Trong tất cả những chân lý đẹp đẽ được khôi phục và nhìn nhận ở thời đại này, không có chân lý nào khiến người ta mừng vui hoặc tràn đầy tự tin bằng việc biết rằng ta làm chủ suy nghĩ của mình, định hình tính cách của bản thân, cũng như tạo ra và thay đổi trạng thái, môi trường sống và chính số phận của mình.”
James Allen
Tim tôi đập liên hồi khi rẽ xe vào con đường ngoại ô rợp bóng cây dẫn tới câu lạc bộ golf tôi thường đến chơi, một trong những câu lạc bộ nổi tiếng danh giá nhất nước. Thẩm phán, thượng nghị sĩ, chuyên gia tài chính và các nhân vật danh tiếng đều có mặt trong danh sách hội viên nơi đây, và một danh sách chờ kéo dài đến tận mười năm sau đủ để đảm bảo vị trí danh giá này trong tương lai gần. Tôi cảm thấy thật may mắn khi có thể tham gia câu lạc bộ này. Giá mà tôi có thời gian để tận hưởng cơ sở vật chất ở đây thường xuyên hơn thì chắc hẳn tôi sẽ càng cảm thấy may mắn hơn nữa. Với những rắc rối mà GlobalView đang phải đối mặt, một trận golf thật chẳng khác gì chuyện tưởng tượng.
Khi đến gần nhà điều hành của câu lạc bộ - một tòa kiến trúc bằng gỗ khổng lồ có hàng cột sừng sững và nhìn ra quang cảnh đẹp đến ngỡ ngàng của khu sân golf được chăm chút cẩn thận với những vườn cây xanh mát bao quanh - tôi nhận ra Julian. Anh đang ngồi bên chiếc bàn dưới mái hiên, cây dù tỏa bóng che chắn cho anh khỏi ánh mặt trời của buổi chiều muộn. Có vẻ anh đang vừa nhâm nhi đồ uống vừa đọc sách. Bất chấp quy định khắt khe của câu lạc bộ về trang phục, anh vẫn khoác chiếc áo choàng màu đỏ sẫm của mình. Tôi chỉ có thể mỉm cười khi nhìn thấy cảnh đó. Julian luôn làm mọi việc theo cách riêng của mình. Và đây chính là điểm đáng mến của anh.
“Julian”, tôi cất tiếng gọi khi vừa ra khỏi xe và bước lên những bậc thang dẫn đến chỗ anh ngồi.
Nhìn thấy tôi, anh đứng dậy và đưa tay về phía tôi, “Cảm ơn anh đã đến, Peter. Tôi hứa là sẽ không để anh thất vọng đâu”.
Khi chúng tôi đã yên vị, tôi gọi một ly martini. Hôm nay lại là một ngày tồi tệ ở văn phòng, và tôi cảm thấy một ly rượu sẽ giúp tôi thoải mái một chút. Tôi đã phải chịu đựng nhiều áp lực suốt vài tháng nay, đến mức bất kỳ thứ gì có thể xoa dịu được thần kinh của mình tôi đều hoan nghênh cả.
“Anh đang đọc gì đấy?”, tôi hỏi khi liếc nhìn quyển sách bọc da trên tay Julian.
“Một cuốn sách về cuộc đời Gandhi.”
“Tôi không biết là anh có hứng thú với Gandhi đấy. Sự thật là tôi chưa bao giờ nhìn thấy anh mang theo quyển sách nào bên mình trong chừng ấy năm quen biết.”
“Tôi không còn là Julian Mantle bận-rộn-và-luôn-căng-thẳng mà anh từng biết nữa. Tôi đã thay đổi đến mức anh không thể tưởng tượng nổi. Một trong nhiều điều tôi học được trên dãy Hy Mã Lạp Sơn là với bộ đôi dũng khí và trí tuệ, mọi thứ đều khả thi. Vì vậy, tôi duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày. Việc đó giúp tôi kết nối với nguồn tri thức mà mình cần và tập trung vào con đường mình đang đi. Và khi biết được mình đang hướng đến điều gì, tôi được truyền cảm hứng để duy trì dũng khí tiến lên phía trước.”
“Nghe thú vị thật. Nhưng sao lại là Gandhi?”
“Trong thời gian được học với các nhà hiền triết, tôi đã nghiêm túc nghiên cứu nghệ thuật lãnh đạo. Khi nghe đến ‘nghệ thuật lãnh đạo’, đa số mọi người chỉ nghĩ đến khái niệm này trong bối cảnh kinh doanh. Người ta hình dung ngay đến giám đốc các công ty, những người truyền cảm hứng để nhân viên làm việc hiệu quả hơn và cống hiến hết mình vì tương lai tươi sáng của tổ chức. Nhưng các nhà hiền triết đã dạy tôi biết rằng nghệ thuật lãnh đạo là một khái niệm rộng lớn hơn rất nhiều. Nghệ thuật lãnh đạo thật sự là một triết lý sống. Không chỉ có các CEO hay các vị giám đốc, mà cả những nhà giáo tận tâm, các nhà khoa học tận tụy và những người mẹ tràn đầy tình yêu thương cũng có thể là những nhà lãnh đạo vĩ đại. Các huấn luyện viên sẽ lãnh đạo đội bóng, còn các chính trị gia sẽ lãnh đạo cộng đồng. Và tất cả khởi nguồn từ bên trong con người anh, khi anh có tinh thần tự giác kỷ luật để dẫn dắt và nhận biết bản thân. Để từ đó hiểu được rằng điều cốt lõi của cuộc đời anh nằm trong nghệ thuật lãnh đạo. Như Robert Louis Stevenson từng nói, ‘Mục đích duy nhất của cuộc đời là được là chính mình và được trở thành điều mà ta có khả năng trở thành’. Người khôn ngoan đích thực là người hướng đến nghệ thuật lãnh đạo không chỉ ở nơi công sở mà còn trong đời sống cá nhân. Vì thế, từ khi trở về từ Hy Mã Lạp Sơn, tôi đã bắt đầu nghiên cứu cuộc đời của Gandhi, nhân vật mà tôi tin là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất mà thế giới từng may mắn có được. Ông có trí tuệ để lãnh đạo nhân dân của mình hướng đến tương lai trong lý tưởng của ông, đồng thời ông cũng có lòng can đảm để dẫn dắt bản thân và sống với nhân cách cao đẹp. Gandhi là biểu tượng của sự lãnh đạo sáng suốt và hiệu quả.”
