Chương 15
SỬ DỤNG TIẾNG NÓI BẢN THÂN MỘT CÁCH THÔNG MINH
Khi ngủ, tôi mơ thấy cuộc sống là niềm vui.
Khi thức, tôi nhìn thấy cuộc sống là phục vụ
con người. Tôi hành động và nhận ra rằng
phục vụ chính là niềm vui.
- RABINDRANATH TAGORE
Tôi tin rằng đáp lại sự phục vụ hữu ích là nghĩa vụ chung của nhân loại và chỉ có ngọn lửa thuần khiết của sự hy sinh mới thiêu hủy được mọi cặn bã của sự ích kỷ nhỏ nhen và thổi bùng ngọn lửa cao thượng của tâm hồn.
- JOHN D. ROCKEFELLER, JR.
Động lực thúc đẩy từ bên trong để 1) Tìm ra tiếng nói của bản thân và 2) Cổ vũ người khác tìm ra tiếng nói của họ được chạy bằng một thứ nhiên liệu đặc biệt: mục đích cao cả qua việc phục vụ nhu cầu con người. Đây cũng là phương tiện tốt nhất để thực hiện cả hai công việc này. Không biết hy sinh bản thân để phục vụ thì chúng ta sẽ không thể mở rộng và phát huy khả năng tự do lựa chọn của mình. Khi cống hiến những gì mình có vì lợi ích tốt đẹp của mọi người thì đồng thời cá nhân chúng ta cũng sẽ trưởng thành. Mối quan hệ của chúng ta với những người xung quanh sẽ được cải thiện và trở nên sâu sắc khi chúng ta phụng sự cho gia đình mình, cho người khác, cho cộng đồng, tổ quốc và cho các nhu cầu khác của nhân loại.
Các tổ chức được thành lập nhằm phục vụ cho các nhu cầu của con người. Bạn có thể tìm ra lý do nào khác cho sự tồn tại của các tổ chức đó? Robert Greenleaf từng viết một tiểu luận tuyệt vời có nhan đề “Định chế là Đầy tớ” nói về khái niệm công bộc của tổ chức.
Phụng sự con người chính là lệ phí chúng ta phải trả để được sống trong thế giới này.
- NATHAN ELDON TANNER
THỜI ĐẠI CỦA TRÍ TUỆ
Tôi tin rằng thiên niên kỷ này sẽ là Thời đại của Trí tuệ (The Age of Wisdom). Nó sẽ trở thành hiện thực nhờ sức mạnh của hoàn cảnh lấn át con người hoặc do sức mạnh của lương tâm, hoặc cả hai.
Bạn đừng quên năm Thời đại của nền Văn minh nhân loại: Thời đại Săn bắt/Hái lượm với biểu tượng cánh cung và mũi tên; Thời đại Nông nghiệp gắn liền với các công cụ nghề nông; Thời đại Công nghiệp với các nhà máy; Thời đại Thông tin/Lao động Tri thức gắn với chính con người; và Thời đại của Trí tuệ với biểu tượng chiếc la bàn, tượng trưng cho khả năng tự do lựa chọn hướng đi của con người cũng như mục đích và sự tuân thủ các quy luật tự nhiên và các nguyên tắc (hướng chính Bắc) không bao giờ thay đổi, có tính phổ quát, muôn thuở và hiển nhiên.
Bạn có để ý rằng, sau mỗi biến chuyển của xã hội từ thời đại này sang thời đại khác thì hơn 90% lực lượng lao động của thời đại trước đó bị cắt giảm? Tôi tin rằng đây là điều đang diễn ra khi chúng ta chuyển từ Thời đại Công nghiệp sang Thời đại Thông tin/Lao động Tri thức. Con người hoặc đang bị mất việc hoặc đang dần dần thay đổi theo những đòi hỏi bức thiết của công việc mới. Cá nhân tôi tin rằng hơn 20% lực lượng lao động hiện nay đang trở nên lạc hậu và nếu họ không cố gắng tái đầu tư vào bản thân thì chỉ trong vài năm tới, sẽ có thêm 20% lực lượng lao động nữa trở nên lạc hậu.
