Chương 4
Tìm Ra Tiếng Nói Của Bản Thân - Món Quà Thiên Phú
Có rất nhiều quà tặng
Vẫn chưa được mở ra từ lúc bạn chào đời
Có nhiều món quà được chế tác tinh xảo
Mà Thượng đế đã ban tặng cho ta.
Người vẫn thường nhẫn nại nhắc nhở ta:
"Những gì ta có, các con đều có cả."
Rất nhiều quà tặng của Người, bạn thân mến ơi,
Mà chúng ta chẳng hề mở ra trong đời mình.
- HAFIZ
Hình 4.1
Khả năng tìm ra tiếng nói của bản thân là một sức mạnh bẩm sinh trong ta. Đó là những hạt mầm thành công chưa được khai thác. Chúng ta đều được ban tặng những “món quà thiên phú” từ lúc chào đời: tài năng, năng lực, trí thông minh và các cơ hội. Những món quà này phần lớn vẫn ở nguyên vị trí của nó và luôn chờ đợi chúng ta mở ra. Nhờ có những món quà này mà chúng ta hiểu rằng tiềm năng của mỗi con người là rất lớn, thậm chí là vô hạn. Chúng ta thực sự chưa biết hết khả năng của con người. Một đứa trẻ lúc sinh ra là một sinh linh vô cùng yếu đuối; nhưng chỉ qua vài năm, chính sinh linh bé nhỏ này lại có sức mạnh thần kỳ. Chúng ta càng sử dụng và phát huy tối đa tiềm năng của bản thân thì chúng ta càng có thêm nhiều tài năng và năng lực mới.
Mọi đứa trẻ khi sinh ra đều có tài năng thiên phú; nhưng đáng tiếc là 9.999 trong số 10.000 trẻ đó đều đánh mất tài năng của bản thân một cách mau chóng khi chúng trưởng thành.
- BUCKMINSTER FULLER
Chúng ta hãy xem xét thật kỹ ba món quà quan trọng nhất sau đây (hình 4.2):
Món quà thứ nhất là sự tự do và sức mạnh để chọn lựa.
Món quà thứ hai là những quy luật tự nhiên và nguyên tắc sống, điều mang tính phổ quát và không thay đổi.
Món quà thứ ba là bốn năng lực của chúng ta – thể chất/kinh tế, tình cảm/xã hội, trí tuệ và tinh thần. Bốn năng lực này tương ứng với bốn thuộc tính của bản chất con người – được đặc trưng bằng thể xác, tâm hồn, trí tuệ và tinh thần.
Hình 4.2
MÓN QUÀ THIÊN PHÚ THỨ NHẤT: SỰ TỰ DO LỰA CHỌN
Tôi đã viết và nói về chủ đề của cuốn sách này trong nhiều hoàn cảnh khác nhau trên khắp thế giới trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Nếu bạn hỏi chủ đề nào, vấn đề nào, ý tưởng nào thực tiễn nhất, xác đáng nhất, hợp thời nhất, tôi sẽ trả lời ngay đó là chúng ta có quyền tự do lựa chọn. Quyền tự do lựa chọn chính là món quà vĩ đại nhất mà chúng ta được ban tặng và không ai có thể tước đoạt được nó.
Có được khả năng cũng như sức mạnh để lựa chọn chính là sự tương phản rõ ràng với tư tưởng nạn nhân chủ nghĩa (victimism) và thứ văn hóa đổ lỗi (culture of blame) đang thịnh hành trong xã hội ngày nay.
Về cơ bản, chúng ta là sản phẩm của sự chọn lựa chứ không phải của tự nhiên (di truyền) hay của sự nuôi dưỡng (dạy dỗ, môi trường sống). Tất nhiên là gien di truyền và văn hóa thường có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến chúng ta nhưng đó không phải là yếu tố quyết định.
Lịch sử của con người tự do chưa bao giờ được viết nên bởi cái gọi là cơ hội, mà nó được viết từ sự lựa chọn của chính con người.
- DWIGHT D. EISENHOWER
Điểm khác biệt của con người so với muôn loài là khả năng tự định hướng cuộc sống của bản thân. Chỉ con người mới biết hành động, còn các sinh vật khác chỉ biết phản ứng. Con người lựa chọn dựa vào các giá trị của bản thân. Thể hiện sức mạnh trong việc chọn hướng đi cho cuộc đời mình chính là cách để bạn thay đổi tương lai, tái tạo bản thân và tác động mạnh mẽ đến những thứ còn lại. Đây là món quà trời phú, nó như một công cụ giúp chúng ta mở ra những món quà khác và giúp chúng ta nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.
Sức mạnh của lựa chọn có nghĩa là chúng ta không chỉ là sản phẩm của quá khứ hay di truyền. Chúng ta không phải là sản phẩm theo ý muốn của một ai đó. Dù không thể nào phủ nhận ảnh hưởng của họ đối với chúng ta, nhưng điều cốt lõi là họ không có quyền quyết định chúng ta. Chúng ta tự quyết định mọi thứ bằng lựa chọn của chính chúng ta. Nếu chúng ta ném hiện tại của mình vào quá khứ, có lẽ chúng ta cũng làm như thế đối với tương lai chăng?