“Tôi hoàn toàn đồng ý.”
“Có một lần, khi Gandhi bước xuống tàu lửa thì một chiếc giày của ông tuột ra và rơi xuống đường ray. Vì đoàn tàu đã bắt đầu lăn bánh nên ông không thể lấy lại chiếc giày đó được. Và thế là ông đã làm một việc khiến tất cả mọi người sửng sốt.”
“Ông đã làm gì?”
“Ông cởi chiếc giày còn lại ra và ném nó về phía gần nơi chiếc giày đầu tiên đã rơi. Những người đi cùng ông thắc mắc về hành động kỳ lạ đó. Gandhi vừa đi chân trần vừa mỉm cười nhã nhặn và trả lời, ‘Nếu một người nghèo khổ nào đó nhặt được chiếc giày đầu tiên rơi trên đường ray, thì anh ta sẽ có thể tìm được chiếc giày còn lại và có được một đôi giày trọn vẹn để dùng’.”
“Ôi chao!”
“Gandhi cũng vô cùng khiêm tốn, một phẩm chất cần có của một nhà lãnh đạo vĩ đại.”
“Thật sao? Tôi chưa bao giờ nghĩ sự khiêm tốn lại quan trọng đến mức ấy.”
“Quan trọng chứ. Khiêm tốn là một đức tính vô cùng quan trọng”, Julian đáp khi nhẹ nhàng gọi người phục vụ vừa mới đi ngang qua và yêu cầu một tách trà thảo mộc. Chỉ trong vài phút, người phục vụ mang đến cho Julian một ấm trà cùng chiếc tách trà bằng sứ tinh xảo. Julian bắt đầu rót trà. Anh rót đến khi đầy tách, nhưng lạ là anh vẫn cứ tiếp tục rót đến khi nước trà tràn ra bàn và chảy xuống sàn. Vậy mà anh vẫn không ngừng lại.
Tôi hỏi với giọng đầy ngờ vực, “Julian, anh đang muốn chứng tỏ điều gì vậy?”.
Anh từ tốn đáp lại, “Một bài học thiết yếu về nghệ thuật lãnh đạo. Hầu hết các nhà lãnh đạo đều giống tách trà này”.
“Giống chỗ nào?”
“À, cũng giống tách trà này, họ bị quá tải. Họ đã đổ đầy tâm trí của mình với quá nhiều ý tưởng, suy nghĩ và định kiến, đến mức không có điều mới mẻ nào có thể chen vào đó được. Và đây là một nhược điểm chí mạng trong thế giới đang thay đổi từng ngày của chúng ta, nơi các nhà lãnh đạo phải liên tục cập nhật những kiến thức mới và trang bị cho mình những kỹ năng mới.”
“Vậy giải pháp là gì?”
“Giải pháp rất đơn giản. Họ phải đổ hết nước trà trong chiếc tách của mình ra. Họ phải có khả năng liên tục tiếp thu kiến thức mới. Họ cần luôn coi mình như những người học trọn đời, bất kể học hàm và chức vị mà họ in trên tấm danh thiếp sang trọng của mình. Họ phải có được thứ mà các nhà hiền triết phương Đông gọi là ‘tâm trí của người học việc’, một thái độ mà bất kỳ nhà lãnh đạo thành công nào cũng phải có được. Họ phải biết khiêm tốn. Đó là lý do tôi nói khiêm tốn là một nguyên tắc cơ bản trong nghệ thuật lãnh đạo. Và cũng chính vì thế mà tôi ngưỡng mộ Gandhi.”
Julian tiếp tục nói, hoàn toàn phớt lờ cái nhìn chằm chằm của những người xung quanh, những hội viên đang ngồi nghỉ dưới hàng hiên sau khi đánh xong một ván golf.
“Nhà hiền triết mà tôi kể với anh hôm qua, người mà tôi đã gặp khi đang leo lên đỉnh núi, hóa ra chính là người đứng đầu các Đại hiền triết của Sivana. Sau khi tôi đồng ý điều kiện của ông và hứa truyền bá phương thức lãnh đạo mà tôi học được đến với phương Tây, ông tự giới thiệu mình là Yogi Raman và dẫn tôi đi qua một loạt con đường ngoằn ngoèo trên núi để cuối cùng đến một thung lũng xanh mướt. Một bên thung lũng là đỉnh Hy Mã Lạp Sơn tuyết phủ, sừng sững vươn cao trên nền trời xanh. Các mặt còn lại thì được rừng thông bao phủ dày đặc, hương thông thoang thoảng khắp nơi trong thung lũng. Yogi Raman mỉm cười với tôi và nói, ‘Chào mừng đến với cõi Niết Bàn Sivana’. Sau đó chúng tôi men theo một lối mòn nhỏ dẫn sâu vào trong rừng. Tôi vẫn còn nhớ mình đã có ấn tượng mạnh với hương gỗ thông và mùi đàn hương thoảng trong không khí của nơi đó, một thế giới hoàn toàn khác. Trên mặt đất là một thảm thực vật phong phú với đủ loại hoa lan màu sắc sặc sỡ, cùng với nhiều loại kỳ hoa dị thảo khác mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Đột nhiên, tôi nghe thấy nhiều giọng nói khác khi chúng tôi đến gần một khoảng rừng thưa. Tiến đến gần hơn, tôi trông thấy một cảnh tượng mà tôi dám chắc là cả cuộc đời này tôi cũng không thể nào quên.”
