Thiên tài chỉ là một dạng siêu năng lực trong việc nhìn thấy vấn đề.
− John Ruskin
Nhận biết các cảm xúc ẩn giấu
Tôi có một câu chuyện buồn để kể bạn nghe – nhưng đừng lo, câu chuyện có cái kết tốt đẹp.
Năm 1970, có một bà nội trợ tuổi tứ tuần nọ đang bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi trung niên. Để bảo vệ danh tính của bà, chúng ta tạm gọi bà là Mary nhé. Đến sinh nhật tuổi 40, Mary nhận ra mình hầu như lúc nào cũng cô đơn. Các con của bà đã lớn và không ở chung nữa, còn chồng của bà thì lại quá bận với công việc. Về đêm, bà rất khó để ngon giấc còn ban ngày thì càng lúc bà càng gặp khó khăn trong việc dọn dẹp ngôi nhà. Bà thường xuyên ngồi khóc cả ngày. Bà than thở rằng mình thật vô dụng. Cuối cùng, bà bắt đầu nghĩ đến việc tự sát.
May mắn thay, Mary nhận ra rằng mình cần được giúp đỡ. Gia đình đưa bà vào một bệnh viện địa phương để được chăm sóc chu đáo. Ba tuần điều trị đầu tiên diễn ra tốt đẹp, sự kết hợp giữa trị liệu nhóm và thuốc men có vẻ đã thành công. Trong một buổi điều trị cùng bác sĩ tâm lý (tất cả các buổi điều trị đều được quay phim lại), Mary cho rằng mình đã cảm thấy tốt hơn rất nhiều. Dựa trên việc tâm trạng có chuyển biến tốt, Mary xin phép được cho về thăm nhà dịp cuối tuần. Sau khi cùng tham khảo ý kiến của các y sĩ khác, bác sĩ cũng đồng ý rằng Mary đã khá hơn nhiều.
May mắn một lần nữa là trước khi rời khỏi bệnh viện, Mary nghĩ lại. Bà đến gặp bác sĩ và thừa nhận rằng mình đã nói dối trong quá trình điều trị và giả vờ khỏe ở các buổi điều trị nhóm. Bà vẫn đang gặp trầm cảm nặng nề, và nhân dịp cuối tuần sắp đến, bà lên kế hoạch để quyết không quay lại bệnh viện nữa. Nhưng sự thú nhận của bà lại đánh dấu một bước ngoặt thực sự trong quá trình hồi phục. Sau nhiều tháng điều trị, vượt qua vài lần tái phát, Mary đã thật sự khỏe hẳn và trở về cuộc sống bình thường với gia đình.
Gác lại cái kết có hậu đó, chuyện của Mary đã khiến cả bệnh viện phải kinh ngạc. Làm sao bà ấy có thể gạt được nhiều người trong bệnh viện đến thế? Người ta xem lại các video trò chuyện giữa Mary và các bác sĩ – họ đã bỏ qua điều gì? Trong thực tế, chuyện nói dối tình trạng bệnh là một hiện trạng đáng lo ngại và các bác sĩ rất sợ bệnh nhân lừa mình, che giấu nhu cầu sức khỏe thực sự của họ.
Sau khi nhiều chuyên gia tâm lý xem đi xem lại các video của Mary mà không tìm được lời giải, họ quyết định đi tìm sự trợ giúp. Họ tìm đến bác sĩ tâm lý trẻ Paul Ekman, người đã thực hiện nhiều thí nghiệm phát hiện nói dối trên các bệnh nhân1.
Bác sĩ Ekman và ê-kíp của ông đã dành hàng trăm giờ ngồi xem lại các video của Mary. Và phải đến lúc ông cho chiếu chậm thì các dấu hiệu mới bắt đầu hiện ra. Khi bác sĩ hỏi Mary về kế hoạch cho cuối tuần, một biểu hiện sợ hãi đã thoáng hiện ra.
“Chúng tôi nhìn thấy trong đoạn chiếu chậm một nét tuyệt vọng thoáng qua, nó diễn ra rất nhanh nên chúng tôi đã bỏ lỡ trong những lần xem trước đó”, bác sĩ Ekman giải thích2.
Nỗi đau thoáng qua đó chính là điều mà Ekman và nhóm của ông cần biết. Họ bắt đầu xem kỹ lại các băng video để tìm những dấu hiệu siêu nhỏ đó. Sau vài lần xem lại nữa, họ phát hiện ra chúng xuất hiện thường xuyên – luôn luôn xuất hiện trước một lời nói dối và được che đậy bằng nụ cười giả tạo. Bác sĩ Ekman gọi những biểu hiện thoáng qua trên gương mặt đó là “biểu cảm vi mô”.
Thiên tài chỉ là một dạng siêu năng lực trong việc nhìn thấy vấn đề.
− John Ruskin
KHOA HỌC VỀ GƯƠNG MẶT
Các bác sĩ từng nghĩ rằng trẻ em học cách cười bằng cách lặp lại các biểu hiện trên gương mặt cha và mẹ. Đây chỉ là hư cấu.
Những đứa bé bị mù bẩm sinh cũng có biểu hiện khuôn mặt giống y những đứa bé bình thường khác, dù chúng chưa từng nhìn thấy một khuôn mặt nào3. Chúng ta tạo nên các biểu hiện từ bản năng chứ không phải do nuôi dưỡng4. Biểu cảm vi mô là các hành vi bẩm sinh phổ biến của con người.
Bị hấp dẫn bởi ý tưởng này, bác sĩ Paul Ekman đã thực hiện một loạt nghiên cứu ở một nơi xa xôi thuộc quần đảo New Guinea5. Ông mang theo mình ảnh của những người Mỹ với các biểu hiện khác nhau – từ các nụ cười đến vẻ mặt nhăn nhó hay bực bội. Bộ lạc mà ông đến thăm đặc biệt không có liên hệ gì với thế giới phương Tây. Họ chưa từng xem một bộ phim nào, thậm chí ti vi cũng không có.
Với sự trợ giúp của người thông dịch, bác sĩ Ekman nhờ những thổ dân New Guinea nghiên cứu các biểu hiện trên khuôn mặt trong các tấm ảnh và đoán xem cảm xúc của người trong ảnh như thế nào. Bác sĩ Ekman đã phải choáng váng khi thấy họ đoán cực kỳ chính xác6. Họ thậm chí cũng có thể thực hiện thí nghiệm theo chiều ngược lại. Khi Ekman nêu tên một biểu cảm, người tham gia nhanh chóng mô phỏng lại biểu hiện khuôn mặt tương ứng.
