Chương 1
Nỗi Đau
Có bao giờ bạn nghe những lời than vãn sau:
“Tôi hoàn toàn bế tắc, không tìm thấy một lối thoát nào cho mình.”
“Tôi không còn chút sức lực nào nữa. Tôi cảm thấy quá mệt mỏi và kiệt sức.”
“Mọi người coi tôi chẳng ra gì. Sếp tôi không nhìn thấy năng lực thật sự của tôi.”
“Không ai cần đến tôi cả – dù là ở công sở hay ở nhà. Vợ/chồng tôi chỉ nghĩ tới tôi khi có hóa đơn đang chờ thanh toán.”
“Tôi cảm thấy nản lòng và chẳng còn chút ý chí nào nữa.”
“Tôi làm việc thậm chí còn không đủ ăn. Chắc tôi chẳng thể nào tiến bộ được.”
“Cuộc sống của tôi thiếu thốn mọi thứ.”
“Tôi chẳng làm được gì ra hồn.”
“Tôi cảm thấy thật trống rỗng. Cuộc sống đối với tôi trở nên vô nghĩa, mọi thứ luôn khiến tôi hụt hẫng.”
“Tôi thật sự tức giận và rơi vào trạng thái hoảng sợ. Tôi không thể để mất việc được.”
“Tôi rất cô đơn.”
“Tôi hoàn toàn kiệt sức; mọi thứ lúc nào cũng gấp gáp.”
“Tôi bị quản lý chặt chẽ tưởng chừng không thở nổi.”
“Tôi phát ốm vì những chuyện bè phái và xu nịnh.”
“Tôi bị thúc ép bằng mọi giá phải đạt được chỉ tiêu doanh số. Tôi không thể chịu nổi áp lực công việc như thế. Tôi không đủ thời gian cũng như sức lực để hoàn thành việc gì cả.”
“Trong một gia đình mà vợ/chồng không biết cảm thông cho nhau, con cái không nghe lời cha mẹ thì nhà cũng không còn là một nơi chốn bình yên nữa.”
“Tôi không thể thay đổi được điều gì cả.”
***
Những lời than vãn này có thể xuất phát từ những con người rất đỗi bình thường cho đến những người có địa vị cao trong xã hội. Họ là các bậc làm cha làm mẹ, những đứa con, các nhà quản lý, chuyên gia, cho tới các vị lãnh đạo cấp cao ở khắp mọi nơi trên thế giới. Họ đang từng ngày đối mặt với những thách thức của cuộc sống. Những lời lẽ trên tuy được thốt ra từ những nỗi niềm riêng nhưng bạn có thể nhìn thấy trường hợp của chính mình trong đó. Carl Rogers từng nói: “Những gì riêng tư nhất chính là những gì chung nhất”.
Thực tế có những người rất hăng hái, tận tụy, năng động và tích cực trong công việc, nhưng số người như thế không nhiều. Một câu hỏi tôi thường đặt ra cho cử tọa của mình là: “Bao nhiêu người trong số các bạn đồng ý với nhận định rằng tại nơi làm việc của mình, phần lớn các nhân viên thường có năng lực, tri thức và tiềm năng cao hơn nhiều so với yêu cầu công việc?”. Đại đa số cử tọa đều giơ tay tán thành. Và cũng chính những người tán thành đó lại có chung một cảm nhận là họ đang chịu những áp lực rất nặng nề trong công việc. Hãy thử nghĩ xem áp lực đó lớn đến mức nào khi họ đang phải đối mặt với những đòi hỏi ngày càng cao về việc tạo ra nhiều sản phẩm hơn với giá rẻ hơn để cạnh tranh trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, nhưng họ lại không có cơ hội để thể hiện hết tài năng và trí tuệ của bản thân.