“Anh đã nhìn thấy gì?”
“Trước mắt tôi là một ngôi làng được dựng bằng vô số cây hoa hồng. Ngay giữa làng là ngôi đền nhỏ, tương tự như những ngôi đền tôi đã từng nhìn thấy ở Thái Lan và Nepal. Nhưng ngôi đền này được tạo nên từ những bông hoa màu hồng, đỏ và trắng, kết lại với nhau bằng các cành cây và các sợi dây đủ màu. Xung quanh đền thờ là các túp lều nhỏ, hẳn nhiên chúng chính là nơi ở đơn sơ của các vị tu sĩ.”
Julian tiếp tục, “Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là các cư dân ở đây. Những người đàn ông đều mặc áo choàng đỏ giống như Yogi Raman, và họ mỉm cười từ tốn khi đi ngang qua tôi. Họ toát lên sự thanh thản, và đôi mắt của họ biểu thị một trí tuệ sâu sắc. Thay vì cảm thấy bối rối hoặc lo lắng trước sự xuất hiện của vị khách không mời, người phá vỡ sự thiêng liêng của thánh địa ẩn sâu trong núi này, họ chỉ lặng lẽ cúi đầu chào rồi tiếp tục công việc của mình. Những người phụ nữ cũng gây ấn tượng không kém. Họ mặc bộ sari lụa hồng dài chấm đất, tô điểm mái tóc dài đen mượt bằng những đóa sen trắng và đi lại uyển chuyển trong ngôi làng. Tôi chưa từng gặp bất kỳ người nào giống họ. Mặc dù tất cả đều là người trưởng thành, nhưng mỗi người trong số họ đều tỏa ra vẻ hân hoan và sức sống mãnh liệt. Không gương mặt nào có nếp nhăn. Không mái tóc nào có sợi bạc. Và không ai trong số họ có vẻ già nua. Tôi đã sửng sốt tới mức không thốt nên lời”.
Julian kể rằng sau đó, Yogi Raman đã dẫn anh đến một túp lều nhỏ, nơi anh sẽ trú ngụ trong vài tháng sau đó.
“Mình đi ra sân golf thôi”, Julian vừa nói vừa đứng dậy. “Tôi sẽ kể tiếp cho anh nghe trên đường đi. Và hãy mang theo mấy cây gậy đánh golf này nữa”, anh nói trong lúc tiến đến một bộ đồ nghề đánh golf cũ mà ai đó bỏ quên ở hành lang.
“Anh định chơi golf trong bộ dạng này thật à?”, tôi hỏi.
“Không, có chuyện quan trọng hơn mà tôi muốn chỉ cho anh thấy”, Julian đáp.
Trên đường ra sân golf, Julian tiếp tục kể câu chuyện kỳ thú của mình. Nhận thấy khao khát cháy bỏng của Julian đối với việc học hỏi nghệ thuật lãnh đạo khôn ngoan từ các bậc hiền triết, Yogi Raman đã nhận anh làm học trò. Ông dành toàn bộ thời gian trong ngày cho cậu học trò ham học hỏi này của mình, vui vẻ chia sẻ nguồn tri thức mà ông đã tích lũy cả đời và hướng dẫn Julian cách vận dụng nó. Có những ngày họ thức giấc cùng lúc với mặt trời và say sưa thảo luận về những chân lý mà Raman đã truyền thụ; khi đó, đầu óc nhanh nhạy của một luật sư như Julian hào hứng đón nhận nguồn tri thức mà anh biết sẽ thay đổi cuộc đời anh và nhiều cuộc đời khác nữa. Cũng có những ngày, hai thầy trò lặng yên dạo bước trong rừng thông, vừa đón nhận và trân trọng món quà là sự hiện diện của nhau vừa tận hưởng cơ hội được suy ngẫm về những triết lý mà họ đã thảo luận.
Dần dần, Yogi Raman trở nên giống một người cha hơn là một người thầy của Julian. Ông dạy Julian nhìn nhận cuộc đời theo một góc nhìn mới hoàn toàn và giúp Julian khai phóng toàn bộ tiềm lực của bản thân. Biết Julian từng cận kề cái chết sau nhiều năm lơ là sức khỏe, Raman chủ động tập trung vào việc dạy cho Julian một phương pháp tự kiểm soát và cải thiện bản thân, thứ sẽ thay đổi cách anh nhìn nhận và cảm nhận chính mình.
Nhà hiền triết này đã nói với Julian rằng “khả năng lãnh đạo bản thân là tiền đề của khả năng lãnh đạo người khác”, và trước khi hiểu được nghệ thuật lãnh đạo người khác, anh phải biết cách lãnh đạo chính mình. Vì vậy, Yogi Raman đã dạy Julian các kỹ năng hiếm người biết về cách ứng phó với sự căng thẳng, xóa bỏ thói quen lo lắng và tinh giản cuộc đời mình. Ông chỉ anh cách nâng cao năng lượng, khơi thông năng lực sáng tạo và giải phóng sinh lực. Trong vòng vài tuần, Julian đã trải qua những thay đổi rõ rệt về cả ngoại hình lẫn nội tâm. Trông anh trẻ ra hàng chục tuổi, khỏe mạnh và tràn đầy niềm tin vào tương lai hơn bao giờ hết. Anh thật sự bắt đầu tin mình có thể làm được bất kỳ việc gì, trở thành bất kỳ ai và thay đổi thế giới bằng cách truyền bá tri thức vô giá mà anh được tiếp thu. Những bài học cổ xưa của các Đại hiền triết Sivana đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Khi Julian đã lấy lại phong độ đỉnh cao về thể chất lẫn tinh thần, Yogi Raman bắt đầu chia sẻ phương thức lãnh đạo mà Julian đã cam kết là có thể cải tổ GlobalView và giúp nó đạt được thành tựu cũng như tính hiệu quả ở tầm cỡ thế giới.
