20 CÂU HỎI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI
QUAN TÂM NHẤT
CÂU HỎI 1: Tôi cảm thấy hầu như không thể nào thay đổi được các thói quen của bản thân. Điều đó có phổ biến không hay tôi chỉ là một trường hợp cá biệt?
ĐÁP: Bạn không hề cá biệt, tôi sẽ giải thích ngay sau đây. Có thể bạn đã từng xem đoạn phim về con tàu vũ trụ Apollo 11 đổ bộ lên mặt trăng. Những ai đã xem thì không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy con người đặt chân lên mặt trăng. Bạn có biết năng lượng lớn nhất tiêu tốn cho cuộc hành trình này được dùng cho giai đoạn nào hay không? Cho quãng đường 250.000 dặm từ trái đất đến mặt trăng? Cho hành trình quay về trái đất? Cho giai đoạn tiếp cận theo quỹ đạo mặt trăng?... Tất cả đều không phải. Năng lượng tiêu tốn cho việc phóng con tàu ra khỏi sức hút của trái đất trong những giây phút đầu tiên – ở những dặm đầu tiên – của cuộc hành trình mới là lớn nhất.
Sức hút đối với con tàu trong những dặm đầu tiên đó là vô cùng lớn. Nó đòi hỏi nội lực của con tàu phải lớn hơn sức hút của trái đất lẫn sức cản của không khí để con tàu có thể bay vào không gian. Nhưng khi đã bay vào quỹ đạo rồi thì hầu như con tàu không tốn năng lượng bao nhiêu để làm những việc khác.
Ví dụ về con tàu vũ trụ cho thấy cần phải có một số điều kiện để thoát khỏi thói quen cũ và xây dựng thói quen mới. Có thể ví sức hút của trái đất như sức cản của các thói quen cũ đã ăn sâu bám rễ, những xu hướng do di truyền, điều kiện ngoại cảnh, ảnh hưởng của cha mẹ... còn sức cản của bầu khí quyển như sức cản của các yếu tố xã hội, văn hóa của tổ chức mà chúng ta là một thành viên. Để có thể vượt qua hai lực cản này, bạn cần phải có một nội lực mạnh hơn cả hai lực cản đó để có thể cất cánh. Sau khi “cất cánh”, bạn sẽ nhận ra rằng bạn mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nếu bạn đi theo con đường Tìm ra tiếng nói của bản thân và cổ vũ người khác tìm ra tiếng nói của họ, bạn sẽ huy động được một sức mạnh to lớn và tạo tiền đề cho một thói quen mới nảy nở và phát triển để đương đầu với các thách thức, sự phức tạp và nắm bắt các cơ hội trong cuộc sống.
CÂU HỎI 2: Một mặt, tôi thấy rất hứng thú và bị lôi cuốn vì những gì ông nói. Nhưng mặt khác, tôi vô cùng phân vân không biết mình có làm được hay không?
ĐÁP: Bạn nói rất thật, nhưng tôi gợi ý bạn nên nêu ra hai câu hỏi khác trước khi tự hỏi về năng lực của mình. Câu thứ nhất là: “Tôi có nên làm hay không?”. Đây là một câu hỏi để khẳng định về giá trị. Câu thứ hai là: “Tôi có muốn làm theo hay không?”. Đây là câu hỏi để tìm ra động cơ thúc đẩy. Nếu bạn trả lời “Có” cho cả hai câu hỏi này thì khi đó bạn mới hỏi: “Tôi có làm được hay không?”. Bạn cần phải phân biệt rõ ba câu hỏi để có thể xác định nên bắt đầu từ đâu.
CÂU HỎI 3: Tại sao vấn đề lãnh đạo lại là đề tài nóng bỏng hiện nay?
ĐÁP: Nền kinh tế mới hiện đặt trên nền tảng chủ yếu là lao động tri thức. Điều đó có nghĩa là của cải đã dịch chuyển từ tiền bạc và đồ vật sang con người cả về tư bản tri thức và tư bản xã hội. Trên thực tế, sự đầu tư tài chính lớn nhất của chúng ta là đầu tư vào con người. Lao động tri thức đã tăng trưởng từ cấp số cộng sang cấp số nhân và tư bản tri thức, tư bản xã hội là chìa khóa để nâng cao hay tối ưu hóa đầu tư. Hơn nữa, phong cách quản lý trong Thời đại Công nghiệp và hệ thống quản lý xem “con người là chi phí” đang ngày càng trở nên lỗi thời do sức ép cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Đồng thời người ta ngày càng nhận thức được yếu tố con người, đặc biệt là mức độ niềm tin chính là căn nguyên của mọi vấn đề. Đó chính là lý do tại sao nghệ thuật lãnh đạo là nghệ thuật cao nhất của mọi nghệ thuật.
