Chương 3
Giải pháp
Không gì mạnh hơn một ý tưởng nảy sinh đúng lúc.
- VICTOR HUGO
Henry David Thoreau từng viết: “Một ngàn nhát búa bổ vào cành lá của cây ma quỷ không bằng một nhát quyết định đánh thẳng vào gốc rễ của nó”. Cuốn sách này được viết với mục đích giúp chúng ta giải quyết đến tận gốc rễ những vấn đề cơ bản mà chúng ta thường gặp phải.
Chương đầu của cuốn sách nói về nỗi đau; trong đó chúng ta đã khảo sát một vấn đề cốt yếu vốn có căn nguyên từ cá nhân và liên quan đến một mô thức đã ăn sâu vào suy nghĩ và hành động, đã trở thành những lề thói tồn tại trong các tổ chức. Bây giờ, chúng ta sẽ bàn về giải pháp và khái quát cách thức giải quyết vấn đề.
Từng làm việc với các tổ chức danh tiếng trên thế giới trong suốt bốn mươi năm qua và trực tiếp tham gia vào những công trình nghiên cứu hàng đầu về tổ chức, tôi nhận thấy hầu hết mọi sự thay đổi lớn về văn hóa công ty đều bắt nguồn từ những quyết định của một cá nhân nào đó. Đôi khi cá nhân đó là một giám đốc điều hành hay chủ tịch hội đồng quản trị công ty, nhưng thường thì những thay đổi đó bắt nguồn từ một chuyên gia tư vấn, một quản đốc hay một phụ tá. Bất kể ở vị trí nào, những người này thay đổi bản thân mình trước tiên, từ trong ra ngoài. Tính cách, năng lực, sáng kiến và và năng lượng tích cực của họ - nói một cách ngắn gọn là phong cách đạo đức của họ - truyền cảm hứng và nâng cao tinh thần làm việc cho những người khác. Họ có một ý thức vững chắc về bản thân cũng như biết rõ sức mạnh và tài năng của chính mình và sử dụng chúng một cách hiệu quả để đạt được mục đích của đời họ. Thành tích của họ được mọi người xung quanh nhìn thấy và từ đó họ được trao thêm nhiều trách nhiệm khác. Rồi họ hoàn thành nhiệm vụ mới của mình với những kết quả tốt. Thế là ngày càng có nhiều người chú ý đến họ và học hỏi kinh nghiệm thành đạt từ họ. Từ đó một nền văn hóa công ty mới được hình thành.
Những người này không hề bị nao núng hoặc hạ gục bởi những lực lượng tiêu cực, những lời gièm pha gây nhụt chí trong tổ chức. Điều thú vị là dường như tổ chức mà họ đang làm việc thường tiên tiến hơn các tổ chức khác. Ở một mức độ nào đó, tổ chức của họ đều ít nhiều có những hỗn độn. Nhưng họ hiểu rằng họ không thể ngồi chờ ông chủ hoặc tổ chức của mình thay đổi. Họ hành động và trở thành một nguồn sáng trong một đại dương tăm tối. Và sự tỏa sáng của họ thật sự lan truyền ra xung quanh.
Một cá nhân sẽ tìm nguồn sức mạnh nội tâm ở đâu để có thể bơi ngược dòng và vượt qua được sự khiêu khích, lời gièm pha cũng như đủ mạnh mẽ gạt bỏ lợi ích cá nhân để phát triển, duy trì tầm nhìn và quyết tâm đó?
Họ hiểu rõ bản tính của mình và những khả năng thiên phú của con người. Họ biết cách sử dụng chúng để đem lại một tầm nhìn xa về những việc họ đang muốn hình thành. Bằng trí thông minh, họ biết khởi xướng và nắm bắt những nhu cầu và cơ hội quanh họ. Họ đáp ứng những yêu cầu phù hợp với khả năng của họ, phát huy được động cơ thúc đẩy con người họ và tạo ra sự khác biệt cho bản thân. Nói ngắn gọn, họ tìm ra sức mạnh của bản thân và biết cách sử dụng tiếng nói của mình. Họ phục vụ và cổ vũ tinh thần người khác. Họ áp dụng NHỮNG NGUYÊN TẮC VÀNG chi phối sự trưởng thành về nhận thức và tạo nên sự thịnh vượng của con người và các tổ chức. Những nguyên tắc này phát huy được những gì mạnh nhất và tốt nhất ở một “con người hoàn thiện” – thể chất, trí tuệ, tâm hồn và tinh thần. Đồng thời, họ còn dùng ảnh hưởng của mình để tạo nên nguồn động lực khiến người khác tìm ra tiếng nói riêng của họ thông qua các nguyên tắc này.
