Mỗi khi một món ăn sang trọng được dọn lên cho giới thượng lưu, các loại quả có múi (như chanh) được xem là một phần không thể thiếu trên bàn tiệc. Các loại quả có múi không chỉ giàu vitamin C, mà gần đây chúng còn được đánh giá cao về khả năng phòng chống ung thư. Các loại quả có múi (như chanh, cam, bưởi, quýt) đều có vị chua đặc trưng.
Tất cả các loại cây có múi đều có nguồn gốc từ châu Á. Ấn Độ và Trung Quốc đã trồng các loại cây này từ cách đây 3.000 năm. Các nhà thám hiểm đến lục địa châu Á và mang những loại quả có múi đầu tiên về phương Tây: loài chanh hoang dại (Citrus medica) được du nhập bởi Alexander Đại Đế vào thế kỷ IV trước Công nguyên; hoặc loại cam có vị chua, đắng (Citrus aurantium) được giới thiệu bởi người Ả Rập vào thế kỷ I sau Công nguyên.
Cây chanh được trồng ở Tây Ban Nha vào thế kỷ XIII và cam được trồng ở Bồ Đào Nha vào thế kỷ XV, trong khi đó quýt được mang về Provence (vùng Đông Nam nước Pháp) và Nam Phi vào những năm 1800. Là loại quả ngoại lai lâu đời, hiện nay, các loại cây có múi trở nên phổ biến trong chế độ dinh dưỡng và phong cách nấu ăn của đại đa số các quốc gia trên thế giới. Một tỉ cây có múi cho ra gần 100 triệu tấn quả mỗi năm trên khắp toàn cầu.
CÁC LOẠI QUẢ ĐIỂN HÌNH: TRONG HỌ CAM, CHANH
Cam (Citrus sinensis)
Mặc dù cam có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng từ “orange” (cam) lại xuất phát từ tiếng Ả Rập narandj, theo tiếng Phạn lànagarunga, có nghĩa là “loại quả ưa thích của loài voi”. Giống cam ngọt xuất hiện ở phương Tây vào thế kỷ XV tại Bồ Đào Nha, nơi chúng được trồng phổ biến. Trong suốt chuyến hải hành lần thứ hai của mình, Christopher Columbus đã mang hạt giống cam đến Tân Thế giới và bắt đầu trồng ở châu Mỹ. Trở về Pháp, vua Louis XIV, người rất yêu thích cam, cũng như dâu, đã thiết kế một vườn cam nổi tiếng tại Versailles để tận hưởng cho riêng mình. Được xem là loại quả xa xỉ từ đầu thế kỷ XX, ngày nay, cam trở nên phổ biến trong các loại quả có múi, chiếm 70% sản lượng trên toàn thế giới.
Bưởi (Citrus paradisi Macfadyen)
Giống bưởi mà chúng ta biết ngày nay là kết quả của hàng loạt quá trình lai ghép giữa cam và giống bưởi hoang dại. Giống bưởi “thật” (Citrus grandis) có tên là pomplemoes, nghĩa là “quả chanh lớn” theo tiếng Hà Lan, tên này được đặt dựa theo kích cỡ to lớn, hình quả lê của chúng và được mang tới Malaysia từ những năm 1600.
Chanh (Citrus limon)
Chanh (vỏ vàng) có lẽ bắt nguồn từ Trung Quốc và Ấn Độ, gần dãy núi Himalayas và được đưa đến châu Âu bởi người Ả Rập từ đầu thế kỷ XII. Theo các học giả như Theophrastus, Democritus và Virgil, chanh thường được dùng để khử độc. Chanh thường được sử dụng để chữa trị bệnh thiếu vitamin C. Nhưng đến thế kỷ XV, chanh thật sự trở thành một phần trong chế độ dinh dưỡng của người châu Âu. Mặc dù có hình dạng tương tự và cũng được sử dụng trong các món ăn, nhưng chanh vỏ xanh (Citrus aurantifolia), một loài khác có nguồn gốc từ Malaysia, được sử dụng phổ biến ở vùng nhiệt đới.
Quýt (Citrus reticula)
Quýt cũng phổ biến ở vùng Đông Nam Á, được thuần hóa ở Trung Hoa từ 2.500 năm trước. Được trồng ở Địa Trung Hải vào đầu thế kỷ XIX, năm 1902, quýt trở nên phổ biến và nổi tiếng bởi sự xuất hiện của giống quýt trái nhỏ, clementine. Ngày nay, các giống quýt chiếm 10% sản lượng các cây có múi trên thế giới.
HOẠT CHẤT TỰ NHIÊN TRONG CÁC LOẠI QUẢ CÓ MÚI
Các loại quả có múi đều là nguồn dồi dào vitamin C, nhưng điều mà ít ai biết đến đó là sự hiện diện của các hoạt chất tự nhiên có khả năng chống ung thư trong loại quả này. Ví dụ, cam chứa 200 hợp chất khác nhau, trong đó có khoảng 60 hợp chất thuộc nhóm polyphenol, cũng như các hợp chất tạo hương và terpene (chất chát).