Một trong số những trải nghiệm sâu sắc nhất đã thực sự làm thay đổi cuộc sống của tôi – cũng là nguyên tắc nền tảng của 7 Thói quen – đến với tôi trong một kỳ du lịch kết hợp nghiên cứu ở Hawaii. Hôm đó, tôi trầm tư đăm chiêu dạo bước trong thư viện và lấy ra một quyển sách trên kệ. Chính ba dòng chữ trong quyển sách đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến cả cuộc đời tôi về sau:
Có một khoảng không ở giữa một kích thích và phản ứng với kích thích đó.
Trong khoảng không đó là sự tự do và sức mạnh để chúng ta chọn cách phản ứng của mình.
Những lựa chọn đó quyết định sự trưởng thành và hạnh phúc của chúng ta.
Hình 4.3
Trước đó, tôi đã nghiên cứu nhiều tài liệu nói về quyền lựa chọn cách phản ứng trước những gì xảy đến cho chúng ta. Nhưng vào cái ngày đặc biệt đó, với một không gian thư giãn thoải mái thì ý tưởng về khoảng trống giữa sự kiện và phản ứng đã đổ sầm xuống tôi như hàng tấn gạch vậy. Từ đó tôi bắt đầu hiểu và tin rằng độ lớn của khoảng cách đó được quyết định phần lớn bởi gien di truyền và bởi môi trường nuôi dưỡng cũng như hoàn cảnh sống hiện tại của chúng ta.
Với những ai được lớn lên trong môi trường thuận lợi với tình yêu thương vô điều kiện thì khoảng cách này sẽ rất rộng. Còn những người khác, do ảnh hưởng của môi trường và gien di truyền, thì khoảng cách này có thể rất nhỏ. Nhưng điều quan trọng là vẫn luôn luôn có một khoảng cách nhất định và sử dụng khoảng trống đó một cách khôn ngoan chính là tự tạo cho mình cơ hội để cải thiện cuộc sống. Một số người có khoảng cách này rất rộng, nhưng khi đối mặt với nghịch cảnh thì họ lại chọn giải pháp đầu hàng, và như thế họ đã vô tình thu hẹp khoảng cách đó lại. Đối với những người có khoảng cách giữa kích thích và phản ứng rất hẹp, họ vẫn có thể bơi ngược dòng chống lại sức cản của gien di truyền, của xã hội và văn hóa cũng như mở rộng tự do lựa chọn làm tăng khả năng thành đạt và hạnh phúc.
Chuyên gia tâm thần học R. D. Laing nói rằng nếu không chú ý đến khoảng cách này thì chúng ta sẽ dễ dàng giết chết khả năng thay đổi của mình. Chỉ có con người mới có khả năng tự ý thức. Bạn hãy đọc và suy ngẫm về đoạn trích dẫn sau:
Phạm vi suy nghĩ và hành động của chúng ta bị giới hạn bởi những gì chúng ta không để ý đến. Và chính vì chúng ta không nhận ra điều đó nên việc thay đổi luôn trở nên khó khăn; chúng ta chỉ có thể thay đổi khi ý thức được điều đó.
Bất luận điều gì đã xảy ra, đang xảy ra, hoặc sẽ xảy ra, thì vẫn luôn luôn tồn tại một khoảng cách giữa sự kiện xảy ra và phản ứng của chúng ta. Thậm chí nếu chỉ tồn tại một khoảnh khắc rất nhỏ giữa kích thích và phản ứng, thì chính khoảnh khắc đó đã thể hiện quyền tự do lựa chọn phản ứng của chúng ta trước hoàn cảnh.
Dĩ nhiên có những chuyện xảy ra mà chúng ta hoàn toàn không có sự lựa chọn nào cả. Chẳng hạn sự hình thành gien di truyền của chúng ta. Mặc dù chúng ta không thể lựa chọn được gien di truyền từ người thân, nhưng phản ứng với chúng thì ta hoàn toàn có thể. Nếu bạn mang trong mình gien di truyền của một chứng bệnh nào đó, điều đó không nhất thiết là bạn buộc phải chấp nhận chứng bệnh đó. Bằng cách tự ý thức và dùng ý chí của mình để tuân theo chế độ luyện tập và chế độ dinh dưỡng thích hợp, cùng sự hỗ trợ của những thành tựu y học hiện đại, bạn hoàn toàn có thể thắng được chứng bệnh đó.
Những ai phát huy được sức mạnh nội tâm và khả năng tự do lựa chọn của mình sẽ có khả năng trở thành một con người mà tôi tạm gọi là con người chuyển tiếp (transition person). Con người chuyển tiếp có khả năng ngăn chặn những khuynh hướng tiêu cực chuyển giao từ thế hệ trước sang thế hệ sau.