TRÍ TUỆ NẰM Ở ĐÂU?
Chúng ta biết rằng thông tin (information) không phải là trí tuệ. Chúng ta cũng biết rằng kiến thức (knowledge) cũng không phải là trí tuệ.
Cách đây nhiều năm, khi tôi còn giảng dạy ở đại học và chuẩn bị làm luận án tiến sĩ, tôi đến gặp một người bạn đồng thời cũng là giáo sư của tôi. Tôi nói: “Tôi muốn làm luận án về đề tài động cơ và nghệ thuật lãnh đạo - một luận án triết học chứ không phải là một công trình thực nghiệm”.
Anh ấy trả lời tôi như sau: “Stephen này, hiểu biết của anh còn chưa đủ để có thể nêu ra câu hỏi đúng!”. Nói một cách dễ hiểu là kiến thức của tôi còn hạn hẹp, và nó cần được tăng lên nhiều hơn nữa mới có thể đủ sức đương đầu với vấn đề tôi muốn đề cập.
Đây là một trở ngại về tâm lý đối với tôi vì cả trái tim và khối óc của tôi thiên về triết học, về xã hội hơn là khoa học tự nhiên. Tôi tin rằng sự kết hợp giữa kiến thức đại học về triết học và những nghiên cứu sau đại học về kinh tế của tôi đã đủ cho luận án này. Phải nhiều năm sau đó tôi mới nhận ra rằng anh ấy đã nói đúng. Đây là một bài học về sự khiêm tốn. Quả thực, khiêm tốn là người mẹ sinh ra kiến thức và mang lại những hiểu biết hết sức quý giá. Và cuối cùng tôi nhận ra rằng: càng hiểu biết nhiều, tôi càng nhận ra rằng mình không biết gì cả1.
1. Nguyên văn: The more you know, the more you know you don’t know.
Hãy xem hình 15.1, trên đó hình tròn biểu thị cho kiến thức của bạn và khoảng trống bên ngoài hình tròn biểu thị cho sự ngu dốt.
Khi kiến thức của bạn tăng lên thì nhận thức về sự hạn hẹp trong hiểu biết của bạn cũng tăng lên. (Xem hình 15.2)
Hình 15.1
Hình 15.2
Theo một ý nghĩa nào đó, khi sự hiểu biết tăng lên thì kiến thức bị thu hẹp lại vì khi đó các chi tiết được chứa đựng trong các nguyên tắc. Từng “mẩu” kiến thức nhỏ, quan trọng sẽ được tích lũy dần qua những chặng đường cuộc sống, nhưng thói quen vận dụng một cách hiệu quả các nguyên tắc phổ biến mới chính là sự làm chủ trí tuệ ở bậc cao nhất.
- ALFRED NORTH WHITEHEAD
Nhận thức trên giúp chúng ta có thêm quyết tâm không ngừng học tập, đặc biệt là các “môn học” quan trọng như sự trưởng thành cá nhân, các mối quan hệ với người khác và sự lãnh đạo. Tôi tin rằng khi thông tin và tri thức được gắn kết với những mục đích và các nguyên tắc cao quý, bạn sẽ phát huy tốt nhất trí tuệ của mình.
QUYỀN LỰC TINH THẦN VÀ SỰ LÃNH ĐẠO CÔNG BỘC
Bạn vẫn chưa được xem là hoàn thành nhiệm vụ, hay đã làm hết sức mình nếu vẫn còn những điều có ích mà bạn có thể đóng góp.
- DAG HAMMARSKJOLD
Trí tuệ thể hiện qua việc sử dụng kiến thức một cách có ích. Trí tuệ là sự kết hợp thông tin và kiến thức với những mục đích và các nguyên tắc cao cả. Trí tuệ giúp chúng ta biết tôn trọng những người xung quanh và coi trọng sự khác biệt của họ. Trên tất cả, trí tuệ giúp ta biết phục tùng quy tắc đạo đức hàng đầu – sự cống hiến. Quyền lực tinh thần là cao quý và mạnh mẽ nhất (sức mạnh của tính cách); còn quyền lực chính thống là hào quang thứ yếu (chức vụ, địa vị, của cải, tài năng, danh tiếng).