Sự bất cập này thể hiện rõ nhất ở các tổ chức khi họ thiếu tập trung cũng như không thực hiện các ưu tiên của mình. Tổ chức Harris Interactive gần đây đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát về Chỉ số Thực hiện xQ (Execution Quotient) trên hai mươi ba ngàn người làm việc toàn thời gian trong các ngành nghề và lĩnh vực dịch vụ then chốt tại Mỹ. Kết quả thu được khá bất ngờ:
• Có 37% cho rằng họ hiểu rõ động cơ và các mục tiêu mà công ty của họ đang hướng tới.
• Trung bình một trong năm người được hỏi nói rằng họ thiết tha với mục tiêu chung của công ty.
• Trung bình một trong năm người được hỏi nói rằng họ hiểu rõ mối liên hệ giữa nhiệm vụ của bản thân với mục tiêu của công ty.
• Một nửa trong số những người được hỏi cho rằng họ hài lòng với kết quả công việc mà họ làm được hàng tuần.
• Có 15% số người được phỏng vấn nói rằng công ty đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi giúp họ theo đuổi và hoàn thành mục tiêu.
• Có 15% nói rằng môi trường làm việc của họ đạt được sự tin cậy ở mức độ cao.
• Có 17% nói rằng công ty của họ khuyến khích giao tiếp cởi mở, tôn trọng những ý kiến khác biệt nhằm tìm kiếm những ý tưởng mới mẻ và hiệu quả.
• Có 10% nói rằng công ty của họ buộc mọi người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả công việc của bản thân họ.
• Có 20% nói rằng họ thực sự tin tưởng vào công ty của họ.
• Có 13% số người khảo sát cho rằng họ có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và đạt được độ tin cậy cao với đồng nghiệp và các bộ phận khác trong công ty.
Giả sử, nếu một đội bóng cũng có một tỷ lệ như thế, thì chỉ có bốn trong số mười một cầu thủ của đội trên sân biết rõ mục tiêu “chiến đấu” của đội mình là gì. Chỉ có hai trong số mười một cầu thủ quan tâm đến kết quả thi đấu của đội. Chỉ có hai trong số mười một cầu thủ biết chính xác vai trò của mình trong đội và biết rõ nhiệm vụ của mình là gì. Và trong toàn đội bóng, có hai cầu thủ, xét về một khía cạnh nào đó, sẽ cạnh tranh trong nội bộ của chính mình hơn là tập trung đánh bại đối thủ.
Những số liệu trên đây trùng khớp với những trải nghiệm mà tôi có được khi làm việc tại nhiều tổ chức khác nhau trên thế giới. Mặc dù thế giới đã có những bước tiến dài về kỹ thuật, đổi mới sản phẩm và toàn cầu hóa nhưng hầu hết mọi người đều không thể thành công trong chính tổ chức nơi họ đang làm việc. Họ không có niềm say mê với công việc và thường không tìm được cảm giác hài lòng. Họ thất vọng, chán nản và không hiểu rõ mục tiêu mà tổ chức của họ đang nhắm tới hoặc những ưu tiên cao nhất của tổ chức đó là gì. Điều tồi tệ hơn là, họ nghĩ rằng mình chẳng thể thay đổi được gì cả. Bạn có thể hình dung được cái giá phải trả của một tổ chức và cá nhân lớn như thế nào khi lực lượng lao động của họ luôn trong trạng thái mệt mỏi, thiếu từ sức sống, lòng nhiệt tình cho đến kiến thức và năng lực? Cái giá đó còn lớn hơn gấp nhiều lần so với các khoản thuế, lãi vay và chi phí tiền lương gộp lại!
TẠI SAO CẦN CÓ THÓI QUEN THỨ 8?
Thế giới đã biến đổi sâu sắc kể từ khi cuốn sách 7 Habits of Highly Effective People được xuất bản lần đầu tiên năm 1989. Giờ đây, những thách thức cũng như sự phức tạp mà chúng ta đang đối mặt trong cuộc sống riêng, trong các mối quan hệ gia đình hay nơi công sở đã khác trước nhiều. Thực tế, năm 1989 là năm đánh dấu nhiều sự kiện nổi bật – năm chúng ta chứng kiến sự sụp đổ của bức tường Berlin, năm khởi đầu của Thời đại Công nghệ Thông tin, cột mốc đánh dấu sự ra đời của một kỷ nguyên mới.