Tôi muốn bạn hãy suy nghĩ thật sâu sắc về món quà thiên phú đầu tiên này – suy ngẫm về khoảng cách giữa kích thích và phản ứng, cách sử dụng nó một cách sáng suốt làm tăng sự tự do của mình để không ngừng phát triển, học hỏi và đóng góp. Cuối cùng chính từ sự rèn luyện, sức mạnh đó sẽ mở rộng khả năng phản ứng của bạn cho đến khi phản ứng đó tác động trở lại với tác nhân kích thích. Bạn sẽ thực sự tạo ra thế giới của chính mình. Nhà tâm thần học–triết học Mỹ William James khẳng định rằng khi tư duy của chúng ta thay đổi thì cuộc đời cũng sẽ thay đổi theo.
MÓN QUÀ THIÊN PHÚ THỨ HAI: QUY LUẬT TỰ NHIÊN VÀ CÁC NGUYÊN TẮC
Chúng ta đã thảo luận về việc sử dụng một cách khôn ngoan khoảng không trống ở giữa một kích thích và phản ứng với kích thích đó, hay còn gọi là sự tự do lựa chọn của chúng ta. “Sử dụng một cách khôn ngoan” có nghĩa là gì? Sự khôn ngoan đó được thể hiện ở đâu? Về cơ bản, nó có nghĩa là sống theo các nguyên tắc hay quy luật tự nhiên chứ không phải chạy theo thứ văn hóa tốc độ, hiệu quả tức thời hiện nay.
Nhà bác học Einstein lần đầu tiên nhìn thấy chiếc kim kỳ diệu1 của cái la bàn khi ông lên bốn, khi ấy ông hiểu rằng chắc chắn phải có “một cái gì đó ẩn chứa đằng sau sự vật”. Điều này cũng liên quan mật thiết đến mọi lĩnh vực của cuộc sống. Các nguyên tắc có tính phổ quát có nghĩa là chúng vượt qua rào cản của văn hóa và địa lý. Bản chất của nguyên tắc là muôn thuở – đó là sự công bằng, lòng tốt, sự tôn trọng, tính trung thực, sự chính trực, tinh thần phụng sự và cống hiến. Các nền văn hóa khác nhau có thể biến những nguyên tắc này thành các thông lệ khác nhau và dần dần làm lu mờ các nguyên tắc do lạm dụng sự tự do. Tuy vậy, chúng vẫn luôn luôn tồn tại và vận động quanh ta như quy luật trọng trường vậy.
1. Nếu ta đặt la bàn đúng cách, kim của nó luôn chỉ hướng chính Bắc.
Tôi còn phát hiện ra rằng những nguyên tắc này là điều không thể tranh cãi. Nghĩa là chúng rất hiển nhiên. Chẳng hạn, bạn không thể có sự tin cậy lâu dài mà không có sự tín nhiệm.
Có lần tôi làm người hướng dẫn cứu hộ cho một nhóm khoảng ba mươi sinh viên dã ngoại. Sau cuộc hành trình liên tục hai mươi bốn giờ mà không ăn uống và nghỉ ngơi gì, chúng tôi xuống núi và cần băng qua một dòng sông chảy xiết để lấy thực phẩm và nước uống ở phía bên kia. Một dây thừng được căng ngang từ bờ bên này sang bờ bên kia, nơi bữa ăn sáng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Tôi đi trước vì nghĩ rằng mình biết cách và khỏe hơn mọi người. Tôi bắt đầu men theo sợi dây nhưng rồi lơ lửng ở giữa đường và không đủ sức để tiếp tục. Tôi cảm thấy kiệt sức nhưng vẫn cố dùng mọi kỹ thuật và dồn hết ý chí vào đôi tay, nhưng mọi nỗ lực dường như vô ích. Cuối cùng, tôi rơi tõm xuống dòng nước cuồn cuộn bên dưới và bị cuốn vào bờ cách đó khoảng hai mươi lăm mét. Tôi nằm kiệt sức bên bờ sông. Tất cả sinh viên của tôi lúc đó thì hò hét và cười toáng lên. Bấy giờ tôi mới hiểu rằng hành động của tôi là minh chứng rõ nét cho cái gọi là “niềm kiêu hãnh trước khi thất bại”. Cơ thể con người là một hệ thống tự nhiên, bị chi phối bởi các quy luật tự nhiên và chẳng có một sức mạnh tinh thần nào có thể khắc phục được những giới hạn tự nhiên của cơ bắp!