“Nhà lãnh đạo thông thái của Sivana tin rằng mọi sự thất bại trong đời sống cá nhân cũng như trong kinh doanh đều xuất phát từ sự thất bại trong việc lãnh đạo. Các tổ chức sẽ không thể phát huy hết tiềm năng khi có những nhà lãnh đạo thiếu kỹ năng và kém khôn ngoan. Mọi người sẽ không thể phát huy hết năng lực bản thân khi không có khả năng định hướng cuộc đời mình. Ông nói với tôi rằng mặc dù sống cách biệt với thế giới của chúng ta, nhưng ông vẫn biết ở đó có tồn tại thứ mà ông gọi là ‘sự khủng hoảng phương hướng’. Và ông có giải pháp để giải quyết vấn đề này.”
Julian nhớ lại một buổi chiều khi anh và Yogi Raman nghỉ chân trên thảo nguyên sau một hành trình đi bộ khám phá vùng đất kỳ lạ đó, Raman đã nói với anh, “Ta đã dành cả cuộc đời để suy ngẫm về những yếu tố có thể giúp nâng cao khả năng lãnh đạo. Ta đã mất nhiều năm để tìm hiểu điều gì tạo nên những nhà lãnh đạo vĩ đại. Là một người tu hành, ta đã tuyên thệ chỉ phụng sự cho sự thật. Ta cống hiến cuộc đời mình để tìm kiếm nghệ thuật lãnh đạo đích thực. Dần dần, ta hiểu được rằng những nhà lãnh đạo có sức ảnh hưởng nhất và được tôn trọng nhất chính là những người biết vận dụng một số nguyên tắc cổ xưa. Ta đã đưa những nguyên tắc này vào một hệ thống phương thức lãnh đạo hiệu quả, một cẩm nang sẽ giúp cho bất kỳ nhà lãnh đạo nào phát huy hết tiềm năng của bản thân trong công việc và trong đời sống cá nhân. Giờ đây ta sẽ chia sẻ với anh những gì mình đã học được”.
“Vậy Yogi Raman đã nói gì với anh?”, tôi hỏi với vẻ quan tâm khi chúng tôi vừa đến sân golf.
“Ông ấy nói rằng những nhà lãnh đạo thông thái nhất, năng động nhất và hiệu quả nhất đều sở hữu một năng lực mà những nhà lãnh đạo khác không có.”
“Đó là năng lực gì?”
“Tôi cho rằng sẽ tốt hơn nếu tôi thị phạm điều đó”, Julian nói và rút ra một cây gậy đánh golf từ chiếc túi da tôi đang đeo.
“Đừng nói với tôi là anh vẫn chơi golf trong thời gian học tập với các nhà hiền triết nha!”
“Đúng là vậy mà. Tôi vẫn chơi golf mỗi ngày. Điều đó rất có tác dụng chữa lành và góp phần to lớn vào sự hồi phục của tôi.”
Tôi nói với vẻ hồ nghi, “Thật à? Tôi đoán những vị tu sĩ huyền bí kia cũng xây dựng một khu sân golf đẳng cấp thế giới ngay giữa vùng núi hẻo lánh kia, để họ có thể chơi vài trận golf và phá vỡ cuộc sống nhàm chán nơi đó? Và chắc là họ ngồi trên những chiếc xe làm bằng tre để di chuyển từ lỗ golf này sang lỗ golf khác, đúng không?”.
“Hài hước đấy”, Julian bình thản đáp lại lời chế giễu của tôi. Nhưng làm sao trách tôi được? Câu chuyện của anh đi từ kỳ lạ đến hoang đường. Anh nói tiếp, “Nhưng không đâu, Peter, tôi chơi golf trong tâm trí thôi”.
“Tôi chưa từng nghe nói về loại hình chơi golf này.”
“Vài năm trước, tôi đọc được một bài báo viết về một cựu binh Việt Nam, người này đã sống sót qua những tháng ngày biệt giam bằng cách chơi cờ trong tưởng tượng. Việc làm này không những giúp ông ấy giết thời gian, mà còn giúp kỹ năng đánh cờ của ông tiến bộ một cách đáng kể. Đến lúc mãn hạn tù và có cơ hội tham gia một trận đấu cờ ‘người thật việc thật’, kỹ năng đánh cờ của ông đã lên đến mức thượng thừa.”
“Tuyệt thật đấy!”
“Tôi cũng có cảm giác giống vậy khi đọc câu chuyện đó. Vì vậy, trong những lúc chỉ có một mình ở Sivana, tôi bắt đầu nhớ lại mình đã đam mê đánh golf như thế nào hồi còn trẻ, rồi tôi quyết định noi gương người cựu binh đó và tập chơi golf trong tưởng tượng. Tôi từng rất thích môn đó, và tôi nghĩ rằng nó giúp ích rất nhiều cho quá trình hồi phục của tôi.”
“Vậy nó có giúp kỹ năng đánh golf của anh tăng lên không?”
“Tôi cũng không biết nữa. Đây là lần đầu tiên tôi quay lại sân golf sau ngần ấy năm. Thật ra thì tôi nghĩ lần cuối tôi chơi golf là lần chơi với anh đấy. Nhưng tôi đã đánh hàng ngàn trận golf trong tưởng tượng, nên tôi không hề cảm thấy mình lụt nghề đâu. Được rồi, hãy quan sát kỹ nhé. Có thể anh sẽ ngạc nhiên vì những gì mình sắp thấy đấy.”
