Quả cà chua nhỏ bé đang dần thể hiện rõ tầm quan trọng của chúng trong nhóm thực phẩm phòng chống ung thư. Cà chua là loại thực phẩm rẻ tiền, dễ kiếm và có nhiều đặc tính chống ung thư. Không thể tưởng tượng được rằng cà chua từng bị xem là loại quả độc!
Cà chua có nguồn gốc từ Nam Mỹ, có thể là Peru, nơi mà ngày nay chúng vẫn còn tồn tại trong môi trường hoang dã. Có màu vàng và kích cỡ nhỏ bằng trái cherry, cà chua Peru không được người Inca sử dụng. Người Aztec ở Trung Mỹ đã bắt đầu trồng loại cây này và gọi là tomatl, có nghĩa là “quả nhiều thịt”, thường được kết hợp với ớt chuông để làm thành món sốt, tiền thân của sốt salsa ngày nay.
Được phát hiện bởi người Tây Ban Nha khi xâm chiếm Mexico vào đầu thế kỷ 16, cà chua được mang trở về Tây Ban Nha và sau đó sang Ý. Người Ý nhận thấy cà chua có nét hao hao như cây cà độc và loài cây có rễ hình người trong truyền thuyết, 2 loại cây có khả năng tác động đến hệ thần kinh. Đó là lý do vì sao cà chua nhanh chóng bị quy là loại quả chứa chất độc. Cà chua dần trở thành một loại cây leo trang trí ở Bắc Âu. “Chúng được trồng phổ biến để phủ trên mái nhà như một loại cây trang trí. Quả không ăn mà dùng để làm thuốc và làm cảnh”, (theo Olivier de Serres, “cha đẻ” của ngành nông nghiệp Pháp, nhà nông học của vua Henry IV, trong tác phẩm Le Théâtre d’agriculture et le Ménage des champs, 1600).
Chỉ hơn 100 năm sau, năm 1692, cà chua đã xuất hiện trong sách nấu ăn của người Ý. Quá khứ đã đi qua, giờ đây cà chua có mặt trong hầu hết các món ăn ở châu Âu. Những người định cư ở Tân Thế giới (châu Mỹ) còn ngần ngại đưa cà chua vào chế độ ăn uống hằng ngày mặc dù có một vài dẫn chứng được đưa ra từ những người ủng hộ cà chua, trong đó có Thomas Jefferson. Cà chua không được sử dụng thường xuyên trong chế độ dinh dưỡng cho đến giữa thế kỷ XIX. Ngày nay, cà chua được xem là nguồn thực phẩm chính yếu cung cấp vitamin và khoáng chất trong chế độ dinh dưỡng của người phương Tây.
CÀ CHUA: TRÁI CÂY, RAU... HAY CHẤT ĐỘC?
Người xưa tin rằng cà chua là một loại cây nguy hiểm. Mặc dù nhận định này nghe thật buồn cười nhưng hãy hiểu rằng người xưa chỉ kết luận dựa theo quan sát. Cà chua thuộc họ Solanaceae, với các thành viên “nổi tiếng” như thuốc lá, cà độc dược... chứa nhiều độc tố gây hại và kích thích; một số loại cây khác thuộc họ này được trồng phổ biến ngày nay như khoai tây, ớt chuông, cà tím, hoa dạ uyên thảo (petunias).
Cà chua chứa chất tomatine, hoạt chất này hiện diện nhiều trong rễ và lá, có ít trong quả, và hoàn toàn không có trong quả chín. Ngoại trừ quả cà chua, tất cả những phần còn lại của cây cà chua đều có thể gây độc. Sự mâu thuẫn của con người về cà chua xuất phát từ tên thực vật theo tiếng La-tinh Lycopersicon esculentum. Tên gọi này được dựa theo truyền thuyết của người Đức. Truyền thuyết kể rằng các phù thủy đã sử dụng các loại cây gây ảo giác, như cà độc dược, để tạo ra ma sói.
Cà chua là trái cây hay là rau?
Từ sự mô tả của các nhà thực vật học, cà chua là một loại trái cây (giống như quả dâu) vì chúng là kết quả của quá trình thụ phấn hoa. Tuy nhiên, theo quan điểm của các nhà làm vườn, cà chua là một loại rau (như quả bí ngô) do tính năng sử dụng của chúng.
Sự phân loại này xuất phát từ lý do kinh tế: một thương nhân người Mỹ muốn được giảm thuế áp dụng đối với các loại rau củ nhập khẩu, do đó ông ta đã thuyết phục mọi người cà chua là một loại trái cây. Đề nghị này đã bị bác bỏ bởi Tòa án Tối cao vào năm 1893 và áp đặt cà chua là một loại rau.
LYCOPENE, NHÂN TỐ CHỐNG UNG THƯ CỦA CÀ CHUA
Lycopene thuộc họ carotenoid, một nhóm hoạt chất tự nhiên cực kỳ đa dạng có trong các loại rau củ quả màu vàng, cam và đỏ. Vì cơ thể người không tổng hợp được carotenoid, do đó các phân tử này phải được thu nhận từ nguồn thực vật.
Nhóm carotenoid, như betacarotene và betacryptoxanthin, là tiền chất của vitamin A, một loại vitamin thiết yếu cho sự tăng trưởng; trong khi đó, một số phân tử khác thuộc nhóm này như lutein, zeaxanthin và lycopene không có hoạt tính hóa học như vitamin A nhưng lại đóng vai trò quan trọng khác. Ví dụ, lutein và zeaxanthin có khả năng hấp thụ phổ ánh sáng xanh, giúp bảo vệ mắt tránh nguy cơ thoái hóa võng mạc và đục thủy tinh thể. Vai trò của lycopene chưa được tìm hiểu rõ nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy tất cả nhóm carotenoid có thể tác động cao nhất trong việc ngăn ngừa ung thư.