CÂU HỎI 4: Tất cả điều này đối với tôi nghe có vẻ nặng về lý tưởng và đạo đức quá. Trong những điều kiện và tiện nghi hiện có trong xã hội chúng ta, tôi không rõ những điều này có thực tế hay không?
ĐÁP: Một câu hỏi sâu hơn mà bạn nên hỏi là liệu có khoảng cách giữa kích thích và phản ứng hay không? Nói cách khác, liệu chúng ta thực sự có khả năng tự do lựa chọn phản ứng của mình, bất kể hoàn cảnh hay không? Nếu bạn thực sự trả lời “có” thì bạn sẽ thấy rằng lý tưởng chủ nghĩa là hiện thực. Bạn không thể nhìn thấy sự kỳ diệu của điện tử ngày nay, nhưng bạn đang sống dựa vào nó và bạn biết rằng chúng có thực. Trước khi điện tử được khám phá ra, chúng không có “thực” mà chỉ có trong ý tưởng. Khi bạn nói rằng những điều này nặng về đạo đức là bạn đang nói đến đúng - sai. Trong thâm tâm, bạn biết rõ sự khác nhau giữa cái đúng và cái sai, và nếu bạn chọn cái đúng thì kết quả sẽ khác hẳn so với khi bạn chọn cái sai. Đó là lý do tại sao những ý tưởng này lại mang tính lý tưởng và luân lý, cả hai đều là hiện thực.
CÂU HỎI 5: Ông nói rằng quyền lực tinh thần văn hóa là hình thức tiên tiến nhất của quyền lực tinh thần. Tôi chưa hiểu ý ông?
ĐÁP: Lấy bản tuyên ngôn độc lập của Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ làm ví dụ. Tình cảm ẩn chứa trong văn bản này thể hiện quyền lực tinh thần có tầm nhìn rộng. Bản Hiến pháp là nỗ lực thể chế hóa những giá trị khẳng định rằng: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng”. Và “… Họ được tạo hóa ban cho những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Bản Hiến pháp chính là sự liên kết giữa tầm nhìn và hệ thống các giá trị của Bản Tuyên ngôn Độc lập. Bản Tuyên ngôn nói rằng “mọi người”, tuy nhiên, gần hai trăm năm sau phụ nữ Mỹ mới có quyền bầu cử. Bản tuyên bố giải phóng nô lệ đã không được thông qua trong hơn tám mươi năm và ngày nay đây đó vẫn còn tồn tại nạn phân biệt chủng tộc. Quyền lực tinh thần văn hóa luôn phát triển chậm hơn quyền lực chính thống hay quyền lực tinh thần từ tầm nhìn, nhưng cuối cùng nó vẫn là nhân tố quyết định tạo nên một xã hội hài hòa. Yếu tố quyết định ở đây không phải là chính phủ, đại diện cho quyền lực và luật lệ; cũng không phải là các cá nhân hay các tổ chức tư nhân đại diện cho sự tự do. Yếu tố quyết định là ở các cá nhân và tập thể cùng chia sẻ các ý nghĩa và giá trị chung đã in sâu vào lòng từng người. Sự tự nguyện ở mức độ đó sẽ tạo ra một xã hội dân sự, tức là giải pháp thứ ba trung hòa giữa luật lệ và sự tự do.
CÂU HỎI 6: Ông nói rằng một trong những vấn đề khó khăn đang tồn tại là chúng ta sử dụng mô hình của Thời đại Công nghiệp vào Thời đại Tri thức, lẽ nào chúng ta đã không còn là một nước công nghiệp hóa sao? Tôi thấy ngày nay ở đâu công nghiệp cũng là ưu tiên hàng đầu.