Quyền lực tự nhiên và quyền lực tinh thần
Quyền lực tự nhiên (natural authority) là sự thống trị vạn vật của các quy luật tự nhiên. Bạn không thể phớt lờ các quy luật tự nhiên và cũng không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tuân theo những quy luật đó. Chẳng hạn, khi bạn nhấc một đầu gậy thì cả cây gậy cũng được nâng lên. Nếu bạn nhảy xuống từ tòa nhà mười tầng thì bạn không thể đổi ý khi đã rơi đến tầng thứ năm. Lực hút trọng trường chi phối sự rơi và đó chính là quyền lực của tự nhiên. Tự nhiên cũng ban cho con người quyền tự do và sức mạnh để chọn lựa, và vì thế con người cũng có quyền lực tự nhiên hoặc quyền chi phối của riêng mình đối với những thứ khác. Các loài động thực vật quý hiếm có tồn tại hay không là do con người vì chúng không có sự tự do hay sức mạnh để lựa chọn và chúng cũng không có sự tự ý thức hay tự tái tạo được. Chúng hoàn toàn phụ thuộc vào con người bởi vì con người biết tự ý thức, chỉ có con người mới có sự tự do và sức mạnh lựa chọn cũng như tự tái tạo bản thân. Đây chính là quyền lực tự nhiên.
Quyền lực tinh thần (moral authority) là gì? Đó chính là việc sử dụng sự tự do và sức mạnh để lựa chọn một cách có nguyên tắc. Nói cách khác, nếu chúng ta tuân theo những nguyên tắc trong mối quan hệ giữa người với người thì chúng ta sẽ khai thác được tối đa tính năng của quy luật tự nhiên. Những quy luật tự nhiên (chẳng hạn lực hút trọng trường) và các nguyên tắc (chẳng hạn sự tôn trọng, tính trung thực, lòng tốt, sự công bằng, chính trực…) chi phối các hậu quả nảy sinh từ sự lựa chọn của chúng ta. Cũng như việc chúng ta không ngừng hủy hoại môi trường dẫn đến hậu quả là không khí và nguồn nước bị ô nhiễm, việc chúng ta không ngừng cư xử sai quấy và thiếu trung thực với người khác sẽ phá vỡ sự tin cậy. Những người khiêm tốn, sử dụng sự tự do lựa chọn có nguyên tắc sẽ có được quyền lực tinh thần đối với người khác, với tổ chức và cả xã hội.
Các giá trị (values) là những chuẩn mực của xã hội và mang tính cá nhân, cảm xúc, chủ quan và có thể tranh cãi. Mỗi người chúng ta có những giá trị khác nhau. Thậm chí những kẻ tội phạm cũng có những giá trị riêng của họ. Câu hỏi bạn cần tự đặt ra cho mình là liệu những giá trị của bạn có dựa trên các nguyên tắc nền tảng? Xét cho cùng, các nguyên tắc đều là những quy luật tự nhiên – chúng vô tri, khách quan và hiển nhiên. Nguyên tắc chi phối kết quả, còn hành vi bị chi phối bởi các giá trị; hay những nguyên tắc về giá trị!
Những người mắc “bệnh ngôi sao” là ví dụ điển hình về các giá trị không gắn liền với các nguyên tắc. Họ để sự nổi tiếng định hình phẩm cách của họ. Họ không biết mình là ai và mất phương hướng đối với hành động của chính mình. Họ không biết nên theo nguyên tắc nào bởi cuộc sống của họ không dựa trên cơ sở các giá trị chung của xã hội. Một mặt họ bị giằng xé giữa nhận thức xã hội và sự tự ý thức của bản thân, mặt khác giữa quy luật tự nhiên và các nguyên tắc. Trên máy bay, tình trạng đó gọi là cảm giác mất thăng bằng (vertigo), bạn không còn cảm giác liên hệ với mặt đất (các nguyên tắc) và trở nên hoàn toàn lạc hướng. Nhiều người vẫn sống cuộc đời mình trong tình trạng mất thăng bằng như thế. Có rất nhiều người như thế quanh ta và trong các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
Vậy nhiệm vụ then chốt là cần xác định đâu là “kim chỉ nam” và điều chỉnh mọi hoạt động của chúng ta theo hướng đó, bằng không, bạn sẽ khó tránh khỏi những hậu quả tiêu cực có thể dễ dàng xảy ra. Hãy luôn nhớ rằng tuy giá trị chi phối hành vi, song các nguyên tắc mới chi phối kết quả. Quyền lực tinh thần đòi hỏi sự hy sinh những lợi ích cá nhân nhất thời, dũng cảm đặt những giá trị xã hội phục tùng các nguyên tắc. Và lương tâm của chúng ta chính là kho chứa những nguyên tắc như thế.
MÓN QUÀ THIÊN PHÚ THỨ BA: BỐN NĂNG LỰC CỦA CON NGƯỜI
Như đã nói ở phần trên, bốn thành phần của bản chất con người gồm có thể xác, trí tuệ, tâm hồn và tinh thần. Tương ứng với bốn thuộc tính này là bốn năng lực (hay sức mạnh) của con người mà tất cả chúng ta đều có: năng lực thể chất (PQ – Physical Quotient), năng lực trí tuệ (IQ – Intelligent Quotient), năng lực cảm xúc (EQ – Emotional Quotient), và năng lực tinh thần (SQ – Spiritual Quotient). Bốn năng lực này là biểu hiện rõ nét của món quà thiên phú thứ ba mà chúng ta được ban tặng.
