Theo sự phát triển của Phật giáo, việc học và thực hành thiền ngày một trở nên “hot” trong lòng xã hội. Tuy nhiên, tôi muốn nhắc lại một câu nói rất thú vị trong nhà thiền: “Ngộ đạo không phải tại đôi chân, thuyết pháp đâu chỉ do cái miệng”, qua đó có thể thấy, cổ đức xưa đã ý thức được rằng giác ngộ không hẳn là do ngồi thiền, và một người hoằng dương chánh pháp đúng nghĩa không chỉ thuần túy là thuyết giảng.
Hầu hết các tôn giáo ở Ấn Độ đều sử dụng thiền như một phương pháp luyện tập, họ tin rằng ngồi kiết già là tư thế tốt nhất để hành thiền.
Ngồi thiền không phải là phương pháp tu luyện thân tâm của người Trung Quốc, nó được du nhập vào từ Ấn Độ. Ngồi thiền là phương pháp thực hành để hướng đến ba mục đích: (1) Yên thân để định tâm; (2) Phương pháp tu định, hợp các niệm về một mối; (3) Là một tư thế cơ bản trong hành thiền tham ngộ. Và vậy nên, thiền không phải là pháp môn tu tập của riêng Phật giáo, song hầu hết tín đồ Phật giáo chọn phương pháp tọa thiền để làm phương pháp tu tập.
Ngồi thiền giúp hồi sinh và điều chỉnh các chức năng sinh lý, ổn định và cân bằng tinh thần và tình cảm, đồng thời thanh lọc và nâng cao cảnh giới tâm linh. Thiền tông chủ trương rằng, hành giả mới bắt đầu thực hành thiền nên khởi sự bằng việc ngồi thiền, vì tư thế ngồi thiền này vừa rất tốt cho thể lực, cũng vừa là cách dễ dàng nhất để đi vào chánh niệm và loại bỏ những vọng tưởng, tạp niệm. Còn như với những người học Phật và thực hành các pháp tu lâu ngày thì ngồi thiền tự thân nó không phải là tu hành. Bởi Thiền tông còn được gọi là Tâm tông, tức lấy việc luyện tâm làm nhiệm vụ chính yếu. Ban đầu, mượn phương pháp ngồi tĩnh tọa để chuyển tâm tán loạn vọng niệm về tâm chuyên chú một mối, chuyển về “nhất tâm”. Và cảnh giới cao nhất mà Thiền tông hướng đến chính là vô ngã, vô tướng, vô chấp trước, vô tâm, đó là cảnh giới mà Thiền tông gọi là kiến tánh khai ngộ.
Cho nên, nếu nói theo đúng tinh thần của Thiền tông thì hành giả không lấy việc tu thân làm căn bản mà phải hướng đến việc tu tâm, làm sao để sau một quá trình thiền tập mượn thân để tu tâm, hành giả vượt khỏi cái giới hạn của thân tâm, đạt tới chỗ mà kinh gọi là tự tại giải thoát. Tâm nói ở đây chính là lấy một niệm ngay nơi hiện tại của bản thân, rồi quan sát với niệm trước và niệm sau, thông qua đó nhận thấy rõ ràng xu hướng biến chuyển của tâm, phải nhìn ra được nó là gì và nó đang làm gì, mục đích của việc hành trì này không ngoài việc luyện tâm của mình, không để ngoại duyên ngoại cảnh tác động để làm loạn tâm. Kiểu thức công phu thế này thường được gọi là “tâm bất tùy cảnh chuyển”.
Luyện tâm không những khiến cho bản tâm của mình không phóng dật và chuyển biến theo cảnh, trái lại, còn có thể khiến hoàn cảnh chuyển biến theo tâm của mình; tất nhiên, muốn làm được như vậy đòi hỏi hành giả phải hành thiền một thời gian. Ví dụ, khi hành thiền và giữ được tâm ở trạng thái chánh niệm, không tán loạn, khi đó, mỗi hành vi tác ý của chúng ta có thể tác động và ảnh hưởng đến những người chung quanh làm cho họ thay đổi, đó chính là tâm chuyển cảnh. Nếu mình thực tập hành trì chuyên nhất, khiến tâm được nhu nhuyễn, an định thì đồng thời cũng sẽ có tác động khiến cho người chung quanh đi vào trạng thái an định của nội tâm. Cho nên, các bạn thử để ý xem, mỗi lần tiếp xúc với một bậc chân tu, chúng ta luôn có cảm giác bình yên, thân tâm đều nhẹ nhàng. Chính cái từ trường từ tâm lực do vị ấy tu hành tác động và ảnh hưởng đến mình, mang lại cho mình cảm giác an lạc, an định.
Như vậy, tu hành không nhất thiết phải ngồi thiền, nhưng chính ngồi thiền là phương pháp trợ duyên đắc lực cho bạn tu hành. Ngày nay, chúng ta thấy có một số người, vì để thể hiện một quan niệm nào đó và hy vọng giành được sự đồng tình của công chúng, họ chọn giải pháp ngồi tĩnh tọa ở một góc đường hay một ngã tư nào đó. Nhưng theo tôi, đó là tĩnh tọa theo một phương thức biểu tình hay đấu tranh, nó không mang ba ý nghĩa của việc tọa thiền mà tôi nêu trên, và tất nhiên, nó không liên quan gì đến việc tu hành. Tuy nhiên, phố xá cũng là một nơi lý tưởng để thực hành thiền, tôi nghĩ đã cất công xuống phố để tĩnh tọa thì sao không chịu khó thêm một chút nữa để học thiền thật sự chứ?