ĐÁP: Đúng thế, nhưng các công việc tạo ra giá trị gia tăng nhiều nhất là do lao động tri thức chứ không phải lao động cơ giới. Vì thế, ở đây chúng ta không nói về việc gạt bỏ các ngành công nghiệp. Chúng ta đang nói về việc sử dụng một mô thức lãnh đạo trong các ngành công nghiệp đó. Thực ra, mô thức này cũng có thể áp dụng trong Thời đại Nông nghiệp tại các nông trại hoặc rộng hơn là khắp mọi nơi. Mô hình này làm tăng giá trị bằng sức mạnh của Thời đại Công nghiệp và Thời đại Thông tin. Ở đây chúng ta đang nói về phạm trù tinh thần chứ không phải môi trường vật chất.
CÂU HỎI 7: Các nền văn hóa độc đoán, chuyên chế sẽ tạo ra tính bị lệ thuộc lẫn nhau như thế nào?
ĐÁP: Hãy thử nghĩ xem nếu bạn có một người lãnh đạo chuyên quyền kiểm soát mọi việc, thì cấp dưới sẽ làm gì? Hầu hết mọi người sẽ răm rắp tuân lệnh ông ta; họ chờ ông ta ra lệnh và làm đúng những gì ông bảo. Hành vi này lại giúp “củng cố” nhận thức của người lãnh đạo độc đoán tiếp tục phải chỉ huy và kiểm soát; và điều này lại “củng cố” thái độ bị động của cấp dưới. Cách lãnh đạo như thế sẽ làm suy yếu năng lực và trí tuệ của cấp dưới và chôn vùi tất cả mọi tiềm năng của họ. Điều tồi tệ nhất là nó biến con người thành đồ vật, bị điều khiển và bị kiểm soát. Cuối cùng, nó cổ xúy và nuôi dưỡng một thứ văn hóa bợ đỡ, trong đó việc ngoan ngoãn tuân lệnh được xem là đúng đắn và trung thành còn ngược lại là sai trái.
Cách lãnh đạo này cũng tạo ra sự hòa hợp giả tạo trong tổ chức, người ta sẽ nói “có” trong khi thực ra họ muốn nói “không”. Nó triệt tiêu sự đấu tranh lành mạnh và gây ra sự bất mãn, tức giận, tuân thủ có ác ý, thiếu niềm tin, kém chất lượng và không hiệu quả trong công việc.
CÂU HỎI 8: Có thể áp dụng lý thuyết này trong tình hình kinh tế sa sút hay trong ngành công nghiệp bị đình trệ như thế nào?
ĐÁP: Khi đó nó càng có nhiều ứng dụng mang lại hiệu quả bởi vì nguồn lực lớn nhất là khả năng sáng tạo của con người tìm ra Giải pháp thứ ba cho những trường hợp khó khăn. Tuy vậy, xu hướng tự nhiên của con người vẫn là trở về mô hình chỉ huy và kiểm soát của Thời đại Công nghiệp - một mô hình bản thân chúng ta hiểu rằng không thể tồn tại lâu. Trong tình huống khủng hoảng ngắn hạn, khi con người bị chi phối bởi văn hóa sinh tồn thì mô hình quản lý chuyên quyền có thể có tác dụng. Eisenhower từng nói: “Bạn không thể nói về dân chủ với một người đang ẩn náu trong hầm trú ẩn cá nhân”. Nhưng cuối cùng bạn vẫn cần sự tham gia của mọi người để tạo ra sự biến đổi mang một ý nghĩa lâu dài. Làm được điều này đòi hỏi phải có sự lãnh đạo có quyền lực tinh thần đáng tin cậy.
CÂU HỎI 9: Làm thế nào để gắn kết 7 Thói quen với Bốn vai trò của lãnh đạo? Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc cho việc huấn luyện 7 Thói quen trong tổ chức của chúng tôi nhưng kết quả chưa rõ nét.