Sau khi lặp lại thí nghiệm này với người tham gia từ khắp thế giới, bác sĩ Ekman đã nhận diện được bảy biểu cảm vi mô chung mà ai cũng có.
Chúng ta đều có các biểu hiện đó, bất kể văn hóa, giới tính hay chủng tộc. Đây chính là lý do vì sao đọc được các biểu hiện nhỏ là một mẹo cực kỳ có giá trị. Khi mà tất cả mọi người đều có bảy cách kể chuyện trên khuôn mặt, chúng ta sẽ có thể học chúng, nhận biết và giải mã.
CÁCH GIẢI MÃ GƯƠNG MẶT
Tôi cực kỳ yêu thích chương trình The Bachelorette (Tạm dịch: Cô nàng độc thân), phát sóng mỗi thứ Hai hằng tuần. Đó là một chương trình nhảm nhí mà tôi nhất quyết phải xem với lý do là “yêu cầu công việc” cần “quan sát hành vi con người”. Thật ra thì tôi muốn thắng trong phần dự đoán người chiến thắng ấy mà.
Ở một mùa khá hấp dẫn, cô nàng độc thân Emily Maynard gặp Arie Luyendyk Jr., anh chàng lái xe đua ở bang Arizona. Có tất cả hai mươi lăm chàng trai tranh đấu với nhau để giành được trái tim của Emily và được ngỏ lời cầu hôn với cô vào cuối mùa. Cao lớn với nụ cười rạng rỡ và đôi mắt xanh, Arie rất có tiềm năng đi đến cuối chương trình. Chỉ có một vấn đề trở ngại, đó là người yêu cũ của Emily cũng từng là một tay đua xe và không may đã mất do tai nạn ngay trên đường đua. Liệu nghề nghiệp của Arie có ảnh hưởng đến khả năng thành công của anh? Những người xem như tôi đều nhấp nhổm trên ghế để đợi xem kết quả.
Vào cái đêm thú nhận, Arie mời Emily ngồi xuống để “nói với cô vài điều”. Emily mỉm cười thoải mái trong khi chờ đợi quả bom phát nổ. Dưới đây là tóm lược về đoạn đối thoại:
Phù, nghe thật tốt đúng không nào? Không đâu. Phần nghe thì tốt đó nhưng phần nhìn thì lại báo hiệu những điều cực kỳ tệ.
Trong khoảng hai mươi giây nói chuyện, biểu hiện trên khuôn mặt Emily kể cho chúng ta một câu chuyện hoàn toàn khác. Đây là những gì diễn ra sau các câu nói.
Trong buổi nói chuyện, Emily đã cho thấy ba biểu cảm vi mô: buồn, sợ và coi thường. Chúng rất quan trọng vì chúng đi ngược với lời nói. Dù cho cô nói rằng mình ổn nhưng các cảm xúc thực đều đã hiển hiện ra hết trên khuôn mặt.
Cuối cùng Emily không chọn Arie. Anh ấy vào được vòng chung kết rồi cũng bị loại. Bất kỳ ai biết đọc biểu cảm vi mô đều sẽ không ngạc nhiên với kết cục này. Nghề nghiệp của anh chàng chính là thứ phá bĩnh. Tất cả những gì bạn cần làm là nhìn vào gương mặt cô ấy để thấy được điều đó. Nếu Arie để ý thấy các biểu cảm ẩn của Emily, có thể anh sẽ kịp trấn an cô. Nhưng thật tiếc, anh đã để lỡ các manh mối không lời này.
MẸO #6: GIẢI MÃ
Nhận diện bảy biểu cảm vi mô trong quá trình giao tiếp để nhận ra sự thật
Giải mã chính là việc tìm kiếm các biểu cảm ẩn giấu phía sau lời nói. Tất cả xoay quanh việc lắng nghe bằng cả đôi tai và đôi mắt.
Đầu tiên là cách sử dụng mẹo Giải mã.
• Cân bằng:Quan sát để xem liệu biểu cảm mà một người kể ra có đúng với các biểu cảm bộc lộ. Nếu khách hàng của bạn nói rằng họ rất vui khi gặp bạn, anh ta cần có biểu cảm vi mô hạnh phúc. Nếu vợ của bạn nói rằng cô ấy “ổn” nhưng lại có biểu cảm vi mô giận dữ thì cô ấy không “ổn” chút nào.
• Kết nối: Con người tạo ra các biểu cảm vi mô trong quá trình họ nói và lắng nghe. Biểu cảm trên gương mặt không bao giờ “tắt”, nhưng vì chúng hiện ra chỉ trong nháy mắt nên cần rất nhiều sự tập trung chú ý. Mặt khác, việc tập trung chú ý đến gương mặt đối phương còn có thể giúp bạn thực hành Mẹo #2 – duy trì giao tiếp bằng mắt ở Sức mạnh nhân ba. Nếu bạn nghĩ rằng tỷ lệ tiếp xúc mắt của mình dưới 60% thì việc đọc biểu cảm vi mô sẽ giúp tăng tỷ lệ đó lên.
• Tốc độ:Biểu cảm vi mô diễn ra cực kỳ nhanh – dưới một giây. Bất kỳ thứ gì lâu hơn một giây đều chỉ đơn giản gọi là biểu cảm. Vì sao điều này lại quan trọng? Biểu cảm vi mô (nhanh dưới 1 giây) không thể kiểm soát được, do đó chúng thể hiện cảm xúc một cách chân thực nhất. Biểu cảm trên mặt (dài hơn 1 giây) có thể giả được và ít chân thực hơn. Vì vậy bạn nên tìm kiếm những phản ứng chớp nhoáng trên gương mặt để đọc vị chính xác nhất.
Bước #1: Nhận diện
Theo bác sĩ Ekman, khi nói chuyện với một người, có bảy phản ứng bạn cần nhận ra7:
GIẬN DỮ
Chúng ta biểu hiện chớp nhoáng sự giận dữ khi không hài lòng với người khác hay bực bội về một tình huống nào đó.
Các biểu cảm vi mô giận dữ được biểu hiện qua:
• Lông mày hạ xuống và hướng vào nhau
• Hai nếp nhăn dọc ở giữa đôi lông mày
• Mí mắt dưới căng ra
• Đôi môi mím lại – hoặc là chúng bặm chặt vào nhau hoặc nhìn như chuẩn bị gào lên
Ta thường gặp biểu cảm vi mô giận dữ trong các trường hợp:
• Trong một cuộc đối đầu
• Khi đưa tin xấu
• Trước khi cãi nhau hay đánh nhau
• Cảnh báo với ảnh chụp: Biểu cảm này có thể vô tình xuất hiện trong ảnh khi một người nheo mắt nhìn về mặt trời hay không thích bị chụp ảnh.
