Cách để thấu hiểu cá tính của một người
Năm 1984, Procter & Gamble (P&G) – một trong những thương hiệu hàng tiêu dùng nổi tiếng thế giới – gặp khủng hoảng do bị các đối thủ giành thị phần1.
Trước yêu cầu cần phải làm gì đó để thay đổi tình hình, Richard Nicolosi, một người quản đốc ca trực của P&G, đột nhiên được mời gia nhập đội ngũ marketing. Nicolosi kể lại rằng: “Lúc đó tôi còn không biết đánh vần chữ marketing thế nào”, nhưng các lãnh đạo cao cấp nhận ra được năng lực đặc biệt của ông. Họ hy vọng rằng đầu óc chặt chẽ của một kỹ sư sẽ giúp giải quyết được một số vấn đề lớn nhất mà công ty đang gặp phải.
Nicolosi bắt đầu vị trí mới bằng việc mà một kỹ sư giỏi nhất: giải câu đố. Ông áp dụng lối tư duy trật tự vào việc quản lý con người. Nicolosi giải thích với tôi: “Tìm cách khai thác những điểm tốt nhất của một người cũng y như giải câu đố vậy”.
Ông được trao quyền để thực hiện một cuộc tái cấu trúc lớn, thay đổi các bộ phận cũng như sắp xếp lại các vị trí lãnh đạo. Nhưng ông hiểu rằng mình không thể gầy dựng lại một đội ngũ mới từ con số không chỉ bằng cách nhìn vào sơ yếu lý lịch. Ông tin rằng điều then chốt nhất cần làm là phải gán đúng người vào đúng đội, và mỗi người được làm việc đúng sở trường.
Nicolosi cần tìm ra những tổ hợp người-việc, người-người phù hợp nhất, và phải làm điều này thật nhanh. Ông phát triển một quy trình nghiêm ngặt mà đến ngày nay ông vẫn tuân thủ chặt. Đầu tiên, ông đến gặp từng người để nói chuyện, sử dụng những câu hỏi sâu sắc, mang tính thăm dò để tìm hiểu họ. Ông vừa lắng nghe vừa quan sát, tìm kiếm các câu chuyện ẩn tàng đằng sau ngôn ngữ cơ thể, biểu hiện khuôn mặt và các hành vi đặc trưng của mỗi người.
Kế đến, ông dành thời gian bên họ, cố gắng quan sát cách họ làm việc. “Có sự khác biệt một trời một vực giữa chuyện người ta nói và làm”, Nicolosi chia sẻ.
Tiếp theo, ông lắng nghe từng lời của họ và dùng chính ngôn ngữ của họ để giao tiếp cùng. Việc này giúp ông cân bằng được những điều ông muốn đạt được với những gì họ muốn đạt được.
Nhờ được trang bị những thông tin quý báu về từng nhân sự, Nicolosi đã tạo ra những đội ngũ mới làm việc hiệu quả, đưa công ty vượt qua khủng hoảng năm 1984 và nhiều năm sau đó. Đến cuối năm 1988, lợi nhuận của công ty đã tăng đến 68%.
Nicolosi bắt đầu truyền lại học thuyết của mình với rất nhiều lãnh đạo bộ phận khác ở P&G: từ bộ phận xà phòng đến bột giặt, sản phẩm lau rửa đến thức uống. Sau cùng ông được mời đến Scott Paper để làm công việc tương tự: tái cấu trúc công ty. Ở đây ông vừa làm tăng gấp đôi lợi nhuận hoạt động lên 700 triệu đô la vừa tăng mức lợi nhuận đầu tư lên 23% trong vòng chưa đầy hai năm.
Khi tôi hỏi Nicolosi rằng bí mật của ông là gì, ông đáp: “Con người có rất nhiều tính cách khác nhau, vì vậy để có thể dẫn dắt và động viên họ, việc nắm bắt cá tính của từng người và từ đó hiểu được điều gì sẽ thúc đẩy họ là vô cùng cần thiết”.
Nicolosi có thể giải được bài toán con người và bạn cũng thế.
GIẢI BÀI TOÁN CON NGƯỜI
Tôi từng nghĩ rằng con người rất đáng sợ. Tôi chẳng thể nào phân biệt được sự khác biệt giữa các tính cách khác nhau. Và tôi thấy bất lực trong việc nhận ra các biểu hiện chứ chưa nói đến việc đoán ra nhu cầu. Vì sao một người rất thích nhắn tin qua lại trong khi một người khác chẳng bao giờ gọi lại cho tôi? Tại sao một số vị lãnh đạo khuyến khích sự cởi mở trong khi có người lại dùng thư ký như người gác cửa văn phòng?
Rồi một ngày nọ tôi gặp một thứ gọi là mô hình năm-yếu-tố. Được tạo ra bởi tiến sĩ Lewis Goldberg vào thập niên 802, mô hình tâm lý này đưa ra rằng con người có năm mức độ tính cách cơ bản: cởi mở, chu đáo tận tâm, hướng ngoại, dễ chịu, và tâm lý bất ổn. Mỗi người đều có mức độ riêng (cao hay thấp) đối với từng hạng mục tính cách. Tóm tắt như sau3:
Cởi mở: Tính cách này phản ánh cách mà bạn tiếp cận một ý tưởng. Nó cũng cho thấy bạn tò mò đến đâu, mức độ sáng tạo, mức độ trân trọng sự đa dạng và độc đáo đến đâu.
Cao: Thích sự mới lạ, thay đổi và phiêu lưu.
Thấp: Trân trọng truyền thống, quy trình và thói quen.
Tận tâm: Tính cách này mô tả cách bạn hoàn thành công việc. Nó đo lường kỷ luật tự giác, khả năng tổ chức và độ tin cậy của bạn.
Cao: Thích lên danh sách việc cần làm, tổ chức và lịch trình. Thích đào sâu vào các chi tiết và làm cho mọi thứ trở nên “hoàn hảo”.
Thấp: Là mẫu người thích những ý tưởng và chiến lược lớn. Có thể thấy việc lập danh sách và kế hoạch là ngột ngạt.
Hướng ngoại: Tính cách này phản ánh cách mà bạn tiếp cận con người. Bạn thấy sung sức khi tham gia các sự kiện xã hội hay chúng làm bạn kiệt sức? Chuyện này cũng có thể ảnh hưởng đến tính bao đồng và tính lạc quan.
Cao: Thấy khỏe khoắn khi ở giữa đám đông. Có khuynh hướng vui vẻ và thích dành thời gian cho việc giao tiếp xã hội.
Thấp: Tìm kiếm những khoảng lặng cá nhân và thấy mệt mỏi khi giao tiếp đông người.
Dễ chịu: Tính cách này mô tả cách bạn tiếp cận hợp tác và làm việc với những người khác. Nó cũng nói lên bạn là người dễ đồng cảm và dễ tha thứ đến đâu, và bạn chú ý đến trạng thái tinh thần của người khác đến mức nào.
Cao: Dễ hòa đồng, hay đồng cảm và thích chăm sóc cho người khác.
Thấp: Thích phân tích, thực tế và hay hoài nghi hơn là dùng cảm xúc khi ra quyết định.
Tâm lý bất ổn: Tính cách này mô tả xu hướng lo lắng. Nó cũng giải thích về độ nhạy cảm xúc của bạn khi phản ứng với môi trường xung quanh.
Cao: Có xu hướng là một người lo lắng. Thường xuyên thay đổi tâm trạng.
Thấp: Điềm tĩnh, ổn định và tâm trạng ít biến động.
Những mẫu tính cách này đem đến cho tôi một điểm khởi đầu. Tôi bắt đầu “giải bài toán” của từng người quan trọng trong cuộc sống của mình bằng cách nhìn vào những khuôn mẫu hành vi của họ. Để thêm vui, tôi tạo ra các bảng mã riêng cho từng người như thế này:
Và rồi dựa trên các lựa chọn, thái độ và hành vi của họ mà tôi đoán xem tính cách họ ra sao ở mỗi hạng mục. Đây là cái mà tôi đã tạo cho sếp khi đó của mình:
Tôi gọi mỗi một bảng mã nho nhỏ này là ma trận. Sau khi làm các ma trận này được vài tuần thì có nhiều điều thú vị xảy ra. Tôi nhận ra rằng các mối quan hệ cũng như các cuộc trò chuyện của mình đã bắt đầu thay đổi.