ĐÁP: Bạn cần nhớ rằng 7 Thói quen được dựa trên các nguyên tắc. 7 Thói quen là các nguyên tắc về tính cách, định hình bạn là ai và bạn làm gì; còn Bốn vai trò lãnh đạo đề cập đến việc bạn phải làm gì trong vai trò lãnh đạo để gây ảnh hưởng trong một tổ chức. Khi bạn đưa 7 Thói quen vào khuôn khổ của Bốn vai trò lãnh đạo, chúng sẽ trở thành sự nêu gương. Điều này làm cho 7 Thói quen có ý nghĩa chiến lược bởi vì chúng là những điều bạn nêu gương trong khi bạn đang thực hiện ba vai trò khác của lãnh đạo. Những nguyên tắc ẩn chứa trong 7 Thói quen cũng giống như một cái giếng sâu hoặc mạch nước ngầm cung cấp nước cho các giếng nước nằm dưới bề mặt như chính sách quản trị chất lượng đồng bộ, trao quyền, tinh thần làm việc nhóm, sự đổi mới...
CÂU HỎI 10: Các vụ bê bối tài chính của các tập đoàn lớn thường làm cho cả ngành kinh doanh bị ảnh hưởng dây chuyền. Điều này khiến cho đề tài tính cách cá nhân trở thành tiêu điểm chú ý. Vậy ông làm thế nào để xây dựng tính cách cá nhân và tính cách văn hóa; làm thế nào để tránh được các vụ bê bối này?
ĐÁP: Tôi đã có dịp tham gia xử lý hậu quả của các vụ bê bối Three Mile Island, Rodney King và Exxon Valdez. Nhìn chung tôi cho rằng tất cả những thảm họa này đều là biểu hiện sâu sắc của vấn đề văn hóa công ty; phần nổi của tảng băng bao gồm những việc làm sai trái, sự che đậy và làm ngơ trước những hành vi sai trái để rồi bị báo chí phanh phui.
Tôi cho rằng đó là bài học đắt giá cho mọi tổ chức. Cần phải xem xét lại điều gì là quan trọng nhất – tầm nhìn hay hệ thống các giá trị? Bạn cần xem xét lại tất cả những lề thói, các cơ cấu và hệ thống xem liệu chúng có thật sự phù hợp với những giá trị và tầm nhìn hay không. Thông tin phản hồi cần phản ánh trung thực ý kiến của khách hàng, nhà cung cấp và toàn bộ chuỗi giá trị. Bạn không thể lảng tránh vấn đề do mình gây ra vì sớm muộn nó cũng bị phơi bày. Bạn cũng không thể đặt sự trung thành cao hơn lòng chính trực; dù xét theo một mặt nào đó thì chúng tương tự nhau, nhưng vẫn có sự khác nhau cơ bản. Bạn luôn muốn bác sĩ nói cho bạn biết sự thật, dù đó là điều bạn không muốn nghe. Bạn muốn bác sĩ phải trung thực với nghề nghiệp của họ, cũng như đối với bạn. Điều này cũng đúng trong tổ chức của bạn, đó là sự trung thành đối với các nguyên tắc đạo đức và nghề nghiệp, chứ không phải đối với bản thân một ai đó trong tổ chức.
Cách tốt nhất để phát triển tính cách trong một tổ chức không phải là đưa ra bảng đánh giá để mọi người phán xét lẫn nhau, mà để mọi người chịu trách nhiệm về những kết quả công việc do chính họ đảm nhận. Bằng cách này, bạn sẽ không đi vào phê phán tính cách của người khác mà bạn chỉ trao cho họ trách nhiệm, mà trách nhiệm đó đòi hỏi họ phải rèn luyện tính cách bản thân.
CÂU HỎI 11: Ông sẽ làm gì để có thể duy trì được văn hóa tích cực tin cậy cao sau khi cắt giảm nhân lực?
ĐÁP: Bạn có biết tại sao văn hóa của tổ chức bị sa sút sau khi cắt giảm nhân lực? Đó là vì mọi người không tuân theo các nguyên tắc, họ không được tham gia đóng góp, không được cung cấp thông tin, không biết bao giờ sẽ đến lượt mình bị sa thải. Họ không biết về các chuẩn mực cần có để có thể đưa ra những quyết định. Để cho các nhân viên bị tác động tiêu cực và gia đình của họ hiểu được tình hình khó khăn của công ty và tạo ra không khí thiện chí trong tổ chức, cần phải có sự giao tiếp cởi mở và công khai để mọi người được tham gia bàn bạc chân thành và tổ chức phải trung thành với các giá trị và các nguyên tắc đã được xác lập.