Giải pháp gồm hai vế sau: Tìm ra tiếng nói của bản thân và cổ vũ người khác tìm ra tiếng nói của riêng họ. Đây chính là một tấm bản đồ hữu ích giúp những cá nhân trong tổ chức, bất kể ở cương vị nào, tối đa hóa thành tích cũng như ảnh hưởng của họ để trở thành người có đóng góp quan trọng và nêu gương cho cả tổ chức noi theo. Do đó, cuốn sách này được chia làm hai phần chính:
1. Tìm ra tiếng nói của bản thân.
2. Cổ vũ người khác tìm ra tiếng nói của riêng họ.
Chúng ta hãy khảo sát sơ bộ hai phần này:
TÌM RA TIẾNG NÓI CỦA BẢN THÂN
Tôi đứng trước hai lối rẽ và tôi chọn con đường ít người đi hơn. Điều đó tạo nên sự khác biệt.
- ROBERT FROST
Hình 3.1 minh họa hai cách sống khác hẳn nhau và là sự khái quát đơn giản về Thói quen thứ 8: Tìm ra tiếng nói của bản thân và cổ vũ người khác tìm ra tiếng nói của riêng họ. Họa đồ hai nhánh này sẽ xuất hiện thường xuyên ở trang đầu tiên kể từ chương tiếp theo cho tới Chương 14.
Hình 3.1
Bất kể bạn giàu hay nghèo, già hay trẻ, nam hay nữ, mỗi chúng ta đều chọn cho mình một trong hai con đường. Một con đường thênh thang, nhiều người qua lại nhưng cuối đường là những kết cục tầm thường. Con đường kia thì khác, nó lắm chông gai, đầy khó khăn và thử thách, vắng bóng người nhưng lại chính là con đường dẫn tới những thành công vượt bậc và tạo ra một cuộc sống thật sự ý nghĩa. Sự chênh lệch giữa hai kết quả này cũng giống như sự chênh lệch giữa một người có tài năng và một người bình thường trong một gia đình. Chúng tương phản với nhau như ngày và đêm.
Con đường dẫn đến kết cục tầm thường hạn chế tiềm năng của con người. Con đường dẫn đến những thành công lớn thì giải phóng và phát huy tiềm năng của con người. Tiếp cận cuộc sống một cách hời hợt, thiếu sự sâu sắc là bạn đang chọn con đường mà kết cục của nó là sự tầm thường. Ngược lại, người đi theo con đường dẫn đến sự thành công lớn là những người biết vượt lên trên ảnh hưởng của tác động tiêu cực từ bên ngoài và tự vẽ ra cho mình bức tranh cuộc sống. Con đường dẫn đến thành công lớn là một quá trình có sự tăng trưởng liên tục hướng từ trong ra ngoài. Con đường dẫn tới sự tầm thường là con đường của cái tôi, của sự buông thả, hẹp hòi, so bì, ganh ghét và chủ nghĩa cá nhân vị kỷ. Có một từ dùng để diễn đạt con đường đi đến sự thành công lớn: Tiếng nói (Voice). Những ai đi theo con đường này sẽ tìm ra tiếng nói của bản thân và cổ vũ người khác tìm ra tiếng nói của riêng họ.
TỰ VẤN LƯƠNG TÂM GiúP chúng TA TÌM RA Ý NGHĨA CUỘC SỐNG
Từ sâu thẳm trong tâm hồn mỗi chúng ta luôn tồn tại một khát khao được cống hiến và được sống một cuộc đời “lớn lao” – một cuộc sống đầy ý nghĩa và khác biệt. Chúng ta có thể không tin rằng mình hoàn toàn có thể làm được điều đó, nhưng tôi muốn các bạn biết rằng từ đáy lòng mình tôi tin chắc là bạn hoàn toàn có thể có được cuộc sống tuyệt vời như thế. Bạn là người có tiềm năng. Tất cả chúng ta đều có tiềm năng. Đó chính là một đặc quyền mà bất cứ ai khi sinh ra đều đã có.