Đầu tiên là các cuộc trò chuyện của tôi đã trở nên trôi chảy hơn. Cuối cùng thì tôi đã tìm được một cách giải khuây – tôi đặt cho người ta những câu hỏi giúp tôi giải được ma trận của họ. Ví dụ như tôi không còn thấy căng thẳng mỗi khi gặp sếp trong ở khu thư giãn của công ty nữa. Khi cố gắng tìm hiểu xem ông ấy có đang ở trạng thái cởi mở không (như là sẵn sàng thử những thứ mới mẻ), tôi hỏi về chuyến đi nghỉ mới nhất và rồi về con đường sự nghiệp của ông. Chuyện này dẫn đến sự đồng cảm, và rồi ông mời tôi cùng đi ăn trưa để “tiếp tục cuộc nói chuyện tuyệt vời”.
Thứ hai, tôi hiểu sâu hơn và đúng hơn về những người quan trọng trong cuộc sống của mình. Khi tôi đã biết rằng sếp của mình là người có tính hướng ngoại thấp (thích làm việc và suy tính một mình), tôi có thói quen trình bày với ông các ý tưởng của mình trước các buổi họp để ông có thời gian nghiền ngẫm chúng – ông ấy luôn hồi đáp lại cho tôi đầu tiên và ưu tiên hơn cho các ý tưởng của tôi.
Cuối cùng tôi có thể giải mã cá tính nhanh hơn. Sau một vài phút tán gẫu, tôi có thể đoán được tính cách một người như thế nào. Khi tôi gặp vợ của sếp, tôi lập tức kết nối được với bà bằng cách hỏi về các nhà hàng yêu thích của bà. Câu trả lời của bà giúp tôi đoán được những chủ đề trò chuyện nào mà bà thấy hứng thú nhất, nhờ đó khiến cuộc trao đổi sinh động hơn.
Tôi đã làm như hướng dẫn của Nicolosi về cách hiểu con người mà không hề nhận ra. Tôi đã đặt những câu hỏi có chủ đích. Tôi lắng nghe và quan sát các dấu chỉ tính cách qua hành vi. Và rồi tôi sử dụng những bảng mã cá nhân, hay ma trận tính cách, để phán đoán và điều chỉnh cho phù hợp với họ.
Điều này đem đến cho tôi một trong những kỹ năng “xịn” nhất về con người: đọc vị nhanh. Nhưng trước khi bạn thành thạo kỹ năng đó, hãy nói về chuyện tính cách đến từ đâu.
KHOA HỌC VỀ CÁ TÍNH
Cá tính đóng vai trò lớn trong cách chúng ta ra quyết định, đặt mục tiêu và cân đối giữa công việc với các mối quan hệ. Và thường thì chúng ta không thể kiểm soát chúng. Có từ 30 đến 50% cá tính của mỗi người là có sẵn từ trong máu. Sự giáo dục bạn nhận được – cũng là một yếu tố mà bạn cũng không thể can thiệp – đóng góp đáng kể vào đó.
Bạn có bao giờ ước rằng đồng nghiệp của mình tươm tất hơn? Bạn đã bao giờ phải tìm cách thuyết phục bạn đời của mình bớt ở lì trong nhà? Bạn đã bao giờ thấy nỗi lo lắng của một người bạn mình là thái quá? Bạn muốn thay đổi những điều đó – nhưng đáng tiếc, tất cả sẽ không bao giờ thành sự thật. Chúng ta không thể thay đổi bản tính con người. Thay vì cố gắng tìm cách thay đổi người khác, bạn hãy học cách giải mã biểu hiện của họ, tối ưu hóa các giao tiếp để phán đoán chính xác hành vi của họ.
Đầu tiên, hãy bắt đầu với việc tự đánh giá bản thân4. Hãy thành thật với bản thân nhé!
CỞI MỞ
Đặc điểm này mô tả sự tò mò và thái độ của bạn đối với những ý tưởng mới. Chọn những câu giống bạn nhất:
Nếu có độ cởi mở cao, bạn:
_______ Rất tò mò
_______ Thích thử những thứ mới
_______ Thích mạo hiểm và hơi mơ mộng
_______ Có thể bị xem là người không thực tế hay thiếu tập trung
Nếu có độ cởi mở thấp, bạn:
_______ Yêu thích các thói quen, nghi thức và quy trình
_______ Tôn trọng và tuân theo truyền thống
_______ Thực dụng hơn và tuân theo các số liệu
_______ Có thể bị xem là người đầu óc bảo thủ và thiếu linh động
Dựa trên các câu trả lời của bạn, hãy thử nghĩ xem bạn có độ cởi mở như thế nào và đánh dấu vào thang dưới về độ cởi mở của bạn:
TẬN TÂM
Đặc điểm này chi phối vào cách làm việc của bạn. Chọn những câu giống bạn nhất:
Nếu có độ tận tâm cao, bạn:
_______ Rất ngăn nắp và luôn hướng đến sự chi tiết
_______ Thích lập danh sách việc cần làm, kế hoạch và lịch trình
_______ Là người thích sự hoàn hảo
_______ Có thể bị xem là người thích kiểm soát và cứng nhắc
Nếu có độ tận tâm thấp, bạn:
_______ Yêu thích các ý tưởng bay bổng và không muốn đi sâu vào chi tiết
_______ Rất linh động
_______ Ghét bị đóng khuôn vào kế hoạch và lịch trình
_______ Có thể bị xem là người cẩu thả và không đáng tin cậy
Dựa trên các câu trả lời của bạn, hãy thử nghĩ xem bạn có độ tận tâm như thế nào nhé. Hãy đánh dấu vào thang dưới mức độ tận tâm của bạn:
HƯỚNG NGOẠI
Đặc điểm này ảnh hưởng đến cách mà bạn kết nối với mọi người. Chọn những câu giống bạn nhất:
Nếu có tính hướng ngoại cao, bạn:
_______ Nói nhiều và có khuynh hướng khơi mào các cuộc trò chuyện
_______ Là người quyết đoán và hay bày tỏ ý kiến của bạn
_______ Cảm thấy tràn đầy năng lượng và tươi mới khi ở quanh mọi người
_______ Có thể bị xem là người ngoan cố và hay tạo sự chú ý
Nếu có tính hướng ngoại thấp, bạn:
_______ Hay xấu hổ và rụt rè
_______ Thích ở một mình, cảm thấy mệt mỏi khi gặp đông người
_______ Thích sự riêng tư và ngại ngùng khi chia sẻ thông tin cá nhân
_______ Có thể bị xem là người xa cách
Dựa trên các câu trả lời của bạn, hãy thử nghĩ xem bạn hướng ngoại đến đâu và đánh dấu vào thang dưới mức độ hướng ngoại của bạn:
DỄ CHỊU
Đặc điểm này ảnh hưởng đến thái độ của bạn với việc làm theo nhóm và ra quyết định. Chọn những câu giống bạn nhất:
Nếu có độ dễ chịu cao, bạn:
_______ Có xu hướng dễ hòa đồng với mọi người
_______ Tin cậy người khác và thích làm việc theo nhóm
_______ Thường đồng ý ngay khi người khác hỏi nhờ điều gì
_______ Có thể bị xem là người dễ bị xúi giục và thụ động
Nếu có mức dễ chịu thấp, bạn:
_______ Khó khăn trong việc làm việc nhóm
_______ Thường nghi ngờ động cơ của người khác
_______ Thường từ chối ngay khi người khác hỏi nhờ điều gì
_______ Có thể bị xem là người hay ganh đua và thích đối đầu
Dựa trên các câu trả lời của bạn, hãy thử nghĩ xem bạn có độ dễ chịu như thế nào và đánh dấu vào thang dưới mức độ dễ chịu của bạn:
TÂM LÝ BẤT ỔN
Đặc điểm này ảnh hưởng đến sự ổn định cảm xúc và khuynh hướng lo lắng của bạn. Chọn những câu giống bạn nhất:
Nếu như bạn có tâm lý bất ổn cao, bạn:
_______ Hay lo lắng
_______ Dễ trầm cảm
_______ Nhạy cảm
_______ Có thể bị xem là người quá đa cảm và không chắc chắn
Nếu như bạn có mức tâm lý bất ổn thấp, bạn:
_______ Vững chắc và cân bằng
_______ Thường bình tĩnh
_______ Có niềm tin vào chuyện “mọi việc cuối cùng sẽ ổn”
_______ Có thể bị xem là người thiếu cảm xúc hay lạnh lùng
Dựa trên các câu trả lời của bạn, hãy thử nghĩ xem bạn có độ tâm lý bất ổn như thế nào và đánh dấu vào thang dưới mức độ tâm lý bất ổn của bạn:
Lưu ý về mức giữa: Bạn có để ý là bạn có khuynh hướng rơi vào khoảng giữa ở một số thước đo không? Điều này là hoàn toàn bình thường. Bạn nằm ở mức giữa nếu bạn thấy mình có một số điều nằm ở mức cao và một số mức thấp. Để ví dụ, những người nằm ở mức giữa của thang hướng ngoại được gọi là “người hướng trung”. Nghĩa là có một số tình huống họ thích đi ra ngoài chơi và một số tình huống thì họ lại chỉ muốn khép kín. (Điều này có ảnh hưởng rất nhiều do những vị trí thăng hoa và vật vã của bạn). Để đạt mục đích hiện tại của chúng ta là đo lường tính cách, hãy nghĩ đến cá tính mà bạn hay thể hiện nhiều nhất. Bạn cũng có thể giới hạn việc đánh giá của mình theo mặt chuyên môn hay mặt xã hội, tùy theo ý định của bạn khi đọc cuốn sách này.