Nhiều người hỏi rằng liệu 7 Thói quen đó có còn phù hợp với hiện tại hay không. Câu trả lời của tôi luôn là: Khi càng có nhiều sự thay đổi, khi thách thức càng trở nên gay gắt bao nhiêu thì 7 Thói quen càng chứng tỏ tính phù hợp của mình bấy nhiêu. Bạn thấy đấy, 7 Thói quen nói về cách làm thế nào để thành đạt. Đó chính là hiện thân của một mô thức toàn diện chứa đựng những nguyên tắc về tính cách và sự thành đạt muôn thuở của con người.
Ngày nay, trở thành một tổ chức hay một người thành đạt không còn là một lựa chọn đơn thuần mà là một mục tiêu bắt buộc bạn phải vươn tới khi bước vào cuộc chơi. Nhưng để tồn tại, phát triển, đổi mới, vượt trội và dẫn đầu trong thực tại mới này, chúng ta cần đạt được trên mức thành công. Yêu cầu của kỷ nguyên mới này chính là đại thành công (greatness). Đó là sự thành công mỹ mãn, hoàn thành công việc với sự tận tâm và đóng góp thỏa đáng của từng cá nhân. Những yếu tố này được thể hiện trên những phương diện khác nhau và thuộc những phạm trù khác nhau. Ví dụ, đối với thành công, ý nghĩa và thành tích là hai phạm trù khác nhau về thể loại, chứ không khác nhau về mức độ. Để có thể khơi dậy nhiều hơn nữa tiềm năng và cảm hứng của con người – điều mà chúng tôi gọi là “tiếng nói” (voice) – con người cần phải có nếp nghĩ mới, kỹ năng mới, công cụ mới… và một thói quen mới.
Hình 1.1
Thói quen thứ 8 không phải là một thói quen bị chúng tôi bỏ quên khi viết 7 Thói quen. Thói quen thứ 8 nói về việc nhận biết và khai thác sức mạnh ở khía cạnh thứ ba của 7 Thói quen để đáp ứng đòi hỏi của Thời đại Lao động Tri thức. Thói quen thứ 8 chính là việc Tìm ra “tiếng nói” của bản thân và cổ vũ người khác tìm ra “tiếng nói” của họ.
Thói quen thứ 8 đưa ra lời giải đáp cho những vấn đề mà mỗi chúng ta có thể đang vấp phải do yêu cầu phát triển của thời đại. Nó tương phản với những nỗi đau và thất vọng mà tôi đã mô tả trong quyển sách trước. Đó là một thực tại muôn thuở, là tiếng nói của tinh thần nhân văn – chứa đầy niềm tin và trí tuệ, bản lĩnh và những tiềm năng vô tận để phụng sự cho một mục đích cao cả. Tiếng nói này sẽ là sự hậu thuẫn mạnh mẽ giúp các tổ chức tồn tại, phát triển và tác động sâu sắc đến tương lai của thế giới này.
Tiếng nói mang ý nghĩa độc nhất về hình ảnh cá nhân – Ý nghĩa này được bộc lộ khi chúng ta đối mặt với những thách thức lớn nhất của bản thân và tạo thêm sức mạnh giúp chúng ta dám đương đầu với thách thức đó.
Hình 1.2 cho thấy tiếng nói nằm ở vùng giao nhau giữa Tài năng (năng khiếu và sức mạnh trời phú), Niềm đam mê (cái đem lại cho bạn sự nhiệt tình, hăng hái và nguồn cảm hứng), Nhu cầu (bao gồm tất cả những thứ mà thế giới này cần bạn mang lại) và Lương tâm (tiếng nói nhỏ nằm sâu trong lòng bạn cho bạn biết đâu là lẽ phải và thúc giục bạn làm theo). Khi một công việc kích thích tài năng bản thân và khiến niềm đam mê trong bạn bùng cháy – một công việc mà nhu cầu lớn của cả thế giới đang cần được đáp ứng và vì lương tâm bạn thúc đẩy bạn cần phải đóng góp - thì khi đó tiếng nói (voice), tiếng gọi (calling) và chuẩn mực đạo đức (soul’s code) sẽ xuất hiện trong bạn.