Sau đó Julian cho tay vào áo choàng và lấy ra quả bóng golf mạ vàng mà tôi đã trả lại cho anh.
“Không phải anh định sử dụng quả bóng này đấy chứ? Anh có biết nó trị giá bao nhiêu không đấy, Julian?”, tôi hỏi, hơi khó chịu khi thấy anh bạn của mình có ý định sử dụng món quà sinh nhật đặc biệt tôi tặng cho màn trình diễn này.
“Hãy quan sát kỹ nhé” là lời đáp duy nhất tôi nhận được khi Julian tập trung cao độ vào lỗ golf ở phía bên kia sân, mục tiêu sau cùng của anh. Rồi với sự nhẹ nhàng và điệu nghệ của một vận động viên nhà nghề dày dạn kinh nghiệm, anh vung gậy, phát bóng một cách hoàn hảo và đưa quả bóng bay vút lên không trung. Tôi chưa bao giờ thấy Julian phát bóng chuyên nghiệp như vậy. Tuy nhiên, dù cú đánh rất đẹp nhưng có vẻ quả bóng sẽ không rơi vào lỗ. Tôi nhìn về phía anh và thể hiện biểu cảm “đánh khá đấy”.
Nhưng rồi một điều khó tin đã xảy ra. Quả bóng dường như tăng tốc trên không trung, như thể nó đã được một cơn gió mạnh giúp sức vậy. Giờ đây quả bóng hướng thẳng tới đích đến đã định. Hai nhân viên trông sân, những người đã chứng kiến màn trình diễn này từ đầu, đã nhanh chóng cởi mũ ra để có thể nhìn thấy vị trí quả bóng rơi xuống. Ngay cả vài tay golf đang thư giãn dưới mái hiên cũng nhoài người qua lan can để quan sát.
Sau đó, quả bóng rơi xuống bãi cỏ ngay cạnh lỗ golf đầu tiên, và nó bắt đầu lăn, rất chậm nhưng hướng thẳng về phía lỗ golf đó. Lâu rồi không có ai đánh trúng lỗ đầu tiên chỉ với một cú phát bóng, nhưng có lẽ anh bạn đang mặc bộ trang phục truyền thống của tu sĩ và chân chỉ mang đôi xăng-đan quen thuộc này của tôi sẽ là người đầu tiên phá vỡ “kỷ lục” này. Quả bóng vẫn từ từ lăn về phía lỗ golf. Nhưng sau đó, có vẻ như nó dừng lại.
“Ôi Julian”, tôi nói với giọng tiếc nuối. “Quá gần mà cũng lại quá xa!”
“Cứ đợi xem, Peter. Một trong những bài học về thuật lãnh đạo mà tôi được dạy là trước khi một người giành được chiến thắng vẻ vang, anh ta thường phải vượt qua một trở ngại nào đó. Điều quan trọng là hãy duy trì sự tập trung và giữ vững lòng tin.”
Ngay khi mọi người đều nghĩ quả bóng đã dừng lại, thì nó lại tiếp tục lăn nốt vài xăng-ti-mét còn lại và lọt vào lỗ golf.
“Hoan hô!”, một trong hai nhân viên trông sân hét toáng lên hết cỡ vì quá phấn khích trước những gì vừa diễn ra. Julian giơ hai nắm tay lên cao và bắt đầu nhún nhảy. Rõ ràng anh rất hào hứng vì thành tích vừa đạt được.
Tôi chỉ cười và lắc lắc đầu, “Ôi Julian, anh chưa bao giờ khiến tôi hết ngạc nhiên! Chúc mừng!”.
Sau khi lấy lại bình tĩnh, tôi hỏi Julian xem anh đã làm điều đó bằng cách nào. “Thật sự là anh định đánh vào lỗ chỉ với một cú phát bóng hả?”
“Đúng vậy. Nhưng thú thật là tôi không dám chắc 100% thành công. Tôi đã luyện tập cú đánh này trong tưởng tượng cả ngàn lần khi còn ở trên dãy Hy Mã Lạp Sơn. Nó đã trở thành trò chơi thường xuyên của tôi, để luyện trí tưởng tượng đấy, và tôi cũng thấy vui nữa. Tôi phải thừa nhận là ngay cả tôi cũng hơi ngạc nhiên khi thấy việc tập luyện trong tưởng tượng của mình lại mang đến kết quả xuất sắc như vậy. Nhưng kết quả này là minh chứng cho một điều rất quan trọng mà tôi muốn chỉ cho anh thấy”, Julian nói với vẻ bí ẩn.
“Nó có liên quan tới mảnh ghép anh đưa cho tôi hôm qua không?”
“Có đấy. Peter, hãy trả lời câu hỏi này nhé. Theo anh, điều gì giúp tôi đánh bóng vào lỗ trong lần đầu tiên tôi quay lại sân golf sau rất nhiều năm?”
“À, tôi nghĩ anh đã giải thích rồi mà, Julian. Đó là nhờ những lần tập luyện trong tưởng tượng của anh hồi anh ở trên dãy Hy Mã Lạp Sơn. Anh đã luyện tập nhiều lần đến mức hẳn là anh đã tạo ra một thứ tương tự như bản vẽ thiết kế ngay trong đầu mình. Rồi hôm nay anh đến đây và biến bản vẽ đó thành hiện thực, bất chấp mọi khó khăn.”
“Rất tuyệt, Peter. Anh luôn luôn nắm bắt vấn đề rất nhanh và hoàn toàn hiểu rõ quá trình tập luyện của tôi. Rất ấn tượng đấy!”
