Phương pháp điều trị ung thư phổ biến nhất hiện nay là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị để tiêu diệt các khối u ác tính. Cách tiếp cận mới đối với bệnh ung thư là ngăn chặn sự phát triển của chúng bằng giải pháp cắt đứt nguồn cung cấp máu cho các khối u hơn là tiêu diệt các khối u.
CÁCH TIẾP CẬN MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ
Các tế bào ung thư sẵn sàng đối đầu với nhiều tác động từ bên ngoài. Cũng không quá ngạc nhiên khi ung thư tồn tại như là một căn bệnh khó điều trị, nhất là khối u được chẩn đoán ở giai đoạn cuối.
Khoa học ngày nay đã hỗ trợ rất nhiều trong việc điều trị ung thư bằng cách tìm ra những loại thuốc đặc trị mới và những cách chẩn đoán tiên tiến giúp phát hiện khối u từ giai đoạn đầu. Tuy nhiên, tỉ lệ thành công trong điều trị lại có sự khác biệt lớn tùy vào loại ung thư. Trong khi tỉ lệ điều trị thành công (được xác định bằng cách theo dõi sự ngừng tái phát của khối u trong 5 năm) ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt có thể đạt đến 70%, thì ung thư phổi, ung thư tụy và ung thư thực quản có một ít cơ hội với tỉ lệ sống không quá 20%. Trên thế giới, ước tính trung bình có 60% bệnh nhân ung thư vẫn còn sống sau 5 năm.
Không giống như các bệnh khác, không có một quy luật chung nào để điều trị ung thư. Loại ung thư, kích thước, vị trí bướu, giai đoạn bệnh và tình trạng ăn uống bằng đường miệng của bệnh nhân, tất cả những yếu tố quan trọng này sẽ là cơ sở cho việc lựa chọn cách điều trị tối ưu nhất. Hiện nay, có 3 phương pháp điều trị ung thư: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Tiến trình trị liệu phổ biến hiện nay cho phép phẫu thuật cắt bỏ khối u, xạ trị hoặc hóa trị để loại bỏ những tế bào ung thư còn sót lại.
Phương pháp phẫu thuật
Thông thường, phẫu thuật là vũ khí đầu tiên để điều trị ung thư. Hiện nay, phương pháp này vẫn là sự lựa chọn đầu tiên, khi bướu vẫn còn nằm khu trú, thuận lợi cho phẫu thuật và được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ toàn bộ khối u hoặc trong một số trường hợp sẽ loại bỏ cơ quan bị ảnh hưởng. Hạn chế chính của phẫu thuật là không tiêu diệt hoàn toàn tế bào ung thư, đặc biệt là những vi ổ bệnh (microfoci) chứa các khối u nhỏ khó phát hiện.
Phương pháp xạ trị
Mục đích của phương pháp xạ trị là tiêu diệt tế bào ung thư bằng tia X hoặc tia gamma năng lượng cao. Xạ trị là cách điều trị tại vùng. Tại vị trí bị ảnh hưởng xạ trị trực tiếp, mô khỏe mạnh được bảo tồn (đến mức tối đa), vì tia phóng xạ cũng tiêu diệt tế bào bình thường. Phương pháp điều trị này thường được áp dụng. Khoảng ½ bệnh nhân ở Bắc Mỹ được điều trị bằng phương pháp xạ trị, đôi khi có sự phối hợp giữa phẫu thuật và hóa trị.
Phương pháp hóa trị
Hóa trị là phương pháp điều trị để lại nỗi ám ảnh lớn nhất cho bệnh nhân ung thư. Nói chung, phương pháp này được hiểu theo nghĩa tiêu cực bởi vì nó đem lại các tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh. Mặc dù vậy, hóa trị được xem là “vũ khí” tối ưu của các chuyên gia điều trị ung thư, vì thuốc (hóa chất) được truyền vào tĩnh mạch và cho phép chúng đến các tế bào ung thư nằm rải rác ở nhiều cơ quan, điều mà phẫu thuật và xạ trị khó có thể thực hiện.