Nếu bạn gặp khó khăn với các câu tự đánh giá này hay cảm thấy mọi đặc điểm của mình đều nằm ở mức giữa, bạn có thể sẽ cần phải trả lời 44 câu hỏi kiểm tra cá tính để xác nhận mức độ tính cách của mình.
ĐỌC NHANH MA TRẬN
Vào cuối năm 2014, phòng thí nghiệm của chúng tôi phát triển mạnh mẽ. Tôi ngập đầu trong các dự án, lịch nói chuyện của tôi đầy ắp và chúng tôi có hơn 40.000 sinh viên vừa đăng ký các khóa học trực tuyến. Chúng tôi cần sự trợ giúp.
Thật may là chúng tôi có ba người thực tập mới đến. Tôi thì quá là cần người phụ giúp rồi. Mọi thứ khởi đầu thật mượt mà. Đến ngày làm việc thứ tư, các bạn thực tập sinh đã tham gia giúp quản lý các tài khoản mạng xã hội của chúng tôi.
Sau hai tuần, chúng tôi bắt đầu gặp chướng ngại. Một trong số các thực tập sinh – tôi xin gọi cô ấy là Eva – gặp khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ. Tôi nghĩ chuyện cũng không có gì đáng lo, chỉ cần gửi cho cô ấy các hướng dẫn chi tiết hơn.
Nhưng tuần tiếp theo đó, các công việc chưa hoàn tất của cô ấy đã ảnh hưởng đến cả nhóm. Không việc gì phải lo, tôi nghĩ vậy và cho rằng chỉ cần trao đổi lại với cô ấy và hỏi thăm xem liệu cô ấy thích làm việc gì. Vào buổi ăn trưa, chúng tôi ngồi lại với nhau và tôi đề xuất cho cô ấy vài dự án khác có thể cô thích hơn. Cô ấy đồng ý ngay! Chúng tôi ổn rồi.
Một tuần sau đó, tôi phát hiện ra là cô ấy thậm chí còn chưa bắt tay vào làm các nhiệm vụ chúng tôi đã trao đổi. Không lo, tôi sẽ đặt cô ấy làm chung với một thành viên kỳ cựu để người này hướng dẫn cô.
Một tuần nữa trôi qua, Eva gửi tôi email xin nghỉ việc. Tôi lúng túng: Mình đã làm gì sai?
Câu trả lời thật đơn giản: Tôi đã thất bại trong việc giải ma trận của cô ấy. Tôi đã giao tiếp với Eva dựa theo các đặc điểm cá tính của mình chứ không phải của cô ấy. Kể từ lúc đó, tôi đã xây dựng một hệ thống để giải ma trận của bất kỳ ai.
MẸO #7: ĐỌC-NHANH
Sử dụng ma trận để nắm bắt năm đặc điểm cá tính của một người
Đọc-nhanh là một mẹo gồm ba bước – đầu tiên bạn phải giải mã cá tính của riêng bạn, và rồi nhận dạng thật nhanh cá tính của người bạn đang giao tiếp, sau đó quyết định chọn thỏa hiệp hay tìm cách tối ưu hóa tương tác giữa bạn và đối phương.
Tôi đã dạy phương pháp này cho hơn 12.500 học viên trên toàn thế giới. Chúng tôi đã có hơn 18.000 người tham gia các bài trắc nghiệm tính cách ở phòng thí nghiệm của mình. Trong tất cả các mẹo mà tôi đã dạy, đây là mẹo giải mã mà tôi nhận được nhiều e-mail phản hồi tích cực nhất.
Đọc-nhanh là bí kíp sẽ thay đổi hoàn toàn các mối quan hệ. Khi được sử dụng đúng cách, nó sẽ giải tỏa mọi hiểu nhầm, ngăn chặn sự bất đồng, tăng thêm hương vị cho cuộc nói chuyện và đẩy nhanh sự gắn kết.
Dù đọc-nhanh là mẹo hiệu quả bậc nhất của tôi, độ khó của nó cũng cực cao. Nếu như bạn cần phải đọc lại phần này vài lần, hãy làm điều đó. Nếu mẹo này khiến bạn mất nhiều thời gian hơn các mẹo khác, hãy cố gắng. Nếu như nó có hơi đi ra ngoài vùng thoải mái của bạn, hãy thư giãn để có thêm năng lượng rồi tiếp tục. Tôi bảo đảm là nó sẽ thay đổi các mối quan hệ của bạn.
Bước #1: Chính bạn
Giải mã ma trận của chính bạn là bước đầu tiên của đọc-nhanh.
Dựa vào kết quả của bạn ở phần trắc nghiệm trước, hãy điền vào một bảng ma trận trống dưới đây. Vẽ mũi tên hướng xuống ở đặc điểm mà bạn có mức thấp, mũi tên hướng lên ở đặc điểm có mức cao còn dấu bằng thì dành cho đặc điểm ở mức giữa.
Chú ý: Có một số người nhận thấy các đặc điểm tính cách của mình có sự khác biệt giữa đời thường và công việc. Nếu bạn nằm ở trường hợp này, hãy đánh dấu mỗi lĩnh vực bằng một màu khác nhau.
Đây là ma trận của tôi và các giải thích để giúp bạn biết cách tự giải mã ma trận của mình. Hãy đặt câu trả lời của bạn cạnh ma trận của tôi.
Ma trận của tôi gần như trái ngược với cô thực tập sinh Eva. Đây chính là một nguyên nhân khiến chúng tôi gặp khó khăn khi phối hợp với nhau. Tôi cố gắng áp đặt cá tính của mình vào cô ấy và chuyện này không mang lại kết quả tốt đẹp:
• Tôi là người rất cởi mở, vì thế tôi cực kỳ tò mò và thích các thử nghiệm. Tôi cho rằng Eva cũng sẽ thích được giao các nhiệm vụ mới và học các kỹ năng mới. Tôi chọn giao cho cô ấy các dự án mà tôi thấy thích thú chứ không phải các dự án cô ấy thích.
• Tôi là người tận tâm ở mức cao nên tôi thích đi vào chi tiết, lập kế hoạch và lên danh sách những việc cần làm. Tôi cứ gửi cho Eva các thông tin chi tiết và mong rằng chúng sẽ giúp được cho cô ấy.
• Tôi là người tâm lý bất ổn cao nên tôi nên đã quá háo hức muốn bảo đảm mọi người đều thấy hài lòng. Tôi thường xuyên kiểm tra Eva, và điều này khiến cô ấy cảm thấy áp lực hơn.
• Tôi là người có tính dễ chịu và hướng ngoại cùng ở mức trung bình, vì vậy tôi thích làm việc với mọi người ở một số hoàn cảnh thích hợp – hoặc ở những nơi tôi thấy có thể phát triển bản thân. Tôi đã quên tính đến Eva.
Cách tiếp cận này không hiệu quả, thực ra thì đó là một cách giao tiếp ích kỷ. Tôi đã nhìn Eva thông qua cá tính của mình chứ không nghĩ cho cô ấy.
Bước #2: Đối phương
Khi tôi nhận ra rằng mình không sử dụng ma trận của Eva thì đã muộn. Khi nhận được e-mail của cô, tôi lập tức rút một tờ giấy nháp để giải mã tính cách của cô. Đây là điều lẽ ra tôi đã phải làm khi nhận cô vào làm.