“Anh biết tôi rất thích đánh golf mà, và tôi luôn tìm cách nâng cao kỹ thuật đánh golf của mình. Vì thế suốt mấy tháng qua, tôi đã đọc rất nhiều sách viết về cuộc đời và bài học kinh nghiệm của các vận động viên golf nổi tiếng thế giới. Tất cả đều nhắc đến một điểm chung, đó là ‘golf là một trò chơi của trí não’. Ví dụ, Jack Nicklaus từng kể rằng sau khi đi một vòng quanh sân golf, ông sẽ hình dung hàng trăm lần những cú đánh mà ông muốn thực hiện ở đó. Đây chính là bí quyết giúp ông chiến thắng. Vì thế khi anh nói anh cũng làm điều tương tự, tôi cũng không quá ngạc nhiên.”
“Và những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất trên thương trường cũng làm điều tương tự”, Julian khẳng định.
Tôi bật cười, “Tất cả họ đều chơi trò đánh golf tưởng tượng hả?”.
“Không, Peter. Họ đều hình dung rõ ràng con đường tương lai của mình, ngay trong thời điểm hiện tại. Họ tạo nên một bản thiết kế vô cùng chi tiết hoặc phác họa tỉ mỉ hình ảnh công ty của mình trong những năm sắp tới. Họ biết chính xác bản chất của sự thành công mà họ và nhân viên của họ đang nỗ lực theo đuổi. Mỗi bước đi của họ đều được sắp đặt để đưa họ đến gần hơn với tương lai đầy sống động trong trí tưởng tượng của mình. Nói cách khác, họ có một tầm nhìn có thể truyền cảm hứng cho họ gặt hái được thành công. Đây chính là bí quyết tối thượng của những nhà lãnh đạo xuất chúng đấy, anh bạn của tôi.”
Tôi nghi ngờ, “Có vẻ đơn giản quá. Vậy chỉ cần hình dung rõ ràng tương lai của công ty thì tôi sẽ trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại hả?”.
“Tôi không có ý nói là nó đơn giản. Các nhà lãnh đạo khôn ngoan và tài giỏi còn theo đuổi nhiều phương thức và triết lý lãnh đạo khác nữa. Yogi Raman đã truyền dạy tất cả những điều đó cho tôi, và anh cứ yên tâm là tôi sẽ chia sẻ hết với anh. Nhưng bây giờ thì anh chỉ cần nhớ là những tổ chức lớn mạnh đều bắt đầu với những nhà lãnh đạo vĩ đại, và mọi nhà lãnh đạo vĩ đại đều có những ước mơ táo bạo. Nhà lãnh đạo giỏi là những người có khả năng phác họa rõ ràng hình ảnh của công ty trong tương lai, rồi kết nối hình ảnh đó với các hoạt động của các nhân viên mà họ đang dẫn dắt. Theo cách này, mọi hành động đều hướng tới một mục tiêu: đưa tổ chức của mình đến gần với kết quả mà người lãnh đạo đã đề ra. Giống như Woodrow Wilson từng nói, ‘Bạn sinh ra không phải chỉ để tồn tại. Sự hiện diện của bạn là để giúp thế giới trở nên đủ đầy hơn, mang đến một viễn cảnh to lớn hơn, với một tâm hồn tốt đẹp tràn đầy hy vọng và thành tựu. Bạn hiện diện là để giúp thế giới trở nên giàu đẹp hơn, và bạn đang tự hủy hoại mình nếu quên mất mục đích này’.”
“Nói rất hay.”
“Và hãy nhớ, một khi anh dốc lòng dốc sức cho tầm nhìn mà mình theo đuổi, thành công sẽ bắt đầu tìm đến anh. Suy cho cùng, anh không thể theo đuổi thành công, mà thành công là kết quả theo sau một quá trình. Thành công sẽ tự đến như một phần thưởng của những nỗ lực hiệu quả và tập trung hướng đến một mục tiêu giá trị.”
Tôi lại thắc mắc, “Yogi Raman, tu sĩ sống trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn, đã dạy anh những điều này thật à?”.
“Yogi Raman đã dành nhiều năm để nghiên cứu những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật lãnh đạo, bằng cách nghiên cứu về cuộc đời của những lãnh tụ kiệt xuất trong lịch sử. Ông đã truyền cho tôi một phương thức vô giá mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng có thể áp dụng để truyền cảm hứng và nhiệt huyết cho đội ngũ của mình, đưa công ty lên đến một tầm cao mà trước đây họ chưa bao giờ tưởng tượng nổi. Có thể ông không hiểu hết sự phức tạp của thương trường ở phương Tây, nhưng ông cũng chẳng cần biết làm gì. Bí quyết mà ông chia sẻ với tôi được đúc kết từ những chân lý lãnh đạo cổ xưa đã tồn tại hàng ngàn năm nay. Những chân lý này có thể được coi là những quy luật bất biến, bởi cũng giống như quy luật của tự nhiên, chúng đã chứng minh được tính trường tồn qua thời gian và chúng sẽ tiếp tục trường tồn. Mặc dù thương trường đang chìm ngập trong những biến động, nhưng những chân lý về thuật lãnh đạo này vẫn sẽ luôn bất biến.”
“Vậy người lãnh đạo xuất sắc là người có tầm nhìn. Họ tạo ra một mối liên kết rõ ràng với tương lai bằng cách hình dung thật chi tiết về kết quả sau cùng. Điều này khá giống với những gì Henry Kissinger từng trả lời trong một bài phỏng vấn vài năm trước, ‘Nhiệm vụ của nhà lãnh đạo là dẫn dắt những người dưới quyền mình đi từ vị trí hiện tại đến một vị trí mà họ chưa từng đặt chân đến trước đó’. Tóm tắt như vậy có chính xác không, Julian?”