Có lần tôi đến thăm một người bạn làm chỉ huy tại một khu căn cứ quân sự - người đang hừng hực quyết tâm thay đổi nền văn hóa bên trong đơn vị mình. Ông đã phục vụ trong quân đội hơn ba mươi năm và hiện mang quân hàm đại tá. Năm ấy, ông đã tới tuổi nghỉ hưu. Sau khi ông tiến hành huấn luyện và đào tạo những người lính trong đơn vị được vài tháng, tôi hỏi ông lý do khiến ông kiên trì theo đuổi một sáng kiến như vậy - một công việc đòi hỏi ông phải bơi ngược dòng trước những sức cản truyền thống, sự chán chường, thờ ơ và thiếu tin cậy. Thậm chí tôi còn bảo ông rằng: “Anh nên nghỉ hưu cho khỏe. Người ta sẽ tổ chức một buổi lễ tuyên dương anh vì những cống hiến của anh. Người thân và bạn bè sẽ đến chia vui cùng anh”. Nghe xong ông ấy trầm ngâm, im lặng một lúc lâu rồi mới kể cho tôi nghe câu chuyện của riêng mình. Ông kể rằng cha của ông vừa mới qua đời. Trước đó, trên giường bệnh, ông ấy trăng trối với vợ và con trai (người đại tá này) rằng: “Con ơi, đừng bao giờ sống một cuộc đời như cha nhé. Suốt cuộc đời mình, cha chẳng làm được gì cho mẹ con, và thật sự cũng không có việc gì cha làm mà đến giờ phút này cha không phải hối hận. Này con, hãy hứa với cha rằng con sẽ không sống phí hoài như cha”.
Viên đại tá đã xem những lời trăng trối đó như một di sản quý giá nhất mà cha ông để lại cho ông; và ông quyết tâm hoàn thiện bản thân trong tất cả mọi mặt của cuộc sống. Đó cũng là lúc ông đã lên kế hoạch nghỉ hưu và thư giãn. Thực ra, ông đã từng thầm mong rằng người kế nhiệm sẽ không làm tốt bằng ông. Nhưng sau khi nghe lời trăng trối của cha, ông quyết định không chỉ bản thân phải trở thành một hạt nhân xây dựng các nguyên tắc lãnh đạo bền vững trong văn hóa chỉ huy mà còn muốn người kế thừa sau này sẽ thành đạt hơn cả ông. Bằng cách cố gắng thể chế hóa những nguyên tắc lãnh đạo này vào các cơ cấu, hệ thống cũng như các quy trình trong tổ chức của mình, ông đã để lại một di sản về nghệ thuật lãnh đạo hiệu quả cho các sĩ quan thuộc thế hệ sau.
Tất cả chúng ta đều có quyền lựa chọn cho mình một cuộc sống cao đẹp thay vì một cuộc đời tầm thường, dù là tại nhà, nơi làm việc hay trong cộng đồng. Bất kể hoàn cảnh riêng của từng người, mỗi chúng ta đều có quyền quyết định cuộc đời mình sẽ trở nên như thế nào. Tất cả chúng ta đều có sức mạnh để quyết định sống một cuộc sống không chỉ đầy những ngày tốt đẹp mà mỗi ngày đều là một ngày hội lớn. Cho dù chúng ta đã đi trên con đường tầm thường được bao lâu, chúng ta vẫn có thể thay đổi và chọn một con đường mới. Không bao giờ là quá muộn! Chúng ta luôn có thể tìm ra tiếng nói của riêng mình.
****
Một khi bạn quyết định chọn “con đường ít người đi”, bạn hãy theo chỉ dẫn sau để có thể tìm ra tiếng nói của bản thân:
1. Khám phá tiếng nói của bản thân bằng cách hiểu rõ bản chất của con người mình – điều tôi gọi là ba món quà sinh nhật tuyệt diệu (Chương 4), và thông qua việc phát triển cũng như sử dụng một cách chính trực trí thông minh gắn với mỗi phương diện (bốn phương diện) của bản chất con người.
2. Thể hiện tiếng nói của bản thân bằng cách rèn luyện những cách biểu hiện cao nhất của trí thông minh con người – Tầm nhìn, tính kỷ luật, sự đam mê và lương tâm (Chương 5).
CỔ VŨ NGƯỜI KHÁC TÌM RA TIẾNG NÓI CỦA RIÊNG HỌ
Một khi bạn đã tìm ra tiếng nói của riêng mình, cách tốt nhất để mở rộng ảnh hưởng và sự đóng góp của bản thân là cổ vũ người khác tìm ra tiếng nói của họ. Chính sự tôn trọng và tạo điều kiện để người khác có tiếng nói về bốn thuộc tính chủ yếu của con người – thể chất, trí tuệ, tình cảm/xã hội và tinh thần – sẽ giải phóng tiềm năng, sự sáng tạo, niềm say mê và động cơ thúc đẩy tồn tại trong từng con người. Chỉ có những tổ chức tạo được điều kiện tốt nhất để mọi nhân viên của mình được tự do thể hiện tiếng nói của riêng họ mới có thể đạt được những sự đột phá trong năng suất lao động, đổi mới kỹ thuật và dẫn đầu trên thị trường cũng như trong xã hội.
