Ngày nay, quan niệm về “cái ăn” đã khác xưa rất nhiều. Từ nhu cầu sinh học cơ bản là ăn no để khỏa lấp cái đói, chúng ta dần hướng tới nhu cầu tinh thần ăn ngon-đẹp mắt để thỏa lòng và mãn nhãn. Rồi theo đà phát triển của xã hội, ăn dinh dưỡng dần được chú trọng và trở thành nấc thang cuối cùng chạm đỉnh “nghệ thuật” ẩm thực.
Mặt khác, các chuyên gia dinh dưỡng đã khẳng định thực phẩm là con dao hai lưỡi, có thể đem lại nguồn năng lượng sống tràn trề cho cơ thể nhưng cũng có khả năng sát thương, làm “tứa máu” và bào mòn dần sinh lực của lục phủ ngũ tạng. Nói một cách dân dã, ăn để khỏe là cả một nghệ thuật mà không phải ai cũng có thể trở thành “nghệ sĩ”.
Ngẫm lại mới thấy, một cái miệng mà phải chịu trách nhiệm nuôi sống toàn bộ cơ thể thì quả là chẳng đơn giản chút nào. Đặc biệt, với tình hình an toàn thực phẩm đáng báo động như hiện nay thì thói quen ăn uống không hợp lý, thiếu các dưỡng chất có giá trị dinh dưỡng và cân bằng sẽ khiến bệnh tật được thể tấn công ồ ạt, và lúc đó dù “có thực” cũng chưa hẳn đã “vực được đạo”.
Những con số vô tri nhưng rất “động” này là minh chứng điển hình về mối quan hệ giữa chế độ ăn uống và bệnh tật. Nếu muốn kiểm chứng điều ngược lại, bạn hãy thử cách đơn giản hơn là… nhịn ăn hoàn toàn chỉ một tuần thôi. Nếu sau đó bạn vẫn có thể tươi cười cầm cuốn sách này lên đọc tiếp mà tay chân không lẩy bẩy, đầu óc không váng vất thì đề nghị bạn liên hệ gấp với người biên tập trang mục “chuyện lạ bốn phương” trên các báo điện tử! Nói vui thế thôi chứ xin đừng thử, vì thực ra một người bình thường có khả năng nhịn đói đến 70 ngày nếu được cung cấp nước uống đầy đủ, nhưng hệ quả là... khôn lường!
→ Theo thống kê nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ tính riêng trên những người trưởng thành, mỗi năm trên thế giới có 180.000 người chết do thức uống có ga, trong đó 133.000 ca tử vong do bệnh tiểu đường, 44.000 ca do bệnh lý về tim mạch và 6.000 ca do ung thư.
Còn tại Việt Nam, theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2013 đã có đến 18 trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm trong tổng số 87 vụ với hơn 1.600 người đi viện trong số 1.800 người mắc.
Vậy thì, chúng ta cần phải làm gì để trở thành một người “nghệ sĩ” biết khéo léo sử dụng “khuôn-đàn-miệng” để tạo nên những “thanh âm” lan tỏa khắp tận cùng mọi ngõ ngách tế bào sống, giúp cơ thể khỏe mạnh, phòng chống và chữa lành bệnh tật?
Cuốn cẩm nang này sẽ đồng hành cùng bạn! Không chỉ cung cấp những kiến thức hữu ích về các tổ chức bộ phận quan trọng của cơ thể như hệ tim mạch, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu, hệ xương khớp và các bệnh lý liên quan thường gặp, cuốn sách còn là kim chỉ nam giúp bạn khéo léo biến nguồn thực phẩm dồi dào thành “thuốc” phòng chống và điều trị bệnh tật… Ở đâu đó trong mỗi trang sách, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh chính mình, người thân trong gia đình, họ hàng, bạn bè... Và hy vọng, ngay khi bắt được những điều hay ho trong sách, bạn sẽ thực hành ngay để xây dựng “hình ảnh” mới cho chính mình, ngày càng đẹp hơn với một cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy sinh lực. Rồi sau đó, nếu có thể, hãy giúp cho cả những người bạn thương yêu. Hít vào – thở ra – đọc – cảm nhận – và hành động!
Nhớ nhé, “bệnh từ miệng vào”! Chính bạn phải có trách nhiệm với bản thân mình trong vấn đề ăn uống. Hãy yêu quý bản thân trước khi quá muộn bởi “tài sản lớn nhất của con người là sức khỏe”. Đây cũng là thông điệp mà cuốn sách này muốn gửi gắm đến bạn.