Tất cả các loại thuốc được sử dụng trong hóa trị là những chất độc cực mạnh nhằm ngăn chặn tế bào sinh sôi nảy nở. Bởi vì tế bào ung thư sinh sôi gấp nhiều lần so với tế bào bình thường, do đó hóa trị cho phép tiêu diệt các tế bào ung thư, với tác động tối thiểu lên tế bào bình thường. Tuy nhiên, những tế bào khỏe mạnh (như đường ruột và tủy xương) cần tăng sinh thường xuyên để thực hiện các chức năng của chúng, và những tế bào này cũng là mục tiêu mà các hóa chất trị liệu nhắm đến – gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Đó là nguyên nhân vì sao phương pháp này là nỗi ám ảnh của nhiều bệnh nhân ung thư.
NHỮNG HẠN CHẾ CỦA CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ HIỆN NAY
Mặc dù những phương pháp điều trị tiên tiến được áp dụng trong vài năm gần đây nhưng phải thừa nhận rằng ung thư được xem là vấn đề sức khỏe hàng đầu và các phương tiện điều trị vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Hai nguyên nhân chính cho sự hạn chế này là:
Tác dụng phụ
Một trong những nhược điểm lớn của hóa chất hóa trị là độc tính của chúng đến các tế bào khỏe mạnh, gây ra nhiều tác dụng phụ, ví dụ: làm suy giảm tế bào miễn dịch (bạch cầu) và tiểu cầu; thiếu máu, các vấn đề về tiêu hóa (nôn ói, tổn thương niêm mạc ruột, tiêu chảy), rụng tóc; ngoài ra còn ảnh hưởng đến tim mạch, thận và các cơ quan khác.
Quá trình điều trị bằng hóa chất thường bị gián đoạn do tác dụng phụ khắc nghiệt, do đó không xử lý triệt để các tế bào ung thư. Ngoài ra, thuốc (hóa chất) sử dụng cho hóa trị có thể gây đột biến ADN của bệnh nhân, có thể gia tăng nguy cơ mắc các ung thư khác khi điều trị dài hạn.
Sự kháng trị
Nếu chúng ta sử dụng phương pháp hóa trị để điều trị mọi loại ung thư, thậm chí không bận tâm đến các tác dụng phụ thì giải pháp này chưa thật sự hợp lý vì một số loại ung thư không phù hợp với phương pháp này. Hóa chất trị liệu có thể gây độc tế bào ung thư, nhưng thực tế cho thấy việc điều trị ung thư phải đối mặt với trở ngại lớn nhất là sự đề kháng của cơ thể với hóa trị.
Mặc dù vậy, nhìn chung đa số khối u đều giảm kích thước và số lượng khi bị tác động bởi hóa chất trị liệu. Tuy nhiên, một số khối u có thể trở lại qua thời gian. Sự tái phát này là vấn đề đáng lo ngại vì ung thư mới hình thành không những kháng trị với hóa chất cũ mà còn kháng trị với các thuốc hóa chất khác. Như đã đề cập ở phần trước, các tế bào ung thư hình thành khối bướu sẽ cực kỳ linh hoạt và có khả năng thích nghi với nhiều môi trường khắc nghiệt.
Trong suốt quá trình hóa trị, các tế bào khối u hình thành cơ chế thích ứng với hóa chất trị liệu bằng cách tạo ra các protein bơm các hóa chất trị liệu ra khỏi tế bào và ngăn chặn các hóa chất này tác động. Một cơ chế khác cũng được phát hiện đó là tế bào tự loại bỏ gien kích hoạt khả năng tự hủy khi thuốc xâm nhập vào tế bào. Trong tích tắc, hóa chất trị liệu đã tiêu diệt 99,9% tế bào ung thư, nhưng chỉ cần 1 tế bào sống sót cũng có thể dẫn đến hiện tượng kháng thuốc và hình thành nên khối u kháng thuốc mới nguy hiểm hơn khối u trước đó. Đừng quá ngạc nhiên khi các tế bào ung thư có khả năng thích ứng nhanh chóng. Cơ chế thích ứng này là đặc tính cơ bản của sự sống trên Trái đất. Thậm chí một số tế bào hình thành khả năng kháng thuốc do sự phát triển của vi khuẩn kháng kháng sinh.
CÔ LẬP KHỐI U BẰNG CÁCH CẮT ĐỨT NGUỒN MÁU TIẾP TẾ
Đây có phải là điểm yếu của các tế bào khối u, nhờ đó mà chúng ta có cơ hội để tiêu diệt chúng? Câu trả lời là đúng! Mặc dù chứa đựng một nguồn năng lượng dồi dào, khả năng linh hoạt cao và thích ứng nhanh chóng với điều kiện khắc nghiệt từ các tế bào lân cận, nhưng tế bào ung thư vẫn phụ thuộc vào nhu cầu năng lượng để duy trì sự sống cho chính nó.