• Eva là người có tính cởi mở thấp, vì thế cô bị ngợp trước cơn lũ các dự án tôi đề xuất cho cô.
• Eva là người có mức tận tâm thấp, vì vậy các e-mail chi tiết và dài ngoằng của tôi đã dọa cô phát khiếp. Cô không biết phải bắt đầu như thế nào, nên cuối cùng cô chẳng làm được gì.
• Eva là người có tính dễ chịu cao, vì thế cô đồng ý với mọi câu hỏi và dự án tôi giao, dù chúng có làm cô hơi sợ. Cô sợ làm ảnh hưởng đến tiến độ của cả nhóm và khiến tôi thất vọng, nhưng cô cũng không biết phải làm thế nào.
• Eva là người có tính hướng ngoại thấp, vì thế ghép cô với một người hướng dẫn cũng như đưa cô vào nhóm ba người thực tập mới đã đặt cô vào tình huống ngặt nghèo. Tệ hơn nữa, cô cảm thấy không thoải mái khi nhờ sự trợ giúp.
• Eva có mức tâm lý bất ổn trung bình, vì thế cô gặp khó khăn trong việc hiểu được sự lo lắng của tôi và thấy khó chịu khi tôi liên tục kiểm tra.
Cuối cùng thì những cách hành xử của cô ấy và các thất bại đã có lời giải! Quan sát ma trận của cô ấy đặt cạnh của tôi đã không chỉ làm rõ những sai lầm tôi đã phạm mà còn giúp tôi biết cách rút kinh nghiệm sau đó.
TIẾP CẬN TRỰC TIẾP
Hãy bắt đầu tập đoán các đặc điểm cá tính của những người bạn gặp. Tôi rất khuyến khích cách tiếp cận trực tiếp để giải mã ma trận. Tôi thường xuyên hỏi những người bạn mới, nhân viên hay đồng nghiệp mới một cách trực tiếp về đặc điểm cá tính của họ. Đây là cách đơn giản nhất để giải mã ma trận cá tính của một người. Sau đây là một vài chiến thuật:
• Như là một cách khởi đầu trò chuyện: “Tôi đang đọc cuốn sách này về năm yếu tố cá tính, bạn có nghe về nó bao giờ chưa?”. Nếu họ đã biết, hãy hỏi họ về mức điểm ở mỗi hạng mục tính cách. Nếu họ chưa biết, hãy giải thích từng đặc điểm một và đoán luôn chúng cùng lúc đó.
• Như là một trò chơi: “Này anh bạn! Tôi vừa làm một bài trắc nghiệm về cá tính tại trang ScienceofPeople.com/ personality. Điểm của tôi đây. Hãy thử xem bạn thì thế nào!”. Bạn cũng có thể dùng cách này với nhân viên mới hay các cộng sự. Con người ai cũng thích giải đố.
• Như là một thủ tục chính thức: Giờ thì tôi quy định rằng cá tính là bài kiểm tra chính thức dành cho mọi nhân viên thử việc trong tuần đầu tiên. Chuyện này cũng có thể tạo ra những cuộc trò chuyện thú vị chốn công sở.
• Như là một thủ tục trực tuyến: Có rất nhiều công cụ trực tuyến có thể giúp bạn giải mã các đặc điểm cá tính. Đại học Cambridge đã phát triển một công cụ mang tên Apply Magic Sauce có thể quét qua tài khoản Facebook của bạn và đoán tính cách dựa trên việc khảo sát các bài viết, hình ảnh, bạn bè và phong cách giao tiếp của bạn trên mạng xã hội này.
CÁCH TIẾP CẬN ĐỂ ĐỌC-NHANH
Nếu bạn không có thời gian để hỏi trực tiếp người khác về tính cách của họ, hay cảm thấy bạn không thể hỏi được, bạn có thể đọc-nhanh bằng cách kết hợp dữ liệu từ ngôn ngữ hình thể, các dấu chỉ qua lời nói và hành vi, nhờ đó giải mã được ma trận cá tính của họ. Đây là lúc áp dụng tất cả các mẹo tôi đã dạy bạn đến giờ. Khi bạn nói chuyện với ai, hãy chú ý quan sát những dấu chỉ bằng lời lẫn không lời. Ví dụ:
• Hỏi một người hướng nội rằng “Bạn có quen ai ở đây không?” có thể sẽ khiến cô ấy căng thẳng và có biểu cảm vi mô sợ hãi.
• Khuyến khích một người bạn ít cởi mở thử ăn ở một nhà hàng mới hay gọi một món lạ có thể khiến người này khó chịu và thể hiện biểu cảm vi mô giận dữ với bạn.
• Chào một khách hàng có mức tận tâm thấp bằng một bản đề xuất dài và chi tiết có thể khiến họ quá tải và thể hiện biểu cảm coi thường.
Bạn cũng có thể sử dụng các manh mối giải mã cá tính từ những gì mà nhà nghiên cứu Sam Gosling gọi là bằng chứng hành vi. Trong một loạt các nghiên cứu thú vị, Gosling khảo sát những món đồ riêng, phòng ở và khu vực làm việc của những người tham gia để giải mã loại cá tính của họ5. Sử dụng kết quả nghiên cứu của ông, chúng ta có một danh sách các câu hỏi sẽ giúp bạn đo được đặc điểm cá tính cũng như các hành vi được xem là những bằng chứng tin cậy về cá tính của một người.
CỞI MỞ
Câu hỏi:
• Bạn có chuyến du lịch lớn nào sắp đến không?
• Tôi vừa mới thử lần đầu tiên trong đời. Bạn đã làm điều đó bao giờ chưa?
• Gần đây bạn có thử ăn ở một nhà hàng mới nào không?
Hành vi:
• Cao: Đây là một cách rất tốt để biết được một người có hay đến những chỗ mới mẻ, thích đi du lịch hay có xu hướng trải nghiệm những điều mới mẻ không.
• Thấp:Nếu một người thích đến cùng một chỗ du lịch trong nhiều năm, chỉ thích ăn ở một vài nhà hàng quen hoặc chỉ thích ở nhà, đó có thể là người cởi mở thấp.
Các manh mối:
• Người cởi mở cao là người đặt các đồ lưu niệm từ các chuyến đi rải rác xung quanh không gian sống của họ và đăng ảnh các món ăn kỳ lạ trên mạng xã hội.
• Người cởi mở cao có khẩu vị phong phú về sách và âm nhạc.
• Người cởi mở cao là người rất tò mò.
• Người cởi mở thấp là người có rất nhiều quy trình và thói quen.
• Người cởi mở thấp là người có thể biết luôn người phục vụ ở nhà hàng và lần nào cũng gọi một món ăn như cũ.
TẬN TÂM
Câu hỏi:
• Sắp có dự án lớn nào không?
• Kế hoạch như thế nào?
• Bạn có đặt mục tiêu cho năm mới không?
Hành vi:
• Cao: Những người tận tâm cao thường biết chính xác những điều sắp diễn ra trong cuộc sống của họ và thường sẽ rất chi tiết về các dự án sắp tới, cứ như là đọc từ một danh sách các việc cần làm vậy.
• Thấp: Người tận tâm thấp thì khá dễ dãi. Họ có thể gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch. Họ thích “tới đó rồi hay”, “để xem chuyện đi đến đâu” và “đi theo chiều gió”.
Các manh mối:
• Người tận tâm cao là người quan tâm nhiều đến vẻ bề ngoài cũng như các tài sản của họ.
• Người tận tâm cao thường có các kệ sách xếp ngăn nắp theo thứ tự ABC, một hệ thống hồ sơ được sắp xếp theo cách riêng của họ, và đây là người thích lên kế hoạch chi tiết.
• Thật thú vị khi Sam Gosling khám phá ra rằng người tận tâm cao là người cũng có khuynh hướng muốn có ánh sáng tốt trong phòng.
• Người tận tâm thấp là người thường hay phải đi mượn bút, để quên đồ sạc điện thoại và có khuynh hướng xuất hiện hơi muộn. Chuyện này cũng không khiến họ bận tâm mấy – sau tất cả thì “mọi chuyện cuối cùng sẽ ổn”.
• Người tận tâm thấp có khuynh hướng chỉ đem đồ đi giặt khi họ đã mặc đến bộ đồ lót cuối cùng.