KHINH THƯỜNG
Khinh rẻ, khinh miệt, coi thường hoặc không tôn trọng là một cảm xúc mạnh mẽ và phức tạp được ghi dấu bằng một biểu hiện đơn giản. Khinh thường hay được diễn tả qua hành động “nhếch mép”, hé một bên miệng.
Một điều thú vị khác về biểu cảm khinh thường: nó khiến chúng ta bối rối. Chúng tôi có một câu đố cho bạn trong trang web www.ScienceofPeople.com/toolbox. Hơn 22.000 người đã trả lời câu đố này. Khinh thường chính là cảm xúc hay bị trả lời sai nhất. Trong tất cả các cảm xúc thì Khinh thường gây khó dễ cho 40% số người (theo sau đó là Sợ hãi với 35%).
Khinh thường khiến chúng ta bối rối vì ta dễ nhầm lẫn giữa cái nhếch mép với nụ cười nửa miệng (thể hiện sự buồn chán). Có điều chuyện đó cũng không khó hiểu mấy. Khinh thường là dấu hiệu của sự chán ghét hay khinh miệt. Chúng ta thường có biểu cảm khinh thường khi chúng ta cảm thấy ai đó hoặc thứ gì đó không đáng để quan tâm.
Biểu cảm vi mô khinh thường được biểu hiện qua:
• Một bên gò má nhấc lên
• Khóe miệng bên trái hoặc phải nhấc lên.
Ta thường gặp biểu cảm vi mô Khinh thường trong các trường hợp:
• Khi bạn nói không với ai đó
• Khi bạn nghe hay phải nói về chuyện bạn không thích
• Khi bất đồng ý kiến hay sau khi thua cuộc tranh luận
• Cảnh báo với ảnh chụp: Biểu cảm này có thể vô tình xuất hiện trong bức ảnh khi một người nghĩ rằng đó là nụ cười nửa miệng.
HẠNH PHÚC
Hihi. Chúng ta đã học về biểu cảm vi mô hạnh phúc trong Chương 1. Hạnh phúc đích thực được biểu hiện qua việc cơ của cả hai gò má trên nhấc lên, chúng được gọi là cơ vòng mắt và cơ gò má lớn. Bạn có thể biết rằng mình vừa nhìn thấy một nụ cười thực sự khi nhìn thấy những dấu nhăn chân chim đáng yêu ở quanh đôi mắt của đối phương.
Biểu cảm vi mô hạnh phúc được biểu hiện qua:
• Khóe môi hai bên nhấc lên đều nhau
• Có thể là đôi môi hé ra và cho thấy răng
• Các cơ phần trên gò má được nâng lên hoặc căng ra
• Các vết nhăn quanh mắt
Ta thường gặp biểu cảm vi mô hạnh phúc trong các trường hợp:
• Khi ăn mừng với ai đó
• Khi loan tin tốt
• Có một trải nghiệm hài lòng hay tích cực
Bạn cũng có thể gặp các tình huống hạnh phúc giả tạo.
Chuyện này thường xảy ra khi:
• Ai đó tìm cách che giấu cảm xúc thật
• Họ thấy mệt mỏi và kiệt sức nhưng cố tỏ ra tích cực
• Cảnh báo với ảnh chụp: Biểu cảm này có thể vô tình xuất hiện trong bức ảnh khi một người cố tỏ vẻ thư giãn.
SỢ HÃI
Khi chúng ta sợ hãi, cơ thể chúng ta sẽ chuyển sang trạng thái phản ứng chiến-hay-biến. Biểu hiện trên gương mặt giúp chúng ta phản ứng nhanh chóng và chính xác với các mối đe dọa. Ngay khi chúng ta thấy sợ hãi, đôi mắt sẽ mở lớn hết mức còn lông mày thì chạy lên phần trên trán. Bằng cách này, ta có thể quan sát thật tốt môi trường xung quanh để có cơ hội nhìn thấy lối thoát hoặc các nguy hiểm khác. Rồi miệng chúng ta mở ra và thở hổn hển – nạp ô-xy vào để chuẩn bị hét lớn kêu cứu hoặc bỏ chạy.
Biểu cảm vi mô sợ hãi được biểu hiện qua:
• Mắt mở to
• Mí trên của mắt nhấc lên
• Lông mày nhướng cao, kèm theo các nếp nhăn ngang ở giữa trán
• Miệng hơi hé mở
Ta thường gặp biểu cảm vi mô sợ hãi trong các trường hợp:
• Trong một tình huống nguy hiểm
• Khi đưa cho ai đó một thông tin khó tiếp nhận
• Trong một tình huống giao tiếp không lường trước hay trạng thái bối rối
• Cảnh báo với ảnh chụp: Biểu cảm này thường xuất hiện trong bức ảnh khi mà đèn flash khiến người ta chói mắt hoặc người đó căng thẳng khi chụp ảnh.
NGẠC NHIÊN
Ngạc nhiên là một biểu cảm nói-lên-sự-thật rất dễ nhận biết. Ví dụ như khi bạn hỏi đồng nghiệp: “Anh có biết là tôi sắp bị chuyển khỏi dự án này không?”, biểu cảm ngạc nhiên sẽ cho bạn biết ngay lập tức là họ không biết gì. Nếu họ biểu lộ sự sợ hãi, đó là bằng chứng về việc họ đã biết điều này.
Biểu cảm ngạc nhiên khá dễ nhận ra vì nó là biểu cảm vi mô có thời gian dài nhất. Miệng há hốc còn lông mày thì chạy lên tận đỉnh trán.
Biểu cảm vi mô sợ hãi được biểu hiện qua:
• Lông mày cong tròn nhướng lên cao
• Mắt mở to
• Hàm hạ xuống, miệng há to
• Hít thở
Ta thường gặp biểu cảm vi mô ngạc nhiên trong các trường hợp:
• Đưa một tin bất ngờ
• Chia sẻ một câu chuyện với cái kết gây sốc
• Khi ai đó ngạc nhiên hoặc nể sợ
• Cảnh báo với ảnh chụp: Biểu cảm này có thể xuất hiện trong bức ảnh khi đối tượng đột ngột bị chụp.
Lưu ý đặc biệt: Cách dễ nhất để nhận biết sự khác biệt giữa sợ hãi và ngạc nhiên là hình dạng của đôi lông mày. Khi sợ hãi, đôi lông mày phẳng với những nếp nhăn ngang trán còn ngạc nhiên thì lông mày tròn lại nhướng lên trên như hình chữ U úp ngược.