Hình 1.2
Có một khao khát bẩm sinh và sâu sắc khó có thể diễn đạt bằng lời tồn tại trong mỗi chúng ta, đó là khao khát tìm được tiếng nói của riêng mình. Sự bùng nổ mang tính cách mạng của Internet là một trong những minh chứng hùng hồn nhất cho chân lý này. Internet có lẽ là một biểu tượng hoàn hảo của một thế giới mới, thế giới của tin học, của nền kinh tế tri thức và của những thay đổi đầy kịch tính. Trong cuốn sách được xuất bản năm 1999 Cluetrain Manifesto (tạm dịch: Bản tuyên ngôn của chuỗi tri thức), các đồng tác giả Locke, Levine, Searls và Weinberger đã viết như sau:
Tất cả chúng ta đang luôn cố gắng tìm ra tiếng nói của riêng mình. Ngày ngày ta đang học cách giao tiếp với những người xung quanh… Trong nhà ngoài phố luôn diễn ra các cuộc đàm thoại mà cách đây năm năm không thể có được, và mốc thời gian quan trọng chính là thời điểm bắt đầu cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Nhờ có Internet và liên kết mạng thông tin toàn cầu (World Wide Web), vô số những cuộc đàm thoại xuyên lục địa được thực hiện ở mọi mặt của cuộc sống mà nội dung của nó không sao kể hết được. Tuy nhiên, tại hai đầu của mỗi cuộc đàm thoại như thế vẫn là con người…
Ý muốn tha thiết đối với liên kết mạng chứng tỏ một khát khao mãnh liệt mà chỉ tinh thần mới có thể hiểu được nó. Sự khát khao mãnh liệt chỉ ra rằng có điều gì đó đang thiếu vắng trong cuộc sống của chúng ta. Đó chính là âm thanh của tiếng nói con người. Sự lôi cuốn tinh thần của liên kết mạng là niềm hy vọng của sự quay trở lại của tiếng nói con người.
Để hiểu rõ hơn về tiếng nói, xin minh họa bằng một câu chuyện có thực sau đây. Khi gặp Muhammad Yunus, người sáng lập Ngân hàng Grameen – Tổ chức duy nhất được thành lập nhằm cung cấp những khoản tín dụng nhỏ cho những người nghèo nhất ở Bangladesh – tôi hỏi Yunus bằng cách nào và từ bao giờ ông có được ý tưởng này. Ông ấy trả lời rằng lúc đầu ông chẳng có một ý tưởng nào cả. Chỉ đơn giản là ông thấy có người đang túng bấn và cố gắng tìm mọi cách để thoát ra, thế là ý tưởng xuất hiện. Ý tưởng của Muhammad Yunus về một thế giới không có đói nghèo đã lóe lên từ một sự kiện trên đường phố ở Bangladesh. Ông đã kể lại câu chuyện ấy như sau:
Câu chuyện bắt đầu cách đây hai mươi lăm năm. Khi ấy tôi đang dạy môn Kinh tế học tại một trường đại học ở Bangladesh. Đất nước này đang lâm vào nạn đói. Lúc đó tôi cảm thấy kinh hoàng. Tại đây tôi đang giảng giải những lý thuyết Kinh tế học rất kêu với sự hăng hái nhiệt tình của một người có bằng Tiến sĩ mới toanh từ Mỹ. Nhưng ngay khi bước ra khỏi cửa lớp, mắt tôi đã thấy quanh mình là những bộ xương, những con người đang chờ chết.