• Người tận tâm thấp là người có thể chẳng để ý đến việc bàn làm việc đầy ngập giấy hay một loạt email chưa đọc.
HƯỚNG NGOẠI
Câu hỏi:
• Có quen ai ở quanh đây không?
• Bạn định làm gì cuối tuần này?
• Một ngày lý tưởng của bạn như thế nào?
Hành vi:
• Dù rằng một người hướng ngoại thấp cũng quen nhiều người như người hướng ngoại cao, những người hướng ngoại cao có thể muốn biết nhiều hơn về những người quanh họ.
• Cao: Người hướng ngoại cao điển hình sẽ muốn dành thời gian nhiều hơn với mọi người và không cần có thời gian nghỉ giữa các hoạt động xã hội. Thời gian ở một mình có thể không cần thiết đối với họ.
• Thấp: Người hướng ngoại thấp có thể có ít kế hoạch xã hội hơn, hoặc sẽ xen kẽ giữa hoạt động xã hội và cá nhân.
Các manh mối:
• Người hướng ngoại cao có khuynh hướng cười nhiều và khi cười mở miệng rộng hơn, họ cũng có khuynh hướng lạc quan.
• Người hướng ngoại cao có thể tương tác thoải mái với những nhóm đông người và thường xuyên đứng với dáng vẻ tự tin dễ nhận ra.
• Người hướng ngoại cao thích chia sẻ chi tiết về cuộc sống cũng như các thành tích của mình với người khác. Họ thường xuyên liên lạc bằng tin nhắn và khi gửi email cũng dài hơn.
• Người hướng ngoại thấp là người thích các cuộc đối thoại riêng tư, một đối một.
• Người hướng ngoại thấp thích kết nối với mọi người ở các môi trường yên tĩnh, hoặc tham gia các hoạt động ít cần phải dùng lời.
• Sam Gosling phát hiện ra rằng những người hướng ngoại có nhiều món đồ trang trí ở văn phòng hay ô làm việc của mình vì họ muốn không gian đó trông có vẻ chào đón mọi người hơn. Nói một cách khác, họ trưng bày đồ trang trí, các trò chơi và kẹo để “dụ” mọi người đến. Nhưng thật thú vị là điều này không áp dụng với phòng ngủ của họ.
DỄ CHỊU
Câu hỏi:
• Bạn muốn ăn gì tối nay?
• Bạn có thường xuyên đóng vai trò người hòa giải không? (Câu hỏi này có thể phát ra tự nhiên. Ví dụ như khi nói về anh em trong một nhà, hãy hỏi xem họ là người gây rắc rối, nạn nhân hay là người hòa giải. Khi nói chuyện về các mối quan hệ bạn bè, hỏi xem liệu có phải họ là người hay bị kẹt ở giữa).
• Bạn có muốn chút nữa đi cùng chúng tôi không? (Câu này cũng có thể dùng để nhận ra người hướng ngoại).
Hành vi:
• Cao: Người dễ chịu cao điển hình thường mặc định trả lời có/đồng ý. Họ thường sẽ trả lời kiểu như: “Chắc chắn rồi, còn những người khác thì sao?” hoặc “Bạn có kế hoạch gì rồi nào?”.
• Thấp: Người dễ chịu thấp thường có câu trả lời mặc định là không. Họ thường sẽ từ chối các đề nghị của bạn trước khi tự họ cân nhắc lợi ích và thiệt hại.
Các manh mối:
• Theo Sam Gosling, người dễ chịu cao có khuynh hướng bước đi thoải mái với nhiều động tác vung tay hơn.
• Người dễ chịu cao sẽ gánh vấn đề của cả thế giới trên vai. Họ muốn giúp đỡ, giải quyết và chăm sóc cho mọi người quanh mình – và đôi khi điều này cũng có nghĩa là họ ít quan tâm đến chính bản thân mình.
• Người dễ chịu thấp ít bị điều khiển bởi cảm xúc mà dựa theo thực tế. Sự hợp tác đối với họ không quan trọng bằng việc làm đúng, trả lời đúng.
• Người dễ chịu thấp không muốn biết bạn có cảm giác thế nào về điều gì. Họ chỉ muốn biết Google cho kết quả thế nào.
TÂM LÝ BẤT ỔN
Câu hỏi:
• Tuần qua của bạn thế nào?
• Đây có phải là mùa bận rộn trong năm của bạn?
• Còn điều gì khác tôi nên biết không?
Hành vi:
• Cao: Người tâm lý bất ổn cao thường xuyên căng thẳng và bận rộn (Nói ra thì ngại nhưng những người hay lo lắng thường nghĩ rằng nếu họ không có gì để căng thẳng nữa thì là họ làm chưa đủ. Tôi rành việc này lắm, vì tôi là người như vậy mà).
• Thấp: Người tâm lý bất ổn thấp thường có khả năng chịu áp lực và khó khăn cao, vì vậy dù cho họ đang rất bận rộn, thái độ của họ với chuyện này khá bình thản.
Các manh mối:
• Theo Sam Gosling, người có tâm lý bất ổn cao thường có những câu trích dẫn về việc tự nỗ lực và thông điệp truyền cảm hứng đặt ở cả văn phòng lẫn ở nhà. Họ dùng chúng để tự trấn an và tự điều tiết.
• Người có tâm lý bất ổn cao thường sẽ hay còn một chuyện nữa để nói với bạn. Họ lên kế hoạch và chuẩn bị cho mọi thứ.
• Cũng theo Sam Gosling, người có tâm lý bất ổn cao thường có khuynh hướng mặc đồ tối màu.
• Người có tâm lý bất ổn cao rất có tài ngăn ngừa khủng hoảng. Họ nghĩ đến mọi tình huống có thể xảy ra nên đã chuẩn bị đầy đủ cho tình huống xấu nhất.
• Người có tâm lý bất ổn thấp là người mà ta rất cần phải có khi gặp khủng hoảng. Họ có thể suy nghĩ sáng suốt, giữ bình tĩnh và hành động khôn ngoan khi mọi người đều cuống cuồng.
• Người có tâm lý bất ổn thấp thường phân biệt đúng sai rất rõ ràng. Vì vậy họ gặp khó khăn hơn trong việc cảm thông với chuyện căng thẳng và bận rộn.
Bạn không chỉ có thể hỏi các câu hỏi trên để giải mã cá tính của đối phương mà còn có thể lắng nghe những câu hỏi họ đặt cho bạn. Ví dụ, hãy xem đoạn email tôi nhận được từ cô bạn Sarah vài ngày trước một buổi tiệc mà tôi tổ chức:
Chào Vanessa
Tớ chờ hết nổi bữa tiệc thứ Bảy này rồi, haha!!! Tớ sẽ nấu cho mọi người món gà theo công thức mà tớ chưa từng làm bao giờ cho nên có thể cuối cùng chúng ta sẽ phải đặt pizza về ăn đấy nhá =).
Thư mời của cậu không có nói về thời gian kết thúc bữa tiệc. Cậu có biết khoảng khi nào thì bữa tiệc kết thúc không, để tớ có thể báo cho cô trông trẻ?
XO – Sarah
Tái bút – Lần trước cậu có nói là muốn có thêm ghế. Hãy cho tớ biết nếu cậu muốn bọn tớ mang thêm vài cái ghế gập nhé!
Bạn có thể đoán ra được ma trận của Sarah dựa vào email này không?
Tôi luôn muốn khuyến khích các bạn tìm hiểu kỹ hơn trước khi hoàn thành ma trận của một ai đó. Nhưng nếu cần phải đọc-nhanh Sarah, đây là những điều ta có thể suy luận từ email của cô ấy. Hãy chia nó thành nhiều phần:
Một lần nữa, tôi không thể bảo đảm 100% chắc chắn về các đặc điểm này, nhưng tôi có thể đưa ra các phán đoán có căn cứ về chúng, và chuyện đó giúp tôi viết email phản hồi như sau:
• Vì cô ấy là người tận tâm cao, tôi sẽ gửi cho cô ấy thông tin chính xác về thời gian kết thúc và số lượng ghế cần.
• Vì cô ấy là người tâm lý bất ổn cao, tôi sẽ gửi các thông tin này càng sớm càng tốt.
• Vì cô ấy là người cởi mở cao, tôi sẽ khuyến khích cô ấy thử công thức món ăn mới (và chuẩn bị sẵn số điện thoại của tiệm pizza).