Hình 4.4Năng lực trí tuệ (IQ - Intelligent Quotient)
Khi nói đến trí tuệ, chúng ta thường nghĩ đến sự thông minh thể hiện qua chỉ số thông minh IQ, tức khả năng phân tích, lập luận, tư duy trừu tượng, sử dụng ngôn ngữ, sức tưởng tượng và khả năng lĩnh hội của chúng ta. Thật ra, đây chỉ là sự mô tả hạn hẹp về trí tuệ con người.
Năng lực thể chất (PQ - Physical Quotient)
Năng lực thể chất là khả năng mà tất cả chúng ta đều nhận ra nhưng thường xem nhẹ. Hãy thử nghĩ về những gì cơ thể bạn đang thực hiện mà không cần đến sự cố gắng có ý thức nào của bạn. Cơ thể vận hành hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và nhiều bộ phận quan trọng khác bên trong con người bạn. Nó không ngừng sàng lọc, tiêu diệt những tế bào nhiễm bệnh và đấu tranh sinh tồn.
“Cơ thể con người là một bộ máy tinh xảo và hoàn chỉnh đến mức kỳ diệu với xấp xỉ 7.000 tỷ tế bào có sự phối hợp hoạt động nhịp nhàng về thể chất và sinh hóa mà bạn không thể tưởng tượng nổi, dù chỉ để thực hiện một hành động đơn giản như lật một trang sách, bật một tiếng ho hay hành động lái xe. Khi nghĩ đến những việc chúng ta thường ít quan tâm nhất, bạn sẽ thấy có quá nhiều điều đáng ngạc nhiên. Đã bao giờ bạn phải nhắc nhở tim bạn đập, phổi của bạn co dãn, hay cơ quan tiêu hóa bài tiết đúng chất hay đúng giờ chưa? Những cơ quan này và vô số các quy trình hoạt động khác đều không ngừng vận hành một cách vô thức từng giây từng phút để chúng ta kéo dài sự sống. Khả năng thể chất của con người kiểm soát toàn bộ các cơ chế bên trong cơ thể, mà phần lớn các cơ chế này hoạt động một cách vô thức.”
- DOE CHILDRE và BRUCE CRYER
Các bác sĩ là những người đầu tiên nhận ra khả năng tự chữa bệnh của cơ thể. Các loại thuốc chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể tự chữa trị hoặc loại bỏ những chướng ngại, nhưng đôi khi thuốc cũng có thể gây một vài tác dụng ngược với khả năng thể chất.
Làm thế nào để cơ thể cân bằng và hòa hợp với chức năng của não bộ, nơi chứa đựng trí tuệ, với chức năng của tim, nơi đặc trưng cho khả năng tình cảm? Cơ thể chúng ta là một bộ máy kỳ diệu vượt trội hơn mọi chiếc máy vi tính hiện đại nhất. Đó là khả năng chúng ta hành động dựa vào suy nghĩ và tình cảm. Chính vì thế, khả năng làm ra sản phẩm là sức mạnh vô song của con người so với mọi loài vật trên trái đất.
Một tấm bảng treo ở một hiệu tạp hóa thuộc vùng quê North Carolina ghi rằng: Bộ não nói: “Tôi là bộ phận thông minh nhất trong cơ thể”.
Trái tim nói: “Ai bảo anh thế?”.
Các cuộc thực nghiệm khoa học ngày càng đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy có mối quan hệ mật thiết giữa thể xác (thể chất), trí tuệ (tư duy) và tâm hồn (tình cảm) con người.
Năng lực xúc cảm (EQ - Emotional Quotient)
Năng lực xúc cảm là vốn kiến thức tự có, sự tự ý thức, sự nhạy cảm xã hội, sự thấu cảm và khả năng giao tiếp thành công với người khác. Đó là ý thức về sự thích hợp giữa thời gian, quan hệ xã hội và sự dũng cảm thừa nhận điểm yếu để bày tỏ và tôn trọng sự khác biệt. Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, EQ là một đề tài nóng bỏng. Lúc bấy giờ EQ được mô tả như một khả năng của bán cầu não phải, để phân biệt với khả năng của bán cầu não trái. Bán cầu não trái được xem là thiên về khả năng phân tích, nơi chứa đựng tư duy tuyến tính, ngôn ngữ, lập luận và lô-gic; bán cầu não phải thì lại mang tính sáng tạo hơn, là nơi chứa đựng khả năng trực giác, cảm giác và tổng hợp. Điểm then chốt là phải coi trọng cả hai bán cầu não này và biết chọn lựa để vận dụng tốt những khả năng đặc biệt của chúng. Kết hợp tư duy và tình cảm sẽ tạo ra sự cân bằng, sự phán xét và đầu óc trở nên sáng suốt hơn.