Tôi nhận ra rằng dù tôi đã từng được học và đang giảng dạy những học thuyết cao siêu nhất về kinh tế, thì đó cũng chỉ là lý thuyết suông và hoàn toàn vô nghĩa đối với hoàn cảnh hiện tại của nhân dân tôi. Vì thế, tôi bắt đầu tìm hiểu cuộc sống của những người sống gần trường đại học nơi tôi làm việc. Tôi muốn biết liệu tôi có thể làm được gì, với tư cách một con người, để làm giảm bớt nỗi đau hay chấm dứt sự chết chóc, dù chỉ với một người thôi. Tôi vứt bỏ cách nhìn từ trên xuống. Thay vào đó, tôi học cách quan sát của loài côn trùng, phát hiện những gì thật sự đang diễn ra ngay trước mắt mình – đánh hơi và sờ mó xem mình có thể làm được gì có ích.
Một sự kiện xảy ra khiến tôi rẽ vào một hướng mới. Tôi gặp một phụ nữ đang làm những chiếc ghế tre. Sau cuộc trò chuyện, tôi mới biết rằng công việc này chỉ mang lại cho cô 0,02 đô-la Mỹ một ngày. Tôi không thể nào tin được một người làm việc quần quật suốt ngày và làm ra những chiếc ghế tre đẹp như thế lại chỉ kiếm được có chừng ấy tiền. Người phụ nữ giải thích với tôi do cô không có vốn để mua tre làm ghế, nên phải vay của một nhà buôn, nhà buôn này đặt điều kiện là cô chỉ được bán sản phẩm của mình cho ông ta, với giá do ông ta ấn định.
Và điều đó giải thích tại sao cô ấy chỉ kiếm được vỏn vẹn 2 xu mỗi ngày – cô đã bị lệ thuộc vào nhà buôn đó. Thế số tiền mua tre là bao nhiêu? Cô ấy đáp: “Khoảng 20 xu. Nếu tre thật tốt thì khoảng 25 xu”. “Họ chỉ cần có 20 xu, vậy mà chẳng ai có thể làm được gì để giúp họ ư?”, tôi nghĩ. Ngay lúc ấy, tôi phân vân rằng có nên cho cô ấy 20 xu hay không, nhưng sau đó một ý tưởng nảy ra trong đầu tôi: hãy lập danh sách những người cần số tiền tương tự như thế. Tôi cùng một nhóm sinh viên đi quanh khu phố ấy trong nhiều ngày và trở về với bản danh sách gồm bốn mươi hai người. Khi tôi cộng lại số tiền mà bốn mươi hai người trong danh sách cần, tôi thực sự sửng sốt: Số tiền mà những con người này cần tổng cộng là… 27 đô-la! Tôi cảm thấy xấu hổ với chính mình khi bản thân là một thành phần ưu tú của xã hội trước đó đã không thể giúp 27 đô-la cho bốn mươi hai con người - những người thống khổ nhưng khéo tay và chăm chỉ.
Để chuộc lỗi, tôi rút tiền và đưa cho sinh viên của mình. Tôi nói: “Các em hãy đưa số tiền này cho bốn mươi hai người mà chúng ta đã gặp và nói với họ rằng đây là một khoản cho vay. Họ có thể hoàn trả khi nào họ thực sự có khả năng. Trong khi chờ đợi, họ có thể bán sản phẩm cho bất cứ ai trả cho họ giá cao nhất”.
Sự độc ác sẽ chiến thắng khi những
con người có lương tri ngoảnh mặt làm ngơ
trước cái xấu.
- EDMUND BURKE
Sau khi nhận được số tiền ấy, những con người đó rất phấn khởi. Và sự phấn khởi của họ đã khiến tôi suy nghĩ: “Mình có thể làm gì hơn thế nữa!”, tôi nghĩ tới việc mở một phòng giao dịch tín dụng ngay tại trường đại học nơi tôi giảng dạy. Tôi quyết định đến gặp giám đốc của một chi nhánh ngân hàng và đề nghị ông ấy cho những người nghèo mà tôi đã gặp vay tiền. Nghe tôi nói, ông ấy vô cùng ngạc nhiên: “Ông điên à? Điều đó là không thể. Làm sao chúng tôi dám cho những người nghèo đó vay tiền? Họ không đáng tin cậy đâu!”. Tôi cố gắng thuyết phục ông ấy: “Ít ra thì cũng nên thử một lần, đó chỉ là một khoản tiền nhỏ thôi mà!”. Ông ấy nói: “Không được! Quy định không cho phép chúng tôi làm điều đó. Họ không có gì thế chấp cả, vả lại, khoản tiền đó quá nhỏ để thực hiện giao dịch cho vay”. Ông ấy khuyên tôi nên gặp những quan chức cấp cao của Ngân hàng Quốc gia tại thủ đô.