THÙ GHÉT
Khi chúng ta trải nghiệm điều gì đó khó chịu, nổi loạn hoặc phản cảm, chúng ta biểu hiện sự thù ghét. Nó chính là gương mặt bạn thể hiện khi ngửi thấy mùi gì khó chịu. Hãy tưởng tượng cảnh đứa bé lần đầu tiên ăn rau chân vịt: nó sẽ kêu “Eooooo”, rồi nhăn mũi lại và thoáng để lộ hàm răng trên.
Biểu cảm vi mô thù ghét được biểu hiện qua:
• Mũi nhăn lại
• Môi trên nhấc lên
• Hai gò má nâng lên
• Môi dưới mím lại hoặc hạ thấp xuống
Ta thường gặp biểu cảm vi mô thù ghét trong các trường hợp:
• Khi ai đó ngửi hoặc ăn phải món gì đó rất tệ
• Nếu họ không thích một người hay một ý tưởng nào đó
• Trong một cuộc giao tiếp gây khó chịu
• Cảnh báo với ảnh chụp: Biểu cảm này có thể xuất hiện trong ảnh khi một người cố gắng tỏ vẻ hạnh phúc nhưng lại ghét chuyện chụp ảnh.
BUỒN BÃ
Đây là biểu cảm mà các biểu tượng cảm xúc trên mạng (emoticon) thể hiện lại chính xác nhất. Một khuôn mặt nhăn nhúm thực sự thể hiện rằng người đó đang trong một tình huống buồn đau. Buồn bã là biểu cảm vi mô khó giả tạo nhất, vì thế khi bạn nhìn thấy nó thì bạn phải hiểu rằng mình đã chạm trúng cảm xúc sâu xa nhất. Nó cũng chính là biểu hiện báo trước việc khóc, vì vậy nó sẽ giúp bạn đoán trước được khi ai đó sắp òa khóc.
Biểu cảm vi mô buồn bã được biểu hiện qua:
• Hai đầu lông mày ép vào nhau
• Mí mắt sụp xuống
• Môi dưới trề ra hoặc bĩu môi
• Khóe miệng kéo xuống trở thành nhăn nhó
Ta thường gặp biểu cảm vi mô buồn bã trong các trường hợp:
• Khi ai đó thấy thất vọng
• Ngay trước khi bật khóc
• Khi một người bị quá tải cảm xúc hoặc buồn bã, khó chịu
Bước #2: Phản ứng
Dù biểu cảm vi mô đem đến cho bạn cái nhìn sâu sắc về tình trạng cảm xúc của người khác, việc nhận ra nó chỉ mới là bước đầu tiên của mẹo Giải mã. Bước kế tiếp là chọn cách phản ứng. Và đây là một vài chiến lược cho bạn.
GIẬN DỮ
Khi tôi nhìn thấy sự giận dữ, tôi nghĩ đến cơ hội. Vì sao ư? Vì khi bạn nhận ra được sự giận dữ, bạn có cơ hội để giải thích, giải tỏa nghi vấn và đi đến được sự thật.
Giả sử bạn đang chào một dự án mới với khách hàng. Phần trình bày diễn ra xuôi chèo mát mái – khách hàng có vẻ rất phấn khởi, họ đặt ra nhiều câu hỏi hay và gật gù đồng ý với quan điểm của bạn. Và rồi đến phần báo giá. Ngay khi bạn vừa nói giá ra, khách hàng thoáng thể hiện sự giận dữ – nhìn qua bên kia bàn, bạn dễ dàng nhận thấy hai nếp nhăn thẳng đứng giữa hai hàng lông mày của họ.
Cách phản ứng thông thường: Nếu bạn tiếp tục chào dự án, việc đó sẽ để lại những câu hỏi không lời đáp. Tuy nhiên, phản ứng điển hình là bạn lướt tiếp đến phần còn lại của bài trình bày và hy vọng cơn giận tan biến. Vào cuối buổi nói chuyện, bạn sẽ gặp may nếu khách hàng nói ra sự nghi ngờ của mình về giá cả. Nhưng hầu hết là họ không hỏi. Cuối cùng, bạn đã bị mắc kẹt với câu hỏi vì sao dự án của mình bị từ chối.
Sử dụng mẹo Giải mã: Lập tức ngừng trình bày và giải thích ngay lý do vì sao bạn có giá đó – như vậy khách hàng sẽ có cái nhìn rõ hơn về bối cảnh và góc nhìn của bạn. Rồi sau đó tiếp tục trình bày nhưng nhớ hỏi xem liệu khách hàng có còn thắc mắc gì về giá không. Sau khi đã kết thúc phần trình bày, nhắc lại giá một lần nữa và để ý xem có ai có biểu cảm giận dữ không.
Phản hồi như thế nào:
• Khám phá – cơn giận đến từ đâu và làm thế nào bạn có thể loại bỏ nó?
• Bình tĩnh – không tấn công hay phòng thủ.
• Giải thích – bạn có thể đưa ra những thông tin gì để họ cảm thấy ít bị đe dọa hơn?
KHINH THƯỜNG
Khi tôi thấy biểu cảm khinh thường, tôi nhìn thấy tín hiệu báo động đỏ. Khinh thường là một cảm xúc lệch lạc rất khó thấy. Nếu không được nhận ra kịp thời, nó sẽ phát triển trở thành sự không tôn trọng và thù ghét. Đó chính là lý do mà bạn cần phải giải quyết ngay khi vừa nhìn thấy nó.
Hãy nhớ rằng biểu cảm khinh thường không có nghĩa rằng người đó là kẻ hay khinh miệt hay họ nghĩ bạn là người đáng khinh thường. Người ta vẫn có thể coi thường một ý tưởng hay tình huống nào đó dù vẫn có mối quan hệ tốt với bạn. Vì vậy, việc phát hiện ra nguồn cơn và giải quyết nó ngay là điều quan trọng, bởi nhờ thế bạn sẽ tăng cường mối quan hệ và hiểu thêm về đối tác.
Đặt tình huống là bạn và đồng nghiệp cùng nhận một dự án mới. Hai người cùng ngồi xuống bàn bạc về chi tiết. Hai bên dễ dàng đồng ý với nhau về một phương án phối hợp thực hiện nhiệm vụ và bắt đầu sắp xếp thời gian biểu. Khi bạn đề cập đến mục tiêu hoàn thành trong sáu tuần, bạn nhận ra có một biểu cảm vi mô khinh thường.