Trực giác sẽ mách bảo cái đầu tư duy biết đâu là hướng đi tiếp theo.
- Tiến sĩ JONAS SALK, người phát minh ra vắc-xin bại liệt
Đã có nhiều công trình nghiên cứu cho rằng về lâu dài, năng lực xúc cảm là yếu tố quyết định sự thành công trong giao tiếp, trong mối quan hệ và khả năng lãnh đạo hơn nhiều so với năng lực trí tuệ. Daniel Goleman, tác giả và chuyên gia về năng lực xúc cảm nói:
“Để vượt trội trong mọi công việc, trong mọi lĩnh vực thì năng lực xúc cảm quan trọng gấp đôi so với mọi khả năng nhận thức đơn thuần. Đối với những người ở cương vị lãnh đạo thì năng lực xúc cảm hầu như chiếm lợi thế hoàn toàn… Các số liệu thống kê cho thấy năng lực xúc cảm chiếm 2/3 hoặc cao hơn thế trong các yếu tố tạo ra những thành tích nổi trội. Người ta cho rằng tìm ra người có khả năng này hay bồi dưỡng khả năng này trong các nhân viên hiện hữu sẽ đưa đến thành công lớn cho một tổ chức. Trong những công việc đơn giản chẳng hạn như công nhân vận hành máy hoặc thư ký, thì 1% những người có chỉ số EQ cao là những người làm việc có năng suất cao gấp ba lần (xét về mặt giá trị kết quả công việc của họ). Đối với những công việc tương đối phức tạp hơn, chẳng hạn như nhân viên bán hàng, hoặc thợ máy, thì những người có chỉ số EQ cao nhất là những người hoạt động với năng suất cao gấp mười hai lần so với những người bình thường.”
Lý thuyết về năng lực xúc cảm đang làm hoang mang những ai luôn gắn chiến lược thành công của mình thuần túy dựa vào trí tuệ (IQ). Ví dụ, một người có chỉ số IQ 10/10 nhưng có chỉ số EQ là 2/10. Anh ta sẽ làm thế nào để có mối quan hệ tốt với người khác? Anh ta có thể bù đắp khiếm khuyết này bằng cách hoàn toàn dựa vào trí tuệ của mình và vay mượn sức mạnh từ chức vụ địa vị của mình. Nhưng nếu làm như thế, anh ta sẽ càng làm trầm trọng hơn điểm yếu của mình và điểm yếu của cả người khác trong mối quan hệ tương tác. Tất nhiên sau đó họ sẽ tìm cách hợp lý hóa hành vi của mình một cách thông minh.
Sức mạnh vay mượn tạo nên điểm yếu cho bản thân, cho người khác và trong cả các mối quan hệ.
Xây dựng và phát triển năng lực xúc cảm là một trong những thách thức lớn nhất đối với các bậc cha mẹ và các nhà lãnh đạo ở mọi cấp trong các tổ chức.
Năng lực tinh thần (SQ - Spiritual Quotient)
Năng lực thứ tư của con người là năng lực tinh thần. Cũng giống như năng lực xúc cảm, SQ đang trở thành một đề tài chính được nhiều người quan tâm trong nghiên cứu khoa học và các cuộc tranh luận triết học và tâm lý. SQ là trọng tâm và là yếu tố cơ bản nhất trong mọi khả năng của con người bởi nó chính là nguồn gốc định hướng cho ba năng lực còn lại. Năng lực tinh thần biểu thị sự khao khát tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và sự liên hệ của chúng ta với vĩnh hằng.
Richard Wolman, tác giả cuốn Suy nghĩ bằng tâm hồn của bạn (Thinking with Your Soul), đã nói về “tinh thần” như sau:
“Theo tôi tinh thần là cuộc tìm kiếm của con người từ thời cổ đại và mãi mãi về sau vẫn khó mà thay đổi, nhằm tìm ra mối liên hệ với cái lớn hơn, đáng tin cậy hơn so với bản ngã của chúng ta – với tâm hồn của chính mình và của người khác, với các thời kỳ lịch sử và tự nhiên, với những làn gió tinh thần không thể chia cắt và với sự bí ẩn của sự sống.”
Năng lực tinh thần giúp chúng ta nhận ra những nguyên tắc đích thực, một bộ phận của lương tâm chúng ta giống như một chiếc la bàn, một vật thể tượng trưng rất chính xác cho các nguyên tắc, bởi nó luôn luôn chỉ hướng Bắc. Vấn đề cốt lõi để duy trì năng lực tinh thần ở mức cao là không ngừng tuân theo các quy tắc “kim chỉ nam”.
Tinh thần của con người là ngọn nến của Thượng đế.