Phần 2 của Thói quen thứ 8 bắt đầu từ Chương 6, một chương nói về việc cổ vũ người khác tìm ra tiếng nói của riêng họ. Bởi vì hầu hết mọi việc làm trên thế giới này đều được thực hiện từ bên trong các tổ chức, nên tiêu điểm của chương này là những nguyên tắc mà bạn có thể áp dụng để gây ảnh hưởng tích cực đến người khác trong các tổ chức (kinh doanh, giáo dục, chính phủ, quân đội, cộng đồng và ngay cả trong gia đình mình).
Một phần ngắn gọn với những câu hỏi thường gặp kèm theo giải đáp ở cuối của mỗi chương sẽ giúp bạn đối chiếu dễ dàng hơn vào trường hợp của mình. Hy vọng chúng sẽ hữu ích với bạn.
Chương cuối cùng của cuốn sách này sẽ bàn về những vấn đề và đưa ra lời giải đáp mang tính khái quát và toàn diện hơn.
CÁCH TIẾP THU TỐT NHẤT CUỐN SÁCH NÀY LÀ TRUYỀN ĐẠT VÀ THỰC HÀNH
Nếu bạn muốn tiếp thu tốt nhất những điều tuyệt vời từ cuốn sách này để từ đó tạo nên những thay đổi mạnh mẽ và đạt được những tiến bộ trong cuộc sống cũng như trong tổ chức của mình, tôi xin nêu ra hai lời khuyên. Nếu bạn thực hiện tốt hai lời khuyên này, tôi cam đoan rằng bạn sẽ đạt được những kết quả vượt bậc.
Lời khuyên thứ nhất là bạn hãy truyền đạt cho người khác những gì bạn đã học được từ cuốn sách này; và lời khuyên thứ hai là bạn hãy áp dụng những gì bạn đã học được – nghĩa là hãy thực hành chúng!
HÃY TRUYỀN ĐẠT VÀ CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU BẠN ĐÃ HỌC ĐƯỢC
Hầu như ai cũng thừa nhận rằng cách học tập tốt nhất là truyền đạt cho người khác những điều mình đã học và kiến thức chỉ thấm nhuần khi được áp dụng thường xuyên vào thực tiễn.
Khi còn giảng dạy ở đại học cách đây nhiều năm, tôi được gặp Giáo sư Tiến sĩ Walter Gong ở San Jose - California. Ông dạy môn Phương pháp Sư phạm. Trọng tâm bài giảng của ông là nguyên tắc lớn sau đây: Cách tốt nhất để thu hút người ta vào việc học tập là biến họ trở thành thầy giáo. Nói cách khác, bạn sẽ tiếp thu kiến thức tốt nhất khi bạn truyền đạt cho người khác những kiến thức đó.
Ngay sau đó tôi bắt đầu áp dụng nguyên tắc này vào công việc của mình và cuộc sống gia đình. Lần đầu tiên tôi lên lớp ở trường đại học, chỉ có từ mười lăm đến ba mươi sinh viên tham gia. Rồi tôi áp dụng nguyên tắc của Tiến sĩ Gong và nhận thấy rằng mình vẫn có thể giảng dạy hiệu quả với số lượng sinh viên lớn hơn. Thực tế một số lớp học mà tôi giảng dạy có rất đông sinh viên, đến gần một ngàn người nhưng kết quả học tập và điểm thi của họ vẫn rất cao.
Thông thường, càng ít sinh viên thì chất lượng giảng dạy càng cao. Nhưng nếu bạn biến sinh viên thành giáo viên, bạn sẽ có được một đòn bẩy mang lại hiệu quả tốt hơn.
Đồng thời khi bạn truyền đạt hay chia sẻ với người khác những điều bạn đã học được là bạn muốn nói với mọi người rằng bạn đang sống theo những điều bạn giảng dạy. Sự chia sẻ này sẽ là nền tảng cho việc học tập sâu hơn, cho sự cam kết và là động cơ cho sự thay đổi và sự tán đồng của tập thể. Rồi bạn nhận thấy rằng sự chia sẻ đó còn tạo ra mối liên hệ gắn bó với những người xung quanh, đặc biệt là với con cái của mình. Hãy để chúng thường xuyên dạy lại bạn những gì chúng đã học được từ trường lớp. Những học sinh nào thích truyền đạt kiến thức đã học cho người khác đều là những học sinh xuất sắc.