Điều lý thú khi nói về quyền lực tinh thần chính là ở nghịch lý của nó. Các từ điển thường giải nghĩa về “quyền lực” bằng các từ ngữ như là “chỉ huy”, “điều khiển”, “kiểm soát”, “uy quyền”, “ưu thế”, “thống trị”, “chi phối”, “sức mạnh”. Nhưng từ trái nghĩa của nó lại là “lễ độ”, “lệ thuộc”, “yếu đuối”, “đệ tử”. Quyền lực tinh thần có nghĩa là tạo ảnh hưởng thông qua việc tuân thủ các nguyên tắc. Quyền lực tinh thần có được thông qua việc phụng sự, cống hiến hết mình và sẵn sàng đóng góp. Nó bắt nguồn từ sự khiêm nhường và có sức mạnh lớn nhất khi làm đầy tớ cho tất cả mọi người. Quyền lực tinh thần là hào quang lớn nhất có được từ sự hy sinh.
Theo kinh nghiệm cá nhân tôi thì những người ở vị trí cao nhất trong các tổ chức thực sự lớn mạnh luôn là những nhà-lãnh-đạo-công-bộc (servant leaders). Họ là những người khiêm tốn nhất, cởi mở nhất, chịu khó lắng nghe nhất, đáng tôn trọng nhất và là người biết quan tâm đến người khác nhất. Jim Collins, đồng tác giả của quyển Xây dựng để trường tồn (Built to Last) và là tác giả cuốn sách vừa được xuất bản mới đây Từ Tốt đến Vĩ đại (Good to Great), đã tiến hành công trình nghiên cứu kéo dài năm năm, chỉ nhằm giải đáp cho câu hỏi đâu là cái làm cho một tổ chức bình thường trở nên vĩ đại. Kết luận mà ông rút ra là chúng ta cần chủ động thay đổi quan niệm về sự lãnh đạo. Ông mô tả về người “lãnh đạo cấp độ 5” như sau:
Đó là những nhà điều hành có khả năng tạo sự phát triển đột biến, những người sở hữu những phẩm chất trái ngược nhau là tính khiêm nhường và một ý chí vươn lên mãnh liệt về chuyên môn. Họ là những người vừa ngại ngùng vừa quyết liệt, họ rụt rè nhưng không bao giờ sợ hãi.
Hình 15.3
Rất hiếm có tổ chức nào trở nên vĩ đại mà không có ít nhất một người lãnh đạo cấp độ 5 như thế.
Khi những người có cương vị hay quyền lực chính thống (hào quang thứ yếu) từ chối sử dụng uy quyền và quyền lực, trừ phi đó là giải pháp cuối cùng, thì quyền lực tinh thần của họ sẽ tăng lên rất nhiều. Đó là vì họ biết kìm hãm cái tôi cũng như quyền lực cá nhân và thay thế bằng lý lẽ, sự thuyết phục, lòng tốt và sự cảm thông. Nói ngắn gọn là sự tín nhiệm của bản thân.
Cũng có những lúc do tình trạng rối ren, bất ổn hay sự sống còn đòi hỏi phải dùng bàn tay sắt của quyền lực để ổn định trật tự, để xác lập trật tự mới hay một tầm nhìn mới. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, việc sử dụng quyền lực chính thống quá sớm sẽ làm cho quyền lực tinh thần bị giảm sút. Như đã nói, khi bạn vay mượn sức mạnh từ địa vị quyền lực của mình, bạn sẽ làm yếu cả ba đối tượng: bản thân mình, vì bạn không phát huy được quyền lực tinh thần của mình; làm yếu người khác, vì họ lệ thuộc vào quyền lực của bạn; làm yếu mối quan hệ, vì khi đó sự cởi mở và lòng tin khó mà có cơ hội để phát triển.