- Kinh thánh
Bạn hãy đọc đoạn trích sau đây của tác giả Danah Zohar và Ian Marshall trong quyển SQ: Kết nối với năng lực tinh thần của chúng ta:
“Khác với IQ, một năng lực có thể 'cài đặt' vào các máy vi tính; khác với EQ, năng lực hiện hữu ở các loài động vật có vú cấp cao, SQ chỉ tồn tại duy nhất ở con người và là nền tảng cho ba khả năng còn lại. SQ gắn liền với nhu cầu của con người trong quá trình đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, vấn đề con người quan tâm nhất. SQ là những gì chúng ta sử dụng để tạo ra niềm khát khao và khả năng tìm kiếm ý nghĩa, tầm nhìn và giá trị của cuộc sống. SQ giúp chúng ta biết mơ ước và phấn đấu. Nó vừa củng cố cho niềm tin, vừa đặt niềm tin và có giá trị làm cơ sở cho chúng ta hành động. Về thực chất, nó chính là yếu tố tạo nên con người chúng ta.”
Ngữ nghĩa và bản chất thượng đẳng của năng lực tinh thần
Đã có vô số công trình nghiên cứu, quan sát, điều tra, hàng loạt cuốn sách và một ngành học về năng lực tinh thần của con người, đặc biệt là trong khoảng hai mươi năm trở lại đây. Nhiều từ ngữ khác nhau đôi khi được dùng để chỉ cùng một khái niệm. Khái niệm mà tôi gọi là năng lực tinh thần (Spiritual Intelligence) thì người khác có thể gọi là năng lực xúc cảm (Emotional Intelligence) và ngược lại. Tôi rất hiểu sự phức tạp của ngữ nghĩa nên tôi xin bạn đừng quá bận tâm vào định nghĩa của từ ngữ mà hãy chú ý vào ý nghĩa thực chất của chúng.
Cuốn sách của Howard Gardner về lý thuyết những năng lực đa dạng của con người nhan đề Những khuôn khổ của trí tuệ (Frames of Mind) trình bày rất hay các khái niệm về những sức mạnh riêng biệt nhưng trùng lắp. Tôi cũng học hỏi được nhiều điều từ những tác phẩm của Robert Cooper và Daniel Goleman nói về năng lực xúc cảm. Tôi đã tham dự những buổi thuyết trình của họ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau và tôi biết phương pháp tiếp cận của họ dựa trên cơ sở những cuộc nghiên cứu khá toàn diện, bao gồm cả những yếu tố mà tôi đã nói về năng lực tinh thần.
Một số tác giả lại tách biệt khả năng thị giác ra khỏi khả năng diễn đạt bằng lời nói, khả năng phân tích, hội họa, tư duy lô-gíc, sáng tạo, tư duy kinh tế và một số khả năng khác. Tôi đánh giá cao sự đóng góp của họ nhưng một lần nữa tôi khuyên bạn nên đặt tất cả mọi khả năng của con người vào bốn mặt: thể chất, trí tuệ, tâm hồn và tinh thần.
HOÀN THIỆN BỐN NĂNG LỰC CỦA CON NGƯỜI
Vì bốn mặt trong bản chất con người đan xen nhau, do đó bạn không thể tập trung riêng lẻ vào một mặt nào mà không trực tiếp hoặc gián tiếp đụng chạm đến những mặt khác. Việc phát triển và sử dụng các khả năng này sẽ cho bạn niềm tin, sức mạnh nội tâm và sự an toàn, sự dũng cảm, sự chín chắn và sức mạnh tinh thần của bản thân. Xét về nhiều mặt, những nỗ lực của bạn nhằm phát triển bốn năng lực này có tác động sâu sắc đến người khác và cổ vũ họ tìm ra tiếng nói của chính mình.
Phía sau mỗi cuộc đời cao thượng là những nguyên tắc đã tạo ra nó.
- GEORGE H. LORIMER
Tôi cũng nhận ra rằng qua việc thực hiện bốn giả thiết đơn giản sau, chúng ta có thể bắt đầu ngay một cuộc sống cân bằng hơn, hòa hợp và mạnh mẽ hơn. Đây là những giả thiết đơn giản nhưng tôi tin rằng nếu bạn kiên trì thực hiện, bạn sẽ tìm được nguồn sức mạnh mới và ý chí để tập trung khi cần thiết.
1- Đối với thể xác: giả sử rằng bạn đã bị mắc bệnh tim; bây giờ bạn phải sống trong tình trạng đó như thế nào?
2- Đối với trí tuệ: giả sử thời gian đi làm của bạn chỉ còn hai năm nữa; bạn sẽ chuẩn bị cho việc nghỉ hưu như thế nào?
3- Đối với tâm hồn: giả sử người khác có thể nghe lỏm được tất cả những gì bạn nói về họ ; vậy bạn cần phải nói năng như thế nào?
4- Đối với tinh thần: giả sử cứ mươi mười lăm phút bạn lại nhìn thấy hình ảnh của Thượng đế, vậy bạn phải sống như thế nào?
