: “Sức mạnh của một người rất khó có thể ứng phó được với những khó khăn vô tận của cuộc sống này. Cho nên, bản thân cần sự hỗ trợ của người khác, và chính mình cũng phải giúp đỡ người khác”. Trong công việc lại càng nên như vậy, giúp đỡ người khác cũng là quá trình xây dựng vòng nhân mạch cho bản thân, có điều sự giúp đỡ cũng cần phải có giới hạn, nếu không sẽ bị phản tác dụng. Vậy thì chúng ta nên giúp đỡ người khác ở mức độ thế nào, hay là giúp người khác như thế nào mới làm cho bản thân nhận lại được những giá trị tương tự?
1. Nhất định phải chân thành
Khi bạn giúp đỡ người khác, nhất định phải có thái độ chân thành và thật lòng, tuyệt đối không nên cho người ta cảm giác bạn làm vậy là “có mục đích”. Như vậy mới có thể khiến họ vui vẻ tiếp nhận sự giúp đỡ của bạn và cũng làm cho bạn có được cảm giác vui lòng.
2. Suy nghĩ từ góc độ của đối phương
Nếu như bạn giúp người khác mà không đứng vào vị trí của người ta để suy xét, thì rất có thể sẽ tạo ra kết quả ngược lại với mong muốn của bạn. Vì vậy, để không xuất hiện tình huống tâm tốt mà lại làm việc xấu, bạn cần phải suy nghĩ cho người khác nhiều hơn, đứng trên lập trường của đối phương để nghĩ về vấn đề mà họ gặp phải.
3. Cho đối phương sự giúp đỡ thực tế
Khi người khác có việc cần xin ý kiến của bạn, không nên tùy tiện nói “đúng” hay “sai”, mà nên phân tích một cách hợp lý, đồng thời cho đối phương một vài lời khuyên đúng trọng tâm. Chỉ có như vậy thì sự giúp đỡ của bạn mới có ý nghĩa thực tế, nếu không thì đều chỉ là lý thuyết trên giấy.