• Vì cô ấy là người dễ chịu và hướng ngoại cao, tôi có thể yên tâm là cô ấy sẽ tận hưởng bữa tiệc dù cho có chuyện gì đi nữa.
Để có thể giải mã chính xác và nhanh chóng, ta sẽ cần phải tập luyện nhiều. May mắn thay, chúng ta đã nói về tầm quan trọng của ấn tượng đầu tiên trong Mẹo #2 – Sức mạnh nhân ba. Ấn tượng đầu tiên của chúng ta về người khác cũng quan trọng y như vậy6.
Đây là tin tốt lành: Ấn tượng đầu tiên của bạn có xác suất chính xác đến 76%7. Bạn có biết tại sao không? Một nghiên cứu đăng trên tờ Trends in Cognitive Sciences số tháng 11/2014 chỉ ra rằng chúng ta có thể đoán được cá tính và các đặc điểm chung dựa trên hình dạng và các biểu hiện trên khuôn mặt8. Ví dụ như chúng ta có xu hướng suy nghĩ rằng người hướng nội và hướng ngoại trông khác nhau. Đây là một vài hình ảnh rút ra từ nghiên cứu đó. Bạn có thể sắp xếp đúng các mô tả không? Các ảnh này do máy tính tự tạo ra nhưng chúng đại diện cho cách mỗi đặc điểm cá tính sẽ ảnh hưởng biểu hiện bên ngoài.
___ Hướng nội đến hướng ngoại
___ Khó tin cậy đến đáng tin
___ Bất tài đến tài năng
___ Không kiểm soát đến có kiểm soát
Đáp án là
C Hướng nội đến hướng ngoại
D Khó tin cậy đến đáng tin
A Bất tài đến tài năng
B Không kiểm soát đến có kiểm soát
Bằng một cách nào đó, bộ não của chúng ta nhận ra “dáng vẻ” của một đặc điểm tính cách. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chúng ta có thể rút ra kết luận một cách vô thức về cá tính dựa trên hình dạng khuôn mặt và cấu trúc xương của người khác. Vì thế đây là những gì bạn cần làm khi gặp người khác lần đầu:
• Kiểm tra bản năng: Chúng ta thường đúng khi đoán nhanh người hướng ngoại, dễ chịu và tận tâm – hãy thử với ấn tượng đầu tiên của bạn khi đánh giá người khác ở những đặc điểm này. Người cởi mở thường có thể dễ nhận ra nhất, thông qua khuôn mặt hay qua không gian sống của họ.
• Kiểm tra bằng lời: Chúng ta thường ít chính xác nhất khi đoán mức độ tâm lý bất ổn của người khác – đây là lúc cần đặt các câu hỏi cập nhật thêm và quan sát kỹ hơn.
• Kiểm tra dạng số: Chúng ta thậm chí cũng có thể rút ra kết luận về tính cách của một người dựa trên các hình ảnh của họ trên mạng. Nhà nghiên cứu Simine Vazire tìm ra rằng ảnh đại diện trên Facebook của một người phản ánh cá tính thật của một người chứ không chỉ là hình ảnh lý tưởng của họ10.
Khi mới bắt đầu tập đọc-nhanh, có thể bạn chỉ có khả năng đọc được hai đến ba đặc điểm. Đây là điểm khởi đầu tuyệt vời. Lần sau khi bạn có bạn đến chơi, hãy hỏi xin phép họ để được tải từ Facebook xuống ảnh của người thân hay bạn bè họ, tập đoán ma trận của người đó thông qua ảnh và nhờ người bạn kiểm chứng giúp kết quả.
Vui một chút, hãy thử giải các ma trận cá tính của một số nhân vật trong phim truyền hình để luyện tập.
• Ricky Ricardo trong phim I Love Lucy
• Velma Dinkley trong phim Scooby-Doo
• Phil Dunphy trong phim Modern Family
VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC KHI ĐỌC-NHANH
Có ba điểm chủ chốt cần phải nhớ khi đọc-nhanh:
1. Đọc-nhanh là để cảm thông. Dù rằng việc đọc-nhanh một ai đó sẽ giúp cho bạn ghi điểm ấn tượng trong trò chơi giao tiếp. Giải một ma trận con người yêu cầu ta phải đặt ra những câu hỏi có chủ đích, lắng nghe và cố gắng kết nối với một người dựa theo các nhu cầu của họ. Chúng ta muốn được giải mã vì điều đó khiến chúng ta có cảm giác được lắng nghe và thấu hiểu.
2. Không có mức độ cá tính nào “tốt nhất” hay “bình thường”. Khi bạn gán nhãn cho các đặc điểm con người, hãy làm việc đó mà không có giả định là “đúng” hay “sai”. Mục tiêu của tôi là giúp bạn biết được và tôn trọng khuynh hướng tự nhiên của một người và tìm hiểu xem người đó thật sự là ai chứ không phải là người mà bạn muốn họ trở thành. Khi bạn chấp nhận và điều chỉnh để hòa hợp hơn với một người thay vì cố gắng thay đổi hay đánh giá họ, các giao tiếp của bạn sẽ trở nên sâu sắc hơn, các cuộc trò chuyện sẽ trôi chảy hơn và bạn sẽ dự đoán hành vi của họ chính xác hơn.
3. Đặc điểm riêng không phải là định kiến. Đừng để các giả định về giới tính, tuổi tác, chủng tộc của một người ngăn chặn khả năng giải mã họ chính xác. Thêm một lý do nữa để phải loại bỏ hoàn toàn mọi định kiến: định kiến sẽ khiến bạn không bao giờ giải mã được bất cứ ai.
Bước #3: Chúng ta
Khi bạn bắt đầu giải mã cá tính một người, hãy nghĩ xem những đặc điểm nào của bạn sẽ bổ túc cho mối quan hệ và đặc điểm nào tạo nên sự bất đồng.
Nếu các đặc điểm tính cách của hai bên phù hợp nhau thì thật tuyệt vời. Các bạn sẽ giao tiếp dễ dàng và cân bằng hơn. Khi không hợp nhau, bạn sẽ có hai lựa chọn: tối ưu hóa hoặc phải thỏa hiệp.
Tôi trải qua chuyện thỏa hiệp – tối ưu này mỗi ngày với đủ loại cá tính khác nhau. Ví dụ như tôi là người tận tâm cao còn chồng tôi lại thấp. Tôi thích sắp xếp ngăn tủ đựng vớ ngăn nắp theo màu, hình dạng và dịp sử dụng. Chồng tôi thì lại chẳng quan tâm đến việc anh ấy có mang mỗi chân một kiểu vớ, có hình Ninja Rùa hay cây bonsai trên đó. Chúng tôi cố gắng để tối ưu hóa – tôi đã cố dạy cho anh ấy kỹ thuật sắp xếp tiên tiến của mình. Nhưng chuyện này chỉ được đúng hai ngày. Giờ thì chúng tôi có hai ngăn tủ đựng vớ nằm hai bên của tủ quần áo. Chuyện này bớt cho chúng tôi rất nhiều chuyện nhức đầu.
Dưới đây là cách mà phương pháp thỏa hiệp – tối ưu có thể sẽ thành công với Eva:
Cởi mở: Chúng tôi ở hai hướng ngược nhau trên thang bậc cởi mở
• Tối ưu hóa: Thay vì giao cho cô ấy những dự án học mới, tôi nên xem lại lịch sử làm việc của cô trước đó trên hồ sơ xin việc và giao những việc dựa trên các kỹ năng sẵn có, chứ không bắt cô làm những việc mới hoàn toàn.
Tận tâm: Chúng tôi cũng đối nghịch nhau ở thang tận tâm.
• Thỏa hiệp: Vì Eva là người có mức tận tâm thấp, tôi chỉ nên nhấn mạnh ở các mục tiêu lớn của dự án và để cô ấy có thể thoải mái thử tự hoàn thành các nhiệm vụ trước khi bị tôi dội bom với những yêu cầu chi tiết.
Hướng ngoại: Là người hướng ngoại thấp, Eva thích tự xoay xở với công việc hơn. Các buổi họp trực tiếp là hơi quá sức chịu đựng của cô ấy. Lẽ ra tôi nên gửi cho cô các yêu cầu công việc qua email trước khi tổ chức họp mặt.