ÁP DỤNG NHỮNG ĐIỀU HỌC ĐƯỢC VÀO CUỘC SỐNG
Biết mà không làm, thì không gọi là biết. Học mà không hành thì chưa phải là học. Nói cách khác, hiểu biết một điều gì đó mà không áp dụng thì chưa phải là hiểu biết thực sự. Chỉ qua thực hành, áp dụng vào thực tế thì kiến thức và sự hiểu biết mới thực sự được thấm nhuần. Ví dụ, bạn có thể học môn quần vợt bằng cách đọc sách và nghe giảng bài, nhưng một khi bạn chưa ra sân chơi quần vợt thực sự thì bạn vẫn chưa hiểu gì về môn thể thao này cả.
Cách tự học tốt nhất không phải bằng suy nghĩ mà là qua hành động. Hãy nỗ lực thực hiện nghĩa vụ của mình rồi bạn sẽ nhanh chóng nhận ra mình là loại người nào.
- JOHANN GOETHE
Ít nhất có bốn cách tiếp cận đối với những điều mà bạn học được từ cuốn sách này:
1. Cách thứ nhất là đọc một mạch hết cuốn sách này. Sau đó bạn mới quyết định sẽ áp dụng điều gì vào cuộc sống và công việc. Đây là cách hầu hết mọi người thường làm. Cách này phản ánh mong muốn của nhiều người là có sự gắn kết về tình cảm và lý trí với những ý tưởng trong cuốn sách trước khi áp dụng nó.
2. Cách thứ hai là đọc toàn bộ cuốn sách và sau đó dựa vào sự hiểu biết tổng quát về nội dung đã tiếp thu cũng như có thời gian để tăng thêm nguồn cảm hứng để đọc cuốn sách lần thứ hai – lần này đọc với quyết tâm áp dụng những gì họ đã thụ đắc. Cách này tỏ ra khá hiệu quả với nhiều người.
3. Cách thứ ba là cách mà tôi tin rằng sẽ đem lại những kết quả tốt nhất, đó là đọc và áp dụng những điều đã đọc bằng một chương trình rèn luyện và phát triển cá nhân trong một năm. Mỗi tháng bạn đọc một chương trong số 12 chương rồi truyền đạt cho người khác và áp dụng nó trong thời gian một tháng. Bạn sẽ thấy rằng nếu bạn thực sự cố gắng áp dụng những điều học được ở mỗi chương trong một tháng, thì khả năng tiếp thu những kiến thức ở chương tiếp theo được tăng lên rất nhiều.
4. Cách thứ tư đơn giản chỉ là điều chỉnh cách thứ ba cho phù hợp với thời gian của bạn. Bạn cũng đọc từng chương nhưng áp dụng những điều đã đọc trong những khoảng thời gian dài ngắn khác nhau tùy theo hoàn cảnh thực tế của bạn, có thể là một, hai, hoặc năm, mười tuần. Cách này vừa giữ được ưu điểm của cách tiếp cận thứ ba, vừa giúp bạn chủ động thời gian biểu của mình.
Trước khi chuyển sang Phần 1: Tìm Ra Tiếng Nói Của Bản Thân, bạn hãy suy ngẫm những lời sau của Abraham Lincoln: “Những giáo điều của quá khứ tĩnh lặng không còn thích hợp với thực tại biến động”. Chúng ta cần phải đổi mới cách suy nghĩ. Chúng ta không những cần có một nếp nghĩ mới mà còn phải có những công cụ tư duy mới. Điều này rất khó thực hiện; nó kéo mọi người ra khỏi vùng an toàn của họ. Nhưng một thực tại mới đã xuất hiện, một nền kinh tế mới, một thách thức mới. Thách thức mới này không chỉ là tồn tại một cách đơn thuần mà thực sự phát triển trong thực tại mới mẻ này. Nó đòi hỏi chúng ta phải có phản ứng mới và thói quen mới. Hãy nhớ rằng những thói quen luôn nằm tại vùng giao nhau giữa kiến thức, thái độ và kỹ năng. Khi bạn phát huy ba khía cạnh của Thói quen thứ 8 này, bạn sẽ dễ dàng đương đầu với thách thức mới và phát huy được những khả năng vô hạn của mình.