“Hoàn toàn chính xác, Peter. Có vẻ như anh nắm được bản chất của vấn đề rồi đấy, thật ra là nắm bắt hoàn hảo luôn. Nhưng dù sao thì tôi cũng sẽ lấy thêm một ví dụ nữa. Anh còn nhớ vị bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng mà trước đây vẫn hay chơi golf với chúng ta không?”
“Nhớ chứ. Tôi rất quý anh ấy, một người vô cùng hài hước.”
“Đúng vậy, anh ấy thường tổ chức bữa tiệc tối và khiêu vũ thường niên cho toàn bộ các bác sĩ nhãn khoa trong thành phố. Anh có còn nhớ anh ấy đặt tên cho bữa tiệc đó là gì không?”
Tôi phá lên cười, “Làm sao mà quên được! Anh ấy gọi nó là Vũ Hội Nhãn Cầu”.
“Tôi còn nhớ vào một buổi chiều nọ, chúng tôi vừa xong một ván golf và anh ấy đang kể cho tôi nghe về một bệnh nhân nhỏ tuổi bị mắc chứng suy giảm thị lực. Một bác sĩ khác đã băng nhầm bên mắt khỏe mạnh của cậu bé, thay vì phải băng bên mắt có thị lực yếu. Sau khi tháo băng, mọi người ngỡ ngàng và đau buồn khi phát hiện bên mắt khỏe mạnh của cậu bé đã hoàn toàn mất thị lực. Miếng băng gạc đã cản trở sự phát triển tầm nhìn của cậu bé và khiến cậu bị mù. Y học gọi hiện tượng này là hội chứng suy giảm thị lực.”
“Thật đáng tiếc.”
“Peter, tôi không bao giờ quên được câu chuyện đó. Tôi nghĩ nó cũng được áp dụng vào bài học về nghệ thuật lãnh đạo mà tôi đang chia sẻ với anh. Trong giới kinh doanh ngày nay, có quá nhiều nhà lãnh đạo trở thành những tạo vật chỉ biết phụ thuộc vào thói quen. Mỗi ngày, họ làm cùng những công việc đó, theo những cách thức như nhau và cùng với những con người như nhau. Hiếm khi họ có những ý tưởng mới, đưa ra những suy nghĩ đột phá hay chấp nhận những rủi ro đã được cân nhắc kỹ. Thay vào đó, họ bó buộc sự lãnh đạo của mình trong vùng thoải mái và từ chối bước ra. Những nhà lãnh đạo như vậy sẽ dần dần mắc chứng suy giảm thị lực của riêng họ.”
“Sao lại như vậy được?”
“Việc lặp đi lặp lại những hành động quen thuộc mỗi ngày cũng chẳng khác nào việc họ đang tự bịt bên mắt khỏe mạnh của mình. Họ bắt đầu không có khả năng nhìn thấy vô số cơ hội mới xuất hiện trong những thời kỳ biến động. Và cuối cùng, do không sử dụng thị lực vốn có của mình, họ đánh mất nó và trở nên mù lòa. Đừng bao giờ để điều đó xảy ra với anh, bạn của tôi. Hãy tháo bỏ những miếng băng bịt mắt và bắt đầu tìm kiếm những cơ hội mới. Cách hữu hiệu nhất để thành công trong tương lai là hãy tạo ra nó. Như Helen Keller từng nói, ‘Tôi thà bị mù còn hơn là sáng mắt mà không có tầm nhìn’.”
Julian tiếp tục, “Bây giờ, khi anh đã hiểu những nhà lãnh đạo sáng suốt và hiệu quả nhất là những ‘nhà lãnh đạo có tầm nhìn’, nhiệm vụ của tôi sẽ là trang bị cho anh các kỹ năng và công cụ để trở thành một nhà lãnh đạo như vậy. Và đây là lúc phương thức lãnh đạo của Yogi Raman phát huy tác dụng”.
“Trước hết, tôi có thể hỏi nhanh một câu không?”
“Chắc chắn rồi”, Julian đáp khi chúng tôi đang quay lại nhà điều hành câu lạc bộ.
“Tôi thật sự muốn học hỏi những gì anh chia sẻ. Anh biết GlobalView đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng rồi đấy. Những lập trình viên giỏi nhất của tôi đang bỏ đi, nhuệ khí công ty đang giảm sút, không ai còn tin tưởng vào ban lãnh đạo, và tinh thần đồng đội chỉ còn trong dĩ vãng. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin đòi hỏi sự đổi mới không ngừng này, chúng tôi đang mất đi ngọn lửa sáng tạo của mình. Và tất cả những thay đổi mà chúng tôi buộc phải ứng phó đang khiến nhân viên của tôi tê liệt. Công nghệ đang thay đổi, ngành công nghệ thông tin đang thay đổi, và kỳ vọng của khách hàng cũng đang thay đổi. Trong khi đó, tôi vẫn chưa tìm ra được hướng đi cho công ty trong thời gian tới.”
Tôi tiếp tục bộc bạch nỗi thất vọng của mình. “Điều tôi đang muốn nói với anh là, tôi biết mình cần cải thiện năng lực lãnh đạo của bản thân. Tại Digitech, tôi được thăng cấp liên tục. Mặc dù đã tham dự một vài khóa học phát triển kỹ năng lãnh đạo ở nhiều nơi, nhưng suốt những năm đó, không ai thật sự chỉ cho tôi cách để lãnh đạo người khác. Không ai hướng dẫn tôi cách khích lệ tinh thần nhân viên, hay làm sao để giao tiếp hiệu quả hơn. Không ai giải thích cho tôi cách nâng cao hiệu suất công việc mà vẫn củng cố sự tận tụy của nhân viên. Tôi thậm chí còn không được học những nguyên tắc cơ bản để quản lý thời gian của bản thân và hoàn thành công việc.