Tôi nghe lời ông ấy và tìm gặp những người có vị trí tại Ngân hàng Quốc gia, nhưng tất cả họ đều như nhau. Cuối cùng, sau nhiều ngày chạy tới chạy lui, tôi quyết định tự đứng ra làm người bảo lãnh. “Tôi sẽ là người bảo đảm khoản nợ đó, tôi sẽ ký bất kỳ giấy tờ gì ngân hàng yêu cầu, và ngân hàng sẽ trao khoản tiền đó cho tôi để tôi chuyển đến những người cần giúp đỡ.”
Thế là mọi việc bắt đầu từ đó. Họ không ngừng nhắc nhở tôi rằng những người nghèo sau khi vay được tiền sẽ không bao giờ trả nợ. Tôi bảo họ: “Tôi sẽ thử”. Điều bất ngờ là những người nghèo sau đó đã hoàn trả tôi không thiếu một xu. Tôi cảm thấy rất vui mừng, quyết định trở lại gặp giám đốc chi nhánh ngân hàng và nói: “Anh thấy không, họ đã hoàn trả đầy đủ số tiền vay tôi, chẳng có vấn đề gì cả”. Nhưng ông ấy nói: “Ồ không, họ đang lừa anh đấy. Không lâu đâu, rồi họ sẽ vay tiền nhiều hơn và sẽ không bao giờ hoàn trả lại anh đâu”. Nhưng tôi tiếp tục cho họ vay thêm tiền, và họ cũng hoàn trả đầy đủ. Tôi nói lại với ông ấy nhưng ông ấy nói: “Vâng, có thể anh thành công tại khu vực này thôi, nếu anh làm thế cho khu vực thứ hai, anh sẽ thất bại ngay”. Tôi thực hiện ngay cho khu vực thứ hai – kết quả là thành công.
Thế là sự việc biến thành cuộc đấu giữa tôi với ông giám đốc chi nhánh và cấp trên của ông ta. Họ vẫn khăng khăng cho rằng với số lượng lớn hơn, năm vùng chẳng hạn, tôi sẽ thấy rằng họ đúng. Thế là tôi quyết định tiến hành cho vay ở năm ngôi làng khác và kết quả thu được vẫn là mọi người hoàn trả nợ đầy đủ. Tuy vậy, họ vẫn cứ không chịu, họ nói: “Mười, năm mươi, một trăm làng…”. Vô tình cuộc đua giữa tôi và họ cứ thế tiếp tục. Tôi có được kết quả mà họ không thể phủ nhận, bởi vì tiền tôi cho vay chính là tiền của họ, nhưng họ vẫn không chấp nhận điều đó bởi vì họ được đào tạo để tin rằng người nghèo là không đáng tin cậy. May mắn thay, tôi đã không được dạy dỗ theo cách đó, nhờ vậy tôi có thể tin vào những gì mắt tôi thật sự nhìn thấy. Trong khi đó, đầu óc và đôi mắt của những viên chức cao cấp trong ngân hàng đã bị mù quáng bởi những kiến thức mà họ được học.
Cuối cùng, tôi chợt suy nghĩ, tại sao tôi cứ phải cố gắng để thuyết phục họ? Tôi hoàn toàn tin rằng người nghèo có thể vay tiền và hoàn trả đầy đủ. Tại sao chúng tôi lại không thành lập một ngân hàng riêng? Chính ý nghĩ đó đã thôi thúc tôi, và thế là tôi viết đơn đề nghị chính phủ cho phép tôi thành lập một ngân hàng. Tôi đã phải mất hai năm để thuyết phục chính phủ và hoàn tất các thủ tục giấy tờ.
