BỆNH COPD
Nhiều người bị bệnh COPD thường không ăn đủ chất nên bị sút cân và điều này có thể làm gia tăng tình trạng khó thở. Vì thế người bị COPD nên ăn uống cân bằng dưỡng chất và hấp thụ đủ lượng calo cần thiết để không bị thiếu cân.
Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, như trái cây, rau củ và các axit béo omega-3 có thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh COPD. Thuốc bổ đa vitamin cũng có khả năng giúp bổ sung những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
→ Trái cây trộn là món tráng miệng tốt cho sức khỏe: Trái cây chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp cơ thể chống lại bệnh COPD.
DUY TRÌ LƯỢNG CALO THÍCH HỢP
Sau đây là một số cách hũu ích nếu bạn bị thiếu cân và đang cố gắng phục hồi sức khỏe:
• Ăn ba bữa nhỏ mỗi ngày, kèm thêm bữa ăn nhẹ giữa các bữa chính để thu nhận đủ lượng calo cần thiết; những bữa ăn với khẩu phần ít có thể giúp bạn thở dễ dàng hơn và khi ăn sẽ cảm thấy đỡ mệt hơn so với các bữa ăn thịnh soạn
• Dùng bữa chính vào lúc bạn cảm thấy khỏe nhất (thường là vào buổi sáng), đồng thời nghỉ ngơi trước và sau các bữa ăn
• Tránh các loại thức ăn gây cảm giác đầy hơi khó chịu
• Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ để tránh táo bón
• Chọn loại thức ăn mềm, dễ nhai
• Đảm bảo uống đủ nước – người bình thường mỗi ngày cần 8 ly nước hoặc các đồ uống không chứa caffeine
Những bữa ăn giàu calo giúp chống sút cân khi bị bệnh COPD
→ Trứng tráng - món trứng tráng với hai quả trứng và phô mai chứa nhiều đạm và canxi. Có thể ăn kèm với bánh mì.
Nếu bệnh tình dẫn đến sút cân và bạn đang cố gắng tăng cân thì không có nghĩa là bạn chỉ cần ăn thêm những thực phẩm giàu chất béo (như phô mai, sốt mayonnaise hay bơ) dù là ăn có chừng mực. Những bữa ăn nhẹ phải giàu calo, nhiều dưỡng chất (vitamin, khoáng chất) và protein. Hãy luôn ghi nhớ lợi ích của các loại ngũ cốc còn lớp cám và sự cần thiết của việc tiết giảm chất béo bão hòa. Cụ thể, bạn nên thử dùng:
→ Bánh mì đen kẹp thịt nguội - bao gồm chất đạm và chất xơ, rất dễ ăn.
• Bánh mì đen kẹp cá ngừ, thịt gà hoặc cá hồi ăn kèm với rau trộn
• Bánh mì kẹp phô mai, thịt xông khói và rau trộn, hoặc phết bơ đậu phộng
• Hai cái trứng ốp-la với phô mai và thịt xông khói hoặc cà chua
• Trái cây trộn sữa chua
• Một ly sữa nguyên kem, hoặc một ly cacao pha với sữa nguyên kem
• Các loại đậu hạt
Tình huống nghiên cứu
Một Phụ Nữ Bị COPD Nặng Và Đang Sút Cân
Tên nhân vật: Patty
Tuổi: 53
Bệnh trạng: Patty được chẩn đoán mắc bệnh COPD cách đây 8 năm. Triệu chứng điển hình là khó thở, và càng trở nên trầm trọng hơn khi bà không khỏe, căng thẳng, cảm lạnh, hoặc ở trong môi trường ẩm ướt, hay sau khi dùng bữa thịnh soạn.
Bà thường mệt mỏi khi chế biến thức ăn và khó thở khi nhai nuốt vì những hoạt động này tác động đến hoạt động thở. Patty than phiền rằng lúc nào bà cũng cảm thấy mệt, nhất là trong lúc ăn. Bà đã sụt 4,5kg chỉ trong vòng một năm.