Để phát triển, khối u cần được cung cấp liên tục oxy và dưỡng chất; và để đạt được 2 loại nhiên liệu thiết yếu này, tế bào ung thư đã hình thành một chiến thuật hiệu quả: ngay khi có tín hiệu thiếu hụt oxy và dưỡng chất, tế bào ung thư tiết chất hóa học vào mạng lưới tuần hoàn máu trong các mô xung quanh. Các tế bào nội mô (phủ bên trong thành mạch máu) hiếm khi tăng sinh nhưng khi tiếp xúc với tín hiệu hóa học này, chúng dường như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài và bắt đầu tăng sinh với tốc độ điên cuồng, hình thành nên mạng lưới mao mạch nuôi khối u phát triển. Bằng cách này, các khối u được cung cấp oxy và dưỡng chất cho nhu cầu phát triển, xâm lấn các mô xung quanh.
Hiện tượng hình thành mạch máu mới này nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của các khối u, gọi là sự tăng sinh mạch (angiogenesis – theo tiếng Hy Lạp, angio là mạch máu, genesis là sự hình thành). Để đạt được nguồn cung cấp dưỡng chất và oxy cần thiết, các tế bào ung thư đã phóng thích tín hiệu là một protein có tên VEGF (Vascular endothelial growth factor – yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu) nhằm thu hút các tế bào mạch máu lân cận. Bằng cách gắn chặt với thụ thể trên bề mặt tế bào mạch máu, VEGF lôi kéo các tế bào hình thành một đường dẫn đến khối u bằng cách tiêu diệt các mô xung quanh và hình thành mạch máu mới. Khi đó, khối u đạt được mục đích về nhu cầu dưỡng chất của chúng và tiếp tục xâm chiếm các mô khác.
Tầm quan trọng của tiến trình tăng trưởng các khối u được nghiên cứu đầu tiên vào năm 1971 bởi Tiến sĩ Judah Folkman, chuyên gia phẫu thuật tại Khoa Y, Đại học Harvard. Ông đã dày công nghiên cứu hiện tượng hình thành mạch máu bằng cách quan sát tế bào mẫu hoặc ngay trên khối u. Tiến sĩ Folkman đã đưa ra giả thiết về sự hiện diện của những mạch máu này cần thiết cho khối u phát triển. Nếu có thể khóa chặn sự hình thành mạch máu này, chúng ta sẽ thành công trong việc ngăn chặn khối u phát triển.
Kiểm soát sự tăng trưởng của các tế bào khối u bằng cách ngăn chúng tiếp cận với nguồn dưỡng chất là một tiến trình rất chặt chẽ. Giả thiết này đã tạo nên một cuộc chạy đua mạnh mẽ để tìm ra các loại thuốc ngăn chặn sự hình thành mạch máu mới. Đỉnh điểm của cuộc chạy đua này là năm 2004, thuốc kháng sinh mạch đã ra đời có tên thương mại là AvastinTM. Điều đặc biệt của thuốc này là hoạt tính của thuốc không tác động lên mạch máu trong các mô bình thường mà chỉ tác động lên mạch máu trong các khối u do các mạch máu trong khối u rất khác so với mạch máu trong các mô bình thường.
Sự tăng sinh mạch và sự kháng thuốc
Cho đến khi vai trò quan trọng của sự hình thành mạch máu trong khối u được xác định, không thì trước đây mọi người vẫn nghĩ rằng để điều trị ung thư chỉ có thể tập trung vào việc tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách sử dụng những liều thuốc cực mạnh.
Ngày nay, chúng ta biết rằng sự phát triển của các khối u là kết quả của sự mất cân bằng giữa các phân tử kích thích tăng trưởng các mạch máu mới và các phân tử ngăn chặn sự hình thành các mạch máu này. Nếu sự mất cân bằng xảy ra, quá trình tăng sinh mạch và phát triển các khối u sẽ diễn ra. Mặt khác, nếu các phân tử ức chế hình thành mạch máu chiếm ưu thế, chúng sẽ ngăn chặn khối u phát triển.
Xử lý các khối u chưa trưởng thành hiện diện ở trạng thái tiềm ẩn có thể được xem là một chiến thuật cực kỳ hiệu quả trong việc ngăn chặn sự phát triển ung thư. Bằng cách ngăn chặn các mạch máu mới cung cấp dưỡng chất và oxy, khối u ác tính dần mất khả năng đạt tới kích thước 1 mm3, một kích cỡ tối thiểu gây tổn hại vĩnh viễn lên các mô lân cận.