Vào ngày 2 tháng 10 năm 1983, chúng tôi đã thành lập một ngân hàng – một ngân hàng chính thức và hoàn toàn độc lập. Điều làm cho tất cả chúng tôi vui mừng là giờ đây chúng tôi đã có một ngân hàng riêng có thể mở rộng hoạt động theo ý muốn và chúng tôi đã làm được điều đó.
Khi tâm trí bạn được thôi thúc bởi những mục đích cao cả thì suy nghĩ của bạn sẽ phá vỡ mọi ràng buộc. Tâm hồn bạn sẽ vượt qua mọi giới hạn, ý thức của bạn sẽ vươn xa đến mọi hướng, và bạn nhận ra chính mình trong một thế giới mới mẻ, rộng lớn và tuyệt diệu.
- Theo Yoga Sutras của PATANJALI
Ngân hàng Grameen giờ đây đang cung cấp các khoản tín dụng tại hơn bốn mươi sáu ngàn ngôi làng ở Bangladesh. Họ có hơn mười hai ngàn nhân viên với 1.267 chi nhánh, vốn cho vay hơn 4,5 tỷ đô-la, với những khoản cho vay thấp nhất từ 12 – 15 đô-la, trung bình dưới 200 đô-la. Mỗi năm họ cho vay khoảng 500 triệu đô-la. Thậm chí ngân hàng Grameen còn cho những người hành khất vay tiền để giúp đỡ họ thoát khỏi cảnh nghèo túng và chuyển sang buôn bán. Khoản vay về nhà ở là 300 đô-la. Khoản tiền này có thể không lớn lắm đối với nhiều người, nhưng tác động của nó đến từng con người đang gặp khó khăn thì không hề nhỏ chút nào. Với 500 triệu đô-la cho vay mỗi năm, có khoảng ba triệu bảy trăm ngàn người cần vay, và 96% trong số họ là phụ nữ. Tất cả những người vay vốn của ngân hàng Grameen đều nghiệm ra rằng họ hoàn toàn có thể thay đổi cuộc sống của mình nhờ vào các khoản vay nhỏ bé này. Ba triệu bảy trăm ngàn con người đó đã từng thức suốt đêm đi bộ để sáng sớm hôm sau có mặt tại văn phòng của Ngân hàng Grameen, tuy gương mặt còn ngại ngùng nhưng quyết tâm trong lòng họ thì sôi sục. Cội rễ của nguồn sức mạnh này là ý chí phấn đấu, cố gắng để trở thành những nữ doanh nhân tự lực và độc lập để tìm đến thành công. Và họ đã tìm được tiếng nói của chính mình.
Trong quá trình nghiên cứu và phỏng vấn một số nhà lãnh đạo cấp cao trên thế giới, tôi nhận thấy rằng tầm nhìn và tiếng nói của họ thường được hình thành một cách từ từ chậm rãi. Dĩ nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ. Tầm nhìn của một số người có thể xuất phát bất chợt từ ý thức của họ. Nhưng nhìn chung, tôi cho rằng tầm nhìn thường xuất hiện khi con người ý thức được nhu cầu của cộng đồng và lương tâm của họ thực sự muốn đáp ứng nhu cầu đó. Một khi họ đã đáp ứng được những nhu cầu đó, họ sẽ nhận thấy một nhu cầu khác, rồi họ lại tiếp tục đáp ứng nhu cầu mới, và cứ thế việc đáp ứng diễn ra liên tục. Từng bước, họ bắt đầu khái quát hóa ý thức về những nhu cầu này và suy nghĩ về những cách thức nhằm thể chế hóa những nỗ lực của mình để luôn duy trì được mọi nỗ lực đó.