Cách tốt nhất để phơi bày tính cách của một người không phải thông qua nghịch cảnh mà hãy trao cho họ quyền lực.
- ABRAHAM LINCOLN
Bạn hãy lưu ý sự khác biệt giữa sự lãnh đạo do chức vị (quyền lực chính thống) và sự lãnh đạo do lựa chọn (quyền lực tinh thần) theo bảng dưới đây:
Bảng 7
Trong cuộc sống có rất nhiều ví dụ chứng minh cho nhiều trường hợp của các cộng đồng và những cá nhân thể hiện được “tiếng nói” của họ trong việc phục vụ các nhu cầu của con người mà công cụ chủ yếu vẫn là quyền lực tinh thần.
Sứ mệnh cơ bản của cảnh sát là NGĂN NGỪA tội phạm và tình trạng mất trật tự. Quần chúng chính là cảnh sát và cảnh sát phải là quần chúng. Cả hai cần chia sẻ trách nhiệm chung để gìn giữ an ninh cho cộng đồng.
- SIR ROBERT PEEL, người sáng lập ngành cảnh sát hiện đại
Bây giờ thì tôi đã hiểu. Mọi người đều có thể cống hiến cho niềm tin của họ bất kể họ là nam hay nữ. Đôi khi người ta có ít niềm tin hoặc hoàn toàn không có, và do đó họ đánh mất mình chỉ vì những điều nhỏ mọn hoặc chẳng là gì cả.
- JOAN OF ARC
GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ TRONG CUỘC SỐNG BẰNG MÔ HÌNH LẤY NGUYÊN TẮC LÀM TRỌNG TÂM
Từ đầu cuốn sách này tôi đã nói rằng nếu mô thức con người hoàn thiện là đúng, nó sẽ cho bạn một khả năng phi thường để giải thích, dự đoán, cũng như giải quyết được những vấn đề lớn nhất trong tổ chức của bạn.
Trong những năm qua, tôi đã hỏi ý kiến hàng trăm ngàn người trên khắp thế giới về điều gì là thách thức lớn nhất đối với họ – những điều đã làm họ mất ăn mất ngủ. Rồi tôi lại hỏi họ đâu là thách thức lớn nhất trong công việc hay trong tổ chức mà họ đang làm việc. Bảng 8 sau đây tổng kết những câu trả lời phổ biến nhất (hãy lưu ý sự giống nhau giữa bảng này và những nỗi đau, thách thức mà tôi đã nêu ra ở các trang đầu của cuốn sách).
Bảng 8
Tôi tin rằng trong khuôn khổ các nguyên tắc chứa đựng trong ba mô hình được nêu trong cuốn sách này, bạn sẽ biết cách giải quyết những vấn đề thường gặp cũng như biết bước khởi đầu để định hướng giải quyết. Trước một vấn đề gặp phải, bạn cần suy nghĩ mình phải làm gì thông qua tầm nhìn, kỷ luật, đam mê, lương tâm, và 7 Thói quen trên phương diện cá nhân; đồng thời, thông qua việc nêu gương, định hướng, liên kết và trao quyền cùng với sự minh bạch, cam kết, chủ động, đồng tâm hiệp lực, tạo điều kiện để thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn và các giá trị của tổ chức.
Một lần nữa, chúng ta sẽ xem lại mô hình tập trung và thực hiện lấy nguyên tắc làm trọng tâm. (Xem hình 15.6)
Hình 15.6
Bạn hãy nghĩ sâu hơn về sức mạnh toàn diện của Mô hình con người hoàn thiện (thể xác, trí tuệ, tâm hồn và tinh thần). Mô hình đề cập đến bốn năng lực đặc biệt của con người – IQ, EQ, PQ và SQ. Nó tượng trưng cho bốn động cơ/nhu cầu của cuộc sống – sống, học tập, yêu thương và để lại di sản. Nó cũng tượng trưng cho bốn thuộc tính của người lãnh đạo – tầm nhìn, kỷ luật, đam mê và lương tâm. Cuối cùng, nó tượng trưng cho bốn thuộc tính của những tổ chức (kể cả gia đình) dưới hình thức bốn vai trò của lãnh đạo – nêu gương, định hướng, liên kết và trao quyền. (Xem hình 15.7)
Hình 15.7
Tìm Ra Tiếng Nói Của Bản Thân là một khái niệm về sự đồng tâm hiệp lực. Hãy luôn nhớ rằng sức mạnh tổng thể lớn hơn tổng sức mạnh của từng bộ phận riêng lẻ. Vì vậy, khi bạn coi trọng, phát triển, gắn kết và cân bằng cả bốn năng lực đặc biệt của con người và tạo điều kiện để bốn năng lực này tồn tại trong bạn thì bạn sẽ phát huy được tối đa tiềm năng của mình để đi đến thành công bền vững.