Các loại quả có múi chứa một lượng lớn hoạt chất nhóm polyphenol như flavanone, một phân tử có đặc tính chống ung thư ưu việt. Một trong những phân tử khác thuộc nhóm này là hesperidin, thường được gọi là “vitamin P” bởi vì nó có đặc tính bảo vệ mạch máu. Các polyphenol này thật sự là các phân tử kháng viêm, ngoài ra chúng còn đóng vai trò ngăn ngừa ung thư phát triển.
ĐẶC TÍNH CHỐNG UNG THƯ CỦA CÁC LOẠI QUẢ CÓ MÚI
Các nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới đã thành công trong việc làm rõ mối liên hệ giữa việc ăn các loại quả có múi và việc giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Điển hình trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa (như ung thư thực quản, ung thư miệng, ung thư thanh quản, ung thư vòm họng và ung thư dạ dày), kết quả nghiên cứu cho thấy có sự suy giảm 40 – 50%.
Tuy nhiên, các loại ung thư khác cũng là mục tiêu của các loại quả có múi. Trong các nghiên cứu gần đây, trẻ em từ 2 tuổi thường xuyên uống nước cam ép sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư máu (bạch cầu tủy cấp).
Cơ chế can thiệp của các loại quả có múi đến bệnh ung thư
Các nghiên cứu đều ghi nhận rằng các hợp chất hóa học chính hiện diện trong các loại quả có múi, polyphenol và terpene, có khả năng can thiệp vào quá trình phát triển ung thư. Cơ chế tác động này chưa được tìm hiểu rõ nhưng các nghiên cứu cho thấy hợp chất hóa học tự nhiên trong các loại quả có múi đã ngăn chặn sự tăng trưởng khối u bằng cách tác động trực tiếp lên tế bào ung thư, giảm khả năng sản sinh của chúng.
Một trong những tác động chính của các loại quả có múi là cơ chế khử (tiêu diệt) các hoạt chất gây ung thư. Sự tương tác của các hợp chất trong cơ chế này được minh họa bằng tác động đáng ngạc nhiên của nước ép bưởi đối với quá trình trao đổi chất của thuốc.
Trong một nghiên cứu về tác động của rượu lên các loại thuốc điều trị chứng rối loạn nhịp tim, các nhà nghiên cứu bất ngờ khám phá nước ép bưởi (được sử dụng để “che giấu” vị của rượu) có tác dụng làm tăng gấp đôi số lượng thuốc hấp thu vào máu, do đó làm tăng số lượng và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ. Ảnh hưởng tương tự cũng được quan sát đối với các thuốc nhóm statin dùng để hạ cholesterol trong máu.
Các nghiên cứu này cho thấy các loại quả có múi có thể điều hòa hệ thống liên quan đến quá trình chuyển hóa của các hợp chất lạ trong cơ thể. Hiện nay, chúng ta biết rằng các tác động này phần lớn là do các phân tử thuộc nhóm coumarin, deoxybergamottin đã bất hoạt các enzyme của gan trong quá trình chuyển hóa thuốc (cytochrome P4503A4). Đặc tính này là rất quan trọng, thậm chí nó có thể làm tăng các tính năng chống ung thư của các hợp chất hóa học tự nhiên có trong những loại rau củ quả khác.
LỢI ÍCH CỦA CÁC LOẠI QUẢ CÓ MÚI
Nhìn chung, các loại quả có múi không chỉ đơn thuần là nguồn cung cấp vitamin C mà chúng còn cung cấp cho cơ thể đa dạng các hoạt chất tự nhiên chống ung thư. Nhiều hợp chất hiện diện trong những loại quả này có khả năng tác động trực tiếp lên tế bào ung thư, làm ngừng quá trình tăng trưởng của chúng. Các hợp chất này cũng tác động vào tiến trình kháng viêm bằng cách làm thay đổi quá trình hấp thu và tiêu diệt các hợp chất gây viêm. Dùng các loại quả có múi hằng ngày là cách đơn giản mà hiệu quả để ngăn chặn ung thư.
Tóm tắt
• Các loại quả có múi là nguồn thực phẩm thiết yếu ngăn chặn ung thư, nhờ vào khả năng tác động trực tiếp lên các tế bào ung thư, cũng như khuếch đại hoạt tính chống ung thư của các hợp chất tự nhiên khác có trong thực phẩm ăn vào.
• Dùng các loại quả có múi dưới dạng trái cây tươi tráng miệng hoặc nước ép cung cấp cho cơ thể dồi dào các phân tử chống ung thư, trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu vitamin và khoáng chất thiết yếu hàng ngày.