Chính vì đa số các khối u phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp máu nên việc ngăn chặn tiến trình hình thành các mạch máu mới có thể ngăn chặn sự phát triển của nhiều loại ung thư. Các khối u trong môi trường dịch (như bạch cầu cấp) đòi hỏi có sự phân bố mạch máu từ tủy xương và nhạy cảm với thuốc kháng sinh mạch.
Cuối cùng, bằng cách tấn công vào nguồn cung cấp dưỡng chất của các khối u, thuốc kháng sinh mạch đã cho chúng ta một giải pháp mới trong việc ngăn chặn tế bào ung thư thay vì tấn công trực diện vào các khối u. Thậm chí, khi các khối u đã thích nghi với các điều kiện cực kỳ khắc nghiệt thì chúng vẫn không thể duy trì sự phát triển nếu thiếu 2 nhân tố thiết yếu của sự sống là oxy và dưỡng chất.
Phương pháp đếm nhịp
Thuốc kháng sinh mạch ít độc tính hơn thuốc hóa trị. Do đó, chúng có thể thực hiện một cách liên tục như máy đếm nhịp của các dụng cụ nhạc. Phương pháp này hoàn toàn khác với phương pháp hóa trị hiện nay – sử dụng liều lượng hóa chất cực mạnh để tiêu diệt khối u trong một thời gian ngắn, sau đó để người bệnh hồi phục sức khỏe trước khi bước vào đợt điều trị tiếp theo.
Một điều không may là khối u có khả năng phục hồi giữa các lần điều trị và đề kháng lại lần điều trị kế tiếp, đặc biệt là các tế bào ung thư hình thành nên mạng lưới mạch máu mới. Sự hình thành mạng lưới này cho phép chúng phát triển và xâm lấn các mô khác. Tuy nhiên, việc điều trị một cách liên tục (theo phương pháp đếm nhịp) dần có hiệu quả trong việc làm giảm tế bào ung thư trong khi vẫn ngăn chặn sự hình thành mạch máu. Do đó, quá trình triệt tiêu khối u bằng phương pháp đếm nhịp sẽ kéo dài hơn và giữ các khối u ở trạng thái ngủ yên, không tái phát. Phương pháp đếm nhịp thích hợp cho việc ngăn chặn ung thư thông qua chế độ dinh dưỡng bằng cách cho phép một lượng nhỏ phân tử chống ung thư (từ rau củ quả) được hấp thụ vào máu mỗi ngày.
Tóm lại, ung thư là bệnh có mức độ phá hoại khủng khiếp nếu chúng đang tiến triển. Tuy nhiên, chúng ta có thể tác động lên sự phát triển của các khối u nhỏ và giữ chúng trong trạng thái ngủ yên nhưng chúng vẫn có khả năng tiến vào giai đoạn di căn. Việc cắt nguồn cung cấp dưỡng chất và oxy cho các khối u bằng cách ngăn chặn sự hình thành mạch máu mới hứa hẹn một kết quả điều trị khả quan.
Việc ngăn chặn ung thư bằng phương pháp kháng sinh mạch không còn là một ảo tưởng mà nó đang dần mang lại hy vọng cho người bệnh. Các loại thực phẩm phổ biến hằng ngày là nguồn cung cấp các hợp chất chống hình thành mạch máu nuôi dưỡng khối u. Theo đó, ung thư không còn được xem là căn bệnh “trời kêu ai nấy dạ” mà nó trở thành một căn bệnh mãn tính, đòi hỏi phải điều trị liên tục.
Tóm tắt
• Lựa chọn phương pháp điều trị ung thư thích hợp vì các tế bào ung thư có sự linh hoạt và thích nghi, cho phép chúng “né” được việc trị liệu và tiếp tục phát triển.
• Các khối u luôn cần được cung cấp năng lượng và hình thành mạng lưới mạch máu mới để phát triển.
• Khóa chặn hoặc tiêu diệt các mạch máu mới có thể thực hiện với một liều lượng rất nhỏ chất kháng sinh mạch mỗi ngày, qua đó giúp ngăn chặn khối u tiến triển.
• Các chất chống hình thành mạch có thể thu nhận từ trái cây và rau củ.