Cách phản ứng thông thường: Bỏ qua nó – bạn biết rằng như vậy là khắt khe về thời gian nhưng cả nhóm mọi người cùng tập trung làm mà, sẽ ổn thôi. Sáu tuần sau đó, bạn kinh ngạc khi đồng nghiệp của bạn cho biết anh ta bị chậm tiến độ ít nhất hai tuần. Và giờ thì bạn phải đi giải quyết chuyện đã rồi.
Sử dụng mẹo Giải mã: Lập tức bật chế độ tìm-kiếm-thông-tin và tìm hiểu xem chính xác là đồng nghiệp mình băn khoăn vấn đề gì. Đâu là mong muốn của anh ấy về thời điểm hoàn thành? Bạn sẽ có thể sắp xếp lại thế nào để giúp anh ấy (và cả bạn) hoàn thành dự án đúng thời hạn? Có thể là thay đổi lại thời gian biểu hoặc là điều chỉnh các tiêu chí công việc.
Phản hồi như thế nào:
• Tìm hiểu nguồn cơn – chính xác là cái gì tạo ra sự khinh thường này?
• Cân nhắc, đánh giá – làm sao để chỉ ra vấn đề này?
• Xây dựng quan hệ – bạn có thể đồng ý đến đâu?
HẠNH PHÚC
Biểu cảm hạnh phúc giả tạo (như hình) thể hiện những thông điệp xã hội hoàn toàn khác với biểu cảm hạnh phúc thật sự
Khi tôi nhìn thấy dấu hiệu hạnh phúc, tôi thấy muốn ăn mừng. Hạnh phúc là một trong những biểu cảm vui vẻ và đẹp đẽ nhất – vậy nên hãy thưởng thức nó, tận hưởng nó, ăn mừng nó! Đừng bỏ qua dấu hiệu hạnh phúc.
Đặt tình huống người bạn đời của bạn vừa có một ngày làm việc tuyệt vời. Anh ấy lướt vào nhà như một cơn gió trong lúc bạn đang nấu ăn. Anh huýt sáo trong khi thay đồ và xông vào bếp hét lên: “Em yêu, anh có tin rất tốt đây”. Chàng choàng tay ôm bạn từ phía sau và hỏi xem nhà có sâm-panh để ăn mừng hay không. Bạn quay lại và nhìn thấy anh ấy đang cười rạng rỡ.
Cách phản ứng thông thường: Bạn đã nấu món mì Ý, rau thì đang xào và có một chai vang vừa khui, do đó bạn đáp: “Không được, chúng ta sẽ không khui thêm sâm-panh. Em vừa mới mở nắp chai vang đỏ này”. Rồi “Anh yêu cẩn thận đấy, món mì này còn nóng lắm, em còn phải khuấy tiếp này”. Và khi làm chuẩn bị đồ ăn gần xong, bạn nói với anh: “Anh phụ em dọn bàn ăn nhé, rồi kể cho em nghe về tin tốt lành đó nào”. Bạn đời của bạn hơi cụt hứng, anh ấy vẫn sẽ kể tin đó nhưng không hào hứng bằng khi mới về nữa. Và hai người lại có một bữa tối bình thường.
Sử dụng mẹo Giải mã: Bạn hào hứng nói: “Sao, sao, sao? Kể cho em nghe ngay nào! Để em tắt bếp”. Anh ấy chia sẻ với bạn về thành công ở công ty trong khi bạn đậy nắp chai vang và lấy chai sâm-panh bỏ ngay vào tủ lạnh. “Chúng ta phải ăn mừng vụ này thôi”, bạn nói. Bữa tối phải chờ thêm một chút nhưng bạn sẽ có những khoảnh khắc tuyệt vời cùng anh ấy nâng ly mừng thành công.
Phản hồi như thế nào:
• Ăn mừng – cười cùng họ, tận hưởng khoảnh khắc.
• Nêu bật lên – hỏi thêm về chi tiết, cùng hòa vào niềm vui của họ.
• Thể hiện sự biết ơn – hãy nói với họ rằng bạn rất phấn khởi vì họ muốn chia sẻ niềm hạnh phúc đó cùng bạn.
SỢ HÃI
Khi tôi nhìn thấy sự sợ hãi, tôi nghĩ rằng hẳn là còn có gì đó nữa.
Đó là ngày sinh nhật mẹ bạn và bạn đã lên kế hoạch tụ tập cho cả gia đình. Đó sẽ là một bữa tiệc vui vẻ – mẹ bạn bước sang tuổi sáu mươi, bạn và các anh chị em tiết kiệm để mua cho mẹ một chiếc iPad để bà có thể xem các chương trình yêu thích của mình trong khi nấu ăn.
Sau bữa tối, mẹ bạn bắt đầu mở các món quà. Bà mở đến món quà của các bạn và nước mắt tuôn tràn khi đọc những lời chúc trên tấm thiệp. Sau khi xé lớp giấy gói quà, bà nhìn thấy chiếc iPad bọc da. Bà thoáng thể hiện biểu cảm vi mô sợ hãi trước khi bày tỏ rằng các con thật là hào phóng. Rồi bà hối hả đi cắt bánh cho mọi người.
Cách phản ứng thông thường: Vẫn giữ yên mọi chuyện. Bạn và các anh chị em đều rất tự hào về món quà của mình. Bạn nôn nóng chờ mẹ sử dụng nó. Vài tuần sau bà vẫn chưa lấy nó ra khỏi hộp. Sau đó vài tháng, bà lấy máy ra nhưng cũng không muốn làm gì khác ngoài chơi trò Scrabble mà bạn đã tải cho bà. Tại sao bạn lại mua cho mẹ món quà mà bà không muốn dùng?
Sử dụng mẹo Giải mã: Sau khi ăn bánh, bạn kéo mẹ ra chỗ riêng và hỏi xem liệu bà có hào hứng với chiếc iPad không. “Tất nhiên rồi!”, bà nói vậy nhưng bạn lại nhận thấy một thoáng sợ hãi nữa. Bạn đề nghị vài ngày nữa sẽ qua để hướng dẫn cho bà cách sử dụng iPad. Bà thở ra nhẹ nhõm.
Sau vài buổi học, bà đã biết cách dùng Netflix và e-mail. Bạn cũng đã đăng ký cho bà khóa học sử dụng iPad trên cửa hàng Apple Store. Khi trở về, bà có một loạt danh sách các ứng dụng thú vị mà theo bà thì bạn sẽ rất thích. Thành công rồi.
Phản hồi như thế nào:
• Nhận dạng ngay – đâu là mối đe dọa? Nguồn gốc bắt đầu từ đâu?
• Làm dịu – làm sao bạn có thể khiến nó an toàn hơn?