Lycopene tạo nên sắc tố đỏ cho cà chua, cũng như các loại rau củ quả khác, do đó cà chua được xem là một trong những nguồn dồi dào lycopene. Cà chua cung cấp 85% lượng lycopene, trong khi các loại trái cây khác chỉ cung cấp 15%. Tuy nhiên, hàm lượng lycopene trong cà chua được thuần hóa lại thấp hơn cà chua dại. Giống cà chua hiện nay, Lycopersicon pimpinellifolium, chỉ chứa 50 μg lycopene trên mỗi gam cà chua, so với giống hoang dại là 200 – 250 μg. Sự khác biệt này là do số lượng giống hạn chế trong quá trình lai ghép. Các nhà khoa học hy vọng việc chuyển các gien có lợi từ các giống hoang dại sẽ làm gia tăng hàm lượng lycopene trong cà chua hiện nay, từ đó tăng khả năng can thiệp vào sự phát triển ung thư.
Hàm lượng lycopene và cách nấu nướng
Những món ăn được chế biến từ cà chua luôn giàu lycopene. Vách tế bào bị phá vỡ khi tiếp xúc với nhiệt làm cho các phân tử lycopene được phóng thích hiệu quả hơn và làm thay đổi cấu trúc của chúng để cơ thể tiêu hóa dễ dàng hơn.
Chất béo cũng giúp tăng hấp thu lycopene. Vì vậy, xào nấu cà chua với dầu sẽ gia tăng tối đa khả năng hấp thu lycopene của cơ thể.
LYCOPENE VÀ TỈ LỆ MẮC UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT THẤP
Các quốc gia tiêu thụ nhiều cà chua như Ý, Tây Ban Nha và Mexico có tỉ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt thấp so với Bắc Mỹ và Anh. Số liệu thống kê trên rõ ràng không chứng minh sự khác biệt là do có sự hiện diện cà chua trong chế độ dinh dưỡng. Ví dụ, người châu Á ít khi sử dụng cà chua trong món ăn và người châu Á thì không thuộc nhóm có tỉ lệ ung thư tuyến tiền liệt cao. Tuy nhiên, tỉ lệ người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt thấp ở các quốc gia tiêu thụ nhiều cà chua đã khích lệ các nhà khoa học cố gắng chứng minh mối liên hệ giữa tỉ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt và việc ăn cà chua.
Một số nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều cà chua và các sản phẩm được chế biến từ cà chua có biểu hiện giảm phát triển ung thư tuyến tiền liệt, đặc biệt là bệnh trong giai đoạn bùng phát. Các nghiên cứu với số người tham gia đông đã cho thấy việc tiêu thụ các thực phẩm giàu lycopene (như sốt cà chua) làm giảm nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt đến 30%. Mối liên hệ này thể hiện rõ nét hơn ở nam giới từ 65 tuổi trở lên, điều này cho thấy lycopene có thể tác động hiệu quả hơn đến sự phát triển ung thư tuyến tiền liệt có liên quan đến tuổi tác cao, hơn là độ tuổi trung niên (khoảng 50 tuổi).
Cơ chế hạn chế sự phát triển ung thư tuyến tiền liệt của lycopene chưa được tìm hiểu rõ. Giống như “họ hàng” gần là betacarotene, lycopene là một chất chống oxy hóa hiệu quả, tuy nhiên tác động của đặc tính này lên ung thư cũng chưa được làm rõ. Theo các nghiên cứu gần đây, lycopene có thể cản trở sự phát triển ung thư tuyến tiền liệt bằng cách tác động trực tiếp lên các enzyme kích hoạt sự tăng trưởng của mô. Tác động này liên quan đến quá trình can thiệp vào các tín hiệu hormone sinh dục nam androgen (androgen là hormone liên quan đến sự tăng trưởng quá mức của mô tuyến tiền liệt và gây trở ngại cho sự tăng trưởng mô tế bào).
LYCOPENE VÀ BỆNH UNG THƯ
Mặc dù hầu hết các nghiên cứu về hiệu quả chống ung thư của cà chua đều xoay quanh việc ngăn chặn ung thư tuyến tiền liệt, nhưng cà chua còn đóng vai trò cơ bản trong quá trình ngăn ngừa những bệnh ung thư khác. Bởi vì cơ chế của các phân tử ngăn chặn ung thư là như nhau, cho nên đấy là lý do để suy luận rằng lycopene có thể can thiệp vào các loại ung thư khác ngoài ung thư tuyến tiền liệt.
Nhìn chung, ăn cà chua và các sản phẩm được chế biến từ cà chua là cách hiệu quả làm giảm nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt. Sốt cà chua là một món ăn lý tưởng vì có hàm lượng lycopene cao và cơ thể dễ dàng hấp thu. Hai bữa ăn kèm với sốt cà chua mỗi tuần có thể giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt đến 25%. Dĩ nhiên cũng đừng quên cho thêm tỏi vào!
Thường xuyên ăn cà chua và các sản phẩm chế biến từ cà chua là cách ít tốn kém và thu nhận được nhiều dưỡng chất, giúp giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt và các bệnh ung thư khác.
Tóm tắt
• Lycopene là hoạt chất tự nhiên tạo màu đỏ sáng và tiềm năng chống ung thư cho cà chua.
• Hoạt tính chống ung thư của lycopene đạt tối đa khi cà chua được xào nấu với dầu thực vật.