LỜI KẾT
Cuốn sách này trước hết nhằm giới thiệu một mô thức cơ bản: mỗi cá nhân đều là một con người hoàn thiện với đầy đủ các yếu tố: thể xác, trí tuệ, tâm hồn và tinh thần. Khi mỗi người tham gia vào quá trình xây dựng Thói quen thứ 8 - Tìm Ra Tiếng Nói Của Bản Thân - lựa chọn cách mở rộng tầm ảnh hưởng của mình bằng cách cổ vũ người khác tìm ra tiếng nói của họ, thì họ sẽ tăng cường phạm vi tự do lựa chọn của mình để giải quyết những thách thức lớn nhất và phục vụ các nhu cầu của con người; họ hiểu được rằng cuối cùng lãnh đạo phải từ sự lựa chọn chứ không phải do chức vị. Lãnh đạo là nghệ thuật tạo điều kiện và hỗ trợ người khác hoàn thành công việc của họ, cả trong tổ chức và ngoài xã hội. Vậy, chúng ta chỉ kiểm soát đồ vật, chứ không thể kiểm soát con người. Đối với con người, chúng ta chỉ thực hiện việc dẫn dắt họ bằng cách trao quyền cho họ mà thôi.
Về mô thức con người hoàn thiện, chúng ta cũng đã biết rằng mỗi cá nhân đều là một vốn quý, được phú cho những khả năng to lớn, gần như là vô hạn. Chúng ta cũng biết phương cách tốt nhất để nâng cao năng lực con người là tận dụng những món quà thiên phú và tài năng hiếm có. Chúng ta cũng hiểu rằng văn hóa mà chúng ta đang sống và làm việc đã được “lập trình” chỉ dẫn dắt chúng ta đến sự tầm thường, tách rời khỏi những tiềm năng lớn luôn tồn tại bên trong chúng ta. Chỉ có đồ vật mới cần phải được kiểm soát quản lý. Tư duy chỉ huy và giám sát của Thời đại Công nghiệp làm cho nhiều người hiểu một cách sai lệch rằng nguồn lực lớn nhất trong sản xuất là tư bản và máy móc chứ không phải con người. Chúng ta cũng hiểu rằng chúng ta có sức mạnh để thay đổi lại hoàn toàn tư duy đó, và chính sức mạnh này là nguồn cảm hứng để chúng ta dẫn dắt (trao quyền) cho những người có khả năng lựa chọn và điều khiển sự vật.
Nếu chúng ta tuân theo các nguyên tắc (qua hình ảnh tượng trưng là chiếc la bàn) luôn chỉ hướng chính Bắc, thì chúng ta sẽ dần dần tạo ra được quyền lực tinh thần của mình; mọi người sẽ tin ở chúng ta nếu chúng ta thực sự tôn trọng họ, thừa nhận giá trị cũng như tiềm năng của họ và tạo cơ hội cho họ tham gia đóng góp. Nếu thông qua quyền lực tinh thần (hào quang chính yếu), chúng ta sẽ có được quyền lực chính thống hay chức vị (vinh quang thứ yếu), chúng ta sẽ cùng nhau thể chế hóa các nguyên tắc này để không ngừng nuôi dưỡng một cơ thể và tinh thần lành mạnh có thể gia tăng sự tự do và sức mạnh để cống hiến nhiều hơn. Nói tóm lại, sự lãnh đạo được mọi người chấp nhận chỉ có được khi người lãnh đạo đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân.