• Trấn an – bạn có thể bảo đảm, đánh giá lại hay loại bỏ mối đe dọa đó?
NGẠC NHIÊN
Khi tôi nhìn thấy sự ngạc nhiên, tôi mong là hai bên đang hiểu rõ nhau. Đôi khi, bạn chủ ý muốn đem đến sự ngạc nhiên bằng cách dùng mồi lửa cảm hứng trò chuyện hay đem đến một tin tốt lành. Còn ở những trường hợp khác, sự ngạc nhiên của họ khiến bạn ngạc nhiên.
Bạn đang dùng bữa trưa với một người bạn cũ. Đã rất lâu rồi hai người mới gặp gỡ nên bạn đã dành đến khoảng hai mươi phút đầu để cập nhật cho bạn cũ về tình hình cuộc sống của mình. Khi món điểm tâm được đưa lên cũng là lúc các bạn nhớ về kỷ niệm thời đại học.
“Cậu có tin được là Robby đã đính hôn không?”, bạn hỏi. Và người bạn của bạn thoáng lộ vẻ ngạc nhiên.
Phản ứng thông thường: Bạn cho rằng cô ấy biết, ai cũng biết chuyện này mà. Tất nhiên là Robby không kể chuyện này trên Facebook (anh ta không dùng Facebook vì lý do công việc). Nhưng bạn cho rằng đó là chuyện ai cũng biết. Vì vậy bạn tiếp tục lướt qua chủ đề đó. Vài ngày sau, bạn nghe mọi người đồn rằng chính bạn là người đã tiết lộ bí mật. Robby chờ đến khi kể cho bố mẹ nghe xong mới gửi thông báo cho tất cả mọi người, và chuyện bạn kể đã loan đi trước cả khi anh ta kịp chia sẻ tin vui. Chắc chắn là bạn sẽ không được mời đi đám cưới rồi đó.
Sử dụng mẹo Giải mã: Bạn nhận ra dấu hiệu ngạc nhiên và hỏi lại ngay: “Thế cậu không biết à?”. Cô bạn lắc đầu và bảo “Tôi không biết gì cả”. Bạn suy nghĩ thật nhanh và nói: “Tôi nghĩ rằng cậu ấy muốn tự mình kể với mọi người, nếu cậu có thể giữ kín chuyện này và đợi đến khi nghe cậu ấy thông báo chính thức thì tuyệt quá”. Khủng hoảng được giải quyết và cánh cửa đến bữa tiệc cưới vẫn rộng mở đón bạn.
Phản hồi như thế nào:
• Kiểm tra lại – Họ có biết giống như bạn không?
• Đánh giá – Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
• Giải quyết vấn đề – Làm sao để hai bên thống nhất?
THÙ GHÉT
Khi nhìn thấy dấu hiệu thù ghét, tôi xác định sẽ phải đi đến tận gốc rễ vấn đề. Người ta thường thoáng biểu lộ thù ghét khi họ đang tìm một cách lịch sự để nói rằng họ không thích điều gì đó. Khi chúng ta lo lắng rằng mình sẽ làm tổn thương người khác, chúng ta cố gắng giấu sự thù ghét vào trong. Tuy nhiên, nếu bạn muốn biết sự thật, bạn cần phải để cho người ta có thể tự do bày tỏ cảm nghĩ của mình.
Đặt tình huống bạn đang phỏng vấn nhân viên mới. Mọi chuyện ở buổi phỏng vấn đều tốt – anh ấy có một lý lịch hoàn hảo và thái độ tích cực. Khi bạn mô tả về đặc điểm công việc, ứng viên của bạn thoáng thể hiện sự thù ghét khi nghe đến chuyện công việc rất nặng về giấy tờ. Có rất nhiều thứ phải điền, sắp xếp thứ tự và photocopy vào cuối mỗi tuần.
Phản ứng thông thường: Mong chờ điều tốt nhất. Mọi thứ trông đều ổn và bạn thật sự tin rằng anh ấy sẽ làm tốt công việc này. Và bạn sốc khi hết tháng làm việc đầu tiên của anh ta, không có cái hóa đơn nào được gửi cho khách hàng. Vì sao? Có một nút nghẽn trong hệ thống văn thư. Anh ta đã bỏ qua các công việc giấy tờ hằng tuần và giờ thì chuyện thanh toán của công ty bị trễ.
Sử dụng mẹo Giải mã: Khi nhận ra dấu hiệu thù ghét, bạn hỏi ứng viên xem liệu anh ấy có làm nhiều việc giấy tờ trước kia không. “Ồ không”, anh ta đáp, “tôi giỏi đưa ý tưởng và lập chiến lược, nhưng không giỏi chuyện tổ chức”. Anh ta kể với bạn rằng ở công ty trước, anh có người trợ lý giúp cho những việc như vậy. Sau buổi phỏng vấn, bạn về báo cáo với sếp và xin đề xuất cấp ngân sách tuyển thêm thư ký cho anh ta. Anh ấy xứng đáng với chuyện này và bạn muốn tập trung vào sở trường của anh ấy và giải quyết sở đoản.
Sau khi anh ấy gia nhập công ty, hiệu suất công việc của cả văn phòng cải thiện rõ rệt và thậm chí còn tăng gấp đôi thành quả.
Phản hồi như thế nào:
• Trao quyền – hãy để họ tự do chia sẻ cảm nghĩ với bạn.
• Cởi mở – mọi người đều có quyền có quan điểm riêng.
• Giải quyết – làm sao để khắc phục chuyện không thích đó.
BUỒN BÃ
Khi tôi thấy sự buồn bã, tôi nghĩ đến việc đồng cảm.
Đặt tình huống bạn đang nói chuyện với nhà thi công về việc thiết kế lại phòng tắm. Nhà thi công này là do hàng xóm bạn giới thiệu cho bạn và bạn cũng rất thích các thành quả làm việc của anh ta. Bạn đã nói chuyện qua điện thoại nhưng hôm nay anh ta sẽ đến để đánh giá khối lượng công việc và đưa ra mức giá. Khi anh ta đến, bạn ra cửa bắt tay và chào hỏi: “Xin chào, hôm nay anh thế nào?”. Anh ta đáp “Tôi ổn” nhưng bạn để ý thấy biểu cảm vi mô buồn bã.