Lối sống: Patty hiện đang sống với chồng. Họ có bốn người con và mười bốn người cháu. Vì đau bệnh liên miên nên bà đã nghỉ hưu vào năm trước. Gần đây, bà mệt đến nỗi không thể đi ra ngoài nên chồng bà đảm trách luôn việc đi chợ. Ở nhà, Patty thường tuân thủ chế độ ăn lạt (ít muối) và ít chất béo. Bà hút thuốc trong 30 năm nhưng đã ngưng hẳn cách đây 5 năm.
Vào bữa sáng, Patty hay ăn ngũ cốc và một lát bánh mì nướng. Bữa trưa bà dùng một hũ sữa chua ít béo và nước táo ép. Còn thực đơn cho bữa tối là ức gà, khoai tây chiên và một loại rau củ nào đó. Bà thường ăn trái cây sau bữa ăn tối. Bà ăn khoảng 1.000 calo mỗi ngày. Bà cao 1,57m và cân nặng hiện giờ là 67kg.
Lời khuyên: Mức tiêu thụ 1.000 calo mỗi ngày chỉ cung cấp 2/3 lượng mà cơ thể Patty cần. Vì chức năng phổi bị suy yếu nên bà cần tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để thở. Do đó nhu cầu năng lượng hàng ngày bình thường để duy trì cân nặng không đủ để đáp ứng cho nhu cầu tăng thêm để thở của những người bị COPD.
Việc cung cấp đủ năng lượng và đạm để duy trì cân nặng, đồng thời giúp cho các cơ hô hấp được khỏe là mục tiêu chính trong liệu pháp dinh dưỡng dành cho các bệnh nhân COPD.
Chuyên gia dinh dưỡng của Patty đã khuyên bà nên nghỉ ngơi trước khi ăn và nên ăn những thức ăn mềm, dễ nhai. Bà có thể bổ sung thêm calo bằng cách uống ít nhất một lon sữa giàu đạm mỗi ngày. Ăn nhiều bữa nhỏ, với những thực phẩm giàu dinh dưỡng như bánh mì phết bơ đậu phộng hoặc phô mai. Dùng kèm các loại bơ phết khi ăn bánh mì, rau củ quả để bổ sung thêm calo cho cơ thể.
Patty nên dùng bữa chính vào thời điểm cơ thể khỏe khoắn nhất. Ngoài ra, bà cũng nên hạn chế uống nước trong khi ăn, thay vào đó, uống nước trong thời gian giữa các bữa ăn.
Chế biến thực phẩm phù hợp với khẩu vị người bệnh, bố trí bàn ăn sạch sẽ, đẹp mắt cũng như tạo không khí vui vẻ, kích thích ăn uống.
CHỨNG NGƯNG THỞ KHI NGỦ
Tình trạng béo phì làm gia tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ, do đó việc giảm cân, dù chỉ 4 - 5kg cũng có thể giúp cải thiện các triệu chứng một cách đáng kể.
Bí quyết giảm cân
Nếu cần phải giảm cân để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ, bạn nên nhờ một chuyên gia dinh dưỡng tư vấn chế độ ăn uống phù hợp. Bên cạnh đó, những lời khuyên sau đây thực sự có ích cho bạn:
• Tránh ăn khuya vì thực phẩm ăn vào giờ này thường bổ sung lượng calo dư thừa cho cơ thể
• Nếu thấy đói thì chỉ nên ăn rau quả tươi
• Nếu bạn khó cưỡng lại các món đồ ăn vặt có hàm lượng dinh dưỡng thấp nhưng chứa nhiều thành phần không tốt cho cơ thể đang hiện diện khắp phòng thì tốt nhất là bạn không nên mua hay mang chúng về nhà
• Nên ý thức về số lượng và khẩu phần ăn cả lúc ở nhà và khi đi ăn ngoài: bỏ qua món khai vị hoặc dùng chung phần với người khác, và ăn bánh mì không bơ
• Tập thể dục điều độ (ví dụ như đi bộ, bơi lội hay đạp xe đạp) để giúp tinh thần thêm phấn chấn và ngủ ngon hơn
• Nên tránh rượu bia
Những bí quyết khác
Ngoài việc giảm cân, những nhân tố quan trọng liên quan đến lối sống cũng có thể giúp bạn cải thiện tình hình.