CÂU HỎI 12: Chúng ta thường có những lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ lãnh đạo, những chuyến đi thực tập dã ngoại và mời chuyên gia bên ngoài đến để giúp đỡ cho tổ chức. Những hoạt động này rất có ích, giúp nâng cao sự nhiệt tình và hăng hái của mọi người, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì đâu lại vào đấy. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
ĐÁP: Biết mà không làm thì xem như không biết gì cả. Nếu bạn chỉ háo hức nhất thời với những kiến thức và những kỹ năng mới học được, nhưng lại không áp dụng chúng vào thực tiễn thì bạn đã không thực sự biết. Nếu như các cơ cấu và hệ thống của môi trường không thuận lợi để bạn áp dụng chúng, bạn sẽ không áp dụng và cũng sẽ không thực sự biết về chúng. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì cuối cùng sẽ tạo ra tâm lý nghi ngờ trong tổ chức. Bí quyết thành công là sau khi học, bạn cần tổ chức truyền đạt, thảo luận và thể chế hóa bằng cách vận dụng các nguyên tắc đã học vào các quy trình làm việc hàng ngày, đồng thời gắn chúng với việc đánh giá kết quả công việc và khen thưởng.
CÂU HỎI 13: Điều gì sẽ xảy ra nếu cách tiếp cận đó không đem lại kết quả?
ĐÁP: Nếu bạn không áp dụng nó thì sẽ chẳng bao giờ có kết quả. Cách tiếp cận này không phải là phép màu. Nó cần có sự quyết tâm, kiên trì, thường xuyên và đặc biệt là cần biết thay đổi nếp nghĩ và thói quen cũ để tiếp thu cái mới.
CÂU HỎI 14: Đâu là cách tốt nhất để chủ động tạo ra sự thay đổi trong tổ chức, giả sử bản thân đã thay đổi trước?
ĐÁP: Nếu bạn vừa nhấn ga, vừa đạp thắng thì làm cách nào chiếc xe của bạn có thể chạy nhanh nhất? Bạn sẽ đạp mạnh thêm hay nhả thắng ra? Rõ ràng là phải nhả thắng ra. Tương tự như thế, văn hóa trong một tổ chức cũng có lực đẩy và lực cản. Lực đẩy là những thực tại lô-gic và kinh tế. Lực cản là những yếu tố về văn hóa và tình cảm. Để biến lực cản thành lực đẩy, cần thông qua các giải pháp thứ ba về sự giao tiếp đồng tâm hiệp lực.
CÂU HỎI 15: Có phải tất cả nội dung cuốn sách này đều là mới? Tôi đã từng nghe những ý tưởng này khi tôi còn trẻ. Lịch sử thường có những chuyện như vậy.
ĐÁP: Đúng thế. Để tiếp thêm ý của bạn, chúng ta đều biết nhờ có Bản Hiến pháp hay nguyên tắc làm trọng tâm và một thị trường thương mại tự do mà chúng ta chứng kiến sự giải phóng tiềm năng con người tại Hoa Kỳ, một đất nước chiếm 4,5% dân số thế giới nhưng tạo ra gần 1/3 giá trị sản lượng hàng hóa trên thế giới. Đây là bằng chứng hùng hồn về sức mạnh của những mô thức và nguyên tắc đã tạo ra những kết quả vượt bậc. Bạn cần nhớ rằng, các nguyên tắc này có tính phổ quát và muôn thuở. Thế nhưng không phải bất cứ điều gì là sự thật hiển nhiên đều được người khác thừa nhận và thực hiện. Do đó, chúng ta phải luôn củng cố lòng quyết tâm cũng như khôi phục đạo đức tính cách và sự lãnh đạo luôn hướng về nguyên tắc.
CÂU HỎI 16: Có phải cuốn sách này được viết từ những công trình nghiên cứu?
ĐÁP: Nếu ý bạn muốn nói đến các công trình nghiên cứu thực nghiệm, chuyên sâu thì câu trả lời là “không” trừ phần nghiên cứu khoa học về lỗ hổng trong thực nghiệm. Còn nếu bạn muốn nói đến việc phân tích lịch sử, truy cứu tài liệu và nghiên cứu để rút ra hành động thiết thực, thì câu trả lời là “có”.
CÂU HỎI 17: Những tổ chức nào là hình mẫu cho các ý tưởng này?