HỎI & ĐÁP
HỎI: Tại sao hy sinh là tâm điểm của quyền lực tinh thần?
ĐÁP: Hy sinh có nghĩa là từ bỏ một điều tốt đẹp để có được điều tốt đẹp hơn. Khi một người có tầm nhìn vượt khỏi cái tôi của mình để tập trung vào sự nghiệp quan trọng hay một mục tiêu bằng tất cả tình cảm, họ sẽ sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp đó. Đối với họ, đó không phải là sự hy sinh, chỉ có những người bên ngoài mới nhìn thấy sự hy sinh của họ. Hạnh phúc về cơ bản chỉ là sản phẩm phụ của việc chúng ta đặt điều chúng ta muốn có ngay bây giờ lên trên điều chúng ta muốn thụ đắc được về lâu dài. Vì vậy, những ai hết lòng gắn bó với sự nghiệp thì khi hy sinh hạnh phúc trước mắt là họ đã gạt bỏ trở ngại lớn nhất trên con đường sự nghiệp. Cống hiến vì sự nghiệp chính là tiêu chuẩn đạo đức của tất cả các tôn giáo, là mục đích tận cùng của triết học và tâm lý học. Albert Schweitzer nói: “Tôi không biết số phận của các bạn sẽ ra sao, nhưng có điều chắc chắn rằng: trong số các bạn, những người thực sự hạnh phúc là những người tìm ra con đường và cách thức phục vụ con người”.
HỎI: “TQM” (Total Quality Management - Quản trị Chất lượng Đồng bộ) và “chất lượng”, những khái niệm một thời là câu nói cửa miệng của các nhà quản lý; sau đó đến “trao quyền”; riêng câu nói được lặp đi lặp lại với tần suất cao ngày nay là “đổi mới” (innovation). Vậy trong tương lai sẽ là gì?
ĐÁP: Đó là “trí tuệ”. Nếu các nguyên tắc không ngự trị trong con tim và khối óc của từng cá nhân, trong các mối quan hệ và văn hóa của tổ chức thì bạn không thể nào xây dựng được niềm tin. Và không có niềm tin thì khó mà thực hiện được việc trao quyền. Nếu mỗi người dựa vào luật lệ để phán xét thì bạn không thể nuôi dưỡng được một bầu không khí của sáng tạo và đổi mới. Thay vào đó, bạn sẽ nuôi dưỡng một thứ văn hóa nịnh bợ. Nếu không có sự tin cậy ở mức độ cao, các cơ cấu và hệ thống liên kết với nhau dựa trên một mô thức của sự rộng lượng thì bạn không thể có được quy trình TQM hay đạt được chất lượng như kỳ vọng. Theo tôi, sau Thời đại Thông tin sẽ là Thời đại Trí tuệ, trong đó người lãnh đạo đích thực là người-lãnh-đạo-công-bộc (servant leader).
HỎI: Tôi rất thích khái niệm “tổ chức lấy nguyên tắc làm trọng tâm”. Liệu có thể áp dụng khái niệm này vào cộng đồng xã hội?
ĐÁP: Chắc chắn là được. Nếu bạn có thể tập hợp đủ số lượng người biết cách quan tâm đến người khác, là những người lãnh đạo tự nhiên hay chính thức trong ngành giáo dục, kinh doanh, cơ quan nhà nước và các ngành nghề khác và thậm chí cả những người không có quyền lực chính thống nhưng có rất nhiều quyền lực tinh thần và mối quan tâm để tham gia vào quá trình giảng dạy 7 Thói quen và Bốn vai trò lãnh đạo trong tổ chức và gia đình, trong các cộng đồng, bạn sẽ nhìn thấy những kết quả đáng ngạc nhiên. Chúng tôi đã và đang làm điều này cho rất, rất nhiều cộng đồng khác nhau trên khắp thế giới.