Muhammad Yunus chính là một ví dụ cụ thể về một con người như thế – một con người có ý thức rõ ràng về nhu cầu của cộng đồng và đáp ứng nhu cầu đó bằng lương tâm, tài năng và niềm đam mê của mình. Đầu tiên Yunus chỉ làm một mình và tìm ra tiếng nói của riêng mình, nhưng sau đó ông đã truyền cảm hứng và thôi thúc người khác tham gia và tìm ra tiếng nói của chính họ. Phong trào cung cấp các khoản tín dụng nhỏ ở Bangladesh giờ đây đã được nhân rộng ra khắp thế giới.
Rất ít người trong chúng ta có thể làm được những việc lớn lao, nhưng tất cả chúng ta đều có thể làm được những việc nhỏ bé với tất cả tình thương yêu vô bờ.
- MẸ TERESA
NỖI ĐAU – VẤN ĐỀ – GIẢI PHÁP
Tôi đã mở đầu cuốn sách này bằng hàng loạt những lời than vãn tượng trưng cho những vấn đề chúng ta đang đối mặt trong cuộc sống hàng ngày. Những vấn đề đó được cảm nhận trong mọi tầng lớp xã hội, ở mọi loại hình tổ chức.
Mục đích của cuốn sách này là cung cấp cho bạn một tấm bản đồ chỉ đường nhằm giúp bạn thoát khỏi những nỗi đau và sự thất vọng, để tìm đến sự mãn nguyện thật sự; đồng thời mở rộng ý nghĩa và sự đóng góp của bạn - không chỉ trong công việc, trong tổ chức mà cả trong cuộc sống của bạn. Nói ngắn gọn, cuốn sách này sẽ giúp bạn tìm được tiếng nói của bản thân. Một khi tìm được tiếng nói của bản thân, bạn sẽ truyền cảm hứng cho những người mà bạn quan tâm thật sự để giúp họ tìm được tiếng nói của riêng họ và gia tăng gấp bội sự thành đạt và tầm ảnh hưởng của họ. Bạn sẽ khám phá ra rằng ảnh hưởng và khả năng lãnh đạo của một con người nằm ở sự lựa chọn, chứ không phải ở địa vị và quyền lực như mọi người thường lầm tưởng.
Cách tốt nhất, cũng là cách duy nhất, để vượt qua những nỗi đau và tìm đến một giải pháp lâu dài là phải hiểu được nguyên nhân cơ bản gây ra nỗi đau. Trong trường hợp này, phần lớn vấn đề cốt lõi nằm ở hành vi, xuất phát từ một mô thức khiếm khuyết hay sai lệch, hoặc từ cách nhìn về bản tính của con người – điều vốn làm suy yếu ý thức của con người về giá trị và kìm hãm tài năng cũng như tiềm năng của chúng ta.
Giải pháp cho vấn đề này cũng giống với hầu hết những sự đột phá quan trọng nhất trong lịch sử loài người, luôn xuất phát từ việc đoạn tuyệt với lối tư duy cũ kỹ. Điều kỳ diệu mà cuốn sách này đem lại là nếu bạn kiên nhẫn tìm hiểu tận gốc rễ của vấn đề và sống theo những nguyên tắc phổ quát, muôn thuở được trình bày qua đây thì tôi cam đoan rằng ảnh hưởng của bạn sẽ không ngừng tăng lên từ trong ra ngoài.
Chương 1 trình bày về thực tại của các nỗi đau.
Chương 2 sẽ giúp bạn nhận diện những vấn đề cốt lõi giúp làm sáng tỏ những thách thức mà bản thân chúng ta đối mặt trong cuộc sống gia đình, trong mối quan hệ công việc, trong tổ chức mà chúng ta đã đồng tâm hiệp lực xây dựng. Việc tìm hiểu sâu vào khía cạnh con người qua những vấn đề xảy ra trong các tổ chức trong hơn một thế kỷ qua sẽ đem đến cho bạn một mô thức cơ bản để lĩnh hội những tinh hoa ở phần còn lại của cuốn sách,
Chương 3 mang đến cho bạn một cái nhìn tổng quát về các giải pháp của Thói quen thứ 8. Phần tóm tắt cuối sách sẽ cô đọng những điều bổ ích nhất.