HỎI & ĐÁP
HỎI: Về cơ bản, chúng ta là sản phẩm của tự nhiên (di truyền) hay sản phẩm của sự nuôi dưỡng (điều kiện dạy dỗ và môi trường sống)?
ĐÁP: Bản thân câu hỏi này dựa vào sự lưỡng phân giả tạo. Nó dựa trên cơ sở một mô thức sai lầm hay một bản đồ sai trái về bản chất con người. Chúng ta không phải là sản phẩm của tự nhiên và cũng không phải là sản phẩm của sự nuôi dưỡng, mà chúng ta là sản phẩm của sự lựa chọn bởi vì luôn luôn tồn tại một khoảng trống giữa kích thích và phản ứng. Khi chúng ta sử dụng đúng đắn quyền tự do lựa chọn của mình dựa trên cơ sở các nguyên tắc, thì khoảng không gian này sẽ trở nên lớn hơn. Trẻ con và những người thiểu năng trí tuệ có thể không có khoảng trống này, nhưng hầu hết những người trưởng thành bình thường đều có.
HỎI: Các nhà lãnh đạo tài năng là do bẩm sinh hay do được huấn luyện đào tạo từ môi trường bên ngoài?
ĐÁP: Câu hỏi này lại tiếp tục dựa trên một mô thức sai lầm. Nhờ có khoảng trống giữa kích thích và phản ứng, con người có được quyền tự do lựa chọn. Vì thế, các nhà lãnh đạo tài giỏi không phải do bẩm sinh hay do nhân tạo – tức do nuôi dưỡng và đào tạo. Họ tự mình trở nên có tài thông qua những phản ứng có chọn lọc của họ. Nếu họ có lựa chọn dựa vào các nguyên tắc và ngày càng có kỷ luật lớn hơn, thì năng lực tự do lựa chọn của họ sẽ càng tăng lên. Trong cuốn sách Những người lập dị và kỳ lạ (Geeks & Geezers), hai tác giả Warren G. Bennis và Robert J. Thomas cho rằng các nhà lãnh đạo tài ba là do nhân tạo, chứ không phải bẩm sinh. Ý tưởng này cơ bản là do sự trải nghiệm có tính chuyển biến tạo nên một bước ngoặt trên con đường dẫn đến những lựa chọn giúp họ trở thành nhà lãnh đạo. Tiến sĩ Noel Tichy cũng cho rằng các nhà lãnh đạo không phải do bẩm sinh mà do dưỡng dục mà nên. Một lần nữa, những phát biểu này hàm ý rằng con người có quyền lựa chọn để được dạy dỗ và làm theo các hướng dẫn. Trong cả hai trường hợp này, các tác giả đều cho rằng những nhà lãnh đạo tài năng không phải là do bẩm sinh hay do nhân tạo mà là do tự bản thân họ có ý thức trở thành nhà lãnh đạo – sự lãnh đạo là kết quả của một chuỗi những sự lựa chọn.
HỎI: Có cần phải phát triển tất cả bốn năng lực thiên phú này hay không?
ĐÁP: Có, bởi vì bạn không thể phát triển được một năng lực nào đến mức cao nhất và lâu bền nếu không đồng thời phát triển cả bốn năng lực trên. Điều này cho thấy ý nghĩa của sự gắn kết. Có nghĩa là toàn bộ cuộc sống của chúng ta được gắn kết với những nguyên tắc nhất định. Năng lực làm ra của cải và sự hưởng thụ của chúng ta xét cho cùng phụ thuộc vào tính cách và phẩm chất con người của chúng ta. Điều này đòi hỏi sự không ngừng tập luyện để phá vỡ và tạo điều kiện hồi phục từng “sợi cơ” để phát triển sức mạnh thể chất, trí tuệ, tình cảm và tinh thần bằng cách thoát ra khỏi những vùng an toàn (comfort zones). Mời bạn đọc cuốn Sức mạnh của sự tham gia tổng lực (The Power of Full Engagement) của tác giả Jim Loehr và Tony Schwartz.
HỎI: Thế còn vấn đề nghỉ hưu thì sao?
ĐÁP: Bạn có thể nghỉ hưu nhưng đừng bao giờ từ bỏ những dự án có ý nghĩa. Nếu bạn muốn sống lâu, bạn cần có sự căng thẳng có ích (eustress), tức một cảm nhận sâu sắc về ý nghĩa và sự đóng góp của mình vào những công việc hay sự nghiệp xứng đáng, đặc biệt đối với gia đình qua các thế hệ của bạn. Ngược lại, nếu bạn muốn sớm về với tổ tiên, hãy ngừng chơi golf, nghỉ câu cá và ngày ngày ngồi chờ đến giờ uống thuốc, và thảng hoặc bạn mới gặp gỡ con cháu. Nếu bạn muốn tìm bằng chứng, xin hãy đọc cuốn Sự căng thẳng vô hại (Stress Without Distress) của Hans Selye.