Và giờ đây, khi tôi điều hành công ty của riêng mình thì tình hình còn trở nên tồi tệ hơn. Tôi lúc nào cũng cảm thấy mình có quá nhiều việc nhưng lại có quá ít thời gian. Mọi người trông đợi tôi có thể đưa ra giải pháp cho tất cả các vấn đề của họ. Tôi thường xuyên bị căng thẳng và trút nỗi bực dọc của mình lên cấp dưới, mà điều đó chỉ khiến cho mọi việc tệ hơn. Cân bằng giữa công việc với cuộc sống cá nhân dường như là điều không tưởng đối với tôi. Tôi thường tự nhủ, ‘Sang năm mình sẽ lấy lại phong độ hoặc bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho gia đình’, nhưng mọi thứ chẳng bao giờ chậm lại. Vì thế, nếu anh không phiền, tôi sẽ tận dụng thời gian gặp gỡ của chúng ta và tìm hiểu thấu đáo về những yếu tố của nghệ thuật lãnh đạo. Tôi muốn hỏi anh một vài câu hỏi cơ bản, điều mà tôi luôn thắc mắc nhưng chưa bao giờ dám hỏi vì sợ bị chế nhạo.”
Julian từ tốn đáp, “Tôi rất vui lòng được giải đáp cho anh”.
“Được rồi, câu hỏi đầu tiên. ‘Nghệ thuật lãnh đạo’ thật sự có nghĩa là gì? Nó đại diện cho cái gì? Mặc dù đang điều hành một công ty lớn với hơn 2.500 nhân viên, tôi chưa bao giờ có khả năng cắt nghĩa chính xác cụm từ này.”
“Như tôi đã nói, nghệ thuật lãnh đạo là việc tập trung hành động hướng đến một mục đích có giá trị. Nghệ thuật lãnh đạo là nhận ra ‘điều không thể’ chẳng qua là điều mà ta chưa cố gắng hết sức để thực hiện. Nhiều người lầm tưởng người lãnh đạo là người mang chức danh chủ tịch, CEO, hoặc giám đốc của công ty. Thật ra, sự lãnh đạo không nằm ở chức danh, mà liên quan đến hành động. Các vị giám đốc của công ty anh có thể là những nhà lãnh đạo tuyệt vời. Các lập trình viên cũng có thể là những nhà lãnh đạo xuất sắc. Thậm chí nhân viên quản lý cửa hàng trưng bày tại nhà máy cũng có thể là một nhà lãnh đạo tài ba. Anh thấy đấy, Peter, lãnh đạo có nghĩa là truyền cảm hứng, tạo năng lượng và gây ảnh hưởng. Lãnh đạo không có nghĩa là quản lý mọi sự, mà là phát triển con người. Những nhà lãnh đạo có tầm nhìn sẽ hiểu được tài sản thật sự của doanh nghiệp chính là nhân viên - những người bước vào thang máy để đi lên công ty mỗi sáng và đi xuống mỗi tối. Hiểu một cách đơn giản, nghệ thuật lãnh đạo chính là giúp mọi người thi triển hết tài năng của bản thân trong quá trình phấn đấu đến một mục tiêu chung, mục tiêu mà anh đã giúp họ hiểu là có giá trị và ý nghĩa. Anh có thể làm được điều này. Các vị giám đốc của công ty anh có thể làm được điều này. Ngay cả các công nhân trong nhà máy của anh cũng có thể làm được điều này. Những nhà lãnh đạo hiệu quả đích thực là những người phải sống ở hai nơi cùng một lúc.”
“Tôi vẫn chưa hiểu ý anh.”
“Những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất hiểu rằng nghệ thuật lãnh đạo là một tác phẩm mà họ tạo ra, chứ không phải là một món quà được trao sẵn. Họ không ngừng nỗ lực để hoàn thiện tác phẩm của mình. Và trong quá trình đó, một trong những kỹ năng khó nhất mà họ phải phát triển chính là nắm bắt hiện tại nhưng tập trung vào tương lai. Những nhà lãnh đạo tài giỏi là những người thành thạo việc vừa kiểm soát hiện tại vừa tạo dựng tương lai. Đó là lý do tôi nói họ phải sống ở hai nơi cùng một lúc. Họ phải hiện diện ở thực tại và cải thiện các hoạt động hiện hành bằng cách nâng cao chất lượng, tinh gọn hệ thống, chuẩn hóa quy trình chăm sóc khách hàng. Đồng thời, họ cũng phải sáng tạo, định hình và phát triển một kế hoạch chi tiết cho tương lai. Yogi Raman đã rất tinh tế khi nói, ‘Nhà lãnh đạo có tầm nhìn là người biết cách tập trung hướng đến đỉnh núi trong lúc dọn đường để leo lên đó’. Một công ty không có quyết tâm sắt đá để cải thiện quy trình hoạt động thì sẽ nhanh chóng bị đối thủ cạnh tranh qua mặt. Nhưng một công ty không có chiến lược rõ ràng cho tương lai cũng sẽ bị đào thải nhanh chóng.”
“Và đây là lý do anh đưa cho tôi mảnh ghép hình hôm qua?”
“Đúng vậy. Anh có nhớ trên đó viết gì không?”, Julian hỏi.
Rất may là tôi có mang theo mảnh gỗ đó, và thế là tôi nhanh chóng lôi nó ra từ trong túi trước của chiếc áo đánh golf màu vàng.
“Tôi không nhìn ra được hoa văn, nhưng tôi có thể đọc được dòng chữ trên đó.”
“Vậy là tốt rồi. Dòng chữ viết gì?”
“Nguyên tắc thứ nhất: Liên kết nhiệm vụ với mục tiêu”, tôi trả lời một cách nghiêm túc. “Tôi không chắc lắm về ý nghĩa của điều này, Julian.”
“Anh sẽ sớm biết thôi.”