Phản ứng thông thường: Bạn cũng có việc phải làm. Bạn hy vọng và cầu mong rằng anh ta sẽ báo mức giá vừa túi tiền của bạn. Bạn mời nhà thi công uống nước và khảo sát phòng tắm. Sau vài phút, anh ta bảo rằng anh đã có đủ những gì mình cần. Bạn sốc – anh ta vào nhà chưa được mười phút và hầu như không đo đạc gì. Khi anh ta dọn đồ để rời đi, bạn hỏi mức giá dự kiến. Anh ta đưa ra một con số gấp đôi con số bạn mong muốn. Bạn không thể trả mức giá này. Có vẻ như bạn sẽ phải gắn bó với cái phòng tắm cũ một thời gian dài và lại phải đi tìm nhà thi công mới.
Sử dụng mẹo giải mã: Nhận ra dấu hiệu buồn bã, bạn hỏi lại: “Mọi chuyện ổn thật chứ?”. Anh ta thở dài đáp: “Cô biết đấy, hôm nay là một ngày dài”. Bạn đưa cho anh ta một ly nước và hỏi “Có chuyện gì không ổn hả anh?”. Anh ta kể với bạn rằng cha anh vừa phải nhập viện. Anh không thể chạy ngay đến bệnh viện để xem tình hình vì bận lịch hẹn với bạn. Bạn lập tức nói với anh ta là bạn có thể dời cuộc hẹn lại, anh cần phải đến bên cha ngay lập tức.
Ngày hôm sau anh ta gọi điện thoại cho bạn và nói rằng mọi chuyện đều ổn, chỉ là báo động giả mà thôi. Nhưng anh rất biết ơn với sự thông cảm của bạn. Chiều hôm đó anh ta ghé nhà với tâm trạng rất tốt và đưa cho bạn một mức giá tuyệt vời.
Phản hồi như thế nào:
• Thấu hiểu – đâu là lý do của nỗi buồn?
• Cảm thông – bạn sẽ giúp được gì?
• Khoảng cách – họ sẽ cần bao lâu để hồi phục?
Bước #3: Hiểu rõ các Ngoại lệ
Trong khi bảy biểu cảm vi mô trên là đúng với tất cả mọi người, vẫn có một vài ngoại lệ mà tôi muốn bạn ghi nhớ trước khi ngụp lặn trong thế giới phản ứng với các khuôn mặt.
NHƯỚNG MÀY
Hành động chỉ nhướng mày không thôi có thể giống như một phần của sự ngạc nhiên nhưng thực tế nó là dấu hiệu của sự hứng thú. Chúng ta nhướng mày như muốn nói “Ồ thật thế sao?”, hay “Thật hào hứng”. Dấu hiệu này là cách mẹo tuyệt vời để tăng cường hiệu quả của Sức mạnh nhân ba.
Bạn cũng nhướng mày như để nhấn mạnh về một điều quan trọng bạn đang nói. Ví dụ như các giáo viên thường nhướng mày khi đề cập đến những điểm quan trọng trong bài giảng. Đó là cách tiềm thức chúng ta làm để kêu gọi sự chú ý đến lời nói của mình. Và thông thường, những sinh viên chú ý lắng nghe cũng sẽ nhướng mày lại để cho thấy là họ cũng quan tâm đến điều đó.
Nhướng mày cho thấy:
• Tương tác
• Chú ý
• Tò mò
NHẤN MẠNH BẰNG GƯƠNG MẶT
Cũng như chúng ta thường dùng tay để minh họa cho lời nói, chúng ta còn dùng các biểu cảm nhanh trên mặt để nhấn mạnh về điều đang nói8. Ví dụ như ta cắn môi khi căng thẳng hay má đỏ bừng để thể hiện sự giận dữ. Theo cách này chúng ta có thể bổ sung biểu cảm hay chiều sâu vào cuộc đối thoại.
Nhấn mạnh bằng gương mặt là một phần thường có trong giao tiếp. Có đôi khi người ta dùng một trong bảy biểu cảm vi mô làm cách nhấn mạnh. Ví dụ như Simon Cowell, vị giám khảo lừng danh của chương trình American Idol, người thường xuyên hành hạ các thí sinh ra bã, rất hay dùng biểu cảm khinh thường như là cách nhấn mạnh bằng gương mặt. Không khó hiểu khi ông ấy bị coi là người hay chỉ trích. Nhưng với ông, khinh thường chỉ là một cách nhấn mạnh hơn phát biểu của mình, đó không hẳn là dấu hiệu của sự ngầm chế giễu.
Nếu bạn để ý thấy có ai đó thường xuyên dùng bảy biểu cảm vi mô cùng với lời nói của mình, đó có thể chỉ là cách nhấn mạnh bằng gương mặt của họ.
Các kiểu nhấn mạnh bằng gương mặt:
• Làm bật lên ý kiến
• Nhấn mạnh lời nói
• Có thể là một trong bảy biểu cảm vi mô
KÌM NÉN
Kìm nén là kết quả của việc cố gắng che giấu các biểu cảm vi mô, điều này tạo nên một loạt các đường nét lẫn lộn trên mặt.
Bạn đã bao giờ cố gắng kiềm chế một cái ngáp? Cơ thể bạn sẽ có một khoảnh khắc khó khăn trong việc dồn ép bản thân, vì thế bạn có một biểu hiện khá điên rồ, như là nhắm nghiền mắt, cố gắng ngậm miệng lại và các cơ gò má căng lên. Cảm giác và biểu hiện tương tự cũng sẽ xuất hiện khi ai đó cố gắng che giấu hay kiểm soát biểu cảm vi mô. Đó có thể là dấu hiệu của sự xấu hổ hay là lời nói dối được che đậy.
Nếu bạn để ý thấy ai đó có biểu hiện kìm nén, hãy đào sâu hơn để tìm ra căn nguyên của việc che giấu này.
Kìm nén có thể xuất hiện khi ai đó:
• Nói dối
• Xấu hổ với hành động của mình
• Che giấu cảm xúc thật
NGHỆ THUẬT CHỤP ẢNH SELFIE(*)
Ngày nay, chúng ta hiếm khi nào có cơ hội để tạo ra ấn tượng đầu tiên bằng cách gặp trực tiếp. Người phỏng vấn sẽ tìm trên mạng những thông tin về bạn trước khi cuộc phỏng vấn bắt đầu. Một khách hàng tiềm năng kết bạn với bạn trên trang LinkedIn sau khi biết được e-mail của bạn, hay thậm chí là bạn đã gặp gỡ một người trên ứng dụng hẹn hò trước khi buổi hẹn thật sự diễn ra. Câu hỏi đặt ra là: Vậy thì biểu cảm vi mô dạng số của bạn nói gì?
Chú thích:
(*) Selfie (tiếng Anh): tự chụp hình chính mình – ND.