• Tránh hút thuốc
• Không đi ngủ ngay sau khi ăn; thay vào đó hãy vận động nhẹ, như đi bộ chẳng hạn
• Điều trị các chứng dị ứng, cảm lạnh, hay viêm xoang
• Tránh dùng các loại thuốc kháng histamin và thuốc an thần.
• Nằm nghiêng một bên hoặc gối đầu cao khi ngủ
BỆNH HEN SUYỄN
Nhìn chung, người bị hen suyễn có nhu cầu dinh dưỡng giống với những đối tượng khác, tuy nhiên bệnh nhân hen suyễn cần ăn uống khoa học hơn. Bệnh có thể gây gánh nặng thêm cho cơ thể, đặc biệt khi người bệnh uống các loại thuốc có chứa ster- oid(*) vì chúng làm đào thải các vitamin và khoáng chất.
(*) Những loại thuốc mà thành phần có chứa dẫn xuất của cortisone – một loại hormone do tuyến thượng thận tiết ra
Chế độ ăn uống lành mạnh
Ăn nhiều rau củ quả, đậu đỗ, bánh mì đen và ngũ cốc nguyên hạt; ăn có chừng mực các sản phẩm làm từ sữa ít béo, các loại thịt nạc, cá và thịt gia cầm; đồng thời giảm tiêu thụ chất béo và đường.
BỆNH HEN SUYỄN Ở TRẺ NHỎ
Căn bệnh này đôi khi liên quan đến các dị ứng mà bạn có thể phòng ngừa bằng cách quan tâm kỹ lưỡng đến chế độ ăn của bé. Chỉ cần cho bé bú mẹ trong ba tháng đầu đời thì có thể làm giảm nguy cơ này.
Những thực phẩm bổ sung men probiotic có thể làm phát triển vi khuẩn đường ruột, loại lợi khuẩn hỗ trợ tiêu hóa các protein gây dị ứng thức ăn.
→ Ăn thức ăn tự nấu ở nhà, bé có thể nhận được những thành phần dinh dưỡng tốt nhất mà không có các hóa chất độc hại tiềm ẩn.
Thực phẩm kích hoạt bệnh hen suyễn
Những người bị hen suyễn thường chỉ bị ảnh hưởng bởi nhiều nhất là hai hoặc ba loại thực phẩm, vì vậy việc cho rằng họ nhạy cảm với nhiều loại thức ăn là một quan niệm sai lầm.
Nhận biết và tránh các chất kích hoạt/làm trầm trọng hơn bệnh hen suyễn là điều cần thiết để phòng tránh bùng phát các cơn hen. Những thực phẩm gây kích hoạt phổ biến nhất là sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng, tôm he (tôm càng), cá, các loại trái cây họ cam quýt, đậu nành và bột mì. Những loại thực phẩm này thường kích hoạt chứng hen suyễn ở trẻ em nhiều hơn so với người lớn. Nhưng may mắn là hầu hết trẻ khi lớn lên đều không còn bị dị ứng với những thực phẩm này.
Chúng ta cũng cần kiểm tra nhãn thực phẩm vì các chất phụ gia có trong nhiều thực phẩm chế biến sẵn (như phẩm màu tổng hợp tartrazine (E102), lưu huỳnh (S), axit benzoic và bột ngọt) có thể kích hoạt chứng hen suyễn.