• Tối ưu hóa: Chuyện xử lý các dự án một mình sẽ không phải là chuyện khó khăn với Eva so với khi làm việc nhóm cùng mọi người. Tôi lẽ ra đã nên yêu cầu cô ấy trải qua khóa huấn luyện của Science of People trước các bài huấn luyện trực tiếp khác. Cô ấy cần thời gian để chuẩn bị các câu hỏi cần thiết và học với tốc độ riêng.
Dễ chịu: Thêm một lý do nữa để cần liên hệ qua email nhiều hơn và gặp trực tiếp ít hơn chính là mức độ dễ chịu của Eva. Cô ấy quá sức mong muốn làm hài lòng sếp mới và các bạn đồng nghiệp.
• Tối ưu hóa: Thay vì cùng ngồi làm bài đánh giá hằng tuần, tôi lẽ ra nên làm các đánh giá chính thức qua email để cô ấy có thể phản hồi dễ hơn. Cô ấy cần một chỗ an toàn để có thể trình bày các nguyện vọng và đặt ra các giới hạn.
Tâm lý bất ổn: Là người tâm lý bất ổn cao, tôi đã dọa Eva phát khiếp bằng sự sốt sắng của mình. Cô ấy tự cảm nhận rằng tôi đang quản lý chặt chỉ mình cô.
• Thỏa hiệp: Dù rằng tôi không thể nào ít lo lắng đi (Ước gì tôi có thể), tôi lẽ ra vẫn có thể nói cho Eva biết là chuyện tôi hay kiểm tra không phải là chuyện chỉ riêng với cá nhân cô. Cô ấy không biết rằng với ai trong công ty tôi cũng làm thế cả. Và tôi cũng có thể làm giảm sự bực bội cho cô ấy bằng cách chuẩn hóa thời gian (ví dụ như mỗi chiều thứ Sáu chẳng hạn), như vậy cô ấy sẽ chuẩn bị tinh thần tốt hơn.
Tóm lại là vấn đề của tôi với Eva là chuyện lẽ ra có thể ngăn ngừa được. Nhưng cũng thật tốt để biết rằng những nếp nhăn như vậy hoàn toàn có thể ủi phẳng trong tương lai.
Tặng thêm: Ứng đối với các mức độ cá tính
Hiểu biết về cá tính của một người sẽ giúp tăng cường năng lực thuyết phục của bạn. Dù là bạn đang chào một đề xuất mới với khách hàng hay đang tìm cách thuyết phục bạn đời thử đi ăn ở một nhà hàng mới, bạn đều nên định hướng theo cá tính của họ. Chuyện này không chỉ khiến cho đề nghị của bạn có khả năng thành công cao hơn mà còn khiến cho toàn bộ tiến trình thuyết phục trở nên hào hứng hơn.
Tính cởi mở
• Người cởi mở cao: Nếu bạn biết mình đang chào dự án với một người cởi mở cao, hãy dẫn dắt câu chuyện bằng những quyền lợi hấp dẫn và và để cho họ có thời gian cùng suy nghĩ ý tưởng với bạn.
■ Việc riêng: “Em nghe nói cái nhà hàng Ấn Độ này có những món mà mình chưa từng thử bao giờ”.
■ Công việc: “Hệ thống cấp nước mới này sẽ cho anh áp lực nước tốt hơn, hóa đơn tiền nước ít hơn, và còn tặng kèm cả các đầu vòi sen nữa”.
• Người cởi mở thấp: Nếu bạn chào dự án với một người cởi mở thấp, hãy dẫn dắt câu chuyện bằng những điều bạn không thay đổi. Sau đó trình bày ý tưởng mới một cách hợp lý, dựa trên bằng chứng để giúp họ vượt qua sự e ngại trước việc thử một cái gì đó mới.
■ Việc riêng: “Ở đó họ vẫn có các món gà rán và khoai tây khoái khẩu của tụi mình, mà lại còn có thêm cái món cá nướng mà trên mạng đánh giá rất cao luôn ấy”.
■ Công việc: “Hệ thống này rất dễ lắp đặt, anh chẳng cần đổi công ty cấp nước hay can thiệp gì vào đồng hồ nước. Các khách hàng trước của chúng tôi nói lại là họ chẳng thấy gì khác biệt ngoại trừ việc áp lực nước mạnh hơn thấy rõ”.
Tính tận tâm
• Người tận tâm cao: Một người tận tâm cao sẽ mong muốn được nghe một bản dự án dài và có chiều sâu mà không bỏ qua chi tiết nào. Hãy chuẩn bị tinh thần để trả lời rất nhiều câu hỏi từ họ.
■ Việc riêng: “Em nghĩ là mình nên đi Hawaii. Đầu tiên là có các chuyến bay trực tiếp đến đó, rồi ở đó có đủ mọi loại hoạt động để chơi. Em đã thử tham khảo trước và lập một danh sách những trải nghiệm ở Đảo Lớn. Đây là hành trình dự kiến em đã in sẵn cũng như ước tính chi phí để mình biết sẽ cần tiết kiệm bao nhiêu”.
■ Công việc: “Tôi đã chuẩn bị sẵn tài liệu gồm khoảng 20 trang cho mỗi giai đoạn. Hãy cùng xem lại chúng trước và rồi tôi sẽ giải đáp mọi thắc mắc của anh nhé”.
• Người tận tâm thấp: Một người tận tâm thấp sẽ chủ yếu chỉ hứng thú với một bản tóm lược ngắn gọn. Bạn nên đưa ra một bản tóm tắt ngắn gọn, đầy sức mạnh là đủ; các chi tiết sẽ chỉ làm họ thấy chán.
■ Việc riêng: “Hawaii là chỗ phù hợp nhất về chi phí mà vẫn đủ các hoạt động vui chơi cho lũ trẻ. Chuyến đi sẽ tốn khoảng … đô la”.
■ Công việc: “Để tôi trình bày với anh ba điểm quan trọng nhất của dự án này và bước cần làm tiếp theo là gì”.
Tính hướng ngoại
• Người hướng ngoại cao: Một người hướng ngoại cao sẽ lắng nghe các yếu tố xã hội trong bài trình bày, kiểu như “Các thành viên khác trong nhóm nghĩ thế nào?”. Họ cũng không ngại việc ứng biến ngay một buổi họp nhóm để thảo luận thêm.
■ Việc riêng: “Nào nào mọi người! Chúng ta sẽ làm gì vào dịp năm mới nào? Tôi nghe nói là nhiều người sẽ đi xem nhóm Pink Martini diễn ở Crystal Ballroom lắm, có ai ý kiến gì không?”.
■ Công việc: “Tôi sẽ đưa ra một số ý kiến cho dự án sắp đến của chúng ta. Mọi người nếu có ý tưởng nào thì cũng nêu ra và rồi chúng ta sẽ chọn nhé!”.
• Người hướng ngoại thấp: Một người hướng ngoại thấp sẽ không muốn đứng ra trả lời các câu hỏi. Họ thích có thời gian riêng xem xét lại đề nghị của bạn trước khi quyết định.
■ Việc riêng: “Này, các cậu có ý tưởng gì cho dịp năm mới không? Có muốn viết ra danh sách các ý tưởng không nhỉ? Cứ nhắn cho tớ nếu các cậu nghĩ ra gì hay nhé!”.
■ Công việc: “Tôi muốn tất cả chúng ta cùng suy nghĩ về dự án sắp đến và vui lòng gửi cho tôi các đề xuất để tôi có thể làm một bản thăm dò qua email”.
Tính dễ chịu
• Người dễ chịu cao: Một người dễ chịu cao sẽ có thể nói đồng ý ngay với bạn nhưng sau đó thì họ thay đổi ý kiến hoàn toàn. Họ chỉ muốn tránh đối đầu và bảo vệ cảm xúc của mọi người – điều này có thể khiến họ không dám nói ra những băn khoăn thực sự của họ.
■ Việc riêng: “Cậu có chắc là cậu ổn chứ? Tớ biết rằng chuyện này thật khó để nói ra nhưng mà việc cậu cảm thấy thế nào là rất quan trọng. Cứ nói ra bất cứ điều gì cậu đang nghĩ nhé”.
■ Công việc: “Tôi sẽ ngừng ở cuối mỗi phần trình bày để mọi người đưa ra suy nghĩ của mình. Hãy tin rằng bạn không hề xúc phạm gì tôi đâu, nên chắc chắn hãy nói hết mọi quan điểm nhé! Ở giai đoạn này thì tốt nhất là mọi người đều đồng thuận với nhau”.