Khi tạo ra ấn tượng đầu tiên ở đời thường, bạn có được vài giây xa xỉ – nhưng trên mạng thì sẽ không được như ý. Nhà nghiên cứu của Đại học Princeton, tiến sĩ Alexander Todorov tìm ra rằng chúng ta đưa ra đánh giá về một người chỉ trong vòng 100 phần triệu giây sau khi nhìn thấy ảnh của họ trên mạng9.
Tin tốt là bạn có thể kiểm soát được thông điệp mình muốn gửi đi trong ảnh. Dù là ảnh đại diện trên e-mail, trên trang mạng xã hội cá nhân hay là ảnh trong hồ sơ công việc, bạn có thể dùng bảy biểu cảm vi mô để gửi đi tín hiệu phù hợp.
Trong một thí nghiệm khác, tiến sĩ Todorov phát hiện rằng các tấm ảnh khác nhau của cùng một người sẽ tạo ra những ấn tượng đầu tiên khác nhau. Người tham dự khảo sát thay đổi ý kiến của họ về trí thông minh, sự tin cậy và sức hấp dẫn của của một người tùy theo việc họ nhìn tấm ảnh nào10.
Chúng tôi cũng làm một khảo sát nhỏ tại phòng thí nghiệm của mình. Người xem sẽ chấm điểm cho ảnh của những người xa lạ bằng các dấu sao. Chúng tôi để vào đó bốn trăm tấm ảnh của cả nam và nữ. Kết quả là chúng tôi thấy những tấm ảnh có điểm cao nhất có điểm chung và khác với những tấm ảnh có điểm thấp nhất. Về phương diện ảnh chứa biểu cảm vi mô, những ảnh với nụ cười giả tạo hay cười không hở miệng có điểm thấp nhất. Hãy bảo đảm để ảnh đại diện của bạn không vô tình thể hiện các biểu cảm vi mô tiêu cực. Một số lỗi chung là:
• Biểu hiện khinh thường trong khi cố gắng để trông có vẻ bình thường
• Giả bộ biểu hiện hạnh phúc thay vì cười thật
• Chụp bị chói nắng khiến cho trông có vẻ như là biểu cảm giận dữ
• Chớp mắt hay phản ứng với đèn flash khiến cho có vẻ như có biểu cảm sợ hãi
Hãy kiểm tra ngay các tấm ảnh đăng trên mạng của bạn để bảo đảm rằng bạn đang tạo ra một ấn tượng số đầu tiên thật chuẩn.
THỰC HÀNH BIỂU CẢM VI MÔ
Một cuốn sách chỉ có thể dạy cho bạn về biểu cảm vi mô đến đây là hết mức. Cách tốt nhất để luyện tập năng lực Giải mã là xem video. Bạn có thể chiếu chậm, dừng hay tăng tốc độ khi xem.
Chúng tôi có tạo ra một Bản hướng dẫn quan sát cho một số chương trình ti vi để bạn có thể tập nhận diện, giải mã và thực hành cách đọc gương mặt. Tất cả những gì bạn cần làm là xem từng tập của chương trình ti vi đó và kiểm tra xem mình có nhận diện được hết mọi dấu hiệu không. Đây là một thứ dễ gây nghiện đấy. Đây cũng là cách tốt nhất để dễ dàng nhìn thấy đủ loại biểu cảm trên gương mặt.
Chúng tôi đã chuẩn bị nó cho bạn tải về hoàn toàn miễn phí tại địa chỉ www.ScienceofPeople.com/toolbox. Chỉ cần tải Bản hướng dẫn quan sát (Watch Guide) về và thử xem bạn có nhận diện được mọi biểu cảm vi mô không nhé. Tôi cũng rất thường xuyên đăng trên Twitter về các biểu cảm vi mô mình thấy ở các chương trình, sự kiện nổi tiếng. Vì vậy, hãy nhớ theo dõi tài khoản @Vvanedwards của tôi nhé.
HÃY NGHE THEO BẢN NĂNG
Một lưu ý cuối cùng: Hãy nghe theo bản năng.
Cũng như việc chúng ta có sẵn tự nhiên việc thể hiện bảy biểu cảm vi mô, chúng ta cũng tự có sẵn cách đọc chúng. Mẹo này dạy cho bạn tên của những thứ bạn thật ra đã biết. Nếu bạn quên ý nghĩa của một biểu cảm vi mô hay không thể nhận ra một biểu cảm nào, hãy cố gắng bắt chước nó. Khi bạn bắt chước một biểu cảm, bạn sẽ cảm nhận được cái cảm xúc mà nó thể hiện. Điều này xuất phát từ một thứ gọi là giả thuyết về phản ứng của gương mặt11.
Giả thuyết này cho rằng gương mặt của chúng ta và các cảm xúc có mối tương quan chặt chẽ. Khi bạn có một cảm xúc, nó thể hiện trên mặt. Ở chiều ngược lại, khi bạn có một biểu hiện trên mặt, bạn cũng sẽ cảm nhận được cảm xúc tương ứng. Đây chính là một tuyệt chiêu – nếu bạn không thể cảm nhận được cảm xúc của một người, hãy bắt chước gương mặt của họ để có thể hiểu rõ hơn về trạng thái của họ.
THÁCH BẠN
1. Xé ra phần phụ lục về biểu cảm vi mô ở cuối cuốn sách này và mang theo bên mình để luyện tập thường xuyên.
2. Làm trắc nghiệm của Science of People về biểu cảm vi mô để kiểm tra năng lực của bạn
3. Xem các chương trình như Lie to Me, Survivor và The Bachelor để luyện tập cách nhận diện biểu cảm trên gương mặt. Chúng tôi có một danh mục chương trình và Bản hướng dẫn quan sát tại địa chỉ www.ScienceofPeople.com/ toolbox.
TÓM TẮT CHƯƠNG
Con người có bảy biểu cảm vi mô chung nhất trên toàn cầu. Một khi bạn biết cách đọc chúng, bạn sẽ có thể nhận ra những cảm xúc ẩn giấu. Mẹo #6 – Giải mã – là cách tuyệt hảo để đẩy nhanh việc tạo kết nối thông qua việc nắm bắt cảm xúc thật và hiểu được các nhu cầu tình cảm.
• Luôn luôn tìm kiếm các biểu cảm vi mô khi nói chuyện
• Đừng nhầm lẫn giữa nhướng mày hay nhấn mạnh bằng gương mặt với các biểu cảm vi mô
• Nếu bạn không nhận ra được một biểu cảm vi mô, hãy bắt chước khuôn mặt đó để xem thử mình có thể cảm nhận được cảm xúc gì
Điều hay nhất tôi rút ra được từ chương này là:
________________________________