ĐÁP: Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những điển hình xung quanh bạn, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Phép thử là hãy quan sát xem lực lượng lao động có được trao quyền hay không? Họ có tập trung vào các ưu tiên cao nhất của tổ chức và thực hiện như thế nào? Tất nhiên việc trao quyền không phải là tất cả. Lẽ thường, mọi tổ chức đều có thành công và thất bại. Vấn đề là phải luôn cảnh giác, thu hút và phát triển những người giỏi, xây dựng đạo đức lãnh đạo trở thành “gien” văn hóa của tổ chức, cũng như quyền lực tinh thần để tổ chức phát triển không ngừng.
CÂU HỎI 18: Hiểu theo một cách nào đó thì liệu đây có phải là cuốn sách nói về tín ngưỡng hay không?
ĐÁP: Các nguyên tắc chung tất nhiên phải có nền tảng đạo lý và tình cảm nhưng chúng không phải là nét riêng của bất cứ tôn giáo nào. Tôi từng giảng giải các nguyên tắc này khắp nơi trên thế giới trong bối cảnh các tôn giáo khác nhau và đã trích dẫn một số câu trong các sách kinh thánh rất khác nhau của nhiều tôn giáo. Những nguyên tắc này thực sự có tính phổ quát và muôn thuở. Người ta có thể sử dụng ngôn từ khác nhau, người ta có thể có những tục lệ khác nhau phản ánh những giá trị khác nhau, nhưng về cơ bản thì các nguyên tắc đó đều đề cập đến bốn phạm trù đã được trình bày xuyên suốt cuốn sách này - thể chất/kinh tế, mối quan hệ/xã hội, phát triển trí tuệ/tài năng và tinh thần, tất cả đều có liên quan đến ý nghĩa của cuộc sống và sự chính trực.
CÂU HỎI 19: Tôi là người vừa thiếu nhiệt tình vừa nôn nóng. Liệu đối với tôi có quá muộn để thay đổi?
ĐÁP: Một câu hỏi rất hay. Thực ra, tôi phát hiện ra rằng vấn đề chính mà mọi người thường nghi ngờ là sự đúng đắn của các ý tưởng chứ không phải bản thân các ý tưởng. Các ý tưởng này đều đúng đối với mọi người. Vấn đề ở đây là họ nghi ngờ chính bản thân mình. Lời khuyên của tôi là bạn hãy bắt đầu chậm rãi và làm từ việc nhỏ rồi tiến hành thực hiện lời hứa đối với mình. Một khi bạn đã thực hiện được, dù rất nhỏ, hãy tiếp tục làm và cố gắng thêm chút nữa. Dần dần từng bước một, bạn sẽ có được sự tự tin, làm chủ tình huống, sự kiên trì cũng sẽ tăng lên, bạn sẽ đặt ra mục tiêu lớn hơn và thực hiện được. Không bao giờ là quá muộn đối với bạn. Cuộc sống là một sứ mệnh, chứ không phải là một nghề nghiệp.
CÂU HỎI 20: Làm thế nào ông biết được điều đó sẽ mang lại kết quả?
ĐÁP: Bạn chỉ thực sự biết được khi bắt tay hành động. Biết mà không làm thực ra là không biết. Bằng chứng để chứng minh bạn sẽ đạt kết quả hay không còn có thể lấy từ những kết quả thực tế của những người được bạn phục vụ - khách hàng, người chủ công ty/doanh nghiệp/tổ chức, nhân viên, đồng nghiệp, những người dân bình thường sống quanh bạn... và cả những thông tin phản hồi mà bạn nhận được. Suy cho cùng, tôi tin vào sự phán xét sáng suốt dựa vào lương tâm kết hợp với sự quan sát và đối chiếu. Tôi cũng nhận ra rằng tự trong thâm tâm, hầu hết chúng ta đều biết những gì nên và không nên làm. Chỉ cần mọi người hành động theo sự hiểu biết đó thì những câu hỏi khác chỉ còn là lý thuyết suông. Cuối cùng, tôi muốn nói rằng mọi câu hỏi trên đời này đều có lời giải đáp và bạn có thể tìm thấy chúng qua học hỏi, nhưng đôi khi bạn phải trả giá mới có được chúng.