• Người dễ chịu thấp: Một người dễ chịu thấp sẽ kỹ tính với lời của bạn hơn cho đến khi họ tận tay kiểm chứng. Hãy sẵn sàng đối mặt với những câu hỏi khó.
■ Việc riêng: “Trước khi cậu nói bất cứ điều gì, hãy lắng nghe tớ giải thích mọi chuyện theo suy nghĩ của tớ về những gì đã xảy ra. Chắc chắn là cậu sẽ hiểu ra được vấn đề”.
■ Công việc: “Tôi sẽ trình bày toàn bộ kế hoạch trước, vì vậy xin vui lòng khoan đặt câu hỏi cho đến khi tôi nói xong. Tôi đã chừa sẵn rất nhiều thời gian cho phần hỏi đáp và sẽ trả lời mọi thắc mắc”.
Tâm lý bất ổn
• Người có tâm lý bất ổn cao:Một người tâm lý bất ổn cao sẽ muốn nghe rằng bạnđang lo lắng mọi thứ cho họ. Nói cách khác, để một người tâm lý bất ổn được bình tĩnh, hãy thuyết phục họ rằng bạn đã nghĩ hết và giải quyết tất cả các khúc mắc để họ không cần phải lo gì. Việc này giúp xây dựng niềm tin. Lập danh sách ưu, nhược điểm sẽ giúp bạn thể hiện rằng mình đã nghĩ về đủ cả hai mặt.
■ Việc riêng: “Anh biết là em lo lắng, không biết chúng ta cần làm gì. Anh nghĩ là mình nên chuyển nhà đi. Nhưng hãy cùng ngồi với nhau để lập danh sách ưu điểm và hạn chế của việc này. Mình cũng nên bàn về kế hoạch dự phòng luôn”.
■ Công việc: “Hãy bắt đầu với những biện pháp an toàn được đề xuất trong bản kế hoạch. Nếu như có gì chậm trễ hoặc không trôi chảy, chúng ta đã có khoảng thời gian đệm và có sẵn nhân viên dự phòng sẵn sàng hỗ trợ”.
• Người có tâm lý bất ổn thấp: Một người tâm lý bất ổn thấp sẽ không lo lắng với các câu hỏi nếu-thì, vì vậy đưa chúng ra sẽ có thể khiến họ lo lắng không cần thiết. Với đủ lý do, họ sẽ tin theo lời bạn nói. Vì vậy bạn hãy tự thẩm định, nhắc với họ bạn đã thẩm định và như vậy là đủ.
■ Việc riêng: “Anh đã nghĩ lâu và kỹ lưỡng về chuyện này, anh nghĩ rằng mình nên chuyển nhà đi. Nếu em cũng đồng ý, anh sẽ nói chuyện với bên đại lý nhà đất và báo em tình hình”.
■ Công việc: “Chúng ta cũng biết rằng những trở ngại bất ngờ là khó tránh khỏi và các nhân viên của chúng ta đã được chuẩn bị đầy đủ để xử lý những tình huống này. Tôi có thể bảo đảm với quý vị điều đó”.
Những tính cách khác nhau đòi hỏi những cách tiếp cận khác nhau hoàn toàn, và đây là một điều tốt! Khi bạn lo cho mọi người đến cả những điều họ không nói ra, bạn có thể tránh khỏi các bước ngoặt bất ngờ.
Thử thách Đọc-nhanh
Cũng như học đọc, học đọc-nhanh cũng không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Cách tốt nhất để giỏi hơn là luyện tập với những người bạn quen và đánh giá lại những kinh nghiệm quá khứ.
Hãy đi qua hết các thử thách sau.
• Hãy bắt đầu nhận diện cá tính của những người dưới đây bằng cách đặt dấu bằng, dấu mũi tên lên hoặc xuống trong các cột dưới đây. Để trống nếu bạn không chắc chắn.
• Tô đậm hoặc khoanh tròn các đặc điểm trùng với bạn.
• Chỉ ra một số thách thức trong các mối quan hệ hay giao tiếp của bạn với người đó. Liệu chúng có liên quan đến sự khác biệt về tính cách?
• Liệu bạn có thể tối ưu hóa hay thỏa hiệp với vấn đề nào hay không?
Khi mà bạn đã hoàn thành các thử thách với những người này, bạn sẽ để ý thấy có những khuôn mẫu thú vị.
• Về địa lý: Tùy thuộc vào nơi bạn ở, bạn có thể nhận thấy có sự tập trung cao của các đặc điểm hoặc mô hình tính cách. Vì một phần lớn tính cách là di truyền, chúng ta thấy sự nở rộ của các đặc điểm ở một số khu vực nhất định. Chúng ta cũng biết rằng văn hóa đóng một vai trò quan trọng với các đặc điểm tính cách. Ví dụ, Nam California và Thành phố New York là các trung tâm của tinh thần kinh doanh, phiêu lưu và sống trọn khoảnh khắc. Vì vậy không ngạc nhiên khi các nơi này tập trung nhiều người cởi mở và thu hút thêm nhiều người cởi mở đến đó.
• Tự chọn lọc: Tôi có khuynh hướng thích chơi với những người tận tâm cao vì họ đến đúng giờ và dễ dàng lên kế hoạch cùng họ hơn. Theo cách này, tôi đã tự chọn lọc bạn bè và có ưu ái hơn với một số cá tính nhất định. Bạn, sếp bạn và bạn bè bạn có thể có một số đặc điểm cá tính tương đồng vì chuyện đó sẽ giúp mọi người dễ phối hợp với nhau hơn. Đừng ngạc nhiên khi thấy những người quan trọng với bạn có cùng một mẫu ma trận.
• Văn hóa nơi làm việc: Khi tôi có bài phát biểu ở công ty Intel, một thính giả đã nhận xét rằng Intel thu hút và tuyển dụng nhân sự có những cá tính tương đồng, điển hình là tận tâm cao và hướng nội. Có những tập đoàn có xu hướng thu hút một tập hợp các cá tính nhất định. Một công ty quảng cáo sáng tạo có thể tuyển những người cởi mở cao, hướng ngoại cao, trong khi một sếp công nghệ cao có thể chỉ giới hạn tuyển dụng những người tận tâm cao và dễ chịu cao. Nơi làm việc của bạn có thể có những người có cùng ma trận vì họ được tuyển dụng bởi cùng một người hoặc là văn hóa công ty bạn thu hút cùng một kiểu người như vậy.
Giải mã các ma trận là một quá trình đầy hào hứng. Theo như lời của Richard Nicolosi: “Tôi khám phá ra rằng tình yêu đích thực của mình không phải là marketing, mà là thấu hiểu được phần bên trong mỗi người: họ là ai, họ muốn gì và vì sao lại thế. Chuyện có thể thấu hiểu suy nghĩ của mọi người trở thành đam mê của tôi”. Giờ thì đến phiên bạn đột nhập vào trong suy nghĩ của người khác để giúp họ – và bạn – thành công.
THÁCH BẠN
1. Hãy làm bài kiểm tra cá tính chính thức trên trang web của chúng tôi để bảo đảm là ma trận của bạn chính xác tại địa chỉ www.ScienceofPeople.com/toolbox.
2. Điền vào bất kỳ chỗ còn trống nào trên phần thử thách đọc-nhanh bên trên bằng cách gặp gỡ những người đó và đặt các câu hỏi có mục đích (và đầy cảm hứng).
3. Thêm: Hãy nhờ bạn đời, bạn thân và cha mẹ bạn đóng vai chính bạn và tham gia kiểm tra cá tính trên trang web của chúng tôi. Đúng vậy, tôi muốn bạn so sánh góc nhìn của mình về bản thân với những người hiểu rõ bạn.
TÓM TẮT CHƯƠNG
Ma trận là vũ khí tối thượng của tôi. Đầu tiên, hãy thành thực kiểm tra cá tính của chính mình. Sau đó học cách giải mã cá tính của người khác bằng cách đặt các câu hỏi phù hợp và quan sát hành vi của họ. Cuối cùng, hãy bảo đảm là bạn chọn đúng cách tối ưu hay thỏa hiệp với các sự khác biệt.
• Đừng áp đặt cá tính của mình vào người khác
• Học cách đọc-nhanh từng đặc điểm trong Năm đặc điểm cá tính.
• Nỗ lực kết hợp các đặc điểm cá tính của bạn để chúng hòa hợp với nhau chứ không phải là đối chọi lại nhau.
Điều hay nhất tôi rút ra được từ chương này là:
_________________________________